Trang chủ    Bài nổi bật    Đạo tin lành ở người H’Mông Tây Bắc nước ta
Thứ hai, 21 Tháng 12 2015 15:14
5407 Lượt xem

Đạo tin lành ở người H’Mông Tây Bắc nước ta

(LLCT) - Tây Bắc là nơi tập trung phần lớn người H’Mông của nước ta. Về mặt tôn giáo, trước những năm 1980, người H’Mông ở đây chủ yếu theo vật linh giáo và thờ cúng đa thần, không có người theo đạo Tin lành. Từ năm 1987 đã có một bộ phận người H’Mông chuyển đổi theo đạo Tin lành, và hiện nay có khoảng trên 100 nghìn tín đồ. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong đời sống tôn giáo của người H’Mông. Sự xâm nhập và phát triển của đạo Tin lành đã ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến cộng đồng người H’Mông ở khu vực.

1. Sự phát triển của đạo Tin lành ở vùng Tây Bắc

Tây Bắc là nơi tập trung phần lớn người H’Mông của nước ta. Về mặt tôn giáo, trước những năm 1980, người H’Mông ở đây chủ yếu theo vật linh giáo và thờ cúng đa thần, không có người theo đạo Tin lành. Từ năm 1987 đã có một bộ phận người H’Mông chuyển đổi theo đạo Tin lành, và hiện nay có khoảng trên 100 nghìn tín đồ. Đây là một sự thay đổi đáng kể trong đời sống tôn giáo của người H’Mông. Sự xâm nhập và phát triển của đạo Tin lành đã ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến cộng đồng người H’Mông ở khu vực. Từ năm 1993 đến năm 2004, đạo Tin lành đã phát triển đột biến và tạo nên tình trạng rất phức tạp trong cộng đồng người Mông. Vào năm 1996, có khoảng 79 nghìn người H’Mông ở vùng miền núi phía Bắc theo đạo Tin lành; đến năm 2004, có khoảng 105 nghìn người theo đạo (chiếm 13% tổng số người H’Mông ở nước ta)(1). Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, những người H’Mông tích cực đã phân phát Kinh thánh trong cộng đồng của họ, lập danh sách những người theo đạo gửi chính quyền các địa phương để được theo đạo công khai. Họ thường tập hợp tại một gia đình hoặc một địa điểm nhất định để nghe giảng Kinh thánh từ đài hay máy ghi âm mỗi tuần một, hai lần.

Về mặt tổ chức, ở nhiều nơi đã lập các Ban lãnh đạo, Ban phụ nữ, Ban thanh, thiếu niên. Hầu hết các cơ sở sinh hoạt tôn giáo được xây dựng
chưa được phép của chính quyền địa phương.

Ngày 4-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 01 về một số công tác đối với đạo Tin lành. Chỉ thị 01 được triển khai, tình hình đạo Tin lành ở Tây Bắc đã từng bước ổn định theo hướng tuân thủ pháp luật. Ở một số nơi, số người theo đạo Tin lành tăng nhẹ, những khó khăn, phức tạp trong lãnh đạo, quản lý của các tỉnh được tháo gỡ.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, đến nay có trên 100 nghìn người H’Mông ở khu vực Tây Bắc theo đạo Tin lành. Tỉnh Lào Cai, đến năm 2011 có khoảng 20 nghìn người H’Mông theo đạo thuộc 6 tổ chức, hệ phái Tin lành. Đáng lưu ý là, số người theo đạo Tin lành tiếp tục gia tăng ở huyện Sa Pa vì ở đây có nhiều người nước ngoài đến du lịch và truyền giáo. Có 87 điểm nhóm Tin lành đã được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung.

Tỉnh Cao Bằng, đến năm 2010 có trên 7 nghìn người H’Mông theo đạo Tin lành. Đến năm 2013 có 105 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt. Tỉnh Hà Giang, đến năm 2011 có khoảng 15 nghìn người H’Mông theo đạo Tin lành (ở các huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Yên Minh, Quang Bình và Mèo Vạc).

Tại tỉnh Điện Biên, tình hình đạo Tin lành tiếp tục biến đổi mạnh, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới. Các hệ phái Tin lành đã công kích nhau để tranh giành ảnh hưởng. Về số lượng, có trên 26 nghìn người H’Mông theo đạo (năm 2011). Có 8 điểm nhóm Tin lành đã được cấp đăng ký sinh hoạt (năm 2013).

Ở tỉnh Sơn La, có khoảng 4 nghìn người theo đạo, ở huyện Sốp Cộp, Sông Mã, Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu và Phù Yên (toàn bộ số người theo đạo là người H’Mông). Toàn tỉnh có 2 điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt.

2. Ảnh hưởng của đạo Tin lành đối với cộng đồng người H’Mông

 Khi nghiên cứu ảnh hưởng của đạo Tin lành ở một số nước tư bản châu Âu, Max Weber cho rằng, đạo đức Tin lành là một yếu tố căn bản thúc đẩy việc tích lũy tư bản hình thành nên chủ nghĩa tư bản(2). Trong thực tiễn, vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đạo Tin lành thể hiện khá rõ ở các quốc gia, khu vực trên thế giới. Ở Mỹ, đạo Tin lành có tác động tích cực đến các mặt văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội. Những nước phát triển thuộc khu vực Bắc Âu, như Thụy Điển, Phần Lan là những nơi có đông dân số theo đạo Tin lành. Ở châu Á, trong vài thập niên gần đây người ta nói đến hiện tượng Hàn Quốc, và có thể khẳng định tác động tích cực của đạo Tin lành đối với sự phát triển của quốc gia này. Thậm chí, đạo Tin lành đã có nhiều ảnh hưởng tích cực đến văn hóa - xã hội Trung Quốc trong suốt thời kỳ từ khi được truyền vào (từ giữa thế kỷ XIX) đến trước thời kỳ cải cách, mở cửa.

Đối với khu vực Tây Bắc nước ta, tác động tích cực của đạo Tin lành, trước hết là đối với những người H’Mông theo đạo thể hiện trên một số mặt như: góp phần vào thay đổi lối sống theo hướng tiến bộ hơn; đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng.

Theo đạo Tin lành giúp tín đồ giảm bớt những hủ tục trong tổ chức đám cưới, đám tang hay việc chữa bệnh. Chẳng hạn, khi có người chết, họ tổ chức mai táng trong thời gian 24 giờ, đám cưới cũng gọn nhẹ hơn, thuận tiện trong cuộc sống của tín đồ(3).

Sinh hoạt tôn giáo hấp dẫn giới trẻ và phụ nữ. Cứ vào sáng Chủ nhật, họ lại gặp gỡ và chia sẻ với nhau về những vấn đề trong cuộc sống. Họ cũng được thưởng thức và tham dự hát những bài thánh ca, hay những hoạt động văn hóa, văn nghệ. Những điều đó làm cuộc sống của họ vui tươi nhẹ nhõm hơn.

Về mặt kinh tế - xã hội, đức tin tôn giáo khuyến khích người H’Mông trong làm ăn kinh tế. Môi trường sống của thôn bản cũng sạch sẽ, gọn gàng hơn. Bạo lực gia đình có biểu hiện giảm. Người H’Mông theo Tin lành cũng thực hiện khá tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định của các địa phương.

Trong cộng đồng theo đạo Tin lành, người phụ nữ trở nên năng động và tích cực hơn trong việc tham gia các hoạt động xã hội và tôn giáo, phụ nữ H’Mông có nhiều cơ hội tham gia các công việc trong cộng đồng và thể hiện mình hơn.

Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, đạo Tin lành cũng có những tác động tiêu cực đến đời sống văn hoá của đồng bào H’Mông ở Tây Bắc.

Đạo Tin lành là một tôn giáo độc thần, coi Chúa trời là duy nhất, là nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng trên thế giới. Đạo Tin lành phát triển vào cộng đồng người H’Mông đã làm cho văn hóa truyền thống có phần bị “tổn hại”. Người H’Mông theo Tin lành đã từ bỏ hầu hết những sinh hoạt tôn giáo truyền thống, kể cả việc thờ cúng ông bà, tổ tiên. Với đa số người H’Mông nói riêng và phần lớn người dân Việt Nam nói chung thì hành động này là không thể chấp nhận được, vì vậy, xung đột văn hóa đã xảy ra.

Mâu thuẫn giữa người H’Mông theo đạo Tin lành và không theo đạo nảy sinh ngay trong làng bản và gia đình.

Lý giải việc một bộ phận người H’Mông ở vùng Tây Bắc theo đạo Tin lành từ cuối những năm 80 đến nay là các nguyên nhân sau:

- Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người H’Mông khó khăn

Người H’Mông thường sinh sống trên núi cao nên điều kiện sống, sản xuất và canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Ở nhiều vùng người H’Mông, một bộ phận dân cư thiếu lương thực, đặc biệt là vào thời kỳ giáp hạt. Tỷ lệ hộ người H’Mông diện đói nghèo ở tỉnh Sơn La năm 2006 là 75%. Người H’Mông cũng thiếu những phương tiện nghe nhìn, giải trí, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật. Có nhiều thời gian nhàn rỗi, lại gặp khó khăn, thiếu thốn về đời sống vật chất, tinh thần khiến người H’Mông dễ dàng chấp nhận theo đạo Tin lành với hy vọng sẽ tìm ra “con đường mới” cho cuộc sống của họ.

- Truyền đạo là yếu tố cơ bản đầu tiênlàm cho người H’Mông theo đạo Tin lành. Trong thời gian qua, các tổ chức, hệ phái Tin lành trên thế giới và ở Việt Nam đã tăng cường truyền đạo vào vùng người H’Mông Tây Bắc, thông qua đài phát thanh, băng, đĩa, các mục sư, truyền đạo. Chương trình của đài FEBC có nhiều nội dung đề cập đến lịch sử và văn hóa của người H’Mông, chia sẻ những mối quan tâm thường nhật của họ... Vì vậy, người H’Mông thích nghe đài này và dần dần chấp nhận theo đạo Tin lành, mặc dù họ không hề thấy hình ảnh của Chúa Giê su hay một quyển Kinh thánh. Kết quả một cuộc khảo sát tại một xã của tỉnh Lào Cai năm 2008 cho thấy, 60% tín đồ người H’Mông biết đến Chúa trời qua đài phát thanh.

Người H’Mông vốn có truyền thống văn hóa đặc sắc, biểu hiện ở kho tàng truyền thuyết, âm nhạc, dân ca, dân vũ, hay lễ hội. Tuy nhiên, đến nay, nhiều truyền thống văn hóa đó đã mai một, trong khi đó nhiều hủ tục vẫn tồn tại. Chẳng hạn, theo truyền thống, đám tang của người H’Mông kéo dài 3 - 4 ngày, gia chủ phải giết trâu, giết lợn làm cỗ rất tốn kém. Đám cưới cũng vậy, thời gian 2 - 3 ngày và tốn kém. Điều đó làm cho đời sống của người H’Mông vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn(4). Trong khi người H’Mông theo đạo Tin lành lại tổ chức các nghi lễ này theo hướng đơn giản, tiết kiệm, nên nhiều người H’Mông theo đạo Tin lành để giảm bớt hủ tục, cũng là để giảm bớt khó khăn cho cuộc sống.

Giáo dục vùng cao còn nhiều khó khăn, dẫn đến trình độ học vấn của người H’Mông còn thấp. Tỷ lệ người H’Mông mù chữ và tái mù chữ khá cao, đặc biệt là phụ nữ(5). Điều đó làm cho người dân dễ tin, nghe theo những người truyền đạo và theo đạo.

- Do nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng của người dân

Tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu văn hóa tinh thần của một bộ phận lớn người dân. Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, năm 2013, có 27% dân số (24 triệu người) là tín đồ các tôn giáo. Hơn nữa, nếu kể đến những người có đời sống tôn giáo, tâm tinh, thì tỷ lệ lên tới hơn 80% dân số.

Đối với một bộ phận người H’Mông, trước khi theo đạo Tin lành, họ đã theo tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống là vật linh giáo và thờ cúng đa thần. Do sự tác động của những yếu tố, như đã trình bày ở trên, người dân chấp nhận theo đạo Tin lành để lấp vào “khoảng trống tâm linh” và cũng để tìm lối thoát cho cuộc sống hiện tại.

Tình hình đạo Tin lành trong cộng đồng người H’Mông ở vùng Tây Bắc đang đặt ra một số vấn đề cấp bách sau:

- Đề phòng và giải quyết các xung đột văn hóa

Xung đột xảy ra trong đời sống văn hóa cộng đồng truyền thống, như lễ hội, âm nhạc trong cuộc sống xã hội giữa người H’Mông theo và không theo đạo. Thêm nữa, có tình trạng các tổ chức, hệ phái Tin lành tăng cường khuếch trương thanh thế, cạnh tranh tín đồ lẫn nhau tạo nên sự phức tạp của chính cộng đồng người H’Mông theo đạo, từ đó dễ tạo ra yếu tố gây mất trật tự, an ninh trong thôn bản người H’Mông.

- Quản lý hoạt động của đạo Tin lành

Đến nay, các tỉnh Tây Bắc đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho 418/1.236 điểm nhóm Tin lành(6). Sau khi được cấp đăng ký, rất nhiều công việc liên quan đến đạo Tin lành, như việc xây dựng nơi sinh hoạt tôn giáo (nhà thờ, nhà nguyện), xuất bản kinh sách, đào tạo người hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo (mục sư, truyền đạo)... gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu thốn kinh phí, nhân lực. Công tác quản lý, khó khăn do chính sách đối với đạo Tin lành của Đảng, Nhà nước hiện có còn thiếu những quy định về những công việc này.

Mặt khác, đến nay còn tới 2/3 số điểm nhóm Tin lành (hơn 800 điểm nhóm) chưa được cấp đăng ký sinh hoạt, nên việc quản lý hoạt động của các điểm nhóm này thực sự khó khăn với chính quyền cấp xã, vì các điểm nhóm nằm rải rác trên diện rộng với địa hình khó khăn trong việc đi lại. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở cấp xã thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực công tác.

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo

Đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở khu vực Tây Bắc còn nhiều bất cập. Hầu hết chưa được đào tạo bồi dưỡng kiến thức về công tác tôn giáo, do đó gặp nhiều khó khăn trong công tác.

Như vậy, hiện nay ở Tây Bắc nước ta có một cộng đồng Tin lành người H’Mông đông đảo. Đạo Tin lành đã ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến lối sống, đạo đức, văn hóa và kinh tế - xã hội. Tình hình đạo Tin lành người H’Mông ở Tây Bắc hiện nay đang đặt ra những vấn đề về tôn giáo và xã hội cần được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết trong quá trình phát triển r

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2015

(1) PGS, TS Nguyễn Đức Lữ (chủ nhiệm): Kỷ yếu đề tài nhánh Chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với đạo Tin lành trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Chính phủ, Viện Nghiên cứu Tôn giáo và Tín ngưỡng, Hà Nội, 2005, tr.5.

(2) Max Weber: Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản,Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang dịch, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2008.

(3) Xem: Vayong Moua: Hmong Christianity: Conversion, Consequence, and Conflict, St. Olaf College; Northfield, Minnesota 1995 (Hmong Electronic Resources Project), p.14.

(4) Đặt trong hoàn cảnh mức sống, thu nhập của phần lớn người H’Mông còn rất thấp, đời sống còn nhiều khó khăn thì việc giết trâu, giết lợn để tổ chức đám cưới, đám tang, lễ hội là một khoản chi phí lớn, vượt quá khả năng kinh tế của người dân.

(5) Qua khảo sát ở một số bản người H’Mông thuộc tỉnh Điện Biên và Lai Châu năm 2004, phụ nữ H’Mông trên 30 tuổi hầu như không giao tiếp được bằng tiếng Việt.

(6) Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ, tháng 6-2014: Số lượng tín đồ đạo Tin lành trong mỗi điểm nhóm khác nhau. Điểm nhóm nhỏ có vài chục người. Trong khi đó, với những điểm nhóm lớn số lượng có thể lên đến vài trăm người.

 

TS Nguyễn Khắc Đức

Viện Nghiên cứu Tôn giáo, tín ngưỡng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Mi

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền