Trang chủ    Bài nổi bật    Quan điểm của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Thứ năm, 25 Tháng 2 2016 17:01
2618 Lượt xem

Quan điểm của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng

(LLCT) - Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tuy nhiên cũng còn không ít hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Nhận thức rõ thực trạng tham nhũng và những nguy cơ mà vấn nạn này gây ra, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, và thành lập Ban chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15-5-1996 nêu rõ: Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Nó góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân… Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ cho đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, trước hết là cuộc đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tùy tiện, vô nguyên tắc của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đó là cuộc đấu tranh đầy cam go, phức tạp, đòi hỏi có sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng.

Đại hội X xác định, phòng, chống tham nhũng lànhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và cần thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả.

Hội nghị Trung ương 3 khóa X ban hành Nghị quyết về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã xác định rõ mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là: ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính. Các giải pháp để thực hiện như sau:tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết chống tham nhũng; nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức Đảng và đảngviên, tăng cường vai trò của chi bộ đảng trong quản lý, giáo dục đảng viên;tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng;thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng; xây dựng, kiện toàn các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng được thành lập theo Luật phòng, chống tham nhũng;tăng cường giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử;tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Một trong những nội dung quan trọng Hội nghị Trung ương 9 đề ra  nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát huy dân chủ xã hội là làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát; phối hợp thật tốt giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, nhất là khi giải quyết các trường hợp có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết xử lý nghiêm kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật các vụ việc tham nhũng, tịch thu tài sản tham nhũng. Kiện toàn hệ thống các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; có chính sách bảo vệ người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí

Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã ban hành Nghị quyết về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Sớm tổng kết toàn diện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng. Kiện toàn và tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan phòng, chống tham nhũng. Xét xử nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa X về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đề ra 6 giải pháp: nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác phòng, chống tham nhũng. Ở Trung ương, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Ở địa phương, tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng tiếp tục đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2014-2015, trong đó, đề cao các giải pháp về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làđẩy mạnh thực hiện cải cách tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, đề cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kịp thời tại các cơ sở, hạn chế phát sinh các khiếu nại vượt cấp, đông người; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, kéo dài.

Để không ngừng tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, qua các kỳ đại hội, từ Đại hội IX đến Đại hội XI của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định về Những điều đảng viên không được làm, trong đó quy định rõ những hành vi nghiêm cấm đảng viên không được làm, như: quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác hoặc đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định, đưa, nhận hoa hồng hoặc môi giới đưa, nhận hoa hồng trái quy định...

Cụ thể hóa quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Với sự quyết tâm, nỗ lực của các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hoá, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng, lãng phí đã từng bước được kiềm chế.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử

 

ThS Trần Văn Lâm

Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền