Trang chủ    Bài nổi bật    Một số giải pháp phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Thứ hai, 14 Tháng 3 2016 16:22
8643 Lượt xem

Một số giải pháp phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế

(LLCT) - Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng nông hộ nông dân, đòi hỏi phải nhận thức và vận dụng tổng hợp hệ thống các quy luật kinh tế, xã hội và tự nhiên. Trong nền nông nghiệp hàng hoá gắn với hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi phải phát triển nông nghiệp trong quan hệ với công nghiệp, dịch vụ, thị trường quốc tế. Trên cơ sở những nghiên cứu thực tiễn, xin đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Một là, xác định đúng vai trò của nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tạo căn cứ để đề ra chính sách và giải pháp phù hợp

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá IX của Đảng đã ban hành Nghị quyết “Về đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn”. Nghị quyết khẳng định: “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”(1).

Để thống nhất nhận thức đối với chủ trương của Đảng ta về vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá, theo chúng tôi cần lưu ý những vấn đề sau đây:

Trước đổi mới, các chính sách phát triển nông nghiệp thường thiên về thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, có phần chưa coi trọng đúng mức vai trò, lợi ích của chủ thể chính, động lực chính của phát triển nông nghiệp là nông dân. Cần quán triệt rằng, mọi chính sách, chủ trương phát triển nông nghiệp phải chú ý đến nông dân, vì mục tiêu, động lực chính để phát triển nông nghiệp là nông dân. Hay nói một cách khác, phát triển nông nghiệp trước hết là do nông dân và vì nông dân. Đến nay, ở nước ta vẫn còn hiện tượng được mùa nhưng nông dân không phấn khởi, được mùa mà thu nhập không tăng.Nếu tình hình này kéo dài mà không được giải quyết sẽ làm mất động lực phát triển nông nghiệp. Do đó, yêu cầu cơ bản của mọi chính sách nông nghiệp là huy động được sức mạnh, tinh thần nhiệt tình của nông dân và mỗi bước của quá trình phát triển nông nghiệp phải là mỗi bước nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.

Nông thôn không đơn thuần là khu vực xã hội mà còn là khu vực kinh tế - kinh tế nông thôn. Trên địa bàn nông thôn, ngoài nông nghiệp, còn có công nghiệp, dịch vụ - thường gọi chung là những hoạt động phi nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn về mặt xã hội phải gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ lệ các hoạt động phi nông nghiệp.

Như vậy, phát triển nông nghiệp nước ta không thể tách rời việc tiếp tục giải quyết vấn đề nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, nông nghiệp nước ta vẫn tạo ra khoảng 22% GDP, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu và gắn liền với việc làm, thu nhập và đời sống của khoảng 55% lao động và khoảng 65% dân số cả nước. Trong quá trình hội nhập, nông sản nước ta đang phải cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước. Chủ thể sản xuất chính, chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong kinh tế nông nghiệp Việt Nam hiện nay là hộ nông dân. Có thể nói, kinh tế hộ nông dân đang là lực lượng tạo ra hầu hết các nông sản chủ yếu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.Tuy có nhiều ưu thế nhưng kinh tế hộ nông dân gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đa số các hộ nông dân, nhất là ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu vốn, thiếu kiến thức kinh doanh, thiếu khả năng dự báo, tiếp cận với thị trường - nhất là thị trường quốc tế. Vì thế, họ thường xuyên phải đối mặt với rủi ro trong kinh doanh mà nguyên nhân chủ yếu là thiên tai, dịch bệnh và sự thay đổi thường xuyên của thị trường. Do đó, thiếu sự tác động của Nhà nước thông qua luật pháp, chính sách và của chính khu vực kinh tế nhà nướcthì tự thân hàng chục triệu hộ nông dân nước ta rất khó trụ vững trước sự cạnh tranh gay gắt của tự do giao lưu hàng hoá, mở cửa và hội nhập.

Đối với phát triển bền vững ở nước ta, vai trò của nông nghiệp, nông thôn thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau đây:

Đối với bền vững kinh tế: Ngành nông nghiệp ít phụ thuộc nguồn đầu vào từ nước ngoài, tạo ra khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu; tạo nguyên liệu cho công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, v.v..

Đối với bền vững chính trị - xã hội: Nông nghiệp, nông thôn liên quan đến thu nhập, việc làm, đời sống của gần 65% dân cư, 55% lao động xã hội, cung cấp lương thực, thực phẩm - nhu cầu cơ bản của con người, là ngành gắn liền với dân cư ở vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, v.v..

Đối với bền vững tài nguyên, môi trường: Sử dụng đất đai, nguồn nước, bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng các biện pháp sinh học, v.v..

Hai là, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá

Cây lương thực vẫn chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong cơ cấu cây trồng. Trong cây lương thực, lúa vẫn là cây trồng chiếm vị trí tuyệt đối về diện tích, lao động và vốn đầu tư của toàn ngành trồng trọt.

Trong thập kỷ tới, định hướng cơ bản trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp là:

Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. An ninh lương thực quốc gia không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề chính trị - xã hội. Tuy vậy, phải giải quyết vấn đề an ninh lương thực theo quan điểm sản xuất hàng hoá và nâng cao hiệu quả chung của ngành nông nghiệp.

Trong thời gian tới cần có những biện pháp kinh tế phù hợp để giữ cho được khoảng gần 4 triệu héc ta đất trồng lúa, tăng năng suất lúa để đạt sản lượng hằng năm khoảng 40 triệu tấn lương thực. Hình thành những vùng lúa cao sản để tạo ra nguồn nông sản ổn định.

Trong chuyển dịch ngành trồng trọt, tạo điều kiện và hỗ trợ cho các hộ nông dân chuyển dịch theo hướng tạo ra thu nhập và lãi lớn nhất trên một đơn vị diện tích đất đai. Muốn thực hiện được yêu cầu đó, vừa phải điều tra nắm bắt nhu cầu thị trường, vừa phải tiết kiệm chi phí sản xuất, chế biến, tiêu thụ hàng hoá.

Cần lựa chọn nhóm các hướng cây trồng, vật nuôi sau: (1) Nhóm khả năng cạnh tranh nhưng buộc phải có sự tác động lớn; (2) Nhóm các sản phẩm Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu (thuỷ sản, cà phê, cao su, rau quả...); (3) Nhóm các sản phẩm thay thế nhập khẩu.

Dù có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhưng hiện nay, hằng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu bông, thịt bò cao cấp, một số loại rau. Mở rộng diện tích bông không những giải quyết vấn đề nguyên liệu cho ngành may mà còn góp phần tạo thêm hàng trăm nghìn việc làm mới cho dân cư (trồng bông và dệt, may).

Mở rộng nuôi trồng thuỷ sản, ưu tiên chăn nuôi những ngành ít tiêu dùng lương thực. Nhanh chóng thực hiện thâm canh ngành chăn nuôi.

Ba là, thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn

Ở nước ta, công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được thực hiện trước đổi mới. Trong những năm gần đây, công tác quy hoạch bước đầu được chú trọng hơn. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu các căn cứ để xây dựng và điều chỉnh quy hoạch, trong đó, cần lưu ý những căn cứ chính:

- Khảo sát, dự báo thị trường và những thay đổi về kinh tế - chính trị khu vực và quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp. Trong đó, cần chú ý đến sự thay đổi của quan hệ kinh tế quốc tế trực tiếp ảnh hưởng đến Việt Nam như: (a) Về sản phẩm chủ lực của nông sản Việt Nam; (b) Về quan hệ của Việt Nam đối với các tổ chức kinh tế quốc tế như ASEAN, WTO; (c) Về quan hệ với các đối tác và đối thủ cạnh tranh chính cho những mặt hàng chủ lực.

- Điều tra toàn diện về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của các vùng làm căn cứ xác thực, toàn diện cho việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp.

- Điều chỉnh quy hoạch về quy mô, cơ cấu các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp nước ta. Trong việc xác định các nhóm nông sản cho tương lai, cần so sánh rõ hơn với các đối tác và đối thủ cạnh tranh quốc tế, ít nhất cho ba nhóm sản phẩm nông nghiệp sau đây:

Nhóm 1 gồm các nông sản có lợi thế và có quy mô xuất khẩu lớn như lúa gạo, cà phê, điều, hồ tiêu, một số thuỷ sản...

Nhóm 2 gồm các nông sản có khả năng cạnh tranh, có điều kiện như chè, rau quả, một số sản phẩm chăn nuôi.

Nhóm 3 gồm các nông sản có khả năng phát triển để thay thế nhập khẩu như sữa, thịt bò, bông...

Trước mắt, cần ưu tiên thực hiện quy hoạch nông thôn cho các vùng nông thôn ven đô thị, vùng nông thôn đồng bằng, vùng có tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá cao. Trong quy hoạch nông thôn, ít nhất phải thể hiện việc quy hoạch không gian đất đai cho các mục đích sau đây:

+ Đất đai dùng cho sản xuất nông nghiệp.

+ Đất đai dùng làm nhà ở, xây dựng các khu dân cư theo yêu cầu kết hợp giữa kinh tế với văn hoá, xã hội và môi trường.

+ Đất dành cho sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ.

+ Đất dành cho giao thông, thuỷ lợi và các kết cấu hạ tầng khác.

+ Đất dành cho các cơ sở văn hoá, phúc lợi.

Bốn là, đưa nhanh tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Điểm đột phá, động lực quan trọng tạo nên những thay đổi lớn trong nông nghiệp nước ta là thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, giao quyền sử dụng đất đai lâu dài cho hộ nông dân và nông dân được tự do phân phối kết quả sản xuất. Đến nay, về cơ bản, những điều trên đã được thể chế hoá bằng pháp luật, chính sách và triển khai trong thực tiễn. Nhưng sau động lực đó, động lực tiếp theo của phát triển nông nghiệp là gì? Theo chúng tôi, những thay đổi lớn trong nông nghiệp chủ yếu là thay đổi cách quản lý, thay đổi cơ chế, chưa có sự thay đổi lớn lao về cách làm nông nghiệp. Trong thời gian tới, cùng với tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách, cần xúc tiến một cuộc cách mạng về công nghệ trong nông nghiệp.

Năm là, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng tiêu thụ hàng nông sản và các hàng hoá từ nông thôn

Trong nền nông nghiệp hàng hoá, do nhiều nhân tố khác nhau tác động, nông sản phẩm đến tay người tiêu dùng thường diễn ra tình trạng: sản xuất nông nghiệp trải rộng ra trên không gian rộng nên thường tạo ra sự chênh lệch giữa giá nông trại và giá thị trường; sản phẩm nông nghiệp ứ đọng trong khi thị trường vẫn khan hiếm hoặc đắt đỏ.

Trong những năm gần đây, tiêu thụ nông sản đã trở thành một vấn đề khó khăn, thách thức lớn đối với nông nghiệp nước ta. Trong khi nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống thường xuyên quanh năm; nhưng sản phẩm lại theo mùa vụ do gắn với đất đai và khí hậu nên sản xuất nông sản được trải ra trên không gian rộng; nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ thường cách xa nhau. Do đó, phát triển công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến, xử lý quan hệ giữa giá nông sản tại nơi sản xuất và nơi tiêu dùng cuối cùng có vai trò rất quan trọng đối với kinh tế nông nghiệp.

Hiện nay, chi phí đầu tư còn cao, giá nông sản tại ruộng của nông dân cao và sự yếu kém của bảo quản, chế biến, vận tải, dịch vụ... làm cho giá của nông sản phẩm rất cao, làm giảm khả năng cạnh tranh và tiêu thụ nông sản. Thực tế này đòi hỏi phải được nghiên cứu, phân tích lợi thế của từng vùng để quy hoạch các vùng nông sản phù hợp; giảm thiểu chênh lệch giữa giá nông trại và giá thị trường của nông sản cũng như giảm thiểu hao hụt sau thu hoạch; kết hợp ngay từ đầu giữa sản xuất nguyên liệu nông sản với công nghiệp chế biến; giảm thiểu chi phí vận tải, dịch vụ lưu thông nông sản; tổ chức tiêu thụ sản phẩm khoa học chủ động, hiệu quả.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2015

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.94.

TS Nguyễn Văn Sáu

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền