Trang chủ    Bài nổi bật    Giáo dục hệ giá trị trong bối cảnh hội nhập
Thứ ba, 31 Tháng 5 2016 09:35
2063 Lượt xem

Giáo dục hệ giá trị trong bối cảnh hội nhập

(LLCT) - Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đang chuyển sang nền kinh tế mở, tham gia ngày càng sâu rộng và cũng chịu tác động sâu rộng từ quá trình toàn cầu hóa. Sự chuyển hóa, thậm chí đảo lộn hệ giá trị, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa (theo nghĩa hẹp) mà cả trong các lĩnh vực khác như: giáo dục, y tế… Vì vậy, với Việt Nam hiện nay, vấn đề xác định chuẩn giá trị và giáo dục, trang bị hệ giá trị đúng đắn đang đặt ra rất cơ bản và cấp bách.

Khi nói “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển” là nói đến vai trò tiềm tàng và trực tiếp của các giá trị. Một hệ giá trị chuẩn mực và bền vững sẽ duy trì sự bền vững và ổn định xã hội, điều kiện tiên quyết để xã hội có thể tồn tại và phát triển. Trong khi hướng tới các giá trị tiến bộ, con người thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời con người cũng buộc phải hoàn thiện mình trong quan hệ người với người, người với tự nhiên, tạo ra những nhân tố bên trong cho sự tiến bộ. Sự bền vững, sức mạnh nội tại của một nền văn hóa là điều kiện cần để một dân tộc có thể tồn tại, chiến thắng các cuộc xâm lăng quân sự và văn hóa... Ngược lại, sự bất ổn xã hội bao giờ cũng có nguyên nhân sâu xa từ sự thiếu quy chuẩn và sự hỗn loạn của bảng giá trị.

Nếu phân chia về thu nhập theo biểu đồ hình tháp, sẽ có 2 loại: Một loại tháp hình chóp nón, trong đó số người giàu có trong xã hội chỉ chiếm thiểu số ở đỉnh tháp, nhưng lại chiếm hầu hết tổng tài sản xã hội. Còn ở tầng đáy rộng lớn là đại đa số những người nghèo khổ, chiếm một phần ít ỏi thu nhập quốc dân. Những quốc gia này bao giờ cũng ở thứ hạng cuối cùng của sự phát triển (một số nước châu Phi, Á, Mỹ La tinh).

Ngược lại, những nước phát triển nhất (Bắc Âu - Nhật Bản), đồ hình của tháp phân hóa thu nhập có hình quả trứng, trong đó số trung lưu đạt chỉ số cực đại, số giàu - nghèo ở hai cực có chỉ số cực điểm.

Các nước đang phát triển đều hướng tới mô hình này, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, tăng tầng lớp trung lưu.

Nếu biểu đạt sự phân bố của hệ giá trị trong xã hội, có thể phân chia thành các lớp người tương ứng:

1. Một lớp người khi hành động, chỉ biết tuân thủ một chuẩn mực, cái gì có lợi cho mình.

2. Một lớp người khi hành động biết đối chiếu với chuẩn xã hội và luật pháp.

3. Một lớp người khi hành động, biết chọn chuẩn phù hợp với chuẩn xã hội và luật pháp, đồng thời làm lợi cho người khác.

4. Lớp người có thể nêu tấm gương về đạo đức. Số người này ở xã hội nào cũng cực kỳ ít, họ là những nhà tư tưởng.

Sự phân bố các lớp người này liên quan chặt chẽ với sự phát triển. Ở các nước càng chậm phát triển, lớp người ở tầng 1 đông đảo nhất, ứng với đồ hình sau:

Còn ở các nước phát triển, lớp người ở tầng 2, 3 là đông đảo nhất. Đồ hình này thường là hình thoi, ở giữa (lớp 2, 3) phình cực đại, lớp 1 và 4 cực tiểu.

Qua đối chiếu đồ hình tháp thu nhập và tháp giá trị dễ dàng nhận thấy:

1. Sự tương đồng giữa kinh tế với văn hóa nghĩa là giá trị văn hóa (theo nghĩa hẹp) không tách rời với những điều kiện kinh tế và ngược lại.

2. Chuẩn giá trị đồng biến với sự thịnh suy của xã hội. Vì vậy, muốn phát triển, một xã hội phải thường xuyên xây dựng, bồi đắp hệ giá trị.

 Việc giáo dục, trao truyền giá trị diễn ra từ rất sớm, cùng với quá trình hình thành và phát triển các tộc người, các nền văn minh. Giáo dục giá trị chính là duy trì và trao truyền mạch sống của cộng đồng, các quốc gia, dân tộc. Trong thời hiện đại với đặc trưng nổi bật là sự bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa, các nền văn hóa sẽ vừa có cơ hội đẩy mạnh giao lưu, tiếp biến các giá trị, vừa đứng trước thách thức, nguy cơ đánh mất giá trị do ưu thế của các nền văn hóa có sức mạnh vật chất lớn hơn. Các hệ giá trị sẽ có thể biến đổi cả nội dung và hình thức, thậm chí có nguy cơ mất phương hướng, đổ vỡ. Xã hội thông tin và toàn cầu hóa là cơ hội to lớn để điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh hệ giá trị của mỗi dân tộc, để tham gia tích cực hơn vào quá trình sống và hợp tác toàn cầu. Từ đó nảy sinh hai khuynh hướng, hai cách ứng xử: cởi mở, tiếp nhận hoặc bảo thủ, cực đoan trước những xu thế mới, với hệ giá trị tự có và giá trị từ bên ngoài. Điều mà E.Toffler - nhà tương lai học nổi tiếng - đã từng hình dung về sự giao thoa và chồng lấn của các “làn sóng văn minh” (các hệ giá trị) sẽ buộc loài người phải chuẩn bị nghiêm túc để ứng phó. Trong giáo dục giá trị phải xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bên trong và bên ngoài, truyền thống và hiện đại, ổn định và phát triển, nội sinh và ngoại sinh. Muốn chọn được cách thích ứng tối ưu, trước hết phải chuẩn bị cho xã hội một nội lực vững chắc, chính là các giá trị nội sinh.

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, đang chuyển sang nền kinh tế mở, tham gia ngày càng sâu rộng và cũng chịu tác động sâu rộng từ quá trình toàn cầu hóa. Sự chuyển hóa, thậm chí đảo lộn hệ giá trị, không chỉ trong lĩnh vực văn hóa (theo nghĩa hẹp) mà cả trong các lĩnh vực khác như: giáo dục, y tế… Vì vậy, với Việt Nam hiện nay, vấn đề xác định chuẩn giá trị và giáo dục, trang bị hệ giá trị đúng đắn đang đặt ra rất cơ bản và cấp bách.

Giáo dục giá trị trong bối cảnh hội nhập ít nhất có hai vấn đề lớn tương ứng với hai mối quan hệ lớn phải giải quyết: hội nhập và giáo dục giá trị thích ứng với hội nhập. Hội nhập chính là quá trình các vùng, miền, các dân tộc, quốc gia sẽ buộc phải giao lưu và hợp tác với nhau. Sự giao tiếp giữa các nền văn hóa, thị trường cho người lao động cũng mở rộng trên quy mô toàn cầu. Các hệ giá trị truyền thống, nhất là của những nước mới tham gia hội nhập sẽ chịu nhiều tác động phức tạp và đôi khi đau đớn khi tiếp xúc với các hệ giá trị khác có sức mạnh công nghệ và thiết chế lớn hơn. Trong một thế giới đầy biến động, hệ giá trị - vốn có đặc tính rất bền vững cũng phải chấp nhận sự biến đổi.

Từ đặc tính và yêu cầu của hội nhập, các nền văn hóa cần:

- Kiểm kê lại hệ giá trị của mình, tìm lại các giá trị bản sắc chuẩn để gia nhập bình đẳng và bổ sung cho hệ giá trị nhân loại. Nếu không có bản sắc, không có hệ giá trị đầy đủ và đủ mạnh, không thể hội nhập bình đẳng với các nền văn hóa khác và cũng không thể làm giàu được nền văn hóa - văn minh nhân loại, đồng thời vẫn giữ được sự đa dạng của sinh thể văn hóa, làm nên sự phong phú của văn hóa nhân loại thời hội nhập.

- Phải hiểu biết và thừa nhận giá trị của các nền văn hóa khác (sự dân chủ trong văn hóa) để giao tiếp và lựa chọn giá trị thích hợp. Do nhu cầu giao tiếp giữa các nền văn hóa và mở rộng thị trường lao động mà có hai loại giá trị phải được trang bị: giá trị chung và cách ứng xử giữa các nền văn hóa cộng với giá trị lao động để người lao động của mỗi nước có thể làm việc tốt ở một không gian văn hóa bất kỳ trên phạm vi toàn cầu.

Mỗi nền văn hóa phải chấp nhận sự biến đổi, tự điều chỉnh, phải tìm được cách tối ưu để giải quyết mối quan hệ giữa kế thừa và cách tân văn hóa. Học hỏi và dự báo là điều kiện cần thiết để có thể giải quyết mối quan hệ này.

Trong bảng giá trị của dân tộc Việt Nam, những thuộc tính ở đầu bảng giá trị: yêu nước, đoàn kết, nhân ái, hợp quần, bao dung, ý chí tự lực, tự cường... vẫn là các giá trị có tính phổ quát, nhân loại và cần được tiếp tục khẳng định. Nhưng cũng có những giá trị truyền thống của dân tộc mang tính lịch sử, cũng cần có sự điều chỉnh, bổ sung, như sự “cần cù”, từng thích ứng trong xã hội nông nghiệp “năng nhặt, chặt bị”, cần phải bổ sung, thậm chí thay thế bằng tính hiệu quả, thực tế.  Ngay những giá trị mang tính lâu bền: “đoàn kết, hợp quần” trong xã hội hiện đại vẫn có thể có mặt tiêu cực như: sự dễ dãi, bỏ qua, hòa cả làng, sự dựa dẫm, ỷ lại, sự dị ứng với các giá trị cá nhân, khó chấp nhận tính trội, cái mới, khi cái mới ra đời trong sự suy xét và đối chiếu với chuẩn mực của cả cộng đồng.

Điều đang khiếm khuyết và rất cần bổ sung, làm rõ trong hệ giá trị của người Việt Nam hiện nay là hệ giá trị cá nhân. Chúng ta đã quen được giáo dục, ngợi ca chủ nghĩa tập thể và lên án cá nhân và chủ nghĩa cá nhân, coi nó là nguồn gốc gây ra sự tha hóa con người và những thảm họa xã hội. Giờ đây, khi cá nhân dần được thừa nhận nhưng chưa có cơ chế và điều kiện bảo đảm, thì lại nảy sinh cái cá nhân cực đoan, lệch lạc, dẫn đến sự băng hoại xã hội càng tệ hại hơn. Thực tế này đòi hỏi phải xác định rõ ràng và nhất quán hệ giá trị cá nhân đúng đắn, phù hợp với chuẩn xã hội, tạo ra sự hài hòa, lành mạnh các quan hệ xã hội.

Trong xã hội hiện đại, mỗi cá nhân cần biết làm việc hiệu quả để tự chịu trách nhiệm trước cuộc sống của mình, qua đó đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Năng lực làm việc cần được xếp ở đầu bảng hệ giá trị cá nhân, trong đó có những năng lực: biết sáng tạo, có khả năng hợp tác, biết tự khẳng định mình và hoạt động có hiệu quả.

Ngoài những giá trị cần thiết để làm việc, cá nhân phải có những phẩm chất cần thiết để chung sống, đó là những phẩm chất Người: nhân đạo, nhân văn, hiểu biết, tôn trọng sự khác biệt và biết cách ứng xử trước  các nền văn hóa khác nhau. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, ý thức tuân thủ luật pháp, tinh thần và trách nhiệm công dân là những giá trị đang thiếu vắng và rất cần được khẳng định, bổ sung vào bảng giá trị để phổ cập và đề cao.

Giá trị luôn tồn tại và vận động cùng với phản giá trị. Con đường đi của văn minh nhân loại, sự phát triển của những bản tính người và xã hội người bao giờ cũng diễn ra trong sự tồn tại song hành và đấu tranh giữa giá trị và phản giá trị, giữa giả và chân, thiện và ác, đẹp và xấu, chính và tà... Những khoảng tối trong lịch sử nhân loại, sự biến mất của những nền văn minh thường gắn với sự khủng hoảng của hệ giá trị, khi chính - tà, giả - chân, xấu - đẹp, ác - thiện... đảo lộn, con người và xã hội mất định hướng và bị tiêu hủy từ bên trong.

Do đó, sự minh bạch thông tin và khả năng tiếp cận thông tin, sự phân biệt giá trị và phản giá trị, sự chế định cái phản giá trị - không chỉ trong ngôn ngữ xã hội mà trong luật pháp và thiết chế. Sự vận hành hiệu quả của các thiết chế sẽ giúp nhận diện, hạn chế, loại trừ cái phản giá trị, tạo ra môi trường và không gian lành mạnh cho sự tồn sinh của giá trị chân chính, của hoạt động giáo dục giá trị.

Giáo dục hệ giá trị, trước hết là hoạt động của ngành giáo dục - đào tạo. Nghị quyết 29 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã yêu cầu: đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học”, “giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân”.

Giáo dục - đào tạo là một hệ thống gồm cả gia đình - nhà trường và xã hội, giáo dục không tách rời và được chế định bởi chính trị, kinh tế, văn hóa. Nếu môi trường gia đình, nhà trường và xã hội không lành mạnh và chuẩn mực, nếu môi trường giáo dục còn đầy những yếu tố phi giáo dục, nếu hệ giá trị xã hội đảo lộn và sự vận hành của toàn bộ đời sống xã hội - chính trị, kinh tế, văn hóa, những giá trị Người... không tuân thủ những chuẩn mực tối thiểu thì mọi cố gắng đổi mới giáo dục, trang bị hệ giá trị sẽ trở nên vô ích. Vì vậy, để giáo dục hệ giá trị, trước hết phải ngăn chặn tình trạng hỗn loạn hệ giá trị, phải tạo ra và duy trì trên thực tế một xã hội có chuẩn mực và vận hành về cơ bản theo những giá trị đúng đắn, hiện đại.

Từ thời Chiến quốc, Mạnh Tử đã nhận xét: Khi nào mưa thuận, gió hòa, được mùa, dân no đủ thì hiền lành, xã hội ổn định. Khi nào thiên tai, mất mùa, dân đói kém sinh hung dữ, loạn lạc. Như vậy, yếu tố kinh tế có vai trò chủ yếu trong việc tạo lập môi trường lành mạnh cho giáo dục. Muốn giáo dục có hiệu quả phải tạo ra được môi trường kinh tế lành mạnh, thực hiện cho được mục tiêu của Đảng: dân giàu, nước mạnh. Khi đó việc giáo dục giá trị sẽ trở thành một quá trình lịch sử tự nhiên, giáo dục giá trị ở ngay trong cuộc sống và trở thành hoạt động tự giác của cộng đồng, mà không cần đến sự can thiệp của thiết chế. Đó là cảnh giới cao nhất của giáo dục giá trị. Điều này đặt ra không chỉ đối với ngành giáo dục mà còn cần có trách nhiệm và sự nhập cuộc tích cực của toàn xã hội.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2015

GS,TS  Bùi Kim Đỉnh

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền