Trang chủ    Bài nổi bật    Trách nhiệm công vụ
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 16:04
3805 Lượt xem

Trách nhiệm công vụ

(LLCT) - Trong văn bản pháp lý ở nước ta hiện nay, khái niệm trách nhiệm công vụ được sử dụng với một số nghĩa khác nhau.

Nghĩa thứ nhất, trách nhiệm công vụ được hiểu như là nghĩa vụ phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng, không thể thoái thác hoặc trao lại cho ai khác. Nó là nguyên tắc của công vụ, buộc người công chức phải gắn mình với thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả.

Luật Cán bộ, công chức hiện hành viết (viết nghiêng là của tác giả):

Điều 18. Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ

1. Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công.

Điều 28. Nội dung đánh giá cán bộ

1. Cán bộ được đánh giá theo các nội dung sau đây:

a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;

b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;

c) Năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

d) Tinh thần trách nhiệm trong công tác;

đ) Kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.

Không chỉ Luật cán bộ, công chức mà Bộ Luật hình sự cũng ghi:

Điều 4. Trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm

Các cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra và các cơ quan hữu quan khác có trách nhiệmthi hành đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức, công dân đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, giám sát và giáo dục người phạm tội tại cộng đồng.

Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 

“1. Người nào vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 144, 235 và 301 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Theo những quy định này trách nhiệm công vụ được hiểu là sự ràng buộc sức lực, tinh thần, danh dự, số phận với nhiệm vụ. Đó là sự gắn bó, phụ thuộc của chủ thể vào hành vi của mình.

Trách nhiệm được hiểu như thế trở thành tiêu chí của đạo đức công chức. Khi nhận xét một công chức có trách nhiệm với công việc, nghĩa là đã đánh giá công chức đó có đạo đức công chức, đáng tin cậy, thậm chí đáng được khen ngợi, biểu dương. Người bị coi là thiếu trách nhiệm là người không có tinh thần, thái độ gắn bó, ràng buộc mình với công việc, không thấy nghĩa vụ của mình phải hoàn thành công việc. Thậm chí thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì bị coi là một tội.

Nghĩa thứ hai, trách nhiệm công vụđược hiểu là sự thiệt hại hay hậu quả bất lợi mà một người không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải gánh chịu.

Theo nghĩa này, bất kỳ ai cũng phải chịu trách nhiệm tùy theo tư cách và vị trí của mình trong quan hệ xã hội nhất định. Công dân có thể chịu trách nhiệm dân sự trong quan hệ dân sự, có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện hành vi phạm tội.

Trong Bộ luật Hình sự, trách nhiệm hình sự được hiểu là những hình thức thiệt hại mà cơ quan xét xử tuyên buộc một cá nhân phạm tội phải gánh chịu như tử hình, ngồi tù,...

Tương tự như vậy, trong quan hệ hành chính, khi thi hành công vụ, công chức phải chịu trách nhiệm công vụ, trong đó có hình thức kỷ luật do cơ quan và cá nhân có thẩm quyền tuyên buộc với các mức khác nhau.

Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức

1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Hạ bậc lương;

d) Giáng chức;

đ) Cách chức;

e) Buộc thôi việc.   

Trong nền hành chính của nước ta hiện nay, có tình trạng khá phổ biến là trách nhiệm công vụ không cao. Nhiều người thờ ơ, đùn đẩy công việc, khi nảy sinh vấn đề thì đổ lỗi cho người khác, cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới, cấp dưới đổ lỗi cho cấp trên,... Điều này cho thấy mặt đạo đức công vụ (lương tâm, trách nhiệm) của công chức không cao.

Theo nghĩa thứ hai là sự tổn thất phải gánh chịu, trách nhiệm công vụ khó khả thi. Các cơ quan, tổ chức nhà nước rất khó buộc một công chức phải chịu một hình thức thiệt hại khi người đó không hoàn thành hoặc hoàn thành không tốt nhiệm vụ.

Những hình thức kỷ luật công chức được quy định trong Luật rất khó thực hiện trong thực tế, bởi lẽ chỉ có thể tuyên buộc một trong các hình thức trách nhiệm như trên khi trải qua một trình tự, thủ tục rất phức tạp. Hơn nữa chỉ có thể áp dụng  khi công chức phạm một lỗi rất nặng hoặc trong cả một quá trình tương đối dài.

Mặt khác, có tình trạng chung là khi giao nhiệm vụ thì cả người giao và người nhận thường đại khái, có khi không nêu rõ mục tiêu, các yếu tố đầu vào và yêu cầu đầu ra của công vụ. Do vậy, nếu muốn đánh giá mức độ hoàn thành công vụ cũng khó và càng khó quy trách nhiệm cho người thực hiện.

Do vậy, muốn nâng cao trách nhiệm công vụ, thì khi giao một công vụ, nhất là công vụ có ý nghĩa quan trọng, phải trao quyền hạn rõ ràng, những nguồn lực cần thiết, tương xứng; nêu rõ ràng kết quả chủ yếu của công vụ cần phải đạt được. Nói cách khác, khi giao một công vụ, giữa công chức và người giao nhiệm vụ phải xác định một “hợp đồng”, trên cơ sở đó mới có thể đánh giá khách quan mức độ hoàn thành hay khuyết điểm để áp dụng một hình thức cụ thể của trách nhiệm công vụ.

Trong các cơ quan nhà nước, đối với những công vụ có tính thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày, thì cần  mô tả công việc cụ thể, với yêu cầu tương xứng về năng lực, trình độ của công chức, với yêu cầu đầu ra cụ thể, với lợi ích mà người công chức đáng được hưởng và những thiệt hại sẽ phải gánh chịu nếu không hoàn thành theo yêu cầu.

_________________

Bài đăng trên tạp chí Lý luận chính trị số 3-2016

PGS, TS VŨ HOÀNG CÔNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Thông tin tuyên truyền