Trang chủ    Bài nổi bật    Người thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Pháp năm 1946
Thứ năm, 18 Tháng 5 2017 16:57
2403 Lượt xem

Người thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Pháp năm 1946

(LLCT) - Chuyến đi Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 với tư cách là khách mời của Chính phủ Pháp là chuyến đi mà Người chủ động tiếp cận với nước Pháp với quyết tâm bảo vệ nền độc lập - tự do của dân tộc và chủ trương đối ngoại hòa bình. Người thư ký được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng lựa chọn trong chuyến đi lịch sử liên quan đến vận mệnh dân tộc này là Đỗ Đình Thiện, được gọi thân mật là “văn phòng” của Bác.

Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) là con út trong một gia tộc nổi tiếng ở Hà Nội về thương nghiệp. Thuở nhỏ, ông theo học chữ nho, sau đó chuyển sang học chữ quốc ngữ ở trường Hàng Vôi, Hà Nội. Năm 1926, ông tham gia phong trào bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh nên bị đuổi học và phải làm lại giấy khai sinh để xuống Nam Định học tiếp(1). Năm 1927, ông theo học trường Kỹ sư Canh nông ở  Toulouse, Pháp và gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động đấu tranh vì mục tiêu giải phóng giai cấp vô sản. Tháng 10-1931, ông bị cảnh sát bắt vì tự in truyền đơn cách mạng và định gửi về Việt Nam qua một số lính Đông Dương đi nghĩa vụ trong quân đội Pháp. Ông bị tòa án Toulouse kết án 4 tháng tù giam và trục xuất về nước. Năm 1932, ông kết hôn với bà Trịnh Thị Điền, một chiến sỹ cách mạng. Do bị chính quyền thuộc địa quản thúc chặt chẽ, ông bà Thiện - Điền chuyển sang làm kinh tế, trước là vì gia đình, sau là để ủng hộ cách mạng khi có thời cơ. Bằng chữ tín, tài trí và sự quyết tâm, ông bà trở nên giàu có nổi tiếng Hà Thành với tiệm tơ Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Hà Nội. Căn nhà này sau cũng là cơ sở hoạt động của những lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh,...

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng được thành lập, biết bao công việc bộn bề cần tiền để giải quyết. Nhà băng Đông Dương gây khó khăn. Trong nước, giặc đói, giặc dốt hoành hành, các thế lực phản động tìm cách chống phá Nhà nước Dân chủ Nhân dân non trẻ. Chính thời điểm nhạy cảm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra chỉ thị ban hành Quốc lệnh số 4, ngày 4-9-1945, lập Quỹ Độc lập để “Thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn sàng quyên góp giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia”. Điều khoản thứ hai của Quốc lệnh ghi rõ: “Cử ông Đỗ Đình Thiện làm phụ trách tại Quỹ Trung ương ở Hà Nội... Ông Đỗ Đình Thiện sẽ chịu trách nhiệm về mọi phương diện”. Tuần lễ Vàng cũng được tổ chức trong khuôn khổ của Quỹ Độc lập. Vợ chồng ông Thiện đã tích cực vận động nhân dân, đặc biệt giới công thương góp vào Quỹ độc lập và Tuần lễ Vàng.

Ngày 24-3-1946, trong buổi gặp gỡ tại vịnh Hạ Long, D Argenlieu, Cao ủy Pháp ở Đông Dương đã chuyển lời Chính phủ Pháp mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp vào hạ tuần tháng 5-1946. Đây là chuyến đi có ý nghĩa cực kỳ quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Vị Chủ tịch nước sang đàm phán về việc sống còn của dân tộc với Chính phủ Pháp”(2). Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đến nhà số 54 Hàng Gai, Hà Nội thông báo cho Đỗ Đình Thiện ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: Bác muốn anh tháp tùng Bác đi Pháp. Và ông Thiện đã nhận nhiệm vụ này.

Thế là, Đỗ Đình Thiện là một trong hai người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy lựa chọn tháp tùng trong chuyến ngoại giao đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở  Pháp và được giao trực tiếp ghi nhật ký trong chuyến thăm. Đây là chuyến đi lịch sử liên quan đến vận mệnh của dân tộc, chuyến đi mở đầu của nền ngoại giao Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Người được mời đến Pháp với vị thế là thượng khách của Chính phủ Pháp.  Mặc dù vậy, chuyến đi này rõ ràng đầy bất trắc, hiểm nguy, “lành ít, dữ nhiều”:“Trong hoàn cảnh ấy, Bác sang đàm phán với Chính phủ Pháp khác nào như người tay không vào hang hùm miệng rắn... Bọn Pháp thực dân phản trắc có thể hại Bác trên đường đi. Chính phủ Pháp có thể giở mặt giữ Bác ở lại bên Pháp,v.v.. Giả thuyết nào cũng có cái lý của nó. Rốt cuộc không ai yên tâm cả. Trung ương Đảng cũng bàn đi bàn lại nhiều lần về chuyến đi của Bác, nỗi lo của nhân dân cũng là nỗi lo của Đảng”(3). Đỗ Đình Thiện là người được vinh dự cùng Bác trải qua giai đoạn lịch sử đặc biệt ấy.

Ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng hai tùy tùng của mình, Đỗ Đình Thiện, thư ký riêng được Bác gọi là  “Văn phòng” và Vũ Đình Huỳnh, sỹ quan tùy tùng được Bác gọi là  “Võ phòng” cùng phái đoàn Chính phủ ta khởi hành sang Pháp. Ngày 12-6-1946 tới Pháp, đoàn không vào thẳng Pari mà dừng chân ở Biarritz, vùng biển ở phía Tây Nam nước Pháp và lưu lại đây 10 ngày để chờ người Pháp lập chính phủ mới. 16h10 ngày 22-6-1946, lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia đã được tổ chức tại sân bay Bourget, thủ đô Paris. Nhiều Bộ trưởng trong Chính phủ cùng các quan chức Pháp và hàng nghìn kiều bào đã đón chờ Người. Chương trình tiếp đón chính thức của Chính phủ Pháp diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4-7-1946  tại Paris. Ông Đỗ Đình Thiện cùng các thành viên khác trong đoàn tùy tùng (Vũ Đình Huỳnh, Lê Văn Cưu, Phạm Ngọc Xuân) đã tháp tùng Người trong các nghi thức trọng thể này. Lịch trình làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp đã được ông Đỗ Đình Thiện ghi chép trong cuốn Nhật ký gồm 67 trang, trong đó một số trang có bút tích của Hồ Chí Minh. Nội dung cuốn Nhật ký cho thấy, cùng với các nghi thức ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 300 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các tổ chức, đảng phái, phóng viên báo chí, các nhà hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa,... Ông Thiện là người sắp xếp, theo dõi và chuẩn bị lịch trình đón tiếp, nghi thức, nhân vật và nội dung cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ vốn tiếng Pháp cùng những quan hệ từ những năm tháng hoạt động cách mạng của ông tại Đảng cộng sản Pháp nên ông đã làm tốt các nhiệm vụ được giao. Với báo giới Pháp và quốc tế, bằng kinh nghiệm của một nhà cách mạng hoạt động tại Pháp nhiều năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng thư ký của mình đã dành cho họ sự quan tâm đặc biệt. Đã có hàng trăm buổi tiếp các nhà báo Pháp và quốc tế để trình bày rõ lập trường của Việt Nam đối với các vấn đề đang tranh luận tại Hội nghị Fontainebleu đó là khẳng định chủ quyền và thống nhất cho Việt Nam. Việc đọc, thu nhận thông tin từ báo chí, chuẩn bị tài liệu cho các buổi gặp gỡ báo chí là công việc ông Thiện đảm nhiệm trong suốt chuyến thăm Pháp. Với mối quan hệ rộng rãi với kiều bào ta ở Pháp, ông Thiện cũng là người liên lạc và tổ chức các buổi tiếp xúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào.

Ngoài trách nhiệm thư ký, ông Thiện rất quan tâm chăm lo điều kiện sinh hoạt, sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tài liệu của Sở cảnh sát Paris đã không bỏ sót chi tiết nào về những lần ông Thiện đưa Bác đi bệnh viện khám sức khỏe, hoặc ông Thiện vào nhà băng Indochine rút tiền… Vì thế, ông Thiện đã có những ghi chép rất chi tiết về cuộc sống, thói quen sinh hoạt hàng ngày của Bác, như một ghi chép dưới đây: Giữa thủ đô Paris hoa lệ, trong khách sạn Royal Monceau sang trọng, bộn bề trăm công nghìn việc, Bác vẫn luôn giữ một nếp sinh hoạt ung dung, điều độ và giản dị. Sáng sáng, Bác đánh răng bằng bột than củi đựng trong một hộp tròn bằng nhôm (vốn đựng thuốc đánh răng GIB) mang từ nhà đi. Ông Thiện nghĩ rằng Bác tiết kiệm, hơn nữa cũng lo không tiện về ngoại giao, đã lẳng lặng giấu hộp bột than của Bác đi, và để thay vào đó một tuýp thuốc đánh răng. Sáng dậy, Bác cứ loay hoay đi tìm hộp bột than, ông Thiện giả bộ nói: “Thưa Bác mất rồi thì thôi, mời Bác dùng thuốc đánh răng”. Bác nói: “Không phải mình hà tiện đâu, nhưng mình quen rồi, đánh bằng thuốc mình cứ hay bị lợm giọng!”. Thế là sáng hôm sau, vừa thương Bác vừa cảm động, ông Thiện đành lẳng lặng đặt trả lại Bác hộp bột than đánh răng.

Cuộc hội đàm chính thức giữa hai nước Việt Nam và Pháp tại Fontainebleau đã không đạt được thỏa thuận nào. Phái đoàn Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu về nước trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nán lại thêm ít ngày, cố gắng đàm phán thêm và ký với M. Moutet, đại diện Chính phủ Pháp, bản Tạm ước 14-9-1946 nhằm duy trì sự ổn định để ta có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài mà Người biết là không thể tránh khỏi. Sự nỗ lực, khôn khéo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của Việt Nam đến cùng bằng giải pháp hòa bình thực sự được ông Thiện và các thành viên trong đoàn cảm nhận và cùng sẻ chia, gánh vác. Chính vì vậy, trên đường về, từ cảng Said, ngày 22-9-1946, trong bức thư gửi cho ông bà R. Aubrac- chủ nhà nơi Bác cùng tùy tùng đã đến ở từ 28-7 đến 8-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc đến những người đồng hành với mình, trong đó có “Thiện” và “Huỳnh”, mà Bác gọi là “mes camarades”, nghĩa là “các đồng chí của tôi” để thể hiện tình cảm của mình đối với những người cộng sự tận tụy.

Riêng đối với ông Đỗ Đình Thiện trong chuyến đi Pháp này, còn có một kỷ niệm không dễ quên. Ngày 17-7-1946, khi tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Normandie, xe ô tô ông Thiện ngồi đã bị mất lái, xoay ngang, đâm vào một đống đá ven đường, lật ngửa lên, và quay ngang 3 vòng! Rất may ông Thiện đã thoát chết, tiếp tục đi cùng đoàn, 3 người ngồi cùng xe đều bị thương phải nằm viện điều trị. Một vụ mưu sát? Ý nghĩ đó đến với bất cứ ai trong phái đoàn Việt Nam. Một số tờ báo Pháp lúc ấy cũng nêu câu hỏi: “Phải chăng đây là một vụ mưu sát hụt Chủ tịch Hồ Chí Minh?”. Nhưng rồi mọi chuyện cũng phải cho qua để tập trung cho những công việc hệ trọng và cấp bách hơn.

Sáng 18-9-1946, từ quân cảng Toulon, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn tùy tùng rời nước Pháp trên chiến hạm Dumont d’urville kết thúc chuyến thăm Pháp. Khi về đến Hà Nội, với sự quan tâm và trân trọng dành cho gia đình ông Thiện, Bác đã cho gọi ngay bà Thiện đến gặp và nói:“Đấy nhé, chú Thiện đi với Bác thì Bác lại mang về trả”(4)

Những sách lược linh hoạt, mềm dẻo, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những hoạt động tích cực của ông Đỗ Đình Thiện và đoàn tùy tùng trong giai đoạn này đã tạo ra những tiền đề vững chắc để mở rộng quan hệ quốc tế với xu hướng hòa bình dân chủ, với phong trào độc lập dân tộc, góp phần thúc đẩy quá trình hòa nhập của cách mạng nước ta vào trào lưu đấu tranh vì độc lập, dân chủ, hòa bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai.   

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bà Đỗ Đình Thiện đã tình nguyện ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô, tham gia nhiều công tác trọng yếu, góp sức mình vào sự nghiệp chung. Đồn điền của ông bà ở Chi Nê, Hòa Bình trở thành một trong những điểm sơ tán của các cơ quan Chính phủ, nơi cấp lương thực cho một số đơn vị bộ đội chủ lực. Đặc biệt đây là nơi đặt nhà máy in tiền của Chính phủ kháng chiến trong thời kỳ 1946-1947. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và làm việc, có lần nghỉ lại ở đây trong các chuyến đi công tác. Trong lưu trữ và hồi ký để lại còn cho biết Bác Hồ nhiều lần nhắc đến địa danh Chi Nê này. Năm 1947, sau khi bị máy bay Pháp oanh tạc, gia đình Đỗ Đình Thiện hiến toàn bộ đồn điền cùng với tài sản ở đây để đóng góp cho cách mạng và lên chiến khu Việt Bắc. Thời gian từ năm 1947 đến năm 1953, ông Thiện đảm nhận các công tác như: Giám đốc trưởng Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Trưởng phòng Quỹ Ngân hàng Quốc gia Việt Nam,... nhưng ông tình nguyện không nhận lương.

Trở về thủ đô sau ngày giải phóng, ông bà Đỗ Đình Thiện tiếp tục công tác và tham gia các hoạt động đoàn thể, sống một cuộc sống bình thường, luôn nêu cao tấm gương trong sáng, mẫu mực trọn vẹn vì nước vì dân. Ông tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1956 cho đến lúc mất, ngày 2-1-1972. Ông vẫn không hưởng lương cho đến khi mất và không hề đòi hỏi bất kỳ sự đền đáp nào. Đỗ Đình Thiện được xem là người thẳng thắn, cương trực, khiêm tốn, không màng danh lợi, không sợ cường quyền nhưng cũng là người lịch lãm, tinh tế, hấp dẫn và có khả năng cuốn hút người khác. Tờ Quốc hộisố 3, ngày 19-12-1945 đã có bài phỏng vấn ông Đỗ Đình Thiện về tiểu sử của bản thân, ông khiêm tốn trả lời: “Lúc đi học làm cách mạng, ra đời kinh doanh kỹ nghệ và nông nghiệp, tham gia vào công cuộc xã hội”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho gia đình Đỗ Đình Thiện những tình cảm yêu quý và sự quan tâm đặc biệt. Người đã nhiều lần đến thăm và gửi thư cho gia đình ông. Trong một lần nhắc tới gia đình Đỗ Đình Thiện, Người từng nói: “Gia đình ấy với mình chỉ là một”(5). Chỉ một câu nói thôi nhưng chất chứa bao tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho ông Thiện và gia đình. Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, năm 1950 ông bà Đỗ Đình Thiện được Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì - một trong hai trường hợp cả hai vợ chồng cùng được thưởng Huân chương vào thời điểm đó. Ngoài ra, ông bà cũng nhận được nhiều phần thưởng khác như Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, Huy chương “Vì sự nghiệp tài chính của Đảng”, Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ”,... Năm 2007, địa điểm nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê của ông bà Đỗ Đình Thiện trong những năm 1946-1947 được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Năm 2008, ông Đỗ Đình Thiện được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 2009, ông Đỗ Đình Thiện và bà Trịnh Thị Điền được Nhà nước truy tặng Kỷ niệm chương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Vượt qua mọi thử thách của cuộc đời để làm cách mạng, để lựa chọn và tìm đến những giá trị tốt đẹp với lòng yêu nước nồng nàn, đức hy sinh cao cả vì lợi ích quốc gia, ý chí xả thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cuộc đời bình dị của ông Đỗ Đình Thiện là nguồn động viên, là tấm gương và tạo niềm tin cho các thế hệ trong cuộc sống hiện đại ngày hôm nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

(1), (5) Viện khoa học Tài chính - Bộ Tài chính:

Đỗ Đình Thiện: Cuộc đời và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam, Nxb Tài Chính, Hà Nội, 2007, tr.13, 68.

(2), (3) Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

(4) Hồi ký của bà Trịnh Thị Điền - Lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ký hiệu: H25-C15/63.

 

ThS Nguyễn Thị Bình

 Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền