Trang chủ    Bài nổi bật    Tăng cường sử dụng các phương thức đấu tranh pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Thứ hai, 24 Tháng 7 2017 17:50
2103 Lượt xem

Tăng cường sử dụng các phương thức đấu tranh pháp lý nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(LLCT) - Trong lịch sử thế giới, các tranh chấp quốc tế (International Disputes) diễn ra thường xuyên. Tranh chấp quốc tế xảy ra bởi những mối quan hệ cũng như các lợi ích phức tạp và đan xen trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế, trong đó tranh chấp quốc tế, tranh chấp lãnh thổ là một trong những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chiến tranh nhiều nhất.

1. Tranh chấp quốc tế và giải quyết theo Luật quốc tế

Trong lịch sử thế giới, các tranh chấp quốc tế (International Disputes) diễn ra thường xuyên. Tranh chấp quốc tế xảy ra bởi những mối quan hệ cũng như các lợi ích phức tạp và đan xen trên nhiều lĩnh vực giữa các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế, trong đó tranh chấp quốc tế, tranh chấp lãnh thổ là một trong những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến chiến tranh nhiều nhất.

Có thể kể đến như tranh chấp vùng Alsace-Lorraine giữa Pháp và Đức là nguyên nhân khiến cho quan hệ hai nước này luôn căng thẳng và là một phần nguyên nhân của hai cuộc Chiến tranh Thế giới năm 1914 và 1939(1), tranh chấp vùng Danzig (nay là Gdansk, thuộc Ba Lan) giữa Ba Lan và Đức Quốc xã là một trong những nguyên nhân làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ hai vào năm 1939(2), chiến tranh giữa Anh và Áchentina năm 1982 liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Falkland, chiến tranh giữa Ixraen và các quốc gia Ả Rập trong các năm 1948, 1956, 1967, 1973(3), chiến tranh Iran - Irắc 1980 - 1988 liên quan đến vùng đất tranh chấp ở Khuzestan và đường biên giới ở cửa sông Shatt al - Arab(4), chiến tranh vùng Vịnh 1990 -1991 có nguyên nhân chủ yếu là tranh chấp về lãnh thổ giữa Irắc và Côoét dẫn đến hành động tấn công Côoét của Irắc,... Các cuộc chiến tranh này đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn về người và của không chỉ trong khoảng thời gian đó mà còn để lại những di chứng khủng khiếp cho các thế hệ sau. Do đó, khi tranh chấp quốc tế xảy ra, việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, nhất là bằng Luật quốc tế có ý nghĩa quan trọng,vì nó liên quan đến duy trì hòa bình, an ninh thế giới, chấm dứt xung đột, bất đồng giữa các bên liên quan. Ngoài ra, giải quyết tranh chấp còn góp phần thúc đẩy các quốc gia tuân thủ và thực hiện Luật quốc tế triệt để hơn.

Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng phương pháp hòa bình là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại. Đây là hệ quả của nghĩa vụ cấm sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế(5). Nguyên tắc này đã được ghi nhận từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX trong Công ước La Hay năm 1899 và 1907(6), sau đó, tại Hiệp ước Briand-Kellog ngày 27-8-1928(7). Nó được chính thức thừa nhận là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế lần đầu tiên trong khoản 3, Điều 2, Hiến chương Liên Hợp quốc “Tất cả các thành viên giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình, theo cách không làm nguy hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý”(8) và được khẳng định một lần nữa tại Tuyên bố ngày 24-10-1970 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc (Nghị quyết 2625): “Mọi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm vi phạm sự tồn tại của các đường biên giới của các quốc gia khác, hoặc sử dụng như là các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bao gồm các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia... tất cả các quốc gia sẽ giải quyết các tranh chấp quốc tế với những quốc gia khác bằng các biện pháp hòa bình mà không làm phương hại đến hòa bình, an ninh và công lý quốc tế”(9).

Điều 33 ghi: “Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, trọng tài, tòa án, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực, hoặc bằng các biện pháp hòa bình khác tùy theo sự lựa chọn của mình”.

Căn cứ vào nội dung của Điều 33 Hiến chương, các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế có thể chia thành hai nhóm cơ bản:

Nhóm 1, các biện pháp giải quyết tranh chấp mang tính chất ngoại giao gồm các biện pháp đàm phán, điều tra, trung gian, hòa giải, sử dụng những tổ chức hoặc những hiệp định khu vực;

Nhóm 2, các biện pháp giải quyết tranh chấp bằng tài phán quốc tế, thông qua các Tòa án quốc tế và Trọng tài quốc tế.

2. Tranh chấp biển đảo ở Biển Đông và phương thức giải quyết

Hiện tại, trong Biển Đông có 2 loại tranh chấp chủ yếu: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của UNCLOS để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình, đã tạo ra những vùng chồng lấn.

Hai loại tranh chấp này khác nhau về nội dung, tính chất, phạm vi và nguyên nhân... Vì vậy, các nguyên tắc pháp lý để xử lý, giải quyết chúng cũng khác nhau.

Loại thứ nhất: thực chất là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ được tạo nên bởi một số nước trong khu vực đã lợi dụng cơ hội và sử dụng vũ lực để chiếm đóng một phần hay toàn bộ quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam ở giữa Biển Đông.

Theo Công pháp quốc tế, để chứng minh, bảo vệ và giải quyết loại tranh chấp này, các bên liên quan hoặc cơ quan tài phán quốc tế đã dựa vào nguyên tắc “Chiếm hữu thật sự”; một nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện đại đang được vận dụng trong khi xem xét giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thông dụng nhất hiện nay. Điều đáng nhấn mạnh là trong UNCLOS, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển không có điều khoản nào đề cập đến nguyên tắc này. Nói một cách khác, UNCLOS không phải là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Loại thứ hai tranh chấp trong việc hoạch định ranh giới biển và thềm lục địa chồng lấn.

Đây là loại tranh chấp được hình thành trong xu hướng thay đổi có tính chất cách mạng về địa - chính trị, địa - kinh tế trên phạm vi toàn thế giới với việc khoảng 36% diện tích biển và đại dương thế giới đã được đặt dưới chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển kể từ khi Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 ra đời. Kết quả là, trên thế giới có khoảng 416 tranh chấp về ranh giới biển, thềm lục địa cần được hoạch định, trong đó khu vực Đông Nam châu Á có khoảng 15 tranh chấp, tất nhiên người ta không tính đến tranh chấp được tạo thành bởi đường biên giới lưỡi bò của Trung Quốc, vì tính chất phản khoa học và hoàn toàn đi ngược lại các tiêu chuẩn của UNCLOS của nó. Như vậy, rõ ràng là UNCLOS chỉ là căn cứ pháp lý để giải quyết mọi tranh chấp về biển, trong đó có tranh chấp do việc giải thích và áp dụng Công ước Luật Biển không đúng hoàn toàn hay từng phần.

Những tranh chấp xảy ra trên biển gồm có nhiều loại khác nhau. Công ước Luật Biển năm 1982 không phải là cơ sở pháp lý duy nhất để xử lý, giải quyết tất cả mọi tranh chấp.Tại phần XV, từ Điều 279 đến Điều 299 của Công ước Luật Biển năm 1982 và các Phụ lục có liên quan đã quy định các nội dung cơ bản như:

- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp;

- Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp;

- Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp;

- Trình tự thủ tục hòa giải (Phụ lục V);

- Tổ chức, thẩm quyền và thủ tục tố tụng của Tòa án quốc tế về Luật Biển (Phụ lục VI);

 - Thẩm quyền, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (Phụ lục VII);

- Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án Trọng tài đặc biệt (Phụ lục VIII)...

Nguyên tắc nền tảng được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp theo quy định của Công ước Luật Biển 1982 là: Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp trong việc giải thích hay áp dụng Công ước bằng các biện pháp hòa bình theo đúng Điều 2, Khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp quốc, Điều 33, Khoản 1 của Hiến chương.

Tại Phụ lục V của Công ước Luật Biển 1982, đã trù định việc thành lập một Uỷ ban hòa giải có chức năng “nghe ý kiến của các bên, xem xét các yêu sách và các ý kiến phản bác của họ và đưa ra có khuyến nghị cho các bên liên quan với mong muốn đạt được một sự hòa giải” (Điều 6, Phụ lục V).

Các bên tranh chấp có thể tuyên bố bằng văn bản chấp nhận quyền tài phán của một trong các cơ quan tài phán sau: Toà án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về Luật Biển, Tòa Trọng tài thông thường hoặc Tòa Trọng tài đặc biệt được thành lập theo Phụ lục VIII dành cho các loại tranh chấp đã được định rõ trong Phụ lục này:

-Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice - ICJ) là một phân ban trực thuộc Liên Hợp quốc, được thành lập năm 1945 với tiền thân là Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (Permanent Court of International Justice) có từ năm 1922. Tòa bắt đầu chính thức nhận hồ sơ, thụ lý và giải quyết tranh chấp các vấn đề giữa các quốc gia thành viên có liên quan, cũng như làm công tác cố vấn pháp luật cho Đại Hội đồng Liên Hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, cũng như các ủy ban khác trực thuộc Liên Hợp quốc như đã ghi rõ trong Hiến chương Liên Hợp quốc từ 1946.

- Tòa án quốc tế về Luật Biển được thành lập và hoạt động theo đúng các quy định của Công ước, đặt trụ sở tại thành phố Hămbuốc thuộc Cộng hòa liên bang Đức.

Tuy nhiên, tòa án có thể đặt trụ sở và thi hành các chức năng ở nơi khác, nếu xét thấy tiện lợi hơn.

Việc đưa một vụ tranh chấp ra tòa phải do các phần XI và XV điều chỉnh; theo đó, không phải bất kỳ nội dung tranh chấp nào cũng có thể đơn phương kiện và đơn kiện được cơ quan tài phán quốc tế thụ lý. Các loại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, về phân định biên giới, ranh giới biển, thềm lục địa, phân chia lợi ích kinh tế, tài nguyên biển muốn được các cơ quan tài phán quốc tế xét xử thì đều phải có thoả thuận bằng văn bản của các bên liên quan. Nội dung có thể đơn phương kiện lên cơ quan tài phán quốc tế về giải thích và áp dụng sai Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa. Philíppin đã đơn phương kiện Trung Quốc nội dung này và Hội đồng trọng tài quốc tế đã được thành lập theo đúng phụ lục VII của Công ước Luật Biển 1982.

Theo quy định tại Điều 296, Công ước Luật Biển 1982, thì các phán quyết của Tòa có thẩm quyền là có tính chất tối hậu (chung thẩm), các bên tranh chấp liên quan phải tuân thủ. Các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước yêu cầu các thành viên của Công ước phải chấp hành, không được bảo lưu. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên có quyền lựa chọn cách thức riêng để giải quyết tranh chấp, có quyền lựa chọn thành phần của Tòa án...

4. Philíppin kiện Trung Quốc và những tác động, ảnh hưởng đối với Việt Nam

Để hiểu rõ tác động, ảnh hưởng của Phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philíppin, cần lưu ý về bản chất của vụ kiện này. Philíppin kiện Trung Quốc với 15 nội dung, nhưng về bản chất là khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm UNCLOS 1982 ở Biển Đông mà cụ thể là yêu sách “đường lưỡi bò”. Có 7 nội dung được Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 phán xét là thuộc thẩm quyền của Tòa đều xoay quanh việc áp dụng và giải thích Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982.

Có một số nội dung Tòa Trọng tài để lại xem xét sau, hoặc có liên quan đến vấn đề “chủ quyền” đối với một số thực thể, ví dụ như bãi Vành Khăn, bãi Xu Bi... hoặc liên quan đến vấn đề phân định biển. Như vậy có thể thấy, Hội đồng Trọng tài gồm 5 Thẩm phán do Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) thành lập để xem xét và thụ lý vụ việc đã làm việc một cách hết sức độc lập, khách quan, công tâm và chỉ tuân theo pháp luật quốc tế, đặc biệt Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Bởi vì, Điều 298 UNCLOS cho phép các nước thành viên Công ước có quyền bảo lưu không chấp nhận giải quyết tranh chấp về chủ quyền và phân định biển thông qua cơ quan tài phán quốc tế. Trung Quốc đã có văn bản chính thức bảo lưu quyền không chấp nhận giải quyết tranh chấp chủ quyền, phân định biển thông qua Cơ quan tài phán quốc tế theo Điều 298 UNCLOS, nên sự thận trọng của Hội đồng Trọng tài 5 thành viên do PCA thành lập là cần thiết, phù hợp.

Việt Nam có thể rút ra cho mình 2 bài học từ việc này:

Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ hay phân định biển giữa các quốc gia muốn đưa ra cơ quan tài phán phân xử thì các bên liên quan phải ký kết thỏa thuận đồng ý cùng đưa tranh chấp ra Tòa mới khả thi và lúc đó Tòa mới có thể thụ lý hồ sơ kiện tụng. Vì vậy, đơn phương khởi kiện Trung Quốc về chủ quyền trong trường hợp quần đảo Hoàng Sa hay ít nhất 7 thực thể ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp là không khả thi, bởi vì Trung Quốc không muốn “quốc tế hóa” và không chấp nhận giải pháp pháp lý thông qua cơ chế tài phán quốc tế. Do đó chúng ta cần tìm cách tiếp cận khác trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, đòi lại thực thể địa lý đã bị Trung Quốc xâm chiếm bất hợp pháp.

Thứ hai,Trung Quốc đang ra sức đánh tráo khái niệm hoặc “lập lờ đánh lận con đen” để tìm cách lẩn tránh phán quyết của Tòa Trọng tài với lập luận “thực chất vụ kiện của Philíppin là tranh chấp chủ quyền các thực thể ở Trường Sa, Scarborough”. Ngày 25-10-2015, Tòa Trọng tài đã phán quyết là Tòa đủ thẩm quyền xét xử ít nhất 7 trong số 15 nội dung Philíppin khởi kiện Trung Quốc. Điều này giúp chúng ta tự tin hơn trong việc ủng hộ, bảo vệ phán quyết của Tòa, một phán quyết không ảnh hưởng gì đến vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa hiện đang bị một số quốc gia nhảy vào tranh chấp với Việt Nam. Bởi vì, phán quyết của Tòa trọng tài lần này chỉ nhằm khẳng định rằng ở quần đảo Trường Sa, nếu căn cứ vào các quy định của UNCLOS về hiệu lực của các thực thể địa lý ở đây trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa thì không có thực thể nào đủ điều kiện hưởng quy chế 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế, kể cả đảo Ba Bình là một đảo theo đúng định nghĩa của Điều 121, cho dù cấu tạo bằng đất, san hô hay bằng đá, nhưng đó là một đảo quá bé nhỏ, với diện tích khoảng 0,4km2, lại nằm trong khu vực địa lý có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, không thích hợp cho sự sinh sống của con người (nếu không có sự can thiệp cải tạo của con người) và đương nhiên là không có đời sống kinh tế riêng. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, ngoài Trung Quốc thì Philíppin, Đài Loan và Malaixia cũng đang chiếm đóng một số thực thể ở Trường Sa và đang tìm mọi cách để củng cố căn cứ pháp lý nhằm bảo vệ yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của họ, kể cả việc thông qua cơ chế Tài phán quốc tế. Việc này khiến không ít người băn khoăn, liệu có nên ủng hộ vụ kiện này của Philíppin hay không? Ủng hộ phán quyết của Tòa có ảnh hưởng tiêu cực, bất lợi đến chủ quyền của Việt Nam hay không?

Để giải đáp những băn khoăn nói trên và từ đó mà tăng thêm niềm tin trong hành xử, chúng ta cần một lần nữa hiểu rõ nội dung đơn kiện của Philíppin cụ thể là gì? Theo thông tin từ PCA thì đơn kiện đó gồm có 15 điểm, tập trung vào 3 nhóm vấn đề:Một là, yêu sách đường chín đoạn Trung Quốc đưa ra dựa trên “quyền lịch sử” không phù hợp với UNCLOS cho nên nó vô giá trị; Hai là, Philíppin yêu cầu PCA xác định xem, theo UNCLOS thì một số thực thể mà cả Philíppin lẫn Trung Quốc yêu sách là đảo, đá, bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay bãi ngầm nằm hoàn toàn dưới mực nước biển, trên cơ sở đó để xác định hiệu lực pháp lý của các thực thể này đến đâu (có hay không có lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý); Ba là, Philíppin yêu cầu PCA tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi cản trở Philíppin thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền tự do của Philíppin theo UNCLOS cũng như việc Trung Quốc gây tổn hại môi trường biển trong các hoạt động bồi lấp xây dựng đảo, đánh bắt cá mà nước này tiến hành.

Như phân tích ở trên, Tòa Trọng tài chỉ làm rõ việc áp dụng và giải thích UNCLOS đối với một số thực thể ở Trường Sa mà Philíppin kiến nghị, ví dụ: Ba Bình có 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế hay không, Xu Bi, Vành Khăn, Châu Viên có 12 hải lý lãnh hải hay không. Còn việc các thực thể này thuộc chủ quyền nước nào, Tòa Trọng tài không có thẩm quyền bàn đến. Mặt khác, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm chính thức bảo lưu chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nên việc chúng ta ủng hộ và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài chỉ có lợi, không có hại.

Cái lợi thứ nhất rõ ràng, điển hình, quan trọng và sâu sắc chính là việc thu hẹp đáng kể các tranh chấp mà Trung Quốc cố tình tạo ra ở Biển Đông, nhất là “đường lưỡi bò”. Có thể nói, đây là trung tâm của vụ kiện Philíppin đệ trình lên PCA. Chúng ta còn nhớ việc năm 2012 Trung Quốc công khai mời thầu bất hợp pháp 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam. Nghiêm trọng hơn, tháng 5-2014 Trung Quốc kéo giàn khoan 981 hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến quan hệ Việt - Trung rơi vào khủng hoảng chưa từng có sau Chiến tranh Biên giới 1979 - 1989, chúng ta đã phản ứng rất quyết liệt, đối phó rất vất vả để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình.

Phán quyết của Tòa Trọng tài lần này đã bác bỏ yêu sách đường “lưỡi bò”mà Trung Quốc tự vẽ ra năm 1946 là hoàn toàn không phù hợp với UNCLOS, không có bất cứ cơ sở pháp lý nào thì không chỉ là thắng lợi của Philíppin, mà còn là thắng lợi cho chúng ta, cho khu vực và đặc biệt là cho chính sự đúng đắn của UNCLOS 1982. Như vậy, phán quyết này sẽ thu hẹp đáng kể tranh chấp trên Biển Đông. Tất nhiên với những gì Bắc Kinh thể hiện thì có thể đoán trước, Trung Quốc sẽ bất chấp phán quyết của Tòa và leo thang hơn, phiêu lưu hơn, hung hãn hơn trên Biển Đông. Để buộc Trung Quốc từ bỏ yêu sách phi lý, tuân thủ phán quyết của Tòa không phải là điều dễ dàng. Nhưng, việc khiến Trung Quốc đối mặt với một vụ kiện, bị phán quyết thua, cũng có tác động không nhỏ đến hình ảnh của Trung Quốc. Đồng thời, điều này sẽ luôn là bằng chứng khẳng định tuyên bố “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc chỉ là lời nói dối. Trong cục diện Trung Quốc muốn tranh giành ảnh hưởng với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật, EU..., thì đây sẽ là đòn đả kích không nhỏ vào những lời nói của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Dù có thể chưa có cơ chế, chế tài nào buộc Trung Quốc phải thực thi phán quyết, thì nó vẫn có ý nghĩa và giá trị to lớn, tạo nền tảng đoàn kết các bên liên quan, đặc biệt là ASEAN trong vấn đề chống bành trướng, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, thu hẹp đáng kể phạm vi tranh chấp.

Nếu chỉ nói tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa thì đó là câu chuyện song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc nên rất khó vận động quốc tế ủng hộ và giúp đỡ chúng ta một cách hiệu quả. Chủ quyền đối với Trường Sa lại càng phức tạp hơn bởi có cả thảy 5 nước 6 bên, về nguyên tắc chúng ta phản đối Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp thì cũng phải phản đối Philíppin, Malaixia, Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp làm cho vấn đề đã phức tạp lại càng thêm rối rắm.

Nhưng nói đến việc áp dụng và giải thích UNCLOS, bảo vệ UNCLOS thì đây chính là sợi dây vững chắc kết nối các bên liên quan, bao gồm cả Inđônêxia bởi đường lưỡi bò này gặm cả vào vùng đặc quyền kinh tế quần đảo Natuna. Vừa qua, Trung Quốc đã có những hành vi leo thang xâm phạm nghiêm trọng vùng biển này khiến Inđônêxia bất bình, lo ngại và tìm cách đối phó. Vì vậy, phán quyết của Tòa Trọng tài về “đường lưỡi bò” sẽ có ý nghĩa rất quan trọng với tất cả các bên, trong đó có Việt Nam trong việc đấu tranh chống âm mưu bành trướng, độc chiếm Biển Đông làm “ao nhà” của Trung Quốc.

Cái lợi thứ hai là xác định hiệu lực pháp lý của một số thực thể ở Trường Sa cũng góp phần rất lớn vào việc thu hẹp tranh chấp. Bởi vì, để hiện thực hóa đường lưỡi bò, Trung Quốc sẽ tìm cách áp đặt yêu sách 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế đối với Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough và bãi ngầm Macclesfield. Âm mưu ấy được thể hiện ngay từ tên gọi Trung Quốc gán cho bãi cạn Scarborough là “đảo Hoàng Nham” hay bãi ngầm Macclesfield hoàn toàn chìm dưới mặt nước Biển Đông là “quần đảo Trung Sa”.

Do đó, phán quyết của Tòa Trọng tài với một số thực thể mà Philíppin đề xuất sẽ góp phần bẻ gãy âm mưu, thủ đoạn này và gợi mở cho các bên tiếp tục công cuộc đấu tranh loại bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp bằng con đường pháp lý.

Cái lợi thứ ba là Việt Nam sẽ tập hợp được sức mạnh khu vực và quốc tế để chống lại các âm mưu, hành động của Trung Quốc hòng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà. Vừa qua, dư luận đã chứng kiến, lâu nay trầm lắng như Malaysia và Indonesia trước các hành vi bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng đã phải lên tiếng. Về chủ quyền thì Inđônêxia không liên quan, còn Malaixia thích làm việc với riêng Trung Quốc, nhưng về việc công phá “đường lưỡi bò” lại là lợi ích sát sườn của hai quốc gia này.

5. Những gợi mở cho Việt Nam về giải pháp pháp lý

Dư luận lâu nay đặc biệt quan tâm lo ngại trước tình hình Biển Đông với các hành vi leo thang quân sự hóa ngày càng hung hãn, phiêu lưu và trắng trợn của Trung Quốc đã khiến nhiều người mong muốn Nhà nước ta khởi kiện Trung Quốc. Thậm chí có những quan điểm lo ngại, việc Trung Quốc cất quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp Hoàng Sa gần 50 năm, nếu để qua khoảng thời gian này có thể mất Hoàng Sa mãi mãi trên bình diện Công pháp quốc tế.

Tuy nhiên người viết cho rằng, khả năng “mất Hoàng Sa vĩnh viễn sau 50 năm” là không có cơ sở. Bởi các điều luật quốc tế, tập quán quốc tế cho thấy, khả năng này chỉ xảy ra trong trường hợp quốc gia có chủ quyền không nói gì, không làm gì để khẳng định và duy trì thì sau 50 năm coi như mặc nhiên từ bỏ chủ quyền của mình với vùng lãnh thổ bị quốc gia khác chiếm đóng.

Chúng ta đã, đang và sẽ vẫn tiếp tục các hoạt động duy trì chủ quyền của mình với Hoàng Sa thân yêu, dù phần máu thịt ấy đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Các hoạt động khẳng định và thực thi chủ quyền ấy bao gồm đủ cả yếu tố vật chất, lẫn tinh thần, là hai yếu tố cần và đủ trong Công pháp quốc tế.

Mặt khác, như đã phân tích ở trên, để giải quyết tranh chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ, luật pháp quốc tế hiện nay không có quy định nào cho phép các Cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền thụ lý hồ sơ chỉ do một bên đơn phương khởi kiện. Do đó, muốn sử dụng biện pháp pháp lý với Trung Quốc cũng cần có sự nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng.

Từ vụ kiện của Philíppin, thiết nghĩ có một lựa chọn khả dĩ cho chúng ta trong việc sử dụng giải pháp pháp lý đối với Trung Quốc, đó là Việt Nam có thể kiện và nên khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Điều 47 UNCLOS đối với quần đảo Hoàng Sa và yêu cầu cơ quan tài phán ra phán quyết bác bỏ đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải bao quanh Hoàng Sa mà Trung Quốc tuyên bố bất hợp pháp năm 1998.

Nếu giải quyết được vấn đề này, đầu tiên chúng ta sẽ tạo được đòn bẩy trong đấu tranh với Trung Quốc để bảo đảm các hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam trên ngư trường truyền thống bao đời nay ở vùng biển Hoàng Sa nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục có hành động cướp biển, côn đồ bắt bớ, đánh đập de dọa ngư dân ta như lâu nay.

Mặt khác, dùng giải pháp pháp lý bác bỏ đường cơ sở phi lý Trung Quốc tự vẽ ra ở Hoàng Sa bằng cách vận dụng sai, giải thích sai Điều 47 UNCLOS còn giúp chúng ta hóa giải một nước cờ hiểm độc của Bắc Kinh vừa qua, đó là cứ hễ cần gây áp lực hay nghi binh, thu hút dư luận là Trung Quốc lại kéo giàn khoan ra cắm ở vùng cửa vịnh Bắc Bộ mở rộng, nơi hai nước còn đang đàm phán, chưa phân định ranh giới mà không phải vị trí khác.

Âm mưu của Trung Quốc rất thâm độc. Nếu chúng ta không phản đối một cách phù hợp và hiệu quả, thì sau này họ sẽ lu loa rằng họ cắm giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Hoàng Sa mà họ gọi là Tây Sa mà Việt Nam không nói gì. Còn khi cắm giàn khoan, Trung Quốc chỉ nói lập lờ đó là “vùng biển Trung Quốc, không có tranh chấp”; trong khi với cảm quan bằng mắt thường, nhiều người cho rằng những vị trí này có thể gần đảo Hải Nam hơn là bờ biển Việt Nam...

Đã đến lúc Việt Nam nên triển khai mặt trận đấu tranh pháp lý mạnh mẽ hơn, thiết thực, cụ thể hơn, bằng cách trước hết phải huy động được đội ngũ luật gia, luật sư Việt Nam có trình độ, có kinh nghiệm ở trong và ngoài nước và tranh thủ sự giúp đỡ của các luật sư người nước ngoài để cùng xúc tiến hoàn thiện quá trình kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế theo đúng thủ tục và nội dung mà Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc 1982 đã quy định. Đây là việc làm cần thiết, thích hợp và là thế mạnh của Việt Nam trong tình hình hiện nay. Để làm được việc này, đội ngũ luật gia, luật sư phải là lực lượng nòng cốt, là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận pháp lý. Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần phát huy vị trí, vai trò của mình với tư cách là những tổ chức xã hội, nghề nghiệp, để đảm nhiệm trọng trách này trước quốc gia, dân tộc, không nên chỉ dừng lại ở những hoạt động mang ý nghĩa chính trị, hình thức chung chung... Nhà nước cần đầu tư và tạo điều kiện cho giới luật gia và luật sư Việt Nam tham gia vào mặt trận đấu tranh pháp lý hết sức khó khăn phức tạp này. Tìm hiểu cặn kẽ vụ kiện của Philíppin không chỉ giúp chúng ta tự tin đưa ra phản ứng phù hợp, công khai ủng hộ và bảo vệ phán quyết của PCA mà không phải lo ngại về vấn đề tranh chấp chủ quyền các thực thể ở Trường Sa với Philíppin hay Malaixia, và cả với phương án khởi kiện độc lập của riêng Việt Nam.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1) Joseph A. Biesinger, Germany: a reference guide from the Renaissance to the present, Infobase Publishing, 2006, No 79-80.

(2) A. J. P. Taylor, “The Origins of the Second World War”. Dalum hjllese debatklub. http://www.dandebat.dk

(3), (4) Nguyễn Thị Thư - Nguyễn Hồng Bích - Nguyễn Văn Sơn, Lịch sử Trung Cận Đông, Nxb Giáo dục, 2009, tr.330-334, 343-344.

(5) Các hành động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua và chống lại Nicaragua, Phán quyết ngày 27-6-1986, Tuyển tập các phán quyết, kết luận tư vấn, quyết định của Tòa án Công lý quốc tế, 1986, tr.290.

(6) Điều 1 của Công ước về giải quyết các xung đột quốc tế ký tại La Hay ngày 18-10-1907 quy định: “Nhằm ngăn ngừa hết mức việc sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, các cường quốc kết ước thỏa thuận sử dụng mọi nỗ lực để bảo đảm hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

(7) Hiệp ước này nêu rõ “Các bên tham gia ký kết nhân danh các dân tộc mà mình đại diện, trịnh trọng tuyên bố lên án việc dùng chiến tranh để giải quyết các tranh chấp quốc tế, và từ bỏ việc sử dụng chiến tranh như chính sách quốc gia trong quan hệ giữa họ với nhau”.

(8) http://www.un.org.

(9) http://daccess-dds-ny.un.org.

 

TS Trần Công Trục

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền