Trang chủ    Bài nổi bật    Công an Nhân dân - Lực lượng chủ chốt bảo vệ chính quyền cách mạng và giữ vững an ninh trật tự những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám
Thứ sáu, 18 Tháng 8 2017 14:47
2452 Lượt xem

Công an Nhân dân - Lực lượng chủ chốt bảo vệ chính quyền cách mạng và giữ vững an ninh trật tự những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám

(LLCT) - Cách mạng Tháng Tám thành công, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do. Bảo vệ thành quả của cách mạng, ngành công an ngay khi mới thành lập đã chiến đấu gay go phức tạp, mưu trí, kịp thời phá các âm mưu và hoạt động phá hoại các thế lực đế quốc câu kết với bọn phản động, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng.

1. Thành quả cách mạng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”  

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thách thức nghiêm trọng. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-1945, nhiều lực lượng mang danh nghĩa Đồng minh vào Việt Nam thực hiện giải giáp quân Nhật[1], chúng có chung mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam. 20 vạn quân Trung Hoa Quốc dân Đảng cùng đặc vụ, theo sau là phản cách mạng người Việt lưu vong vào miền Bắc Việt Nam. Mưu đồ của quân Trung Hoa Quốc dân Đảng là tiêu diệt Đảng, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động lật đổ chính quyền cách mạng. Việt quốc, Việt cách với chiêu bài “Cách mạng hải ngoại”, “Cách mạng quốc gia” ngang nhiên lập chính quyền phản động ở thị xã Vĩnh Yên, Yên Bái, Móng Cái. Chúng rải truyền đơn, hô hào dân chúng chống chính quyền cách mạng, tổ chức bắt cóc, ám sát, gây rối về chính trị và trật tự xã hội. Ở miền Nam, ngày 23-9-1945, quânPháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn -Chợ Lớn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Lực lượng phản cách mạng tay sai Nhật, Pháp như Đại Việt quốc dân đảng, các nhóm phản động đội lốt tôn giáo trong Cao Đài, Hòa Hảo, mật thám trước đây,… ra mặt làm tay sai cho Pháp.

Trong khi đó, tình hình kinh tế rất khó khăn, tài chính kiệt quệ. Đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ, nhiều tệ nạn, hủ tục lạc hậu của chế độ cũ. Nạn đói rình rập. Hệ thống chính quyền các cấp dù được thành lập từ Trung ương tới làng xã trên cả nước song năng lực, hiệu hiệu lực quản lý, điều hành hạn chế. Cán bộ chính quyền, Việt Minh các cấp ít, hầu hết chưa có kinh nghiệm tổ chức, quản lý. Kẻ thù luôn tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, ly gián nhân dân với chính quyền. Ở Bắc Bộ, có những tổ chức, đoàn thể xích mích, mâu thuẫn nhau. Cá biệt, có tổ chức đã dao động trước các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ của địch, để cho số phản động, cơ hội lũng đoạn.

Hệ thống tổ chức Đảng đã được xây dựng ở phần lớn các tỉnh thành trên cả nước, song số lượng còn rất hạn chế; 7 tỉnh chưa có cơ sở Đảng, đảng viên. Trình độ của đa số đảng viên hạn chế vì ít được học tập, lại trải qua thời gian dài hoạt động bí mật. Giao thông liên lạc khó khăn, ảnh hưởng đến sự thống nhất chủ trương, đường lối của Đảng trong toàn quốc. Ở nhiều địa phương còn có tình trạng thiếu thống nhất về mặt tổ chức... Ở Nam Bộ, một số cán bộ, đảng viên chưa nắm chắc chủ trương của Trung ương, hoạt động còn có những lệch lạc.

Cuộc đấu tranh chống xâm lược và các hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, chống bạo loạn lật đổ diễn ra phức tạp, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất của Đảng từ Trung ương đến địa phương, đồng thời tăng cường công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân, đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới.

2. Lực lượng công an thành lập, đáp ứng yêu cầu cách mạng

Ngày 19-8-1945, Công an nhân dân được thành lập. Ở Hà Nội, sau khi chiếm Ty Cảnh sát và các quận, đồn cảnh sát của địch, ta đã lập Sở Liêm phóng Bắc bộ và thành lập Ty Cảnh sát. Nhiều nơi ở Bắc bộ thành lập Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát. Tại Trung bộ, ngày 23-8-1945 Ủy ban Nội vụ Trung bộ quyết định thành lập Sở Trinh sát. Ở Nam bộ, ngày 25-8-1945, Ủy ban hành chính lâm thời quyết định thành lập Quốc gia tự vệ cuộc.

Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho cách mạng Việt Nam trước tình hình mới là bằng mọi giá phải bảo vệ được Đảng, bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị, ổn định mọi mặt đời sống xã hội. Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn dân, toàn quân nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và thực sự đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[2]. Để tránh phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện sách lược tạm thời hòa hoãn với quân Trung Hoa Quốc dân đảng, với khẩu hiệu “Hoa - Việt thân thiện”, nhằm tập trung chống thực dân Pháp ở miền Nam. Ở những nơi có quân Trung Hoa Quốc dân đảng đóng, ta thành lập “Ban liên lạc Việt Hoa”[3].

Để tăng cường sức mạnh chuyên chính, Chính phủ đã ra nhiều sắc lệnh đảm bảo chủ quyền, đảm bảo an ninh trật tự. Ngày 5-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 8 giải tán Đại Việt quốc dân đảng, Đại Việt quốc gia Xã hội đảng. Ngày 12-9-1945, Chính phủ tiếp tục ra Sắc lệnh số 30 giải tán Việt Nam Hưng quốc Thanh niên và Việt Nam Ái quốc Thanh niên. Ngày 13-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thiết lập các Tòa án quân sự có nhiệm vụ xét xử những người có hành vi làm phương hại đến nền độc lập, đồng thời ra Sắc lệnh số 33A định thể lệ cho Liêm phóng và Cảnh sát khi bắt một người[4]. Những văn bản này là cơ sở pháp lý cho việc trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập.

Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Về Kháng chiến, kiến quốc, đề ra những vấn đề cơ bản về chủ trương, đ­ường lối và phư­ơng pháp cách mạng. Hai nhiệm vụ kháng chiếnkiến quốc có quan hệ khăng khít, không thể tách rời nhau. Nhằm bảo vệ chính quyền, đảm bảo an ninh trật tự của xã hội mới, Đảng nêu rõ quan điểm kiên quyết: “Trừng trị bọn phản quốc đã nhân những khó khăn về nội trị và ngoại giao và dựa vào thế lực người mà ngóc đầu dậy, trừng trị bọn chia rẽ, bọn thất bại (defaitisme), bọn đầu cơ tích trữ và bọn lạm quyền nhiễu dân”[5]. Đó là quan điểm cơ bản của Đảng chỉ đạo công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự của Nhà nước và công an cách mạng, góp phần thắng lợi trong công cuộc xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền cách mạng, vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, củng cố cơ sở chính trị, pháp lý và sức mạnh thực tế của Nhà nước cách mạng trong cuộc đấu tranh tự bảo vệ.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử (6-1-1946), cuộc đấu tranh chống phản cách mạng diễn ra ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; đồng thời tăng cường công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân.

Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 21-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp các Sở cảnh sát và các Sở liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan là Việt Nam công an vụ. Đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ Giám đốc Việt Nam Công an vụ đầu tiên. Nhiệm vụ của Việt Nam công an vụ là: 1.Tìm kiếm và tập trung các tin tức và tài liệu liên can đến sự an toàn của quốc gia, hoặc bề trong, hoặc bề ngoài. 2. Đề nghị thi hành các phương pháp đề phòng những sự hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước, bất cứ sự hoạt động đó là do người Việt Nam hay người ngoại quốc. 3. Điều tra về những hành động trái phép và truy tìm người can phạm giúp tòa án trong sự trừng trị[6]. Tiếp đó ngày 18-4-1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp: ở Trung ương gọi là Nha công an Việt Nam; ở Bắc, Trung, Nam gọi là Sở công an; các tỉnh gọi là Ty công an. Thực hiện Sắc lệnh số 23-SL và Nghị định 121-NĐ, lực lượng Công an đã được triển khai thống nhất trên tất cả các địa phương trong cả nước, cùng toàn quân toàn dân đấu tranh bảo vệ  độc lập tự do của dân tộc, bảo vệ Nhà nước dân chủ nhân dân.

3. Giữ vững thành quả cách mạng

Trước âm mưu và hành động chống phá quyết liệt của các thế lực đế quốc và phản động, các tổ chức đầu tiên của công an nhân dân có nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng và tài sản của nhân dân. Lực lượng Liêm phóng Bắc bộ, Trinh sát Trung bộ, Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ cùng các lực lượng vũ trang khác thực hiện nhiệm vụ bắt và trấn áp những tên cầm đầu các đảng phái phản động, những quan lại, tay sai của Pháp và phát xít Nhật có nhiều tội ác, kịp thời thu giữ, bảo quản hồ sơ tài liệu. Cùng với những hoạt động trấn áp phản cách mạng, lực lượng Liêm phóng Bắc bộ và tự vệ chiến đấu, công nhân cứu quốc, thanh niên cứu quốc đã bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính phủ lâm thời từ căn cứ Việt Bắc về Hà Nội.

Tại Nam Bộ, ngày 25-10-1945, Hội nghị cán bộ Nam Bộ quyết định những vấn đề về kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xác định nhiệm vụ củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và phát triển lực lượng trừ gian, xây dựng cơ sở bí mật trong thành phố, thị xã bị địch chiếm đóng, ở thành thị đấu tranh chính trị là chủ yếu, chuyển trung tâm đấu tranh vũ trang về nông thôn…[7]. Thực hiện nhiệm vụ này, Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ tiến hành xây dựng cơ sở bí mật trong lòng địch, phát triển lực lượng trừ gian, đánh mạnh vào bọn do thám chỉ điểm, trấn áp kịp thời phản cách mạng câu kết với thực dân Pháp. Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ trấn áp phản động trong các giáo phái: âm mưu gây bạo loạn cướp chính quyền ở Cần Thơ giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ (9-1945). Những ngày đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ, Quốc gia tự vệ cuộc trở thành lực lượng vũ trang chủ yếu của Đảng, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân rút ra căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài vừa tổ chức các trận chiến đấu vũ trang kìm chân địch, xây dựng cơ sở phá tề trừ gian.

Tại Trung Bộ và Bắc Bộ, lực lượng an ninh triệt để vận dụng luật pháp, thực hiện sách lược mềm dẻo của Đảng để trấn áp các tổ chức phản động và vận động quần chúng công khai đấu tranh tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ; vô hiệu hóa các hoạt động của liên minh phản cách mạng trong, ngoài. Ở vùng địch tạm chiếm, trinh sát vũ trang phối hợp với lực lượng cách mạng tại chỗ, tiến hành nhiều chiến dịch phá tề, trừ gian, phá hệ thống chính quyền cơ sở của địch. Tại các vùng tự do, vùng căn cứ kháng chiến, trinh sát bảo vệ chính trị triển khai công tác phòng chống phản cách mạng, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo, căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não. Trinh sát địa bàn là lực lượng nòng cốt xây dựng, củng cố phong trào “bảo mật phòng gian”, “ngũ gia liên bảo”, giúp dân vừa sản xuất vừa tích cực phòng gian, trừ gian và chống địch càn quét. Các hoạt động này đã tạo lập thành công trận địa phòng chống phản cách mạng, phát huy được sức mạnh của nhân dân vào trận địa phòng ngừa và đánh địch.

Đấu tranh chống phản cách mạng và phản động tại Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà non trẻ, nơi tập trung các cơ quan Chính phủ, Trung ương Đảng, diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Ngay khi đến Hà Nội, quân Trung Hoa quốc dân Đảng ngang nhiên khẳng định quyền giữ gìn trật tự trị an. Chúng chiếm đóng các địa điểm quan trọng, kiểm soát các cửa ô lớn ra vào thành phố, giúp Việt Quốc, Việt Cách củng cố tổ chức, phát triển cơ sở, tập hợp lực lượng chống phá chính quyền cách mạng.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của lực lượng công an là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lễ mít tinh mừng Ngày Việt Nam độc lập, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt đồng bào. Tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức ngày Lễ Độc lập có nhiều lực lượng, trong đó có bộ phận bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn ngày lễ, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù. Các lực lượng được vinh dự giao nhiệm vụ đặc biệt bảo vệ Lễ Độc lập, gồm các đơn vị thuộc Khu Đặc biệt Hà Nội (hai Chi đội Giải phóng quân 3 và 4), Tự vệ chiến đấu, Tự vệ Thành Hà Nội, lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ. Lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ được bố trí bảo vệ từ vòng trong đến vòng ngoài. Một đội cảnh sát mặc đồng phục, mang súng ngắn đi xe đạp hộ tống đoàn xe có các trinh sát bảo vệ chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ tới quảng trường. Lực lượng trinh sát bí mật hóa trang trong dòng người dự mít tinh để phát hiện những hiện tượng nghi vấn, sẵn sàng ngăn chặn. Lực lượng cảnh sát được bố trí bảo vệ công khai các khối quần chúng, giữ gìn trật tự trong hàng ngũ những người dự mít tinh. Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình, các đơn vị Giải phóng quân, lực lượng vũ trang Hà Nội, lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ cùng 50 vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận thay mặt cho nhân dân cả nước đã tham dự Lễ Độc lập đầu tiên, đón chào Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Tổ chức thành công Lễ Độc lập mang tầm vóc vĩ đại của dân tộc là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là tinh thần chủ động chuẩn bị và tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên của Chính phủ, đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự ngày lễ, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống đối, phá hoại của các thế lực thù địch.

Lực lượng “Cảnh sát danh dự không lương”[8] của Hà Nội cùng lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp Hà Nội tăng cường giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Một số tỉnh như Hải Phòng, Hà Đông, Thanh Hóa cũng tổ chức lực lượng cảnh sát xung phong làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, triệt phá nhiều toán cướp do Quốc dân đảng tổ chức, bài trừ các tệ nạn xã hội.

Công tác an ninh giai đoạn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phá vỡ thế liên minh giữa giặc ngoại xâm với các thế lực nội phản. Lực lượng An ninh đã điều tra, thu thập thông tin, bắt và tiêu diệt hàng ngàn tên tay sai chỉ điểm, bọn cầm đầu các đảng phái tay sai cho Pháp, Nhật, quân Tưởng. Với sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng công an đã khám phá hàng trăm tổ chức, ổ nhóm gián điệp, chỉ điểm; trấn áp hàng chục nhen nhóm, tổ chức phản động. Điển hình như vụ đập tan âm mưu của Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đại Việt Quốc Dân Đảng câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ Chính phủ cách mạng.

Ngày 28-2-1946 tại Trùng Khánh (Trung Quốc)Chính phủ Trung Hoa dân quốc và Chính phủ Phápký kết Hiệp ước Pháp – Hoa, trao cho thực dân Pháp quyền thay thế quân đội Trung Hoa dân quốc, tước vũ khí quân Nhật ở miền Bắc Việt Nam. Đảng chủ trương tạm thời hòa hoãn với Pháp để nhanh chóng đẩy quân của Tưởng Giới Thạch về nước. Ngày 6-3-1946, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ký với Pháp bản Hiệp định sơ bộ. Với việc ký Hiệp định này, chúng ta “tránh bất lợi phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động…, bảo toàn thực lực, giành lấy giải pháp nghỉ ngơi và củng cố vị trí đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào…”[9]. Khi quân Pháp thay quân Trung Hoa Quốc dân Đảng chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra, chúng đã xúc tiến kế hoạch đảo chính hòng lật đổ chính quyền cách mạng, lập chính quyền làm tay sai cho Pháp.

Được sự hỗ trợ của quân Pháp, Việt Nam Quốc dân đảng vạch kế hoạch: Lợi dụng quân Pháp tổ chức diễu binh mừng Ngày Quốc khánh (14-7), khi đi qua Bắc Bộ Phủ, chúng sẽ ném lựu đạn để gây đổ máu. Với lý do này, Pháp đổ lỗi cho phía Việt Nam, kéo vào Bắc Bộ Phủ bắt các thành viên Chính phủ, tuyên bố thành lập chính quyền mới của Quốc dân đảng, làm tay sai cho Pháp.

Trinh sát chính trị của Sở Công an Bắc Bộ và Nha Công an theo dõi, bí mật bắt một số tên khai thác và nắm được âm mưu đảo chính của Quốc dân đảng từ mấy tháng trước đó(10). Nhưng đến ngày 11-7, ta vẫn không thu được một bằng chứng nào để trình Chính phủ cho phép mở cuộc trấn áp. Nhiệm vụ đấu tranh chống phản cách mạng lúc này làm đúng hay sai có quan hệ đến sự sống còn của chính quyền cách mạng. Đêm 11-7, cơ sở báo tin chúng đã in xong các loại truyền đơn, lời hiệu triệu, một số đã chuyển đi các tỉnh, sáng sớm 12-7 các trụ sở ở Hà Nội sẽ rút vào bí mật để thực hiện giai đoạn cuối cùng là lật đổ chính quyền cách mạng. Đêm đó, lãnh đạo Nha Công an và lãnh đạo Sở Công an Bắc Bộ tiến hành họp để bàn kế sách trấn áp, thống nhất quyết định: Phải đột kích vào trụ sở 132 Đuyvinhô (nay là phố Bùi Thị Xuân), thu chứng cứ trình Chính phủ để được mở cuộc trấn áp Quốc dân đảng. Một tiểu đội Công an xung phong và trinh sát chính trị bất ngờ đột kích vào 132 Đuyvinhô. Rạng sáng ngày 12-7- 1946, lực lượng công an tiến hành cuộc đột kích thắng lợi, thu nhiều tài liệu về âm mưu của Pháp câu kết với phản động gây bạo loạn lật đổ Chính phủ Việt Nam, bắt hàng chục tên.

Trước những bằng chứng rõ ràng, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định cho lực lượng công an phối hợp với các lực lượng khác tiến công truy quét tất cả các trụ sở công khai và bí mật của Quốc dân đảng ở Hà Nội. Nhân dân ủng hộ tích cực, tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ, làm cho quân đội Pháp không dám can thiệp. Trong cuộc truy quét ở Hà Nội, lực lượng công an được quần chúng giúp đỡ, bắt gần 100 tên phản động, trong đó có nhiều tên nguy hiểm, đập tan âm mưu lật đổ Chính phủ ta của thực dân Pháp câu kết với phản động.

Cuộc trấn áp không chỉ được tiến hành ở Hà Nội, mà nhân thời cơ đó, Nha Công an chỉ đạo các tỉnh đồng loạt mở cuộc trấn áp Quốc dân đảng. Đây là quyết định rất sáng suốt, làm tan rã lực lượng của một đảng chính trị phản động nhất, có thực lực nhất lúc bấy giờ. Cuộc tổng trấn áp Quốc dân đảng thắng lợi, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do Quốc dân đảng câu kết với Quân đội viễn chinh Pháp tiến hành, một chiến công vang dội của lực lượng công an, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân củng cố chính quyền cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự Chính phủ, Công an nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ dân chủ nhân dân, giữ vững ổn định chính trị. Lực lượng công an mới ra đời, quân số ít, nghiệp vụ còn hạn chế nhưng với tinh thần chiến đấu kiên cường lại được nhân dân hết lòng đùm bọc, giúp đỡ, khéo vận dụng luật pháp nên đã sớm khẳng định là lực lượng nòng cốt trong đấu tranh chống phản cách mạng. Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng Công an đã anh dũng tiến công, tiêu diệt, vây hãm địch, bảo vệ an toàn các cơ quan chính quyền, đoàn thể, tài sản quốc dân và của nhân dân chuyển về các căn cứ an toàn. Theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân đã cùng với toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong kháng chiến chống xâm lược cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Công an nhân dân là nòng cốt trong đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, có sự giúp đỡ và tham gia tích cực của quần chúng nhân dân. Trải qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng, lực lượng công an nhân dân cùng toàn dân tộc vượt qua những giai đoạn lịch sử đầy thử thách. Các thế hệ cán bộ lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ công an ở tất cả các cấp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Truyền thống vẻ vang đó đang tiếp tục được phát huy trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

_________________

[1]Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh tại Hội nghị Pốtxđam (Đức) tháng 7-1945

[2]Hồ Chí Minh:Toàn tập, tập 41945-1946, NxbCTQG, H, 2011, tr.3.

[3]Lực lượng Liêm phóng, Trinh sát nhiều nơi cử cán bộ tham gia ban này làm công tác nắm tình hình và hòa giải khi có sự việc xảy ra

[4]Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005) Nxb CQND, H.2006, tr.97.

[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, trang 31.

[6]Xem Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005) Nxb CQND, H.2006, tr99-100.

[7]Xem Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005) Nxb CQND, H.2006, tr.95.

[8]Ngày 15-9-1945, Ủy ban hành chính lâm thời thành phố Hà Nội quyết định thành lập Lực lượng “Cảnh sát danh dự không lương” gồm những thanh niên trẻ khỏe trong tầng lớp công nhân trí thức.

[9]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8 (1945-1947), Nxb CTQG, H, 2000, tr26.

[10]Ty tập trung tài liệu, còn xây dựng được 2 cơ sở đánh vào trụ sở quan trọng nhất của Quốc dân đảng là 132 phố Đuyvinhô (Bùi Thị Xuân ngày nay), cung cấp cho ta những tin tức rất giá trị về âm mưu và hoạt động của chúng

 

PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh

                                           Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền