Trang chủ    Bài nổi bật    Vấn đề độc lập trong triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 09:55
1987 Lượt xem

Vấn đề độc lập trong triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống

(LLCT) - Quan niệm về quốc gia độc lập là một trong những nội dung cơ bản của triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống. Đó là kết quả của một quá trình nhận thức lâu dài, qua nhiều thế hệ trên cơ sở tổng kết thực tiễn đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Quan niệm về quốc gia độc lập trong triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống không tránh khỏi những hạn chế do bối cảnh thời đại, song những giá trị của nó để lại cho lịch sử tư tưởng dân tộc là không thể phủ nhận. Nó khẳng định, quốc gia độc lập, thống nhất của chúng ta là một thực tế và là điều thiêng liêng, không kẻ thù nào có thể xâm phạm. Việc giữ gìn, bảo vệ quốc gia độc lập, thống nhất ấy cũng chính là yêu cầu của đất nước ta, nhân dân ta từ ngàn xưa cho đến mai sau.

Triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống là sự kết tinh trí tuệ qua nhiều thế hệ, là thành quả của hàng nghìn năm lao động sáng tạo và kiên cường bất khuất trong đấu tranh dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Triết lý đó một mặt thể hiện những giá trị tinh thần và phương thức tư duy độc đáo của dân tộc ta, mặt khác nó trở thành một trong những động lực quan trọng của công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước trong lịch sử. Bởi, những nội dung của triết lý đó khi thẩm thấu vào quần chúng, được chuyển hóa thành sức mạnh vật chất của cả dân tộc, có thể đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ sự trường tồn của giống nòi, của non sông gấm vóc Việt Nam. Quan niệm về quốc gia độc lập là một trong những nội dung cơ bản của triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống, là kết quả của một quá trình nhận thức lâu dài qua nhiều thế hệ trên cơ sở tổng kết thực tiễn đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, với những nội dung chủ yếu là:

Một là, quốc gia độc lập có sự thống nhất, toàn vẹn và chủ quyền lãnh thổ

Ngay từ buổi đầu dựng nước, người Việt đã sớm có ý thức về địa bàn cư trú, về cương vực lãnh thổ - nơi đã sản sinh và nuôi dưỡng cộng đồng dân cư từ lúc mới xuất hiện. Trên cơ sở đó, ý thức về sự độc lập, thống nhất, chủ quyền lãnh thổ được hình thành và phát triển. Ý thức đó tiếp tục được củng cố và phát triển trong suốt cuộc đấu tranh lâu dài chống ngoại xâm để bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất của lãnh thổ. Khi giành được độc lập dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, ý thức độc lập, thống nhất, chủ quyền lãnh thổ đã thể hiện rõ; ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc, giữ gìn sự thống nhất giang sơn ngày càng được củng cố vững chắc. Sự độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ thể hiện ở chỗ quốc gia đó có ranh giới cương vực rõ ràng, có chủ quyền trên vùng lãnh thổ của mình với kinh đô riêng, quốc hiệu, đế hiệu riêng.

Chiếu dời đô(1010) đã thể hiện sự nhận thức sâu sắc về vấn đề độc lập dân tộc và xây dựng quốc gia dân tộc độc lập. Những lập luận ở đó phản ánh nguyện vọng và quyết tâm xây dựng một quốc gia không chỉ độc lập về lãnh thổ mà còn giàu mạnh, bền vững với một vương triều thịnh vượng, một nhà nước phong kiến tập quyền mạnh mẽ. Trong bối cảnh lúc đó, nguyện vọng và quyết tâm của nhà vua phản ánh và thống nhất với nguyện vọng, ý chí của dân tộc; nó đánh dấu bước nhận thức quan trọng về sự độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ do thực tiễn đời sống và tiền đồ phát triển của dân tộc đang đặt ra lúc đó.

Cũng trong thời Lý, quan niệm quốc gia độc lập, thống nhất về lãnh thổ và có chủ quyền đất nước được thể hiện rõ trong bài thơ Nam quốc sơn hà bất hủ của Lý Thường Kiệt. Đây là lời tuyên bố đanh thép và là bản tuyên ngôn về nền độc lập dân tộc, về chủ quyền của đất nước ta, ở đó vấn đề lãnh thổ, cương vực, bờ cõi được đặc biệt coi trọng. Nó khẳng định Đại Việt là quốc gia độc lập trước hết là bởi quốc gia đó có lãnh thổ, có chủ quyền riêng của mình: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”.Trong khuôn khổ thời đại phong kiến phương Đông lúc đó, vua là nhân vật đại diện cho chủ quyền của một đất nước, nên một nước độc lập, có chủ quyền lãnh thổ phải là một nước có vua, bởi nếu không thì chỉ là đất nước bị nô dịch, bị phụ thuộc hoặc chỉ là một nước chư hầu, phiên thuộc. Nước Đại Việt có bờ cõi, cương vực và có vua, hơn nữa người đứng đầu của Đại Việt là “Nam đế” cũng ngang hàng với người đứng đầu của quốc gia phương Bắc là “Bắc đế” nên địa vị của quốc gia Đại Việt không thua kém bất cứ một quốc gia nào. Việc khẳng định “Nam đế” gắn liền với “Nam quốc” không chỉ nói lên niềm tin và niềm tự hào của người Việt mà còn khẳng định sự tồn tại của nước ta với tính cách là một quốc gia độc lập về lãnh thổ, có chủ quyền với đế hiệu, quốc hiệu riêng, đồng thời chống lại tư tưởng nước lớn của phong kiến phương Bắc. Mặt khác, trong quan niệm thời đó, vận mệnh và sự tồn tại của một quốc gia, một cộng đồng hay mỗi con người đều chịu sự chi phối của “mệnh Trời”, biểu hiện như cái tất nhiên mà con người buộc phải tuân thủ, không thể làm trái. Vì vậy, việc khẳng định cương vực của đất nước và người đứng đầu nước đó do “thiên thư” quy định là muốn nói lên tính khách quan, tính tất yếu không thể chối cãi. Hơn nữa, vì mang tính tất nhiên, tính khách quan nên nó sẽ vững bền, thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Do đó, kẻ nào đi ngược lại cái khách quan và tất yếu đó sẽ phải bị trả giá. Bất cứ kẻ thù xâm lược nào làm tổn hại đến nền độc lập và chủ quyền dân tộc sẽ phải chuốc lấy thất bại: “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Đó cũng chính là lời cảnh cáo nghiêm khắc đối với giặc ngoại xâm và là lời khẳng định niềm tin tất thắng vào sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ nền độc lập tự chủ của một quốc gia.

Sự nhận thức và việc công bố một cách rõ ràng về lãnh thổ, về độc lập, chủ quyền đất nước ở đây cho thấy bước phát triển và sự trưởng thành trong tư duy, ý thức dân tộc, đồng thời tỏ rõ ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước.

Quan niệm về sự thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của quốc gia độc lập, đến Nguyễn Trãi đã đạt đỉnh cao về tư duy lý luận dưới thời phong kiến nước ta. Bằng tư duy sắc bén và sự am tường về lịch sử, địa lý dân tộc, bằng những dẫn chứng lịch sử cụ thể và sinh động, Nguyễn Trãi đã bác bỏ ý chí ngông cuồng của kẻ đi xâm lược, coi nước ta chỉ là quận huyện của phương Bắc, vì thiên triều loạn lạc mà tách ra nên giờ đây phải quay về nội thuộc. Sự độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của đất nước được ông nói đến trong nhiều văn kiện đấu tranh ngoại giao: “Từ đời xưa, đế vương trị thiên hạ chẳng qua chỉ có “chín châu” mà nước Giao chỉ lại ở ngoài “chín châu”. Xét ra từ xưa Giao chỉ không phải là đất của Trung Quốc rõ lắm rồi”(1); và hơn nữa “Nước An Nam xưa bị Trung Quốc xâm chiếm là từ Tần - Hán trở đi. Phương chi trời đã phân cách Nam Bắc, có núi cao sông lớn, bờ cõi rành rành; dẫu mạnh như Tần, giàu như Tùy, nào có thể sính thế lực được đâu!”(2).

Sau này, trong Đại cáo bình Ngô, một lần nữa ông khẳng định: “Núi sông bờ cõi đã riêng”. Đó là những đòn giáng vào sự ngạo mạn của kẻ xâm lược; phủ định chủ nghĩa bá quyền đại Hán tộc và tuyên bố không kẻ nào có thể xâm lấn bờ cõi phương Nam. Những điều đó tiếp tục được minh chứng thêm bằng những dẫn chứng sinh động trong Dư địa chí, ở đó lãnh thổ độc lập, thống nhất của đất nước được trình bày một cách toàn vẹn nhất cho đến thời bấy giờ. Với 54 đoạn văn ngắn, ông đã phác họa chân thực về các vùng miền của đất nước thế kỷ XV, về lãnh thổ, quốc hiệu, quốc đô qua các thời đại. Đặc biệt, không chỉ đề cập đến núi sông, mà ông còn nhiều lần nói về biển: “Biển cùng Lục Đầu, Yên Tử ở về Hải Dương”(3), hoặc” Biển Cùng Vân, Linh ở về Thuận Hóa”(4)... Điều đó cho thấy, rõ ràng trong quan niệm của Nguyễn Trãi, biển được xem như một phần cấu thành lãnh thổ của đất nước giống như các ngọn núi dòng sông ở đất liền vậy.

Kế thừa những tư tưởng trên, các nhà sử học thời kỳ này, như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ... tiếp tục khẳng định sự độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ đất nước trên bình diện ý thức hệ. Sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, là trời đã phân chia giới hạn Nam Bắc. Thủy tổ của ta dòng dõi Thần Nông, thế là trời đã sinh ra chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương” và “kể từ khi kế nối mở cõi nước Nam, thật đối ngang triều Bắc. Dòng mối ức vạn năm, với trời không cùng, vua giỏi sáu bảy vị, so xưa có sáng. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau mà hào kiệt đời nào cũng có”(5).

Vấn đề độc lập, thống nhất và chủ quyền lãnh thổ của đất nước cũng được vua Quang Trung sau này xem như một nguyên tắc hiển nhiên không thể chối cãi: “Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị”(6). Do đó, kẻ nào vi phạm chủ quyền, xâm lấn lãnh thổ đất nước thì sẽ “Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”(7).

Hai là, quốc gia độc lập là quốc gia có nền “văn hiến” với những bản sắc riêng

Quan niệm về quốc gia độc lập trong triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống không chỉ thể hiện ở ranh giới cương vực, chủ quyền lãnh thổ mà còn có nền văn hiến mang bản sắc dân tộc, với truyền thống văn hóa, nhân tài hào kiệt và những phong tục tập quán đặc trưng của người Việt, được hình thành gắn liền với lãnh thổ, cương vực, bờ cõi đó. Nền văn hiến của dân tộc ta được hình thành từ trong quá khứ lâu đời, là sản phẩm và cũng là sự phản ánh quá trình lao động, đấu tranh sinh tồn của cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ nước ta. Điều đó đã được Nguyễn Trãi khẳng định trong Đại cáo bình Ngô:“Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Theo GS Đinh Gia Khánh, “Văn là văn hóa, văn minh. Hiến là nhân tài, hào kiệt”(8). Giáo sư Trần Văn Giàu giải thích: “Nước văn hiến là nước trọng văn hóa, có văn hóa, có nhân tài, có quy củ”(9). Giáo sư Vũ Khiêu nhận định: “Nền văn hiến của chúng ta không những được đánh dấu ở “Cõi bờ sông núi đã riêng” mà còn ở “Phong tục Bắc Nam cũng khác”(10). Nghĩa là, trong nhận thức của các thế hệ người Việt trước đây, nền văn hiến của một đất nước được hiểu bao gồm toàn bộ các yếu tố về văn hóa, về con người (nhân tài, hào kiệt) và đạo làm người cũng như về phong tục tập quán.

Có thể thấy, nền văn hiến của một dân tộc phản ánh trạng thái và trình độ phát triển của dân tộc ấy, biểu hiện trình độ của cộng đồng dân cư trong quá trình chinh phục tự nhiên và trình độ nhận thức, đối nhân xử thế trong các mối quan hệ giữa người với người. Vì lẽ đó, trong nhận thức của các thế hệ người Việt, việc xác lập nền văn hiến dân tộc, xây dựng một nước văn hiến là mục tiêu phấn đấu và cũng là để khẳng định sự trường tồn của đất nước. Việc khẳng định nền văn hiến của dân tộc trong một quốc gia độc lập trước hết là chống lại âm mưu hủy diệt nền văn hiến Đại Việt nhằm dễ bề đồng hóa nhân dân ta vào văn hóa ngoại bang. Quan niệm về nền văn hiến lâu đời của một quốc gia độc lập đã được Nguyễn Trãi nói đến trong nhiều văn kiện khác nhau. Trong Thư dụ thành Bắc Giang, ông khẳng định: “Người có Bắc Nam, đạo không kia khác. Nhân nhân quân tử, không đâu là không có. Nước An Nam ta tuy xa ở ngoài Ngũ lĩnh mà tiếng là nước thi thư, những bậc trí mưu tài thức đời nào cũng có”(11). Nghĩa là, trên tất cả các phương diện phản ánh nền văn hiến của đất nước, như văn hóa, con người, đạo làm người, phong tục tập quán thì quốc gia Đại Việt mang bản sắc riêng và không thua kém quốc gia phương Bắc. Những quan niệm đó đánh đổ những định kiến sai lầm và ngạo mạn của các triều đại phương Bắc coi người dân phương Nam là “Nam man”, là mọi rợ còn họ mới là văn minh.

Thực tiễn lịch sử dân tộc ta cũng cho thấy, một trong những điều làm nên sức mạnh của đất nước ta, nhân dân ta để có thể bảo vệ được giang sơn, nòi giống trước sức mạnh hung hãn và sự thâm độc của kẻ thù xâm lược chính là nền văn hiến truyền thống, thể hiện trước hết ở những giá trị văn hóa cao đẹp. Những giá trị văn hóa cốt lõi đó là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”; là lòng yêu nước, thương người, vì nghĩa, anh hùng, sáng tạo, lạc quan...

Cùng với những giá trị văn hóa tinh thần cốt yếu ấy là những phong tục tập quán truyền thống lâu đời của dân tộc, thể hiện ở ngôn ngữ, trang phục, cách thức ăn mặc cho đến các nghi lễ ma chay, cưới hỏi, đình đám, hội hè..., nó phản ánh nhận thức và lối sống của dân tộc. Sức mạnh và sự trường tồn của dân tộc cũng được thể hiện ở sự bền vững của những phong tục tốt đẹp nhất, mang bản sắc riêng, độc đáo. Chính những yếu tố đó đã được giữ gìn, thẩm thấu trong suốt quá trình lao động và đấu tranh sinh tồn mà trong cả nghìn năm Bắc thuộc, người phương Bắc luôn tìm mọi cách để đồng hóa, bắt nhân dân ta học chữ Hán, nói tiếng của người Hán, nhưng tiếng Việt vẫn không bị hủy hoại; suốt nghìn năm, quân giặc bắt nhân dân ta theo phong tục của họ với quần áo trang phục, lối sống... song những tập quán, nếp sống của người Việt vẫn không thể bị xóa bỏ.

Sau khi đất nước được giải phóng khỏi ách đô hộ của giặc Minh, Nguyễn Trãi đã rất coi trọng giữ gìn phong tục tập quán của dân tộc, chống lại việc ca ngợi y quan, lễ nhạc Trung Hoa và bắt chước văn hóa Trung Hoa một cách mù quáng. Trong Dư địa chí, ông viết: “Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước”(12). Như vậy, nếu “Núi sông bờ cõi đã riêng” là một nội dung của quốc gia độc lập thì “Phong tục Bắc Nam cũng khác” cũng là nội dung quan trọng không kém và gắn bó mật thiết, không thể tách rời với nội dung trên. Phong tục, tập quán thể hiện những nét đặc thù của một nền văn hóa dân tộc, nên người phương Bắc có phong tục của họ thì người Đại Việt ở phương Nam cũng có những phong tục, tập quán riêng của mình và không thể để cho kẻ thù nào có thể xúc phạm hay hủy hoại nó.

Những nét thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, những nét đặc trưng về phong tục tập quán của người Việt tiếp tục được chứng minh và cụ thể hóa trong nhận thức cũng như thực tiễn đấu tranh giành, giữ và bảo vệ nền độc lập dân tộc trong các thời kỳ lịch sử tiếp theo. Chẳng hạn, cùng với vấn đề chủ quyền đất nước, những yếu tố về phong tục tập quán tiếp tục được khẳng định một cách hùng hồn với những lời lẽ đanh thép trong Lời dụ tướng sĩ tại Thanh Hóacủa Nguyễn Huệ ở thế kỷ XVIII: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng”(13).

Ba là, quốc gia độc lập thể hiện ở lịch sử oai hùng trong đấu tranh dựng nước và giữ nước, bảo vệ sự tồn tại, phát triển của cộng đồng

Nguyễn Trãi khẳng định, lịch sử dựng nước và giữ nước của Đại Việt là một quá trình lâu dài và là lịch sử oai hùng, trải qua nhiều triều đại. Ông chỉ rõ, kẻ thù phương Bắc đã từng nhiều lần đại bại bởi các anh hùng hào kiệt của nước Đại Việt. Trong Đại cáo bình Ngô, ông trịnh trọng tuyên bố: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi đàng làm đế một phương/ Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Nhưng hào kiệt đời nào cũng có”.

Trước đây, trong thời Lý, để khẳng định quốc gia độc lập, Lý Thường Kiệt đã phải mượn uy tín của trời, dựa vào sách trời thì đến đây, Nguyễn Trãi đã dựa vào hiện thực lịch sử đất nước, không chỉ căn cứ vào các yếu tố lãnh thổ (cương vực), văn hiến mà còn từ truyền thống lịch sử đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm để khẳng định quyền độc lập của đất nước ta. Những yếu tố thần bí trong quan niệm trước đây được thay bằng những yếu tố hoàn toàn hiện thực, là những sự kiện lịch sử cụ thể, có chứng cứ rõ ràng, không ai có thể chối cãi hay phủ nhận.

Nhân dân ta có quyền tự hào về lịch sử oai hùng đó của dân tộc. Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã tổng kết lịch sử với niềm tự hào rất lớn về dân tộc, về đất nước với nền văn hóa cao đẹp, nền độc lập lâu đời và truyền thống anh hùng: “Lưu Cung tham công nên thất bại/ Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong/ Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô/ Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã/ Việc xưa xem xét/ Chứng cớ còn ghi”. Không chỉ điểm lại những chiến thắng lẫy lừng của các bậc tiền nhân, khẳng định truyền thống anh hùng của dân tộc trong lịch sử, ông còn rất tự hào với những chiến công oanh liệt của nhân dân đương thời đã ngoan cường chiến đấu chống ngoại xâm: “Đánh một trận sạch không kình ngạc/ Đánh hai trận tan tác chim muông”. Những chiến công hiển hách đó khiến cho lũ giặc bại trận “kinh sợ mà vỡ mật”, “ra đến biển mà còn hồn bay phách lạc”, “về đến nước mà vẫn tim đập chân run”.

Có thể nói, quan niệm về quốc gia độc lập trong triết lý bảo vệ Tổ quốc Việt Nam truyền thống, bên cạnh những hạn chế mang tính lịch sử là điều không thể tránh khỏi, nó để lại cho lịch sử tư tưởng dân tộc những giá trị không thể phủ nhận. Nó khẳng định, quốc gia độc lập, thống nhất của chúng ta là một thực tế lịch sử và là điều thiêng liêng, không kẻ thù nào có thể xâm phạm. Việc giữ gìn, bảo vệ quốc gia độc lập, thống nhất ấy cũng chính là yêu cầu của nhân dân ta qua các thời đại. Mọi hành động làm tổn hại đến độc lập dân tộc và sự thống nhất đất nước là có tội với Tổ quốc và nhân dân. Trên cơ sở kế thừa những giá trị trong lịch sử tư tưởng dân tộc, kết hợp với việc tiếp thu tinh hoa của thời đại và trên cơ sở tổng kết thực tiễn đất nước, quan niệm về quốc gia dân tộc độc lập và bảo vệ nền độc lập dân tộc của chúng ta ngày nay từng bước trở nên hoàn hiện hơn, khoa học hơn. Từ quan điểm, đường lối của Đảng đến Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước ta hiện nay đều nhất quán, trước sau như một khẳng định “Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm”(14) và “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”(15).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1), (2), (3), (4), (11), (12) Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.181, 122-123, 218, 234, 126-127, 242.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, t.1, tr.101, 147, 242.

(6) Ngô gia văn phái: Hoàng Lê nhất thống chí, Nxb Văn học, Hà Nội, 1984, tr.179-180.

(7), (13) Lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, t.1, tr.353, 353.

(8), (9), (10) Nguyễn Trãi: Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003, tr.241, 268, 253.

(14) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, năm 2013, Điều 11.

(15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 147-148.

 

TS Phan Mạnh Toàn

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền