Trang chủ    Bài nổi bật    Bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong điều kiện truyền thông kỹ thuật số
Thứ ba, 22 Tháng 8 2017 10:01
2563 Lượt xem

Bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trong điều kiện truyền thông kỹ thuật số

(LLCT) - Thế giới ngày nay qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đầy ắp các sự kiện, thông tin vô cùng nhanh nhạy và khó kiểm soát, việc định hướng thông tin, báo chí là cần thiết, nhất là đối với các thể chế truyền thông của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị. Bên cạnh sự đấu tranh, phản bác kịp thời những thông tin sai lệch, ác ý, cũng rất cần một tầm nhìn rộng, khoan dung, không định kiến của cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí.

1. Những tiến bộ không thể phủ nhận của tự do báo chí và ngôn luận ở Việt Nam

So với 30 năm trước, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam đã có sự tiến bộ lớn, cả về mặt số lượng và chất lượng:

- Tiến bộ về mặt số lượng thể hiện ở các phương tiện truyền thông tăng, thỏa mãn quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công chúng. Theo Báo cáo tổng kết năm 2015 của Bộ Thông tin Truyền thông, cả nước có 858 cơ quan báo chí in (trong đó có 199 cơ quan báo in chiếm 24%, gồm 86 báo trung ương và các bộ, ngành, đoàn thể; 113 báo địa phương) và 659 tạp chí chiếm 76% gồm 522 tạp chí trung ương, các bộ, ngành, trường đại học và viện nghiên cứu; 137 tạp chí địa phương; 105 cơ quan báo điện tử (trong đó có: 83 báo, tạp chí điện tử của cơ quan báo chí in và 22 báo, tạp chí điện tử độc lập), 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí; 66 đài phát thanh, truyền hình (trong đó có 2 đài trung ương, 64 đài địa phương, riêng TP. Hồ Chí Minh có 2 đài: Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh).

Cả nước có 182 kênh chương trình phát thanh, truyền hình quảng bá, gồm: 105 kênh chương trình truyền hình quảng bá, 77 kênh chương trình phát thanh quảng bá. Đặc biệt có 6 kênh truyền hình hoạt động không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng, bao gồm các kênh: Truyền hình VOV, Truyền hình Công an nhân dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình quốc phòng, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân. Hệ thống truyền hình trả tiền đến hết năm 2015 có 31 đơn vị cung cấp dịch vụ với 73 kênh truyền hình và 9 kênh phát thanh trong nước. Số lượng kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập trên hệ thống truyền hình trả tiền là 40 kênh.

Báo chí Việt Nam không chỉ hoạt động trong nước mà đã vươn ra ngoài nước. Hiện có 5 cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam là Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Thanh niên mở cơ quan thường trú ở nước ngoài với tổng số 53 cơ quan thường trú. Bên cạnh việc sử dụng thông tin từ các kênh truyền thông nước ngoài, các kênh truyền thông của Việt Nam ở nước ngoài đã cung cấp một lượng thông tin quốc tế quan trọng cho người dân Việt Nam, thể hiện quan điểm, tiếng nói riêng của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam về các sự kiện quốc tế.

Đội ngũ những người làm báo hiện nay cũng rất hùng hậu với 40 nghìn người, trong đó có 18 nghìn người được cấp thẻ nhà báo.

Toàn quốc có 63 nhà xuất bản, 1.500 cơ sở in công nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Mỗi năm xuất bản hàng chục nghìn đầu sách trên mọi lĩnh vực và hàng tỷ trang in. Các cá nhân viết và in sách theo một trong các nhà xuất bản trên với thủ tục đơn giản và được phát hành không hạn chế trong cả nước theo cơ chế thị trường(1).   

Đáng chú ý là đã có nhiều tổ chức truyền thông tư nhân và một số kênh truyền hình được xã hội hóa, tư nhân tham gia.

- Tiến bộ về chất lượng thể hiện ở mức độ “tự tin”, “không e ngại” và đa chiều trong việc bày tỏ ý kiến bằng nhiều hình thức, phương tiện, trong đó có báo chí, đóng góp vào phát triển chung của xã hội trên mọi mặt, trong phê bình, góp ý với Nhà nước, với Đảng.

Với sự phát triển của mạng viễn thông và hạ tầng Internet, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng Internet lên tới 52% dân số(2). Tỷ lệ người sử dụng mạng xã hội khá cao, riêng Facebook là 35 triệu người, tương đương 1/3 dân số, đứng thứ 3 tại Đông Nam Á, sau Inđônêxia và Thái Lan (theo thống kê của chính Facebook công bố cuối tháng 12-2015)(3).

Có được những kết quả trên là do sự phát triển tự thân của nền kinh tế, song cần khẳng định nhận thức ngày càng cao về quyền con người, quyền công dân của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội đã tạo điều kiện cho sự phát triển của hệ thống thông tin - truyền thông như vậy.

Trong thực tiễn, thái độ và hành xử của các cơ quan công quyền, của người dân với cơ quan báo chí, người làm báo, với hệ thống truyền thông nói chung đã có tiến bộ đáng kể. Một mặt là sự trân trọng, tín nhiệm, sẵn sàng cộng tác với báo chí, mặt khác xử lý thích đáng về mặt pháp luật những hành vi xâm hại tới quyền của cơ quan báo chí và người làm báo.

Trên phương diện thể chế pháp lý, hệ thống luật pháp, từ Hiến pháp tới các đạo luật, đặc biệt là Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Tiếp cận thông tin... đã ngày càng thể hiện rõ nhận thức và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.

Luật Báo chí 2016 là sự tiến bộ rất lớn, phản ánh thực tiễn phát triển rất mạnh mẽ của báo chí, truyền thông của đất nước theo hướng hiện đại.

Trong Luật, các khái niệm “Quyền tự do báo chí của công dân”, “quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân” được định nghĩa rõ, có nội hàm cụ thể.  Những hành vi bị cấm là:

1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung:

a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;

b) Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Gây chiến tranh tâm lý.

2. Đăng, phát thông tin có nội dung:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

5. Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

6. Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

10. In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính.

11. Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.

12. Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

13. Đăng, phát trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí thông tin quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 của Điều này (Điều 9).

Trong số các hành vi bị nghiêm cấm trên, các Khoản 11, 12 là cấm các cá nhân, tổ chức vi phạm quyền tự do báo chí của cơ quan và nhà báo. So sánh với những điều của Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, cụ thể là Điều 19, Điều 20, các quy định trên của Luật Báo chí là phù hợp.

Tương tự Luật Báo chí 2016, Luật Xuất bản 2012 quy định rõ những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động xuất bản:

a) Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

đ) Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.(Khoản 1, Điều 10)

Bên cạnh các luật trên, lần đầu tiên ở Việt Nam đã ban hành Luật Tiếp cận thông tin (2016) trong đó quy định quyền được tiếp cận thông tin của người dân và trách nhiệm thông tin của các cơ quan nhà nước đối với người dân, những hành vi bị nghiêm cấm khi thông tin. Trong nhiều điều quy định, dưới góc độ quan hệ giữa nhà nước và công dân, có hai quy định đáng lưu ý:

Điều 10. Cách thức tiếp cận thông tin

Công dân được tiếp cận thông tin bằng các cách thức sau:

1. Tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai;

2. Yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin.

Điều 11. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin.

2. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực.

3. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

4. Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

Những quy định rõ ràng như vậy giúp cho mỗi người dân biết rõ những gì được làm và những gì không được làm, tạo nên một hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động của công dân trên lĩnh vực báo chí.

Căn cứ vào những điều luật cụ thể như vậy, việc xử lý kỷ luật một số cơ quan báo chí và nhà báo cũng như một số cá nhân lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn mang tính bịa đặt với dụng ý xấu trong thời gian qua là cần thiết.

2. Những điều cần đề phòng và giải quyết thỏa đáng

Tuyên ngôn và các Công ước quốc tế về quyền con người ra đời là sự đánh dấu bước phát triển rất lớn của loài người trong việc cùng nhau chia sẻ nhận thức và hành động vì sự tiến bộ của con người. Tuy vậy, Tuyên ngôn cũng như Công ước không tự nhiên tạo ra sự tiến bộ ở mỗi quốc gia. Ở đâu và bất cứ lúc nào trên lĩnh vực báo chí, ngôn luận cũng luôn tồn tại những mâu thuẫn và ngộ nhậncần phải được làm rõ và giải quyết một cách rất cụ thể. Đó là:

Mâu thuẫn giữa thỏa mãn quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của cá nhân với lợi ích cá nhân, tổ chức, xã hội.

Trong điều kiện công nghệ truyền thông phát triển như ngày nay, Internet, mạng xã hội trở thành kênh truyền thông gần gũi và hữu ích. Mong muốn chính đáng của mỗi cá nhân là được thỏa mãn quyền phát ngôn, quyền thông tin mà không (hoặc rất ít) có những ràng buộc, hạn chế. Việc nhà nước kiểm soát phát ngôn của người dân trên mạng xã hội là việc làm khó khăn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ hiểu biết để nhận ra ranh giới giữa quyền và trách nhiệm, giữa có thể và không thể, giữa cái cần phải và nên dừng lại. Trong điều kiện phổ cập Internet, mạng xã hội, có rất nhiều người sử dụng mạng xã hội để thỏa mãn quyền tự do ngôn luận của mình một cách có trách nhiệm, ngược lại rất nhiều người sử dụng một cách thiếu trách nhiệm với cộng đồng, đất nước và dân tộc. Những hiện tượng bịa đặt thông tin hoặc phát tán những thông tin sai lệch, bình luận chủ quan, hồ đồ những thông tin chưa được kiểm chứng  đã xảy ra trong thời gian vừa qua như việc tung tin đổi tiền, đưa tin nước mắm truyền thống có thạch tín và nhiều vụ việc khác không chỉ gây hoang mang trong dư luận mà gây thiệt hại về danh dự, kinh tế cho cá nhân, tổ chức, thậm chí ảnh hưởng tới an ninh quốc gia. Đó là những biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm trước xã hội, thậm chí là vi phạm nguyên tắc mà các Công ước quốc tế cũng không ủng hộ. Cụ thể Điều 19 và Điều 20 của Công ước về các quyền dân sự, chính trị đã ghi:

Điều 19.

1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp.

2. Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ.

3. Việc thực hiện những quyền quy định tại Khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác;

b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

Điều 20.

1. Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm.

2. Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm.

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người. Trên cơ sở đó, báo chí có quyền tự do, trở thành một lực lượng xã hội, là “quyền lực thứ tư”. Nhưng báo chí cũng không thoát ly hoàn toàn khỏi môi trường xã hội hiện thực, người làm báo cũng là con người hữu hạn, có những lợi ích cụ thể và có thể sai lầm. Vì vậy, báo chí cũng cần phải chịu sự kiểm soát của xã hội - không phải chỉ là của nhà nước mà xã hội nói chung - bằng cách thức phù hợp với tính chất, chức năng của báo chí. Những công ty hoặc ông chủ của mạng xã hội cũng cần phải có trách nhiệm xã hội, không thể thờ ơ trước những kẻ lợi dụng để gây thiệt hại cho chính xã hội.

Việc sửa đổi, ban hành Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin của Việt Nam trên cơ sở của Hiến pháp 2013 là rất cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn để ngăn ngừa và giải quyết một cách cụ thể những biểu hiện của mâu thuẫn này.

Như vậy, để tránh những xung đột có thể nảy sinh, mỗi công dân, mỗi tòa báo, mỗi thể chế truyền thông nói chung không thể không trang bị cho mình kiến thức cần thiết về quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận và báo chí. Trong đó, bên cạnh nguyên tắc khách quan, trung thực, cần phải có ý thức trách nhiệm - trách nhiệm trước xã hội, trước cộng đồng, Tổ quốc và nhân dân.

Ngộ nhận về sự đồng nhất lợi ích nhà nước với lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng nhất lợi ích của một cơ quan nhà nước với toàn thể nhà nước nói chung.

Nhà nước nào cũng tự đặt cho mình sứ mệnh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Nhưng không phải nhà nước nào cũng làm được điều đó, hoặc nói đúng hơn là luôn luôn làm được điều đó. Bản chất giai cấp của nhà nước, thậm chí một lúc nào đó, sự chi phối bởi một nhóm lợi ích khiến cho nhà nước thoát ly lợi ích giai cấp, thoát ly lợi ích dân tộc, quốc gia. Sự ngộ nhận, thậm chí lợi dụng danh nghĩa bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhà nước có thể dẫn một cơ quan nhà nước, một công chức nhà nước cụ thể có hành vi làm tổn hại tới quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân.

Để ngăn ngừa điều này, đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các công chức nhà nước phải hiểu rõ pháp luậtvà thận trọng khi đưa ra các quyết định liên quan tới quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Mặt khác, cần có phương thức quản lý phù hợp với điều kiện truyền thông kỹ thuật số hiện nay. Một thực tế là trong số 35 triệu người Việt Nam hằng ngày sử dụng Facebook thì 21 triệu người sử dụng qua thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, tức là việc quản lý của nhà nước đối với truyền thông theo tư duy cũ sẽ hoàn toàn bất lực(4).

Người làm quản lý nhà nước về thông tin - truyền thông, đồng thời với ý thức chính trị, sự nhạy bén chính trị cũng phải liêm chính,không để bị lợi dụng hoặc sức ép từ bất kỳ thế lực nào để đi đến những quyết định sai lệch hoặc cảm tính.

Thế giới ngày nay qua các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đầy ắp các sự kiện, thông tin vô cùng nhanh nhạy và khó kiểm soát, việc định hướng thông tin, báo chí là cần thiết, nhất là đối với các thể chế truyền thông của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị. Bên cạnh sự đấu tranh, phản bác kịp thời những thông tin sai lệch, ác ý, cũng rất cần một tầm nhìn rộng, khoan dung, không định kiến của cơ quan quản lý và chỉ đạo báo chí.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1), (2) Cổng thông tin điện tử Bộ Thông tin - Truyền thông, ngày 31-12-2015.

(3), (4) Báo điện tử Dân trí.

 

PGS, TS Vũ Hoàng Công

Tạp chí Lý luận chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền