Trang chủ    Bài nổi bật    Quan điểm Hồ Chí Minh về nhiệm vụ chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân
Thứ hai, 26 Tháng 2 2018 15:17
21437 Lượt xem

Quan điểm Hồ Chí Minh về nhiệm vụ chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân

(LLCT) - Hồ Chí Minh quan niệm: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội". Đây là một định nghĩa đơn giản, dễ hiểu, mọi người đều chấp nhận. Trong xu thế hội nhập sâu rộng và toàn diện hiện nay, chúng ta cần quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng CNXH và động viên toàn thể nhân dân hăng say xây dựng một đất nước Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến trọn cuộc đời vì mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm, phá tan xiềng xích nô lệ, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân. Không chỉ vậy, Người đã đóng góp hết sức mình vào sự nghiệp giải phóng con người, đấu tranh giải phóng nhân loại đau khổ, bị áp bức, bất công trên toàn thế giới.

Vì mục tiêu đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phấn đấu không ngừng nghỉ và được kết tinh thành một tinh thần, một ý chí và trở thành một tư tưởng xuyên suốt trong mọi hành động của Người. Tư tưởng và sự nghiệp cách mạng đó của Người xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn cao cả: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”(1).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được thể hiện rõ qua mong ước cháy bỏng: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2).

Tư tưởng đó của Người đã được Đảng và Nhà nước ta cụ thể hóa đầy sáng tạo thành đường lối, chủ trương, chính sách và từng bước được hiện thực hóa thành công, thể hiện sinh động trong thành tựu đạt được ở từng chặng đường lịch sử cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta trong suốt chặng đường lịch sử từ năm 1930 đến nay.

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, dân tộc vừa thoát khỏi ách ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định công việcchăm lo đời sống cho nhân dân, khắc phục hậu quả của chế độ thực dân, phong kiến, đói nghèo cùng cực và nguy cơ nạn đói là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu của Chính phủ mới.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giành độc lập dân tộc và đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân là hai mục tiêu cốt lõi của cách mạng Việt Nam; độc lập dân tộc và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là hai nội dung xuyên suốt, bao trùm và quan hệ khăng khít và biện chứng. Người đã chỉ rõ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Bởi vậy, ngay sau khi cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ tập trung vào những công việc cụ thể là: chống nạn đói, nạn dốt và xóa các tệ nạn xã hội; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; thực hiện tín ngưỡng tự do; lương giáo đoàn kết... Đó là những nội dung, biện pháp và bước đi quan trọng để đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Quan điểm chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm các nội dung lớn như: đời sống của người dân phải đẩy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần; nhân dân phải được tự do với một xã hội tiến bộ và công bằng, với hành lang pháp lý bảo đảm quyền con người của người dân một cách đầy đủ và người dân thực sự là chủ trong xã hội mới.

Trong mọi hoàn cảnh lịch sử, kể cả tình thế cách mạng khó khăn, thách thức như “ngàn cân treo sợi tóc”, việc bảo đảm cuộc sống nhân dân vẫn luôn là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,Chủ tịch Hồ Chí Minhđã đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết nhằm đáp ứng những đòi hỏi trước mắt của nhân dân, trong đó có chống nạn đói. Người chỉ rõ, đói nghèo là một trong ba thứ giặc cần phải diệt và Người đã tập trung mọi nỗ lực lãnh đạo toàn dân “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.

Giặc ngoại xâm cướp nước có thể làm ta mất nước, mất độc lập, nhưng giặc đói, giặc dốt làm cho dân ta chìm đắm trong lầm than, đói khổ, đen tối và ấm no, hạnh phúc chỉ là ước vọng, mong mỏi. Nghèo đói thì sức lực nhân dân yếu ớt, thực lực đất nước giảm sút, giống nòi suy vong, thế nước đi xuống và khi đó khó có thể bảo vệ được nền độc lập tự chủ, do vậy mà nguy cơ mất cả tự do, độc lập.

Công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo cuộc sống cho nhân dân thật vô cùng khó khăn và đầy thách thức, bởi đất nước vừa thoát thoát khỏi ách thực dân phát xít, bị bóc lột kiệt quệ sức người, vơ vét cạn kiệt tài nguyên, vật lực để phục vụ cuộc chiến tranh đế quốc. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từng công việc cụ thể, từng bước đi thích hợp; đã đưa ra mục tiêu phấn đấu để nhân dân thoát nạn bần cùng, mọi người có việc làm, đời sống ấm no và hạnh phúc.

Người đã viết thư gửi đồng bào toàn quốc kêu gọi ra sức cứu đói, chống nạn đói, “coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm”. Ngườiđặc biệt quan tâm đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm để chống đói. Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói. Trong Thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”(3).

Trong lúc tăng gia sản xuất chưa đến ngày thu hoạch, công việc khẩn cấp là phát huy truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc nhau. Người khởi xướng phong trào “Hũ gạo cứu đói” và gương mẫu thực hiện. Với niềm đồng cảm sâu sắc cùng đồng bào, Người khơi dậy truyền thống nhân văn, tương thân tương ái của dân tộc, động viên mọi người tham gia chống giặc đói: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(4).

Phong trào được thực hiện sâu rộng, chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được một lượng lớn gạo cứu đói và nạn đói đã sớm được khắc phục.

Quan điểm về chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được hun đúc trong Lời kêu gọi của Người: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đây là lời kêu gọi toàn dân đứng lên đánh giặc ngoại xâm trong bối cảnh cách mạng đứng trước thách thức lớn khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đưa quân Mỹ vào miền Nam và đánh phá ra miền Bắc, đó cũng là tư tưởng khẳng định lẽ sống của nhân dân và dân tộc Việt Nam với mục tiêu cốt lõi là: độc lập cho dân tộc gắn liền với tự do và ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân còn được thể hiện trong Di chúc. Người nhận thức những khó khăn thách thức trước mắt trong cuộc sống của nhân dân và Người luôn đặt niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong công cuộc xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc. Người căn dặn: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(5).

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân đã thể hiện và hàm chứa triết lý phát triển bền vững của thời đại ngày nay. Chỉ khi nhân dân sống ấm no, hạnh phúc, thì đất nước mới phát triển, nền độc lập mới bền vững.

Chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là đồng thời quan tâm nhu cầu vật chất của nhân dân và cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.

Ấm no và hạnh phúc, nhân dân không chỉ cần nhu yếu phẩm thiết yếu là đủ mà còn cần phải có tri thức, có đời sống tinh thần lành mạnh, được tự do tinh thần, tự do sáng tạo, tự do tạo lập cuộc sống.

Với quan điểm đó, ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng nhiệm vụ diệt giặc dốt và giáo dục nhân dân. Thực hiện lời kêu gọi diệt giặc dốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào bình dân học vụ được triển khai sâu rộng trong toàn quốc: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ,... Vợ chưa biết thì chồng bảo,... cha mẹ không biết thì con bảo”. Học chữ trở thành phong trào rộng lớn chưa từng có, lôi cuốn đông đảo nhân dân thuộc các giới, lứa tuổi khắp nơi trên cả nước tích cực tham gia.

Kết quả là, chỉ trong một thời gian ngắn, cả nước có hơn hai triệu người biết đọc, biết viết. Bên cạnh đó, công tác văn hóa, giáo dục cũng được chính quyền mới đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào đời sống mới đã xóa bỏ những tệ nạn, hủ tục lạc hâu, tàn dư chế độ cũ, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, bồi dưỡng tinh thần, ý thức công dân của người dân một nước độc lập. Lòng dân quy tụ về một mối, đoàn kết toàn dân tộc trở thành sức mạnh vô biên, đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Người hướng dẫn, động viên nhân dân đoàn kết cùng nhau xây dựng “đời sống mới” toàn diện.

Theo Hồ Chí Minh, để chă­m lo tốt cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân trước hết là việc xây dựng nhà nước thực sự là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Để Nhà nước giữ vững bản chất nhân dân, làm tròn nhiệm vụ quản lý xã hội, tổ chức xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh về Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội lập hiến, thông qua Hiến pháp, khẳng định quyền làm chủ đất nước và các quyền tự do, dân chủ khác của nhân dân. Đồng thời, Người xây dựng và chấn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm là hạt nhân chính trị chế độ xã hội mới với bản chất tốt đẹp.

Người nhắc nhở “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Với tinh thần này, nhân dân thực sự được coi trọng và thực sự là chủ trong công cuộc xây dựng xã hội mới.

Quan tâm chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm chỉ đạo Chính phủ ban hành chính sách an sinh xã hội và các chính sách giảm thuế để tạo điều kiện cho nhân dân làm ăn thuận lợi.

Quan điểm chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ nét trong quan điểm xây dựng CNXH của Người: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ (ví dụ: lấy vợ, lấy chồng sớm quá, cúng bái, liên hoan lu bù, lười biếng...). Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”.

Như vậy, độc lập dân tộc và CNXH hay độc lập dân tộc với tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày nay, Đảng ta thể hiện quan điểm đó ở mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây là thước đo sự thành công của công cuộc xây dựng CNXH trong thực tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi việc chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước. Ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm... Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Người khẳng định: Ðảng và Nhà nước Việt Nam từ nhân dân mà ra, vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân, không có lợi ích nào khác lợi ích của nhân dân. Vì vậy, “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Ðảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Ðảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Ðảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Ðảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định chăm lo đời sống nhân dân là một trong những mục tiêu then chốt của cách mạng. Đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân là một trong những mục tiêu phấn đấu của Đảng, Nhà nước Việt Nam ngay từ ngày lập nước đến nay và tiếp tục sau này.

Quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân được Đảng và Nhà nước Việt Nam vận dụng, cụ thể hóa thành đường lối, chủ trương, chính sách. Trở thành một trong những mục tiêu then chốt trong suốt quá trình cách mạng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng CNXH. Quan điểm của Người được cụ thể hóa trong Cương lĩnh chính trị của Đảng, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, 5 năm và kế hoạch hằng năm, trong từng cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội.

Trong những năm qua, đặc biệt là trong hơn 30 năm đổi mới, các chủ trương chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước luôn hướng tới đem lại hạnh phúc cho con người, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững. Điển hình là công cuộc xóa đói giảm nghèo của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 59% năm 1993 (theo chuẩn nghèo cũ) xuống còn 3,0% năm 2016 (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011-2015). GDP trên đầu người đã vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (2.215 USD/ người/ năm) vào năm 2016.

Hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện cả kinh tế, xã hội và môi trường đang từng bước đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của Việt Nam trong tương lai. Những thành quả phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao dân trí, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc đã góp phần xây dựng xã hội bình an, hạnh phúc, tươi đẹp.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân.

Mục tiêu cốt lõi theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là làm sao để nhân dân không còn phải lo cái ăn, cái mặc hàng ngày và phải bảo đảm cho người dân về y tế, giáo dục và nhà ở.

Nơi nào người dân còn đói nghèo, cuộc sống chưa được no ấm, nơi nào dân còn chưa được hạnh phúc, nơi nào còn để nhân dân phải lo cái ăn, cái mặc và nơi nào chưa bảo đảm được y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở thì nơi đó tổ chức Đảng và chính quyền chưa hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ của mình trước nhân dân. Cần có biện pháp kiểm tra, kiểm soát và có hình thức kỷ luật nghiêm những nơi, những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ đó. Chỉ có như vậy, đất nước Việt Nam mới trở nên giàu mạnh và phồn vinh, nhân dân thực sự được ấm no, hạnh phúc.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính tri số 8-2017

(1) Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr.174.

(2), (3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.161, 115, 31.

(5) Sđd, t.12, tr.511.

(6) Sđd, t.5, tr.61.

(7) Sđd, t.7, tr.572.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

 

PGS, TS Lê Quốc Lý

Phó Giám đốc

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền