Trang chủ    Bài nổi bật    Vận dụng những luận điểm của "Tuyên ngôn" để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ tư, 21 Tháng 3 2018 11:43
2260 Lượt xem

Vận dụng những luận điểm của "Tuyên ngôn" để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam

(LLCT) - Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác, Ph.Ăngghen đã nêu rõ đặc điểm, vai trò, sứ mệnh của giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản - bộ phận tiên tiến nhất và đội tiên phong của giai cấp công nhân. Trong điều kiện của nước ta hiện nay, phải vận dụng các quan điểm này để xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế, xứng tầm sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc; xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam.

1. Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Tuyên ngôn khẳng định: “giai cấp công nhân là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”. Đây cũng là quy luật phát triển của công nhân trong cách mạng công nghiệp. Với cuộc cách mạng công nghiệp này, phương thức sản xuất lớn bằng máy móc, với năng suất lao động cao, quan hệ trong lao động mang tính chất xã hội hóa đã ra đời. Nó làm xuất hiện giai cấp công nhân hiện đại và rèn luyện cho họ nhiều phẩm chất ưu việt so với các giai cấp đương thời như tính hợp tác, kỷ luật lao động công nghiệp, tính tổ chức chặt chẽ và xu hướng công hữu. Đây cũng chính là những phẩm chất của giai cấp cách mạng và lãnh đạo cách mạng.

Cách mạng công nghiệp càng phát triển mạnh mẽ thì càng xác định những phẩm chất đó cho công nhân toàn thế giới. Một nghiên cứu gần đây của một nhà nghiên cứu nước ngoài cũng xác nhận: “Điểm quyết định nhất chính là giai cấp công nhân có được vị trí trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Chỉ có những ai trong hệ thống đó, quen với cách làm việc, được chủ nghĩa tư bản tổ chức thành một lực lượng có kỹ năng, có ý thức tập thể và chính trị tỉnh táo. Là những người không thể thiếu được đối với sự hoạt động thành công của chủ nghĩa tư bản nhưng có lợi ích vật chất bị nó làm cho suy giảm, mới có khả năng tiếp quản và vận hành nó vì lợi ích của tất cả mọi người”.[1]  Chỉ với đại công nghiệp và sự phát triển của giai cấp công nhân thì những khát vọng giải phóng xã hội thoát khỏi nghèo đói, bất công, bất bình đẳng mới được phương pháp duy vật lịch sử soi chiếu và tạo ra cơ sở hiện thực cho lý luận về CNXH chuyển biến từ không tưởng thành khoa học.

Luận điểm đó chỉ dẫn quá trình xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay: công nhân là sản phẩm xã hội của quá trình công nghiệp hóa, muốn xây dựng và phát triển giai cấp này phải gắn bó với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và bản thân giai cấp công nhân Việt Nam cũng phải trở thành “nhân tố quyết định cho thành công của sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH ở Việt Nam”. Công nhân cũng là sản phẩm của lịch sử công nghiệp hóa, của mỗi cuộc cách mạng công nghiệp cụ thể. Hiện nay thế giới đang ở cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và đang dần hướng tới cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0). Quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta hiện nay cũng phải gắn bó với xu thế chung.

Theo đó, xây dựng giai cấp công nhân trước hết là đổi mới nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa hiện nay theo hướng trí tuệ hóa lao động song song với ứng dụng công nghệ hiện đại. CNH, HĐH ở nước ta phải hướng tới trình độ kinh tế tri thức vừa là tất yếu vừa là tự giác. Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức tái bản năm 1890, Ph.Ăngghen đã nhấn mạnh “Để đạt tới thắng lợi cuối cùng của những nguyên lý đã đề ra trong “Tuyên ngôn”, Mác chỉ tin tưởng vào sự phát triển trí tuệ của giai cấp công nhân, sự phát triển mà hành động chung và tranh luận chung nhất định sẽ mang lại”.

Tuyên ngôn chỉ ra rằng quy luật bóc lột giá trị thặng dư và quy luật cung cầu của thị trường sức lao động khiến cho quan hệ giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản diễn ra khá đặc biệt. Hai giai cấp này, xét về lợi ích cơ bản, là “hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau” đấu tranh với nhau “bắt đầu ngay từ khi họ mới ra đời” và trải qua nhiều giai đoạn từ thấp đến cao. Mặt khác, hai giai cấp này cũng cộng sinh, nương tựa với nhau, cần đến nhau trong thị trường sức lao động và quá trình sản xuất giá trị thặng dư. Đấu tranh và thống nhất là hai mặt của quan hệ giai cấp giữa công nhân và tư sản.

Ở Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động luôn diễn ra song song, hài hòa với lợi ích của những người thuê mướn lao động. Cần nắm chắc mối quan hệ biện chứng về lợi ích giữa lao động và tư bản để điều tiết quan hệ lao động. Công cụ pháp lý phổ dụng nhất cần được hoàn thiện là thể chế thị trường sức lao động.  Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp để phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống công nhân là mục tiêu chung của doanh nghiệp và của Nhà nước.        

2. Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngang tầm với sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc   

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sảnlà lời tuyên bố về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân  giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ, cho xu thế dân chủ hoá xã hội, nhưng lại đang bị quan hệ sản xuất TBCN kìm hãm, bị giai cấp tư sản bóc lột, thống trị. Tuyên ngôn là lời tuyên bố về sự diệt vong không tránh khỏi của giai cấp tư sản, CNTB và chế độ người bóc lột người cuối cùng trên trái đất. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra, việc thủ tiêu chế độ sở hữu tư nhân TBCN và cùng với nó là xóa bỏ toàn bộ chế độ TBCN đã được chuẩn bị một cách khách quan, bởi sự tác động của chính ngay các quy luật của nền kinh tế TBCN.

Cũng theo Tuyên ngôn, tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản và CNTB, chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có năng lực thực hiện sứ mệnh lịch sử là xóa bỏ CNTB và xây dựng xã hội cộng sản, qua đó tự giải phóng, đồng thời giải phóng nhân loại, giải phóng con người. Thực hiện sứ mệnh lịch sử ấy, giai cấp công nhân là “giai cấp đang nắm tương lai trong tay”.  

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay, theo Nghị quyết Trung ương 6, Khóa X “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” xác định những vị thế và trách nhiệm cơ bản như sau:

Một là, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam xứng đáng là “giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam

Vị thế chính trị đặc biệt này yêu cầu giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản Việt Nam xác định rõ và rèn luyện những phẩm chất của một giai cấp lãnh đạo Dân tộc. Đó là “có giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hoá của dân tộc; nhạy bén và vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết, hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Hai chủ thể liên quan đến vị thế chính trị này ở nước ta hiện nay đều cần rèn luyện, nâng cao hơn về phẩm chất chính trị.

Đối với giai cấp công nhân, cần khắc phục hiện trạng là giác ngộ giai cấp và bản lĩnh chính trị của công nhân không đồng đều; sự hiểu biết về chính sách, pháp luật còn nhiều hạn chế.  Một bộ phận công nhân chưa nhận thức được vị trí, vai trò của giai cấp mình, thiếu tính tiên phong, gương mẫu, thờ ơ với các vấn đề chính trị, xã hội; một số ít công nhân có lối sống thực dụng, có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống.

Theo đó đối với giai cấp công nhân, việc quan tâm và đổi mới vấn đề  nâng cao giác ngộ chính trị cần được chú ý hơn nữa. Vấn đề hiện nay là làm khác đi chứ không phải chỉ nỗ lực hơn trong tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng. Đối với cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái, cơ hội, cần cương quyết đưa ra khỏi Đảng. Thanh đảng để làm cho Đảng trong sạch là nhu cầu thực tế, cấp thiết hiện nay.

Hai là, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam xứng đáng với sứ mệnh “đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH”

 Theo thực tế lịch sử và tổng kết lý luận của Tuyên ngôn, cùng với quá trình công nghiệp hóa, sự trưởng thành của giai cấp công nhân là những nhân tố duy vật cho một quá trình phát triển với chất lượng mới của văn minh, của CNXH. Năng xuất lao động và tính chất xã hội trong lao động là những giá trị lớn lao mà giai cấp công nhân và phương thức sản xuất công nghiệp cống hiến cho nhân loại. Cũng theo thực tế lịch sử, hiện nay tất cả những nước giàu mạnh, phát triển ở trình độ cao đều có cốt lõi vật chất cho kinh tế xã hội là nền sản xuất công nghiệp và tỷ lệ tuyệt đại đa số là công nhân trong lực lượng lao động xã hội.

Sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam cũng phải thực hiện quy luật đó của xã hội hiện đại. Đẩy mạnh CNH, HĐH, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng là tạo ra những cơ sở duy vật cho quá trình phát triển theo định hướng XHCN. Đặc điểm của phát triển hiện đại là lấy việc phát huy nhân tố con người, coi chất lượng của nguồn nhân lực là yếu tố định tính cho trình độ phát triển. Xây dựng giai cấp công nhân nước ta xứng đáng với vị thế là “đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến” của thời đại ngày nay là nhiệm vụ tất yếu, vinh quang và rất khó khăn. Tập trung vào phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay. Vốn có thể từ tích lũy, từ đi vay, từ  dòng đầu tư nước ngoài, nhưng nhân lực cho công nghiệp hóa nước ta chỉ có thể từ Việt Nam, bằng nội lực và chiến lược phát triển nhân lực của Việt Nam. Trong một thập niên tới, cần phải thay đổi về cơ bản “hình ảnh của người công nhân Việt Nam” từ người công nhân lắp ráp sang người công nhân chế tạo và sáng tạo! Điều này không phải là không tưởng. Trong nhiều dây chuyền sản xuất và dịch vụ hiện nay, chúng ta đang thấy xuất hiện khá rõ và đông đảo dần những người công nhân như thế. Mấu chốt là vấn đề công nghệ, kiểm soát công nghệ nhập vào Việt Nam. Nhà nước sẽ là yếu tố quyết định cho điều kiện phát triển của giai cấp công nhân nước ta.

Ba là, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam “tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”

Tính chất tiên phong của giai cấp công nhân không chỉ biểu hiện ở trình độ lao động xã hội hóa, ở phương thức sản xuất tiên tiến mà còn ở chỗ họ cũng là hình mẫu cho một lối sống mới với tác phong, kỷ luật công nghiệp, tinh thần hợp tác, vị tha và phẩm chất của con người XHCN. Theo đó, quan tâm đến giai cấp công nhân không chỉ là xây dựng và bảo đảm đời sống vật chất mà còn là đời sống tinh thần xứng đáng với vị thế của giai cấp làm chủ, lãnh đạo. Dân giàu phải hàm chứa đa số công nhân giàu có, sung túc...   

Trọng điểm quan tâm hiện nay cần được đặt vào nhóm công nhân trong các thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Đây là khối công nhân có lượng đông đảo nhất (khoảng 13 triệu/ 15 triệu công nhân nước ta hiện nay). Tình huống có vấn đề là ở chỗ, trong nhiều doanh nghiệp, công nhân đang gắn bó với công nghệ hiện đại, có tính xã hội hóa cao, nhưng họ chưa có giác ngộ chính trị, ý thức giai cấp tương xứng. Nghịch lý này cần được quan tâm và giải quyết.

Nhiều người cho rằng, giáo dục ý thức giai cấp, giác ngộ chính trị cho công nhân của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI là khó khăn, phức tạp vì đó là những quan hệ sản xuất TBCN. Chính Tuyên ngôn lại chỉ dẫn chúng ta rằng, “Sự tiến bộ của công nghiệp - mà giai cấp tư sản là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó - đem lại sự đoàn kết cách mạng của công nhân. Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”. Cần phải chuyển hóa những lợi thế của trình độ xã hội hóa cao trong sản xuất - dịch vụ thành những tiền đề thuận lợi để giáo dục, tổ chức và nâng trình độ nhận thức chính trị của công nhân.

Bốn là, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trở thành “lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”           

Với tư cách là cơ sở xã hội quan trọng nhất của sự lãnh đạo của Đảng và quản lý Nhà nước trong quá trình cách mạng XHCN và là hạt nhân của khối liên minh giai cấp giữa công nhân với nông dân và trí thức hiện nay, vai trò chính trị - xã hội của giai cấp công nhân Việt Nam là rất to lớn.

Trọng điểm cần được quan tâm hiện nay là hài hòa lợi ích của các giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức. Họ là những người lao động đang làm nên sự nghiệp đổi mới nhưng một bộ phận chưa được thụ hưởng đầy đủ những thành quả mà sự nghiệp đổi mới mang lại và chưa tương xứng với sức lao động của họ. Cùng với đó, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và giai cấp công nhân, tăng cường tính chất giai cấp công nhân của Đảng là mấu chốt của vấn đề này.

3. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc 

Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, kết quả của đấu tranh giai cấp hiện đại, được Tuyên ngôn khái quát những đặc điểm sau:

Thứ nhất, đó là bộ phận ưu tú của giai cấp công nhân trên các phương diện. Về mặt thực tiễn, là “bộ phận kiên quyết nhất”, “thúc đẩy phong trào tiến lên”. Đảng có lợi ích thống nhất với lợi ích của giai cấp vô sản. Trong đấu tranh “đặt lên hàng đầu” lợi ích chung của giai cấp và của toàn bộ phong trào. Về mặt lý luận, do được trang bị những nhận thức về quy luật của lịch sử và của đấu tranh giai cấp từ hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác, từ kinh nghiệm chính trị hiện đại, cho nên Đảng hiểu rõ những tiến trình vận động của lịch sử nói chung và của phong trào công nhân nói riêng. 

Thứ hai, Đảng đại diện cho giai cấp và dân tộc để thực hiện lý tưởng cộng sản chủ nghĩa

Mục đích trước mắt của Đảng Cộng sản là tập hợp giai cấp vô sản “lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản”, “giành lấy chính quyền”. Có hai sự “hóa thân” của giai cấp công nhân trong quá trình thực hiện mục đích này. Một là, “giai cấp vô sản trở thành giai cấp thống trị, là giành lấy dân chủ”[1]. Hai là, cũng qua đó, trở thành “giai cấp dân tộc” - tức là đại biểu cho lợi ích và triển vọng phát triển của quốc gia dân tộc.

Mục đích cao nhất của Đảng và giai cấp công nhân là tiến tới xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa. “Thay cho xã hội tư sản, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[1].

Những đặc điểm và mục đích chính trị của Đảng Cộng sản mà Tuyên ngôn vạch ra, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam hiện nay có thể khái quát thành những nhiệm vụ cụ thể sau: Đảng Cộng sản Việt Nam phải luôn phấn đấu để xứng đáng là bộ phận ưu tú nhất của giai cấp công nhân và của dân tộc.

Vì vậy, “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...”; “Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên”... là nhiệm vụ thường trực của Đảng.

Với tư cách là đảng cầm quyền, đại diện cho giai cấp công nhân để lãnh đạo dân tộc phát triển theo định hướng XHCN, Đảng phải luôn xác định rõ ràng rằng, “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc.”[1]. Trong bối cảnh một đảng cầm quyền, “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” là nhiệm vụ  trọng tâm hàng đầu của Đảng ta hiện nay.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2018

(1) Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng?,  Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2014, tr.206-207.

(2), (3), (4) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.613, 626, 628.

(5) ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, “Đảng và những vấn đề cơ bản về xây dựng Đảng”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.3.

 

PGS, TS Nguyễn An Ninh

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Min

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền