Trang chủ    Bài nổi bật    Một kiểu mẫu về phương pháp luận nhận thức thời đại
Thứ tư, 21 Tháng 3 2018 11:45
1783 Lượt xem

Một kiểu mẫu về phương pháp luận nhận thức thời đại

(LLCT) - Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác, Ph.Ăngghen đã vận dụng phương pháp luận nhận thức duy vật biện chứng để miêu tả cô đọng về sự ra đời, phát triển và tất yếu diệt vong của chủ nghĩa tư bản. Vận dụng phương pháp nhận thức đó vào thời đại ngày nay là điều cần thiết đối với Đảng ta, trên cơ sở đó vạch ra chính sách thích hợp.

1. Kiểu mẫu của tư duy biện chứng duy vật về chủ nghĩa tư bản

Tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là bước phát triển mới và thể hiện rất rõ nét tư duy duy vật biện chứng của C.Mác, Ph.Ăngghen. Trước tác phẩm đỉnh cao này, các ông từng cho ra mắt những tác phẩm mang tính triết học rất có giá trị và nổi tiếng như Gia đình thần thánh, Hệ tư tưởng Đức... và đặc biệt là tác phẩm Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản do Ph.Ăngghen viết năm 1847. Trong đó, dưới hình thức hỏi đáp, Ph.Ăngghen đã trình bày các vấn đề liên quan tới thời đại TBCN với những giai cấp đặc trưng của nó là giai cấp tư sản và vô sản, gần giống với trình bày trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Nói về giá trị phương pháp luận của Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, V.I.Lênin đã nhận định: “Tác phẩm này trình bày một cách hết sức sáng sủa và rõ ràng thế giới quan mới, chủ nghĩa duy vật triệt để - chủ nghĩa duy vật này bao quát cả lĩnh vực sinh hoạt xã hội - phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất và sâu sắc nhất về sự phát triển, lý luận đấu tranh giai cấp và vai trò cách mạng - trong lịch sử toàn thế giới - của giai cấp vô sản, tức là giai cấp sáng tạo một xã hội mới, xã hội cộng sản”(1).

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen không giải thích phương pháp luận của mình giống như đã làm trong các tác phẩm triết học, mà thể hiện phương pháp luận đó một cách cụ thể, dưới hình thức trong sáng, cô đọng về lịch sử ra đời, vận động của xã hội tư bản chủ nghĩa hiện thời. Qua sự trình bày của các ông, người ta thấy quy luật thống nhất của các mặt đối lập, quy luật lượng đổi dẫn đến chất đổi, quy luật phủ định của phủ định; thấy rõ nguyên lý về mối quan hệ phổ biến, nguyên lý về sự vận động, biến đổi và phát triển không ngừng của thế giới. Những điều đó thể hiện cụ thể trong sự ra đời, phát triển của một xã hội cụ thể, đó là CNTB - một giai đoạn trong sự phát triển của xã hội loài người từ mông muội tới văn minh và ngày càng văn minh hơn nữa. Xã hội TBCN này, không phải là tồn tại cá biệt ở một quốc gia nào đó, mà là phổ biến ở nhiều quốc gia với những mức độ chín muồi khác nhau. Do vậy, có thể coi đó sự mô tả cô đọng, bản chất về thời đại TBCN.

C.Mác, Ph.Ăngghen đã lọc bỏ, trừu tượng hóa vô vàn những hiện tượng và các quan hệ phong phú, phức tạp của xã hội đương thời là những điều dễ khiến cho người nghiên cứu lúng túng, không thể phân biệt đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả; đâu là hiện tượng, đâu là bản chất; đâu là cái tạm thời, thoáng qua, đâu là xu hướng lâu dài, tất yếu. Thực tế là, nhiều nhà tư tưởng trước Mác đã gặp phải tình trạng này và tỏ ra lúng túng khi luận giải về cái xã hội đang tồn tại. Ngay trước Mác, Hêghen, Phoiơbắc cũng không đưa ra được câu trả lời thuyết phục về xu hướng vận động của xã hội hiện tồn và rút cục quay trở về với chủ nghĩa duy tâm, coi “mọi cái hiện tồn đều là có lý”, hoặc đi vào tôn giáo.

Khác với các nhà tư tưởng trước đó, C.Mác, Ph.Ăngghen nhìn thấy mối liên hệ giữa kinh tế và chính trị; giữa văn hóa, tôn giáo với đời sống vật chất của xã hội TBCN. Tất cả được đặt trên nền tảng của sản xuất vật chất, mà cụ thể là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và kiểu quan hệ sản xuất phù hợp. Thời đại TBCN dựa trên một phương thức sản xuất cơ bản, chủ yếu, rất khác biệt so với trước. Đó là phương thức sản xuất lấy bóc lột giá trị thặng dư của giai cấp làm thuê (giai cấp vô sản) làm mục tiêu và động lực phát triển sản xuất và lấy việc cải tiến không ngừng máy móc để đạt được mục tiêu đó. Sở dĩ phải cải tiến không ngừng công cụ sản xuất vì chỉ có như thế mới tạo nên năng suất cao hơn, tạo ra giá trị thặng dư nhiều hơn trong điều kiện sản xuất hàng hóa ngày càng cạnh tranh giữa các nhà tư bản. Như vậy, xét dưới góc độ  lực lượng sản xuất của thời đại thì đó là sự thống trị (hay chủ đạo) của máy móc công nghiệp cùng với đội ngũ công nhân làm thuê ngày càng đông đảo. Xét dưới góc độ của quan hệ sản xuất - tức là mối quan hệ giữa người với người - thì đó là quan hệ của nhà tư sản với người vô sản dưới hình thức pháp lý, công khai là mua bán lao động. Sự gắn kết giữa hai giai cấp đối lập này rất chặt chẽ, phụ thuộc nhau. Nói cách khác, tuy là đối lập, song thống nhất với nhau, không tách rời nhau. Tất cả điều này hợp thành phương thức sản xuất cơ bản của xã hội TBCN, làm nền tảng vật chất của thời đại TBCN.

C.Mác, Ph.Ăngghen nhìn thấy sự hình thành và tồn tại của xã hội TBCN trong một quá trình phát triển và biến đổi từ chính mối quan hệ đối lập bên trong nó. Về mặt xã hội, đó là sự vận động của quan hệ giữa tư sản và vô sản từ chỗ ban đầu thống nhất, phụ thuộc nhau, trở thành mâu thuẫn, xung đột. Về phương thức sản xuất, là sự vận động của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tư hữu TBCN từ chỗ ban đầu là thống nhất trở thành mâu thuẫn, xung đột khi quan hệ sản xuất tư hữu đó không còn là khuôn khổ đủ cho lực lượng sản xuất phát triển theo hướng ngày càng xã hội hóa.

Từ những bằng chứng về khủng hoảng thừa của sản xuất TBCN và những xung đột giữa giai cấp vô sản và tư sản về tiền lương, việc làm... ở nhiều nước, các ông dự đoán về sự sụp đổ của phương thức sản xuất này và sự ra đời của phương thức sản xuất khác - đúng hơn là sự ra đời của một quan hệ sản xuất mới - quan hệ sản xuất công hữu, trong đó mọi người, kể cả người vô sản cũng trở thành người chủ của lực lượng sản xuất công nghiệp mang tính quốc tế hóa. Khi đó trên thế giới sẽ không còn người tư sản và vô sản nữa và việc sản xuất sẽ không phải vì mục tiêu giá trị thặng dư của nhà tư bản mà vì nhu cầu, lợi ích của tất cả mọi người trong  xã hội.

Nếu như sự phủ định của chế độ tư hữu (mà tư hữu TBCN là  cao nhất, hoàn thiện nhất) đối với chế độ công hữu đã được thực hiện từ hàng nghìn năm trước do sự phát triển của chính năng lực sản xuất của con người thì sự phủ định của chế độ công hữu CSCN sẽ là sự phủ định của phủ định, do chính sự phát triển của năng lực sản xuất của con người ở thời đại TBCN tạo ra.

Theo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, lực lượng xã hội gắn liền với sự phủ định đó là giai cấp vô sản - bộ phận hợp thành của lực lượng sản xuất hiện đại TBCN. Sự nổi dậy của giai cấp vô sản chính là sự nổi dậy của lực lượng sản xuất chống lại quan hệ sản xuất mà giai cấp tư sản là đại biểu. Về mặt chính trị - xã hội, sự nổi dậy đó chính là Cách mạng vô sản do giai cấp công nhân thực hiện để xây dựng một xã hội CSCN về nguyên tắc hoàn toàn đối lập với CNTB hiện đang tồn tại, trong đó con người sẽ hoàn toàn tự do phát triển phẩm chất Người, mà không bị bóc lột, tha hóa cùng với CNTB. Tuyên ngôn kết luận “Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”.

2. Giá trị phương pháp luận góp phần nhận thức thời đại ngày nay

Phải khẳng định bối cảnh của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản so với ngày nay đã khác xa. Quả thật, khi C.Mác, Ph.Ăngghen viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, ngoại trừ ở nước Anh là nơi phương thức sản xuất TBCN đã trở nên phổ biến, thì CNTB vẫn còn đang trong quá trình phát triển ban đầu ở nhiều nước khác, kể cả ở nước Mỹ. Vào thời kỳ này, các bang miền Bắc nước Mỹ đã phát triển công nghiệp với quan hệ sản xuất TBCN rõ rệt, nhưng các bang miền Nam chủ yếu vẫn sản xuất nông nghiệp cùng với việc duy trì quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ. Chỉ sau chiến tranh Nam - Bắc với chiến thắng thuộc về các bang miền Bắc, phương thức sản xuất tư bản mới phát triển trên toàn nước Mỹ, chế độ nô lệ mới bị bãi bỏ. Trong khi đó, ở nước Pháp và đặc biệt nước Đức vẫn còn đang trong giai đoạn đấu tranh giữa phong kiến với tư sản. Phương thức sản xuất TBCN và giai cấp tư sản chưa hoàn toàn thắng thế. Nhìn chung ở cả Mỹ và châu Âu, phải nửa thế kỷ sau Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, CNTB mới trở nên phổ biến và hoàn chỉnh cả về phương diện kinh tế và chính trị. Năm 1872, trong Lời tựa cho bản tiếng Đức của Tuyên ngôn, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã viết “Vì đại công nghiệp đã có những bước tiến hết sức lớn trong hai mươi lăm năm qua và giai cấp công nhân cũng đạt được những tiến bộ song song trong việc tự tổ chức thành chính đảng, do có những kinh nghiệm thực tiễn, trước hết là của Cách mạng Tháng Hai, sau nữa và nhất là của Công xã Pari lần đầu tiên đã đem chính quyền lại cho giai cấp vô sản trong hai tháng, cho nên hiện nay, cương lĩnh này có một số điểm đã cũ”. Về các biện pháp cách mạng được nêu ở chương II, các ông viết “Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi”(2).

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong phong trào Cộng sản có hai thái độ đối với Tuyên ngôn. Một bộ phận cho rằng thời điểm của cách mạng vô sản chưa tới, phương thức sản xuất TBCN chưa hết khả năng, vẫn còn sức sống và đang đổi mới, giai cấp vô sản chưa đủ khả năng (và không thể) trở thành người chủ của phương thức sản xuất mới. Đó là câu trả lời của những người xét lại chủ nghĩa Mác như Bécxtanh không dám thực hiện các biện pháp cách mạng dù mâu thuẫn chính trị, xã hội trong lòng xã hội tư bản rất sâu sắc.

Một bộ phận khác trung thành với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản khẳng định, thời đại cách mạng vô sản đã đến, vì cả giai cấp tư sản - những người cai trị và giai cấp vô sản - những người bị trị đều không thể sống trong tình trạng  như cũ được nữa. CNTB đã phát triển đến giai đoạn tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc. Mâu thuẫn giữa hai giai cấp đã gay gắt không thể dung hòa, đã đến lúc cần tổ chức cho giai cấp vô sản giành chính quyền, thực hiện cách mạng chính trị và dùng quyền lực chính trị có tổ chức để cải tạo XHCN và xây dựng CNXH. Đó là thái độ của những người Lêninnít với cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại ở Nga đặt nền móng cho CNXH hiện thực thế kỷ XX trong suốt 7 thập kỷ sau đó.

Ngày nay, câu hỏi về nội dung thời đại, về sứ mệnh của CNTB được đặt ra trong bối cảnh mô hình CNXH hiện thực thế kỷ XX đã không còn, phương thức sản xuất TBCN vẫn đang tồn tại và phát triển ở trình độ mới. Không chỉ ở các nước theo đường lối dân chủ xã hội, mà ngay cả các nước theo đường lối Tự do mới (như Mỹ, Anh) nhiều vấn đề chính trị, xã hội, con người, môi trường đã được giải quyết ngày càng tốt. Trong phạm vi toàn cầu, đã hình thành nên các cơ chế khu vực hay quốc tế nhằm khắc phục - và đã khắc phục được trong thực tế - nhiều nhược điểm, khiếm khuyết vốn bị coi là không thể khắc phục của CNTB như khủng khoảng thừa chu kỳ, là bần cùng hóa giai cấp công nhân, là chiến tranh giữa các nước nhằm xâm chiếm tài nguyên và tranh giành thị trường... Nếu như cuộc đại suy thoái 1929-1933 đã gây nên những tổn thất ghê ghớm cho nền kinh tế châu Âu và Mỹ thì cuộc khủng hoảng tài chính 2008 bắt đầu từ Mỹ, có nguy cơ lan rộng đã được ngăn chặn và đẩy lùi nhanh chóng mà không có những hậu quả dây chuyền nghiêm trọng nào.

Đúng là trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI này, ở các nước tư bản tiên tiến nhất, rất ít khi người ta nhìn thấy các cuộc bãi công, biểu tình đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc như ở các thế kỷ trước. Vai trò ngày càng lớn của Liên Hợp quốc và các thể chế tài chính quốc tế và khu vực; các diễn đàn chính trị, xã hội chính thức và phi chính thức... đã dàn xếp, điều hòa các xung đột, mâu thuẫn giữa các quốc gia, các tập đoàn kinh tế, khiến cho nguy cơ các cuộc chiến tranh, xung đột mang tính thế giới bị kìm chế, không thể dễ dàng xảy ra. Trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, sự phát triển và khai thác tự nhiên mang tính tự phát ít hơn, sự phá hoại và lãng phí bị hạn chế đáng kể. Dù còn nhiều mâu thuẫn, song Hội nghị thế giới về chống biến đổi khí hậu cũng đã có được Nghị định thư Kyoto và như vậy loài người, dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã hành động thực tế hơn để phát triển bền vững. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã bước đầu biến đổi phương thức sản xuất và cuộc sống của con người theo cách mà C.Mác, Ph.Ăngghen chưa hề tưởng tượng ra.

Thế giới loài người đã biến đổi và tiến bộ hơn rất nhiều, đến mức nó không còn là thời đại của CNTB thế kỷ XX và lại càng không phải như cách đây 170 năm. Nhưng thế giới ngày nay cũng chưa phải là CNXH và tốt đẹp như nó có thể. Người ta vẫn thấy mục tiêu của các nhà tư bản ngày nay về cơ bản giống như trước kia là tìm kiếm lợi nhuận từ giá trị thặng dư của người làm thuê. Sự tích lũy và tập trung tư bản vẫn đang diễn ra hằng ngày một cách quyết liệt, chỉ có điều bằng các phương thức và hình thức mới, ít dã man, ít “máu và nước mắt” của người lao động hơn trước kia. Cạnh tranh, độc quyền vẫn diễn ra dù dưới hình thức tinh vi hơn, bị các nhà nước, xã hội và các thể chế kinh tế quốc tế can thiệp nhiều hơn. Vẫn còn sự chênh lệch quá lớn giữa một bộ phận giàu có với một bộ phận nghèo đói, lạc hậu, nhất là ở châu Phi. Mặc dù được dàn xếp, can thiệp, nhưng những xung đột cục bộ vẫn xảy ra trong lòng quốc gia và giữa quốc gia này với quốc gia kia ở đâu đó trên thế giới.

Có thể thấy điều C.Mác, Ph.Ăngghen nói về quy luật cách mạng hóa không ngừng lực lượng sản xuất và quốc tế hóa không ngừng tư bản thì vẫn đúng cho hiện nay. Chưa bao giờ khoảng cách thời gian giữa các cuộc cách mạng công nghiệp lại ngắn như ngày nay. Chưa bao giờ tư bản lại luân chuyển nhanh và với quy mô lớn trên toàn cầu như ngày nay. Điều đó bắt nguồn từ chính nhu cầu của phương thức sản xuất hiện đại và tạo nên sức sống cho CNTB, là điều mà mô hình CNXH hiện thực thế kỷ XX không tạo ra được. 

Sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học, công nghệ và phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất đã khiến cho cơ cấu các ngành sản xuất và cơ cấu lao động ở nhiều nước đã thay đổi. Từ nhiều thập kỷ qua, tỷ lệ công nhân công nghiệp đã giảm và trong tương lai với cách mạng công nghiệp 4.0, rôbốt sẽ còn thay thế nhiều hơn nữa lực lượng công nhân công nghiệp và lao động chân tay trong nhiều ngành dịch vụ khác nhau.

Nhưng ở các nước phát triển nhất, tiên tiến nhất, dù số lượng và thân phận người công nhân công nghiệp không còn như trước kia, thì vẫn còn đấy giai cấp làm thuê dưới nhiều hình thức, với tính chất khác nhau, trong đó bao hàm cả giới trí thức, các kỹ sư công nghệ và công nhân cổ cồn, các nhà quản lý (các CEO). Quan hệ kinh tế phổ biến ngày nay vẫn là quan hệ giữa người chủ với người làm thuê. Giá trị thặng dư và lợi nhuận của nhà tư bản vẫn có nguồn gốc từ lao động làm thuê đó. Giá trị thặng dư từ người công nhân trực tiếp đứng máy, lắp ráp nên các sản phẩm ngày càng có tỷ lệ thấp hơn, nhưng giá trị thặng dư từ trí tuệ của các kỹ sư công nghệ, của các CEO thì ngày càng lớn và khó có thể đo đếm chính xác. Dù muốn hay không, lợi nhuận, giá trị thặng dư vẫn là động lực chủ yếu thúc đẩy hoạt động kinh tế trong thời đại chúng ta, là một trong những động cơ quan trọng, không thể phủ nhận được, của những sáng tạo khoa học, công nghệ của con người.

Có thể khẳng định, dù đã có sự đa dạng trong quan hệ sở hữu, trong đó có sở hữu nhà nước đang tồn tại ở nhiều nước, thì quan hệ sản xuất tư hữu vẫn là nền tảng cơ bản của phương thức sản xuất hiện nay. Phương thức sản xuất chủ yếu ngày nay vẫn dựa trên mối quan hệ giữa hai mặt vừa đấu tranh, vừa tạo điều kiện cho nhau phát triển là lực lượng sản xuất hiện đại theo xu hướng quốc tế hóa với quan hệ sản xuất tư hữu. Trên nền tảng phương thức sản xuất đó, quan hệ vừa đấu tranh, vừa phụ thuộc lẫn nhau giữa nhà tư bản với lao động làm thuê vẫn là một trong những quan hệ xã hội cơ bản ở mỗi quốc gia.

Với những quan hệ kinh tế và xã hội cơ bản như thế, thế giới đang nằm trong sự vận động của hai mặt đối lập: toàn cầu hóa và quốc gia hóa, quốc tế hóa và dân tộc hóa, nhân loại hóa và cá nhân hóa. Điều đáng chú ý là sự vận động mâu thuẫn đó không chỉ giữa nền kinh tế này với nền kinh tế kia, giữa quốc gia này với quốc gia kia, mà tồn tại ngay trong mỗi quốc gia, kể cả ở những nước tư bản phát triển nhất. Sự kiện Brexit của nước Anh và quyết định rút khỏi Hiệp ước TPP của tổng thống D.Trump vừa qua là những ví dụ nóng hổi. Điều đó cho thấy quốc tế hóa (mà toàn cầu hóa là mức độ cao nhất) dù là quy luật của phương thức sản xuất TBCN trước kia và hiện nay, cũng không phải là sự vận động một chiều, đơn giản. Nó vừa tạo ra nguy cơ, vừa tạo ra thời cơ cho nhiều quốc gia, kể cả đã phát triển và đang phát triển. Nó có thể gây nên khó khăn, thậm chí thụt lùi cho các quốc gia phát triển, nhưng cũng có thể là cơ hội để quốc gia còn lạc hậu nhanh chóng phát triển, rút ngắn khoảng cách với các nước giàu có, văn minh, thậm chí có thể trở thành quốc gia nắm giữ những tiến bộ khoa học và công nghệ mới nhất trên một số lĩnh vực.

Do sự vận động trong những mâu thuẫn như vậy, nên dù là quy luật, là xu hướng có thể nhìn thấy bằng nhiều hiện tượng, thì “thế giới phẳng” vẫn là tương đối. Sự chênh lệch về trình độ phát triển, về giàu nghèo giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới, thậm chí trong một quốc gia là một thực tế không thể phủ nhận. Dù Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, các NGO thế giới đã và đang hoạt động rất tích cực vẫn không thể xóa được khoảng cách này.

Thừa nhận thực tế khách quan mang tính hai mặt như trên chính là thái độ cần thiết của người cộng sản, là sự vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng vào phân tích xã hội loài người hiện nay. Nó là cơ sở để Đảng Cộng sản định ra chính sách thích hợp.

Theo tinh thần quốc tế vô sản của C.Mác, Ph.Ăngghen, chính sách thích hợp của các Đảng Cộng sản - đảng của giai cấp công nhân và lao động nói chung ngày nay phải là ủng hộ toàn cầu hóa, nhân loại hóa. Nhưng điều này cần phải đặt trong mối quan hệ hài hòa với dân tộc hóa và quốc gia hóa. Nói cách khác, trong mỗi thời điểm, khi nghĩ tới loài người, tới giai cấp công nhân, cần phải tính tới lợi ích của dân tộc, quốc gia trong sự hài hòa cần thiết, tránh bị rơi vào phiến diện như đã từng có một thời. Điều quan trọng là phải làm sao cho toàn cầu hóa, nhân loại hóa đem lại sự phồn vinh và bình đẳng, công bằng cho mọi nơi, mọi người, không phải chỉ cho một số ít. Đó là quá trình vừa đấu tranh, vừa hợp tác, vừa cần thiện chí, hảo tâm, vừa cần có lợi ích thiết thực.

Cũng như vậy khi hướng tới nền công hữu CSCN như là nền tảng của xã hội tốt đẹp, lý tưởng (mà giai đoạn thấp là công hữu XHCN) thì cần phải biết sử dụng và phát huy một cách tốt nhất, hiệu quả nhất chế độ tư hữu cho mục tiêu phát triển quốc gia, dân tộc và loài người, tránh rơi vào sự kỳ thị siêu hình và nóng vội, coi thường  quy luật khách quan, đốt cháy giai đoạn.

Việt Nam và một số nước do đảng cộng sản trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin lãnh đạo đang tìm tòi con đường xây dựng một mô hình CNXH mới. Hình hài của CNXH thế kỷ XXI như thế nào chưa rõ rệt, nhưng chắc chắn phải khác biệt với mô hình CNXH thế kỷ XX là ở chỗ không phủ định nền kinh tế thị trường, không phủ nhận quy luật lợi nhuận, cạnh tranh; không tuyệt đối hóa vai trò của nhà nước trong kế hoạch hóa và điều hành nền sản xuất và các quan hệ phân phối, trao đổi như trước...

Trong xu hướng này, có nước với trình độ kinh tế còn ở mức độ thấp (như Việt Nam) thừa nhận và tích cực hội nhập vào nền kinh tế thị trường toàn cầu để phát triển, mong nhanh chóng bắt kịp với các nước tiên tiến, giàu có trên thế giới, trở thành “con hổ” mới của kinh tế khu vực và thế giới. Có những nước ở mức độ cao hơn, với tiềm lực kinh tế khổng lồ của mình (Trung Quốc) không những chỉ hội nhập mà còn đang có những sáng kiến và hành động nhằm tạo ra “sân chơi” mới, “thể lệ” mới cho trật tự kinh tế thế giới. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử phong trào cộng sản và CNXH thế giới, có thể là dấu hiệu cho một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại.

Nhưng chắc chắn, đây là một quá trình phức tạp, không đơn giản, bởi lẽ đó là cuộc đấu tranh của các thế lực chính trị và kinh tế mới với thế lực chính trị và kinh tế cũ của thế giới, động chạm đến không chỉ lợi ích trước mắt mà còn lợi ích lâu dài, danh dự và thậm chí là sinh mệnh của mỗi dân tộc, quốc gia. Mặt khác, xã hội loài người vốn và sẽ còn phát triển không đồng đều trong thời gian rất dài. Tư tưởng, tâm lý của con người rất phức tạp, đa diện, nhiều tầng, nhiều chiều hướng không thể đối xử một cách đơn giản, có thể san phẳng chỉ bằng kinh tế, vật chất. Vì vậy, sự chống cự, phản kháng mang tính dân tộc hay cộng đồng, thậm chí ở một bộ phận nào đó trở nên cực đoan, sẽ luôn là một lực cản không nhỏ trước mọi nỗ lực thay đổi của loài người, dù rằng có thể theo hướng tiến bộ hơn.

Do vậy, thể lệ mới, sân chơi mới như thế nào, bên cạnh lợi ích quốc gia, dân tộc của người khởi xướng thì cần phải xem nó có đem lại lợi ích và tiến bộ cho quốc tế, nhân loại nói chung hay không. Bên cạnh phương diện kinh tế, nó phải bao hàm phương diện chính trị, nghĩa là tạo nên một “nền dân chủ của nhân loại”, biến quá trình toàn cầu hóa thành quá trình được tạo dựng bằng ý chí và hành động tập thể của mọi dân tộc, quốc gia.

Thời gian sẽ cung cấp bằng chứng về điều này và khi đó loài người có thể hy vọng vào một thời đại mới - thời đại quá độ thực sự từ CNTB lên CNXH trên phạm vi thế giới với sự dẫn dắt của những người cộng sản chân chính đại diện cho phương thức sản tiên tiến của loài người.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2018

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva 1980, t.26, tr.57.

(2) C.Mác, Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.18, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.128.

 

PGS, TS Vũ Hoàng Công

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền