Trang chủ    Bài nổi bật    Vấn đề giai cấp và dân tộc trong tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" và việc vận dụng trong điều kiện hiện nay
Thứ tư, 21 Tháng 3 2018 11:46
5189 Lượt xem

Vấn đề giai cấp và dân tộc trong tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" và việc vận dụng trong điều kiện hiện nay

(LLCT) - Vấn đề giai cấp và dân tộc là một trong những nội dung cơ bản trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen. Hiện nay, tình hình thế giới đã có nhiều thay đổi cả về kinh tế, chính trị, xã hội, theo đó các quan hệ giai cấp, dân tộc cũng có nhiều biến đổi so với thời đại của C.Mác - Ph.Ăngghen. Thực trạng đó đòi hỏi phải nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan những giá trị và ý nghĩa vấn đề giai cấp và dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; đồng thời chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển trong thời đại ngày nay.

1. Nội dung vấn đề giai cấp và dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

 

Thứ nhất, Tuyên ngônkhẳng định, giai cấp tư sản từng đóng vai trò cách mạng đối với sự hình thành, phát triển của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nhưng hiện nay, sự tồn tại của giai cấp tư sản, sự phát triển của CNTB lại gắn liền với sự duy trì và tăng cường áp bức giai cấp và áp bức dân tộc trên phạm vi quốc gia và quốc tế. Đây là mâu thuẫn không thể khắc phục của CNTB.

Từ trong “đêm trường trung cổ”, giai cấp tư sản đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống các thế lực thế quyềnvà thần quyền; xóa tan sự cô lập, cát cứ địa phương để hình thành nên ở các nước tư bản một dân tộc thống nhất, một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp(1)... Tuyên ngôn khẳng định: “Với sự phát triển của giai cấp tư sản, tự do buôn bán, thị trường thế giới, sự đồng đều của sản xuất công nghiệp và những điều kiện sinh hoạt thích ứng với nền sản xuất ấy thì những sự cách biệt dân tộc và những sự đối lập giữa nhân dân các nước cũng ngày càng mất đi”(2).

Tuy nhiên, đồng thời, Tuyên ngôncũng chỉ ra rằng, giai cấp cấp tư sản đã tạo ra cho nó một thế giới theo hình dạng của nó(3). Thực chất dân tộc thống nhất, chính phủ thống nhất, luật pháp thống nhất, lợi ích dân tộc thống nhấtlà của giai cấp tư sản, mang bản chất giai cấp tư sản. Sự phát triển của CNTB đã đẩy nhanh sự phân hóa trong dân tộc tư sản; đông đảo nhân dân lao động, trước hết là giai cấp công nhân trở thành đối tượng áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản dân tộc. Công nhân không có tài sản, công nhân làm nô lệ cho tư bản, công nhân mất hết mọi tính chất dân tộc(4); do đó, dưới CNTB, công nhân không có Tổ quốc(5). Giai cấp tư sản và CNTB buộc tất cả các dân tộc phải thực hành phương thức sản xuất TBCN, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Nó bắt nông thôn phải phụ thuộc vào thành thị, bắt các nước dã man hay nửa dã man phải phụ thuộc vào các nước văn minh; nó đã bắt những dân tộc nông dân phải phụ thuộc vào những dân tộc tư sản, bắt phương Đông phải phụ thuộc vào phương Tây(6). Như vậy, sự tồn tại, phát triển của CNTB đồng thời chính là sự duy trì áp bức giai cấp và áp bức dân tộc cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế.

Thứ hai, theo tinh thần của Tuyên ngôn, vấn đề dân tộc thực chất là vấn đề giai cấp. Nguồn gốc áp bức dân tộc là sự áp bức giữa người với người, giữa giai cấp này với giai cấp khác. Giai cấp nào thống trị về kinh tế thì giai cấp ấy thống trị dân tộc. Tuyên ngôn khẳng định, cuộc đấu tranh giai cấp hiện nay đã phát triển tới giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức, tức là giai cấp vô sản không còn có thể tự giải phóng khỏi áp bức của giai cấp bóc lột và áp bức mình, tức là giai cấp tư sản, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công, khỏi sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp. Một trong những điều kiện cơ bản để giai cấp công nhân tự giải phóng mình là phải đồng thời giải phóng các dân tộc và toàn nhân loại ra khỏi mọi sự bóc lột, áp bức, bất công. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ. Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”(7). Thủ tiêu CNTB, xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới, đó là con đường, nội dung, mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng nhân loại.

Thứ ba, trong tiến trình đấu tranh để thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của mình, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu”(8). “Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã”(9). Sự thống trị của giai cấp vô sản sẽ càng làm cho những sự cách biệt dân tộc và những sự đối lập giữa nhân dân các nước mất đi nhanh hơn(10). Trong Lời tựa viết cho bản tiếng Ba Lan xuất bản năm 1892, Ph.Ăngghen viết: “Chỉ có thể có được sự hợp tác quốc tế thành thực giữa các dân tộc châu Âu khi nào mỗi dân tộc đó là người chủ tuyệt đối trong nhà mình”(11). Một năm sau đó, trong Lời tựa viết cho bản tiếng Ý xuất bản năm 1893, Ph.Ăngghen lại khẳng định: “Không khôi phục được độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung”(12). Trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế không thể tách rời trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân hiện đại.

Thứ tư, sự thống nhất biện chứng giữa vấn đề giai cấp và dân tộc trong tiến trình thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân còn được thể hiện ngay trong khẩu hiệu nổi tiếng: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”. Giai cấp công nhân ở mỗi nước phải tự mình trở thành dân tộc và hoàn thành trách nhiệm với dân tộc mình; nhưng để hoàn thành trọng trách ấy không thể chỉ bằng sức mạnh dân tộc, sức mạnh đoàn kết dân tộc (thực chất là sức mạnh liên minh đoàn kết của khối đa số vì lợi ích của khối đa số(13)) mà phải bằng cả sức mạnh đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân. Bởi bản thân giai cấp tư sản cũng là một thế lực quốc tế; tuy không có bản chất quốc tế nhưng có sức mạnh quốc tế, luôn sẵn sàng đè bẹp, đàn áp đẫm máu phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc. Tuyên ngôn chỉ rõ: trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; và trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào(14).

2. Giá trị bền vững của tư tưởng về vấn đề giai cấp và dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Một là, những phân tích, đánh giá trong Tuyên ngôn về vai trò cách mạng của giai cấp tư sản và của CNTBđối với sự phát triển của các dân tộc và sự tiến bộ chung của nhân loại vẫn đúng với thực tế hiện nay. Giai cấp tư sản và CNTB ở nhiều nước vẫn không ngừng cách mạng hóa công cụ sản xuất, cách mạng hóa quan hệ sản xuất và cách mạng hóa các quan hệ xã hội(15)nên vẫn thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất, bảo đảm lợi ích, mức sống khá cao (cả về vật chất và tinh thần) cho người lao động cũng như bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc. CNTB vẫn tiếp tục thúc đẩy toàn cầu hóa; tạo ra sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc về sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần; lôi cuốn những dân tộc lạc hậu vào trào lưu văn minh; làm cho những giá trị tinh thần của một dân tộc trở thành tài sản chung của tất cả các dân tộc... Rõ ràng, giai cấp tư sản và CNTB ở các nước vẫn tiếp tục thúc đẩy các xu hướng khách quan của sự phát triển dân tộc: phân lập dân tộc và liên hiệp dân tộc.

Mặt khác, thực tế cho thấy, giai cấp tư sản và CNTB vẫn tiếp tục tạo ra một thế giới theo hình dạng của nó. Dưới chế độ TBCN, phát triển đi liền với phản phát triển, giàu đi liền với nghèo. Đại bộ phận tư liệu sản xuất vẫn nằm trong tay các tập đoàn tư bản giàu có và chính quyền nhà nước vẫn nằm trong tay giai cấp tư sản. Giai cấp công nhân ở các nước tư bản về cơ bản vẫn không có tư liệu sản xuất, phải làm thuê cho nhà tư bản và vẫn tiếp tục bị bóc lột giá trị thặng dư. Giai cấp tư sản và CNTB vẫn tiếp tục tìm mọi cách để buộc các dân tộc phải duy trì phương thức sản xuất tư bản, từ việc áp đặt, can thiệp, hay thực hiện diễn biến hòa bình nhằm láicác nước XHCN theo quỹ đạo CNTB; buộc các dân tộc lạc hậu, các nước nghèo phải phụ thuộc vào nước giàu; thu lợi, làm giàu bằng cách kích động, gây mâu thuẫn, xung đột ở các quốc gia, dân tộc, gây chia rẽ, thù địch giữa các tôn giáo, tín ngưỡng và đẩy nhân dân ở nhiều quốc gia, dân tộc, khu vực vào chiến tranh loạn lạc,... Có thể thấy, CNTB vẫn tiếp tục duy trì sự áp bức giai cấp và áp bức dân tộc cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế, đúng như những khái quát, nhận định trong Tuyên ngôn.

Hai là, mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề giai cấp và dân tộc, giữa sứ mệnh lịch sử quốc tế và trách nhiệm dân tộc của giai cấp công nhân.

Từ những luận điểm đó, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvích Nga đã xây dựng thành cương lĩnh, sách lược cách mạng để lãnh đạo nhân dân Nga đấu tranh, làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười năm 1917; giải phóng hàng trăm dân tộc, hàng triệu nhân dân lao động ra khỏi “nhà tù của các dân tộc”; xây dựng chế độ XHCN, lập nên Liên bang cộng hòa Xô Viết (Liên Xô). Nhờ đó, giai cấp công nhân và nhân dân các dân tộc Liên Xô đã nhanh chóng đưa nước Nga từ một nước lạc hậu bậc nhất châu Âu trở thành một trong hai cường quốc công nghiệp của thế giới. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự lớn mạnh của Liên Xô, tinh thần của Tuyên ngôn và tinh thần Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin đã trở thành ngọn đuốc soi đường đấu tranh cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các dân tộc thuộc địa, lệ thuộc và bị áp bức trên các châu lục giành độc lập dân tộc và phát triển theo con đường trung lập hoặc theo định hướng XHCN để hình thành nên hệ thống XHCN hùng mạnh và phong trào Không liên kết rộng lớn. Sự ra đời và phát triển của hệ thống XHCN đã thiết lập trên thực tế một kiểu quan hệ quốc tế mới dựa trên tình đoàn kết giai cấp, tình hữu nghị giữa các dân tộc, sự hợp tác và tương trợ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ xã hội mới, vì hòa bình, an ninh quốc tế và tiến bộ xã hội, sự bình đẳng và tôn trọng độc lập, chủ quyền của mỗi nước. Đây là tác nhân tích cực thúc đẩy các nước trong cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau hơn trong quá trình phát triển(16).

Ba là, các luận điểm về vấn đề giai cấp và dân tộc là một hệ thống lý luận khoa học có tính cách mạng, sáng tạo. Lịch sử cho thấy, ở đâu, lúc nào những người cộng sản trung thành, vận dụng sáng tạo các luận điểm đó thì cách mạng thành công; ngược lại, ở đâu, lúc nào rơi vào chủ quan, duy ý chí, máy móc, giáo điều hoặc xa rời, từ bỏ các luận điểm đó thì cách mạng lâm vào khó khăn, khủng hoảng, thậm chí thất bại.

Sự khủng hoảng của CNXH hiện thực, sự thất bại của chế độ XHCN ở Đông Âu, sự sụp đổ của Liên Xô và sự suy yếu, thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân sai lầm trong nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc; giữa dân tộc và quốc tế; giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế của giai cấp công nhân. Bên cạnh đó, giữa các nước XHCN có khi bất đồng về tư tưởng, phân liệt, mất đoàn kết về tổ chức, áp đặt, sao chép máy móc về mô hình, chính sách phát triển, vi phạm quyền bình đẳng và quyền tự quyết của mỗi quốc gia, dân tộc. Có nơi, có lúc chủ nghĩa dân tộc, lợi ích quốc gia, dân tộc được đề cao quá mức trong khi chủ nghĩa quốc tế vô sản lại bị lãng quên, xem nhẹ; Đảng và Nhà nước XHCN rơi vào quan liêu, xa dân, đặc quyền, đặc lợi, chưa thực sự đại diện cho lợi ích và lương tri của toàn dân tộc. Đối lập một cách siêu hình với CNTB, không chú trọng kế thừa, tiếp thu thành quả văn minh TBCN; máy móc, nôn nóng trong việc “thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình”; chủ quan, duy ý chí trong thiết lập quan hệ sản xuất XHCN. Tất cả những điều đó đều xa lạ và trái với tinh thần khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn về mối quan hệ giữa vấn đề giai cấp và dân tộc.

Bốn là, chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là lý luận về vấn đề giai cấp và dân tộc theo tinh thần của Tuyên ngôn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu khi Người đọc và thấm nhuần nội dung bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địacủa V.I.Lênin - một trong những tác phẩm thể hiện đúng đắn, sinh động tinh thần của Tuyên ngôn về vấn đề giai cấp và dân tộc. Hồ Chí Minh khẳng định, trong thời đại ngày nay, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản. Quan hệ giữa vấn đề giai cấp và dân tộc được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và giải quyết đúng đắn, hài hòa thông qua việc thực hiện nhiệm vụ “phản đế” và “phản phong” trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; thực hiện đồng thời cách mạng XHCN và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở hai miền Nam, Bắc; thực hiện độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản vô tư trong sáng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN; đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, trở thành quốc gia đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới(17).

3. Vận dụng, bổ sung, phát triển tư tưởng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản về vấn đề giai cấp và dân tộc trong điều kiện hiện nay

Thứ nhất, giá trị và sức sống của Tuyên ngôn không thể tách rời chủ nghĩa Mác - Lênin. 170 năm qua, cùng với sự thăng trầm của lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, không ít luận điểm trong Tuyên ngôn, trong đó có những luận điểm liên quan đến vấn đề giai cấp và dân tộc đã từng bị hiểu sai, xuyên tạc, bóp méo; thậm chí có lúc Tuyên ngôn còn bị lãng quên và biến mất khỏi vũ đài chính trị(18). Do đó, để vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của Tuyên ngôn về vấn đề giai cấp và dân tộc trong điều kiện hiện nay trước hết cần phải hiểu đầy đủ, đúng đắn di sản tư tưởng Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và giai cấp; vấn đề dân tộc và quốc tế; cách mạng vô sản ở chính quốc và cách mạng thuộc địa; chủ nghĩa dân tộc chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản vô tư trong sáng. Việc xem xét, đánh giá các luận điểm đó phải đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể và đặt trong chỉnh thể, trong mối tương quan mật thiết với các luận điểm, các nguyên lý khác của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ đó, khẳng định những giá trị bền vững, phổ biến; chỉ ra những vấn đề cần bổ sung, phát triển; những luận điểm đã bị lịch sử vượt qua, những luận điểm bị hiểu sai, bị kẻ thù xuyên tạc... Chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước và xu thế vận động khách quan của thời đại.

Thứ hai, cần phê phán bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch và điều chỉnh những nhận thức chưa chính xác, phiến diện về vấn đề giai cấp và dân tộc trong Tuyên ngôn. Thực tế cho thấy, đề cao quá mức vấn đề giai cấp, xem nhẹ vấn đề dân tộc hay nhấn mạnh vấn đề dân tộc, coi nhẹ vấn đề giai cấp đều đã làm tổn hại to lớn cho cách mạng ở mỗi nước và cách mạng thế giới. Hiện nay, các thế lực phản động, thù địch vẫn tiếp tục sử dụng chiêu trò trích dẫn cắt xén để xuyên tạc luận điểm “người vô sản không có tài sản”, “người vô sản mất hết mọi tính chất dân tộc”, “công nhân không có Tổ quốc”. Điều đáng nói là những luận điệu cũ rích ấy vẫn nhận được sự a dua, tán thưởng của không ít người, kể cả cán bộ, đảng viên nông cạn về lý luận, hời hợt về thực tiễn. Cần phải phê phán, bác bỏ nhận thức cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin coi thường vấn đề dân tộc; chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ tập trung vào đấu tranh giai cấp và đấu tranh giai cấp chỉ là bạo lực. Bác bỏ nhận thức sai lầm đó, V.I.Lênin viết: “Đối với Mác, thật không còn nghi ngờ gì cả là so với vấn đề công nhân thì vấn đề dân tộc chỉ có một ý nghĩa thứ yếu thôi. Nhưng lý luận của Mác thì xa việc coi thường các phong trào dân tộc như trời xa đất vậy”(19). Tuyên ngônkhẳng định, đấu tranh giai cấp là động lực của lịch sử, nhưng trong Lời tựa viết cho bản tiếng Ý xuất bản năm 1893, Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Không khôi phục được độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung”(20).

Thứ ba, cần nhận thức rõ, việc áp dụng những nguyên lý trong Tuyên ngôn phải tùy theo hoàn cảnh và điều kiện lịch sử cụ thể. Trên tinh thần đó, trong bối cảnh hiện nay, các Đảng Cộng sản và Nhà nước XHCN cần phải nhận thức đúng đắn, sâu sắc và giải quyết hài hòa, thỏa đáng mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích của giai cấp công nhân; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế; giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản vô tư trong sáng... Đó là những vấn đề không mới nhưng luôn có tính thời sự cấp thiết đối với các nước XHCN cũng như phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Ngoài ra, cần kịp thời nghiên cứu, luận giải để có chủ trương, chính sách đúng từ những vấn đề như sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong điều kiện toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0; đặc điểm của CNTB hiện đại và triển vọng của CNXH hiện thực; vấn đề hợp tác và đấu tranh giữa CNXH và CNTB; vai trò của doanh nhân và kinh tế tư nhân đối với công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; mối quan hệ giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước pháp quyền XHCN; vấn đề tính phổ biến và đặc thù của con đường quá độ lên CNXH; vấn đề bảo đảm độc lập chủ quyền của quốc gia, dân tộc và việc thực hiện dân chủ, nhân quyền theo luật pháp quốc tế...

Thứ tư, cần nhận thức lại luận điểm: trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào(21). Luận điểm này dường như mâu thuẫn với luận điểm: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(22)và luận điểm: “Không khôi phục được độc lập và thống nhất cho từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết của giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và tự giác giữa các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung”(23). Theo chúng tôi, trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế là không thể tách rời trong quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân hiện đại. Trong điều kiện hiện nay, nếu những người cộng sản “đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc” sẽ là siêu hình và không phù hợp với thực tế. Ngược lại, nếu những người cộng sản ở mỗi nước chỉ biết đến lợi ích quốc gia, dân tộc mình, bất chấp lợi ích của quốc gia, dân tộc khác và lợi ích chung của toàn thể phong trào công nhân quốc tế thì cũng là phạm sai lầm có tính nguyên tắc. Từ thời V.I.Lênin, khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại” đã được thay bằng khẩu hiệu “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại” nhưng hiện nay cần phải tăng cường tiềm lực và sức mạnh cho khẩu hiệu ấy bằng những hình thức và nội dung liên kết, hợp tác chặt chẽ, phong phú, đa dạng giữa các đảng cộng sản, các nhà nước XHCN; giữa các đảng cộng sản, nhà nước XHCN với các đảng chính trị và nhà nước tiến bộ đương đại; giữa giai cấp công nhân với các dân tộc bị áp bức và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và CNXH, trong đó, sự đoàn kết thống nhất, hợp tác hữu nghị giữa các đảng cộng sản, nhà nước XHCN trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin phải là lực lượng tiên phong, nòng cốt.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2018

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (13), (14), (15), (21), (22)  C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.603, 624, 602, 611, 623, 602, 624, 623-624, 611, 624, 611, 614, 600-601, 614, 623-624.

(11), (12), (18), (20), (23) C.Mác và Ph.Ăngghen: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.34-35, 38, 29, 38, 38.

(16) Xem Đỗ Xuân Tuất: Cách mạng Tháng Mười Nga - ngọn cờ hiệu triệu hòa bình cho nhân loại, tại trang: http://www.tapchicongsan.org.vn

(17) ĐCSVN: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội(bổ sung, phát triển năm 2011).

(19) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.25, tr.353.

 

TS Phạm Thị Hoàng Hà

TS Nguyễn Anh Tuấn

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền