Trang chủ    Bài nổi bật    Cách mạng Tháng Mười Nga với sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thế kỷ XX
Thứ tư, 28 Tháng 3 2018 10:00
2846 Lượt xem

Cách mạng Tháng Mười Nga với sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế thế kỷ XX

(LLCT) - Cách mạng Tháng Mười Nga là sản phẩm của thời đại đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới chống CNTB, chủ nghĩa đế quốc. Nó gắn liền với công lao của Lênin và những người cộng sản Nga trung thành với lý luận của chủ nghĩa Mác. Dưới sự cổ vũ tinh thần của Cách mạng Tháng Mười và sự giúp đỡ của nước Nga Xôviết, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có bước phát triển mới với sự ra đời của Quốc tế Cộng sản và nhiều đảng cộng sản ở các nước thuộc địa và lạc hậu trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mở ra một cục diện mới của thế giới, đó là sự tồn tại của hệ thống XHCN hiện thực. Sự sụp đổ của Liên xô và CNXH hiện thực vào thập niên 90 thế kỷ trước không làm mất đi ý nghĩa và giá trị lịch sử của Cách mạng Tháng Mười.

1. Phong trào công nhân quốc tế trước Cách mạng Tháng Mười Nga

Nửa đầu thế kỷ XIX, phong trào công nhân đã phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, nhưng chủ yếu còn mang tính tự phát, chủ yếu là đấu tranh kinh tế bằng phương pháp bãi công, biểu tình. Từ năm 1848 với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời và các hoạt động lý luận và thực tiễn tích cực của C.Mác, Ph.Ăngghen trong các năm tiếp theo, chủ nghĩa Mác với lý luận cách mạng vô sản dần dần có ảnh hưởng trong phong trào công nhân ở châu Âu.

Năm 1864, Hội liên hiệp công nhân quốc tế - International Workingmen’s Association (Quốc tế I) ra đời, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào công nhân thế giới. Trong 13 năm tồn tại (1864 -1876), từ các tổ chức công nhân thành viên đầu tiên của Hội, đã lần lượt ra đời 22 đảng mang tên dân chủ hoặc XHCN ở các nước, trong đó mạnh nhất phải kể đến Đảng Công nhân dân chủ - xã hội Đức thành lập năm 1869(1).

Phong trào công nhân được thống nhất lại vào năm 1889 (Quốc tế II) với đóng góp công sức của Ph.Ăngghen. Chủ nghĩa Mác và Quốc tế II là các tác nhân bên ngoài thúc đẩy sự ra đời của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga năm 1898. Những năm cuối của thế kỷ XIX, Quốc tế II bị chia rẽ bởi đường lối cơ hội chủ nghĩa xét lại của Bécstanh. Sự chia rẽ càng rõ khi xuất hiện nguy cơ chiến tranh thế giới vào những năm đầu của thế kỷ XX. Từ năm 1912, nhiều đảng Dân chủ xã hội do cánh Hữu chiếm ưu thế đồng tình với chính phủ tư sản nước mình tiến hành chiến tranh đế quốc. Bécstanh và Đuyrinh là đại biểu cho cánh Giữa chủ trương hòa bình, song trong thực tế vẫn bỏ phiếu thông qua ngân sách chiến tranh. Chỉ có cánh Tả của các đảng công nhân là chủ trương biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến, giành chính quyền về tay công nhân để chấm dứt chiến tranh thế giới. Đó là chủ trương của những người trung thành với tư tưởng cách mạng vô sản của Mác mà Lênin và những người Bônsêvíc trong đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga là đại biểu. Do không thống nhất về chủ trương, chính sách, Quốc tế II tan rã vào năm 1916, giữa thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất đang diễn ra ác liệt(2).

Nhưng sự tan vỡ này không ngăn cản được Lênin và những người Bônsêvíc trung thành với chủ nghĩa Mác, tích cực chuẩn bị lực lượng, nắm lấy thời cơ do điều kiện khách quan mang lại, lãnh đạo giai cấp công nhân và binh lính Nga làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới - Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Do vậy có thể khẳng định nếu không có chủ nghĩa Mác, không có phong trào công nhân quốc tế thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX thì sẽ không có Cách mạng Tháng Mười Nga.

2. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế dưới sự cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười, sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản và của Lênin

Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ thập kỷ 20 trở về sau có sự ảnh hưởng rõ rệt của Cách mạng Tháng Mười, sự giúp đỡ của nước Nga xô viết và Quốc tế cộng sản (QTCS) (Quốc tế III). Điều này thể hiện trên cả phương diện tinh thần và vật chất, bằng cả giúp đỡ trực tiếp và giúp đỡ gián tiếp, bằng cả định hướng hoạt động và đào tạo cán bộ.

Về phương diện tinh thần, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười thực sự trở thành một nguồn cảm hứng tinh thần vô cùng to lớn đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Như một nhà văn tiến bộ Mỹ đã ví Cách mạng Tháng Mười là Mười ngày rung chuyển thế giới. Nhiều nhà hoạt động xã hội, hoạt động trong phong trào công nhân hay các thanh niên trí thức yêu nước ở nhiều nước đã tìm đến với nước Nga, trong đó có Nguyễn Ái Quốc. Năm 1918, từ nước Anh, Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp và ở đây năm 1919 lần đầu tiên Người đã tiếp xúc với tư tưởng của Lênin khi đọc Luận cương về các vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Từ đó, Nguyễn Ái Quốc tin theo chủ nghĩa cộng sản, coi đó là con đường cứu nước, cứu dân duy nhất đúng đắn.

Về phương diện giúp đỡ trực tiếp, sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, trong điều kiện rất bận rộn với việc xây dựng và củng cố chính quyền mới, đồng thời phải giải quyết các quan hệ quốc tế phức tạp với các nước phương Tây, Lênin vẫn rất quan tâm giúp đỡ phong trào cộng sản và công nhân ở các nước. Trong bối cảnh đã hình thành nhiều nhóm, phái cánh Tả trong các Đảng công nhân dân chủ ở các nước châu Âu, Đảng Cộng sản (ĐCS) Nga (b) và Lênin chủ trương triệu tập Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội thành lập tháng 3-1919, có sự tham dự của 32 đoàn đại biểu từ các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á, trong đó 19 đoàn có tư cách đầy đủ, 13 đoàn với tư cách tham vấn(3).

Một năm sau, tháng 7-1920, Đại hội lần thứ II của QTCS được triệu tập. Trong số các văn kiện được thông qua, có một văn kiện quan trọng do Lênin soạn thảo về 21 điều kiện để một đảng gia nhập QTCS. Theo đó, đảng phải ủng hộ cách mạng vô sản và chuyên chính vô sản, phải được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, ủng hộ phong trào dân chủ - tư sản, song phải trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào đó...

Đại hội lần thứ III năm 1921 của QTCS thông qua các văn kiện hướng dẫn về tổ chức, phương pháp và nội dung công tác của các Đảng Cộng sản. Trong năm này, Ban Chấp hành QTCS cũng đưa ra các tuyên ngôn, văn kiện, lời kêu gọi đối với  phong trào cộng sản châu Âu và các nước khác trên thế giới, trong đó có Anh, Pháp, Ý...

Năm 1922, Ban Chấp hành QTCS đã ra nhiều tuyên bố, văn kiện về việc thành lập mặt trận quốc tế như Quốc tế công hội đỏ, Quốc tế thanh niên, Quốc tế phụ nữ. Đồng thời cũng có nhiều hơn các tuyên bố, lời kêu gọi, văn kiện về các vấn đề quốc tế bên ngoài châu Âu như Tuyên ngôn về vấn đề Bắc phi thuộc Pháp, về Xyri, Thổ Nhĩ Kỳ, về Đại hội công đoàn toàn Ấn Độ(4).

Từ năm 1919 đến năm 1922, với sự cổ vũ của Cách mạng Tháng Mười và của Đảng Bônsêvíc Nga, sự ra đời của QTCS và sự tham gia trực tiếp của Lênin trong Ban chấp hành QTCS, phong trào cách mạng vô sản lan rộng ở châu Âu. Ở một số nước đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa của công nhân dưới sự lãnh đạo của các đảng và nhóm cộng sản, như cuộc nổi dậy của công nhân thành lập Cộng hòa Xôviết ở Hunggari trong nhiều tháng của năm 1919. Cũng năm này là cuộc nổi dậy của công nhân Đức ở Bavaria định thành lập Cộng hòa Xôviết Bavaria. Tiếp theo là nổi dậy ở Estonia. Tiếc rằng các cuộc khởi nghĩa này đều thất bại.

Cũng khoảng thời gian này, nhiều đảng cộng sản ở châu Âu đã ra đời. Ngoài các đảng cộng sản ở các nước vùng Ban tích, Trung Á thuộc Liên Xô sau này, còn có các đảng khác ở Đông Âu, Tây Âu, ví dụ Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Tây Ban Nha thành lập năm 1920,  Đảng Cộng sản Ý và Bỉ thành lập năm 1921. Tất cả các đảng này đều là phái Tả của các đảng xã hội dân chủ thuộc Quốc tế II tách ra.

Theo chủ trương của Lênin, Liên Xô trở thành trung tâm của phong trào cộng sản, là đại bản doanh của QTCS. Trong suốt thời gian tồn tại từ năm 1919 đến năm 1943, tại đây đã tổ chức 7 lần Đại hội và 13 kỳ Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành của QTCS, trong đó 4 kỳ đại hội đầu từ năm 1919 tới năm 1922, Lênin đã tham dự, trực tiếp chỉ đạo và soạn thảo nhiều văn kiện.

Không chỉ phát triển các đảng cộng sản, theo Nghị quyết của QTCS về việc thành lập Mặt trận thống nhất (United Front), các Đại hội quốc tế của các tổ chức quần chúng đã được diễn ra ở Liên Xô như Đại hội Quốc tế nông dân (Nguyễn Ái Quốc có tham gia), Quốc tế thanh niên, Quốc tế phụ nữ, Quốc tế công nhân đỏ, Quốc tế cứu tế đỏ(5).

Sau khi thành lập, mặc dù có sự khác biệt rõ rệt về lý luận và chủ trương, QTCS thông qua Ban Chấp hành, vẫn có các hành động cụ thể tạo mối liên hệ với Quốc tế II và Quốc tế II rưỡi là các tổ chức vẫn còn ảnh hưởng nhất định đối với phong trào công nhân ở châu Âu, nhằm hướng phong trào công nhân ở các nước vào các hoạt động có lợi ích chung cho giai cấp công nhân.

Từ năm 1920, nhằm phát triển phong trào cách mạng trên thế giới, Lênin và QTCS chủ trương thành lập các trường đào tạo cán bộ cho các đảng cộng sản và đảng cách mạng ở các nước. Tháng 4 -1921 thành lập Trường Đại học Cộng sản của lao động phương Đông, hay còn được gọi là trường Đại học Phương Đông (Communist University of Toilers of the Eastes). Sau khi tới Liên Xô vào cuối năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã từng học một thời gian ngắn và có tham gia giảng dạy ở đây.

Tháng 11 -1921 thành lập Trường Đại học Cộng sản dành cho các dân tộc thiểu số phương Tây (Communist University of minorities of Westerns). Từ năm 1925 trường này đào tạo cả sinh viên các nước Trung Âu và Ban Căng.

Năm 1925, một bộ phận của Trường Đại học Phương Đông tách ra thành trường Tôn Dật Tiên chuyên đào tạo sinh viên cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc dân Đảng Trung Quốc.

Cũng năm 1925, QTCS thành lập trường Quốc tế Lênin (International Lênin School) chuyên đào tạo, bồi dưỡng về lý luận cho đảng viên của các đảng cộng sản các nước. Nguyễn Ái Quốc cũng học ở đây trong các năm 1934-1935 theo chương trình nghiên cứu sinh.

 Trường Đại học Phương Đông và trường Tôn Dật Tiên từ 1921 tới 1928 đã đào tạo 1 nghìn sinh viên. Ngoài số sinh viên các dân tộc thiểu số thuộc Liên Xô, trường đã đào tạo khoảng 400 sinh viên Trung Quốc, trong đó có những người sau này nổi tiếng như Tưởng Kinh Quốc của Quốc dân Đảng, Lưu Thiếu  Kỳ, Đặng Tiểu Bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trường cũng đào tạo được khoảng 40 sinh viên Nhật Bản(6).

Theo sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, nửa cuối những năm 20, nhiều sinh viên Việt Nam đã được chọn và cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông, trong đó có Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, sau này lần lượt trở thành Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 30(7).

Sau khi học tại các trường này, nhiều sinh viên đã trở về nước tham gia xây dựng và lãnh đạo các Đảng Cộng sản ở châu Á, châu Phi như Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921), Đảng Cộng sản Nhật Bản (1922), Đảng Cộng sản Inđônêxia (1924), Đảng Cộng sản Ấn Độ (1925)...(8)

Ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và sự giúp đỡ của nước Nga Xôviết, của QTCS và của Lênin đã làm cho phong trào Cộng sản lớn mạnh, từ chỗ thế giới chỉ có 1 Đảng Cộng sản là Đảng Cộng sản (b) Nga vào năm 1918 và 32 đảng tham gia Đại hội thành lập QTCS năm 1919, trong vòng 10 năm sau đó, số lượng các đảng cộng sản trên thế giới đã tăng gấp hơn hai lần. Tới Đại hội lần thứ VII (đại hội cuối cùng của QTCS)  năm 1935 đã có đại biểu của 65 Đảng Cộng sản tham dự(9).

Sau khi tham dự Đại hội lần thứ V QTCS năm 1924 và các hội nghị quốc tế khác, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu mở lớp huấn luyện cho các thanh niên yêu nước Việt Nam, tổ chức ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên, các bài giảng tại lớp huấn luyện được tập hợp thành sách Đường Cách mệnh. Những tài liệu giáo dục này chứa đựng những tri thức được Người tiếp thu trong thời gian học tập, nghiên cứu ở Liên Xô trước đó. Năm 1930 theo sự phát triển của các tổ chức cộng sản trong nước và chỉ đạo của QTCS, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị thống nhất các tổ chức cộng sản và thành lập ĐCS Việt Nam ở Hồng Kông vào đầu năm 1930(10).

Sự ra đời Đảng Cộng sản ở Việt Nam và ở các nước châu Á khác là minh chứng cho sức ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, sức ảnh hưởng của những thành tựu trong những năm đầu của nước Nga Xôviết và Liên Xô đối với phong trào cộng sản và công nhân ở các nước thuộc địa và phụ thuộc. Trong cuốn sách Đường Cách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định, so với các cuộc cách mạng ở Mỹ, Pháp, “chỉ có Cách mệnh Nga là cách mệnh thành công đến nơi” và đó chính là hình mẫu mà cách mạng Việt Nam cần học tập(11).

Khác với châu Âu, các Đảng Cộng sản ở châu Á hay châu Phi ra đời không phải hoàn toàn chỉ là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân, mà còn là sự kết hợp của chủ nghĩa Mác với các phong trào yêu nước của nông dân, trí thức. Do vậy, phong trào đấu tranh của các giai cấp, tầng lớp nhằm mục tiêu giành độc lập, chống phong kiến, chống tư sản, dưới sự lãnh đạo của ĐCS lại trở thành một bộ phận của phong trào cộng sản quốc tế (như Việt Nam), và làm tăng về số lượng và quy mô của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong các thập niên tiếp theo.

Sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân ở các nước trên thế giới nói chung cũng có tác dụng bảo vệ thành quả của Cách mạng Tháng Mười ở nước Nga, là lực lượng chính trị quan trọng phản đối và ngăn cản sự can thiệp của các nước đế quốc phương Tây với nước Nga Xôviết và Liên Xô.

3. Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế từ sau 1945 tới kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975

Đây là thời kỳ QTCS đã chấm dứt hoạt động  (năm 1943), các đảng cộng sản và công nhân ở các nước hoạt động theo đường lối của riêng mình.

Bối cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ 2 khá thuận lợi cho các đảng cộng sản và phong trào công nhân ở các nước vì chủ nghĩa phát xít đã bị đánh bại, trong khi các nước TBCN châu Âu kiệt quệ do chiến tranh. Lời tiên đoán của Hồ Chí Minh và ĐCS Đông Dương vào tháng 5-1941 “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước XHCN thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước XHCN, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”(12) đã thành sự thật.

Tới cuối thập niên 40, ngoài Liên Xô với 15 nước cộng hòa thành viên, đã hình thành khối XHCN Đông Âu bao gồm 8 nước khác (Anbani, Ba Lan, Bungari, Hunggari, Nam Tư, Rumani, Cộng hòa Dân chủ Đức, Tiệp khắc).

Ở châu Á, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập do Đảng Cộng sản trung thành với tư tưởng của Mác, Lênin lãnh đạo. Bước vào thập niên 50, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên ra đời do Đảng Lao động Triều Tiên lãnh đạo. Chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam năm 1954 chấn động địa cầu dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới, từ đó nhiều nước thuộc địa và phụ thuộc đã giành được độc lập, nhiều nước hướng tới CNXH.

Hai thập niên tiếp theo là thời kỳ bối cảnh quốc tế vô cùng thuận lợi cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế khi Mỹ sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài 20 năm ở Việt Nam và thất bại vào năm 1975. Thập kỷ 60 và 70 là thời kỳ thế giới có số lượng các đảng cộng sản nhiều nhất. Nhiều tổ chức chính trị có vai trò lãnh đạo phong trào dân tộc ở các nước châu Mỹ Latinh, châu Phi cũng chuyển thành ĐCS, hoặc theo xu hướng cộng sản, có thiện cảm và quan hệ tốt với các ĐCS và các nước XHCN nói chung, với ĐCS Việt Nam nói riêng. Tại Cuộc gặp các đảng cộng sản và lao động quốc tế tổ chức ở Mátxcơva năm 1960 có 81 đảng tham dự. 

Ở các nước TBCN, phong trào đấu tranh của công nhân phát triển rầm rộ khiến chính phủ các nước phải điều chỉnh theo hướng có lợi cho công nhân, mở rộng dân chủ, bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn cho người lao động.

So với các đảng cộng sản, ảnh hưởng đối với phong trào công nhân của các đảng xã hội và dân chủ xã hội là thành viên của Quốc tế xã hội (Socialist International) ở các nước châu Âu, châu Mỹ suy giảm rõ rệt. Nhiều tổ chức công đoàn chịu ảnh hưởng của các đảng cộng sản đã tổ chức nhiều phong trào bãi công, biểu tình của công nhân và người lao động, ví dụ ở Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc trong những năm 70.

Tiếc rằng trong bối cảnh thuận lợi như vậy, từ đầu thập kỷ 60, phong trào cộng sản thế giới bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt, nghiêm trọng nhất là giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và ĐCS Trung Quốc. Điều này đã được Hồ Chí Minh viết trong Di chúc năm 1969: “Về phong trào cộng sản thế giới - Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”(13).

Tới cuối thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có dấu hiệu đi xuống. Ở Liên Xô và các nước XHCN có biểu hiện trì trệ và khủng hoảng kinh tế - xã hội và kết cục là sự sụp đổ của khối XHCN Đông Âu mà sự kiện tháng 8-1991 ở Liên Xô là dấu chấm hết. Đây là một sự thất bại to lớn, là bước thụt lùi không thể tưởng tượng của CNXH, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Sau sự kiện này, nhiều đảng cộng sản, trong đó có những đảng lớn đã giải tán hay thay đổi tên gọi, trở lại với tên gọi trước kia, ví dụ Đảng Công nhân thống nhất cầm quyền ở CHDC Đức đổi tên thành Đảng Dân chủ của CNXH. Những đảng còn giữ tên cộng sản thì số lượng đảng viên sụt giảm nghiêm trọng (Đảng Cộng sản Liên bang Nga vào thời điểm 2015 chỉ còn 570 nghìn đảng viên). Hình ảnh và uy tín của các đảng cộng sản trong phong trào công nhân trên thế giới xuống rất thấp. Từ thập niên 90 cho đến nay hầu như không có phong trào công nhân đáng kể nào dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản diễn ra trên thế giới.

Nguyên nhân của sự thất bại của phong trào cộng sản cuối thế kỷ XX có nhiều, song chủ yếu do chính các đảng cộng sản cầm quyền, trước hết là Đảng Cộng sản Liên Xô.

Từ thời điểm Liên Xô sụp đổ, hơn 3 thập kỷ đã trôi qua, phong trào cộng sản thế giới vẫn còn, hình ảnh và dư âm của Cách mạng Tháng Mười vẫn còn. Bằng chứng là từ 1998 đến nay đã diễn ra 18 lần gặp gỡ hằng năm của các đảng cộng sản và công nhân các nước trên thế giới. Ở những nước Đảng Cộng sản tiếp tục cầm quyền, Đảng đang nỗ lực lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng XHCN.

Song nhìn tổng thể, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vẫn chưa khôi phục được vị thế, vai trò như trước kia. Do vậy, việc nhìn nhận, phân tích một cách thẳng thắn, khách quan, khoa học những nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự thất bại của phong trào cộng sản thế giới là rất cần thiết. Chỉ có như thế thì mới khôi phục và phát triển phong trào lên một trình độ mới trong tương lại.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập, t.19. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37; Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978.

(3), (5), (9) En.Wikipedia. Comintern.

(4) Degra.Jane.T.Communist International.
Documents; online vol 11919-22.

(6) En.Wikipedia. Communist International.

(7), (10) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia.

(8) En.Wikipedia.Communist parties.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.280.

(12) Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,  2000, tr.100.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.499.

 

PGS, TS Vũ Hoàng Công

Tạp chí Lý luận chính trị,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền