Trang chủ    Bài nổi bật    Luận điểm của V.I.Lênin về quá độ lên chủ nghĩa xã hội và sự phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam
Thứ tư, 28 Tháng 3 2018 10:01
7063 Lượt xem

Luận điểm của V.I.Lênin về quá độ lên chủ nghĩa xã hội và sự phát triển sáng tạo trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam

(LLCT) - V.I Lênin cho rằng, trong thời kỳ quá độ lên CNXH tồn tại đan xen và cùng phát triển các thành phần kinh tế; thời kỳ quá độ rất dài và trải qua những chặng đường, bước đi cụ thể; phải biết áp dụng những thành tựu của khoa học hiện đại và học tập kinh nghiệm quản lý của CNTB để tạo ra năng suất lao động cao. Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin, Đảng ta xác định, quá độ lên CNXH ở Việt Nam sẽ phải trải qua một thời kỳ dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen. Do vậy, Đảng ta đã tập trung xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều thành phần kinh tế...

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi (1917), mặc dù phải chống lại sự phá hoại của các thế lực phản động trong nước và chiến tranh can thiệp của chủ nghĩa đế quốc, V.I.Lênin đã xác định rõ nước Nga Xô viết bước vào thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNXH.

Quan điểm lý luận về quá độ lên CNXH mà V.I.Lênin nêu ra dựa trên cơ sở phát triển học thuyết của C.Mác và căn cứ vào đặc điểm, hoàn cảnh kinh tế, xã hội, chính trị của nước Nga khi đó. Trong tác phẩm Phê phán Cương lĩnh Gô-Ta (5-1875), C.Mác cho rằng: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”(1). C.Mác đề cập tới quá độ chính trị. Phát triển tư tưởng đó, năm 1915, trong tác phẩm Bàn về khẩu hiệu liên bang châu Âu, V.I.Lênin nhấn mạnh: “người ta không thể coi cách mạng xã hội chủ nghĩa là một công việc làm một lần là xong mà phải coi đó là một thời đại chấn động vũ bão về chính trị và kinh tế”(2).

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, cùng với củng cố sức mạnh của Nhà nước Xô viết, V.I.Lênin đặc biệt chú trọng những vấn đề kinh tế, xã hội, sự phát triển khoa học, kỹ thuật trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Nhiều tác phẩm quan trọng của ông đã đề cập những vấn đề đó như: Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô-viết (4-1918), Về bệnh ấu trĩ “tả khuynh” và tính tiểu tư sản (5-1918), Bàn về thuế lương thực (4-1921) và những tác phẩm đề cập chính sách kinh tế mới.

Sau khi Đảng Cộng sản nắm chính quyền, vấn đề đặt ra bức thiết là sử dụng bộ máy chính quyền nhà nước để quản lý đất nước, có chính sách kinh tế thích hợp để xây dựng thành công CNXH. Rõ ràng là đặc trưng đầu tiên của thời kỳ quá độ là xây dựng và phát huy vai trò của chính quyền nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo. V.I.Lênin nhấn mạnh: “Hiện nay chính quyền đã giành được, đang được giữ vững và củng cố trong tay một đảng, đảng của giai cấp vô sản, thậm chí không còn có những người bạn đường không chắc chắn nữa. Hiện nay, khi không có và thậm chí không thể nói đến chuyện chia sẻ chính quyền”(3). Sau khi phải quản lý đất nước, Nhà nước Xô viết tập trung thực hiện những nhiệm vụ kinh tế của công cuộc xây dựng CNXH; xây dựng và phát triển nền kinh tế XHCN.

V.I.Lênin cho rằng, “Có lẽ, không một người nào khi nghiên cứu vấn đề kinh tế của nước Nga lại phủ nhận tính chất quá độ của nền kinh tế ấy. Có lẽ cũng không người cộng sản nào lại phủ nhận điểm sau đây: danh từ nước Cộng hòa Xôviết xã hội chủ nghĩa có nghĩa là Chính quyền Xôviết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới là chế độ xã hội chủ nghĩa.

Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng thừa nhận là có”(4).

Đặc trưng rất quan trọng của thời kỳ quá độ là sự tồn tại đan xen của các thành phần kinh tế và cùng phát triển trong suốt thời kỳ quá độ. V.I.Lênin xác định ở nước Nga khi đó (1918) có 5 thành phần kinh tế: kinh tế nông dân kiểu gia trưởng, nghĩa là một phần lớn có tính chất tự nhiên; sản xuất hàng hóa nhỏ (trong đó bao gồm đại đa số nông dân bán lúa mì); chủ nghĩa tư bản tư nhân; chủ nghĩa tư bản nhà nước; chủ nghĩa xã hội.

Để bảo đảm thắng lợi của CNXH, nhất thiết trong thời kỳ quá độ phải biết áp dụng những thành tựu kỹ thuật dựa trên những phát minh mới nhất của khoa học hiện đại và học tập cách quản lý của chủ nghĩa tư bản để tạo ra năng suất lao động cao. Đó là một đặc trưng quan trọng của thời kỳ quá độ.

“Chỉ có những người nào hiểu rằng không học tập những kẻ tổ chức ra tơ-rớt thì không thể tạo ra hoặc thực hiện chủ nghĩa xã hội, chỉ những người đó mới đáng gọi là người cộng sản. Bởi vì chủ nghĩa xã hội đâu phải là điều bịa ra, mà nó là kết quả của việc đội tiền phong của giai cấp vô sản, sau khi cướp được chính quyền, nắm lấy và vận dụng những cái mà các tơ-rớt đã tạo ra. Đảng vô sản chúng ta sẽ không lấy được ở đâu ra cái năng lực tổ chức nền sản xuất cực kỳ lớn theo kiểu tơ-rớt và như tơ-rớt, nếu không lấy năng lực đó ở các chuyên gia hạng nhất của chủ nghĩa tư bản”(5). Rõ ràng trong thời kỳ quá độ, cần thiết phải kế thừa, tiếp thu những thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm tổ chức quản lý được tạo ra trong thời kỳ CNTB phát triển.

Một đặc trưng quan trọng khác của thời kỳ quá độ mà V.I.Lênin xác định là độ dài về thời gian, nghĩa là thời kỳ quá độ rất dài và phải trải qua những chặng đường, bước đi cụ thể. Trong tác phẩm Bàn về thuế lương thực viết năm 1921, V.I.Lênin cho rằng thời hạn của thời kỳ quá độ là dài hơn so với những giả định đề ra năm 1918. Năm 1920, V.I.Lênin đã nhấn mạnh:

“Trong trường hợp tốt nhất thì bước quá độ cũng chiếm mất nhiều năm. Suốt cả thời kỳ đó, trong chính sách của chúng ta, lại chia ra thành nhiều bước quá độ nhỏ hơn nữa. Và tất cả cái khó khăn của nhiệm vụ chúng ta phải làm, tất cả cái khó khăn của chính sách và tất cả sự khéo léo của chính sách là ở chỗ biết tính đến những nhiệm vụ đặc thù của từng bước quá độ đó”(6).

Những luận điểm trên đây của V.I.Lênin về thời kỳ quá độ lên CNXH là cơ bản, toàn diện, có cơ sở khoa học và thực tiễn. Các vấn đề đó còn được Người cụ thể hóa và trình bày sâu sắc khi bàn về những chính sách, chủ trương cụ thể. Những luận điểm đó làm rõ con đường, quy luật đi lên CNXH mà các Đảng Cộng sản cầm quyền cần vận dụng và phát triển sáng tạo. Các nước XHCN trước đây, trong chính sách phát triển có những thành công nhất định, đồng thời cũng đã chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc những vấn đề lý luận và thực tiễn của thời kỳ quá độ mà V.I.Lênin đã tổng kết. Đã cải tạo, xóa bỏ các thành phần kinh tế khác, chỉ phát triển thành phần XHCN với hình thức kinh tế quốc doanh và tập thể, công hữu hóa tư liệu sản xuất, không chấp nhận kinh tế tư nhân, sở hữu tư nhân, chú trọng kế hoạch hóa tập trung trong tay nhà nước, quản lý hành chính, không quan tâm phát triển kinh tế thị trường, thực hiện chế độ phân phối bình quân, bao cấp. Những chính sách đó đã hạn chế các động lực của sự phát triển dẫn đến sự khủng hoảng trầm trọng và toàn diện ở các nước XHCN. Cải cách, cải tổ, đổi mới là tất yếu để phát triển. Công cuộc cải tổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã không thành công, cùng với những sai lầm về tư tưởng, lý luận và chính trị đã dẫn tới sụp đổ chế độ XHCN ở các nước đó. Đó là tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới “nhưng một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển”(7).

Công cuộc đổi mới đất nước chính thức bắt đầu từ Đại hội VI (12-1986). Nói chính thức bởi vì 7 năm trước đó khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng (1979), chiến tranh bảo vệ Tổ quốc diễn ra ác liệt ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế với Campuchia, nước ta bị bao vây cấm vận, phá hoại của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, Việt Nam đã khởi động đi tìm con đường đổi mới với Nghị quyết Trung ương 6 khóa IV (8-1979). Đổi mới đã đi từ khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn từ các mô hình, cách thức cụ thể từ địa phương, cơ sở kết hợp với đổi mới tư duy lý luận, nhận thức rõ các quy luật, đặc trưng của thời kỳ quá độ làm luận cứ khoa học cho đường lối đổi mới. Đại hội VI của Đảng đã nhấn mạnh bài học quan trọng: “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”(8).

Nhiều quy luật và đặc trưng của thời kỳ quá độ được nhận thức lại cho đúng với bản chất, sự vận động phát triển và ảnh hưởng của nó, nhất là quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật kết hợp kế hoạch với thị trường, về động lực của sự phát triển, trong đó có cách thức quản lý và lợi ích kinh tế... Đại hội VI quyết định chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế, bao gồm: kinh tế XHCN (quốc doanh, tập thể); kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những chính sách đó là “xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”(9).

Quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước đã chuyển đổi thành công từ nền kinh tế kế hoạch hóa, quản lý hành chính, bao cấp, nền kinh tế hiện vật, khép kín sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN. Đó là sự đổi mới quan trọng tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đưa Việt Nam không những ra khỏi khủng hoảng mà còn vượt qua ngưỡng một nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình (2008).

Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng (1-2016) tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã; khuyến khích các loại hình doanh nghiệp với sở hữu hỗn hợp, nhất là các doanh nghiệp cổ phần; phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Năm thành phần kinh tế đó bình đẳng trước pháp luật. Đại hội XII của Đảng đã có sự phát triển rất cơ bản và quan trọng về kinh tế thị trường ở Việt Nam: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”(10).

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (5-2017) đã ban hành những nghị quyết quan trọng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; về cơ cấu lại, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước; về phát triển kinh tế tư nhân. Cùng với đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những quyết sách quan trọng của Trung ương Đảng đã và đang làm rõ những vấn đề về mô hình, cơ cấu kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam.

Một thành công rất quan trọng của Việt Nam là đã kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Từ thành tựu đổi mới kinh tế tiến hành đổi mới chính trị một cách vững chắc, giữ vững ổn định chính trị để phát triển kinh tế. Xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống chính trị, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điểm phát triển mới là xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là Nhà nước đại biểu cho quyền làm chủ của nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mọi mối quan hệ trong đời sống xã hội được điều chỉnh bởi Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Hiến pháp và pháp luật được bảo đảm và tôn trọng, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhà nước kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, thực hiện và tôn trọng luật pháp quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị”(11). Hoàn thiện thể chế, chức năng, nhiệm vụ, phương thức và cơ chế vận hành, hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức.

Quá độ đi lên CNXH cần phải giải quyết ngày càng tốt hơn các vấn đề xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội vì cuộc sống của nhân dân. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Việt Nam đã hoàn thành hầu hết và cơ bản các mục tiêu Thiên niên kỷ. Đặc biệt là đã thực hiện tốt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là vấn đề lớn của đổi mới và quá độ lên CNXH. Đại hội XII nhấn mạnh: “Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; có các giải pháp quản lý hiệu quả để giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, những mâu thuẫn có thể dẫn tới xung đột xã hội. Trong xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, khắc phục xu hướng gia tăng phân hóa giàu - nghèo, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững”(12).

Khắc phục từng bước sự mất cân đối về phát triển đối với từng lĩnh vực, từng vùng, bảo đảm sự hài hòa cả trong phát triển, hưởng thụ; bảo đảm cơ cấu giai tầng xã hội, dân cư, ngành nghề hợp lý. Đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người. Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân để người dân được hưởng thụ ngày một tốt hơn thành quả của đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Mọi người dân đều có cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.

Đổi mới, xây dựng CNXH cũng vì hòa bình bền vững của đất nước và hợp tác với các nước để cùng phát triển. Tư duy mới trong đối ngoại đã hướng Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 187 nước, quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đầy đủ với các cường quốc, tham gia có hiệu quả trong các tổ chức của Liên Hợp quốc. Thực tế cho thấy tính hiện thực của các quốc gia có chế độ chính trị, xã hội khác nhau cùng hợp tác và phát triển. Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh phương hướng đối ngoại: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(13).

Quá độ lên CNXH ở Việt Nam sẽ phải trải qua một thời kỳ dài “với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”. Việt Nam đã hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra cho chặng đường đầu tiên (1996), đang ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”. Cùng với mô hình 8 đặc trưng của xã hội XHCN, những vấn đề của thời kỳ quá độ đã và đang được thực hiện trong thực tiễn đã cho thấy nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.47.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr.444.  

(3), (4), (5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.377, 362, 382.

(6) V.I.Lênin: Toàn tập, t.40, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.119-120.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.68.

(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.363, 389-390.

(10), (11), (12), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.102-103, 175, 134-135, 153.

 

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền