Trang chủ    Bài nổi bật    Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế - Những vấn đề triết học cần nghiên cứu
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:20
1575 Lượt xem

Việt Nam đổi mới và hội nhập quốc tế - Những vấn đề triết học cần nghiên cứu

(LLCT) - Sau 30 năm đổi mới, nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, hướng tới phát triển bền vững và hiện đại hóa. Có thể xem, đây là cuộc đổi mới lần thứ hai với những quyết sách trọng đại của Đảng tại Đại hội XII. Có nhiều vấn đề lý luận đặt ra đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu, trước hết là những vấn đề triết học của kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội; trên cơ sở tổng kết thực tiễn đổi mới để làm rõ tính quy luật của đổi mới, của phát triển ở Việt Nam.

1. Sự cần thiết phải đẩy mạnh nghiên cứu triết học về đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam

Việt Nam tiến hành đổi mới từ giữa thập niên 80 thế kỷ XX đến nay đã 30 năm. Đại hội XII của Đảng (1-2016) đã tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn của chặng đường 30 năm, rút ra những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là xác định các mối quan hệ lớn có ý nghĩa là những quy luật và tính quy luật của đổi mới, xác định các động lực và các nhân tố tạo thành động lực của phát triển ở Việt Nam. Đây là những tổng kết thực tiễn được khái quát hóa thành lý luận mang tính triết học. Những bước tiến về lý luận và những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thực tiễn, nổi bật nhất là thực tiễn phát triển kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh vận động dân chủ hóa để xây dựng nền dân chủ, đổi mới hệ thống chính trị và phát triển lý luận về Đảng cầm quyền... đều bắt nguồn từ đổi mới tư duy, với sự mách bảo và hối thúc từ thực tiễn.

Ba mươi năm (1986 - 2016) với sức mạnh của giải phóngvà phát triển, giải phóng lực lượng sản xuất và ý thức tinh thần xã hội, nhờ đó phát triển kinh tế hàng hóa, áp dụng quy luật giá trị và cơ chế thị trường rồi phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường như hiện nay. Như một đòi hỏi tất yếu, đổi mới phải gắn liền với mở cửa và hội nhập, từ hội nhập kinh tế đến hội nhập quốc tế. Xu thế không thể đảo ngược của toàn cầu hóa đòi hỏi như vậy.

Phát triển chỉ thực hiện được thông qua đổi mới, cải cách, thông qua hội nhập quốc tế để tiếp biến, kế thừa từ truyền thống đến hiện đại, tiếp thu tinh hoa, nhất là tinh hoa văn hóa nhân loại ở mọi thời đại để phát triển. Theo đó, tiến trình đổi mới ở Việt Nam bao hàm cả nội dung lẫn ý nghĩa văn hóa.

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848) Mác - Ăngghen đã nêu lên mục đích tự thân của lịch sử: “Sự phát triển tự do và toàn diện của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do và toàn diện của tất cả mọi người”. Xét đến cùng, đây là hướng đích cao nhất của toàn bộ lịch sử với lô gích lịch sử - tự nhiên của nó.

Khởi đầu công cuộc kiến thiết chế độ mới sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 - cuộc cách mạng mà “Mười ngày rung chuyển thế giới” (Jon Rít), Lênin đã có một dự cảm sâu xa, rằng, càng đi vào xây dựng xã hội mới ta càng thấy rõ, sự thiếu thốn lớn nhất của những người xây dựng xã hội tương lai là thiếu thốn về văn hóa, nhất là văn hóa lãnh đạo, quản lý. Đề xướng NEP, Lênin đã nhìn nhận dự án cải cách này như một sự nghiệp sáng tạo văn hóa (1921).

Chín mươi năm trước, Nguyễn Ái Quốc, từ năm 1927, viết “Đường cách mệnh” đã xác định: cách mệnh là phá cái cũ, đổi ra cái mới”. Lẽ dĩ nhiên là phá cái cũ kỹ, lạc hậu, quá thời để xây dựng cái mới tốt đẹp, tiến bộ và phát triển.

Mệnh đề ngắn gọn, giản dị đó không một chút nào hàn lâm bác học nhưng lại xứng đáng xếp vào hàng kinh điển. Đủ thấy, tư duy lý luận quan trọng biết nhường nào đối với phát triển, cũng do đó, đổi mới tư duy, hình thành nhận thức lý luận mớivà tìm tòi đột phá lý luận mớiđể phát triển đã nâng đổi mới lên tầm vóc một cuộc cách mạng. Nếu phát triển cần phải đổi mới thì đổi mới chỉ phát triển được nhờ sức bật của đổi mới tư duy, nhờ sự soi đường của lý luận, đây là năng lực sáng tạo của các chủ thể đổi mới.

Đổi mới ở Việt Nam qua chặng đường 30 năm đã nuôi dưỡng sự sáng tạo và cũng nhờ có sáng tạo mới có đổi mới và phát triển. Các tương tác này giữa đối tượng của chủ thểvà chủ thể cho đối tượnglà một tương tác biện chứng giữa hoàn cảnh và con người, giữa đối tượng với chủ thể, giữa bản thể và bản thể luận với chủ thể nhận thức bản thể và nhận thức luận.

Triết lý của đổi mới hình thành từ thực tiễn đổi mới, đó là: Đổi mới - Giải phóng - Sáng tạo - Phát triển.

Thực hiện triết lý này, Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề lạm phát và khủng hoảng sau 10 năm đầu đổi mới (1986 - 1996). Lại 10 năm tiếp theo (1996 - 2006), Việt Nam phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh CNH, HĐH nhờ đó đã ra khỏi tình trạng lạc hậu, kém phát triển, trở thành nước phát triển trung bình, dù là trung bình thấp. Đến giai đoạn 10 năm gần đây, 2006 - 2016, thực tiễn đòi hỏi chúng ta, trong khi phát triển kinh tế thị trường và chủ động hội nhập quốc tế phải hết sức chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm tính đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trở thành vấn đề hệ trọng và hết sức bức xúc khi những xung đột, tranh chấp lãnh thổ đang dần nóng lên ở biển Đông. Những suy đồi về đạo đức và sự xuống cấp của văn hóa trước những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, những hệ luỵ xã hội gay gắt của nó đòi hỏi phải tăng cường nội lực và nội sinh của phát triển từ văn hóa.Phát triển phải luôn phòng tránh các phản phát triển và phải lựa chọn mô hìnhphát triển bền vữngdựa trên sự hài hoà kinh tế - xã hội và môi trường. Những nảy sinh như thế từ thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy quyết liệt hơn nữa.

Cần nhận rõ những điểm nghẽncủa phát triển để xác địnhnhững đột phá tương ứng, vượt qua các điểm nghẽn về thể chế kinh tế thị trường, về hạ tầng kỹ thuật - công nghệ và chất lượng thấp về nguồn nhân lực.

Sau 30 năm đổi mới, đất nước bước vàothời kỳ phát triển mớitrước hoàn cảnh mới và những điều kiện mới. Có thể ví, thời kỳ phát triển mới của đất nước mà Đảng ta xác định tại Đại hội XII như công cuộc đổi mới lần thứ hai, thời kỳ kiến tạo phát triển. Nhận thức này thấm vào hoạt động của các chủ thể từ tổ chức tới con người, trong toàn Đảng toàn dân. Đảng phải nêu cao quyết tâm và bản lĩnh chính trị để ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quyết tâm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, đặc biệt chú trọngxây dựng Đảng về đạo đức, nói rộng ra là văn hóa, nhất là văn hóa chính trị của Đảng cầm quyền.

Nhà nước phải quyết liệt trong chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy công quyền và phải tinh gọn bộ máy, chú trọng hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ công chức.

Xã hội phải thực hành dân chủ, nhân dân phải tham gia vào giám sát và kiểm soát quyền lực. Chính phủ kiến tạo, Quốc hội tranh luận, nhân dân - qua các đại biểu của mình - phải nêu cao tinh thần phản biện, giám sát xã hội. Rõ ràng, đổi mới càng đi vào chiều sâu, càng đặt ra rất nhiều tình huống phát triển phải giải quyết. Thực tiễn ấy dường như ấp ủ, thai nghén bao nhiêu vấn đề triết học cần phải nghiên cứu, đó cũng là cơ hội và môi trường cho sự phát triển tư duy triết học, nuôi dưỡng và phát triển các năng lực sáng tạo.

2. Những vấn đề triết học của đổi mới - hội nhập để phát triển ở Việt Nam

Thứ nhất, lý luận đổi mới, lý luận phát triển và lý luận chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Có thể xem đây là vấn đề lý luận triết học tổng quát, liên quan đến nội dung toàn diện của đổi mới và phát triển, của CNXH Việt Nam - một CNXH hiện thực mới sinh thành trong thực tiễn đổi mới, thể hiện những đặc trưng nổi bật vừa phổ biến vừa đặc thù, lại vừa là tính đơn nhất của Việt Nam. Đó sẽ là CNXH thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc, tính nhân dânvà xu thế phát triển của thế giới đương đạitrong thời đại quá độ, chuyển tiếp từ CNTB lên CNXH.

Đổi mới của Việt Nam là một quá trình cải biến cách mạng sâu sắc và triệt để, mang tầm vóc một cuộc cách mạng. Đó là cách mạng phát triển, bao hàm trong nó cả những cải cách kinh tế - xã hội, đồng thời cả những cải cách chính trị, từ ý thức hệ đến thể chế, thiết chế và chính sách. Lý luận đổi mới được làm sáng tỏ sẽ góp phần đem lại câu trả lời cho những câu hỏi lớn: CNXH Việt Nam là gì? Xây dựng CNXH như thế nào khi Việt Nam thuộc loại hình “phát triển rút ngắn” và “quá độ gián tiếp” (do bỏ qua chế độ TBCN) để thực sự định hướng và định hìnhCNXH Việt Nam. Đổi mới của Việt Nam vừa phải đón kịp thời cơ vừa phải chủ động vượt qua những thách thức và nguy cơ.

Thời cơ, cơ hội, vận hội lớn để phát triển phải tận dụng; thách thức, nguy cơ cũng rất lớn, thậm chí nghiệt ngã, phải chủ động đề phòng và vượt qua.

Triết học của đổi mới đòi hỏi phải làm rõ biện chứng giữa thời cơ với thách thức trong phát triển của Việt Nam. Cái “cơ may ngàn vàng” của thời cơ phải chủ động khai thác trên tinh thần toàn dụng, hữu dụng mọi nguồn lực để phát triển. Nếu tận dụng có hiệu quả thời cơ khi đón kịp thời cơ thì thách thức, nguy cơ sẽ giảm đi và vượt qua được. Nếu thời cơ bị bỏ lỡ thì thách thức sẽ tăng lên, thậm chí gay gắt hơn. Vượt qua được thách thức, nguy cơ thì lại xuất hiện thời cơ mới, tạo thêm xung lực cho đổi mới để phát triển. Đây chính là sự vận động của nội lực và khai thác các ngoại lực để đẩy nhanh sự phát triển, rõ nhất là tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đổi mới của Việt Nam là một quá trình, một tiến trình lâu dài, với lực đẩy khởi động là đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ để thay đổi cách làm, xác lập quan niệm, nhận thức mới để kiến tạo mô hình phát triển mới.

Đổi mới vừa phải thanh toán những tàn tích lạc hậu còn sót lại, trong đó không kém phần nan giải là tâm lý, ý thức, thói quen và tập quán lạc hậu vốn tồn tại và bám rễ dai dẳng trong đời sống xã hội với kinh tế nông nghiệp phân tán, sản xuất nhỏ, với kết cấu xã hội cổ truyền và những di tồn của các quan hệ đẳng cấp gia trưởng phong kiến còn rất nặng nề trong lối sống, trong ứng xử và cả trong đánh giá con người, các quan hệ con người.

Vượt qua những rào cản cả hữu hình lẫn vô hình của tư duy kinh nghiệm, chủ nghĩa kinh nghiệm, bệnh phô trương hình thức, giáo điều, “thói coi khinh lý luận”, “bệnh chủ quan” và “bệnh hẹp hòi”(1) như Hồ Chí Minh đã từng phê phán, cả tâm lý cục bộ, phường hội, chủ nghĩa địa phương, óc bè phái (nay là lợi ích nhóm) là cả một cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới với muôn vàn biểu hiện phức tạp. Có những cái cũ đã thực sự lỗi thời nhưng vì đã quá quen nên người ta vẫn coi là thường. Có những cái mới thực sự tiến bộ và cách mạng nhưng vì nó còn quá lạ lẫm, người ta vẫn coi là xấu và chống lại(2). Mác đã từng nhấn mạnh, cách mạng lấy cảm hứng từ tương lai và để tiến lên, phải biết giã từ quá khứ (những quá khứ lạc hậu), vượt qua những cái đã là những hiện tượng trái mùa của lịch sử.Trong đổi mới, chỉ riêng lĩnh vực tư duy, nhận thức, chúng ta đã từng chứng kiến một tình trạng, mâu thuẫn và nghịch lý: Giáo điều cũ chưa khắc phục hết thì lại tập nhiễm phải những giáo điều mới.

Không phát hiện sớm và xử lý đúng tình trạng này thì không thể có sự khởi sắc về lý luận mà không có sự đột phá từ lý luận thì cũng không thể có những bước tiến căn bản trong hoạt động thực tiễn.

Đủ hiểu vì sao, đổi mới đã đi qua chặng đường 30 năm mà vấn đề đổi mới tư duy vẫn đặt ra với tất cả tính thời sự, bức xúc của nó. Để phát triển bền vững và hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xuất hiện (4.0), cần thiết tất yếu phải cách mạng hóa tư duy, phải thực sự có một cuộc cách mạng trên lĩnh vực này, xây dựng tư duy khoa học, tư duy sáng tạo, phong cách khoa học để khoa học hóa sự lãnh đạo, quản lý và cầm quyền của các chủ thể được dân uỷ quyền, trước hết đối với Đảng cầm quyền(3).

Đổi mới càng đi vào chiều sâu càng đòi hỏi phải tăng cường tiềm lực tư tưởng trí tuệ của Đảng, càng khách quan hóa tầm quan trọng và vai trò của lý luận khoa học và cách mạng. Kinh nghiệm và thực tiễn đã cho thấy, trước những vấn đề phức tạp mà thực tiễn đặt ra cần phải giải quyết để thúc đẩy đổi mới đúng hướngvà phát triển thực chất, bền vững, không rơi vào nghịch lý phản phát triểnthì trước hết không phải đi tìm những giải pháp thực tiễn trực tiếp mà trái lại,lời giải lại phải bắt đầu từ lý luận, câu trả lời lại nằm sâu ở tầng lý luận,có thể đem lại sự hiểu biết thực chất, bản chất của những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với vô số hiện tượng và tình huốngcủa những hiện tượng. Ăngghen từng nhấn mạnh, “hãy gọi tên sự vật đúng như bản thân nó”. Hêghen cũng từng nói: cái bản chất hiện ra, ánh lênqua các hiện tượng. Và, chỗ sâu sắc, tinh tế của Mác là ở lời chỉ dẫn, phải phân biệt rõ những hiện tượng đích thực phản ánh bản chất với những “giả tượng”, những hiện tượng giả xuyên tạc, đánh lừa bản chất. Rằng, nếu hiện tượng luôn trùng khít với bản chất thì mọi khoa học trở nên thừa, không cần thiết nữa.

Đổi mới của Việt Nam có hàm nghĩa của cải tổ (Liên Xô, Đông Âu), của cải cách (Trung Quốc) nhưng lại có nội dung,cóđặc điểm, cónhững hình thái biểu hiệnđồng thời có những tính quy luậtriêng của bản thân nó cần phải được nhận thức, cả lịch sử lẫn lô gích. Nghiên cứu triết học về đổi mới, về phát triển và về CNXH Việt Nam sẽ là một phức hợp, nghiên cứu chuyên sâu và liên ngành để làm rõbản thể và chủ thể của đổi mới, tính tương đối và tuyệt đối của đổi mới, tính liên kết, phối hợp các chiều hướng của đổi mới(đổi mới từ dưới lên với đổi mới từ trên xuống) mà chúng ta gọi đổi mới là sự kết hợp giữa lòng dân, ý Đảng với phép nước, tính đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, tính điều kiện của đổi mới(ổn định là tiền đề nhưng phải là ổn định tích cực, trên cơ sở phát triển kinh tế để cải thiện dân sinh, tạo được đồng thuận xã hội nhờ phát huy dân chủ và đại đoàn kết). Ở đây có mối quan hệ tương tác: Ổn định là tiền đề, điều kiện; đổi mới là phương thức, con đường và phát triển là mục đích. Đổi mới của Việt Nam vận động và phát triển thông qua các mối quan hệ lớn, đó là những mối quan hệ nằm trong tất cả các bình diện đổi mới, xây dựng, kiến tạo phát triển, quy tụ lại là kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa và môi trường(đây là năm chiều cạnh trong phức hợp của phát triển bền vững mà Việt Nam cần phải xử lý, trong khi mô hình phát triển bền vững mà quốc tế xác định là tam giác kinh tế - xã hội - môi trường). Với Việt Nam, vấn đề chính trị, đặc biệt là thể chế dân chủ - pháp quyền trong điều kiện chính trị nhất nguyên và một Đảng cầm quyền có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa. Bảo đảm môi trường, cả môi trường sinh thái - tự nhiên và môi trường xã hội - nhân văn trong phát triển hài hòa bền vững là một nhân tố rất căn bản để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Do đó, để phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường, kể cả phát triển kinh tế tư nhân phải giải quyết mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng với chất lượng tăng trưởng, hướng vào tiến bộ và công bằng xã hội với vai trò của Nhà nước tác động vào thị trường và doanh nghiệp. Cải cách thể thế chính trị và đổi mới hệ thống chính trị nhằm xây dựng và phát triển dân chủ với một nhà nước pháp quyền mạnh, có thực lực và hiệu lực trong quản lý, tăng cường giám sát và kiểm soát quyền lực từ nhân dân và xã hội.

Giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng một cơ cấu xã hội phù hợp với cơ cấu kinh tế đang biến đổi, xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh trên cơ sở dân giàu, nước mạnh, tất yếu phải nâng cao mức sống và chất lượng sống dân cư, thúc đẩy xu hướng trung lưu hóa xã hội, khuyến khích làm giàu và sự giàu có hợp pháp với nòng cốt là tầng lớp trung lưu. Các phương diện, lĩnh vực đó đều hợp thành sức mạnh nội sinh cho phát triển. Sức mạnh ấy, xét đến cùng là văn hóa với các đặc trưng giá trị: dân tộc - nhân văn - dân chủ và khoa học.

Đó thực sự là những vấn đề triết học phải nghiên cứu tạo dựng cơ sở lý luận cho CNXH Việt Nam và xây dựng CNXH ở Việt Nam - một CNXH hiện thực mới, có sức sống và triển vọng bởi nó sẽ đáp ứng các yêu cầuđúng quy luật, thuận lòng dânvà hợp thời đại.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: xây dựng CNXH ở Việt Nam là xây dựng một xã hội văn hóa cao, dân tộc Việt Nam phải trở thành một dân tộc thông thái. Muốn xây dựng CNXH trước hết phải chú trọnggiải phóng sức dân, phát triển sức dân, chăm lo bồi dưỡng sức dânlại phải biết tiết kiệm sức dânvà không làm điều gì trái ý dân...

Những chỉ dẫn tư tưởngvà phương phápđó của Hồ Chí Minh thực sự là những gợi mở sâu sắc cho những nghiên cứu triết học phát triển của Việt Nam đương đại.

Thứ hai, lý luận con người và nhân cách, lý luận về phát triển cá nhân trong sự phát triển hài hoà với cộng đồng xã hội.

Con người với tư cách là một cá nhân, cá thể, một cái TÔI bản ngã, một chủ thể mang nhân cách trong tương quan với cái TA, cái CHÚNG TA của sự phát triển xã hội rất cần được nghiên cứu về mặt triết học.

J. Rút Xô, nhà khai sáng vĩ đại Pháp, đã nêu một nhận xét, con người đã từng tích luỹ và làm chủ được bao nhiêu tri thức về tự nhiên và xã hội, song có một loại tri thức cần thiết nhất, cần phải am hiểu thấu đáo thì con người lại tỏ ra kém cỏi nhất, đó là tri thức về chính mình.

Nhân cách xét trên ý nghĩa giá trị và sự trưởng thành văn hóa của từng cá nhân rất gần với giá trị và ý nghĩa văn hóa Chân - Thiện - Mỹ. Nhân cách trên phương diện cấu trúc, nổi lên hai thước đo năng lực và phẩm chất. Nhân cách cá nhân và nhân cách xã hội không chỉ thống nhất mà còn khác biệt và mâu thuẫn. Rõ nhất là vấn đề lợi ích và nhu cầu, là lựa chọn và thực hiện các định hướng giá trị. Vì sao phải chống chủ nghĩa cá nhân nhưng lại không được xem thường và phủ nhận cá nhân? Chống chủ nghĩa cá nhân theo ý nghĩa tích cực và lành mạnh của nó đòi hỏi phải coi trọng xây dựng, phát triển cá nhân như một cá thể tự do, một chủ thể sáng tạo để hoàn thiện nhân cách.  Vì sao chống chủ nghĩa cá nhân lạiphải đặc biệt chú trọng nghiên cứu cá nhân luận(4), học thuyết triết học về phát triển cá nhân, nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển các cá tính sáng tạo, tạo lập môi trường tự do và dân chủ, công bằng và bình đẳng cho mỗi cái tôi cá thểđược bộc lộ tài năng, được hoàn thiện các phẩm chất nhân cách? Đó thực sự là những nghiên cứu cơ bản về con người, ở đây là con người Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập.

Hoàn cảnh mới, yêu cầu mới đòi hỏi những năng lực và phẩm chất mới của con người, những mẫu nhân cách mới. Những khác biệt, thậm chí mâu thuẫn về giá trị, lựa chọn giá trị và định hướng lối sống, hành vi và hoạt động ở những con người thuộc các thế hệ khác nhau đang cùng làm việc, cùng chung sống liệu có dẫn tới những xung đột thế hệ, bắt nguồn từ xung đột giá trị hay không?

Triết học về con người và nhân cách, triết học về cá nhân và xã hội cần phải đem lại những lý giải sâu sắc, bởi nó vô cùng cần thiết đối với giáo dục, từ gia đình đến nhà trường và xã hội, đối với lối sống, nói rộng hơn là xây dựng đời sống văn hóa tinh thần.

Có một tình huống đặt ra, cũng có thể xem là mâu thuẫn và nghịch lý. Trong khi chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, kể cả chủ nghĩa cá nhân cực đoan với vô số những biểu hiện vụ lợi, vị kỷ, thực dụng, tôn thờ tiện nghi vật chất và sự hưởng thụ, sự phát triển đến mức bệnh hoạn những tệ nạn, tiêu cực, những suy đồi đạo đức, sự đánh mất nhân tính, thói nhẫn tâm và sự vô cảm... thìsự phát triển cá nhân đúng hướng, lành mạnhlại vấp phải không ít khó khăn, lại phát triển chậm chạp và yếu ớt. Tại sao, như một tất yếu tự nhiên, ai cũng có khát vọng tự do và nhu cầu sáng tạo, ai cũng cần phải thể hiện và khẳng định “CÁI TÔI” - bản ngã của mình nhưng trong thực tế, người ta vẫn phải vay mượn, phải tựa vào “CÁI CHÚNG TA”, phải “núp” vào cái chúng ta để thể hiện cái tôi của chính mình? Như thế, trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân thực dụng, không thể không nói tới sự phát triển chậm chạp của cá nhânvà trong sự phát triển chậm chạp đó thì dường như không ít trường hợp, cái cá nhân chưa được khẳng định đã rơi vào những biến dạng lệch lạc.

Vay mượn cái chúng ta cốt chỉ để nói tới cái tôi cũng không nằm ngoài những biểu hiện lệch lạc đó. Đó cũng là “tự lệch lạc”, “tự biến hình”, “tự tha hoá” của cái cá nhân, của cái Tôi yếu ớt chưa trưởng thành.Đây là nói về sự trưởng thành của con người xã hội chứ không phải con người sinh học. Nhân cách quả thực là một sản phẩm đến muộn trong đời người.

Tại sao trong hoàn cảnh, môi trường xã hội còn tồn đọng của quá khứ cổ truyền, lạc hậu thì sự phát triển cá nhân lại rất khó khăn, trở ngại. Hạn chế này cần được nhận diện từ các quan hệ xã hộimà gốc rễ của nó là các quan hệ kinh tế, cùng với nó là các quan hệ xã hội trong chính trị và văn hóa. Tất cả đều dẫn tới một hệ quả chung: những hạn chế của sự phát triển dân chủmà dân chủ gắn liền với công bằng và bình đẳng xã hội.

Sự phát triển chậm chạp, yếu kém của cá nhân bị chế ước từ những phát triển chưa đầy đủ, chưa chín muồi của tự do, của sáng tạo.

Đổi mới với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, với xu thế phát triển của kinh tế tri thức, của thông tin và xã hội thông tin sẽ tạo ra cái cốt vật chấtđể phát triển dân chủ, tự do và sáng tạo. Đó cũng sẽ là môi trường xã hội - lịch sử và văn hóa để phát triển cá nhân, là lực đẩy cho sự ra đời mẫu nhân cách của con người cá nhân hiện đại. Đến trình độ đó, CÁI TÔI sẽ hiện diện trong quan hệ tích cực, chủ động, tự tin và tự trọng với CÁI CHÚNG TA như một sự phát triển hài hòa, nó tự khẳng định trong tư cách chủ thể sáng tạo, góp vào sự phát triển CÁI CHÚNG TA như một cộng đồng bền vững dựa trên nền tảng của những CÁI TÔI, phát triển từng cá nhân để phát triển xã hội. Một xã hội thịnh vượng, cởi mở, khoáng đạt về tư duy, phát triển dân chủ thực chất bởi sức mạnh của pháp quyền và nhà nước pháp quyền, tôn trọng và bảo vệ các quyền của công dân, của con người. Tiến trình đổi mới sẽ từng bước xây dựng một xã hội hiện đại như thế. Do đó, nghiên cứu cá nhân luậnvới tư cách là nghiên cứu triết học để phát triển cá nhân, để không đồng nhất việc chống chủ nghĩa cá nhân như chống một nhân sinh quan chối bỏ đạo đức và trách nhiệm xã hội, tôn thờ lối sống vụ lợi, vị kỷ, chống một biến thể lệch lạc về cá nhân với việc chăm lo phát triển cá nhân, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức công dân, nghĩa vụ, bổn phận và trách nhiệm xã hội, thực hành lối sống vị tha - nhân ái - khoan dungcho con người Việt Nam.

Thứ ba, nghiên cứu triết học văn hóa để phát triển lý luận văn hóa học, xây dựng văn hóa Việt Nam đủ sức mạnh nội sinh, là nguồn trữ năng tinh thần để phát triển bền vững và hiện đại hóa đất nước trong hội nhập quốc tế.

Dù thành tựu nghiên cứu lý luận về văn hóa đã đạt được trong 30 năm đổi mới vừa qua là không ít song vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm giải quyết từ những phân tích triết học. Nhiều vấn đề chưa được trả lời thấu triệt từ tiếp cận văn hóa đến cấu trúc văn hóa và các loại hình của nó, từ quan hệ giữa văn hóa với kinh tế và chính trị. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa với những luận điểm giàu ý nghĩa triết lý và lấp lánh tinh thần minh triếtrất cần được nghiên cứu và vận dụng, nhất là trong giáo dục và thực hành văn hóa: “Văn hóa không ở bên ngoài mà ở trong kinh tế và chính trị”. “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. “Phải dùng văn hóa để chữa thói phù hoa, xa xỉ”. “Chính trị nghĩ rộng cũng là văn hóa, văn hóa nghĩ sâu cũng là chính trị”. “Chính trị cốt ở đoàn kết và thanh khiết”. “Đảng là đạo đức, là văn minh”...

Phát triển luôn phải đối mặt với phản phát triển. Văn hóa cũng vậy, trong xây dựng văn hóa, mà cốt yếu là đạo đức - con người - nhân cách và lối sống, có không ít trường hợp và tình huống rơi vào phản văn hóa.

Trong xu hướng phát triển hiện nay, công nghiệp văn hóa đang được chú trọng, song chính trong lĩnh vực này, nếu giải quyết không đúng quan hệ văn hóa trong kinh tếvà kinh tế trong văn hóathì những hiện tượng phản văn hóa cũng có thể xảy ra.

Vai trò nội sinh của văn hóa và chức năng điều tiết xã hội của văn hóa là những vấn đề cần được đầu tư nghiên cứu về mặt lý thuyết. Hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh và sâu. Giao lưu, tiếp xúc, đối thoại giữa các nền văn hóa là con đường tất yếu phải đi qua để phát triển văn hóa và phát triển xã hội. Để giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong văn hóa và bản sắc văn hóa của dân tộc, thông qua tiếp biến để phát triển, để làm cho văn hóa thực sự là thống nhất trong đa dạng, thống nhất bởi những cái khác biệt, không đánh mất bản sắc dân tộc và bản sắc văn hóa của dân tộc trong hội nhập thì chỉ có tinh thần khoan dung văn hóa mới vượt qua được hạn chế và nguy cơ biến văn hóa thành đơn nhất và đơn điệu, kìm hãm sự phát triển và làm nghèo nàn văn hóa. Đó là những đòi hỏi mà nghiên cứu triết học văn hóa phải đáp ứng.

Đối với Đảng lãnh đạo và cầm quyền, vào lúc này, xây dựng Đảng không chỉ là chính trị - tư tưởng - tổ chức mà còn là xây dựng Đảng về đạo đức,là đưa văn hóa vào trong đời sống chính trị của Đảng, của Nhà nước và hệ thống chính trị, về thực chất là xây dựng Đảng về văn hóa. Đó là văn hóa đạo đức, văn hóa chính trị, văn hóa lãnh đạo, quản lý và cầm quyền. Trong quan hệ quốc tế càng phải chú trọng tầm nhìn, nhãn quan văn hóa. Để tạo lập và củng cố môi trường hòa bình cho phát triển, tận dụng xu thế lớn của thế giới là: hòa bình, hợp tác, phát triển đòi hỏi năng lực sáng tạo lớn, thực sự là bản lĩnh văn hóađể ứng xử, hành xử với các đối tác, đối tượng sao cho phù hợp nhất vì mục tiêu phát triển của Việt Nam đồng thuậnvới phát triển của thế giới.

Đó là những vấn đề lớn, nổi bật trong nghiên cứu triết học Việt Nam đương đại, trong đổi mới và hội nhập. Từ đây, có thể và cần phải đi sâu nghiên cứu các bình diện nằm trong hệ thống đã nêu trên.

Triết học và cả triết lý giáo dụclà một trong những bình diện đó và cần phải đầu tư nghiên cứu. Hơn nữa, trong sự bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin như hiện nay, giáo dục - đào tạo gắn liền với khoa học - công nghệ, chúng là một chỉnh thể không tách rời. Đào tạo nhân lực chất lượng cao đòi hỏi phải hiện đại hóa giáo dục - đào tạo và để phát triển khoa học - công nghệ phải đặc biệt chú trọng nhân tài. Những vườn ươm nhân tài khoa học - công nghệ chính là các nhà trường chất lượng cao, là nền giáo dục quốc dân đang đi sâu đổi mới căn bản, toàn diện và mạnh mẽ.

Cạnh tranh gay gắt, quyết liệt giữa các nước hiện nay, quyết định thành hay bại là ở chất lượng giáo dục. Triết học, triết lý giáo dục Việt Nam phải tạo ra lý luận và phương pháp cho việc chấn hưng giáo dục, mắt xích trọng yếu và đột phá để chấn hưng dân tộc. Trên lĩnh vực này, di sản giáo dục của ông cha ta để lại, nhất là đào tạo và sử dụng nhân tài để hưng quốc an dân là rất có giá trị. Đặc biệt là triết lý giáo dục Hồ Chí Minh với những tư tưởng sâu sắc và hiện đại cần phải được khai thác và vận dụng trong đổi mới giáo dục ở nước ta.

Mở rộng hướng nghiên cứu này, cần đặt trong tổng thể những nghiên cứu hệ thống về di sản Hồ Chí Minh với tư tưởng là cốt lõi, gắn liền tư tưởng với phương pháp, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Phải quan tâm đầu tư nghiên cứu phương pháp luận Hồ Chí Minh, tư duy biện chứng, tư duy phát triển của Hồ Chí minh với tư cách là tư duy triết học. Ở Hồ Chí Minh, trên tư cách triết gia, triết học của Người mang đặc trưng triết học vô ngôn, biện chứng Hồ Chí Minh là biện chứng thực hành. Người chẳng những có tư tưởng triết họcmà Người còn đặc sắc ở triết lý phát triển, triết lý nhân sinh và hành động. Người sáng lập ra chính thể Cộng hòa dân chủ và xây dựng chế độ, Người còn có chủ kiến, chủ thuyếtcủa mình, nhất là trong di sản để lại, Người còn có minh triết, thể hiện sự thông thái, uyên bác, lại có cả sự thông tuệ, mẫn tiệp của nhà hiền triết.

Đó là những chân giá trị Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu. Triển khai những hướng nghiên cứu đó sẽ góp phần phát triển lý luận, thúc đẩy hoạt động thực tiễn trong đổi mới ở nước ta.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017

 (1) Hồ Chí Minh: Sửa đổi lối làm việc,(X.Y.Z), 1947.

(2) Hồ Chí Minh: Đời sống mới,(Tân Sinh). Xem trong Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.15, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2011.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII,trong Báo cáo chính trị đã xác định: ...“nghiên cứu thực tiễn thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ (tr.203)... Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền, vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền, các nguy cơ phải phòng ngừa đối với Đảng cầm quyền”... (tr.217), Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.

(4) Xem: Alain Laurent, Lịch sử cá nhân luận, Nxb Thế giới,  Hà Nội, 1999.

 

GS, TS Hoàng Chí Bảo

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền