Trang chủ    Bài nổi bật    Các nguyên tắc quản lý xã hội và một số vấn đề đặt ra đối với quản lý xã hội ở Việt Nam
Thứ năm, 26 Tháng 4 2018 17:22
14425 Lượt xem

Các nguyên tắc quản lý xã hội và một số vấn đề đặt ra đối với quản lý xã hội ở Việt Nam

(LLCT) - Quản lý xã hội là vấn đề được quan tâm trên cả hai phương diện: nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn ở Việt Nam. Bên cạnh những kết quả bước đầu của hoạt động nghiên cứu và thực tiễn, quản lý xã hội ở nước ta đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Nghiên cứu quản lý xã hội ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra các định hướng vĩ mô; các cấp độ, đối tượng của hoạt động quản lý xã hội bị phân chia, tách rời, không được xem xét như một chỉnh thể; quản lý xã hội được nhìn nhận mang tính một chiều... Do đó, quản lý ở Việt Nam cần phải dựa trên các nguyên tắc, cấp độ và công cụ quản lý xã hội hiện đại.

1. Các nguyên tắc quản lý xã hội hiện đại

Để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý xã hội cần quán triệt thực hiện đồng bộ một số nguyên tắc sau:

Một là, thực hiện chuyên môn hóa trong quản lý xã hội, hình thức tinh giản, quản lý có chọn lọc các lĩnh vực của đời sống xã hội, phân cấp, trao quyền, xã hội hóa nhiều lĩnh vực quản lý và cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy dân chủ cơ sở nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quản lý và các dịch vụ hành chính công. Vai trò của Chính phủ và các cơ quan chính phủ chuyển từ “chèo thuyền” sang “lái thuyền”(1).

Hai là, thực hiện quản lý theo mô hình kiến tạo phát triển,quản lý “hành chính phát triển”, “kiến tạo phát triển” với trọng tâm là phục vụ nhân dân, có tính năng động cao, nhạy bén, thích nghi tốt với hoàn cảnh thay đổi, đáp ứng nhanh với nhu cầu của người dân và các đối tượng được quản lý, tạo điều kiện giúp họ tuân thủ pháp luật, kỷ cương, và quy định của nhà nước có liên quan(2) .

Ba là, quản lý xã hội dựa trên quyền lực xã hội và có sự điều chỉnh bởi thể chế chính thức và phi chính thức, trong đó các thể chế phi chính thức (của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng,...) đóng vai trò quan trọng(3).

Bốn là, đề cao sự tôn trọng lợi ích của cá nhân, các nhóm xã hội - đối tượng trực tiếp của quản lý xã hội. Đề cao sự vận động, thuyết phục, tạo điều kiện để người dân, tổ chức xã hội và doanh nghiệp làm theo pháp luật hơn là canh chừng sai phạm và áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Năm là,đề cao việc xây dựng tầm nhìn chiến lược quản lý xã hội rõ ràng. Chuyển từ hoạch định chính sách dựa trên ý chí chủ quan của đội ngũ lãnh đạo, quản lý sang hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. Đặc biệt, cần có sự tham gia của các chủ thể có lợi ích liên quan, đồng thời mở rộng phản biện xã hội.

Sáu là, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu quản lý xã hội dài hạn và ngắn hạn. Việc thực hiện ổn định các chính sách lớn giúp quản lý xã hội hiệu quả nhưng cũng cần linh hoạt trong việc phản ứng với các tín hiệu của thị trường, gắn tính kỷ luật  với những biện pháp cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu ngắn hạn.

Bảy là, kế hoạch hóa có sự tham gia rộng rãi của các bên có lợi ích liên quan, từ dưới lên, tăng cường phân cấp và trao quyền cho cấp cơ sở.

Tám là,đánh giá hiệu quả dựa trên kết quả và tác động, giám sát quá trình;  giám sát hỗ trợ; giám sát kết hợp của chuyên gia với sự tham gia của các bên có lợi ích liên quan.

Chín là, đề cao việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý xã hội, đặc biệt là áp dụng tin học vào quản lý. Đồng thời, thực hiện dân chủ hóa, quản lý xã hội từ chủ yếu dựa trên quy định của pháp luật sang dựa trên giám sát. Chấp nhận tính đa dạng, mềm mỏng, uyển chuyển của thực tế quản lý xã hội.

 Mười là, đề cao mục tiêu hiệu quả của hoạt động quản lý xã hội hơn trình độ chuyên môn kỹ thuật của cán bộ quản lý, sự bình đẳng về  giới và tuổi tác trong công việc.

Một trong những nguyên tắc, yêu cầu bức thiết của quản lý xã hội ở Việt Nam chính là nỗ lực đẩy lùi những hạn chế sau: (1) Không có phân biệt giữa việc công và việc tư dẫn đến hậu quả là có xu hướng sử dụng các nguồn lực công cho các mục đích tư lợi; (2) Không thiết lập được sự rõ ràng về pháp luật đối với hành vi của các chủ thể quản lý; (3) Nhiều quy tắc và quy định gây khó khăn cho sự vận hành bình thường của đời sống xã hội; (4) Các ưu tiên phát triển không nhất quán, dẫn đến việc lãng phí và đầu tư sai các nguồn lực của xã hội; (5) Quá trình ra quyết định không minh bạch, thiển cận, thiếu hệ thống, toàn diện; (6) Thiếu tiêu chuẩn đạo đức trách nhiệm cá nhân trong hoạt động quản lý xã hội; (7) Thiếu các giả định/tình huống trong quá trình hoạch định chính sách(4).

2. Các cấp độ quản lý xã hội hiện đại

Căn cứ vào cấp độ quản lý xã hội có thể chia quản lý xã hội thành 5 nhóm vấn đề: quản lý biến đổi xã hội; quản lý phát triển xã hội; quản lý các vấn đề xã hội;  quản lý sai lệch xã hội và quản lý tình huống bất thường (Bảng 1).

3. Thiết chế xã hội - công cụ của quản lý xã hội

Thiết chế xã hội (Social Institations) là một hệ thống các cách thức, các quy tắc chính thức và phi chính thức được con người tạo ra để điều chỉnh hành vi, hoạt động của các cá nhân, nhóm, tổ chức nhằm đáp ứng những nhu cầu nhất định của xã hội(5). Trong quản lý xã hội, thiết chế xã hội được xem là công cụ để thực hiện việc quản lý.

 Như vậy,thiết chế xã hội là hệ thống các quan hệ ổn định, tạo nên các khuôn mẫu xã hội biểu hiện sự thống nhất, được xã hội công khai thừa nhận. Thiết chế xã hội là một tập hợp bền vững các giá trị, chuẩn mực xã hội, vị thế, vai trò xã hội với nhóm xã hội chính thức và phi chính thức; vận động xung quanh nhu cầu cơ bản của xã hội. Sự tồn tại và phát triển củathiết chế xã hội là do điều kiện khách quan, biểu hiện ở tính thống nhất với cơ sở kinh tế - xã hội. Nhưngthiết chế xã hộicũng có sự độc lập tương đối và tác động trở lại cơ sở kinh tế - xã hội.Xu hướng tác động chi phối và quy định lẫn nhau được xem là bản chất của các thiết chế xã hội. Bất kỳ một sự thay đổi trong một thiết chế xã hội đều có thể đưa đến sự thay đổi đáng kể của một thiết chế xã hội khác. Thí dụ một sự thay đổi tích cực của thiết chế giáo dục sẽ dẫn đến những tác động tích cực của thiết chế kinh tế, chính trị, pháp luật, văn hóa, gia đình... hiện hành và ngược lại.

Mọi thiết chế xã hội có đặc điểm chung là thực hiện các chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, hành vi của con người, thực hiện quản lý và kiểm soát xã hội.

Chẳng hạn, chức năng điều hòa các quan hệ xã hội và kiểm soát xã hội nhằm đảm bảo cho xã hội có sự cố kết bởi các giai tầng xã hội; đảm bảo cho các hành vi của các cá nhân, nhóm vào các khuôn mẫu đã được xã hội thừa nhận là đúng,thúc đẩycác hành vi lệch chuẩn vào khuôn phép hay trật tự.

Chức năng trậttự hóahành động của các thành viêntrong nhóm của thiết chếxã hội đảm bảo cho các hoạt động với các kiểu hành vi xã hội được chấp nhận trong nhiều trạng thái xã hội khác nhau.Đồng thời, với sự hoạt động của các thiết chế, các cá nhân tiếp nhận các khuôn mẫu hành vi và thực hiện theo các khuôn mẫu đó tùy theo từng tình huống
cụ thể.

Chức năng xã hội hóa vai trò cá nhân của thiết chế xã hội xác định cho cá nhân vai trò của họ trong xã hội. Từ đó, các cá nhân có thể lựa chọn vai trò phù hợp.

Chức năng áp đặt và duy trì mô hình văn hóa của thiết chế xã hội thực hiện sự thừa nhận/chấp nhận giá trị, chuẩn mực xã hội, khuôn mẫu hành vi nhằm củng cố nhận thức, thống nhất hành động của mọi thành viên trong xã hội.

Trong thời kỳ phát triển “bình thường” của xã hội, các thiết chế xã hội có tính ổn định và vững chắc, có khả năng tổ chức các lợi ích xã hội, làm cho xã hội phát triển ổn định, hài hòa và bền vững. Khi các thiết chế xã hội không ổn định, sẽ tác động và làm rối loạn, kìm hãm sự phát triển xã hội. Tính không hiệu quả của các thiết chế xã hộiđược biểu hiện ởsự tác động không hài hòa, không cókhả năng tổ chức các lợi ích xã hội, không thu xếp theo trật tự vận hành của các mối liên hệ xã hội... Ngược lại, khi thiết chế xã hội có vai trò tích cực,đáp ứng các nhu cầuthì xã hội càng phát triển.Do đó, sự biến đổi tích cực của các thiết chế xã hội chính là thành tố của biến đổi, phát triển xã hội chứ không chỉ là điều kiện để biến đổi, phát triển xã hội... Đồng thời, thiết chế xã hội luôn có chức năng kiểm soát các vấn đề xã hội, sai lệch xã hội và khả năng quản lý sự biến đổi, phát triển xã hội theo mục tiêu chung. Vì vậy, một trong những vấn đề quan trọng của quản lý xã hội là phải thông qua hệ thống các thiết chế xã hội, như: chính trị, kinh tế, pháp luật, gia đình, văn hóa, giáo dục, tôn giáo một cách đồng thời, nhất quán... Tức là quá trình quản lý xã hội phải phát huy việc tối ưu hóa sự tham gia của hệ thống các thiết chế xã hội.

4. Một số vấn đề đặt ra đối với quản lý xã hội ở Việt Nam

Bên cạnh những kết quả ban đầu của hoạt động nghiên cứu và thực tiễn, quản lý xã hội ở nước ta đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có những giải pháp để thay đổi.
Đó là:

Nghiên cứu quản lý xã hội ở Việt Nam chủ yếu dừng lại ở việc đưa ra các định hướng vĩ mô. Trong khi đó, các cấp độ của hoạt động quản lý xã hội: quản lý biến đổi xã hội, quản lý phát triển xã hội, quản lý các vấn đề xã hội... thường bị tách rời, đơn lẻ, do đó chưa xây dựng được hệ thống lý luận vững chắc, cùng các phạm trù và khái niệm cơ bản cho lĩnh vực xã hội chỉnh thể. Đối tượng của quản lý xã hội thường bị phân chia, tách rời thành từng vấn đề cụ thể nên các vấn đề xã hội không được xem xét như một chỉnh thể trong sự phát triển. Đây là điều còn “để ngỏ” và thiếu hụt trong 30 năm đổi mới đất nước, do vậy dẫn đến việc điều hành, quản lý xã hội thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, phương pháp tiếp cận quản lý xã hội theo hướng tổng thể, hệ thống xã hội chưa được chú trọng.

Trong các chiến lược và cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước chưa xác định được rõ mô hình và phương thức quản lý xã hội cụ thể trong các thời kỳ, đặc biệt trong giai đoạn CNH, HĐH đất nước, chưa có sự  kết hợp hài hòa giữa ba cơ chế: Nhà nước, thị trường cộng đồng. Thực tế, ba cơ chế này luôn tồn tại một cách chính thức hoặc không chính thức trong mọi mặt đời sống xã hội, nhưng chưa có sự kết hợp hài hòa giữa ba cơ chế trong một mô hình, do đó chưa phát huy được tối đa nguồn lực xã hội và hạn chế được những tác động tiêu cực, lạc hậu, mâu thuẫn.

Quản lý xã hội vẫn chỉ được nhìn nhận chủ yếu một chiều là vai trò của các cơ quan thuộc quyền lực nhà nước, mang tính chất chính thức, từ trên xuống dưới, pháp quy và bị động. Trong khi đó, vai trò của cộng đồng tham gia quản lý xã hội, mang tính chất phi chính thức, từ dưới lên, chủ động, tự quản... chưa được chú ý đúng mức. Tầm quan trọng của việc xây dựng cơ chế quản lý xã hội/cộng đồng hiện đại (nhất là ở đô thị), thay thế cho cơ chế quản lý mang tính làng xã truyền thống chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức. Điều này phần nhiều là hậu quả của việc thiếu mô hình quản lý xã hội có sự kết hợp hài hòa giữa ba cơ chế (Nhà nước, thị trường và cộng đồng).

Trong tổ chức và quản lý xã hội chưa xem trọng vai trò của các thiết chế xã hội. Những rào cản của truyền thống vẫn đang tác động tiêu cực đến hiệu quả quản lý xã hội hiện đại một cách khá phổ biến... Đây chính là những lý do dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong việc triển khai hệ thống luật pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, do chưa có nhận thức thống nhất về mô hình cụ thể, phát triển xã hội ở Việt Nam đã được ghi nhận ở nhiều khía cạnh/chỉ báo, nhưng mang tính rời rạc, chắp vá chứ chưa thực sự là phát triển bền vững, hài hòa của cả hệ thống.

Cơ chế giám sát, phản biện chính sách chưa hiệu quả, còn nặng về hình thức. Chưa phát huy tích cực vai trò và sự tham gia của các tổ chức xã hội. Các tổ chức xã hội thường có xu hướng bị nhà nước hóa, chính trị hóa, hoặc thị trường hóa. Mặc dù đã có những thay đổi nhất định, tuy nhiên thực tế cho thấy chưa có nhận thức đủ về sự cần thiết phải phát huy chức năng, vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý xã hội.

Mặc dù đã có nhiều đổi mới, tuy nhiên tư duy và hành động máy móc, sự thiếu linh hoạt trong tổ chức và quản lý xã hội đang là một rào cản lớn ở Việt Nam hiện nay. Chẳng hạn, ở tầm vĩ mô, có sự đồng nhất giữa mục tiêu và phương thức quản lý xã hội. Ngược lại, ở tầm trung mô và vi mô, hoạt động quản lý xã hội có xu hướng quá nặng về mục tiêu, thành tích, thi đua, phòng trào, trong khi những nguyên tắc và đạo lý nhân văn cơ bản không được chú trọng đúng mức. Việc chỉ tập trung vào những động lực bên ngoài (phấn đấu để đạt chỉ tiêu, thành tích, khen thưởng, bằng cấp, chức vụ...) hơn là những động lực thực chất bên trong, tức là các động lực tinh thần và đạo đức. Điều này dễ dẫn đến hành vi và ứng xử lệch chuẩn.

Mặc dù đã có những chuyển biến nhưng năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật của mọi chủ thể xã hội còn yếu; bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, quan liêu, thiếu hiệu quả; cải cách tư pháp còn chậm, chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra; phân cấp chức năng, nhiệm vụ chưa rành mạch giữa các cơ quan đảng với chính quyền và doanh nghiệp, giữa Trung ương và địa phương. Chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu(6)... Chính vì vậy, nhiều vấn đề biến đổi xã hội, phát triển xã hội chưa được nhận diện và đưa vào đối tượng quản lý xã hội. Các vấn đề xã hội bức xúc vẫn tồn tại khá phổ biến và có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các hành vi sai lệch xã hội theo chiều hướng tiêu cực, các tình huống bất thường ngày càng xuất hiện nhiều, để lại hệ quả xã hội nặng nề, trong khi đó các biện pháp ứng phó chưa kịp thời và hiệu quả.

Thực tế cho thấy, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước về quản lý xã hội chưa thực sự “quán triệt” trong một bộ phận tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các giai tầng xã hội. Trong khi đó, sự phản hồi và phản biện của các tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và các giai tầng xã hội đối với đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước còn khá hạn chế. Bên cạnh đó, các chuẩn mực quốc tế, các thành quả nghiên cứu khoa học liên quan đến quản lý xã hội trên thế giới vì nhiều lý do khác nhau vẫn chưa được tính đến một cách tương xứng hay áp dụng kịp thời, hiệu quả.

Như vậy, quản lý xã hội ở Việt Nam cần phải dựa trên các nguyên tắc, cấp độ và công cụ  quản lý xã hội hiện đại. Thực hiện tốt quản lý xã hội tức là góp phần đảm bảo tính định hướng và sự thành công của mục tiêu xây dựng phát triển đất nước mà Đảng và nhân dân ta đã xác định: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận Chính trị số 11-2017

(1), (2), (4) Vũ Mạnh Lợi: Bàn về mô hình phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Xã hội học, số 4/2012.

(3) Đoàn Minh Huấn: Quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, Tạp chí Cộng sản điện tử http://www.tapchicongsan.org.vn, 2016.

(5) Lê Ngọc Hùng: Xã hội học giáo dục, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009, tr.219.

(6) Đặng Nguyên Anh và cộng sự:  Biến đổi xã hội ở Việt Nam: truyền thống và hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr.528.

 

 

PGS, TS Nguyễn Tất Giáp

TS Đỗ Văn Quân

Viện Xã hội học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền