Trang chủ    Bài nổi bật    Mô hình chủ nghĩa xã hội Xôviết - Một giải pháp thực hiện "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trong thế kỷ XX
Thứ hai, 28 Tháng 5 2018 11:09
7608 Lượt xem

Mô hình chủ nghĩa xã hội Xôviết - Một giải pháp thực hiện "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trong thế kỷ XX

(LLCT) - Trung thành với Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, những người cộng sản Nga đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, xây dựng CNXH theo mô hình khác biệt hoàn toàn với mô hình kinh tế TBCN. Việc cải cách, cải tổ là cần thiết, tất yếu, song do nhiều nguyên nhân, trước hết là sai lầm chủ quan của người đứng đầu đã khiến CNXH Xôviết sụp đổ. 

Ngày nay, các Đảng Cộng Chủ nghĩa tư bản từ khi ra đời đến thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã bộc lộ đầy đủ tính chất dã man, phi nhân đạo:

- Chế độ sở hữu tư bản tư nhân đã dẫn đến sự tha hóa bần cùng giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

- Thị trường tư bản tự do dẫn đến những cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ, hủy hoại cơ sở vật chất, của cải xã hội và gây nên những tai họa cho nhân dân lao động.

- Các nước đế quốc đem quân đi xâm lược các nước lạc hậu, biến các nước này thành thuộc địa phụ thuộc; áp bức bóc lột dã man đối với nhân dân các nước thuộc địa phụ thuộc.

- Các nước đế quốc gây ra các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa, chiến tranh chia lại thị trường thế giới đã hủy hoại nghiêm trọng của cải vật chất, các nền văn hóa và biết bao sinh mạng con người.

Chống lại dã man, thực hiện chủ nghĩa nhân đạo là lý tưởng của nhân loại trên con đường tiến hóa và phát triển. Khác với những người dân chủ xã hội, V.I.Lênin và những người Mácxít trung thành thực hiện lý tưởng ấy bằng con đường cách mạng vô sản, xây dựng CNXH theo mô hình Xôviết. CNXH Xôviết ra đời mang những đặc trưng cơ bản đối lập với CNTB:

- CNTB dựa trên chế độ tư hữu, thì CNXH xóa bỏ chế độ tư hữu và thiết lập chế độ công hữu trên phạm vi toàn xã hội.

- CNTB vận hành theo thị trường tự do, thiếu sự quản lý điều tiết của Nhà nước thì chủ nghĩa xã hội xóa bỏ thị trường tự do, quản lý nền kinh tế theo kế hoạch; Nhà nước trực tiếp điều hành mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội.

- CNTB xâm lược, áp bức, bóc lột các nước thuộc địa phụ thuộc, thì CNXH giúp các nước này đấu tranh chống tư bản đế quốc, giành độc lập dân tộc.

- CNTB gây ra chiến tranh đế quốc thì CNXH chống lại chiến tranh đế quốc.

Ra đời sau Cách mạng Tháng Mười và tồn tại gần 74 năm (1917-1991), CNXH theo mô hình Xôviết đã đạt được những thành tựu to lớn:

Thứ nhất, trên phạm vi toàn xã hội không còn giai cấp bóc lột. Mọi người lao động đều làm công ăn lương dưới sự lãnh đạo quản lý của những người cộng sản hết lòng vì sự nghiệp chung; trong giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng CNXH đã khơi dậy được cao trào lao động quên mình trong đời sống xã hội, tạo nên bước phát triển nhảy vọt về kinh tế- xã hội. Chỉ sau hai kế hoạch 5 năm thực hiện công nghiệp hóa (1928-1939) đã tạo ra tiềm lực kinh tế, quân sự hùng mạnh đủ sức đánh trả chiến tranh phát xít. Những năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô đã trở thành cường quốc hàng đầu về quân sự và kinh tế, đi đầu trong lĩnh vực chinh phục không gian vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác.

Thứ hai, mọi nguồn lực xã hội đều do Nhà nước quản lý nên có thể tập trung phát triểnnhanh công nghiệp nặng, xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết các vấn đề giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội. Dưới thời Xôviết, nhiều ngành công nghiệp hiện đại được hình thành phát triển; hệ thống giao thông liên lạc được xây dựng hoàn thiện; hàng loạt những công trình văn hóa, các trung tâm khoa học - công nghệ được mọc lên; nền giáo dục không phải trả tiền, mọi người đều được đi học, ai có khả năng cứ học lên trở thành kỹ sư, bác sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ để đóng góp tài năng cho đất nước; chữa bệnh không phải trả tiền, người già được chăm sóc, nuôi dưỡng; mọi người thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Với trình độ kinh tế - xã hội như Liên Xô trước đây, có thể nói không có một quốc gia nào lại giải quyết được những nhiệm vụ ấy và quan hệ giữa người và người lại tốt đẹp như thế.

Thứ ba, toàn xã hội đoàn kết thành một khối, chung một ý chí, dưới sự chỉ huy thống nhất, tạo nên sức mạnh có thể đánh bại tất cả các cuộc tiến công của các thế lực đế quốc từ bên ngoài, càng đánh càng mạnh và chiến thắng. Ngay từ khi mới được thành lập, chính quyền Xôviết còn non trẻ đã chống lại sự can thiệp của 14 nước đế quốc bên ngoài và giành thắng lợi. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Hồng quân Liên Xô đã đánh bại phát xít Đức và đánh tan đội quân Quan Đông của phát xít Nhật Bản.

Thứ tư, Liên Xô là thành trì của cách mạngthế giới, là chỗ dựa và ủng hộ, giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình, dân chủ tiến bộ của nhân loại; là lực lượng đối trọng với tư bản đế quốc, khiến chúng không thể “làm mưa làm gió” trên trường quốc tế; đó cũng là nhân tố làm cho CNTB tự điều chỉnh mình, nếu không thì có nguy cơ tan rã.

Như vậy, mô hình CNXH Xôviết đã có sự đóng góp lớn lao cho sự phát triển xã hội, đã có giá trị vẻ vang cả một chặng đường lịch sử. Mặc dù mô hình ấy đã không còn, một số giải pháp ấy không còn phù hợp, nhưng những giá trị nhân đạo, nhân văn của nó không mất đi mà hòa vào dòng tiến hóa chung của nhân loại trên con đường tiến tới xã hội XHCN và cộng sản chủ nghĩa - xã hội nhân đạo hoàn bị.

Song, do ra đời trong điều kiện đặc biệt - trong vòng bao vây của chủ nghĩa đế quốc, luôn có nguy cơ bị tiêu diệt bởi chiến tranh đế quốc, khi đó cơ sở vật chất còn ở trình độ thấp (công nghiệp cơ khí, “văn minh công nghiệp ống khói”) và điều kiện đặc thù của nước Nga - và cũng do sai lầm chủ quan ảo tưởng của các Đảng Cộng sản về sự quá độ lên CNXH, đã thiết lập một mô hình xã hội mang tính chất tập trung quan liêu, phi tự nhiên với một số đặc điểm:

- Xóa bỏ mọi hình thức sở hữu tư nhân, xác lập chế độ công hữu trong toàn bộ nền kinh tế dưới hai hình thức: toàn dân và tập thể. Trong điều kiện lực lượng sản xuất phát triển chưa đầy đủ thì sở hữu tư nhân tất yếu còn tồn tại, vì nó còn tạo địa bàn cho lực lượng sản xuất phát triển. Và khi lực lượng sản xuất phát triển chưa đầy đủ, trình độ xã hội hóa chưa cao thì cũng không thể xác lập chế độ công hữu trong phạm vi toàn xã hội, có chăng chỉ xác lập được ở một bộ phận của nền kinh tế. Mặt khác, xóa bỏ triệt để sở hữu tư nhân cũng có nghĩa là xóa bỏ lợi ích tư nhân của con người gắn liền với sở hữu ấy, mà lợi ích tư nhân chính là một trong những động lực hoạt động của con người, cũng chính là một trong những động lực phát triển kinh tế - xã hội. Và như vậy là vô hình trung đã xóa bỏ động lực phát triển, gây nên trạng thái trì trệ. Còn chế độ công hữu được xác lập không dựa trên xã hội hóa sản xuất thì cũng không có cơ sở khách quan để xác lập thể chế kiểm soát, quản lý có hiệu quả, dẫn đến tình trạng vô chính phủ, “cha chung không ai khóc”, gây nên tham nhũng, sử dụng không có hiệu quả tư liệu sản xuất, lãng phí của cải xã hội.

- Duy ý chí xóa bỏ thị trường tự do, trên thực tế đã hạn chế, triệt tiêu tác động của quy luật giá trị, quy luật cung cầu, cạnh tranh, cũng chính là hạn chế, triệt tiêu động lực đổi mới kỹ thuật - công nghệ, động lực phát huy sức sáng tạo của con người. Và do vậy, cũng vô hình trung đã xóa bỏ cơ chế tự điều chỉnh, tự cân đối, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, xóa bỏ “bàn tay vô hình” tự điều tiết của thị trường. Thực tế cho thấy trong nền kinh tế phi thị trường của Liên Xô trước đây, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất so với các nước phương Tây có nền kinh tế thị trường thì rất chậm, mặc dù sự phát minhkhoa học - kỹ thuật của Liên Xô là một trong những nước hàng đầu trên thế giới. Chỉ có ngành công nghiệp quốc phòng, không gian vũ trụ là ứng dụng nhanh, còn các ngành khác, đặc biệt là công nghiệp hàng tiêu dùng thì rất ít có sự thay đổi. Mặt khác, nền kinh tế kế hoạch hóa, phi thị trường cũng không thể thiết lập được sự cân đối liên ngành, một cơ cấu hợp lý phù hợp với yêu cầu khách quan của nền kinh tế luôn vận động phát triển; bởi vì nó thiếu “bàn tay vô hình” tự điều tiết kinh tế phù hợp với khách quan, còn cân đối liên ngành theo kế hoạch hóa chỉ là sản phẩm chủ quan. Sự mất cân đối của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế bất hợp lý phát sinh trong nhiều năm, không thường xuyên được khắc phục, tồn đọng lại và bộc lộ ra rõ nhất thời kỳ Liên Xô khủng hoảng và tan rã.

- Nền kinh tế dựa trên chế độ công hữu và kế hoạch hóa cao độ dưới sự điều hành, chỉ huy trực tiếp của Nhà nước. Nhà nước vốn là tổ chức quan liêu. Còn kinh tế - xã hội thì luôn sống động, thay đổi, phát triển. Để có thể điều hành được kinh tế - xã hội, bộ máy nhà nước phải phình to lên và càng phình to lên thì nó lại càng quan liêu bất lực. Nhà nước ấy lại là một bộ phận của hệ thống chính trị được tổ chức theo kiểu hình tháp... một hệ thống chính trị tập trung quyền lực, nhưng thiếu một cơ chế cân bằng và kiểm soát quyền lực. Do vậy, không chỉ hạn chế sự thích ứng và tự điều chỉnh của hệ thống, mà còn nảy sinh quan liêu, tham nhũng, lạm quyền, tha hóa quyền lực. Quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước vốn là của nhân dân, trở thành xa lạ, đối lập với nhân dân.

Những khuyết tật trên đã manh nha xuất hiện ngay từ đầu khi mô hình Xôviết mới được xác lập. Nhưng trong thời kỳ đầu của một chế độ mới, khí thế cách mạng của quần chúng còn đang dâng cao, những người cộng sản giữ vai trò lãnh đạo hết lòng vì nhân dân, xã hội đang cần sự đoàn kết nhất trí, chỉ huy thống nhất để chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, thì những khuyết tật trên ít biểu hiện ra hoặc bị che lấp đi. Hơn nữa, trong điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, cơ sở vật chất là nền công nghiệp cơ khí, “văn minh công nghiệp ống khói”, sự phát triển sản xuất chủ yếu theo bề rộng thì mô hình Xô viết có khả năng thích ứng.

Nhưng, những khuyết tật vốn có của mô hình Xô viết cứ âm thầm diễn ra trong nhiều thập kỷ và ngày càng trầm trọng là nguyên nhân nội sinh dẫn đến khủng hoảng của hệ thống XHCN. Song, sự khủng hoảng còn do nguyên nhân sâu xa từ sự phát triển lực lượng sản xuất và bối cảnh quốc tế thay đổi. Từ sau thập kỷ 60 của thế kỷ XX, thế giới diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, chuyển sang xã hội hậu công nghiệp, sản xuất cần phát triển theo bề sâu bằng việc ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại thì mô hình Xôviết không còn thích ứng được nữa. Thực tế cho thấy, các nước tư bản với nền kinh tế thị trường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ rất nhanh, còn các nước XHCN với nền kinh tế hành chính bao cấp thì ứng dụng rất chậm. Những năm 70, 80 của thế kỷ XX các nước tư bản có bước tiến nhảy vọt về kinh tế - xã hội, còn các nước XHCN thì chững lại. Vào những năm 80 của thế kỷ XX diễn ra cuộc khủng hoảng toàn bộ hệ thống XHCN. Các nước trong hệ thống này thực hiện công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới để chuyển đổi mô hình xã hội. Bên cạnh đó cũng phải kể đến mưu toan của các thế lực chống CNXH đã ngày càng trở nên thâm hiểm hơn dưới nhiều chiêu thức, thủ đoạn hàng ngày hàng giờ chống phá hệ thống XHCN, cũng là nguyên nhân quan trọng đã tác động to lớn đến quá trình khủng hoảng, tan rã và sụp đổ của các nước Đông Âu, Liên Xô (cũ).

Sự chuyển đổi mô hình CNXH là yêu cầu khách quan, nhưng có dẫn đến sụp đổ hay không lại trực tiếp phụ thuộc vào nhân tố chủ quan.

Thực tế cho thấy, ở những nơi mà người cộng sản còn kiên định cách mạng như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước khác, v.v.. thì công cuộc cải cách, đổi mới mới giành thắng lợi. Bởi vì, khi có đội ngũ cán bộ kiên định cách mạng thì sẽ xác định ra được đường lối cải cách, đổi mới đúng đắn: cải cách, đổi mới để thay đổi mô hình CNXH đã được thiết lập, nhưng giữ vững mục tiêu XHCN, thực hiện mục tiêu ấy bằng phương thức mới; có bước đi đúng đắn trong thực hiện công cuộc cải cách, đổi mới; mở rộng dân chủ và không chấp nhận đa đảng đối lập; giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; hội nhập quốc tế, nhưng giữ vững độc lập về chính trị, tiếp tục thực hiện công cuộc xây dựng CNXH... Thành công trong thực tiễn công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc và công cuộc đổi mới của Việt Nam đã mở ra một triển vọng mới của con đường đi lên CNXH.

Sai lầm trước hết thuộc về Goocbachốp, khi thực hiện đường lối cải tổ sai lầm thì từ khủng hoảng kinh tế - xã hội dẫn đến khủng hoảng chính trị - xã hội và khủng hoảng chính trị lại làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế. Bất lực trước hiện thực, Goocbachốp từsai lầm đến phản bội, đã áp dụng những giải pháp chống phá Đảng Cộng sản - dùng phương tiện thông tin đại chúng tấn công vào hệ tư tưởng, xuyên tạc truyền thống vẻ vang của Đảng và dân tộc; xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp Liên Xô, thực chất xóa bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản về pháp lý; thừa nhận đa nguyên đa đảng, thực chất là tạo điều kiện cho các lực lượng chính trị đối lập lên nắm quyền lực chính trị; vô hiệu hóa các cơ quan Đảng; trung lập hóa lực lượng vũ trạng (quân đội, cảnh sát), thực chất là tước quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang; giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô,v.v.. Kết quả là CNXH sụp đổ, Liên Xô tan rã và Đảng Cộng sản mất vai trò cầm quyền, lãnh đạo ở đây.

Khác với Liên Xô, công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc, công cuộc đổi mới của Việt Nam và một số nước khác đã giành thắng lợi bước đầu, mở ra triển vọng của con đường đi lên CNXH trong điều kiện hiện nay. Thực chất, đó là thay đổi bố trí chiến lược đi lên CNXH, thay đổi phương thức thực hiện công cuộc xây dựng CNXH, thay đổi căn bản cấu trúc mô hình xã hội, nhưng vẫn giữ vững mục tiêu XHCN và thực hiện mục tiêu ấy bằng phương thức mới.

CNXH là giai đoạn thấp của Chủ nghĩa cộng sản. Mục tiêu tiến lên CNXH là tiến tới xã hội nhân đạo hoàn bị, khắc phục tha hóa, áp bức, bóc lột, bất công, mọi người được phát triển tự do toàn diện “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển của mọi người”. Tiến tới mục tiêu ấy phải trải qua cả một thời kỳ quá độ lâu dài với những hình thức, bước đi phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể của mỗi nước. Đó là mục tiêu nhất quán của các Đảng Cộng sản cầm quyền thực hiện công cuộc cải cách, đổi mới. Song, phương thức thực hiện phải khác với trước đây.

Trước hết, để tăng nhanh sản xuất không phải bằng cách xóa bỏ sở hữu tư nhân, xác lập chế độ công hữu trên phạm vi toàn xã hội, mà là hình thành nền kinh tế cơ cấu nhiều thành phần, đa dạng sở hữu: sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu cá nhân,... để khơi dậy mọi động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, để tăng nhanh sản xuất không phải xóa bỏ thị trường tự do, điều hành nền kinh tế  chỉ bằng theo kế hoạch Nhà nước, mà là mở rộng thị trường, xây dựng đồng bộ các yếu tố của thị trường và các thể chế thị trường, tiến tới hình thành thị trường hiện đại. Như vậy, sẽ khơi dậy động lực thị trường để đẩy nhanh đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất và phát huy sức sáng tạo của người sản xuất kinh doanh. Đồng thời hình thành cơ chế “bàn tay vô hình”, tự điều chỉnh và phân bổ hợp lý các nguồn lực phát triển.

Thứ ba, để giải phóng sức sản xuất, đẩy nhanh phát triển kinh tế, nhà nước không trực tiếp điều hành sản xuất theo kế hoạch mà tham gia vào quá trình kinh tế xã hội, vừa là bộ máy quản lý xã hội vừa là một yếu tố nội tại của cơ chế vận hành nền kinh tế, khắc phục khuyết tật của thị trường, đảm bảo phát triển bền vững. Mặt khác, sự hình thành mở rộng nền kinh tế thị trường hiện đại tất yếu đòi hỏi hình thành, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và Nhà nước pháp quyền trở thành trung tâm của đời sống chính trị, thực hiện quản lý xã hội trên cơ sở nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.

Thứ tư, để phát huy tính chủ động sáng tạo của quần chúng nhân dân, thì các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp...không thể là các tổ chức thụ động, mà phải là những tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ và tự quyếtvì mục tiêu con người.Vì đời sống xã hội hiện đại ngày càng phong phú, sinh động, muôn vẻ, hoạt động của Nhà nước không thể bao quát hết, hơn nữa yêu cầu về tự do, dân chủ, công bằng,... ngày càng trở nên bức thiết, quần chúng nhân dân phải tự tổ chức để giải quyết những vấn đề đặt ra của đời sống xã hội và những nhu cầu của chính mình. Đó là xu hướng tiến bộ của các nền dân chủ, kể cả dân chủ XHCN.

Từ thực tiễn thành công và thất bại của mô hình CNXH Xôviết, có thể nói, dù muốn hay không, trong tương lai lâu dài, kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyềnvà xã hội dân sự  vẫn là ba trụ cột của xã hội hiện đại, của CNXH đổi mới. Hoàn thiện ba trụ cột này vì mục tiêu con người là con đường xây dựng, hoàn thiện CNXH để tiến lên nấc thang cao hơn là Chủ nghĩa cộng sản.  Tính phổ biến là như vậy, song xây dựng và hoàn thiện ba trụ cột ấy lại có tính đặc thù, phụ thuộc vào điều kiện lịch sử và chính trị mỗi nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2018

 

GS, TS Lưu Văn Sùng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền