Trang chủ    Bài nổi bật    Từ tư tưởng của C.Mác về dân chủ đến dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 16:37
1944 Lượt xem

Từ tư tưởng của C.Mác về dân chủ đến dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

(LLCT) - Trong quá trình lịch sử của tư tưởng dân chủ, C.Mác là người đầu tiên đánh dấu bước phát triển mới có tính cách mạng trong nhận thức về dân chủ, bởi ông đã chỉ ra bản chất của dân chủ với tính chất là một chế độ nhà nước, trong đó nhân dân giữ vai trò trung tâm; sự tham gia chính trị của nhân dân là yếu tố cốt lõi, quyết định đối với vai trò làm chủ của nhân dân; dân chủ luôn gắn liền với sự vận động, phát triển của xã hội, trong đó kinh tế là yếu tố quan trọng... 

Kế thừa những tư tưởng của C.Mác, Đảng, Nhà nước ta đã phát triển sáng tạo, làm phong phú hơn, toàn diện hơn lý luận về dân chủ XHCN trong điều kiện cụ thể của nước ta.Trong lịch sử tư tưởng chính trị, dân chủlà một trong những khái niệm ra đời sớm nhất. Nó bắt nguồn từ một kiểu tổ chức nhà nước ở thành bang Aten, Hy Lạp khoảng 500 năm trước Công nguyên với nghĩa khởi nguyên là quyền lực của nhân dân. Tuy cho đến ngày nay chưa có một định nghĩa đồng nhất, nhưng trong nhận thức phổ biến, dân chủ được hiểu là một hình thức tổ chức, thể chế nhà nước, trong đó vấn đề nguyên tắc là tôn trọng và bảo vệ quyền lực của nhân dân, coi quyền lực của xã hội thuộc về nhân dân. Dân chủ cũng được coi là một giá trị, thể hiện sự công bằng, tự do và tôn trọng ý chí của tập thể, cộng đồng.

Ngày nay, những biểu hiện của nguyên tắc dân chủ ở những mức độ khác nhau đã trở thành hiện thực một cách khá phổ biến trên hầu khắp các châu lục. Hầu như, ở mọi quốc gia, với những chế độ chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội rất khác nhau, người ta đều coi dân chủ như là tính chất làm nên sự khác biệt hay là tiêu chí của tính ưu việt của đất nước mình. Vấn đề đặt ra là:

- Khi mà dân chủ đã trở thành giá trị phổ biến, khi mà những thể chế chính trị dân chủ với những biểu hiện rất đa dạng đã ra đời và tồn tại thì cách hiểu cụ thể về các nguyên tắc dân chủ, nhất là về cách thức thực thi dân chủ trên thực tế vẫn rất khác nhau, đôi khi là trái ngược nhau. Có một ví dụ rất thực tế, ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, người ta tự nhận là “thế giới tự do” và gọi các nước đi theo con đường XHCN là các “chế độ toàn trị”, thậm chí là “chế độ chuyên chế”. Ngược lại, các nước XHCN xác định chế độ nhà nước là “dân chủ nhân dân” và coi các chế độ phương Tây là “dân chủ tư sản”, tức là nền dân chủ chỉ cho giai cấp tư sản.

- Không phải là những nhận thức về dân chủ và nhất là sự xuất hiện của các thể chế dân chủ trên thế giới tự nhiên mà có. Đó chính là kết quả của một cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn chính trị. Lịch sử nhân loại đã chứng kiến, biết bao lớp người vì nó mà đã phải hy sinh cả lợi ích của gia đình, mạo hiểm cả tính mệnh của bản thân mình.

Vì thế, ở đây bàn đến hai nội dung lớn về lý luận và thực tiễn sau đây:

1. Nếu nhìn lại toàn bộ quá trình lịch sử của tư tưởng dân chủ, có thể nói C.Mác là người đã đặt một mốc đặc biệt quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới có tính cách mạng trong nhận thức về vấn đề này.

Trước hết, C.Mác đã chỉ ra bản chất của dân chủ với tính chất là một chế độ nhà nước, trong đó nhân dân giữ vai trò trung tâm. Nhân dân là cơ sở quyết định, là lý do tồn tại của chế độ nhà nước dân chủ. Chế độ dân chủ là chế độ nhà nước của nhân dân. Đồng thời, C.Mác vạch trần, phê phán những chế độ nhà nước phi dân chủvà mạo danh dân chủ, trong đó, dân chủ chỉ như một thứ màu mè che đậy cái thực chất bên trong là chuyên chế, không đại diện cho quyền lực nào của nhân dân. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Heghen(1843), C.Mác đã so sánh và chỉ ra sự khác biệt về bản chất giữa chế độ dân chủvới chế độ quân chủ. Ông cho rằng, “chế độ quân chủ tất yếu phải là chế độ dân chủ không nhất quán” đối với chính bản thân nó, nhưng “yếu tố quân chủ” thì không phải là “sự không nhất quán trong chế độ dân chủ”. Điều ấy cũng có nghĩa là, chế độ quân chủ là một chế độ nhà nước không phản ánh các giá trị dân chủ, thậm chí còn xuyên tạc các giá trị dân chủ, phản dân chủ. Đó cũng chính là sự phê phán nhằm trực diện vào chế độ nhà nước phong kiến thời ấy, khi mà tôn giáo được coi là nền tảng tinh thần của chế độ chính trị. Đương nhiên, điều khẳng định ở đây là, chế độ dân chủ không thể chấp nhận những nguyên tắc thống trị xã hội trên cơ sở quyền lực của cá nhân nhà vua hay quyền lực đại diện cho một thiểu số người giàu, cho dù được che chở bởi bất cứ thế lực hay sức mạnh thần quyền nào, mà bất chấp tự do và quyền lực của nhân dân.

Theo C.Mác: “Chế độ độ dân chủ là chế độ nhà nước với tính cách là khái niệm loài. Còn chế độ quân chủ thì chỉ là một trong những giống của chế độ nhà nước, mà lại là một giống tồi. Chế độ dân chủ là nội dung và hình thức. Chế độ quân chủ dường như chỉ là hình thức, nhưng trong thực tế thì nó xuyên tạc nội dung”(1). C.Mác giải thích tính chất “hình thức”, sự “xuyên tạc nội dung” dân chủ của chế độ quân chủ từ sự đối nghịch của mối quan hệ giữa chế độ nhà nước với nhân dân. Theo ông, trong chế độ quân chủ thì “nhân dân của chế độ nhà nước”, còn trong chế độ dân chủ thì “chế độ nhà nước của nhân dân”. Đó là sự đối nghịch về bản chất, như nước với lửa.

C.Mác nhấn mạnh rằng: “Chế độ dân chủ xuất phát từ con người và biến nhà nước thành con người được khách thể hóa. Cũng giống như tôn giáo không tạo ra con người mà con người tạo ra tôn giáo, ở đây cũng vậy; không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”(2). Nói cách khác, chính con người, hay chính là nhân dân là chủ thể tạo ra chế độ nhà nước dân chủ theo ý chí, nguyện vọng và quyền tự do của mình và do đó, nhà nước dân chủ chỉ là cái thể hiện ý chí của nhân dân, thể hiện quyền tự do của đại đa số nhân dân mà thôi.

Từ nhận thức rõ ràng về vai trò quyết định, chi phối của nhân dân đối với nhà nước trong chế độ dân chủ, C.Mác giải thích cụ thể hơn sự khác nhau về quan hệ giữa con người và pháp luật trong chế độ dân chủ và trong các chế độ khác (phi dân chủ), rằng: “Dưới chế độ dân chủ, không phải con người tồn tại vì luật pháp, mà luật pháp tồn tại vì con người; ở đây, sựtồn tại của con ngườilà luật pháp, trong khi đó thì dưới những hình thức khác của chế độ nhà nước, con người lại là tồn tại được quy định bởi luật pháp.Dấu hiệu đặc trưng cơ bản của chế độ dân chủ là như vậy”(3).

Có thể nói, trong tư tưởng của C.Mác về dân chủ, nhân dân là hòn đá thử vàng, là tiêu chí quyết định tính chất dân chủ của chế độ nhà nước. Do đó, “... chế độ nhà nước, một khi không còn là biểu hiện thật sự của ý chí của nhân dân nữa thì trở thành một cái hữu danh vô thực”(4).

Thứ hai, trong tư tưởng của C.Mác về dân chủ, sự tham gia chính trị của nhân dânlà yếu tố cốt lõi, quyết định đối với vai trò làm chủ của nhân dân trong chế độ nhà nước dân chủ. Sự tham gia chính trị của nhân dân không chỉ nằm trong chức năng của đại biểu hay đại diện mà còn là ở quyền bầu cử chính trị. Vì thế, bầu cử liên quan trực tiếp đến mối quan hệ giữa xã hội công dân với chế độ chính trị, với tính chất của chế độ nhà nước dân chủ.

Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Heghen, C.Mác nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của bầu cử chính trị, một dạng cơ bản của hình thức dân chủtrực tiếp. Ông cho rằng: “Bầu cửlà quan hệ thực sự của xã hội công dân thực sự, với xã hội công dân của quyền lập pháp, với yếu tố đại biểu. Nói cách khác, bầu cửlà quan hệ trực tiếp thẳng, không phải chỉ có tính chất đại biểu, mà đang thực tế tồn tại, của xã hội công dân với nhà nước chính trị. Vì vậy, hiển nhiên là bầu cửcấu thành lợi ích chính trị quan trọng nhất của xã hội công dân thực sự”(5). Cũng theo C.Mác, “Với cái quyền không hạn chế được đi bầu cử và được bầu ra, lần đầu tiên xã hội công dân thực sự tự nâng mình lên tới sự trừu tượng khỏi bản thân mình, tới tồn tại chính trịcoi là tồn tại chân chính, phổ biến và bản chất của mình. Nhưng hoàn thành sự trừu tượng này thì đồng thời cũng là xóa bỏ nó. Xác nhận tồn tại chính trịcủa mình là tồn tại chân chínhcủa mình, xã hội công dân cũng làm cho tồn tại công dân của mình, khác với tồn tại chính trị của mình, biến thành tồn tại không bản chất; và khi một trong những yếu tố tách rời nhau mà mất đi thì mặt đối lập của nó cũng mất theo”(6). Ở đây, logic của vấn đề là, khi quyền bầu cử chính trị được thực thi đầy đủ thì cả người dân đi bầu và đại diện được bầu ra đều thể hiện thực chất nguyên tắc dân chủ chân chính. Kết quả ấy cũng đồng thời xóa đi sự đối lập giữa “tồn tại công dân” với “tồn tại chính trị”, làm cho hai mặt đó trở nên thống nhất trong một chế độ dân chủ, chế độ mà thể chế chính trị là của nhân dân, do nhân dân quyết định và phục vụ cho lợi ích, quyền tự do của nhân dân.

Thứ ba, C.Mác đã là người đầu tiên giải thích về dân chủ dựa trên cơ sở quy luật vận động, phát triển của xã hội, trong đó kinh tế là một yếu tố quan trọng. Đây là quan điểm nhất quán, xuất phát từ lập trường duy vật biện chứng, theo C.Mác, dân chủ luôn gắn liền với sự vận động, phát triển của lịch sử loài người, nó là sản phẩm phản ánh tính chất các mối quan hệ xã hội của con người mà quan trọng nhất là mối quan hệ về kinh tế. Trong tất cả các thời đại, trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời, dân chủ bao giờ cũng hạn hẹp, hạn chế, không thể vượt qua những giới hạn tất yếu của đời sống hiện thực. Ngay cả nền dân chủ của thành bang Aten cũng chỉ giành sự công bằng tự do cho giới quý tộc và những người có tài sản, còn lại những người nghèo, dân ngụ cư, những người yếu thế trong xã hội thực chất vẫn đứng ngoài rìa nền dân chủ ấy. Và ngay cả trong mức độ hạn chế đó, thì chế độ cộng hòa của thành bang Aten cũng không thể bền vững. Nguyên nhân sự sụp đổ của nó như Ph.Ăngghen nhận xét: “Không phải chế độ dân chủ đã làm Aten sụp đổ... mà chính là chế độ nô lệ - tức là cái đã làm cho lao động của người công dân tự do bị khinh thị, đã làm cho Aten sụp đổ”(7).

C.Mác coi dân chủ tư sản là một bước tiến quan trọng của lịch sử, tuy nhiên đó hoàn toàn không phải là “triều đại ngàn năm của Chúa” - hình thức hoàn thiện cuối cùng của chế độ nhà nước dân chủ. Trong khi phê phán Cương lĩnh Gôta của phái Látxan, C.Mác đã chỉ ra rằng, nền dân chủ tư sản chỉ là nền dân chủ giành cho một thiểu số bóc lột, tức là giai cấp tư sản dựa trên sự tước đoạt tự do của công nhân và nhân dân lao động. Những chiêu bài như “sản phẩm lao động toàn vẹn”, “nhà nước tự do”, “vai trò cách mạng duy nhất của giai cấp vô sản”, chỉ là một mớ những lý luận lông bông, vô nguyên tắc, bao che cho chế độ nhà nước bóc lột của giai cấp tư sản. Một nền dân chủ chân chính phải là nền dân chủ của đa số nhân dân lao động, do đa số nhân dân làm chủ quyền lực trong xã hội. Yêu cầu ấy không thể thực hiện được trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Vấn đề mấu chốt ở đây là chỉ khi nào có một xã hội mới ra đời, lực lượng sản xuất phát triển đến mức độ xã hội hóa cao cùng với một quan hệ sản xuất tiến bộ mở đường cho sự phát triển kinh tế xã hội và giải phóng con người khỏi bóc lột mới có thể mang lại một nền dân chủ chân chính thực sự. Xã hộimới ấy là xã hộicộng sản chủ nghĩa, như C.Mác và Ph.Ăngghen viết trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức(1845): “Trong khuôn khổ của xã hộicộng sản chủ nghĩa, cái xã hộiduy nhất mà trong đó sự phát triểnđộc đáo và tự do của các cá nhân không còn là lời nói suông - sự phát triểnấy chính là mối liên hệ giữa nhữngcá nhân quyết định, mối liên hệ được biểu hiện một trong nhữngtiền đề kinh tế, một phần trong sự cố kết tất yếu của sự phát triểntự do của tất cả mọi người và cuối cùng trong tính chất phổ biến hoạt động của cá nhân trên cơ sở lực lượng sản xuất hiện có”(8). Xã hội ấy cũng chính là: “... một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(9), mà sau này cũng C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản(1848).

Thứ tư, trong tư tưởng của mình về dân chủ, C.Mác đã kế thừa có chọn lọc những hạt nhân hợp lý và những giá trị nhân văntrong quan niệm về dân chủ của nhiều tác giả đi trước, nhất là Aristotle và Hêghen. Khi phê phán những quan niệm sai lầm của Hêghen về chế độ nhà nước quân chủ chuyên chế, trong đó quyền của nhà vua “dựa trên quyền uy thần linh”, về tính tất yếu của đẳng cấp xã hội, về sự thần bí hóa và coi quy luật giá trị của xã hội tư sản là “ánh hào quang của lý tính”, về vai trò có tính hình thức của dân chủ trong nhà nước, về tôn giáo và vai trò của tôn giáo trong chế độ chính trị, v.v., C.Mác lại đánh giá cao và kế thừa từ Hêghen nhiều tư tưởng quan trọng, trong đó có những tư tưởng về dân chủ. Đặc biệt, C.Mác đồng tình với tư tưởng của Hêghen về sự công bằng trong xã hội công dân, đánh giá cao việc Hêghen đưa ra cơ sở triết học cho việc xây dựng và ban hành các bộ luật, cho quyền công bằng của nhân dân trước pháp luật và cho việc xét xử, cũng như thực thi các bản án. Trong đó, nhất là tư tưởng của Hêghen trong việc kiên quyết loại bỏ những biểu hiện tiêu cực gây khổ sở cho nhân dân do sự chuyên quyền và những hoạt động bất hợp pháp của cá nhân ra khỏi các hoạt động của toàn bộ hệ thống nhà nước.

Khi xem xét tư tưởng của C.Mác về dân chủ, có thể thấy vấn đề cốt lõi, trung tâm là tự dovà vai trò quyền lực của nhân dân. Điều ấy cũng chứa đựng trong nó ý nghĩa nhân văn cao cả khi hướng dân chủ tới mục đích tự do, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân. Lấp lánh trong tư tưởng ấy, có thể nhận ra ba trụ cột cơ bản của nền dân chủ theo quan niệm của Aristotle, đó là tự do, công lý vàchủ quyềncủa nhân dân. Hơn thế nữa, không phải ngẫu nhiên khi ta thấy có sự tương đồng, gần gũi giữa tư tưởng của C.Mác về dân chủ với tuyên ngôn của nhà triết học phương Đông là Mạnh Tử, rằng: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.

2. Những tư tưởng của C.Mác về dân chủ đã được Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp thu, phát triển, hiện thực hóa phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam. Ngay từ ban đầu, tư tưởng dân chủ của C.Mác, những nguyên tắc và yêu cầu về xây dựng chế độ nhà nước dân chủ nhân dân, thực thi các quyền dân chủ theo định hướng XHCN đã được khẳng định là cơ sở lý luận cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và là mục tiêu của cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Trải qua quá trình lịch sử cách mạng, những nhận thức của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về nội dung, vai trò và ý nghĩa của dân chủ, về những nguyên tắc và biểu hiện cụ thể của chế độ dân chủ, càng ngày càng sâu sắc hơn, càng mang ý nghĩa nhân văn, tiến bộ hơn. Đó cũng chính là quá trình Đảng và Nhà nước Việt Nam không ngừng phát triển, vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý về dân chủ của C.Mác nói riêng và của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những thành tựu phát triển lý luận về dân chủ ấy đã được bổ sung kịp thời vào đường lối cách mạng, được cụ thể hóa thành các chủ trương, quyết sách của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước, được hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Nói cách khác, từ những nhận thức ban đầu có tính nguyên tắc về chế độ dân chủ, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã không ngừng phát triển, hoàn thiện nhận thức và đường lối, chính sách để xây dựng nền dân chủ XHCN, thể hiện ngày càng sinh động, tiến bộ hơn nguyên tắc: Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

 Nền dân chủ XHCNcủa chúng ta khác về bản chất đối với nền dân chủ tư sản và các nền dân chủ đã từng tồn tại trong lịch sử nhân loại. Đó là nền dân chủ tiến bộ, nhân văn, của toàn thể nhân dân lao động, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Nền dân chủ XHCN được bảo đảm bằng hệ thống pháp luật, bằng hệ thống tổ chức Nhà nước do nhân dân bầu ra, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nền dân chủ XHCN cũng không ngừng được hoàn thiện cùng với quá trình không ngừng cải thiện điều kiện sống, mở rộng, phong phú thêm các yêu cầu đa dạng của nhân dân về quyền tự do, tự quyết và các điều kiện cho sự phát triển toàn diện của con người. Nền dân chủ ấy chính là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu chân chính của cách mạng, vừa giữ vai trò động lực phát triển trong quá trình xây dựng đất nước và có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, đặc điểm quan trọng nhất của nền dân chủ XHCN Việt Nam thể hiện ở tính chất, đặc điểm của chế độ nhà nước dân chủ nhân dân. Tất cả các bản hiến pháp, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, đều khẳng định nguyên tắc chủ quyền của nhân dân trong chế độ nhà nước Việt Nam, trong đó, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dânvà Nhà nước do nhân dân làm chủ. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nguyên tắc chủ quyền của nhân dân được khẳng định nhất quán ngay từ trong đường lối cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định rõ, Nhà nước ta là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩacủa nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”(10). Việc bảo đảm nguyên tắc dân chủ được thực hiện qua cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Thứ hai, Nhà nước Việt Nam do nhân dân bầu ra thông qua các đại biểu của mình. Ở cấp địa phương, các đại biểu của nhân dân do nhân dân bầu cử trực tiếp, tổ chức thành hội đồng nhân dân các cấp, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở mỗi địa phương. Trên phạm vi quốc gia, nhân dân trực tiếp bầu ra đại biểu quốc hội và Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực thi quyền lập pháp, thay mặt nhân dân tổ chức ra bộ máy nhà nước và giám sát hoạt động của bộ máy đó. Nhà nước xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật, quản lý đất nước bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN theo nguyên tắc bảo đảm quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân với xã hội và đất nước.

Thứ ba, nhân dân được hưởng, được tôn trọng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người, quyền bình đẳng trước pháp luật và được hệ thống pháp luật bảo vệ, bảo đảm những quyền đó được thực thi công bằng. Nhân dân được tạo điều kiện thận lợi để không ngừng cải thiện điều kiện sống của mình cả về vật chất và tinh thần. Việc không ngừng cải thiện đời sống cũng chính là một điều kiện rất quan trọng nhằm không ngừng tăng cường, hoàn thiện nền dân chủ XHCN, làm cho quyền tự do và vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được bảo đảm tốt hơn.

Thứ tư, nhân dân có quyền trực tiếp tham gia các hoạt động quản lý của nhà nước, xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách và quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh. Nhà nước tạo điều kiện và dần dần luật hóa các hình thức, yêu cầu để bảo đảm nhân dân thực thi quyền tham gia trực tiếp vào các hoạt động nhà nước thông qua các biện pháp như: Tham gia thảo luận, góp ý kiến vào các dự thảo luật; góp ý, kiến nghị trong xây dựng các chính sách kinh tế, xã hội; thực hiện quyền quyết định trong các cuộc trưng cầu dân ý...

Thứ năm, nhân dân được bảo đảm quyền tự do, dân chủ trong kinh tế theo hai bình diện: quyền, các lợi ích kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Bằng việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất lao động, hoàn thiện và thực thi hệ thống chính sách an sinh xã hội tiến bộ, tích cực, Nhà nước không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, làm cho nhân dân ngày càng hạnh phúc, ngày càng có môi trường sống tốt đẹp, hài hòa, có các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển về con người. Nhà nước xây dựng hệ thống chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý trên cơ sở nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo điều kiện cho mọi người dân phát huy khả năng, nguồn lực, phát triển sản xuất, làm giàu cho mình và góp phần tăng cường sức mạnh của đất nước.

Thứ sáu, nhân dân được hưởng các quyền tự do, dân chủ trong lĩnh vực văn hóa - xã hội với mục đích đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhu cầu ngày càng phong phú của nhân dân về văn hóa, giáo dục, y tế, v.v.. nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi người dân được phát triển, hoàn thiện về đức, trí, thể, mỹ.

Thứ bảy, Nhà nước và mọi quyền lực trong xã hội đều đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra. Pháp luật nhà nước quy định và bảo đảm cho nhân dân được quyền giám sát các cơ quan quyền lực nhà nước, giám sát các cán bộ có trách nhiệm trong bộ máy các cơ quan quyền lực nhà nước bằng những con đường, cách thức khác nhau như: phản ánh ý kiến trực tiếp cho các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm hoặc các văn bản đơn thư gián tiếp, thông qua hoạt động tiếp dân của các cơ quan, tổ chức nhà nước, thông qua các đoàn thể, tổ chức nhân dân, v.v.. Hệ thống truyền thông đại chúng là một kênh tiếp nhận và phản ánh thông tin của nhân dân trong việc giám sát xã hội đối với Nhà nước. Các nguyên tắc dân chủ ở cơ sở được pháp lý hóa để bảo đảm phát huy vai trò làm chủ của nhân dân.

Thứ tám, cùng với những quyền tự do và chủ quyền trong mối quan hệ trực tiếp với Nhà nước, nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Đây thực sự là một kênh giám sát quyền lực, phản biện xã hội, thể hiện rõ quyền lực của nhân dân. Hệ thống tổ chức Mặt trận và các đoàn thể nhân dân không chỉ tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân thực hiện quyền giám sát nhà nước và các quyền lực xã hội, mà đồng thời còn thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ cho các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Tóm lại, mặc dù ngày nay khi mà cuộc sống đã có nhiều thay đổi vô cùng to lớn so với thời đại mà C.Mác sống, nhưng những tư tưởng của C.Mác về một nền dân chủ chân chính, tiến bộ vẫn còn nguyên giá trị. Nền dân chủ XHCN ở Việt Nam hiện nay không chỉ thể hiện sinh động những tư tưởng của C.Mác về một nền dân chủ mới, trong đó, nhân dân là chủ nhân của xã hội, mọi quyền lực trong xã hội đều thuộc về nhân dân, mà còn được phát triển sáng tạo, làm cho phong phú hơn, toàn diện hơn trong điều kiện cụ thể của nước ta.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018

(1), (2), (3), (4), (5), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.349, 350, 350, 394, 496, 496.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,t.21, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,  Hà Nội, 1995, tr.179.

(8), (9) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.644, 628.

(10) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.85

 

GS, TS Tạ Ngọc Tấn

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền