Trang chủ    Bài nổi bật    Phép biện chứng trong bộ Tư bản - Giá trị khoa học và ý nghĩa hiện thời
Thứ năm, 26 Tháng 7 2018 16:40
4098 Lượt xem

Phép biện chứng trong bộ Tư bản - Giá trị khoa học và ý nghĩa hiện thời

(LLCT) - Trong bộ Tư bản, C.Mác đã vận dụng phương pháp biện chứng vào phân tích quá trình sản xuất TBCN: vận dụng quy luật lượng - chất để phân tích các hiện tượng kinh tế - xã hội; phân tích lượng của giá trị trao đổi của hàng hóa; nghiên cứu sự tăng cường độ lao động trong phương thức sản xuất TBCN; vận dụng quy luật mâu thuẫn vào xem xét mâu thuẫn của quá trình sản xuất hàng hóa TBCN... Ngày nay, thực tiễn thế giới đã có những thay đổi to lớn nhưng giá trị của phép biện chứng duy vật trong bộ Tư bản vẫn còn nguyên vẹn.

Bộ Tư bản là kết quả nghiên cứu 40 năm của C.Mác từ 1843-1883. Trong tác phẩm này, C.Mác đã vận dụng phương pháp biện chứng vào phân tích quá trình sản xuất TBCN, thể hiện rõ qua một số nội dung quan trọng sau đây:

1. C.Mác vận dụng quy luật lượng - chất để phân tích chỉ ra tính vật chất của các hiện tượng kinh tế - xã hội.

Khi phân tích các hiện tượng kinh tế - xã hội ở phương thức sản xuất tư bản, C.Mác đã chỉ ra tính vật chất đặc biệt của chúng. C.Mác đã phân biệt các chất thuần túy tự nhiên và các chất xã hội của các vật. Khi viết về hàng hóa, C.Mác đã lấy ví dụ: “Trong biểu hiện trọng lượng của bánh đường, sắt đại biểu cho một thuộc tính tự nhiên chung cho cả hai vật thể ấy là sức nặng; còn trong biểu hiện giá trị của vải thì áo lại đại biểu cho thuộc tính phi tự nhiên của cả hai vật: đó là giá trị của chúng, một cái gì có tính chất thuần túy xã hội”(1). Tương tự như vậy, C.Mác đã xem xét sự khác nhau giữa phẩm chất tự nhiên và phẩm chất xã hội của con người; sự hao mòn hữu hình và hao mòn vô hình của hàng hóa, của máy móc,v.v.. Theo C.Mác, chất tự nhiên và chất xã hội này - là hai lớp hiện tượng khác nhau, có con đường phát triển riêng của nó. Đây là phát hiện khoa học của C.Mác, bởi vì đằng sau các quan hệ giữa vật với vật, giữa hàng hóa với hàng hóa, C.Mác đã nhìn thấy quan hệ xã hội, quan hệ giữa người với người. Điều mà các nhà kinh tế chính trị học trước đó cũng như đương thời không phát hiện ra. Chính các nhà kinh tế chính trị học tư sản trước đó đã bị hạn chế ở điểm này. Họ không hiểu được chất xã hội của các hiện tượng kinh tế - xã hội, trong đó có chất xã hội của hàng hóa. Đằng sau các quan hệ giữa các hàng hóa “chỉ là một quan hệ xã hội nhất định của chính con người, nhưng dưới con mắt của họ thì quan hệ ấy lại mang cái hình thái kỳ ảo của mối quan hệ giữa các vật”(2).

Vận dụng quy luật lượng - chất, C.Mác chia các chất xã hội của các vật làm hai loại. Chất xã hội thứ nhất là chất xã hội mà con người bằng lao động của mình đem lại cho các vật liệu tự nhiên thành những vật dụng có ích, như bàn, ghế, đồ dùng,v.v.. Chất xã hội thứ hai là chất xã hội tồn tại ở những vật thể không cảm giác được, đó là khi sự vật tồn tại với tư cách là hàng hóa. C.Mác lấy ví dụ cụ thể như sau: khi người ta lấy gỗ làm bàn thì ai cũng rõ bàn là gỗ thông qua giác quan. Chất tự nhiên ở đây là gỗ. Chất xã hội thứ nhất đã làm cho gỗ trở thành bàn. Nhờ chất xã hội thứ nhất này mà gỗ trở thành vật dụng hữu ích cho con người với tư cách là cái bàn. “Nhưng một khi nó trở thành hàng hóa thì nó lại biến thành một vật vừa có thể biết được nhờ giác quan, lại vừa không thể biết được qua giác quan”(3). Nói khác đi, từ chất liệu gỗ, người thợ mộc đóng thành cái bàn gỗ, làm cho bàn này có ích, có công dụng, đó là chất xã hội thứ nhất. Nhưng cái mà làm nên cái bàn với tư cách là hàng hóa để có thể dùng để trao đổi với hàng hóa khác thì đó là chất xã hội thứ hai. Chất xã hội thứ hai này chúng ta không thể thấy được bằng cảm giác thông qua giác quan. Chúng ta biết được đó là bàn gỗ thông qua giác quan, nhưng chúng ta không biết được bàn với tư cách là hàng hóa thông qua giác quan. Những vật mà người ta vừa có thể biết được nhờ giác quan, lại vừa không thể biết được nhờ giác quan được C.Mác gọi “là những vật xã hội”(4). Chất xã hội thứ hai này tồn tại ở những vật siêu cảm tính này với tính cách là hàng hóa. Do vậy, bằng ý thức thông thường khó phát hiện được chất xã hội loại thứ hai này. Để phát hiện được chất xã hội loại thứ hai này cần phải có sự phân tích khoa học chuyên môn, phải trừu tượng hóa khoa học. Trong bộ Tư bản, C.Mác đã vận dụng quy luật lượng - chất khảo sát chất xã hội thứ hai này của giá trị; của tiền; của sự hao mòn hữu hình và vô hình của máy móc. Đây là phương pháp tiếp cận khoa học và vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận cho nghiên cứu các hiện tượng kinh tế - xã hội.

C.Mác cũng đã vận dụng phương pháp luận khoa học này phát hiện ra cái ẩn dấu đằng sau sự so sánh được giữa các hàng hóa khác nhau chính là giá trị - tức là chất xã hội thứ hai của hàng hóa. C.Mác khẳng định: “...các hàng hóa chỉ có giá trị (Wertgegenstandlichkelt) trong chừng mực chúng là những biểu hiện của cùng một thể thống nhất có tính chất xã hội, tức là của lao động của con người, rằng do đó, giá trị (Wertgegenstandlichkelt) của hàng hóa chỉ có một tính chất thuần túy xã hội”(5). Như vậy, vận dụng phép biện chứng lượng - chất, C.Mác đã phát hiện ra hình thái tính vật chất đặc biệt của các hiện tượng xã hội và sự lệ thuộc của chất tự nhiên vào chất xã hội. Cụ thể là, đối với hàng hóa thì chất tự nhiên của nó phụ thuộc vào chất xã hội của nó.

C.Mác cho rằng, giá trị theo nghĩa tự nhiên và nghĩa sự vật của từ này là phi vật chất, nhưng theo nghĩa kinh tế - xã hội - với tính cách là kết quả hao phí lao động xã hội cần thiết được kết tinh trong hàng hóa, với tính cách một cái gì tương đương một lượng vàng tương ứng - là mang tính vật chất. Sự lệ thuộc của chất tự nhiên vào chất xã hội trong hàng hóa là sự lệ thuộc của giá trị sử dụng vào giá trị trao đổi; của lao động cụ thể vào lao động trừu tượng. Trong đồ vật, giá trị sử dụng xem như cũng có hai chất, chất tự nhiên tự nó - ví dụ, như lanh và chất xã hội do con người đem lại cho nó, biến nó, làm cho nó thành đồ tiêu dùng, ví dụ như vải lanh, áo lanh,v.v.. Như vậy, trong đồ vật hữu quan, chất tự nhiên và chất xã hội đã được vật chất hóa trong nó thành một thể thống nhất. Giữa chất tự nhiên và chất xã hội đã được vật chất hóa trong đồ vật hữu quan thì chất tự nhiên là “đại biểu vật thể” của các chất xã hội. Nhưng chất xã hội thứ hai mới là cái quyết định sự tồn tại xã hội của đồ vật với tư cách là hàng hóa chứ không phải chất tự nhiên của hàng hóa.

Tương tự, C.Mác vận dụng phương pháp luận này để phân tích hao mòn vật chất và hao mòn tinh thần của máy móc. Trong bộ Tư bản, C.Mác đã phân tích, chỉ ra: “Nhưng ngoài sự hao mòn về vật chất, có thể nói là máy móc cũng bị hao mòn về tinh thần nữa. Máy móc sẽ mất giá trị trao đổi theo mức độ mà những máy cùng một cấu tạo lại được sản xuất ra rẻ hơn hoặc khi có những máy tốt hơn cạnh tranh với chúng. Trong cả hai trường hợp dù máy còn trẻ và đầy sức sống đến đâu đi nữa, thì giá trị của nó cũng không còn do thời gian lao động đã thực tế vật hóa trong nó quyết định nữa, mà lại do thời gian lao động cần thiết để tái sản xuất ra nó hay để tái sản xuất ra những máy tốt hơn, quyết định. Vì vậy, nó ít nhiều bị mất giá đi”(6). Đây là sự mất mát, hao mòn về mặt xã hội, tinh thần của máy móc mà bằng giác quan con người không thể nhận biết được. Điều này có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng cho những nước đi sau muốn hiện đại hóa lực lượng sản xuất của mình phải biết tránh không trở thành bãi rác công nghệ của những nước đi trước.

2. C.Mác vận dụng quy luật lượng - chất để phân tích lượng của giá trị trao đổi của hàng hóa.

Trong bộ Tư bản, C.Mác chỉ rõ, hàng hóa với tư cách là các giá trị sử dụng thì khác nhau về chất, nhưng với tính cách là những giá trị trao đổi thì chúng khác nhau về lượng. Trên cơ sở đó, C.Mác đã phát hiện ra tính có thể so sánh được của các hàng hóa cũng như tính có thể đo lường được về mặt lượng của chúng. C.Mác khẳng định, mặc dù giá trị của hàng hóa được quyết định bởi lượng lao động chứa trong hàng hóa đó, nhưng chính bản thân lượng lao động này lại được quyết định bởi lượng lao động xã hội. Nói khác đi “chỉ có lượng lao động xã hội cần thiết, hay thời gian lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra một giá trị sử dụng, mới quyết định đại lượng giá trị của giá trị sử dụng”(7). Vì vậy, trong bộ Tư bản, C.Mác đã phân tích kỹ lưỡng những điều kiện xã hội ảnh hưởng tới sức sản xuất của lao động và đại lượng các chi phí xã hội cần thiết của nó như: trình độ thành thạo, khéo léo trung bình của người công nhân; trình độ phát triển của khoa học và trình độ áp dụng khoa học vào quy trình công nghệ sản xuất; sự kết hợp xã hội của quy trình sản xuất; quy mô và hiệu quả của tư liệu sản xuất, điều kiện tự nhiên(8)... Ý nghĩa phương pháp luận rút ra là muốn nâng được mặt lượng của giá trị trao đổi của hàng hóa thì phải nâng được trình độ kỹ thuật, trình độ khéo léo trung bình của người công nhân; trình độ phát triển của khoa học, công nghệ,v.v..

3. C.Mác vận dụng quy luật lượng - chất để nghiên cứu sự tăng cường độ lao động trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

Trong bộ Tư bản, C.Mác xem xét “lượng” dưới lát cắt sự tăng cường độ lao động - tức là sự biến đổi các đại lượng thời gian kéo dài thành những đại lượng cường độ - đó là đặc trưng lượng - chất mà C.Mác muốn chỉ ra trong việc tăng cường độ lao động. Bởi lẽ, theo C.Mác, “trong cái nguyện vọng mù quáng vô độ của nó, trong cơn thèm khát lang sói đối với lao động thặng dư, tư bản không những đã vượt quá cái giới hạn tinh thần, mà còn vượt quá cả cái giới hạn thuần túy sinh lý tối đa của ngày lao động nữa. Nó tiếm đoạt số thời gian cần thiết cho sự lớn lên, cho sự phát triển và duy trì cơ thể một cách lành mạnh. Nó ăn cắp cả số thời gian cần thiết để hưởng thụ không khí trong lành và ánh sáng mặt trời”(9). Do đó, theo C.Mác, “Tư bản chẳng hề quan tâm đến đến tuổi thọ của sức lao động. Điều duy nhất làm cho nó quan tâm là cái mức tối đa của sức lao động mà nó có thể vận dụng được trong một ngày lao động”(10). Trên cơ sở đó, C.Mác đã phát hiện ra quy luật, theo đó: năng lực hoạt động của sức lao động tỷ lệ nghịch với thời gian hoạt động của nó. Điều này vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận khoa học và ý nghĩa thực tiễn đối với nghiên cứu phương thức sản xuất TBCN hiện đại.

4. C.Mác vận dụng quy luật mâu thuẫn vào xem xét mâu thuẫn của quá trình sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa

Trong bộ Tư bản, C.Mác đã khái quát sự thống nhất và mâu thuẫn trong hàng hóa và trao đổi hàng hóa như sau: “các hàng hóa phải được thực hiện với tư cách là những giá trị trước khi chúng có thể được thực hiện với tư cách là những giá trị sử dụng. Mặt khác, trước khi hàng hóa có thể được thực hiện với tư cách là những giá trị thì chúng phải chứng tỏ rằng chúng là những giá trị sử dụng”(11). Vận dụng phương pháp biện chứng duy vật, C.Mác từ nghiên cứu sự thống nhất và đấu tranh lẫn nhau giữa giá trị và giá trị sử dụng trong hàng hóa, đi đến xem xét sự thống nhất và đấu tranh lẫn nhau giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng; giữa lao động cá nhân và lao động xã hội. Từ đó, C.Mác chỉ ra rằng, lao động sản xuất ra hàng hóa cũng chứa đầy mâu thuẫn. Chính mâu thuẫn giữa lao động cụ thể và lao động trừu tượng; giữa lao động cá nhân và lao động xã hội là nguồn gốc của tính hai mặt của hàng hóa; là nguồn gốc của mọi mâu thuẫn khác trong lòng phương thức sản xuất TBCN. Từ phân tích mâu thuẫn cơ bản trong hàng hóa, C.Mác chỉ ra rằng tất cả các quan hệ kinh tế sản xuất TBCN đều chứa đựng mâu thuẫn nội tại của chúng. Những mâu thuẫn này luôn vận động và chúng chỉ được giải quyết trong quá trình vận động. Trong bộ Tư bản, C.Mác chỉ rõ quá trình hình thành, phát triển và diệt vong của CNTB là do chính những mâu thuẫn nội tại bên trong lòng phương thức sản xuất TBCN quy định. Bởi lẽ, quá trình sản xuất TBCN cũng là quá trình đồng thời sản xuất ra giá trị sử dụng và giá trị thặng dư. Đây đồng thời cũng là tính hai mặt vừa thống nhất, vừa mâu thuẫn nhau của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Rõ ràng, điều này cho ta phương pháp luận quan trọng là chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì càng tạo ra những điều kiện kinh tế, vật chất, kỹ thuật để “thủ tiêu” chính nó.

5. C.Mác vận dụng phép biện chứng duy vật vào phân tích mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

C.Mác đã chỉ ra rằng, nghịch lý của nền sản xuất TBCN là ở chỗ, lẽ ra việc cải tiến kỹ thuật, phát triển máy móc mới cho sản xuất thì thời gian lao động của người công nhân phải được rút ngắn, thì ngược lại kéo dài tăng lên; lẽ ra cường độ lao động của công nhân được giảm đi thì bây giờ lại tăng lên; lẽ ra việc sử dụng máy móc vào sản xuất thì con người được giải phóng, ngược lại con người bị nô dịch nặng nề hơn; máy móc góp phần làm tăng của cải xã hội nhưng đời sống của người công nhân không được tăng theo tỷ lệ tương ứng,v.v.. Những mâu thuẫn nội tại ấy trong lòng phương thức sản xuất TBCN ngày càng trở nên gay gắt. Đặc biệt, sự gay gắt này càng tăng khi giai cấp tư sản thực hiện sự chuyển hóa giá trị thặng dư thành tư bản mới “sự tích lũy nghèo khổ tương ứng với sự tích lũy tư bản”(12). Do vậy, trong phương thức sản xuất TBCN nhà tư bản càng giàu lên bao nhiêu thì người công nhân càng nghèo khổ, bần cùng đi bấy nhiêu. Qua đó, C.Mác chỉ ra rằng, mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa tính xã hội hóa cao của lực lượng sản xuất với tính chất chiếm hữu tư bản tư nhân chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Tất cả những mâu thuẫn khác trong lòng CNTB chẳng qua chỉ là biểu hiện cụ thể của mâu thuẫn cơ bản này mà thôi. Giai cấp tư sản có thể khắc phục được mâu thuẫn nào đó thì mâu thuẫn khác lại nảy sinh. Mâu thuẫn mới sẽ còn gay gắt hơn mâu thuẫn cũ. Nhưng, C.Mác cũng chỉ ra rằng cùng với sự nghèo đói, bần cùng, áp bức, bóc lột, thoái hóa tăng thêm thì “sự căm phẫn của giai cấp công nhân - một giai cấp đang ngày càng không ngừng đông đảo hơn, ngày càng được cơ chế của bản thân quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa huấn luyện, đoàn kết và tổ chức lại - cũng tăng lên”(13), và “sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt đến cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản chủ nghĩa của chúng nữa. Cái vỏ đó vỡ tung ra. Giờ tận số của chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ đi tước đoạt bị tước đoạt”(14). Khi ấy, phương thức sản xuất mới tiến bộ sẽ được ra đời thay thế phương thức sản xuất TBCN. Điều này vẫn còn nguyên giá trị khoa học và ý nghĩa phương pháp luận đối với chúng ta hiện nay.

6. Trong bộ Tư bản, C.Mác xem quy luật phủ định của phủ định như là hình thức vận động nhằm giải quyết mâu thuẫn

Nếu quá trình sản xuất giá trị thặng dư là chính đề, quá trình hiện thực nó là phản đề, thì sự tạo thành lợi nhuận bình quân là hợp đề của cả hai cái, là sự phủ định cái phủ định. Trong bộ Tư bản, mâu thuẫn giữa giá trị sử dụng và giá trị được thực hiện trong quá trình lưu thông hàng hóa,v.v.. Vận dụng quy luật phủ định của phủ định vào phân tích tích lũy tư bản, C.Mác đã chỉ ra rất đúng rằng: “Phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đẻ ra, và do đó, cả chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa nữa đều là sự phủ định đầu tiên đối với chế độ tư hữu cá nhân dựa trên lao động của bản thân. Nhưng nền sản xuất tư bản chủ nghĩa lại đẻ ra sự phủ định bản thân nó, với tính tất yếu của quá trình tự nhiên. Đó là sự phủ định cái phủ định. Sự phủ định này không khôi phục lại chế độ tư hữu, mà khôi phục lại chế độ tư hữu cá nhân trên cơ sở những thành tựu của thời đại tư bản chủ nghĩa: trên cơ sở sự hiệp tác và sự chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra”(15). Điều này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nó chứng tỏ trong xã hội XHCN sẽ không xóa bỏ chế độ tư hữu cá nhân trên cơ sở hiệp tác và chiếm hữu công cộng đối với ruộng đất và những tư liệu sản xuất do chính lao động làm ra. Do vậy, những ai cho CNXH là xóa bỏ tư hữu nói chung là không đúng tinh thần của C.Mác.

Hơn 135 năm đã trôi qua kể từ khi tập 1 của bộ Tư bản được xuất bản lần đầu tiên (năm 1883), thực tiễn đã có sự vận động, phát triển không ngừng nhưng những nội dung khoa học của bộ Tư bản, nhất là những nội dung về phép biện chứng duy vật vẫn giữ nguyên giá trị, ý nghĩa thời đại. Bộ Tư bản không chỉ là tác phẩm kinh tế đơn thuần mà còn là tác phẩm triết học. Trong đó, những phương pháp nghiên cứu của phép biện chứng duy vật được C.Mác vận dụng hết sức nhuần nhuyễn vào phân tích phương thức sản xuất TBCN. Trong bộ Tư bản, C.Mác còn trình bày những nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật và lôgíc biện chứng; vạch ra sự khác nhau giữa phương pháp biện chứng duy vật của C.Mác với phương pháp biện chứng duy tâm của Hêghen. Trong Lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai bộ Tư bản, C.Mác đã viết: “Phương pháp biện chứng của tôi không những khác phương pháp của Hêghen về cơ bản, mà còn đối lập hẳn với phương pháp ấy nữa. Đối với Hêghen, quá trình tư duy - mà ông ta thậm chí còn biến thành một chủ thể độc lập dưới cái tên gọi ý niệm - chính là vị thần sáng tạo ra hiện thực, và hiện thực này chẳng qua chỉ là biểu hiện bên ngoài của tư duy mà thôi. Đối với tôi thì trái lại, ý niệm chẳng qua chỉ là vật chất được đem chuyển vào trong đầu óc con người và được cải biến đi ở trong đó”(16). Đồng thời, trong bộ Tư bản, C.Mác cũng xây dựng nên phương pháp đi từ trừu tượng đến cụ thể; phương pháp thống nhất giữa lịch sử và lôgíc, phương pháp trừu tượng hóa khoa học. Những phương pháp khoa học này vẫn giữ nguyên giá trị khoa học và ý nghĩa phương pháp luận.

Nhờ phương pháp luận biện chứng duy vật mà C.Mác đã rút ra những nguyên lý lý luận khoa học, cách mạng soi đường cho phong trào công nhân. Đúng như trong Lời tựa viết cho bản tiếng Anh của bộ Tư bản, Ph.Ăngghen đã khẳng định: “không một ai đã từng biết về phong trào công nhân mà lại không thừa nhận rằng, những kết luận đã nói trong quyển Tư bản ngày càng trở thành những nguyên lý cơ bản của phong trào vĩ đại của giai cấp công nhân, không những ở Đức và ở Thụy Sĩ, mà cả ở Pháp, ở Hà Lan, ở Bỉ, ở Mỹ, và thậm chí ở cả Italia và Tây Ban Nha nữa; rằng bất kỳ ở đâu, giai cấp công nhân cũng thừa nhận những kết luận ấy là biểu hiện đúng đắn nhất của tình cảnh và nguyện vọng của họ”(17).

Những phương pháp luận của phép biện chứng duy vật trong bộ Tư bản có ý nghĩa quan trọng đối với chúng ta trong nhận thức và giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội trong xã hội hiện đại. Như Ph.Ăngghen đã từng khẳng định “toàn bộ thế giới quan của Mác không phải là một học thuyết, mà là một phương pháp, nó không đem lại những giáo điều có sẵn, mà đem lại những điểm xuất phát cho việc tiếp tục nghiên cứu và phương pháp cho sự nghiệp nghiên cứu đó”(18). Không phải ngẫu nhiên mà trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới người ta lại tìm bộ Tư bản của C.Mác để đọc. Đúng như Eric Hobsbawn, nhà sử học người Anh đã nhận định “không có gì ngạc nhiên khi các nhà tư bản thông minh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, lại có ấn tượng mạnh bởi tư tưởng của Mác, vì họ cần hiểu hơn những người khác về bản chất và sự bất ổn của nền kinh tế tư bản mà họ đang điều hành”(19). Điều này cũng hoàn toàn đúng với những nội dung của phép biện chứng duy vật trong bộ Tư bản của C.Mác.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1993, tr.94, 115, 113-114, 115, 80, 581, 68, 69, 387, 388, 134,909, 1059, 1059, 1059-1060, 35, 49.

(18)C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.39, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1999, tr.545.

(19) Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa Mác Thụy Sỹ;www.chemarx.org, ngày 17-10-2008.

 

GS, TS Trần văn Phòng

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền