Trang chủ    Bài nổi bật    Giá trị định hướng của tư tưởng của C.Mác trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Thứ tư, 29 Tháng 8 2018 15:22
1878 Lượt xem

Giá trị định hướng của tư tưởng của C.Mác trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam

(LLCT) - Các Mác là nhà tư tưởng, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân toàn thế giới. Trong di sản tư tưởng đồ sộ mà Người để lại cho nhân loại, có tư tưởng về văn hóa, bao gồm tư tưởng về phương pháp tiếp cận; về văn hóa nhận đạo, nhân văn và văn hóa đạo đức...

Trên cơ sở chỉ dẫn của C.Mác và xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa về văn hóa và Chiến lược xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều chủ trương, Nghị quyết, trong đó có  Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong điều kiện mới, để hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng trên cơ sở chỉ dẫn của C. Mác và Hồ Chí Minh, cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó giải pháp có tính đột phá là xây dựng và hoàn chỉnh thể chế về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

1. Giá trị trong tư tưởng của C.Mác về văn hóa

Thứ nhất, C.Mác đã đưa ra phương pháp tiếp cận duy vật lịch sử về văn hóa

Văn hóa là khái niệm đa nghĩa gắn liền với con người và đời sống con người. Trong đời sống xã hội, văn hóa không tồn tại độc lập, tách biệt mà thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ xã hội của con người. Trình độ văn hóa của con người thể hiện và phản ánh trình độ phát triển của xã hội trên các lĩnh vực: trong lao động sản xuất (quan hệ với tự nhiên); trong tổ chức và quan hệ gia đình, xã hội, tổ quốc, nhân loại (quan hệ xã hội); trong tổ chức và quan hệ sinh hoạt riêng tư, phát triển trí tuệ, tài năng, phẩm hạnh cá nhân (hình thành nhân cách).

Với C.Mác, sau khi kế thừa “cái hạt nhân hợp lý”, cải tạo và loại bỏ cải vỏ thần bí duy tâm của Heghen để xây dựng nên lý thuyết mới của phép biện chứng và sau kế thừa chủ nghĩa duy vật của Phơ Bách, khắc phục tính siêu hình và những hạn chế lịch sử khác để xây dựng lý luận mới của chủ nghĩa duy vật, qua tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Heghen(1843); Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Heghen - Lời nói đầu(1844), Người đã thực hiện bước chuyển từ thế giới quan duy tâm sang thế giới quan duy vật, từ lập trường chính trị, dân chủ cách mạng,  sang lập trường cộng sản chủ nghĩa. Từ sự chuyển biến lập trường triết học và chính trị, đã hình thành quan điểm duy vật về lịch sử trong nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn nói chung, tiếp cận văn hóa nói riêng.

Xuất phát từ quan điểm cho rằng, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội, cơ cấu tất yếu do sản xuất kinh tế mà ra, cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị, lịch sử tư tưởng là nền tảng, là yếu tố quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội, của lịch sử nhân loại, C.Mác đã có nhận định về văn hóa với tư cách là toàn bộ những thành quả được tạo ra nhờ hoạt động lao động sáng tạo của con người, bao gồm, hoạt động sản xuất vật chất và hoạt động tái sản xuất ra đời sống hiện thực của con người, làm con người nhân đôi mình một cách hiện thực, một cách tích cực, để rồi con người ngắm nhìn bản thân mình trong thế giới do mình sáng tạo ra.

Với tư cách là thành quả của hoạt động lao động sáng tạo của con người, văn hóa được C.Mác xem xét trong sự phân tích “hoạt động sinh sống có ý thức” của con người. Theo C.Mác, con người “làm cho hoạt động sinh sống của mình thành đối tượng của ý chí và ý thức”(1). Rằng, con người trong hoạt động sinh sống theo qui luật của cái đẹp đã sáng tạo ra “thiên nhiên thứ hai”, đối tượng của ý chí và ý thức. Và, chính trong quá trình sáng tạo đó, “con người nhân đôi mình không chỉ về mặt trí tuệ như xảy ra trong ý thức, mà còn nhân đôi mình một cách hiện thực, một cách tích cực và con người ngắm nhìn mình trong thế giới do mình sáng tạo ra”[2]. Văn hóa chính là hoạt động có ý thức một cách tích cực và sáng tạo của con người, nhờ đó con người đã tồn tại với tư cách là một thực thể độc lập, có ý thức, có năng lực tư duy và khả năng lao động sáng tạo, tuyệt nhiên không phải là cái “bóng của hiện thực” lệ thuộc như một tất yếu của tự nhiên, hoặc của một đấng sáng thế tối cao với sức mạnh siêu nhiên huyền bí. Như vậy, theo C.Mác, văn hóa không chỉ là hoạt động lao động sản xuất tạo nên những giá trị vật chất phản ánh quan hệ con người với tự nhiên, mà văn hóa còn là lĩnh vực hoạt động mà nhờ đó, con người được sản sinh ra với tư cách là một thực thể xã hội, phản ánh quan hệ con người với con người xã hội. Bằng những hoạt động nền tảng này, con người tạo nên nền văn hóa của mình, sống trong nền văn hóa đó và làm cho nền văn hóa đó ngày một phát triển, hoàn thiện và tỏa sáng vì cuộc sống ngày càng nhân văn, cao đẹp của mình, vì một xã hội nhân đạo, công bằng, dân chủ, văn minh và vì sự hoàn thiện của chính con người. Đồng thời, thông qua kết quả của những hoạt động sống, con người phát xét, kiểm chứng toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển của con người, của xã hội loài người, thẩm định hệ thống những giá trị định hướng cho hoạt động con người và thể hiện giá trị đó qua nền văn hóa của con người. Nhờ đó, kết quả hoạt động của con người trong các lĩnh vực kinh kế, chính trị, xã hội, v.v.. cũng được phản ánh trong nền văn hóa nhân loại và trở thành yếu tố cấu thành nền văn hóa ấy khi chúng mang ý nghĩa và nội dung con người, thể hiện bản chất con người.

Với hệ thống giá trị định hướng này, mỗi nền văn hóa trở thành một hệ thống biểu trưng bao hàm trong đó các qui tắc, các chuẩn mực ứng xử và các chế định xã hội bảo đảm cho con người được phát triển tự do, bình đẳng trong cộng đồng xã hội văn minh. Hơn thế nữa, hoạt động của con người còn tạo ra một hệ thống những thể chế xã hội[3] mà qua đó, những giá trị cao đẹp, mang tính định hướng được giữ gìn, lưu truyền và tiếp biến trong cộng đồng xã hội, trở thành tài sản quí giá của mỗi người, cũng như của tất cả mọi người làm nên nền tảng tinh thần của xã hội và truyền thống văn hóa của một cộng đồng xã hội.

Như vậy, với cách tiếp cận của C.Mác, văn hóa không chỉ đóng vai trò là cơ sở, nền tảng tinh thần của xã hội, của lịch sử nhân loại, có tác động to lớn đến tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, đến phát triển và quản lý phát triển xã hội, tác động và ảnh hưởng đến đến tồn tại xã hội, đến quá trình sản xuất vật chất, tinh thần của con người, mà còn góp phần quyết định phương thức vận động và phát triển của lịch sử nhân loại, của xã hội loài người. Văn hóa đem lại cho con người sự điều chỉnh và định hướng hoạt động của mình và qua đó, điều tiết quá trình sản xuất vật chất, điều tiết, quản lý sự phát triển xã hội, trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển xã hội bền vững - phát triển vì mục tiêu nhân văn và vì giá trị nhân đạo.

Nghiên cứu về văn hóa, trong điều kiện xã hội loài người phân chia thành giai cấp và đấu tranh giai cấp trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển C.Mác cho rằng nội dung của văn hóa cũng có tính giai cấp; nói đến văn hóa là nói đến khía cạnh ý thức hệ của văn hóa, nội dung cốt lõi của mọi nền văn hóa. Nền văn hóa XHCN là nền văn hóa mang bản chất giai cấp công nhân có tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc. Đó là nền văn hóa được hình thành, phát triển một cách tự giác, sáng tạo dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản có sự kiến tạo, quản lý của nhà nước XHCN.

Quan niệm duy vật lịch sử của C.Mác trong tiếp cận văn hóa không chỉ là kiểu mẫu trong nghiên cứu văn hóa mà còn định hướng cho việc xây dựng nền văn hóa do con người, vì con người theo qui luật của cái đẹp.

Thứ hai, C.Mác đã đưa ra quan niệm về văn hóa nhân đạo, nhân văn

Không chỉ đưa ra cách tiếp cận duy vật lịch sử về văn hóa, C.Mác còn đưa ra những quan niệm cụ thể văn hóa - văn hóa nhân đạo, nhân văn.

Với thiên tài trí tuệ, với sức mạnh của tư duy biện chứng duy vật, trong tác phẩm Bản thảo kinh tế -triết học năm 1844, C.Mác đã phát hiện ra tính hai mặt của lao động, của sở hữu tư nhân và từ đó, khẳng định chính lao động bị tha hoá là nguồn gốc cơ bản trực tiếp và sở hữu tư nhân là nguồn gốc sâu xa dẫn đến mọi sự bất công, khổ đau của nhân loại và làm cho con người bị tha hóa. Trong nền sản xuất TBCN, người công nhân càng tạo ra nhiều hàng hóa, anh ta lại trở thành một hàng hóa càng rẻ mạt. Thế giới vật phẩm càng tăng thêm giá trị thì thế giới nhân loại càng mất giá trị. Rằng trong xã hội tư bản, bản chất người của con người đã biến thành cái có tính súc vật: “con người (công nhân) chỉ cảm thấy mình hành động tự do trong khi thực hiện chức năng động vật của mình - ăn uống, sinh con để cái, nhiều lắm là trong chuyện ở, chuyên trang sức.v.v.. - còn trong những chức năng con người thì anh ta cảm thấy mình chỉ là con vật. Cái có tính súc vật trở thành cái có tính người, còn cái có tính người thì biến thành cái có tính súc vật”[4]. Với C.Mác, việc xóa bỏ chế độ tư hữu và lao động bị tha hóa là lời kêu gọi khẩn thiết nhất nhằm cứu lấy con người, giải phóng con người[5]. Giải phóng con người khỏi sự tha hóa, trước hết là lao động bị tha hóa với sở hữu tư nhân là điều kiện để con người phát triển toàn diện trên nguyên tắc sự tự do của mỗi người là điều kiện tự do cho tất cả mọi người.

Thực ra, tư tưởng về sự giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc đã xuất hiện từ rất sớm, từ thời cổ đại. Tuy nhiên, có thể nói rằng, chỉ tới C.Mác, tư tưởng nhân đạo, nhân văncộng sản chủ nghĩa, tư tưởng giải phóng triệt để con người mới được phản ánh một cách tập trung và đầy đủ. C.Mác không chỉ đề ra tư tưởng về sự giải phóng, mà còn chỉ ra con đường thực hiện sự giải phóng khi chứng minh rằng, cuộc đấu tranh giai cấp đã đến một giai đoạn mà giai cấp bị bóc lột và bị áp bức không còn có thể tự giải phóng khỏi tay giai cấp bóc lột và áp bức được nữa, nếu không đồng thời và vĩnh viễn giải phóng toàn xã hội khỏi ách bóc lột, ách áp bức. Sự nghiệp giải phóng con người được thực hiện bằng đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc với những hình thức phù hợp trong điều kiện lịch sử cụ thể.

Tư tưởng về văn hóa nhân đạo, nhân văn còn được thể hiện ở việc đề cao quyền tự do cá nhân và bảo đảm quyền tự do của mỗi người như là tiền đề, điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người trong xã hội: “Chỉ có trong cộng đồng cá nhân mới có được những phương tiện để có thể phát triển toàn diện những năng khiếu của mình và do đó, chỉ có trong cộng đồng, mới có thể tự do cá nhân”[6]. Theo C.Mác, quyền con người là những quyền tự do, bình đẳng, quyền được lao động và hưởng thụ những thành quả lao động, quyền được quản lý xã hội, quyền học hành v.v.. Đặc biệt là quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng của phụ nữ và quyền của trẻ em trong xã hội mới: “Giáo dục công cộng và không mất tiền cho tất cả các trẻ em. Xóa bỏ việc sử dụng trẻ em làm trong các công xưởng như hiện nay. Kết hợp giáo dục với sản xuất vật chất,v.v..”[7]. Theo C.Mác, muốn hiện thực hóa các quyền con người, trước hết phải khôi phục lại quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất cho những người lao động, coi đó là khâu then chốt của sự nghiệp giải phóng. Con đường để hiện thực hóa điều đó, chỉ có thể là CNCS: Chủ nghĩa cộng sản như là “sự xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu- sự tự tha hóa ấy của con người”, là “chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị” với tư cách yêu cầu khách quan của cuộc sống, là “chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị”, là “sự chiếm hữumột cách thực sự bản chất con ngườibởi con người, vì con người[8]; do đó với tính cách là con người xã hội, nghĩa là có tính chất người - sự quay trở lại này diễn ra một cách có ý thức và có giữ lại tất cả sự phong phú của sự phát triển trước đó. CNCS như vậy, với tính cách là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị = chủ nghĩa nhân đạo; với tính cách là chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị, = chủ nghĩa tự nhiên; nó là sự giải quyết thực sự mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên, giữa con người và con người, là sự giải quyết thực sự cuộc tranh chấp giữa tồn tại và bản chất, giữa sự đối tượng hóa và sự tự khẳng định, giữa tự do và tất yếu, giữa cá thể và loài theo qui luật của tự nhiên, qui luật của cái đẹp.

Thứ ba, C.Mác đã đưa ra quan niệm về văn hóa đạo đức

Đạo đức vốn là phạm trù có tính độc lập tương đối với văn hóa, với C.Mác, đạo đức là thành tố của văn hóa[9]. Trong Lời tựaviết cho Góp phần phê phán khoa kinh tế - chính trị (1858- 1859), C.Mác đã chỉ ra phương pháp để nhận biết bản chất của mọi hiện tượng xã hội, trong đó có đạo đức: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, sự tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ”[10]. Theo C.Mác, đạo đức chính là một hình thái ý thức xã hội, nó phản ánh và bị quy định bởi tồn tại xã hội. Điều đó có nghĩa là, các quan niệm, quan điểm, các nguyên tắc, các chuẩn mực, các lý tưởng, niềm tin và tình cảm đạo đức,... tức toàn bộ ý thức đạo đức, xét đến cùng, đều là biểu hiện của một trạng thái, một trình độ phát triển nhất định những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội.

Trong xã hội tư bản, theo C.Mác, “sở dĩ có được khái niệm sở hữu tư nhân là nhờ phân tích khái niệm lao động bị tha hóa, tức là khái niệm con người bị tha hóa, khái niệm đời sống bị tha hóa”[11]. Trong xã hội ấy, quan hệ giữa người với người không có mối quan hệ nào khác, ngoài lợi ích trần trụi và lối “tiền trao cháo múc” không tình không nghĩa. Giai cấp tư sản đã biến phẩm giá của con người thành giá trị trao đổi; giai cấp tư sản đã đem sự bóc lột công nhiên, vô sỉ, trực tiếp, tàn nhẫn thay cho sự bóc lột được che đậy bằng những ảo tưởng tôn giáo và chính trị. Những hoạt động thuộc lĩnh vực nhân văn xưa nay vẫn được xã hội trọng vọng thì trong xã hội tư sản đều trở thành thương mại hóa. Bác sỹ, luật gia, tu sỹ, thi sỹ, bác học đều trở thành người làm thuê cho giai cấp tư sản: “tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mọi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo”[12]. Cũng trong xã hội tư sản, quan hệ gia đình cũng chỉ còn là những quan hệ tiền nong đơn thuần, quan hệ bất bình đẳng. Sự băng hoại đạo đức trong quan hệ vợ chồng, con cái tư sản trở nên phổ biến: “Đối với người tư sản, vợ hắn chẳng qua chỉ là một công cụ sản xuất. Cho nên nghe nói công cụ sản xuất phải được đem dùng chung thì tất nhiên là hắn kết luận rằng chính đàn bà rồi cũng phải chịu cái số phận chung là bị xã hội hóa... Các ngài tư sản của chúng ta chưa thỏa mãn là đã sẵn có vợ và con gái của vô sản để dùng, đó là chưa kể chế độ mãi dâm công khai, các ngài ấy còn lấy việc cắm sừng lẫn nhau làm một thú vui đặc biệt”[13].

Từ sự “mổ xẻ”, phân tích xã hội tư sản, C.Mác đã phát hiện tính quy luật của sự phát triển đạo đức, đã đưa ra dự báo về sự xuất hiện một nền đạo đức cộng sản chủ nghĩa nảy sinh ngay trong lòng xã hội tư bản. Cùng với thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản, đạo đức cộng sản sẽ được xác lập như một nền “đạo đức thực sự có tính người, đứng trên những đối lập giai cấp và trên mọi hồi ức về những đối lập ấy”[14]. Vậy là, với C.Mác, đạo đức dưới giác độ văn hóa chỉ có thể là đạo đức cộng sản, đạo đức thực sự có tính người, con trong xã hội tư sản, đó là thứ đạo đức bị băng hoại, phi nhân tính cần phải xóa bỏ để thay thế bằng đạo đức cộng sản chủ nghĩa - văn hóa đạo đức.

2. Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tư tưởng của C.Mác

Vận dụng và phát triển tư tưởng C. Mác và của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa, Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa về văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”[15].

Không chỉ nêu quan niệm về văn hóa, Hồ Chí Minh còn chỉ ra chiến lược xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam: 1- Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; 2- Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình làm lợi cho quần chúng; 3- Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4- Xây dựng chính trị: dân quyền; 5- Xây dựng kinh tế[16].

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 khóa VIII (7-1998), trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và tổng kết quá trình hoạt động xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đã khẳng định: văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; văn hóa là một mặt trận; xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng[17]

Hội nghị Trung ương 9 khóa XI  về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam  đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước  đã xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Mục tiêu chung là:Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng  đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ  vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn  minh. 

Trên có mục tiêu chung, Hội nghị Trung ương 9 khóa XI  đã xác định 5 mục tiêu cụ thể và 6 nhiệm vụ cụ thể để xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam theo tư tưởng văn hóa của C. Mác và của Hồ Chí Minh.

Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện các nhiệm vụ đạt mục tiêu về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cần thiết phải thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa nhằm tạo  ra sự chuyển biến căn bản về nhận thức trong toàn xã hội, trước hết trong các cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ các đoàn thể quần chúng về tầm quan trọng, sự cần thiết, tính cấp bách của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa. Nâng cao trách nhiệm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ văn hóa trong thời kỳ mới; đẩy mạnh việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với phong trào thi đua yêu nước và giáo dục về chủ nghĩa xã hội, về nhiệm vụ CNH, HĐH làm cho mọi người thấm nhuần truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục phải gắn với quản lý xã hội bằng pháp luật, phát huy sức mạnh dư luận xã hội, gắn với các phong trào hành động của quần chúng, bao gồm các phong trào: người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở  khu dân cư... và toàn bộ các phong trào ấy đều hướng vào cuộc thi đua yêu nước “Tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Hai là, tập trung xây dựng và hoàn chỉnh thể chế về phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Trước hết cần bổ sung, hoàn thiện các luật, pháp lệnh, các văn bản pháp quy điều chỉnh các hoạt động văn hóa; xây dựng, hoàn chỉnh Luật Di sản văn hóa dân tộc, Luật Quảng cáo và các qui ước về nếp sống văn hóa, giữ gìn trật tự vệ sinh nơi công cộng, bảo vệ môi trường thiên nhiên, cảnh quan sạch đẹp và các qui định liên quan đến hoạt động quản lý văn hóa.

Xây dựng, ban hành các chính sách  kinh tế trong văn hóa nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho phát triển văn hóa, đồng thời bảo đảm yêu cầu chính trị, tư tưởng của hoạt động văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng, hoàn thiện chính sách văn hóa trong kinh tế nhằm bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế, đồng thời thúc đẩy các hoạt động kinh tế tạo điều kiện nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển văn hóa; xây dựng và thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa; xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc; ban hành các chính sách cụ thể về hợp tác quốc tế trong quan hệ với các tổ chức quốc tế và các quốc gia ở những khu vực, những nhóm nước cụ thể. Đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ về văn hóa (Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, cá nhân) nhằm tiếp thu được nhiều tinh hoa, kinh nghiệm của nước ngoài, ngăn ngừa những tác động tiêu cực. Đồng thời phải kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách về văn hóa; hoàn thiện cơ chế hoạt động và quản lý văn hóa phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam...

Ba là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò kiến tạo của Nhà nước trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam.

Yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới nói chung, đòi hỏi Đảng phải tăng cường và nâng tầm lãnh đạo trên lĩnh vực văn hóa. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho hoạt động văn hóa phát triển theo qui luật của cái đẹp, đúng định hướng XHCN, thực hiện quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học và công nghệ trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Phát huy vai trò kiến tạo, đồng hành của nhà nước với nhân dân chung sức xây dựng và phát huy vai trò của văn hóa đối với phát triển và quản lý phát triển xã hội. Phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức sáng tạo văn hóa, văn nghệ trong việc vận động, tổ chức quần chúng, giới trí thức thực hiện nhiệm vụ văn hóa, làm chủ văn hóa. Đẩy mạnh quá trình thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, nội dung, phương thức quản lý nhà nước về văn hóa.

Bốn là, tăng cường nguồn lực và đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động văn hóa. Trên cơ sở thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng đầu tư cho hoạt động văn hóa”, cần tăng mức đầu tư cho văn hóa từ nguồn chi thường xuyên và nguồn chi phát triển trong ngân sách nhà nước. Thực hiện các chương trình có mục tiêu về văn hóa nhằm đầu tư có trọng điểm, giải quyết các vấn đề có tính cấp bách.

Củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ của các cơ quan lãnh đạo, quản lý, tham mưu, các đoàn thể, các tổ chức nghề nghiệp của hoạt động văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hoạt động có hiệu quả. Nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa các cấp .

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018

(1), (2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.244, 536, 137.

(3) Quan niệm thể chế không chỉ là những chế định có tính pháp lý mà bao gồm cả những luật chơi, người chơi, cách chơi và sân chơi...

(4), (11), (13) C.Mác và Ph.Ăngghen:Tuyển tập,t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, tr.115, 125, 564.

(5), (8) Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen: Sđd,t.42, tr.173, 167.

(6), (7), (12), (14) C.Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập,t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.406, 628, 601, 137.

(9) Xem: Quan niệm Hồ Chí Minh về văn hóa.

(10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập,t.13. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.15.

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.431.

(16) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.431.

(17) Nhiệm vụ của việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bao gồm: xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với năm đặc trưng; xây dựng môi trường văn hóa; phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa; phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; chính sách văn hóa đối với tôn giáo; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa.

                                                                                                 

GS, TS Dương Xuân Ngọc

Học viện Báo chí & Tuyên truyền

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền