Trang chủ    Bài nổi bật    Bảo đảm tính hệ thống khi quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thứ tư, 29 Tháng 8 2018 15:42
2014 Lượt xem

Bảo đảm tính hệ thống khi quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

(LLCT) - Hiện nay, quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiều điểm bất cập, không phù hợp với thực tế, đặc biệt là tình trạng chồng chéo, lấn sân về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, gây lãng phí nguồn lực; chưa xác định rõ các cơ quan chủ quản của từng đơn vị trực thuộc; cơ chế quản lý chuyên môn chưa bảo đảm tính hệ thống… Do vậy, trong dự thảo quyết định mới của Ban Bí thư thay thế cho Quyết định 184-QĐ/TW, ngày 3-9-2008 cần bảo đảm tính hệ thống khi quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố…

Ngày 3-9-2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Quyết định số 184-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thay thế Quyết định số 88-QĐ/TW ngày 5-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về trường chính trị tỉnh, thành phố trên cơ sở thống nhất trường Đảng và trường quản lý nhà nước của tỉnh, thành phố.

Ngày 20-11-2015, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 117-KL/TW về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW và xây dựng đề án trình Ban Bí thư ban hành Quyết định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, cuối năm 2017, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định trên và đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị dự thảo quyết định mới của Ban Bí thư thay thế cho Quyết định 184 nêu trên. Những vấn đề về yêu cầu quản lý hệ thống đối với các Học viện chính trị, trường chính trị cấp tỉnh, trường bồi dưỡng cán bộ các bộ, ngành và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đang đặt ra yêu cầu mới về tính hệ thống:

Thứ nhất, tính hệ thống thể hiện ở việc xác định chức năng, nhiệm vụ của cả hệ thống đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cả nước

Nhiều năm qua, đã có hiện tượng chồng chéo, lấn sân về đối tượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (do xác định chương trình đào tạo chưa rõ) nhưng chưa có biện pháp giải quyết hiệu quả, khả thi và ổn định. Theo Quyết định số 184-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì trường chính trị cấp tỉnh đào tạo và cấp bằng trung cấp lý luận chính trị cho “cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; cán bộ dự nguồn các chức danh trên; cán bộ, công chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác”. Tuy vậy, theo Kết luận số 57-KL/TW ngày 8/3/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn quy định Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đào tạo và cấp bằng cao cấp lý luận chính trị. Đối tượng học gồm hai nhóm cán bộ. Thứ nhấtlà “các vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương trở lên của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; tỉnh ủy viên, thành ủy viên, trưởng, phó các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố trở lên; cán bộ chủ chốt cấp huyện (Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân) và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh này”. Thứ hailà “trưởng, phó phòng và tương đương của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, đảng ủy trực thuộc Trung ương; trưởng phòng và tương đương của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố; cấp ủy viên cấp huyện, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương; trưởng phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh nêu trên”. 

Như vậy, nếu “nhóm cán bộ thứ hai” nêu trên khi được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn - tức là vào diện “nhóm cán bộ thứ nhất” thì đương nhiên họ đã học chương trình cao cấp lý luận chính trị rồi. Vậy nên quy định nhóm cán bộ thứ nhất phải học chương trình cao cấp lý luận chính trị là thừa. Đây là lý nhiều năm qua, ngay tại Học viện Trung tâm, Quyết định số 224-QĐ/TW ngày 6-1-2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Học viện là đào tạo, bồi dưỡng “cán bộ lãnh đạo, quản lý trung, cao cấp của hệ thống chính trị… Đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và trong quy hoạch” vẫn chưa rõ. Hơn nữa, cả Học viện Trung tâm và các học viện chính trị khu vực đều đào tạo một chương trình cao cấp lý luận chính trị nên khi không còn nhóm cán bộ thứ nhất - đối tượng đào tạo của Học viện Trung tâm thì buộc phải đào tạo cao cấp cho đối tượng theo quy định là của các học viện chính trị khu vực hoặc chỉ mở được số lớp bồi dưỡng ngắn hạn nhưng cũng rất ít người tham gia.

Ngoài ra, ngay cả nhóm cán bộ thứ hai học cao cấp lý luận chính trị cũng là đối tượng đã quy định học ở chương trình trung cấp lý luận chính trị của trường chính trị cấp tỉnh (trưởng phòng và tương đương của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố).

Do đó, đối tượng của trường chính trị cấp tỉnh “trưởng phòng và tương đương của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, thành phố” - nhóm cán bộ thứ hai sẽ chuyển hẳn về đối tượng học cao cấp lý luận chính trị tại học viện chính trị khu vực. Hơn nữa, đối tượng này hầu hết có bằng đại học chính quy nên không nhất thiết phải học trung cấp lý luận chính trị tại tường chính trị tỉnh. Nhóm “cán bộ thứ nhất” sẽ là đối tượng đào tạo của Học viện Trung tâm và sẽ có chương trình phù hợp là: (1) Chương trình lý luận chính trị cho cán bộ cấp sở và tương đương; (2) Chương trình lý luận chính trị cho cán bộ cấp chiến lược(diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý).

Như vậy, chương trình đào tạolý luận chính trị toàn hệ thống sẽ là:

1. Chương trình sơ cấp lý luận chính trị(Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đảm trách).

2. Chương trình trung cấp lý luận chính trị(Trường chính trị tỉnh đảm trách).

3. Chương trình cao cấp lý luận chính trị(Học viện chính trị khu vực đảm trách)

4. Chương trình lý luận chính trị cho cán bộ cấp sở và tương đương(Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đảm trách).

5. Chương trình lý luận chính trị cho cán bộ cấp chiến lược- diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đảm trách).

Chương trình bồi dưỡngvẫn theo Quy định số 164 QĐ/TW ngày 1-2-2013 của Ban Bí thư Trung ương “về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên”:

“Đối tượng 1: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đối tượng 2: Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (ngoài đối tượng 1).

Đối tượng 3: Cán bộ thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và tương đương quản lý.

Đối tượng 4: Cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh và tương đương quản lý”.

Việc phân định rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho đất nước, tập trung nguồn lực cho từng chủ thể đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp, khả thi, nhất là chính sách đào tạo, thu hút cán bộ có tri thức khoa học, có kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng nghiên cứu, giảng dạy cho phù hợp.

Việc phân định rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng còn làm căn cứ pháp lý quan trọng trong việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho từng loại cán bộ vừa bảo đảm tính cơ bản, ổn định, vừa bảo đảm tính năng động, thích ứng với yêu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Việc phân định rõ đối tượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn tạo sự ổn định và phát triển lâu dài của mỗi cơ sở đào tạo. Đối tượng đào tạo cơ bản không thay đổi, tri thức khoa học, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng gắn bó mật thiết với đối tượng đào tạo, bồi dưỡng. Tránh được sự lãng phí nguồn lực, những kiến thức bị lặp lại trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, gây nhàm chán cho người học.

Thứ hai, tính hệ thống thể hiện ở việc xác định cơ quan chủ quản của đơn vị đào tạo

Trước đây, do quan niệm các trường đào tạo, bồi dưỡng chính trị phải trực thuộc cấp ủy, thì việc cấp bằng hay chứng chỉ của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mới có giá trị và đồng thời trực thuộc chính quyền mới có kinh phí hoạt động... Nhưng bên cạnh thuận lợi thì sự trực thuộc hai cơ quan trên cũng có nhiều phiền toái cho hoạt động của nhà trường. Trong khi đội ngũ giảng viên được tính như cán bộ, công chức hành chính sự nghiệp thì đội ngũ công chức, viên chức làm công tác hành chính và chuyên môn tại các phòng không được hưởng chế độ phụ cấp như công chức, viên chức các ban đảng. Nhiều nơi khi đi họp, hay tham gia cụm thi đua, trường chính trị tỉnh có vị thế như một ban đảng nhưng nhiều khi lại như một trường cao đẳng hay đại học thuộc UBND cấp tỉnh. Ngay cả cơ cấu cấp ủy đối với chức danh hiệu trưởng trường chính trị cấp tỉnh cũng chưa được quan niệm thống nhất. Tại thời điểm tháng 8-2017, chỉ có 36/63 trường chính trị tỉnh, thành phố, hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng là tỉnh ủy viên, thành ủy viên, 8 hiệu trưởng là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, 1 hiệu trưởng là đại biểu Quốc hội, ít hiệu trưởng là thành viên hội đồng khoa học của tỉnh.

Như vậy, cần thống nhất về tổ chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (là cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương), rồi trường chính trị tỉnh (là cơ quan của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương), trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện (cơ quan của huyện ủy, thành ủy trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh). Tương tự như vậy, cơ quan chỉ đạo về chuyên môn là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (đối với trường chính trị) và trường chính trị (đối với trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện) mà Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã quy định.

Thứ ba, quy định về số lượng lãnh đạo, cơ cấu đơn vị trực thuộc, biên chế cũng cần có sự thống nhất theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn.

Do Quy định 184 không chặt chẽ - quy định trường chính trị tỉnh có hiệu trưởng và “các phó hiệu trưởng” nên đã tạo kẽ hở để nhiều nơi tùy tiện trong bố trí cán bộ lãnh đạo trường tăng về số lượng và thiếu trình độ chuyên môn. Tính đến giữa năm 2017, các trường bó trí cơ cấu như sau: hiệu trưởng, 1 phó hiệu trưởng (5 trường); hiệu trưởng, 2 phó hiệu trưởng (26 trường); hiệu trưởng, 3 phó hiệu trưởng (29 trường); hiệu trưởng, 4 phó hiệu trưởng (3 trường). Như vậy rất cần quy định rõ, trường chính trị chỉ có hiệu trưởng và không quá 2 phó hiệu trưởng (trừ một số trường lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… có thể bố trí không quá 3 phó hiệu trưởng).

Hầu hết các trường chính trị đều thực hiện nghiêm túc cơ cấu 4 khoa 3 phòng theo quy định; Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh có 4 khoa, 4 phòng và 1 trung tâm (đặc thù riêng); 1 trường 5 khoa 4 phòng và 1 trường 5 khoa 3 phòng. Ngoài ra có 4 trường có Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ hoặc bộ môn Ngoại ngữ - Tin học. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường tên gọi của các khoa, phòng không theo Quyết định số 184-QĐ/TW. Như vậy, theo quyết định sắp tới, cần xác định rõ số đơn vị trực thuộc, sáp nhập khoa Dân vận vào khoa Xây dựng Đảng (vì dân vận là một nội dung của xây dựng). Hiện nay, tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên (kể cả hợp đồng công việc) của các trường là hiện nay 3.728 người, trong đó có 2.162 giảng viên (kể cả giảng viên kiêm nhiệm), đạt tỷ lệ xấp xỉ 58% tổng số biên chế; số còn lại là viên chức, người lao động. Nhiều trường tỷ lệ giảng viên thấp, hình thành từ nhiều nguồn và chất lượng không cao. Vì vậy, quy định về số lượng cán bộ, giảng viên, về bằng cấp, năng lực cũng cần có sự thống nhất và cả quy định về tỷ lệ so với bộ phận phục vụ.

Thứ tư,cơ chế quản lý chuyên môn cũng phải mang tính hệ thống

Hệ thống quy chế về quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày càng được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho công tác đào tạo cán bộ cho các trường chính trị. Đến nay, bộ Quy chế mới về quản lý đào tạo của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQGngày 21-4-2016) để thay thế cho 9 quy chế cũ. Bộ quy chế mới gồm 10 quy chế: quy chế tuyển sinh; quy chế học viên; quy chế chủ nhiệm lớp; quy chế đánh giá và quản lý kết quả học tập của học viên; quy chế quản lý bằng tốt nghiệp; quy chế giảng viên; quy chế giảng viên kiêm nhiệm, giảng viên thỉnh giảng; quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học; quy chế thao giảng, dự giờ; quy chế hoạt động thanh tra giáo dục. Quy chế Hoạt động thanh tra giáo dục của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQGngày 21-4-2016 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, vẫn cần có sự nhất quán về quan điểm, nguyên tắc, bảo đảm tính nhất quán, liên thông giữa các cơ sở đào tạo, bảo đảm tính hệ thống. Ví dụ quy định tỷ lệ số buổi nghỉ có phép được thi và phải học lại để thi của Học viện đang khác với trường chính trị tỉnh (không quá 20% và không quá 10%). Quy định về giờ giảng, tiết giảng cũng chưa thống nhất giữa các cơ sở đào tạo: Học viện, hệ thống các học viên trực thuộc và trường chính trị cấp tỉnh.

Thứ năm, xác lập rõ mối quan hệ giữa các cơ sở đào tạo chính trị với các ban đảng, cơ quan quản lý giáo dục, cơ quan nội vụ cùng cấp và các cấp

Quy định về tiêu chuẩn đầu vào của học viên học Trung cấp lý luận chính trị - hành chính do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh quy định (tại quy chế chiêu sinh, ban hành kèm theo Quyết định số 268/QĐ-HVCT-HCQG ngày 3 -2-2010; quy chế tuyển sinh, ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21-4-2016) có điểm chưa thống nhất với quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương (tại Hướng dẫn số 65-HD/BTGTW ngày 11-12-2012 về thực hiện chương trình sơ cấp lý luận chính trị, yêu cầu “cấp ủy không cử và các trường chính trị tỉnh, thành phố không tiếp nhận người chưa có bằng sơ cấp lý luận chính trị hoặc giấy chứng nhận có trình độ tương đương sơ cấp lý luận chính trị vào học chương trình trung cấp lý luận chính trị”, gây khó khăn cho công tác chiêu sinh và trên thực tế nhiều nơi không thể thực hiện được.

Về chế độ làm việc của giảng viên, quy chế giảng viên do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-HVCTQG ngày 21-4-2016 có một số điểm chưa thống nhất với Thông tư liên tịch số 06/2011/TTLT-BNV-BGDĐT ngày 6-6-2011 của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, chế độ làm việc, chính sách đối với giảng viên tại cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nên ít nhiều các trường gặp khó khăn trong việc tổ chức quản lý đào tạo. Hay việc hướng dẫn chính sách có liên quan đến phong chức danh khoa học, phong danh hiệu nhà giáo đối với trường chính trị tỉnh, thành phố cũng chưa được thực hiện thuận lợi và công bằng.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần phối hợp với Bộ Nội vụ trong chỉ đạo, hướng dẫn công tác của các trường chính trị: chế độ làm việc của cán bộ, công chức, giảng viên trường chính trị; công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; sự chỉ đạo theo ngành dọc đối với sở nội vụ của các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp công tác với các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đào tạo, bồi dưỡng, chế độ, chính sách có liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Bộ Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hướng dẫn chính sách có liên quan (phong chức danh khoa học, phong danh hiệu nhà giáo...) đối với trường chính trị tỉnh, thành phố.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phối hợp với các cấp ủy địa phương xây dựng quy định về việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cần quy định phải là đảng viên mới được tham gia giảng dạy các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hay các lớp đào tạo, bồi dưỡng khác; phải là giảng viên chính và tương đương trở lên mới được giảng dạy các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, chương trình chuyên viên chính....

Lãnh đạo Học viện và các trường phối hợp với ban tổ chức cùng cấp tham mưu cho cấp ủy xây dựng đề án luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ giảng viên của các trường chính trị cấp tỉnh về các ban, ngành cấp Trung ương, tỉnh, các huyện, thành, thị, nhất là về cơ sở để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, nâng cao năng lực nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, hình thành những chuyên gia trong nhiều lĩnh vực công tác.

Ngoài ra, việc quy định chức năng, nhiệm vụ của các trường chính trị trong quân đội, công an về đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên cũng cần được thống nhất bằng văn bản chỉ đạo của Trung ương, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực và tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo lý luận chính trị phát triển ổn định, lâu dài, bền vững.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2018

 

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền