Trang chủ    Bài nổi bật    Những biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy hiện nay
Thứ tư, 26 Tháng 9 2018 15:41
2209 Lượt xem

Những biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy hiện nay

(LLCT) - Trong thời gian gần đây, chủ nghĩa dân túy có những biểu hiện mới, trở thành một khuynh hướng trong đời sống chính trị, có mặt ở nhiều quốc gia, dân tộc. Mặc dù không có hệ tư tưởng riêng, đôi khi chỉ là một khẩu hiệu, một bài diễn thuyết có tính mỵ dân với những lời hứa hẹn, nhưng nó đã đánh trúng vào nhu và tâm lý của một bộ phận dân chúng không nhỏ. Trong thực tế chính trị, nó đã tạo ra những xung lực to lớn, những hậu quả khó lường đối với các quốc gia, dân tộc. Do vậy, cần nhận diện đúng để có biện pháp phòng ngừa những tác động tiêu cực của chủ nghĩa dân túy.

Trong thời gian gần đây, nhất là khi hiện tượng Brexit xuất hiện, khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, trong đời sống của xã hội hiện đại dường như đã xuất hiện một hình thái mới - chủ nghĩa dân túy lên ngôi cho dù thứ chủ nghĩa đó đã xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ XIX và luôn tồn tại ở đâu đó trong cuộc sống thường ngày. Chủ nghĩa dân túy hiện nay có biểu hiện gì mới so với trước đây và những biểu hiện nào cần phải được quan tâm nhận diện để góp phần xác định một thái độ ứng xử phù hợp?

Trở lại lịch sử cuối thế kỷ XIX ở nước Nga phong kiến lạc hậu hơn so với nhiều quốc gia châu Âu, ta thấy ở đã đang diễn ra nhiều chuyển động to lớn  về kinh tế, chính trị, tư tưởng, xã hội. Một nước Nga tiểu nông đang chứng kiến ngày tàn của chế độ phong kiến chuyên chế loay hoay tìm cách chuyển mình dưới tác động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trên cơ tầng đó, đòi hỏi bức thiết của xã hội về mặt tư tưởng là phải có một lý thuyết để giải đáp các câu hỏi của lịch sử: nước Nga sẽ đi về đâu, dựa vào lực lượng nào để phát triển...

Trong bối cảnh đó, những tư tưởng dân túy đầu tiên ra đời mà các đại biểu nổi tiếng là Ghectan và Tsecnư sepxki. Những người này chủ trương dựa trên nòng cốt là nông dân, công xã nông dân để tiến thẳng lên chủ nghĩa cộng sản. Sang những năm 70 của thế kỷ XIX, các đại biểu như Bacunin, Lavrốp, Tơcatsiốp... lại chủ trương dựa vào tầng lớp trí thức để tiến hành cách mạng. Bước sang những năm 80 và 90, chủ nghĩa dân túy Nga có sự phân hóa sâu sắc. Một bộ phận các nhà cách mạng chuyển sang lập trường mác xít, tiêu biểu là Plêkhanốp, một bộ phận khác như Mikhailốpxki, X.N.Iugiacốp... chủ trương bảo vệ sản xuất của nhân dân, chống chủ nghĩa tư bản và chống cả chủ nghĩa Mác. Đó cũng là không gian lịch sử để các nhóm, các tổ chức dân túy ra đời.

Ngoài sự xuất hiện ở Nga, chủ nghĩa dân túy còn xuất hiện ở Mỹ và nhiều quốc gia khác với nhiều hình thái khá đa dạng và vẫn luôn tồn tại trong đời sống nhân loại cho dù có những thăng trầm. Vì lẽ đó, cho đến hiện nay, việc đưa ra một định nghĩa về chủ nghĩa dân túy là vô cùng khó khăn và nhất là đánh giá về vai trò, tác động của chủ nghĩa dân túy đối với xã hội càng khó lòng đạt được sự thống nhất về nhận thức. Tuy nhiên, hiện chủ nghĩa dân túy cũng có thể được phân biệt với các dấu hiệu như: Là thủ pháp về ngôn ngữ biểu đạt của nhà chính trị để gây sự chú ý với những ngôn từ làm vừa lòng cử tọa nhưng nội dung mơ hồ và rất khó thực hiện trong dài hạn; Là những quan điểm hay khuynh hướng tư tưởng chính trị nhấn mạnh sự đối lập giữa giới tinh hoa và người bình dân...

Chủ nghĩa dân túy ở những thập niên đầu của thế kỷ XXI cũng có những đặc trưng chung của chủ nghĩa dân túy truyền thống, song trong bối cảnh lịch sử mới, nó có những khác biệt. Những khác biệt đó có cội rễ sâu xa từ chính cuộc sống của xã hội hiện đại với các trụ cột như:

Một, toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược và đã lan tỏa ảnh hưởng của nó đến mọi quốc gia, dân tộc, đến mọi cộng đồng và từng cá nhân;

Hai,cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại với mạng thông tin toàn cầu và việc ra đời một thế giới ảo;

Ba, cuộc cạnh tranh khốc liệt trong xã hội thị trường đã đạt đến trình độ cao và những hệ lụy đa chiều nảy sinh từ kinh tế thị trường;

Bốn, sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc nhằm bảo vệ lợi ích dân tộc trong điều kiện mới cùng những hệ lụy từ sự trỗi dậy đó;

Năm, sự thay đổi chuẩn giá trị xã hội diễn ra nhanh chóng trong cơn lốc thị trường và sự rung chuyển của các giá trị được xem là bền vững.

Tác động của những trụ cột trên đã làm cho diện mạo của nhân loại có những thay đổi sâu sắc, nhanh chóng chưa từng thấy. Trong dòng thác đó, số phận của các cá nhân, các cộng đồng nói chung, dân tộc, quốc gia nói riêng cũng mong manh, dễ rạn vỡ. Vì thế đã làm nảy sinh những nhu cầu mới rất đa dạng. Đôi khi đó là những mơ ước, những hoài niệm về quá khứ. Đôi khi là nhu cầu tự khẳng định mình trong một thế giới biến động. Đôi khi là đòi hỏi về một sự thõa mãn một nhu cầu tạm thời thoáng qua nào đó...

Thật khó có thể đưa ra những nhận định thống nhất song có thể nhận thấy những biểu hiện chính sau đây của chủ nghĩa dân túy hiện nay:

Thứ nhất,so với chủ nghĩa dân túy truyền thống, chủ nghĩa dân túy hiện nay có tính phổ biến hơn, trở thành một khuynh hướng trong đời sống chính trị, có mặt ở mọi quốc gia, dân tộc, kể cả những khu vực trước đây khá bình yên.

Biểu hiện này là dễ nhận thấy, nhất là sau Brexit, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Biểu hiện đó không chỉ có ở Mỹ, ở Anh mà dường như có thể nhận thấy ở khắp châu Âu mà nhiều người gọi là “cơn địa chấn”, là phong trào với nhiều đại biểu nổi tiếng ở nhiều quốc gia.

Không chỉ ở Âu Mỹ, chủ nghĩa dân túy còn có mặt ở Đông Á, Bắc Á. Ở Nhật Bản, Shinzo Abe ở đâu đó cũng thấp thoáng hình bóng dân túy với giấc mơ về một thời hoàng kim Minh trị. Lục địa Trung Hoa rộng lớn có Tập Cận Bình  khao khát về một “Trung Hoa vĩ đại” với một nỗ lực mạnh mẽ để chấn hưng. Ấn Độ có Môđi với khát vọng tích hợp giá trị mới với truyền thống Ấn giáo hay như trường hợp khác của Philipin với Duterte...

Thứ hai,chủ nghĩa dân túy hiện nay mặc dù có những tương đồng với chủ nghĩa dân túy truyền thống, đó là, nó không có một hệ thống quan điểm định vị nhận thức và hành vi, không có hệ tư tưởng riêng, song đôi khi, trong hoạt động chính trị, nó có thể tạo ra những xung lực làm lay động nhiều người cho dù có thể nhất thời. Trường hợp Donald Trump là một ví dụ điển hình. Vì lẽ đó, giới phân tích rất khó dự đoán về những gì ông sẽ làm, những gì ông xé bỏ. Điều này tạo ra một tiền lệ  xấu, đặt các định chế quốc tế đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ.

Cơ sở của biểu hiện trên ở chỗ, thế giới ta đang sống là thế giới của mạng thông tin toàn cầu kết nối vạn vật. Như Thomat  L.Friedman đã nói, đó là thế giới phẳng, nơi mà mọi thông tin đều được lan truyền một cách nhanh chóng. Vì thế, một thông tin cá nhân có thể trở thành một cơn địa chấn. Thêm vào đó là các tác nhân khác bắt nguồn từ vai trò của giới truyền thông càng làm cho vấn đề được lan tỏa, tạo nên thứ sức mạnh mềm có vai trò cực kỳ to lớn. Mạng thông tin toàn cầu có sức mạnh đặc biệt to lớn giúp các chính khách theo chủ nghĩa dân túy sử dụng để tạo nên một hiệu quả nào đó, nhất là trong tranh cử. Điều này trong xã hội trước đây không thể có được.

Thứ ba,chủ nghĩa dân túy truyền thống tìm cách tác động vào tâm lý, lợi ích của nông dân hoặc giới trí thức, nhất là chủ nghĩa dân túy Nga thế kỷ XIX, nhưng chủ nghĩa dân túy hiện nay, đối tượng tác động đã được dịch chuyển khá linh hoạt, tùy theo diễn biến chính trị cụ thể ở một không gian lịch sử nào đó.

Biểu hiện cụ thể của vấn đề trên là ở chỗ, khi thì chính khách dân túy kích động tâm lý của những người bản địa mất vị thế trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, khi thì khơi dậy ánh hào quang của những người thuộc “giới tinh hoa”, hay thuần túy chỉ là những người dân bình thường hoặc về một nhân vật nổi tiếng nào đó đã có trong lịch sử dân tộc đó...

Bằng chứng là, dưới tác động của toàn cầu hóa, do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, trong lòng xã hội các nước phát triển đã xuất hiện một cuộc dịch chuyển về địa vị xã hội cũng như lợi ích trực tiếp của đội ngũ này. Chẳng hạn, châu Âu những năm qua, do nhiều lý do khác nhau, cư dân của nhiều nước, nhất là những quốc gia nghèo đói và bị xung đột, chiến tranh tàn phá đã ồ ạt tiến hành cuộc đại di cư về miền đất hứa. Cuộc đại di cư này đã làm đảo lộn ít nhiều nếp sống, lối sống của cư dân bản địa, tạo ra gánh nặng kinh tế, xã hội cho nước sở tại và những phiền phức khác. Trước tình hình đó, một bộ phận cư dân bản địa cảm thấy bị thiệt thòi, buộc phải chia sẻ việc làm... và hình thành tâm lý chống người nhập cư, nhất là người da màu. Lợi dụng tình hình đó, nhiều chính trị gia đã đưa ra những lời hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử, rằng họ thấu hiểu điều đó và sẽ giải quyết một cách nhanh chóng vấn đề nếu thắng cử. Hoặc trường hợp ở Mỹ, khi toàn cầu hóa đã làm cho lao động dịch chuyển sang một số quốc gia chưa phát triển, một bộ phận người lao động cảm thấy bị mất việc làm, khi cuộc cạnh tranh toàn cầu có nguy cơ đẩy nước Mỹ tụt lại phía sau,  Donald Trump đã chớp thời cơ vàng với tuyên bố “nước Mỹ trên hết” trong vận động tranh cử và đã giành thắng lợi. Tất nhiên, ngoài vấn đề trên, Donald Trump đã triệt để tận dụng ưu thế của mạng thông tin toàn cầu để nhanh chóng dành cảm tình của một bộ phận dân chúng, kể cả giới tinh hoa. Donald Trump cũng đã triệt để tận dụng tâm lý về sự nhàm chán đối với giới tinh hoa đã ngấm ngầm hình thành từ trước đó để cổ súy cho những điều có vẻ mới lạ...

Cơ sở của biểu hiện trên là ở chỗ, trong tâm lý con người, điều dễ chạm đến trái tim của họ là sự đồng cảm, cho dù chỉ là tạm thời, thoáng qua. Do đó, một khẩu hiệu có tính dân túy, một bài diễn thuyết có tính dân túy cũng có sức mạnh riêng. Một điểm khác, các biểu hiện dân túy cũng đánh trúng vào nhu cầu được thỏa mãn tức thời, trong ngắn hạn của một lợi ích nào đó nên đã lôi kéo được một bộ phận dân chúng ủng hộ.

Thứ tư, chủ nghĩa dân túy mới không thuần túy là những phát ngôn có tính mị dân được che đậy mà đôi khi còn được thực hiện trong thực tế bằng những hành động có tính biểu trưng hay chỉ có vai trò trong ngắn hạn.

Những người dân túy cũng không ngây thơ chỉ có hứa hẹn suông, họ còn có khả năng phát hiện các nhu cầu thực tế nhất thời của dân chúng và đáp ứng các nhu cầu đó ở những mức độ khác nhau, của một số nhóm xã hội khác nhau. Bằng chứng là, trong các cuộc vận động tranh cử, trước nhiều vấn đề của quốc gia, dân tộc, nhiều chính khách dân túy đã không lựa chọn những vấn đề trong dài hạn mà họ chỉ tập trung vào những vấn đề bức xúc trước mắt của người dân để đưa ra những hứa hẹn nhằm tranh thủ phiếu bầu. Những lới hứa đó được cộng hưởng từ một nghệ thuật tranh biện, từ một lối diễn đạt, một cách đặt vấn đề có vẻ mới lạ để lôi cuốn cử tri.

Về khía cạnh này, nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ là người dân túy mà ngay cả những người không dân túy là rất khó phân biệt. Vậy phải chăng, người nào cũng dân túy cả sao. Vấn đề không như vậy. Dân túy hay không là ở chỗ, các sách lược, cả những lời hứa có tương thích với hành động không. Các hành động của nhà chính trị có đem lại một sự thay đổi căn bản và thực tế hay không, hay chỉ để thỏa mãn nhu cầu tâm lý nhất thời mà không mang lại một nền tảng phát triển vững chắc cho quốc gia, dân tộc. Vì lẽ đó, trong tác phẩm nổi tiếng Bút ký triết học, V.I.Lênin đã nhắc nhở rằng, kẻ nào chỉ an ủi nô lệ mà không phát động họ vùng dậy chống giai cấp chủ nô thì kẻ đó cũng chỉ là kẻ tiếp tay cho giai cấp chủ nô.

Cơ sở của biểu hiện trên, về mặt triết học, là sự theo đuổi một thứ chủ nghĩa thực chứng được che dậy. Ở đó, bản chất không là gì, vấn đề là hiện tượng, là biểu hiện bên ngoài bởi bản chất là không thể biết. Đúng vậy, bản chất tồn tại thông qua hiện tượng nhưng lưu ý, hiện tượng đó là hiện tượng của bản chất chứ không phải là những giả tượng. Hiện tượng đó không chỉ là hiện tượng có tính bản chất mà còn là phổ biến.

Thứ năm,chủ nghĩa dân túy mới tìm cách khai thác một số yếu tố truyền thống có lợi như chủ nghĩa dân tộc, truyền thống dân tộc, một biểu tượng nào đó của dân tộc. Vì lẽ đó, có người gọi đó là chủ nghĩa dân tộc hoài niệm.

Những biểu hiện của nó cũng vô cùng đa dạng. Đôi khi là sự đề cao một giá trị, một truyền thống nào đó của dân tộc. Chẳng hạn Môdi của Ấn Độ đang cố gắng tích hợp giá trị Ấn Độ giáo trong điều kiện mới, Recep tayyíp Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ lại đang theo đuổi về một đế chế Ôttoman vĩ đại.

Cơ sở của biểu hiện trên là ở chỗ, trong lịch sử của mỗi quốc gia, dân tộc đều có những giá trị tiêu biểu, cốt lõi, đều có giai đoạn phát triển đỉnh cao, đều có những nhân vật được coi là vĩ nhân. Các giá trị đó, các nhân vật đó không chỉ có giá trị trong lịch sử mà hiện vẫn đang tồn tại, phát huy tác dụng trong điều kiện mới. Vì vậy, kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp phục vụ sự phát triển là khách quan, là cần thiết. Hay, lòng tự hào, tự tôn dân tộc là tài sản quý báu và có sức mạnh riêng.

Tuy nhiên, vấn đề để phân biệt đâu là dân túy, đâu là không dân túy, như đã nói ở trên, suy cho cùng, đó có phải là thuần túy thủ pháp chính trị để mị dân nhằm một mục tiêu ngắn hạn hay một động cơ vụ lợi nhất thời nào đó.

Thứ sáu,chủ nghĩa dân túy mới tạo ra hậu quả đa dạng, đa chiều

Chủ nghĩa dân túy dưới mọi màu sắc, dù là truyền thống hay hiện đại đã tạo ra nhiều hệ lụy vô cùng đa dạng, đa chiều. Để đánh giá, nhận diện đúng về nó cũng rất khó khăn và khó đạt được sự thống nhất.

Về mặt hình thức, chủ nghĩa dân túy hiện nay là sản phẩm của toàn cầu hóa ở mức độ cao với những thay đổi đặc biệt nhanh chóng của con người và xã hội. Vì vậy, dường như đó là sự biện minh cho những khát khao có thật của các nhóm xã hội trong xã hội hiện đại khi rơi vào bế tắc.

Tuy nhiên, ở chiều cạnh khác, dường như tác dụng của chủ nghĩa dân túy lại ngược lại. Trong lịch sử, khi phê phán chủ nghĩa dân túy Nga thế kỷ XIX, V.I.Lênin và những người mác xít chân chính đã từng cho rằng, đó là chủ nghĩa đã làm chệch hướng tiến lên của cuộc sống, làm lẫn lộn các nguyên tắc khách quan của lịch sử với những đề xuất có tính nửa vời và lừa mị của các nhà tư tưởng, các chính trị gia. Đó là sự thể hiện sinh động của những bế tắc, của những dao động tư tưởng khi con người đối diện với những bước ngoặt của lịch sử mà không đủ trí tuệ, dũng khí để tiến lên. Đôi khi, chủ nghĩa dân túy đó lại cổ súy cho những tư tưởng manh động, có tính cực đoan mà suy cho cùng là không đứng về phía lợi quyền chân chính của đại đa số người không chỉ vì hiện tại mà còn vì cả tương lai.

Ngoài hệ quả trên, trong bối cảnh hệ giá trị của con người hỗn loạn do những tác động muôn mặt của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường, chủ nghĩa dân túy mới càng làm cho sự hỗn loạn đó thêm phần hỗn loạn. Không ai khác, giai cấp tư sản với các tập đoàn hùng mạnh là người cổ súy nhiệt thành cho toàn cầu hóa và tự do thương mại mà sự phát triển của lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa tất yếu đòi hỏi, song cũng chính nó, trong lòng nó lại sản sinh khuynh hướng chống toàn cầu hóa, chủ trương bảo hộ thương mại. Đó là mâu thuẫn nhưng cũng là thực tế. Khuynh hướng đó, chủ trương đó đang có nguy cơ tạo ra cuộc chiến thương mại mới trên quy mô toàn cầu không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn giữa Mỹ với các đồng minh chiến lược châu Âu. Ngoài ra, nguy cơ phá bỏ các định chế quốc tế đang đặt nhân loại nói chung và nền chính trị hiện đại nói riêng đứng trước sự bất ổn, sự phá bỏ và một sự ngờ vực to lớn về niềm tin. Nguy cơ này là hiện hữu và nghiêm trọng khi soi xét hành động, phát ngôn của các chính trị gia dân túy mà Donald Trump là một ví dụ điển hình khi ông tuyên bố từ bỏ thỏa ước hạn chế biến đổi khí hậu đã ký, từ bỏ Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định hạt nhân về Iran...

Cũng là hệ quả trên, chủ nghĩa dân túy mới cũng là nơi khởi phát các phát ngôn và hành động cực đoan có nguy cơ dẫn đến xung đột khi thì công khai phản đối người nhập cư da màu, đề cao chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vứt bỏ truyền thống khoan dung như là một giá trị cốt lõi được chưng cất từ lịch sử nhân loại...

Hệ quả này đã được nhiều nhà khoa học cảnh báo khi xem chủ nghĩa dân túy mới có nhiều biểu hiện giống chủ nghĩa phát xít.

Có thể nói, những vấn đề trình bày trên đây về biểu hiện mới của chủ nghĩa dân túy là không đầy đủ bởi hình thái của nó vô cùng đa dạng. Tuy nhiên, điều có thể khẳng định là, chủ nghĩa dân túy hiện nay đã có nhiều biểu hiện mới và hậu quả của nó là có thật. Vì vậy, cần nhận diện đúng để có biện pháp phòng ngừa tác động tiêu cực từ chủ nghĩa dân túy.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luân chính trị số 7 -2018

 

PGS, TS Hồ Trọng Hoài

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền