Trang chủ    Bài nổi bật    Phát huy tác dụng của kê khai tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng
Thứ hai, 25 Tháng 3 2019 14:12
1586 Lượt xem

Phát huy tác dụng của kê khai tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng

(LLCT)- Phòng, chống tham nhũng là hoạt động mà các quốc gia trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước đề ra trong các quan điểm, đường lối và đã được thể chế hóa trong chính sách, pháp luật phù hợp với xu thế của thời đại và sự phát triển của đất nước. Trong cơ chế phòng ngừa tham nhũng, Đảng và Nhà nước đã triển khai bằng nhiều biện pháp, trong đó có minh bạch tài sản thu nhập. Tuy nhiên trong thực tiễn, việc thực hiện biện pháp này còn nhiều hạn chế. Bài viết đề cập các quy định của pháp luật hiện hành và đưa ra những kiến nghị để việc kê khai tài sản, thu nhập có hiệu lực, hiệu quả hơn trong phòng, chống tham nhũng.

1. Cơ sở pháp lý

Kê khai tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Đây là một trong những quy định nhằm nội luật hóa Công ước Liên Hợp quốc về Phòng, chống tham nhũng (Công ước). Công ước cho rằng việc quản lý đúng đắn công vụ và tài sản công, bảo đảm các nguyên tắc về công bằng, trách nhiệm và bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm sự liêm chính và khuyến khích xây dựng văn hóa chống tham nhũng là những biện pháp căn bản giúp phòng ngừa tham nhũng. Trên cơ sở đó, Chương II Công ước đưa ra các quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và các quy định về phòng ngừa tham nhũng ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các quy định trong Công ước.

Kê khai tài sản ở Việt Nam được thực hiện 23 năm nay, việc kê khai tài sản lần đầu tiên được luật hóa trong Pháp lệnh chống tham nhũng (Pháp lệnh) năm 1998 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X ban hành. Điều 14 trong Pháp lệnh quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai nhà, đất và các loại tài sản khác có giá trị lớn của mình. Người kê khai phải kê khai chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai”. Nhằm cụ thể hóa quy định của Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/1998/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, trong đó có nội dung về kê khai tài sản (các văn bản ở thời điểm này chưa đề cập đến vấn đề kê khai thu nhập mà chỉ quy định kê khai tài sản) và tiếp tục được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, 2008 và luật sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng tới đây. Mặc dù việc kê khai tài sản được quy định từ năm 1998 khi có sự ra đời của Pháp lệnh Phòng chống tham nhũng nhưng việc kê khai tài sản thực chất được bắt đầu triển khai từ năm 2005 khi có sự ra đời của Luật Phòng, chống tham nhũng và quy định thêm về kê khai thu nhập, cho đến nay việc kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện thường xuyên đối với các đối tượng ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc diện kê khai. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập còn nhiều vướng mắc cả về cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý kéo dài trong nhiều năm qua như kê khai tài sản, thu nhập ở các văn bản pháp luật hiện hành còn đơn giản, chung chung, chưa đầy đủ, việc kê khai còn mang nặng tính hình thức, đối phó. Kiểm soát việc kê khai tài sản, xử lý tài sản kê khai không giải trình được đang là vấn đề còn nhiều tranh luận trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian gần đây.

Việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập là một vấn đề không chỉ có ở Việt Nam mà được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Pháp luật của nhiều nước quy định đối tượng kê khai là khác nhau như công chức, nhất là công chức giữ vai trò lãnh đạo, quản lý phải thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập ở mỗi nước quy định cũng khác nhau như: trước khi tuyển dụng, đề bạt, bầu cử; sau khi tuyển dụng, đề bạt, bầu cử, thuyên chuyển công tác hoặc khi kết thúc nhiệm vụ được giao hoặc kê khai hàng năm...

Trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý kê khai tài sản thu nhập hiện nay, vấn đề tham khảo kinh nghiệm của các nước là có ý nghĩa thiết thực.

Ở Mỹ, bất kỳ công chức hoặc nhân viên nào làm việc trong hệ thống cơ quan hành pháp mà vị trí của họ được phân loại ở cấp độ 15 của Biểu phí chung (Biểu phí chung là mức chi trả của nhánh hành pháp đối với tất cả công chức) phải thực hiện công khai tài chính, bao gồm các vị trí như Phó Trợ lý Thư ký, Văn phòng hoặc Giám đốc trở lên.

Nền công vụ của Úc được chia thành ba nhóm chính gồm công chức hành chính, quản lý trung cấp và quản lý cấp cao. Chỉ quản lý cấp cao được thành lập theo quy định của Luật Công vụ, bao gồm nhóm những chuyên gia nghiệp vụ và những người có kỹ năng hoạch định chính sách và quản lý cấp cao mới phải kê khai tài sản theo quy định của pháp luật Úc.

Ở Singapore không có ngạch cán bộ, viên chức mà chỉ có công chức và công chức được chia làm bốn loại và chỉ có các công chức cấp cao (thuộc loại thứ nhất) mới phải kê khai tài sản.

Ở Nhật Bản, các công chức hàng đầu của Nhật Bản bao gồm các Phó giám đốc hoặc các quan chức cấp cao hơn như trợ lý Tổng giám đốc, các công chức cấp cao làm việc tại bộ mới phải kê khai tài sản.

Ở Hồng Kông, các công chức kê khai được phân thành hai bậc. Công chức Bậc I được Trung ương chỉ định như Bộ trưởng và thành viên nội các. Công chức Bậc II bao gồm các quan chức giúp việc và thư ký cho các chức danh ở Bậc I, quan chức quản lý do bộ chỉ định mới phải kê khai tài sản.

2. Tăng cường kê khai tài sản, thu nhập để phòng, chống tham nhũng

a. Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập

Thực hiện Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Thủ tướng Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013 của Tổng Thanh tra Chính phủ về Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, người kê khai tài sản, thu nhập gồm:

1. Đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Hội đồng nhân dân chuyên trách, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, người được dự kiến bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

2. Cán bộ, công chức từ Phó trưởng phòng của Ủy ban nhân dân cấp huyện trở lên và người được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Sỹ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, người hưởng phụ cấp chức vụ tương đương phó tiểu đoàn trưởng trở lên trong Quân đội nhân dân; sĩ quan chỉ huy từ cấp Phó tiểu đoàn trưởng, Phó trưởng công an phường, thị trấn, Phó đội trưởng trở lên trong Công an nhân dân.

4. Người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên tại bệnh viện, viện nghiên cứu, cơ quan báo, tạp chí, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng có sử dụng ngân sách, tài sản của Nhà nước, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

5. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, người giữ chức vụ tương đương Phó trưởng phòng trở lên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề của Nhà nước.

6. Thành viên hội đồng quản trị, thành viên hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên, người giữ chức danh quản lý tương đương từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước, người là đại diện phần vốn của Nhà nước, phần vốn của doanh nghiệp nhà nước và giữ chức danh quản lý từ Phó trưởng phòng trở lên trong doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước.

7. Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Trưởng công an, chỉ huy trưởng quân sự, cán bộ địa chính, xây dựng, tài chính, tư pháp - hộ tịch xã, phường, thị trấn.

8. Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm tra viên, thẩm phán, thư ký tòa án, kiểm toán viên nhà nước, thanh tra viên, chấp hành viên, công chứng viên nhà nước.

9. Người không giữ chức vụ quản lý trong các cơ quan nhà nước, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong các lĩnh vực quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị định này.

Tính đến tháng 10-2017 hệ thống kê khai tài sản, thu nhập ở Việt Nam đã bao phủ được 1.116.000 đối tượng kê khai trên cơ sở danh sách do cơ quan Đảng và Nhà nước tổng hợp, hệ thống kê khai bao phủ trên diện rộng các công chức của cả ba nhánh quyền lực và vươn tới cả các cán bộ không chỉ ở cấp cao. Điều này cho thấy, so với số lượng người lao động trong khu vực công được Chính phủ trả lương là 2,6 triệu người, số đối tượng kê khai như vậy là chưa đảm bảo cho công tác phòng, ngừa tham nhũng. Nên chăng cần quy định rộng hơn về đối tượng kê khai trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng là mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản lần đầu bởi đặc thù tham nhũng Việt Nam là tham nhũng vặt, việc kê khai lần đầu sẽ là một biện pháp tốt cho công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, có vấn đề khó trong việc kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập bởi các cơ quan chức năng sẽ không đủ mạnh và đủ nhân sự phục vụ việc kiểm soát được tất cả các bản kê khai tài sản, thu nhập mặc dù đã đưa ra phương án kê khai trên hệ thống thông tin điện tử nhưng điều này cũng khó khăn đối với các cán bộ, công chức làm việc ở điều kiện vùng sâu, vùng xa không đủ cơ sở vật chất phục vụ việc kê khai như máy tính, mạng.

b. Nội dung kê khai tài sản

Điều 3, Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013 của Tổng Thanh tra Chính phủ về Hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, tài sản, thu nhập phải kê khai gồm:

1) Các loại nhà, công trình xây dựng:

a) Nhà, công trình xây dựng khác đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu;

b) Nhà, công trình xây dựng khác chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên người khác;

c) Nhà, công trình xây dựng khác đang thuê hoặc đang sử dụng thuộc sở hữu của Nhà nước.

2) Các quyền sử dụng đất:

a) Quyền sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng;

b) Quyền sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên người khác.

3) Tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi các cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài mà giá trị mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên.

4) Tài sản ở nước ngoài.

5) Ô tô, mô tô, xe máy, tầu, thuyền và những động sản khác mà Nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký) có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

6) Kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

7) Các khoản nợ phải trả có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên.

8) Tổng thu nhập trong năm.

Như vậy, các tài sản, thu nhập kê khai khá đầy đủ và chi tiết, phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, việc kê khai vẫn còn mang tính hình thức và còn để trống một số nội dung sau: các khoản đầu tư kinh doanh, chứng khoán, cổ phiếu... không được kê khai riêng thành một nội dung mà để cùng với kim loại quý (nội dung 6). Về thu nhập, có thể không phải tất cả những người kê khai có thể hiểu hết ý nghĩa của thuật ngữ này, bao gồm cả việc liệu thu nhập từ nước ngoài nằm trong đó hay không. Do đó, một số thu nhập có thể không được kê khai như quà tặng, tiền thưởng, tiền thuê nhà, doanh thu, thừa kế, tiền đóng góp nhận được... Khoản thu nhập nào cũng nên được kê khai, vì nếu không thì người kê khai cũng có thể biện minh cho việc mua tài sản bằng cách biến báo từ thu nhập trong quá khứ.

Nếu các khoản đầu tư kinh doanh, chứng khoán, cổ phiếu,... được kê khai ở một dòng riêng trong mẫu kê khai thì người kê khai có thể sẽ thấy dễ dàng hơn khi kê khai và có thể chuẩn hóa được dữ liệu kê khai. Nội dung thứ 6 về “các động sản quý” có thể được mở rộng bao gồm bất kỳ động sản nào, bao gồm cả cổ vật hay tranh sơn dầu. Ngoài ra, có thể thêm một dòng về những khoản chi tiêu mà không phải là tài sản nhưng vượt ngưỡng (50 triệu đồng) như học phí đóng trong các trường học, chi phí cho đám cưới, các chuyến du lịch...

Thực tế hiện nay, có nhiều giao dịch thu nhập được thực hiện bằng tiền mặt và không nhiều giấy tờ ghi lại hoặc có giấy tờ nhưng không tiếp cận được, ví dụ: tiền thưởng, công tác phí, kinh phí cho các dự án nghiên cứu... được trả cho người lao động trong khu vực công bằng tiền mặt mà không được lưu giữ bằng các giấy tờ cụ thể. Việc loại bỏ các thu nhập không chính thức (ví dụ như yêu cầu phải giao dịch qua ngân hàng, và ở đâu không đủ điều kiện kỹ thuật để giao dịch qua ngân hàng thì các khoản thanh toán phải được đăng ký trong hồ sơ của cán bộ, công chức...) để làm thông tin lưu giữ và tăng hiệu quả của hoạt động kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập.

Bên cạnh đó, người kê khai cần phải kê khai cả những tài sản được nắm giữ bởi các pháp nhân/doanh nghiệp mà trong đó họ sở hữu ít nhất 50% hoặc ở ngưỡng thấp hơn (25%), tài sản mà người kê khai không đứng tên chính thức nhưng có được hưởng lợi từ đó thì sẽ ngăn chặn được sự gian lận trong quá trình kê khai. Việc đưa vào quy định về vấn đề chủ sở hữu hưởng lợi là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế (Điều 46 phần 1, khoản 5-1 mục 3 Luật phòng chống tham nhũng của Ucraina (2014)).

Để có thể xác định được các tài sản không thể giải trình trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập thì cần có thông tin về dòng tiền thích hợp (các giá trị giao dịch) đối với tất cả các hạng mục. Để liên kết các dòng tiền với từng giai đoạn được xác định rõ ràng (theo năm tài chính), việc kê khai ngày tháng của từng giao dịch mang tính quyết định như: Khoản nợ được trả khi nào? số tiền trả là bao nhiêu? Tài sản mua khi nào? giá bao nhiêu? Các khoản thu nhập nào có được: quà tặng, tiền thưởng, tiền cho thuê, tài sản có được đối với đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ; khoản trợ cấp, ưu đãi được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, tài sản được thừa kế, các khoản đóng góp nhận được..., và trong thời gian bao lâu.

c. Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập

Điều 9 Nghị định 78/2013 quy định kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành hàng năm. Chưa có quy định cán bộ, công chức nộp “bản kê khai đầu vào” đối với những tài sản mà họ sở hữu tại thời điểm họ bắt đầu vào cơ quan, điều này là không hợp lý vì khó xác định được tài sản nào họ có trước khi được tuyển dụng và trong thời gian làm việc. Do đó, cần có bản kê khai tài sản, thu nhập lần đầu là cần thiết và thay thế việc kê khai hàng năm bằng “kê khai theo thời điểm” như các thời điểm sau:

Một là, kê khai tài sản, thu nhập khi được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước để nắm được những tài sản mà họ có trước khi tuyển dụng (áp dụng cho tất cả các công chức chưa có chức vụ). Bản kê khai này chính là cơ sở để so sánh với những kê khai mới và để nắm được những tài sản mà họ sở hữu.

Hai là, bản kê khai hàng năm với một khoảng thời gian được xác định rõ ràng, dựa trên một chuỗi các kỳ kê khai liền mạch nhưng không có nghĩa là người kê khai năm nào cũng phải khai đi khai lại những thông tin về cùng một tài sản, thu nhập mà chỉ phải kê khai những tài sản, thu nhập mới xuất hiện trong kỳ kê khai (năm tài chính). Do đó, mẫu kê khai sẽ giúp người kê khai hoàn thành dễ dàng và giúp cho việc xác minh, kiểm soát bản kê khai có hiệu quả cao.

Ba là, kê khai khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thuyên chuyển,... hoặc được phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang, việc này rất cần làm vì quy trình phong, thăng quân hàm cấp tướng chặt chẽ và đây cũng là vinh dự lớn. Việc phong hàm cũng phải kê khai, xác minh tài sản. Không phải gắn với quản lý nhưng là gắn với chức tước.

Bốn là, bản kê khai đầu ra cho tất cả các tài sản đã có được sau khi rời cơ quan. Bởi việc kiểm soát, xác minh tài sản được tiến hành cả khi các cán bộ đã nghỉ chế độ nhưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

d. Xử lý đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý

Điều 30, Nghị định 78/2013 quy định xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực.

Người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật như sau:

a) Đối với cán bộ áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm;

b) Đối với công chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức;

c) Đối với viên chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức;

d) Đối với người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức;

đ) Đối với người làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân áp dụng theo quy định về xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

Từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ xử lý hành vi kê khai không trung thực, người bị phát hiện kê khai tài sản không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật Đảng với những hình thức khác nhau, hoặc trên thực tiễn có những người có thể bị giáng chức hoặc cách chức (Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức). Nhưng đối với phần tài sản chúng ta chưa có quy định để xử lý. Nay dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng đã đưa thêm vấn đề xử lý tài sản là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, phù hợp với xu thế chung của quốc tế về phòng, chống tham nhũng.

Pháp luật hiện hành quy định tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc bất hợp pháp (do vi phạm pháp luật, phạm tội mà có) thì tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung quỹ nhà nước... (Điều 4, nguyên tắc xử lý tham nhũng tại Văn bản hợp nhất 10/VBHN-VPQH ngày 12-12-2012, Văn bản hợp nhất Luật Phòng, chống tham nhũng do Văn phòng Quốc hội ban hành). Riêng đối với tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc thì đến nay pháp luật vẫn chưa có quy định xử lý, trong khi không loại trừ một số tài sản này có thể có nguồn gốc từ tham nhũng, từ vi phạm pháp luật nhưng Nhà nước chưa chứng minh được. Mặc dù vậy, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”.

Trong bối cảnh sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Điều 59 luật dự thảo sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc (tài sản không giải trình được một cách hợp lý).

Ở nước ta, người dân trong mỗi gia đình, dòng họ có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế tài sản cho nhau. Vì thế, tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức khác nhau hoặc họ được tặng, cho, thừa kế...) và trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua sắm tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... Mặt khác, nếu coi tài sản mà cán bộ, công chức không chứng minh được nguồn gốc là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự thì vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, lại vừa rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt nhà nước đứng ra khởi kiện.

Đối với tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, nhưng Nhà nước cũng chưa chứng minh được tài sản này có nguồn gốc bất hợp pháp thì phải thực hiện theo nguyên tắc “suy đoán vô tội”, trường hợp này có thể coi đây là các khoản thu nhập phát sinh mà người kê khai chưa nộp thuế và buộc họ phải truy thu thuế là phù hợp trong điều kiện hiện nay. Về mức thuế, theo mức thuế suất 45%. Nhưng việc thu thuế kiểu này là vô tình khuyến khích tham nhũng, vì tài sản tham nhũng sau khi đã nộp thuế rồi thì sẽ là tài sản hợp pháp (55%). Chúng tôi cho rằng, tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc sẽ bị xử lý, tịch thu sung quỹ Nhà nước nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do tham nhũng, do phạm tội mà có. Không giải trình được một cách hợp lý nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp thì phải suy đoán vô tội. Coi như đó là tài sản hợp pháp. Mà tài sản hợp pháp thì nộp thuế theo khung của Luật Thuế thu nhập cá nhân, chứ không là mức 45% được. Đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý hình sự, xử lý dân sự, xử lý kỷ luật.

Hiện nay, hiệu quả phát hiện tham nhũng trong hoạt động kê khai tài sản, thu nhập chưa cao bởi mới chỉ dựa trên bản tự kê khai tài sản của cán bộ, công chức. “Hầu như họ chỉ kê khai những gì hợp pháp, những tài sản giải trình được, những cái chính đáng. Những tài sản tham nhũng thì không kê khai”. Kiểm soát, xác minh cũng chỉ xác minh trong bản kê khai. Không trao quyền để mở rộng xác minh, không thể xác minh con cái đã thành niên, xác minh anh chị em ruột thịt... thì rất khó. Do vậy, cần tập trung vào các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải trình, xác minh tài sản, thu nhập. Kê khai tài sản, thu nhập một cách hiệu quả trở thành một yêu cầu cấp thiết của công cuộc phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2018

Tài liệu tham khảo:

1. TS Tilman Hoppe: Báo cáo kê khai tài sản, thực tiễn tốt của Quốc tế tại chương trình Hội nghị bàn tròn về kê khai tài sản ở Việt Nam.

2. TS Tilman Hoppe: Thu hồi tài sản ở Đông Nam Á, Báo cáo Quốc gia - Việt Nam, tại chương trình Hội nghị bàn tròn về kê khai tài sản ở Việt Nam.

3. Hồng Vĩ: Các biện pháp chống tham nhũng ở Trung Quốc, Nxb Chính trị quốc gia, 2014.

4. Thanh tra chính phủ: Một số vấn đề về tham nhũng và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam, Nxb Lao động, 2012.

5. Luật Phòng, chống tham nhũng (năm 2012).

6. Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9-3-2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

7. Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 8-8-2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP.

8. Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

9. Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập.

10. Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3-1-2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản.

11. Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ.

TS Tăng Thị Thu Trang

Viện Nhà nước và Pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền