Trang chủ    Bài nổi bật    Khoảng cách giới trong tiếp cận nguồn lực phát triển nông thôn ở một số nước đang phát triển
Thứ hai, 25 Tháng 3 2019 14:14
3136 Lượt xem

Khoảng cách giới trong tiếp cận nguồn lực phát triển nông thôn ở một số nước đang phát triển

(LLCT)- Bài viết phân tích khoảng cách giới trong tiếp cận nguồn lực phát triển ở nông thôn thông qua các khía cạnh về tiếp cận đất đai, giáo dục, thị trường lao động, tài chính, công nghệ. Bằng phương pháp tổng quan, bài viết đã chỉ rõ rằng, phụ nữ luôn chịu thiệt thòi hơn nam giới trong tiếp cận các nguồn lực. Định kiến giới là một trong những nguyên nhân tạo ra những khoảng cách giới này. Để thu hẹp khoảng cách giới này thì cần phải trao quyền cho phụ nữ.

Việc thực hiện bình đẳng giới trong phát triển nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển bền vững ở nông thôn. Nghiên cứu của FAO năm 2002 đã chỉ ra rằng, nếu phụ nữ có thể tiếp cận những nguồn lực sản xuất như nam giới thì họ có thể làm tăng sản lượng nông sản của họ lên từ 20-30%. Điều này có thể làm tăng đầu ra của nông nghiệp ở các nước đang phát triển lên tới 4%, khả năng giảm từ 100-1500 triệu người nghèo đói. Một nghiên cứu khác cũng khẳng định rằng, việc bình đẳng giới có thể giảm ½ tổng số người nghèo đói vào năm 2015(1).

Mặc dù vậy, tình trạng bất bình đẳng giới luôn hiện diện trong các khía cạnh ở nông thôn của các quốc gia đang phát triển. Bất bình đẳng giới tồn tại trong suốt quá trình sản suất, bắt đầu với tính không cân xứng trong việc tiếp cận và kiểm soát tài sản sinh kế của bản thân người phụ nữ như đất đai, giáo dục, việc làm, tín dụng và khoa học kỹ thuật.

1. Thực trạng về khoảng cách giới trong tiếp cận các nguồn lực phát triển nông thôn

- Khoảng cách giới trong sử dụng và tiếp cận đất đai

Đất đai là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người nông dân. Thực tế cho thấy, việc tiếp cận và kiểm soát nguồn lực này có ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế và vai trò của cá nhân trong gia đình. Ở các nước đang phát triển, tình trạng bất bình đẳng giới trong tiếp cận đất đai càng trở nên nghiêm trọng. Chẳng hạn, phụ nữ chỉ chiếm dưới 5% trong tổng số người sở hữu đất nông nghiệp ở các nước Bắc Phi và Tây Á; tương tự, ở Nam Á và Đông Nam Á chỉ có hơn 10%, Châu Đại Dương dưới 5%, vùng Trung Đông chỉ có ít hơn 10%. Ở một số nước đang phát triển như ở Bangladesh, Ecuador và Pakistan, diện tích đất trung bình của nam chủ hộ nắm giữ nhiều hơn 2 lần so với nữ chủ hộ(2). Thậm chí ở một số quốc gia giàu có nhất khu vực Châu Mỹ Latinh như Chile, Ecuador thì tình trạng này cũng tương tư, chủ sở hữu đất nông nghiệp là phụ nữ chỉ có khoảng 25%.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy, nam giới chiếm ưu thế trong kiểm soát đất đai và các tài sản có giá trị khác. Nam giới có cơ hội tiếp cận và kiểm soát đất sản xuất là 24,8% so với 4,8% của nữ giới. Có khoảng gần 80% chủ hộ là nam giới so với 20% chủ hộ là nữ giới, do đó trên thực tế phần lớn nam giới là người đứng tên trên giấy tờ nhà và đất. Đặc biệt ở nông thôn, đa số trường hợp nhà ở và đất ở là tài sản thừa kế do bố mẹ chia cho con trai khi họ lập gia đình và tách ra ở riêng, do vậy tỷ trọng nam giới đứng tên chủ sở hữu nhà ở là rất cao. Theo số liệu điều tra cơ bản về gia đình Việt Nam (1998-2000), 79,7% hộ gia đình ở đồng bằng và 82,1% hộ gia đình ở trung du - miền núi có nam giới là người đứng tên sở hữu nhà ở và đất ở, còn ở thành phố, tỷ lệ này chiếm 49,8%. Cũng tương tự như vậy, 78,9% người đứng tên giấy chứng nhận quyền sở hữu đất canh tác của các hộ gia đình nông thôn là người chồng và không có sự khác biệt đáng kể giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số(3). Hiện tượng này được lý giải theo truyền thống, người đứng tên chủ sở hữu nhà cửa, đất đai được đăng ký theo tên chủ hộ.

- Khoảng cách giới trong thị trường lao động ở nông thôn

Theo báo cáo của RIGA, khoảng cách giới trong việc làm được trả lương chính thức và phi chính thức ở nông thôn là rất lớn. Chẳng hạn, ở Ghana có khoảng 15% nam giới nhưng chỉ có hơn 4% nữ giới được trả lương. Khoảng cách này ở một số nước khác như: Bangladesh có 24% nam giới ở nông thôn và chỉ có 3% phụ nữ nông thôn làm việc trong lĩnh vực được trả lương; Ecuador có khoảng 30% nam giới nông thôn và chỉ có 9% phụ nữ nông thôn nhận lương. Ngoài ra, phụ nữ nông thôn thường thích làm công việc bán thời gian, mùa vụ hơn nam giới. Ở Malawi, có tới 90% phụ nữ và 66% nam giới làm công việc bán thời gian, 95% phụ nữ và khoảng 85% nam giới làm thời vụ; Ở Nepal có 70% phụ nữ và 45% nam giới làm việc bán thời gian, có gần 90% phụ nữ và 74% nam giới làm thời vụ. Ở Việt Nam cũng có sự khác biệt này, tuy nhiên không quá nhiều, có gần 40% phụ nữ và 31% nam giới làm việc bán thời gian, có 82% phụ nữ và 78% nam giới làm công việc thời vụ(4).

 Ngoài ra, phụ nữ nông thôn cũng thường làm công việc có thu nhập thấp. Ở Malawi, có hơn 60% phụ nữ làm công việc lương thấp so với ít hơn 40% của nam giới. Ở Việt Nam, gần 70% phụ nữ và chỉ có khoảng 48% của nam giới làm công việc trả lương thấp. Thậm chí, phụ nữ vẫn bị trả lương thấp hơn so với nam giới mặc dù họ cùng làm một tính chất công việc, cùng trình độ và kinh nghiệm(5).

- Khoảng cách giới trong giáo dục ở nông thôn

Giáo dục là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao vốn con người và tạo nhiều cơ hội phát triển cho cá nhân. Đồng thời, giáo dục có kết nối quan trọng đối với sản xuất hộ gia đình và làm cho đời sống kinh tế, xã hội của các hộ gia đình được tốt hơn(6). Mặc dù vậy, thực tế cho thấy, khoảng cách giới trong giáo dục ở nông thôn đã và đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng và mở rộng hơn ở một số quốc gia đang phát triển như Pakistan, Ghana, Malawi, Bolivia, Việt Nam... Nghiên cứu của Anriquez (2010) trong báo cáo của FAO (2011) đã cho thấy rằng, nữ chủ hộ thường có số năm đi học trung bình ít hơn so với nam chủ hộ (biểu 1).

Ở Việt Nam, khoảng cách về giới trong giáo dục cũng nằm trong xu hướng chung của thế giới. Biểu 1 cho thấy, số năm đi học của nữ chủ hộ ít hơn 2,5 năm so với nam giới. Theo kết quả điều tra mức sống hộ gia đình (2012), tỷ lệ dân số biết chữ từ 10 tuổi trở lên của nhóm hộ ở thành thị chiếm 96,1% so với 92,0% của nhóm ở nông thôn; sự chênh lệch giữa nam và nữ ở khu vực thành phố chỉ có 3,2 điểm (97,8% của nam và 94,6% của nữ) trong khi đó sự chênh lệch này ở khu vực nông thôn là 6,2 điểm (95,2% của nam và 89,0% của nữ)(7).

- Khoảng cách giới trong dịch vụ tài chính và khoa học công nghệ

Dịch vụ tài chính bao gồm gửi tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm cơ hội cho cải thiện đầu ra nông nghiệp, an ninh lương thực và sức mạnh kinh tế ở hộ gia đình, cộng đồng và quốc gia. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc cải tiến cho phụ nữ tiếp cận trực tiếp các nguồn lực tài chính dẫn đến đầu tư cao hơn về vốn con người như sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục của trẻ em.

Mặc dù vậy, sự khác biệt giới trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính ở nông thôn vẫn còn hiện hữu trên một số quốc gia đang phát triển như Indonesia, Việt Nam, Madagascar... Kết quả khảo sát của 7/9 quốc gia trong dữ liệu RIGA cho thấy, nữ chủ hộ ở nông thôn ít có khả năng sử dụng tín dụng hơn nam chủ hộ. Chẳng hạn, ở Madagascar, chỉ có 9% nữ chủ hộ được hỏi cho rằng họ có sử dụng tín dụng, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nam chủ hộ được hỏi. Ở Indonesia, nữ chủ hộ ở nông thôn sử dụng tín chưa tới 10% so với gần 20% của nam chủ hộ. Ở Uganda, gần như tất cả nữ chủ hộ tham gia nghiên cứu đều cho rằng, họ thiếu tiền để mua đất và đầu tư hạt giống, phân bón, hoặc thuê mướn lao động. Ở Bangladesh, mặc dù có chương trình tín dụng đặc biệt cho phụ nữ ở Bangladesh nhưng phụ nữ chỉ nhận khoảng 5% của những khoản vay chi tiêu từ thể chế tài chính ở khu vực nông thôn vào năm 1980 và chỉ tăng một chút, khoảng hơn 5% vào năm 1990(8). Ở Việt Nam cũng có xu hướng tương tự như thế, chỉ có hơn 20% nữ chủ hộ có sử dụng tín dụng so với gần 40% của nam chủ hộ ở nông thôn(9).

Bên cạnh đó, tiếp cận công nghệ mới là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện năng suất lao động trong nông nghiệp. Mặc dù vậy, các nghiên cứu đã cho thấy, có sự khác biệt giới khá lớn trong việc tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Bằng chứng nghiên cứu ở Gambian cho thấy, phụ nữ không sở hữu máy xúc và chưa tới 1% sở hữu về máy cắt cỏ, máy gieo hạt hoặc những trang thiết bị đa năng khác; trong khi đó tỷ lệ nam giới sở hữu những công cụ đó là 8%, 12%, 27% và 18%. Cũng theo thống kê về kết quả điều tra kinh tế hộ gia đình thuộc 3 quận ở Kenya cho thấy, phụ nữ được sở hữu các công cụ nông nghiệp chỉ bằng 18% trong tổng số giá trị các công cụ và trang thiết bị mà nam giới đã sở hữu(10). Đối với sở hữu trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, FAO (2011) cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ nữ chủ hộ sử dụng cơ giới hóa chiếm tỷ lệ thấp hơn so với nam chủ hộ của một số quốc gia đang phát triển. Chẳng hạn, ở Bangladesh thì nữ chủ hộ sử dụng cơ giới hóa chưa tới 1%, nữ chủ hộ ở Nepal sử dụng cơ giới hóa khoảng 3% so với gần 10% của nam chủ hộ; chỉ có ở Việt Nam, tỷ lệ nữ chủ hộ sử dụng cơ giới hóa chiếm tỷ lệ khoảng 36% so với 46% của nam chủ hộ.

2. Một số gợi mở chính sách cho Việt Nam

Từ thực trạng về khoảng cách giới trong tiếp cận các nguồn lực phát triển ở nông thôn của các quốc gia đang phát triển cho thấy, mặc dù các quốc gia được phân tích có sự khác nhau về văn hóa, trình độ sản xuất, phương thức sản xuất; song vẫn có điểm tương đồng là: (1) đều là các nước đang phát triển; (2) tình trạng phân biệt giới trong tiếp cận các nguồn lực phát triển ở nông thôn. Từ sự khác biệt và tương đồng đó, một số gợi mở chính sách cho Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách giới là:

Một là, thu hẹp khoảng cách giới trong tiếp cận đất đai, cần đưa yếu tố giới vào trong thiết kế và vận dụng chính sách; lồng ghép yếu tố giới vào các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, tăng cường giáo dục cho phụ nữ về luật đất đai, có cơ chế chính sách bảo đảm tiếng nói, vai trò của nữ chủ hộ.

Hai là, thu hẹp khoảng cách giới trong thị trường lao động ở nông thôn, nhằm tạo cơ hội cho phụ nữ nông thôn tham gia ngày càng nhiều hơn vào thị trường lao động và được trả với thu nhập thỏa đáng. Để làm được điều đó cần phải tăng cường vốn con người cho phụ nữ thông qua đào tạo nghề, nâng cao trình độ học vấn cho nhóm xã hội này ở nông thôn; đẩy mạnh quyền và tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, cần quy định các hoạt động nội trợ, chăm sóc gia đình cũng là những công việc tạo ra giá trị. Có như vậy, mới đánh ra đúng giá trị các công việc của phụ nữ nông thôn khi tham gia vào thị trường lao động chính thức và không chính thức.

Ba là, thu hẹp khoảng giới trong giáo dục, tăng cường lồng ghép giới trong cách chính sách giáo dục ở Việt Nam và coi bình đẳng giới trong giáo dục là một trong những mục tiêu phát triển. Ngoài ra, sử dụng công nghệ và nhiều kênh thông tin để hỗ trợ việc phụ nữ có thể tiếp nhận thông tin một cách tốt nhất.

Bốn là, để thu hẹp khoảng cách giới trong cơ hội tiếp cận tài chính, cần phải đẩy mạnh chính sách tín dụng cho người nông dân, thiết kế nhiều chương trình tín dụng dành riêng cho phụ nữ ở nông thôn. Ngoài ra, để thu hẹp khoảng giới trong tiếp cận kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cần cải tiến và mở rộng các dịch vụ nông nghiệp; mở rộng đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, tạo điều kiện giúp họ có thêm sức mạnh và tri thức để tiến hành sản xuất.

Như vậy, các bằng chứng nghiên cứu đã cho thấy, phụ nữ và nam giới luôn có khoảng cách trong cơ hội tiếp cận nguồn lực phát triển ở nông thôn. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề này là do quá trình trao quyền cho phụ nữ và quan niệm định kiến giới vẫn còn khắt khe trong bối cảnh ở nông thôn. Do đó, để hướng tới bình đẳng giới trong bối cảnh nông thôn thì việc ban hành chính sách và thực thi chính sách cần chú ý đến khả năng trao quyền cho phụ nữ ở nông thôn. Bởi lẽ, một khi phụ nữ được trao quyền kinh tế và xã hội, họ trở thành những người lãnh đạo và chủ thể của sự thay đổi về sự phát triển kinh tế, chương trình xã hội và phát triển bền vững ở nông thôn. Cho nên, quyền lực của phụ nữ ở khu vực nông thôn là một điều kiện tiên quyết cho mục tiêu an ninh lương thực và phát triển bền vững(11).

______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2018

(1) UN (2002): Millennium development goals. Millennium decaration, Millennium Summit general Assembly 55th session. United Nations develpmet programme, www.un.org

(2), (4), (6), (10) FAO: The state of food and agriculture, Food and Agriculture organization of the UN, Rome, 2011, p.23-24, 19-20, 28, 35-36.

(3) Lê Ngọc Văn: Biến đổi gia đình Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2011, tr.430.

(5) Ahmed,S and Maitra, P (2010): Gender wage discrimination in rural and ubarn labour market of Bangladesh. Oxford development studies, 38 (1): p.83-112.

(7) Tổng Cục Thống kê: Kết quả điều tra mức số hộ gia đình năm 2012, Hà Nội, 2013, tr.67.

(8) Goetz, A.M and Gupta, R.S (1996): Who takes the credit? Gender, power and control over loan use in rural credit program in Bangladesh, World development, 24(1): paper 45-63.

(9) Anriquez, G: Demystifying the anriculture feminization myth and the gender burden, Background paper prepared for the State of and Agriculture 2010-11, Rome, 2010, FAO.

(11) Ellis. A et al (2006): Gender and economic growth in Uganda: Unleashing the power of women, Washington, DC, World Bank.

THS PHAN THUẬN

Học viện chính trị Khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền