Trang chủ    Bài nổi bật    Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay
Thứ ba, 28 Tháng 5 2019 08:58
1508 Lượt xem

Vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin vào sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Hiện nay trong toàn Đảng đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây cũng là những nội dung mà V.I.Lênin đã đề cập đến trong tác phẩm “Chúng ta phải cải tổ Bộ dân ủy thanh tra công nông như thế nào?” và tác phẩm “Thà ít mà tốt”. Những chỉ dẫn của Người về cải cách bộ máy nhà nước đến nay vẫn còn giá trị to lớn. 

Năm 1923, sau 5 năm Đảng Cộng sản (b) Nga cầm quyền, việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước ở Nga đã bộc lộ những bất cập, yếu kém, cần phải cải cách. Trong bối cảnh đó, V.I.Lênin đã viết bài “Chúng ta phải cải tổ Bộ dân ủy thanh tra công nông như thế nào?” đăng báo “Sự thật” số 16 ngày 25 tháng Giêng năm 1923 (cũng là Đề án gửi Đại hội XII của Đảng) và tiếp tục viết bài “Thà ít mà tốt” đăng trên báo “Sự thật” số 49 ngày 4-3-1923.

Đã qua 96 năm, những chỉ dẫn của V.I.Lênin qua các bài viết trên đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị của Đảng ta hiện nay vẫn có giá trị hết sức quý báu. Đó là:

Thứ nhất, về tính tất yếu phải cải tổ bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước trong điều kiện Đảng cầm quyền

Do chưa có tiền lệ, việc xây dựng bộ máy nhà nước XHCN cho dù đã có nhiều cố gắng nhưng gặp nhiều khó khăn và có tình trạng cồng kềnh, kém hiệu lực, hiệu quả. V.I.Lênin đánh giá: “Thế là năm năm, chúng ta ra sức cải tiến bộ máy nhà nước của ta. Nhưng đó chỉ là một hoạt động phí công, một hoạt động qua năm năm đã chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng rằng hoạt động đó chỉ là vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí có hại là khác”(1). Chính vì vậy, việc khắc phục tình trạng ấy “cực kỳ cấp bách” và phải bằng những cuộc “cải cách” vì “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ, đến nỗi chúng ta phải suy nghĩ nghiêm chỉnh xem nên khắc phục những khuyết điểm của bộ máy như thế nào”(2). “Chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm đến mức tối đa tất cả những cái không tuyệt đối cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được”(3). Mục đích của cải cách tổ chức bộ máy là “để xây dựng được một bộ máy thật sự mới và thật sự xứng đáng với danh hiệu là bộ máy xã hội chủ nghĩa, bộ máy xô viết, v.v.”(4).

Thứ hai, cải cách bộ máy phải tuân theo các nguyên tắc:

(1) Bảo đảm tính đảng

Trong điều kiện đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo phải có sự thay đổi, chủ yếu dựa vào Nhà nước, thông qua Nhà nước để thực hiện mục tiêu chính trị của Đảng. Cải cách tổ chức bộ máy là cần thiết, thậm chí phải sáp nhập cơ quan đảng với cơ quan nhà nước nhưng không có nghĩa là làm cho Đảng suy yếu, trái lại, cải cách tổ chức bộ máy làm cho Đảng tận dụng được hết khả năng của các tổ chức nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước một cách trực tiếp hơn, hiệu lực và hiệu quả hơn thông qua tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng đồng thời là người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Về bộ máy lãnh đạo sau khi hợp nhất Bộ dân ủy thanh tra công nông với Ban kiểm tra trung ương, theo V.I.Lênin: “Bộ trưởng Bộ dân ủy thanh tra công nông, theo tôi, có thể vẫn là (và nhất thiết phải là) bộ trưởng dân ủy; đồng chí đó cũng như toàn thể ban lãnh đạo của bộ, sẽ tiếp tục lãnh đạo hoạt động của toàn bộ Bộ dân ủy thanh tra công nông, kể cả hoạt động của tất cả các ủy viên Ban kiểm tra Trung ương là những ủy viên được coi là “được biệt phái” sang cho Bộ trưởng Bộ dân ủy sử dụng”(5).

(2) Bảo đảm tính khoa học

Công tác tổ chức là một khoa học nên không chỉ cần quyết tâm chính trị cao mà còn phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học thấu đáo. Việc cải cách bộ máy nhà nước cần phải phân tích sâu sắc những thuận lợi và lường trước được những khó khăn sẽ gặp phải. Đặc biệt, không được chủ quan, nóng vội, bất chấp những vấn đề mang tính quy luật của tổ chức và phải được thực hiện thận trọng, khách quan. Theo V.I.Lênin, tính khoa học của sáp nhập, hợp nhất các tổ chức phải dựa trên cơ sở khảo sát thực tiễn, chỉ rõ thực trạng, phân tích sự cần thiết, cấp bách phải cải tổ, chỉ rõ nội dung, yêu cầu và mục đích của việc cải tổ. Việc hợp nhất Bộ dân ủy thanh tra công nông với Bộ dân ủy thanh tra công nông được thực hiện rất cẩn trọng, lập Đề án gửi Đại hội XII của Đảng cộng sản (b) Nga. Tính khoa học của tổ chức sẽ tránh được tình trạng một số tổ chức tách rồi lại nhập hay nhập rồi lại tách, gây tốn kém, hiệu lực, mất ổn định của tổ chức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thậm chí mất ổn định xã hội. Người cảnh báo: “Đồng nhất hóa quá mức và do đó có xu hướng muốn nhập tất cả lại, đều có hại. Trái lại, trong vấn đề này, ta phải tìm ra một giải pháp hợp lý, trung độ giữa việc sáp nhập tất cả các viện ấy lại làm một với việc phân định ranh giới đúng mức giữa các viện ấy mà vẫn để cho mội viện có một tính chất độc lập nào đó”(6). Do vậy, phải chuẩn bị cặn kẽ và cần có những biện pháp dứt khoát, triệt để bởi vì “những biện pháp nửa chừng sẽ rất tai hại”.

Đồng thời, Người yêu cầu phải bảo đảm tính ổn định, kế thừa và học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến: “Cử một vài người có năng lực và tận tâm sang Anh để sưu tầm tài liệu và nghiên cứu vấn đề. Tôi nói sang Anh, trong trường hợp không thể sang Mỹ hay Ca-na-da được”(7).

(3) Bảo đảm tính hiệu quả -“thà ít mà tốt”

V.I.Lênin yêu cầu trong quá trình cải cách bộ máy nhà nước “Phải tuân theo nguyên tắc này: thà ít mà tốt. Phải tuân theo quy tắc này: thà mất hai năm hay thậm chí ba năm, còn hơn là hấp tấp vội vàng mà không có chút hy vọng nào đào tạo được một nhân liệu tốt”(8).

Việc sắp xếp bộ máy tinh gọn không chỉ hướng tới tinh giản bộ máy mà còn phải giảm mạnh nhân sự trên cơ sở nâng cao chất lượng nguồn lực con người. V.I.Lênin cho rằng, “Bộ dân ủy thanh tra công nông sẽ phải rút xuống chỉ còn độ 300 hay 400 nhân viên đã được đặc biệt kiểm tra về phương diện trung thực cũng như về phương diện hiểu biết của bộ máy nhà nước chúng ta; họ sẽ phải trải qua một cuộc sát hạch đặc biệt chứng nhận rằng họ thông hiểu những nguyên tắc tổ chức khoa học về lao động nói chung, và nhất là về công tác quản lý, công tác văn phòng, v.v..”(9).

Việc giảm bớt số nhân viên xuống mức trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng những người làm việc trong Bộ dân ủy thanh tra công nông, lẫn chất lượng, hiệu quả của toàn bộ công tác. Đồng thời giúp cho bộ trưởng dân ủy và cho những ủy viên trong ban lãnh đạo tập trung được hết công sức của mình để tổ chức công tác và nâng cao chất lượng công tác một cách hệ thống và liên tục. Người phân tích rất cụ thể: “Bộ trưởng Bộ dân ủy thanh tra công nông sẽ phải phần nào hợp nhất, phần nào kết hợp hoạt động của những viện nghiên cứu cao cấp về tổ chức lao động (Viện nghiên cứu lao động trung ương, Viện nghiên cứu tổ chức lao động theo phương pháp khoa học)... Hiện nay chúng ta có ít nhất là 12 viện như thế trong nước cộng hòa”(10).

(4) Có quyết tâm cao, kiên quyết, kiên trì

Vấn đề sắp xếp tổ chức luôn là vấn đề nhạy cảm vì sẽ đụng chạm đến lợi ích cá nhân của nhiều người. Do đó, V.I.Lênin đã sớm xác định việc cải tổ là quá trình khó khăn, lâu dài, phải cố gắng bền bỉ, phải thực sự có quyết tâm chính trị cao. Người viết: “nếu chúng ta thật sự muốn, trong vài năm nữa, đi đến chỗ tạo nên được một cơ quan, một là sẽ gương mẫu, hai là sẽ được mọi người tín nhiệm tuyệt đối, và ba là sẽ chỉ cho tất cả và cho từng người thấy rằng chúng ta đã thực tế cáng đáng được công tác của các cơ quan cao cấp ấy”. Để thực hiện được điều đó, V.I.Lênin đã yêu cầu cần có sự đồng thuận và sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ dân ủy thanh tra công nông, Ban Chấp hành Trung ương và Ban kiểm tra Trung ương. Với những dự đoán chính xác những khó khăn trong việc thực hiện đổi mới bộ máy nhà nước, Người đã chủ động chuẩn bị kỹ cho việc đấu tranh chống lại các ý kiến phản đối việc cải tổ: “Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn. Tôi biết là quy tắc ngược lại thế sẽ tự mở cho nó một con đường bằng muôn nghìn ngõ ngách. Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự lại một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường; rằng công tác ấy, ít nhất là trong những năm đầu, sẽ vô cùng ít hiệu quả”(11).

Thứ tư, việc sáp nhập, hợp nhất tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng và lựa chọn khâu đột phá.

Vấn đề lớn mà V.I.Lênin đề cập khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy không chỉ trong nội bộ cơ quan đảng hay chính quyền mà ngay cả cơ quan đảng với cơ quan chính quyền với nhau. Người trăn trở: “làm thế nào để có thể kết hợp được một cơ quan đảng với một cơ quan chính quyền xô-viết? Như vậy, có phải không có cái gì không thể dung nạp được hay sao?”(12). Muốn cải cách, đổi mới bộ máy Nhà nước Xô viết thì phải biết chọn khâu đột phá và phải quyết tâm làm cho kỳ được. Với sự phân tích sắc sảo, có lý, có tình từ kinh nghiệm của mình, V.I.Lênin cho rằng, “có thể hợp nhất một cách độc đáo bộ máy kiểm tra của Đảng với bộ máy kiểm tra của chính quyền” và đề xuất trước hết là hợp nhất Bộ dân ủy thanh tra công nông với Ban Kiểm tra trung ương.

Việc trước tiên lựa chọn Bộ dân ủy thanh tra công nông hợp nhất với Ban Kiểm tra Trung ương vì “việc hợp nhất Bộ dân ủy thanh tra công nông với Ban kiểm tra Trung ương như vậy sẽ có ích cho cả hai cơ quan đó. Một mặt, Bộ dân ủy thanh tra công nông sẽ vì thế mà có được một uy tín rất cao, ít ra cũng ngang với uy tín của Bộ dân ủy ngoại giao. Mặt khác, nâng cao chất lượng cán bộ, nhân viên và chất lượng của toàn bộ công tác theo hướng có kế hoạch, hợp lý và hệ thống “giảm bớt số nhân viên xuống mức mà tôi đã đề ra, sẽ làm tăng được rất nhiều cả chất lượng của những người làm việc trong Bộ dân ủy thanh tra công nông lẫn chất lượng của toàn bộ công tác”(13).

 Hơn nữa, khi hợp nhất, các tổ chức đảng, chính quyền sẽ liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân: “Không còn nghi ngờ gì nữa rằng cuộc cải cách ấy sẽ có lợi đối với Ban chấp hành trung ương của đảng ta không kém gì đối với Bộ dân ủy thanh tra công nông; trong công cuộc cải cách ấy, Ban chấp hành trung ương sẽ được lợi cả về mặt liên hệ với quần chúng lẫn về mặt công tác của mình được tiến hành đều đặn và có hiệu quả”(14). Đặc biệt, “những ủy viên Ban chấp hành trung ương và những ủy viên Ban kiểm tra trung ương sẽ nắm được tình hình một cách vô cùng tường tận hơn, sẽ được chuẩn bị một cách vô cùng chu đáo hơn để tham dự những phiên họp của Bộ chính trị”(15). Do được chia sẻ thông tin, phối hợp hành động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức sẽ tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng: “trong nội bộ Ban chấp hành trung ương của chúng ta, ảnh hưởng của những nhân tố thuần túy cá nhân và ngẫu nhiên sẽ giảm bớt đi, khiến cho nguy cơ chia rẽ cũng giảm đi”(16).

Việc hợp nhất Bộ dân ủy thanh tra công nông với Ban Kiểm tra Trung ương sẽ là bước đột phá cho toàn bộ cuộc cải cách tổ chức. Vì thể Người yêu cầu, vẫn “phải chú ý đến toàn thể bộ máy nhà nước của chúng ta và phải hướng sự hoạt động của mình vào tất cả các cơ quan nhà nước không trừ một cơ quan nào cả, dù là địa phương hay ở trung ương, thuộc ngành thương nghiệp hay thuần túy hành chính, giáo dục, hay sân khấu, v.v., nói tóm lại, tất cả các cơ quan, không trừ một cơ quan nào”(17).

Thứ năm, phải kiểm soát được quyền lực của Đảng và Nhà nước

Xác định việc nâng cao vai trò của Ban Kiểm tra Trung ương là vấn đề mấu chốt, hệ trọng của đảng cầm quyền nên V.I.Lênin đã đề xuất “kế hoạch cải tổ” bằng việc mở rộng Ban kiểm tra trung ương “theo một phương thức đặc biệt”. Cụ thể:

(1) Hợp nhất Bộ dân ủy thanh tra công nông với Ban kiểm tra trung ương để tạo nên sức mạnh chung

(2) Đại hội Đảng trực tiếp bầu ủy viên ủy ban kiểm tra trung ương, nâng cao vị thế của Ban kiểm tra trung ương

Đây là một đề xuất thực sự “đặc biệt” vì chưa hề có từ trước, thậm chí chưa hề được bàn trong Bộ chính trị. Người viết: “Tôi đề nghị đại hội bầu vào Ban Kiểm tra Trung ương từ 75 đến 100 (tất cả các con số, đương nhiên là áng chừng) ủy viên mới... các đồng chí ấy có hết thảy mọi quyền hạn của chức vụ ấy”(18). Theo đó, vị trí của Ban Kiểm tra trung ương được nâng tầm: “Ban chấp hành Trung ương của đảng ta cùng với Ban Kiểm tra trung ương sẽ hoàn toàn trở thành một hội nghị tối cao của đảng”(19).

(3) Ban Kiểm tra trung ương được tham dự hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương, Bộ chính trị.

V.I.Lênin đề xuất “biến một cách dứt khoát những hội nghị tối cao của đảng, cứ hai tháng họp một lần, và sẽ có Ban kiểm tra trung ương tham dự”(20). Và, “đề chuẩn bị những phiên họp của Bộ chính trị, trong đó cần phải có một số ủy viên nhất định của Ban kiểm tra trung ương tham dự, số lượng này được quy định theo một thời gian nào đó hoặc theo một kế hoạch tổ chức nào đó”(21). Người cho rằng, khi “những ủy viên Ban kiểm tra trung ương có nhiệm vụ tham dự, với một số lượng nhất định, vào mỗi phiên họp của Bộ chính trị, sẽ phải là một nhóm cố kết, nó “không được vị nể cá nhân”, phải giữ gìn sao cho không một quyền uy nào của Tổng bí thư hay là của một ủy viên nào trong Ban chấp hành trung ương có thể ngăn cản mình chất vấn, kiểm tra các hồ sơ, và nói chung, nắm được tình hình hết sức rõ ràng và xử lý mọi việc hết sức đúng đắn”(22).

 Điều này còn giúp “những uỷ viên Ban chấp hành trung ương và những uỷ viên Ban kiểm tra trung ương sẽ nắm được tình hình một cách vô cùng tường tận hơn, sẽ được chuẩn bị một cách vô cùng chu đáo hơn để tham dự những phiên họp của Bộ chính trị (toàn bộ tài liệu có liên quan đến các vấn đề thảo luận trong những phiên họp ấy đều phải chuyển giao cho tất cả các uỷ viên của Ban chấp hành trung ương và của Ban kiểm tra trung ương chậm nhất là 24 giờ trước phiên họp của Bộ chính trị”(23).

Thứ sáu, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của bộ máy nhà nước, cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, cần phải chú trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ. Người viết, “Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi và sau nữa phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thực sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”(24).

Do vai trò quan trọng của công tác kiểm tra, V.I.Lênin yêu cầu “nhận ngay vào các cơ quan thuộc Bộ dân ủy thanh tra công nông, phải có đủ những điều kiện sau đây:

Một là, họ được nhiều đảng viên cộng sản giới thiệu;

Hai là, họ qua được một kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết bộ máy nhà nước của chúng ta;

Ba là, họ qua được kỳ sát hạch chứng nhận rằng họ hiểu biết những thường thức về bộ máy nhà nước của chúng ta, những nguyên tắc của khoa học quản lý, những giấy tờ số sách, v.v.;

Bốn là, họ phải phối hợp tốt công tác với những ủy viên ủy viên Ban kiểm tra trung ương và với ban thư ký riêng của mình, sao cho chúng ta có thể đảm bảo cho toàn thể bộ máy chạy tốt”(25).

V.I.Lênin ví những người làm công tác kiểm tra như người đi săn kẻ tham nhũng, “họ sẽ còn phải chuẩn bị để làm những công việc mà tôi sẽ gọi một cách không ngại ngùng là công tác chuẩn bị đi săn, tôi không nói là săn bọn ăn cắp, mà săn một hạng người cũng đại loại như thế, và để làm công tác phát minh ra những mánh lới nhằm che giấu những cuộc tiếp cận, những chiến dịch của họ v.v..”(26).

V.I.Lênin đặc biệt quan tâm đến chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác kiểm tra của Đảng, họ phải “được hưởng lương cao giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh thật sự là khốn khổ (nếu không phải là hơn thế) như hoàn cảnh hiện thời của những viên chức trong Bộ dân ủy thanh tra công nông”(27).

Như vậy, vấn đề chất lượng cán bộ được V.I.Lê nin đề cập rất cụ thể và sâu sắc bởi suy cho cùng, cán bộ, nhất là người đáng đầu là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của công cuộc cải cách. Việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ không chỉ là tuyển chọn người có phẩm chất, năng lực, thạo việc mà còn đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên cũng như các chính sách đãi ngội vật chất và tinh thần với họ.

Với hầu hết những đề xuất quan trọng nêu trên, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản (b) họp từ ngày 21-24 tháng Hai năm 1923 đã phê duyệt “Luận cương về việc cải tổ và cải tiến công tác của cơ quan đảng ở trung ương”. Tiếp đó, Đại hội XII của Đảng cũng đã thông qua nghị quyết “Về những nhiệm vụ của Bộ dân ủy thanh tra công nông và Ban kiểm tra trung ương”, thành lập cơ quan hợp nhất Ban kiểm tra trung ương với Bộ dân ủy thanh tra công nông”.

Những chỉ dẫn của V.I.Lênin về cải cách bộ máy nhà nước có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc rất cần được nghiên cứu nghiêm túc, công phu để vận dụng vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

_____________________

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23), (24), (25), (26), (27) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, năm 1978, tr.445, 442-443, 459, 443, 438, 438-439, 449, 445, 436, 438, 445, 452, 438, 439, 439, 440, 452-453, 436, 437, 436, 439, 440, 439-440, 444, 447, 450, 438.

 

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền