Trang chủ    Bài nổi bật    Mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
Thứ ba, 28 Tháng 5 2019 09:16
2495 Lượt xem

Mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam

(LLCT)- Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền là sự kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc và những kinh nghiệm xây dựng, quản lý nhà nước của ông cha ta, là kết quả của sự trải nghiệm, nghiên cứu, khảo sát nhiều cuộc cách mạng trên thế giới. Đồng thời, Người đã vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước kiểu mới vào điều kiện nước ta. Một trong những điểm đặc sắc nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền là ở chỗ Người đã  kết hợp nhuần nhuyễn và thành công mối quan hệ giữa “đức trị” và “pháp trị”.

1. “Đức trị” là gốc rễ của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền

“Đức trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền là một nhà nước do Đảng chân chính và cách mạng lãnh đạo, có những con người thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. “Đức trị” trong tư tưởng Hồ Chí Minh còn mang hàm ý “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”; vừa nêu gương, vừa tăng cường giáo dục, rèn luyện đạo đức mới cho cán bộ, đảng viên, cho nhân dân. Theo Người, nếu đạo đức bị tha hóa thì dù pháp luật có hoàn thiện bao nhiêu cũng khó thực hiện được trong thực tiễn. Pháp luật phải truyền tải được những giá trị cốt lõi của đạo đức xã hội, những chuẩn mực đạo đức của dân tộc.

Dưới chế độ mới, bộ máy nhà nước được thiết lập theo nguyên tắc “mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân”, đưa nhân dân lao động trở thành người chủ của xã hội, chủ thể gốc của quyền lực. Vì thế, ngay khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1). Đây là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Người.

Nền chính trị mà Hồ Chí Minh xây dựng là một nền chính trị đạo đức. Đạo đức cao nhất mà Người đưa ra là “đạo đức cách mạng”. Người cho rằng, đạo đức là để phục vụ cho xã hội, cho nhân dân, cho sự nghiệp giải phóng loài người. Tư tưởng đạo đức và tư tưởng về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách rời nhau mà thống nhất với nhau. Các phạm trù của học thuyết “đức trị” đã được Hồ Chí Minh tiếp thu và phát triển, thấm đượm bản chất giai cấp, tính nhân dân và tính chiến đấu để trở thành những phạm trù “Đạo đức cách mạng”. Nội dung của “Đạo đức cách mạng” Hồ Chí Minh có sự khác biệt về chất so với đạo đức phong kiến. Người khẳng định: “...Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân.

Trong bài nói chuyện với Lớp bổ túc cán bộ quân sự Trung ương tổ chức tháng 10-1947, Người căn dặn: “Muốn có đạo đức cách mạng phải có 5 điều sau đây: Trí - Tín - Nhân - Dũng - Liêm”(2). Người nhiều lần đề cập tới yêu cầu của người cán bộ, đảng viên là: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”(3).

Như vậy, các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ “đức trị”, song đã được Người vận dụng, sáng tạo, bổ sung phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn của đất nước và con người Việt Nam. So với lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của Hồ Chí Minh về “đạo đức cách mạng”, về “đức trị” thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo, có sự kế thừa và phát triển trên tinh thần khoa học nhưng thấm đẫm tinh thần nhân văn, dân tộc.

Trong suốt cuộc đời của mình, Hồ Chí Minh luôn kiên trì với nguyên tắc: Nói đi đôi với làm và gương mẫu nêu gương. Cùng với việc từng bước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hoàn thiện về cả ba mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp, Người suốt đời phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và kiên trì giáo dục cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tổ chức bộ máy nhà nước. Nhờ có đạo đức cách mạng làm nền tảng mà người cán bộ của Đảng mới hoàn thành được sứ mệnh vẻ vang, làm tròn bổn phận với Tổ quốc, với nhân dân.

Bản thân Hồ Chí Minh chính là tấm gương điển hình mẫu mực của nền chính trị đạo đức. Chính bởi tầm vóc, tư tưởng và trí tuệ, Hồ Chí Minh đã thuyết phục được các sĩ phu yêu nước,  điển hình như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại và đông đảo trí thức tân học tin tưởng và đi theo sự lãnh đạo của Đảng.

Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, Hồ Chí Minh đã rất thành công khi xây dựng một nền chính trị - đạo đức kiểu mới cho nhà nước dân chủ. Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, với lập trường thế giới quan duy vật và phương pháp luận biện chứng đã trang bị cơ sở khoa học cho những giá trị nhân đạo, nhân văn của “đức trị” trở thành hiện thực trong đời sống xã hội.

2. “Pháp trị” là chuẩn mực để xây dựng Nhà nước pháp quyền

Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, một Nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh là nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Người cho rằng, việc nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật thể hiện tính dân chủ, tiến bộ và là sự tồn tại phổ biến của xã hội hiện đại.

Năm 1919, trong Yêu sách của nhân dân An Nam do Hồ Chí Minh đại diện gửi tới Hội nghị Véc-xây có 8 điều thì 4 điều yêu cầu về vấn đề pháp quyền. Trên báo L’Humanité, ngày 2-8-1919, Người viết: “Báo L’Humanité ngày 18-6 mới đây đã đăng văn bản thỉnh cầu của những người An Nam gửi Hội nghị hoà bình đòi ân xá cho tất cả các tù chính trị người bản xứ, đòi cải cách pháp chế ở Đông Dương bằng ban hành những bảo đảm cho người bản xứ cũng như cho người Âu, đòi tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, đòi thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật”(4).

Như vậy, việc xây dựng nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật là tư tưởng rất đặc sắc của Hồ Chí Minh, được hình thành từ rất sớm, phản ánh nội dung cốt lõi của Nhà nước dân chủ mới và là nguyên tắc xuyên suốt trong hoạt động quản lý nhà nước của Người.

Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã xóa bỏ chính quyền phong kiến và thực dân; xóa bỏ tư tưởng Đức trị của phong kiến và Pháp trị của chủ nghĩa thực dân, để thay vào đó là “đạo đức cách mạng” và pháp luật của chế độ dân chủ nhân dân.

Trên tinh thần “thượng tôn luật pháp”, chỉ một ngày sau khi giành được độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần phải thực hiện ngay, trong đó có nhiệm vụ phải tiến hành Tổng tuyển cử: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”(5).

Mặc dù đất nước trong tình cảnh đối diện với muôn vàn khó khăn do thù trong, giặc ngoài gây ra, song cuộc tổng tuyển cử đã được tiến hành chỉ bốn tháng sau ngày độc lập. Ðây là một cuộc phổ thông đầu phiếu được tổ chức nhanh nhất, diễn ra sớm nhất, đưa nhân dân lao động lên nắm chính quyền. Cuộc tổng tuyển cử là bước đầu tiên cho quá trình xây dựng một nhà nước hợp pháp, hợp hiến, thể hiện tư duy nhạy bén, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hồ Chí Minh dành nhiều tâm huyết để xây dựng pháp luật. Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I, tháng 10-1946, Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam: Hiến pháp năm 1946. Phát biểu tại Phiên họp bế mạc Kỳ họp, Hồ Chí Minh khẳng định: “Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã làm thành được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp đó còn là một vết tích lịch sử, Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa... Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp. Chính phủ cố gắng làm theo đúng ba chính sách: Dân sinh, Dân quyền và Dân tộc”(6).

Khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiều quy định trong Hiến pháp năm 1946 đã không còn phù hợp, Hồ Chí Minh chủ trương sửa đổi và ban hành Hiến pháp mới - Hiến pháp năm 1959, bởi lẽ khi điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì pháp luật cũng phải thay đổi để bảo đảm khả năng điều chỉnh hợp lý các quan hệ xã hội đã phát sinh và định hình.

Ngoài hai bản Hiến pháp 1946 và 1959, trong 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng 16 đạo luật và trên 1.300 văn bản dưới luật, trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức nhà nước, góp phần hình thành một thể chế bộ máy nhà nước có nhiều nhân tố cơ bản của một Nhà nước pháp quyền. Đây là những con số ấn tượng thể hiện sự quan tâm, coi trọng pháp luật cũng như nêu cao tinh thần “pháp trị” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh. Người yêu cầu: Pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Nhà nước sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. Song pháp luật của ta đã có sự thay đổi về chất, mang bản chất của giai cấp công nhân, là một loại hình pháp luật kiểu mới, pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động.

Quyền dân chủ của người dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật; đồng thời, hệ thống pháp luật phải bảo đảm cho quyền tự do, dân chủ của người dân được tôn trọng trong thực tế. Người nhận định: “Nhà nước ta cũng là nhà nước của đại đa số nhân dân, để thống trị thiểu số phản động, để giữ gìn lợi ích của nhân dân, bằng cách dân chủ chuyên chính của nhân dân”(7). “Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới, quân đội, công an, tòa án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”(8).

Trên cương vị là Chủ tịch nước, Người đã cho soạn thảo Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam và nêu rõ: “Toàn thể nhân dân, không phân biệt giai cấp, tín ngưỡng và nghề nghiệp, đều phải giữ gìn trật tự và ra sức ủng hộ chính quyền nhân dân, thật thà hợp tác với quân đội nhân dân, tuân theo pháp luật của Chính phủ và mệnh lệnh của quân đội. Chính quyền và quân đội nhân dân có nhiệm vụ đoàn kết chặt chẽ với nhân dân, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Bọn Việt gian, mật thám, cướp bóc, quấy rối hoặc phá hoại trong nhân dân, sẽ bị trừng trị nghiêm khắc”(9).

So với quan điểm của V.I.Lênin về chính quyền nhà nước không bị hạn chế bởi luật pháp như trong bài “Bàn về lịch sử vấn đề chuyên chính” với luận điểm: “Khái niệm khoa học về chuyên chính không phải cái gì khác hơn là một chính quyền không bị cái gì hạn chế cả, không bị bất cứ luật pháp nào hạn chế, hoàn toàn không bị một quy tắc nào hạn chế cả, và trực tiếp dựa vào bạo lực” thì Hồ Chí Minh lại là một nhà chính trị “Thượng tôn pháp luật”. Người đề ra yêu cầu nhà nước tổ chức xây dựng một hệ thống pháp luật khoa học để quản lý xã hội, bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, trong đó, pháp luật được xem là tối thượng. Vì vậy, Nhà nước cũng chịu sự chi phối của pháp luật và mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhà nước và công chức nhà nước đều phải theo đúng Hiến pháp và pháp luật. “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là: Tuân theo pháp luật Nhà nước...”(10). Tựu trung lại, trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì “pháp trị” chính là chuẩn mực để xây dựng một nhà nước kiểu mới, dân chủ, pháp quyền.

3. Mối quan hệ biện chứng giữa “đức trị” và “pháp trị”

Về mặt bản chất, “đức trị” và “pháp trị” là hai mặt của một thể thống nhất, một bản thể duy nhất không tách rời. Việc đề cao hoặc “đức trị” hoặc “pháp trị” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng đều mang tính phiến diện, không đầy đủ. Vì thế, Hồ Chí Minh vừa coi trọng đạo đức và giáo dục đạo đức, nhưng cũng rất mực đề cao vai trò, sức mạnh của luật pháp. Thượng tôn pháp luật dựa trên các chuẩn mực đạo đức và ngược lại. Người nhận rõ: “Luật pháp phải dựa vào đạo đức”. “Phép trị nước” của Hồ Chí Minh là kết hợp cả “pháp trị” và “đức trị”, trong đó “pháp trị” nghiêm khắc, công minh và “đức trị” bao dung, thấu tình đạt lý; chúng không loại trừ mà thống nhất, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Trong Quốc lệnh do Hồ Chí Minh ban hành ngày 26-1-1946 nêu rõ ràng 10 điều thưởng và 10 điều phạt, cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm. Trong 10 điều khen thưởng có: Điều 2: “Ai lập được quân công sẽ được thưởng”. Điều 3: “Ai vì nước hy sinh sẽ được thưởng”. Điều 5: “Ai làm việc công một cách trong sạch, ngay thẳng sẽ được thưởng”. Điều 6: “Ai làm việc gì có lợi cho nước nhà, dân tộc và được dân chúng mến phục sẽ được thưởng”. Điều 9: “Ai liều mình về việc công sẽ được thưởng”. Trong 10 điều hình phạt, Điều 1: “Thông với giặc, phản quốc sẽ bị xử tử”, Điều 6: “Để cho bộ đội hại dân sẽ bị xử tử”, Điều 8: “Trộm cắp của công sẽ bị xử tử”(12). Có thể thấy, Người dùng “đức” để sửa chữa những thói hư tật xấu, lại thưởng, phạt phân minh, ai có công thì khen thưởng, ai có tội thì bị pháp luật trừng trị. Có vậy mới mở rộng dân chủ, ngăn chặn được cái xấu, cái ác, khuyến khích, phát huy cái tốt, cái thiện trong mỗi con người để xây dựng một xã hội trong sạch, vững mạnh.

Hồ Chí Minh đã thúc đẩy ban hành pháp luật một cách kịp thời. Sắc lệnh số 26, ngày 25-2-1946, quy định những hành vi phá hoại tài sản công bị coi là trọng tội, sẽ bị truy tố và phạt tù hoặc xử tử. Sắc lệnh số 142, tháng 11-1946, quy định những hình phạt tội đưa và nhận hối lộ hoặc biển thủ công quỹ. Sắc lệnh số 223, ngày 27-11-1946, ấn định hình phạt đối với tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, tài sản công cộng. Với tầm nhìn và trí tuệ của mình, Người nhận rõ việc ban hành luật thì dễ nhưng để đưa pháp luật đi vào thực tiễn cuộc sống là công việc muôn vàn khó khăn, phức tạp. Do vậy, Người đặt ra nguyên tắc dân chủ trong sinh hoạt chính trị toàn dân để làm cho mọi hoạt động của Nhà nước được công khai, minh bạch và đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Người yêu cầu “Tổ chức Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng, Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”(12).

Hồ Chí Minh yêu cầu tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đi đôi với đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp. Người đòi hỏi cán bộ cách mạng phải sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, phải quyết tâm chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp cách mạng, phải coi đạo đức cách mạng như phẩm chất đầu tiên của mình: Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Năm 1945, Hồ Chí Minh đã đưa ra 23 tiêu chuẩn của người cách mệnh. Đến tháng 10-1947, trong tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”, Người nêu 12 tiêu chuẩn của Đảng cách mạng chân chính.

Để bảo đảm công bằng và dân chủ trong tuyển dụng cán bộ nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76-SL, ngày 20-5-1950, ban hành Bản quy chế công chức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ đức và tài: Tuyệt đối trung thành với cách mạng. Hăng hái, thành thạo công việc, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ. Phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Cán bộ, công chức phải là những người dám phụ trách, dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, nhất là trong những tình huống khó khăn, “thắng không kiêu, bại không nản”. Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, luôn luôn có ý thức và hành động vì sự lớn mạnh, trong sạch của Nhà nước, của chế độ XHCN ở nước ta.

Với Hồ Chí Minh, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước thông qua đội ngũ cán bộ, công chức của Người thấm đượm tinh thần nhân văn, nhân ái, tình nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì thế, kết hợp giữa “đức trị” và “pháp trị” trong tổ chức nhà nước của Hồ Chí Minh có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc, dân chủ và giá trị thời đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn, thành công giữa “đức trị” và “pháp trị” Hồ Chí Minh thể hiện sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.

Có thể nói, bài học về sự kết hợp thống nhất, biện chứng giữa “đức trị” và “pháp trị” trong tư tưởng của Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam và là nguyên tắc cơ bản để cho chúng ta có thể xây dựng được một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mạnh mẽ, thực sự trở thành nhà nước của dân, do dân và vì dân.

______________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.232.

(2) Sđd, t.5, tr.259.

(3), (10) Sđd, t.9, tr.354, 258.

(4) Sđd, t.1, tr.10.

(5), (6), (11) Sđd, t.4, tr.7, 491, 189-190.

(7), (8) Sđd, t.8, tr.261, 262.

(9) Sđd, t.7. tr.487.

 

(12) Sđd, t.12, tr.374.

PGS, TS Nguyễn Xuân Trung

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền