Trang chủ    Bài nổi bật    Đầu tư công trong phát triển hạ tầng Y tế tại vùng Tây Bắc
Thứ ba, 28 Tháng 5 2019 09:38
1601 Lượt xem

Đầu tư công trong phát triển hạ tầng Y tế tại vùng Tây Bắc

(LLCT) - Đầu tư phát triển hạ tầng y tế nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa khu vực và các trung tâm y tế tuyến huyện luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng. Qua phân tích thực trạng việc đầu tư công trong phát triển hạ tầng y tế tại vùng Tây Bắc, bài viết chỉ ra những khó khăn, hạn chế, như: nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), hợp tác công tư PPP chưa đóng vai trò rõ rệt, ảnh hưởng lan tỏa của đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng y tế nói riêng chưa cao. Từ đó, bài viết đề xuất một số giải pháp phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng y tế, nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa trạm y tế, chất lượng khám, chữa bệnh, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân vùng Tây Bắc.

1. Nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng y tế vùng Tây Bắc giai đoạn 2011 - 2017

Tây Bắc là tiểu vùng thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 6 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình; là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc(1). Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, người dân trong vùng được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế vẫn dựa vào ngân sách nhà nước (NSNN) là chủ yếu.

Theo báo cáo của các tỉnh(2), giai đoạn 2011 - 2017 tổng nguồn vốn NSNN đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng Y tế các tỉnh Tây Bắc là 7.126,915 tỷ đồng (Bảng 1) chiếm 92,52% trong tổng các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng y tế. Điều này cho thấy, sự nỗ lực huy động các nguồn lực khác để phát triển hạ tầng y tế chưa đáng kể, nguồn vốn ngoài NSNN chỉ chiếm 7,48%.

Từ bảng số liệu cho thấy, giai đoạn 2011 - 2017, vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng y tế chủ yếu là từ nguồn NSNN. Cụ thể: tỉnh Lào Cai, tổng vốn đầu tư phát triển hạ tầng y tế là 983,863 tỷ đồng, trong đó đầu tư bằng nguồn vốn NSNN là 950,360 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa là 11,26 tỷ đồng; các nguồn vốn hợp pháp khác là 22,3 tỷ đồng. Tỉnh Lai Châu: tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011- 2017 là 829,230 tỷ đồng, bình quân khoảng 118,4 tỷ đồng/năm, trong đó vốn từ NSNN chiếm 98,42%, vốn xã hội hóa và các nguồn khác chỉ chiếm 1,58%. Tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011-2017 là 2.149,800 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN là 1.875.800 tỷ đồng, chiếm 87,25%, vốn xã hội hóa là 274 tỷ đồng, chiếm 12,75%.

Điển hình trong việc thu hút nguồn vốn ngoài NSNN là tỉnh Sơn La, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2017 là 2.562,912 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN 2.147,000 tỷ đồng, chiếm 83,77%, vốn xã hội hóa 366,9 tỷ đồng, các nguồn khác 48,44 tỷ đồng, chiếm 16,23%. Mặc dù trong những năm gần đây, tỷ lệ vốn đầu tư từ NSNN cho các tỉnh trong vùng tuy có giảm nhưng chưa nhiều. Điều này cho thấy xu hướng đa dạng hóa các nguồn vốn cho hạ tầng y tế vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, hạn chế. Nguyên nhân là do điều kiện tự nhiên của Vùng, sự khó khăn về địa hình là rào cản trong đầu tư phát triển hạ tầng y tế, trong đó y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Theo khảo sát của tổ chức Action Aid Vietnam (AAV), 2 trong số những nguyên nhân chính ảnh hưởng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của các hộ gia đình là khoảng cách và chi phí khám chữa bệnh. Càng có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là y tế cơ sở (trạm y tế thôn bản, xã), cơ hội để được tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân càng tăng. Thực tế cho thấy, số cơ sở khám chữa bệnh đều đảm bảo, số lượng giường bệnh đều tăng dần trong các năm đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trong vùng.

Từ Bảng 2 cho thấy, số cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh viện cấp huyện, tỉnh gần như không có sự thay đổi trong suốt giai đoạn 2011-2017 ở các tỉnh vùng Tây Bắc. Sự thay đổi chủ yếu diễn ra ở tuyến xã và tuyến y tế thôn bản. Cụ thể là: Số trạm y tế xã đã tăng lên đáng kể (10 trạm y tế xã xây mới ở Lai Châu; 18 trạm y tế xã, phường xây mới ở Điện Biên). Tiếp đó, mặc dù số cơ sở khám chữa bệnh tuyến cơ sở tăng chậm, nhưng cơ sở vật chất được nâng cấp và mua sắm mới nhờ nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng y tế lại chuyển biến mạnh. Trong giai đoạn 2011-2017, sự tăng trưởng giường bệnh của các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La lần lượt là 745, 636, 374, 250 và 900 giường. Sự đầu tư này là cần thiết, bởi y tế thôn, bản và xã là loại hình dễ được tiếp cận hơn đối với các địa bàn khó khăn như Tây Bắc do gần cụm dân cư và chi phí thấp hơn so với tuyến huyện hoặc tuyến tỉnh.

Một số dự án đã thu hút được nguồn vốn ngoài NSNN nhằm tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cho hệ thống y tế, như: Dự án “Hỗ trợ Y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng Sông Hồng” với vốn vay từ Ngân hàng thế giới (WB); nguồn Trái phiếu Chính phủ để nâng cấp cơ sở hạ tầng mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho Bệnh viện tỉnh và các Bệnh viện tuyến huyện; nguồn vốn vay từ WB đầu tư hệ thống xử lý nước thải lỏng và chất thải rắn, nâng cao năng lực cho Bệnh viện tỉnh và Bệnh viện tuyến huyện; nguồn Hỗ trợ chính sách y tế do EU tài trợ xây mới 3 trạm y tế xã tại tỉnh Hoà Bình; Chương trình tái định cư thủy điện Sơn La, Chương trình 30a (tại Điện Biên). Trung tâm Kiểm nghiệm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai được đầu tư từ nguồn vốn ODA Hàn Quốc và đầu tư trang thiết bị y tế cho trạm y tế, trong đó vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế thông qua Bộ Y tế (Liên minh vắc xin toàn cầu - GAVI, Liên minh châu Âu) cho 83 trạm y tế, 1.200 túi y tế bản (tại Lào Cai).

Là vùng có nhiều xã đặc biệt khó khăn, nên Tây Bắc nhận được sự ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng y tế, từ sự nỗ lực huy động thêm từ các nguồn vốn khác, mức độ bao phủ của y tế tuyến cơ sở tại Tây Bắc năm 2017 như sau:

Các chỉ tiêu này cho thấy, việc xây dựng bệnh viện, phòng khám ở các tuyến tỉnh, huyện, xã... của Tây Bắc xét theo mặt bằng chung đang có sự tăng trưởng tích cực, nhưng tỷ lệ này chỉ bằng khoảng 33-70% mức trung bình của cả nước, thấp hơn mức trung bình vùng Tây Nguyên. Xét về tỷ lệ bác sĩ và nhân lực y tế (hình dưới) trên 1 vạn dân tại Tây Bắc lại tốt hơn so với mức trung bình của vùng Tây Nguyên. Tỷ lệ bác sĩ/1vạn dân tại Tây Bắc đạt 8,29, trong khi đó vùng Tây Nguyên chỉ đạt 5,81 và tỷ lệ bác sĩ/1vạn dân của cả nước là 6,23. Tỷ lệ nhân lực y tế/1 vạn dân tại Tây Bắc là cao nhất 35,56, vùng Trung du và miền núi phái Bắc là 33,01; Tây Nguyên là 22,92 và cả nước là 24,74.

Mặc dù hệ thống hạ tầng y tế được cải thiện nhưng qua khảo sát tại một số xã của 2 tỉnh Hòa Bình và Yên Bái cho thấy, hình thức khám chữa bệnh mà người dân thường sử dụng chủ yếu là khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế xã và hình thức chữa bệnh dân gian. Cụ thể 46% người dân thường xuyên đi khám chữa bệnh đã chọn trạm y tế xã là nơi điều trị và khám chữa bệnh. Điều này chứng tỏ vai trò tích cực của y tế cơ sở cấp xã đối với người dân. Tuy nhiên, vẫn còn 26% người được khảo sát cho biết họ vẫn sử dụng cách chữa bệnh dân gian từ thầy lang, thầy mo. Vai trò của bệnh viện tuyến huyện khá mờ nhạt, bởi do khoảng cách xa, hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn để di chuyển nên rất ít người sử dụng loại hình khám chữa bệnh ở tuyến huyện.

Cũng qua kết quả khảo sát cho thấy, trong số những người không đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, có tới 50% là tự điều trị tại nhà bằng kinh nghiệm, 25% cho biết các thông tin tư vấn và hỗ trợ về y tế chưa đủ rõ ràng để giúp họ tìm đến các cơ sở y tế điều trị hoặc khám chữa bệnh. Nguyên nhân không có cơ sở y tế gần nhà và phí khám chữa bệnh còn cao xuất hiện ở 20% và 5% số người được khảo sát trong nhóm không điều trị tại cơ sở y tế.

Bên cạnh những kết quả tích cực như sự gia tăng số cơ sở y tế ở tuyến cơ sở và số giường bệnh tăng hàng năm, nhưng xét trên bình diện nguồn vốn thu hút để đầu tư phát triển hạ tầng y tế vẫn còn nhiều hạn chế:

Thu hút đầu tư ngoài NSNN cho phát triển hạ tầng kinh tế  xã hội nói chung, phát triển hạ tầng y tế nói riêng chưa nhiều, phần vốn ngoài NSNN chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Điều này thể hiện ở việc NSNN đóng vai trò quyết định trong tổng vốn đầu tư. Sự trông chờ vào nguồn vốn cấp từ NSNN làm gia tăng tính bị động trong thực thi các chính sách thu hút đầu tư từ bên ngoài.

Hình thức hợp tác công tư PPP chưa đóng vai trò rõ rệt trong đầu tư hạ tầng y tế ở Tây Bắc.

Ảnh hưởng lan tỏa của đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung, hạ tầng giáo dục nói riêng chưa cao. Khi xét về các tỷ lệ cơ bản trong y tế thì Tây Bắc đạt được ở mức cao so với vùng Tây Nguyên hoặc ở mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, xét về mặt chất lượng và khả năng tiếp cận y tế tại Tây Bắc vẫn chưa cao; tỷ lệ khám chữa bệnh tại nhà hoặc theo kinh nghiệm dân gian còn cao.

2. Một số giải pháp

Để phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt đầu tư phát triển hạ tầng y tế nâng cao tỷ lệ kiên cố hóa trạm y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân vùng Tây Bắc, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của các ngành, vùng, địa phương bảo đảm tính đồng bộ, kết nối trong nội bộ ngành, liên ngành, liên vùng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước.

Thứ hai, hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư (đặc biệt là đầu tư công) và phân cấp quản lý đầu tư công. Một số nội dung hiện có trong khuôn khổ pháp lý hiện nay cũng cần được điều chỉnh nhằm tặng hiệu quả thực hiện các chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm được phân cấp ở các bộ, ngành và địa phương. Chẳng hạn, cần điều chỉnh tăng định mức các chi phí liên quan đến quản lý đầu tư công, đặc biệt là chi phí thẩm tra, theo dõi và đánh giá - song phải gắn với tăng cường trách nhiệm của các đơn vị thực hiện và cá nhân ra quyết định.

Phân cấp quản lý đối với vốn đầu tư nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền cả Trung ương và địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư. Hoàn thiện cơ chế phân cấp đầu tư, phân bổ nguồn vốn để vừa phát huy tính chủ động, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, vừa bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sự phân cấp này không có nghĩa là các cơ  quan, đo#n vị này có thể phê duyệt mọi dự án mà trên cơ sở tăng cường tính trách nhiệm và sự tham gia nhiều hơn từ các cấp này vào quá trình phân cấp đầu tư. Yêu cầu về bố trí vốn theo thẩm quyền quản lý nhằm tránh việc phê duyệt dự án tràn lan và dàn trải.

Thứ ba, có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển hạ tầng y tế ở vùng Tây Bắc: Chính sách đất đai, chính sách miễn thuế thuê đất cho các doanh nghiệp đến đầu tư... thu hút nguồn vốn xã hội hóa, hợp tác công tư để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, cần tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng y tế từ tuyến xã đến tuyến tỉnh nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân.

Thứ tư, có cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nhất là nguồn vốn ODA. Đẩy mạnh vận động các đối tác, các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển kết cấu hạ tầng y tế. Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí,... để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng. Rà soát cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng, minh bạch để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư.

Thứ năm, cần phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa Nhà nước và tư nhân. Trong xu hướng hiện nay thì huy động nguồn lực tài chính để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội từ khu vực ngoài NSNN là một điều tất yếu. Để huy động tài chính từ khu vực PPP thì sự hỗ trợ của Nhà nước về chủ trương, cơ chế chính sách là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Nhà nước cần hiểu rõ nguyện vọng, mục đích của khu vực tư nhân. Các nhà đầu tư tư nhân không chỉ trông chờ vào những chính sách khuyến khích từ phía Nhà nước mà còn rất cần môt sự phân định rạch ròi quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tham gia thực hiện dự án.

Thứ sáu, đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (kể cả nguồn vốn ODA), nguồn tín dụng đầu tư ưu đãi của Trung ương, nguồn vượt thu, tăng thu từ kinh tế địa phương cần ưu tiên cho đầu tư phát triển trong đầu tư công, phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội cần ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng y tế, giáo dục. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông ở các vùng khó khăn để người dân có điều kiện tiếp cận y tế, giáo dục một cách tốt hơn.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, giám sát trước của các cơ quan quản lý tài chính chức năng trong ngành tài chính đối với quá trình hình thành, huy động, phân bổ, kiểm soát thanh toán và quyết toán nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ NSNN. Thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đầu tư. Công khai, minh bạch các hoạt động đầu tư. Nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát, rà soát loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực kém để có biện pháp ngăn chặn kịp thời những thất thoát, lãng phí có thể xảy ra.

Để tạo sự đồng thuận trong xã hội, khuyến khích mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong đó có đầu tư phát triển hạ tầng y tế, giáo dục cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cùng tham gia.

_________________

(1) Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1-7-2004 Bộ Chính trị (khóa IX), về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

(2) Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

TS Lê Thị Hương

Vụ Xã hội,

Ban Kinh tế Trung ương

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền