Trang chủ    Bài nổi bật    Thực trạng phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Thứ ba, 28 Tháng 5 2019 09:42
2131 Lượt xem

Thực trạng phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An

(LLCT) - Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao (DNNNCNC) là xu hướng phát triển mới của nền nông nghiệp thế giới do những ưu việt của nó so với phương thức sản xuất truyền thống. Là một tỉnh trung tâm thuộc vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An có những điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng. Bài viết phân tích thực trạng DNNNCNC tại tỉnh Nghệ An, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của DNNNCNC trên địa bàn tỉnh.

1. Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Luật Công nghệ cao quy định tại Khoản 5 Điều 3: “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị gia tăng cao”(1).

Ngoài ra để cụ thể hóa, tại Khoản 1 Điều 19 Luật Công nghệ cao cũng quy định rõ những điều kiện để một doanh nghiệp được gọi là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

- Áp dụng các công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp.

- Việc áp dụng công nghệ phải mang lại hiệu quả cao về chất lượng sản phẩm cũng như năng suất.

- Các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có các hoạt động liên quan đến nghiên cứu cũng như thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

- Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.

Như vậy, DNNNCNC không những là doanh nghiệp áp dụng thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến nông sản mà còn phải có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao công nghệ. Việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp phải mang lại hiệu quả nhất định về kinh tế và môi trường.

2. Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An

a. Sự phát triển về lượng của doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An

- Về số lượng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao:

Từ năm 2014 do sự thông thoáng của Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014, sự khuyến khích và ưu đãi của Nhà nước và chính quyền tỉnh Nghệ An, số lượng DNNNCNC trên địa bàn tỉnh Nghệ An có sự tăng lên rõ rệt.

Năm 2013, chỉ có 3 doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là: Công ty cổ phần sữa Vinamilk Nghệ An, Công ty cổ phần sữa TH true milk, Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An. Năm 2014, với nhiều chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương, số lượng DNNNCNC tăng mạnh từ 3 doanh nghiệp lên 16 doanh nghiệp. Ngoài một số doanh nghiệp thành lập mới, như Công ty TNHH Kiều Phương, Công ty TNHH Đại Thành Lộc, nhiều doanh nghiệp chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, như Công ty mía đường NASU, Công ty mía đường Sông Con, Công ty mía đường sông Lam, Công ty chế biến gỗ Nghệ An. Tuy nhiên, sau một thời gian tăng nhanh về số lượng, giai đoạn 2015-2017 chỉ có thêm 4 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

DNNNCNC chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với toàn bộ doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt 0,8%; giai đoạn 2014-2017 dao động từ 4 đến 6%. Đây là một con số khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

- Về quy mô doanh nghiệp:

Do đặc thù của DNNNCNC là cần số vốn lớn, do đó các DNNNCNC trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu là các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn. Theo đó từ năm 2013 đến nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã kêu gọi đầu tư được 35 dự án với tổng mức đầu tư 47.422 tỷ đồng; trong đó, năm 2016 có 12 dự án với tổng mức đầu tư 5.571 tỷ đồng, số vốn đã thực hiện 1.900 tỷ đồng(2). Cụ thể:

- Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH với tổng mức vốn đầy tư là 26.000 tỷ đồng.

- Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp tại Nghệ An của Vinamilk quy mô 2.160 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi lợn của tập đoàn Masan tại huyện Quỳ Hợp quy mô 1.200 tỷ đồng.

- Dự án nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn, do Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 224 tỷ đồng (đã hoàn thành).

- Dự án Trồng rau và hoa trong nhà kính, do Công ty cổ phần Lâm nghiệp tháng Năm làm chủ đầu tư, tổng vốn 3.143 tỷ đồng (đã hoàn thành).

- Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi bò tập trung, của Công ty TNHH Kiều Phương tổng mức đầu tư 46 tỷ đồng (đã hoàn thành).

- Ngoài ra, một số dự án khác cũng có vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng như dự án trại chăn nuôi lợn nái và lợn thịt tại xã Nghi Yên - Nghi Lộc... Dự án đầu tư và phát triển cao su tại Nghệ An; Dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao; Dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt và bò giống tại tỉnh Nghệ An.

- Một số dự án đang triển khai như: Dự án bảo tồn dược liệu và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao gắn với phát triển rừng bền vững tại Nghệ An (2.345 tỷ đồng) đang triển khai; Dự án đầu tư và phát triển cao su tại Nghệ An (1.841 tỷ đồng) của Công ty cổ phần đầu tư phát triển cao su Nghệ An; Dự án đầu tư Trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Quỳ Hợp (1.000 tỷ đồng) do Công ty TNHH Masan Nutri- Farm Nghệ An làm chủ đầu tư.

- Cơ cấu doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An

- Cơ cấu theo ngành nghề: trong nội bộ ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp có xu hướng đầu tư nhiều vào lĩnh vực trồng trọt (chiếm hơn 50%), chủ yếu vào sản xuất rau, củ, quả, trồng cam, chè, cây thức ăn chăn nuôi cho bò, trồng mía, chanh leo, dược liệu. Lĩnh vực chăn nuôi chiếm xấp xỉ 18,18%, tập trung vào nuôi bò sữa, bò thịt và lợn; ngành lâm nghiệp và thuỷ sản lần lượt là 9,09% và 18,18%. (xem bảng 2,2).

- Cơ cấu theo diện tích đất nông nghiệp sử dụng: trên cơ sở triển khai thực hiện theo Quyết định số 3864/QĐ-UBND.NN của UBND tỉnh Nghệ An ngày 31-8-2010 về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020, từ đó đến nay tổng diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 9.502 ha, chiếm 3,1% diện tích canh tác nông nghiệp, trong đó 72% diện tích đất là do dân đầu tư, 29% còn lại do doanh nghiệp đầu tư. Tỷ lệ này càng rõ trong lĩnh vực trồng trọt. Chẳng hạn về sản xuất rau, củ, quả: diện tích sản xuất vùng rau củ quả trên địa bàn tỉnh được áp dụng quy trình sản xuất tiêu chuẩn an toàn (VietGap, Organic) đạt 425 ha diện tích canh tác rau, trong đó người dân đầu tư 288 ha, doanh nghiệp đầu tư 137 ha; hay sản xuất cây ăn quả (cam): trong tổng số 265 ha diện tích đất đầu tư công nghệ cao, người dân đầu tư 200 ha, doanh nghiệp đầu tư 65 ha.

b. Sự phát triển về chất của doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua

- Về trình độ khoa học công nghệ

Qua khảo sát tình hình sử dụng công nghệ ở các DNNNCNC trên địa bàn tỉnh Nghệ An cho thấy, hầu hết các DNNNCNC trong lĩnh vực trồng trọt đều sử dụng các công nghệ hệ thống nhà kính; công nghệ tưới tiêu tự động, tiết kiệm nước; hệ thống tưới nhỏ giọt xuất xứ từ Israrel. Việc sử dụng những công nghệ này mang lại bước ngoặt trong phát triển nông nghiệp ở Nghệ An, đặc biệt là những vùng có khí hậu khắc nghiệt, địa hình đồi núi như các huyện miền Tây Nghệ An. Cụ thể:

Về sản xuất rau, củ, quả: hiện có một doanh nghiệp duy nhất ở Nghệ An ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất rau, củ, quả đó là Công ty cổ phần sản xuất và cung ứng rau quả sạch Quốc tế, một đơn vị thành viên của Tập đoàn TH. Trên diện tích 130 ha, công ty đã xây dựng 9 khu nhà kính với tổng diện tích 4,5 ha, 14,7 ha cánh đồng sản xuất hữu cơ (organic) đạt chuẩn châu Âu và trên 100 ha cánh đồng mở sản xuất theo quy trình VietGap. Năng suất bình quân nhiều loại rau, củ, quả trong nhà kính (5.000 m2/nhà) đạt mức 25 đến 30 tấn/nhà/vụ (khoảng 50 đến 60 tấn/ha/vụ, tùy loại củ, quả) tăng 3-5 lần, lợi nhuận tăng hơn 3 lần so với sản xuất theo lối truyền thống.

Về sản xuất cây ăn quả (cam): Các doanh nghiệp chủ yếu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Theo báo cáo quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Nghệ An năm 2017, công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao sản lượng và năng suất cam hàng năm. Giai đoạn từ năm 2013-2017, sản lượng cam do DNNNCNC sản xuất tăng từ 528 tấn/năm đến 1105 tấn/năm, dẫn đến năng suất bình quân đạt được từ 17 – 18 tấn/ ha, tăng 20-30% so với sản xuất truyền thống, giá trị sản xuất bình quân từ 700-1.000 triệu đồng.

Sản xuất cây lâu năm (chè nguyên liệu): có 315 ha chè ứng dụng công nghệ tưới phun mưa, sản xuất chè theo hướng VietGAP do Công ty đầu tư TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An hỗ trợ đầu tư giúp “nâng cao giá trị gia tăng của cây chè lên hơn 1,2 lần, thu nhập tăng thêm hơn 20-30%”(3).

Sản xuất cây mía nguyên liệu:  Các công ty mía đường trên địa bàn tỉnh đã đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất mía giống chất lượng cao với diện tích 450 ha, sản xuất mía nguyên liệu 446 ha; trong đó các công nghệ mà doanh nghiệp này sử dụng gồm công nghệ về ứng dụng tưới nước tiết kiệm, công nghệ sinh học trong khâu chọn giống. Nhờ ứng dụng công nghệ cao, năng suất mía cao hơn 1,5 đến 1,8 lần so với sản xuất mía truyền thống.

Trong lĩnh vực chăn nuôi: các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư công nghệ cao vào nuôi bò sữa, chế biến sữa và nuôi bò, lợn. Theo đó, Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH True Milk và Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk là hai doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận là DNNNCNC từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho bò đến khâu chăm sóc bò, chế biến sữa. Nhờ đó, sản lượng sữa tươi hàng năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 đến 2017 tăng mạnh.

Trong lĩnh vực nuôi bò thịt, lợn thịt, các DNNNCNC chỉ mới áp dụng công nghệ trong xây dựng chuồng trại, khâu chọn giống như Công ty TNHH Kiều Phương, Công ty Kết Phát Thịnh, Công ty TNHH Đại Thành Lộc. 

Lĩnh vực thủy sản: các doanh nghiệp áp dụng công nghệ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao theo quy trình nhà màng của Israel, nuôi siêu thâm canh theo công nghệ Việt - Úc. Với công nghệ hiện đại, một héc ta nuôi tôm công nghệ cao có thể cho năng suất 120 - 240 tấn/năm, gấp 60-80 lần nuôi tôm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp thông thường(4).

Lĩnh vực lâm nghiệp: tương tự lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, công nghệ tưới phun tiết kiệm trong ươm giống cây lâm nghiệp; ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất; công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý và bảo vệ rừng; công nghệ sinh học trong bảo quản lâm sản. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An có một số doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào sản xuất chế biến lâm sản như Công ty cổ phần lâm nghiệp tháng Năm được đánh giá là dự án chế biến gỗ ván thanh và gỗ MDF lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á.

- Về chất lượng nguồn nhân lực của DNNNCNC trên địa bàn tỉnh Nghệ An:

Thứ nhất, về trình độ chuyên môn của người lao động trong các DNNNCNC ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên có xu hướng ngày càng tăng so với lao động có trình độ trung cấp.

Tại Công ty cổ phần thực phẩm sữa TH True Milk, giai đoạn 2013 - 2017 quy mô lao động của doanh nghiệp tăng lên từ 1.900 lao động đến 2.400 lao động. Nhìn vào Bảng 2.3 ta thấy, lao động phổ thông và lao động có trình độ trung cấp có xu hướng giảm, trong khi đó, lao động cao đẳng, đại học và trên đại học có xu hướng tăng. Đặc biệt, lao động phổ thông giảm mạnh từ 45% năm 2014 xuống còn 25% năm 2017; chứng tỏ cùng với sự phát triển của doanh nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi sự thay thế đội ngũ lao động chưa qua đào tạo bằng đội ngũ lao động có tay nghề, kỹ năng. Đây là sự khác biệt giữa lao động hoạt động trong lĩnh vực DNNNCNC và lao động hoạt động trong các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống - là mô hình mà lao động gần như 100% là lao động phổ thông hoặc lao động chưa qua đào tạo.

Như vậy, hầu hết các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đều có sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu lao động theo hướng tăng lao động trình độ cao.

Ngoài ra, các DNNNCNC luôn ý thức được sự cần thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sau tuyển dụng để có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển trong tương lai.

Thứ hai, về kỹ năng, kỷ luật, tác phong của người lao động: theo kết quả điều tra khảo sát doanh nghiệp do Trung tâm khoa học và xã hội, Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Nghệ An tiến hành, cho biết các doanh nghiệp đánh giá chất lượng nhân lực dựa trên các yếu tố: kỹ năng nghề nghiệp, tính kỷ luật, tính phối hợp, tác phong làm việc, khả năng tư duy sáng tạo, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và trình độ hiểu biết pháp luật. Kết quả nhận được tại các DNNNCNC, các chủ doanh nghiệp tự đánh giá: 81% nhân lực ở mức tốt; 17,4% ở mức trung bình và chỉ một tỷ lệ rất nhỏ ở mức kém. Có thể nói, nhân lực hoạt động trong các DNNNCNC có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc, có nhiều kỹ năng về sự phối hợp trong công việc, đặc biệt khả năng tiếp thu, sử dụng công nghệ trong sản xuất tốt hơn hẳn nguồn nhân lực trong sản xuất nông nghiệp truyền thống.

3. Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới

Qua thực tiễn phát triển DNNNCNC ở tỉnh Nghệ An cho thấy, số lượng cũng như quy mô của các DNNNCNC còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Vấn đề đó do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến thủ tục hành chính, môi trường đầu tư. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết, cơ sở để doanh nghiệp quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đánh giá môi trường kinh doanh cấp tỉnh, chỉ số PCI của Nghệ An đạt trung bình 55 điểm trong thời gian từ năm 2012 đến nay, đứng vị trí thứ 21 đến 25 trong tổng số 64 tỉnh, thành được xếp hạng trong cả nước. Các chỉ số thành phần về rào cản gia nhập thị trường, tính minh bạch trong quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý là những chỉ số có sự cải thiện theo thời gian, tuy nhiên hai chỉ số liên quan nhiều đến nông nghiệp là tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức là giảm đi so với giai đoạn trước(5).

Trong điều tra khảo sát doanh nghiệp năm 2016 của Sở khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An, môi trường kinh doanh là rào cản không chỉ của các DNNNCNC mà còn của toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó “Có 497/540 doanh nghiệp phản ánh những khó khăn mà họ đang gặp phải về môi trường kinh doanh của tỉnh Nghệ An”(6), đặc biệt các doanh nghiệp đánh giá thủ tục hành chính là khó khăn lớn nhất gây trở ngại cho sự phát triển của mình.

Do đó, để phát triển hơn nữa DNNNCNC cả về chất và lượng, Nghệ An cần có sự cải thiện về môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Cụ thể là:

Một là, triển khai kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, gắn trách nhiệm của các sở, ban, ngành với việc cải thiện từng chỉ số thành phần cụ thể; chỉ đạo các đơn vị tuyên truyền đến tận người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc góp phần nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Hằng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm báo cáo kết quả đạt được trước Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An; thực hiện rà soát các thủ tục đầu tư theo hướng tinh giản, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư; thực hiện rà soát lại và tổ chức niêm yết, công khai quy trình, thủ tục hành chính, các hồ sơ, biểu mẫu của các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông và trên các trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành và địa phương. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; tổ chức lấy ý kiến thăm dò về môi trường đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân

Ba là, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Tổ chức các cuộc giao lưu trực tuyến định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp, tổ chức đối thoại với các hội doanh nghiệp; gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn để tháo gỡ vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư cũng như quá trình đầu tư trên địa bàn.

___________________

(1)  Điều 5, Luật Công nghệ cao.

(2), (3), (4), (6) Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND tỉnh Nghệ An (2017), Báo cáo tổng hợp quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tr.27, 30, 80, 85.

 

(5) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI: Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI các năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017.

 

Nguyễn Thị Quỳnh Anh

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền