Trang chủ    Bài nổi bật    Giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI
Thứ tư, 24 Tháng 7 2019 09:31
3028 Lượt xem

Giá trị lý luận của chủ nghĩa Mác đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI

(LLCT) - Có thể nói, sau khi đã “nắm bắt thời đại bằng tư tưởng”, chủ nghĩa Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại trong nhận thức và cải tạo thế giới. Chủ nghĩa Mác không chỉ là “công cụ nhận thức vĩ đại”, là khoa học hoàn chỉnh, chặt chẽ chấm dứt sự tùy tiện, sự lộn xộn trong các quan niệm về lịch sử và chính trị, mà còn là phương pháp cải tạo thế giới sâu sắc và triệt để. Ngày nay, những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác vẫn tiếp tục được khẳng định, góp phần to lớn vào việc phát triển nhận thức của nhân loại về thời đại, về cơ sở ra đời, quy luật phát triển và đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội và con đường, cách thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, trên cơ sở kế thừa thành tựu nhận thức khoa học của lịch sử tư tưởng nhân loại. Đó là học thuyết vĩ đại về sự giải phóng và phát triển con người. 

Có thể khẳng định, trong toàn bộ lịch sử tư tưởng nhân loại, không một tư tưởng nào, học thuyết nào về lịch sử có thể sánh kịp với chủ nghĩa Mác về phương diện khoa học và cách mạng. Bằng việc phát hiện ra những quy luật khách quan của sự vận động, biến đổi của toàn bộ thế giới vật chất và lịch sử loài người, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, C.Mác đã chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới những con đường và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công để xây dựng một chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Xuyên suốt toàn bộ di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của C.Mác là một thế giới quan mới và phương pháp luận khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ và nhất là cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. V.I.Lênin khẳng định: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”(1).

Với hai phát minh khoa học vĩ đại là quan niệm duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học - học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa.

Với quan niệm duy vật lịch sử, C.Mác đã thực hiện một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, các quy luật phát triển của xã hội loài người được phát hiện. V.I.Lênin khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị”(2).

Bằng lập luận sắc bén, C.Mác và Ph.Ăngghen đã có sự phân tích tuyệt vời về sự phát triển của lịch sử thế giới với nhãn quan của một nhà triết học, chính trị với tinh thần nhân đạo, yêu thương con người và yêu tự do vô hạn. C.Mác đã thực hiện sự phân kỳ lịch sử thông qua học thuyết hình thái kinh tế - xã hội. Bằng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác đã chỉ ra sự gián đoạn trong tính liên tục của sự thay thế nhau một cách tất yếu, hợp quy luật các giai đoạn phát triển, tạo nên sự nối tiếp nhau, giữa các nấc thang, các thời đại, cũng như sự kế thừa, chế ước lẫn nhau giữa các dân tộc có trình độ phát triển khác nhau. Trong bức tranh sinh động của tiến trình lịch sử - xã hội nổi lên những khuynh hướng chủ đạo, làm xương sống cho sự biến đổi, sự thay thế cái cũ bằng nhân tố mới, đảm bảo quá trình vận động đi lên của lịch sử. 

Khi đánh giá về học thuyết giá trị thặng dư, V.I.Lênin cho rằng, học thuyết giá trị thặng dư là “hòn đá tảng của học thuyết kinh tế của Mác”. Qua học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã làm rõ cơ sở và quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản, qua đó C.Mác đi đến kết luận khoa học rằng, sự diệt vong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là tất yếu. Trên cơ sở đó, C.Mác đã luận giải sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản với tư cách lực lượng có khả năng cải tạo tận gốc các quan hệ xã hội, thủ tiêu tình trạng người bóc lột người và xây dựng chế độ xã hội mới, tự giải phóng mình và qua đó, giải phóng nhân loại. V.I.Lênin đã nhận định rằng, điểm cốt yếu của học thuyết Mác là soi sáng vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân với tư cách là người xây dựng xã hội XHCN thay thế xã hội tư bản.

Đánh giá một cách rõ ràng và sâu sắc ý nghĩa và giá trị trong những phát kiến khoa học của C.Mác đối với phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ, V.I.Lênin đã quả quyết khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa duy vật triết học của Mác là đã chỉ cho giai cấp vô sản con đường phải theo để thoát khỏi chế độ nô lệ về tinh thần, trong đó tất cả các giai cấp bị áp bức đã sống lay lắt từ trước tới nay. Chỉ có học thuyết kinh tế của Mác là đã giải thích được địa vị thực sự của giai cấp vô sản trong toàn bộ chế độ tư bản chủ nghĩa”(3). “Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít”(4).

Với thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết trở thành một chế độ chính trị - xã hội hiện thực đã cho thấy giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn của chủ nghĩa Mác.

Chủ nghĩa Mác từ một “bóng ma ám ảnh châu Âu” đã được hiện thực hóa trong phong trào công nhân, mở ra một thời đại mới, thời đại quá độ lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Sự hình thành hệ thống các nước XHCN đã tác động mạnh mẽ đến tiến trình phát triển của loài người, là chỗ dựa cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đứng lên đấu tranh tự giải phóng, xóa bỏ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Những thắng lợi to lớn của CNXH đã làm thay đổi bộ mặt thế giới, là minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt, trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết khoa học và cách mạng, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

 Như vậy, C.Mác không chỉ là nhà lý luận thiên tài mà còn là nhà cách mạng vĩ đại. Học thuyết do ông sáng lập soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Có thể nói, sau khi đã “nắm bắt thời đại bằng tư tưởng”, chủ nghĩa Mác và sau này là chủ nghĩa Mác - Lênin đã chấm dứt thời kỳ “mò mẫm như trong đêm tối” của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình. Lý luận của Mác được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi quốc gia - dân tộc, đến các nền văn hóa - chính trị trong nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau.

Ngày nay, những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác vẫn tiếp tục được khẳng định, góp phần to lớn vào việc phát triển nhận thức của nhân loại và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Thứ nhất, chủ nghĩa Mác với thế giới quan mới, phương pháp luận khoa học, mang tinh thần biện chứng sâu sắc, vẫn là cơ sở để nhận thức về thời đại bao gồm: bản chất, xu hướng biến đổi, sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản. 

Trên cơ sở những quy luật chung nhất trong phép biện chứng duy vật kết hợp với những chất liệu sống động từ thực tiễn, C.Mác phát hiện ra bản chất và các quy luật chi phối sự vận động, biến đổi, phát triển của xã hội chủ nghĩa tư bản nói riêng và lịch sử nói chung.

C.Mác xuất phát từ phương thức sản xuất để nghiên cứu sự vận động, biến đổi, phát triển và quy luật của lịch sử. Ở đó, phương thức sản xuất được hiểu là sự vận động của lực lượng sản xuất và quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất vật chất. Đó còn là sự liên kết các lĩnh vực vào một thể thống nhất, tạo nên tính toàn vẹn và tính cụ thể đặc trưng của một xã hội. Những vấn đề của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa được C.Mác và Ph.Ăngghen phân tích sâu sắc trên bình diện lý luận và thực tiễn sống động của xã hội tư bản, từ đó, các ông đã nêu ra mâu thuẫn bản chất trong xã hội tư bản và tính tất yếu của cách mạng vô sản.

Bằng phạm trù hình thái kinh tế - xã hội, C.Mác và Ph.Ăngghen đã thực hiện sự phân kỳ lịch sử như tính liên tục của sự thay thế nhau một cách tất yếu, hợp quy luật các giai đoạn phát triển, tạo nên vòng khâu nối tiếp nhau, giữa các nấc thang, các thời đại, cũng như sự kế thừa, chế ước lẫn nhau giữa các dân tộc có trình độ phát triển khác nhau. Trong bức tranh sinh động của tiến trình lịch sử - xã hội nổi lên những khuynh hướng chủ đạo, làm xương sống cho sự biến đổi, sự thay thế cái cũ bằng nhân tố mới, đảm bảo quá trình vận động đi lên của lịch sử. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C.Mác đã làm sáng tỏ những dấu hiệu phổ biến cho các nấc thang phát triển của xã hội, cũng như những nét đặc thù cho từng xã hội cụ thể. Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội lần đầu tiên cung cấp những tiêu chuẩn thực sự duy vật, khoa học cho việc phân kỳ lịch sử, giúp con người hiểu được lôgic khách quan của quá trình tiến hóa xã hội. Nó vạch ra sự thống nhất của lịch sử trong cái muôn vẻ của các sự kiện ở các nước khác nhau trong các thời kỳ khác nhau, chỉ ra những mối liên hệ để giải thích chứ không chỉ mô tả các sự kiện lịch sử. V.I.Lênin đã đánh giá: “lúc đó, tư tưởng ấy chỉ mới còn là giả thuyết, nhưng là một giả thuyết lần đầu tiên đã tạo ra khả năng có được một thái độ hết sức khoa học đối với những vấn đề lịch sử và xã hội”(5).

Thông qua sự khảo nghiệm của C.Mác đối với toàn bộ lịch sử nhân loại, C.Mác đã đi đến một kết luận mang tính khoa học và cách mạng khi khẳng định: “sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên”(6). Điều này không chỉ thâu tóm toàn bộ lý luận của chủ nghĩa Mác nói chung mà nó còn mở ra một chương mới cho nhân loại trong việc nghiên cứu về lịch sử của chính mình.   

Từ phương pháp phân tích của C.Mác và Ph.Ăngghen, khi vận dụng vào việc phân tích chủ nghĩa tư bản hiện đại trong quá trình toàn cầu hóa, chúng ta thấy, chủ nghĩa tư bản đã gặp vấn đề do chính nó tạo ra: chủ nghĩa tự do mới sau hơn một nửa thế kỷ vận hành cùng với sự thay đổi đáng kể ở các nước tư bản, đã tạo ra một cuộc đảo lộn toàn bộ nền kinh tế tư bản. Cuộc đảo lộn này đã gián tiếp xác nhận mâu thuẫn cơ bản trong lòng chủ nghĩa tư bản, cái mâu thuẫn mà khi được giải quyết triệt để sẽ là triển vọng của một phương thức sản xuất mới - cộng sản chủ nghĩa. Cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trên khắp thế giới đã tác động dây chuyền tạo ra sự thay đổi thực sự những yếu tố căn bản của chủ nghĩa tư bản. Đây cũng là vấn đề có tính chu kỳ mà C.Mác đã nêu ra nếu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa còn tồn tại.

Trong thời đại ngày nay, lực lượng sản xuất đang phát triển mạnh mẽ dưới tác động của thành tựu cách mạng khoa học và công nghệ; quá trình toàn cầu hóa; sự tác động điều chỉnh, can dự của các thể chế và thiết chế kinh tế toàn cầu... làm cho tính chất xã hội hóa của nó ngày càng sâu sắc. Sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại đã trực tiếp hoặc gián tiếp buộc chủ nghĩa tư bản phải có những điều chỉnh, thay đổi. Những hình thái cổ điển của sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã thay đổi. Ngày nay, giai cấp tư sản buộc phải chia sẻ cả quyền quyết định sản xuất, điều hành sản xuất, cả việc phân phối lợi nhuận... dưới nhiều hình thức. Thị trường không còn bị giới hạn ở phạm vi một số nước mà nó đã được mở rộng với không gian và hình thái mới, nhưng cũng chưa làm cho chủ nghĩa tư bản thoát khỏi tính chung kỳ của sự khủng hoảng. Hai cuộc khủng hoảng lớn của kinh tế thế giới trong 10 năm gần đây (1997- 1998 và 2008), cũng như những mâu thuẫn trong lòng chủ nghĩa tư bản vẫn đang tiếp tục chuyển biến. Nhưng điều đó cũng cho thấy chủ nghĩa tư bản chưa thể bị phủ định ngay và còn có khả năng phục hồi mạnh mẽ, nhất là trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học công nghệ. Điều đó đòi hỏi việc nhận thức về chủ nghĩa tư bản cũng cần phải thay đổi.

Những năm 50 của thế kỷ XX, việc nhận thức giản đơn về CNTB gắn liền với tư tưởng nóng vội đã cản trở việc nhận thức đúng sự biến đổi của CNTB nửa cuối thế kỷ XX, làm tăng căn bệnh chủ quan duy ý chí trong xây dựng CNXH. Mặc dù các nước XHCN nhận thức rằng, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH mở đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga đã làm cho CNXH trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của xã hội loài người, các nước XHCN và những tàn dư của CNTB chưa bị tiêu diệt hẳn trong thời kỳ quá độ. Song, khi CNTB có khả năng phục hồi, thậm chí phát triển mạnh mẽ của CNTB hiện đại thì các quan điểm chưa giải thích được đầy đủ.

Theo tinh thần đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội  (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng chỉ rõ: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản”.

Thứ hai, chủ nghĩa Mác là cơ sở để phân tích sự ra đời, quy luật phát triển và đặc trưng bản chất của CNXH. Khi nói về tính tất yếu ra đời CNXH, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(7). Như vậy, những tiền đề cho sự ra đời của CNXH xuất hiện trong lòng CNTB, và sự xuất hiện CNXH là một tất yếu. V.I.Lênin nhận xét: “Mác đặt vấn đề chủ nghĩa cộng sản giống như một nhà tự nhiên học”(8). “Ngày nay... chủ nghĩa xã hội đang hiện ra một cách trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản hiện đại ...”(9). Triển vọng của CNXH không chỉ do CNXH hiện thực quy định mà còn do chính quá trình phát triển của CNTB chuẩn bị những tiền đề trên nhiều mặt của xã hội hiện đại. Với ý nghĩa đó, “Chủ nghĩa cộng sản là hình thức tất yếu và là nguyên tắc kiên quyết của tương lai sắp tới”(10).    

Thứ ba, chủ nghĩa Mác vẫn là cơ sở để kiến giải những vấn đề về mô hình CNXH, về vai trò của nhà nước trong điều kiện toàn cầu hóa, về đảng cầm quyền, về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN...

Ngoài những vấn đề chủ yếu trên, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề mới, và mỗi vấn đề đó cần dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác, nên cần nghiên cứu sâu và khẳng định những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác trong thời đại ngày nay.

Thực tế thời đại ngày nay cho thấy, những điều C.Mác và Ph.Ăngghen phân tích không chỉ đúng với thời kỳ các ông đang sống mà nó còn có tính dự báo chính xác những gì đang xảy ra trong thời đại ngày nay.

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, chúng ta đã thấy sự mô tả chi tiết và sâu sắc của C.Mác về các nhân tố của cách mạng công nghiệp, cũng như khả năng dự đoán thiên tài của ông về việc các lực lượng thúc đẩy sự phát triển của thế giới cho đến tận ngày nay. Bởi lẽ, trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập đến dòng chảy của công nghệ và tư bản mà không sức mạnh nào ngăn cản được. Nó loại bỏ mọi rào cản, biên giới, trở lực và bó buộc đối với thương mại toàn cầu.

Trong tác phẩm Thế giới phẳng, Thomas L.Friedman phải thừa nhận rằng, “Quả thực, giờ đọc lại Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tôi kinh ngạc trước sự mô tả chi tiết và sâu sắc của C.Mác về các nhân tố làm phẳng thế giới vào thời kỳ hưng thịnh của Cách mạng công nghiệp, cũng như khả năng dự đoán siêu phàm của ông về việc các lực lượng này tiếp tục làm phẳng thế giới cho đến tận ngày nay”(11). Chính C.Mác là người đầu tiên nhìn thấy khả năng thế giới trở thành một thị trường toàn cầu không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia. C.Mác phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản, song ông cũng thấy sức mạnh của nó trong việc phá vỡ các rào cản và tạo ra một hệ thống sản xuất và tiêu thụ toàn cầu.

Trong Phê phán khoa kinh tế chính trị, bản sơ thảo đầu tiên của bộ Tư bản được viết trong những năm 1857-1859, C.Mác đã nhấn mạnh: “Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đã được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy”(12). Và sau một thế kỷ đầy biến động, ngày nay, khi “tri thức xã hội phổ biến đã chuyển hóa thành lực lượng sản xuất trực tiếp”(13), đã làm thay đổi tích cực nhiều mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa thế giới, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại.

Cách mạng công nghiệp đã làm xuất hiện những vấn đề mà sinh thời C.Mác chưa biết, nên C.Mác không thể đưa ra được những kiến giải về mặt lý luận. Nói về điều này, V.I.Lênin viết: “Chúng ta không kỳ vọng rằng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Như thế sẽ là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó, còn như về cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ khi họ bắt tay vào hành động”(14). Bản thân chủ nghĩa Mác - Lênin hàm chứa những luận điểm mà để giải quyết chúng, chúng ta phải tìm ở chính thực tiễn hôm nay, chứ không có tiền lệ trong lịch sử.

Do vậy, trước những vấn đề mới của thực tiễn, yêu cầu các đảng cộng sản, các nước XHCN và các nhà lý luận mácxít chân chính, sáng tạo phải tiếp tục bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin để giải quyết những vấn đề của thực tiễn cách mạng sinh động ở mỗi quốc gia, dân tộc và trên phạm vi toàn thế giới. Chúng ta không nên coi chủ nghĩa Mác như một cái gì đã “xong xuôi” và “bất khả xâm phạm”, mà phải phát triển nó phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn. Điều này cũng phù hợp tới tinh thần biện chứng và tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác r

________________

(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.50.

(2), (3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Tiến Bộ, Mátxcơva1980, tr.53, 57-58.

(4) V.I.Lênin: Sđd, t.1, tr.421.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t.1, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.161.

(6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.21.

(7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.51.

(8) V.I.Lênin: Toàn tập, t.33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.103-104.

(9) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.258.

(10) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.183.

(11) Thomas L.Friedman: Thế giới phẳng, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.350.

(12), (13) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.46, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.372-373, 372.

(14) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.152-153.

PGS, TS Đặng Quang Định

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền