Trang chủ    Bài nổi bật    Đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới trong Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 27 Tháng 9 2019 10:55
6264 Lượt xem

Đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới trong Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh

(LLCT) - Bản Di chúc của Hồ Chí Minh rất ngắn gọn nhưng hàm chứa rất nhiều tư tưởng quan trọng. Một trong những tư tưởng đó là vấn đề đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới. Người căn dặn ngay sau chiến thắng, phải nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo chỉnh đốn Đảng và chăm lo đến từng con người; từng bước đấu tranh xóa bỏ tập tục cũ, lạc hậu, xây dựng văn hóa mới.

1. Thay đổi tâm lý, thói quen mải vui với chiến thắng và phải nghĩ ngay đến hàn gắn vết thương chiến tranh, chăm lo chỉnh đốn Đảng và chăm lo đến từng con người

Thông thường sau chiến thắng, người ta dễ vui với chiến thắng, mải vui với những gì mà mình đã đạt được trong kháng chiến mà quên đi khó khăn, quên mất những việc cần làm ngay. Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không phải vậy, Người đã căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên về điều này rất rõ trong Di chúc. Không phải ngẫu nhiên mà vào tháng 5-1968, sau khi xem lại bản thảo Di chúc trước đó, chính Người đã viết  “thấy cần phải viết thêm mấy điểm không đi sâu vào chi tiết.

Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”(1).

Trong công việc hàn gắn vết thương chiến tranh thì theo Người, “việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”(2). Đọc những lời căn dặn này của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta lại liên tưởng đến lời nhắc nhở của Người trong tác phẩm Đạo đức cách mạng viết năm 1958: “Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia (chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc; thói quen và truyền thống lạc hậu)”(3). Nghĩa là Hồ Chí Minh đã nhìn thấy khả năng xuất hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản trong điều kiện chúng ta giành chiến thắng trước đế quốc Mỹ. Đây không chỉ thể hiện tư duy nhìn xa, trông rộng mà còn thể hiện tinh thần kiên quyết đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới trong công tác xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để đấu tranh chống kẻ thù thứ ba này có hiệu quả và nâng cao chất lượng chỉnh đốn lại Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu: Thứ nhất, “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(4). Thứ hai, “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”(5). Thứ ba, “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(6). Thứ tư, “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(7).

Cùng với chỉnh đốn Đảng thì “Đầu tiên là công việc với con người”(8). Hồ Chí Minh căn dặn, Đảng, Chính phủ sau chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược phải quan tâm từng đối tượng, từng con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình thì Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở, dạy nghề thích hợp cho mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ thì xây dựng vườn hoa và đài tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ, vợ, con của thương binh, liệt sỹ mà thiếu sức lao động thì phải giúp đỡ họ. Đối với các chiến sỹ trẻ trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong đã được rèn luyện cần lựa chọn bồi dưỡng, đào tạo thành lực lượng chủ lực trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng, Chính phủ cũng phải giúp đỡ phụ nữ để họ trưởng thành, cống hiến. Đối với nạn nhân của chế độ cũ thì Nhà nước vừa giáo dục, vừa giúp đỡ, cải tạo họ trở thành người lương thiện. Đối với đồng bào nông dân, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho đồng bào hỷ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất(9).

Qua những căn dặn trên trong Di chúc của Người, chúng ta thấy Người mong muốn thay đổi một thói quen, tâm lý cũ - khi chiến thắng kẻ thù thì người ta dễ xuất hiện tư tưởng mải vui với chiến thắng mà quên đi những việc cần làm ngay sau khi kết thúc chiến tranh.

2. Đấu tranh cải tạo cái cũ, xây dựng xã hội mới, chuẩn bị thống nhất Tổ quốc

Với tinh thần “Còn non, còn nước, còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học tập, nửa ngày lao động. Củng cố quốc phòng. Chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc...”(10). Theo Hồ Chí Minh, những công việc trên là to lớn, nặng nề, phức tạp. “Đây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(11). Điều rất quan trọng là Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “hoàn cảnh mới” đòi hỏi chúng ta phải phát triển tất cả các mặt của đời sống xã hội như giáo dục, y tế, vệ sinh, phát triển các ngành kinh tế,v.v.. cho phù hợp hoàn cảnh mới này. Đây là cuộc đấu tranh chống lại cái cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi lẽ, thực tiễn đổi thay thì nhiệm vụ chính trị cũng phải đổi thay theo cho phù hợp. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, công tác chăm lo cho con người, phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội chưa có điều kiện và phải thực hiện trong điều kiện thời chiến. Do vậy, khi hòa bình lập lại, những công tác này phải được thực hiện theo cách mới, phương pháp mới, cái nhìn mới cho phù hợp thực tiễn mới. Mặc dù, trong Di chúc ngắn gọn, Người không có điều kiện nói nhiều về các nguyên tắc phương pháp luận trong đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới, nhưng có thể khẳng định, Hồ Chí Minh là người luôn luôn vận dụng sáng tạo quan điểm kế thừa của phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin vào cuộc đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới. Hồ Chí Minh là mẫu hình của thái độ khách quan, khoa học, biện chứng đối với cái cũ. Người không bao giờ phủ định sạch trơn cái cũ, cũng không bao giờ bê y nguyên xi toàn bộ cái cũ. Chẳng hạn, đối với học thuyết của Khổng Tử, Hồ Chí Minh từng nói: “Tuy Khổng Tử là phong kiến và tuy trong học thuyết của Khổng Tử có nhiều điều không đúng song những điều hay trong đó thì ta nên học”(12). Trong hoạt động cách mạng cũng như trong lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và xây dựng đời sống mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát huy vốn cổ của dân tộc, nhưng không phục cổ máy móc. Đối với Người, “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.

Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam.

Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.

Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân, tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước.

Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp”(13).

Với tinh thần ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cái mới và cái cũ trong phát triển văn hóa dân tộc. Sau chiến thắng đế quốc, theo Người, nhất định “Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc khoa học và đại chúng”(14). Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người luôn ủng hộ cái mới đúng, tiến bộ, hợp quy luật phát triển. Do vậy, Người đã chủ động phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt”, xây dựng đời sống mới và tích cực viết báo phổ biến gương người tốt, việc tốt,v.v..

Cuộc đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới theo Hồ Chí Minh là cuộc chiến đấu khổng lồ, đầy khó khăn, gian khổ. Bởi lẽ, “Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường”(15). Do vậy, “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân”(16). Chúng ta còn nhớ ngay từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng.

Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng, việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”(17). Cuộc đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới không thể không dựa vào quần chúng nhân dân. Vấn đề là Đảng, Chính phủ phải biết giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp, tổ chức họ thành phong trào thực tiễn rộng lớn. Có như vậy, cuộc đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới nhất định sẽ thành công. Điều này được Người nói rất rõ trong Di chúc.

3. Xây dựng văn hóa mới, từng bước đấu tranh xóa bỏ tập tục cũ, lạc hậu

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập “về việc riêng”. Mặc dù đoạn về việc riêng rất ngắn nhưng đã toát lên tinh thần tiên phong của Người trong việc xây dựng văn hóa mới, đấu tranh xóa bỏ tập tục cũ, lạc hậu. Người mong muốn “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân”(18). Chúng ta đều rõ, như trong tác phẩm Sửa đối lối làm việc, Hồ Chí Minh đã coi “Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ” là tập tục cũ, lạc hậu phải giảm bớt đi. Mà “thói quen và truyền thống lạc hậu” cũng là kẻ địch của cách mạng, của người cán bộ, đảng viên. Chúng ta đều rõ, người Việt có tập tục tổ chức lễ tang rất to, vừa gây lãng phí, vừa gây mất thời gian. Người muốn đi đầu xây dựng một tập tục mới, khoa học: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi. Nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Khi nào ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn”(19). “Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn”. Người đề xuất “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây tốt thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”(20). Cùng với “hỏa táng, điện táng”, Người muốn xây dựng một phong tục “trồng cây gây rừng”. Có thể nói, những tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cách đây 50 năm đã vượt xa thời đại, vượt xa tầm nhìn của đại đa số chúng ta.

Trong Di chúc, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới đóng vai trò phương pháp luận hết sức to lớn đối với chúng ta. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta theo một nghĩa nào đó cũng là sự nghiệp đấu tranh chống cái cũ, cái lạc hậu, xây dựng cái mới, cái tiến bộ. Do vậy, chúng ta phải nắm chắc ý nghĩa phương pháp luận mà Người đã nêu ra:

Một là, cái tốt của truyền thống cần phải được khôi phục, cái cũ mà xấu thì phải bỏ, cái cũ không xấu nhưng gây phiền hà thì phải sửa chữa cho phù hợp. Cái cũ tốt, còn có ích thì giữ lại phát triển, cái gì mới mà hay, thì phải làm.

Hai là, cuộc đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới luôn luôn là cuộc chiến khó khăn, gian khổ, lâu dài, không thể ngày một, ngày hai là xong. Để cuộc chiến đấu này thắng lợi, người cán bộ, đảng viên phải biết dựa vào nhân dân, động viên nhân dân, khơi dậy, tập hợp, giáo dục, lôi cuốn nhân dân thành phong trào thực tiễn rộng lớn. Những cái mới lẻ tẻ khi đã trở thành phong trào to lớn của quần chúng thì sẽ trở thành tập tục mới, tiến bộ.

Ba là, phải kiên trì, kiên định cuộc đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới. Bởi lẽ, cái mới ra đời bao giờ cũng là cái đơn nhất. Cái cũ vốn bản tính mang tính bảo thủ lại thường được củng cố bởi tâm lý, thói quen lạc hậu và được số đông quần chúng noi theo một cách mù quáng. Vì vậy, đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới phải kiên trì, kiên định.

Bốn là, muốn đấu tranh chống cái cũ, xây dựng cái mới thì người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu thực hiện cái mới, đấu tranh xóa bỏ cái cũ, lạc hậu. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ, đảng viên: “Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt trước”(21); “Hô hào dân tiết kiệm mình phải tiết kiệm trước đã”(22); “Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên”(23). Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng ngời về tinh thần gương mẫu, nêu gương “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Chính vì vậy, khi Người vận động quần chúng nhân dân xây dựng đời sống văn hóa mới, đấu tranh chống cái cũ, lạc hậu nói chung, nhân dân lại hết lòng hết sức tin và làm theo Người là vậy.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019

(1), (2), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11) (16), (18), (19), (20) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.503, 503, 510,  510, 510, 510, 503, 503-504, 504-505, 505, 499, 499, 499.

(3) Sđd, t.9, tr.287.

(12), (14) Sđd, t.6, tr.46, 173.

 

(13), (15), (17), (21), (22), (23) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.94-95, 107, 295, 552, 552, 552.

GS, TS Trần Văn Phòng

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền