Trang chủ    Bài nổi bật    Niềm tin vào sức mạnh của nhân dân trong "Di chúc" của Hồ Chí Minh
Thứ sáu, 27 Tháng 9 2019 10:59
5102 Lượt xem

Niềm tin vào sức mạnh của nhân dân trong "Di chúc" của Hồ Chí Minh

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo truyền thống dân tộc và chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân. Người đã đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, phát huy sức mạnh của nhân dân trong công cuộc giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đặt trọn niềm tin vào sức mạnh của nhân dân với cách mạng. Đảng ta đã và đang vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

1. Hồ Chí Minh đã vận dụng, phát triển sáng tạo truyền thống dân tộc và chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân

Chủ nghĩa yêu nước là giá trị hàng đầu xuyên suốt truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Đó là động lực, sức mạnh giúp cho dân tộc Việt Nam tồn tại vượt qua mọi khó khăn trong xây dựng và bảo bệ Tổ quốc  để phát triển. Hồ Chí Minh đã chú ý khơi dậy, phát huy vai trò, sức mạnh nhân dân trong chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Nhiều nhà yêu nước vĩ đại trong lịch sử dân tộc ta khẳng định: Khoan thư sức dân, làm kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước(1). Dân như nước. Chở thuyền hay lật thuyền cũng là dân(2). Đến Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước, trọng dân trong chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã được nâng lên một tầm cao mới bởi sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định: Quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, là lực lượng sản xuất cơ bản của mọi xã hội, sản xuất và sáng tạo ra của cải vật chất, tinh thần của xã hội, là lực lượng và động lực cơ bản của các cuộc cách mạng.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng lật đổ chế độ cũ ở nước ta, Hồ Chí Minh khẳng định rõ vai trò và sức mạnh có tính quyết định của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân, đã lãnh đạo nhân dân phấn đấu dưới lá cờ tất thắng của chủ nghĩa Mác - Lênin”(3). Cái mới và sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là gắn sức mạnh của quần chúng nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng. Và, khi xét nguyên nhân thắng lợi của cách mạng, đồng thời chỉ ra vai trò, công lao của quần chúng nhân dân cùng với vai trò, công lao của Đảng lãnh đạo. Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Tất cả những thắng lợi đó không phải là công lao riêng của Đảng ta. Đó là công lao chung của toàn thể đồng bào ta trong cả nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”(4). Đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân là một đặc điểm lớn trong tư tưởng, đạo đức và phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát huy sức mạnh của nhân dân để xây dựng, phát triển đất nước: “Chúng ta phải xây dựng Việt Nam thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Thành công ấy đã được khẳng định bởi vì đó là sức mạnh của nhân dân, là yêu cầu của thời đại, vì vậy không một dòng nước ngược nào có thể ngăn cản được nó”(5). “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(6). Đảng cầm quyền phải biết dựa vào nhân dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được. Đảng đoàn kết được toàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng thì sức mạnh của nhân dân trở thành vô địch. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(7). Và “Chúng ta phải tin tưởng rằng sức mạnh của nhân dân đoàn kết đấu tranh là một sức mạnh tất thắng, một sức mạnh vô địch”(8). Sức mạnh, sự vĩ đại, sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân.

Trong xây dựng xã hội mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ. Đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải hiểu rõ: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”(9). Sức mạnh của nhân dân chính là sức mạnh của dân tộc, bao gồm cả truyền thống trí lực, tinh thần, ý chí, của cải vật lực. Đó là nhân tố quyết định sự phát triển quốc gia. Tất cả tinh thần trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân của Hồ Chí Minh được kết tinh trong các bản Di chúc.

2. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh, vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong xây dựng, phát triển đất nước

Hồ Chí Minh đã từng sinh sống, làm việc, hoạt động ở gần 30 nước trên thế giới trước khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người đã từng sống ở những trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa của các nước phát triển nhất, của các cường quốc trên thế giới nên cảm thông sâu sắc những nỗi vất vả, cực nhọc, khổ sở, thiếu thốn về cơ sở vật chất, kinh tế, văn hóa, sức khỏe của nhân dân Việt Nam. Người nêu rõ trong Di chúc: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”(10).

Đi ra thế giới, hiểu biết sâu sắc đất nước, con người nhiều nơi trên thế giới, trở về Hồ Chí Minh càng hiểu rõ hơn đất nước, con người Việt Nam, thấy rõ những ưu điểm quý giá của nhân dân ta. Nên Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù”(11). Những phẩm chất quý giá đó vốn luôn tiềm ẩn trong lòng nhân dân Việt Nam, song chưa được khơi dậy đầy đủ trong các phong trào yêu nước chống đế quốc và phong kiến trước khi Đảng ta ra đời. Nên các phong trào yêu nước đó cuối cùng đều thất bại. Ngày nay, sức mạnh, vai trò quyết định thắng lợi của quần chúng nhân dân chỉ xuất hiện khi được giác ngộ, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Điều đó đã xuất hiện khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào ngày 3-2-1930 do Hồ Chí Minh sáng lập, với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn cho nhân dân. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”(12). Đảng đã lãnh đạo nhân ta tiến hành cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ phong kiến hơn nghìn năm, lật đổ chế độ thuộc địa hơn 80 năm ở nước ta và sau đó tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi.

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đang lãnh đạo Đảng ta thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng ở Việt Nam. Thực hiện xây dựng CNXH ở miền Bắc; tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Cảm thấy trong người có chuyển biến về sức khỏe, Hồ Chí Minh viết bản Di chúc đầu tiên, đề phòng khi Người đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào trong nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột. Hồ Chí Minh chỉ rõ, với tư cách là một Đảng cầm quyền, trách nhiệm hàng đầu của Đảng là: “Cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(13). Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, miền Bắc XHCN thật sự vững mạnh về mọi mặt, cách mạng Việt Nam mới có đủ sức mạnh đi tới thắng lợi.

Khi đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Đặt trọn niềm tin vào sức mạnh và vai trò của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng 2 đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”(14). Thực tế lịch sử đã diễn ra đúng như niềm tin cách mạng và khoa học của Hồ Chí Minh.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Cho nên, trong Di chúc, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc vạch ra phương hướng, biện pháp đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng để nhằm đạt được mục đích cuối cùng của Người là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(15).

Không chỉ có niềm tin mãnh liệt, Hồ Chí Minh còn có giải pháp khoa học và cách mạng để biến niềm tin vào sức mạnh của nhân dân trở thành hiện thực. Để đoàn kết toàn dân, theo Hồ Chí Minh trước hết phải Đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng. Đoàn kết trong toàn Đảng là tiền đề để thực hiện được đoàn kết toàn dân tộc. Người chỉ rõ: Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Người nhấn mạnh nhiệm vụ cốt tử là xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong Đảng: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(16).

Để xây dựng thành công khối đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra biện pháp cơ bản là: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(17). Nghĩa là để có đoàn kết nhất trí trong Đảng, các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình phải được thực hiện đúng đắn, nghiêm chỉnh trên cơ sở phải có đủ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau của cán bộ, đảng viên trong Đảng.

Đặc biệt trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh chỉ rõ, Đảng phải quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức, làm cho cán bộ đảng viên giữ vững được đạo đức cách mạng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(18). Đảng có đạo đức cách mạng mới thật sự trong sạch vững mạnh, mới có thể toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, mới củng cố được mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Do đó, Đảng mới có thể giữ vững vai trò, vị trí là một Đảng cầm quyền trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hồ Chí Minh đã suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc và cách mạng, đến khi phải từ biệt thế giới này, Người cũng vẫn chỉ nghĩ đến việc không làm hao tổn thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Trong Di chúc, Người  căn dặn: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(19).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không chỉ để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng, mà Người còn vạch ra một Cương lĩnh cho Đảng, Nhà nước ta trong việc không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của tất cả các tầng lớp nhân dân ta sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi. Người chỉ ra phương hướng chính sách của Đảng, Nhà nước đối với những người có công với cách mạng, với các gia đình thương binh liệt sĩ, với những người đã trải qua các lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, với thanh niên, phụ nữ, đồng bào nông dân, với cả những nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v.. “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(20). Không được để sót người dân nào trong công tác dân vận của Đảng.

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương hướng phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và khẳng định: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(21). Đối với những công việc cách mạng to lớn, nặng nề và vẻ vang, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nhất quán đặt trọn niềm tin vào sức mạnh và vai trò quyết định của nhân dân. Do đó, Người khẳng định trong Di chúc: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(22). Điều đó cũng như là cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. “Đó là một điều chắc chắn”(23)! Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống mở được Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng vận dụng và phát triển sáng tạo trong quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

3. Vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Theo Di chúc của Hồ Chí Minh, tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định chủ trương: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(24). Đảng ta chủ trương  lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Để phát huy sức mạnh và vai trò của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta chủ trương tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng nhằm: “Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”(25). Đảng ta khẳng định chiến lược Đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam hiện nay: “Phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân, là cơ sở vững chắc để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(26).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về sức mạnh và vai trò của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước, các cấp ủy đảng và chính quyền cần thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên cần biết tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác nhau. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; trân trọng, tôn vinh những đóng góp, cống hiến của nhân dân.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019

(1) Viện Sử học: Lịch sử Việt Nam thường thức, t.1, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2014, tr.398.

(2) Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb Văn học, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, 2001, tr.84.

(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.672, 672.

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t.3, tr.494-495.

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.19.

(7), (8) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.453; tr.305.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.434.

(10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19), (20), (21), (22), (23) Hồ Chí Minh: Sđd, t.15, tr.612, 612, 612, 612, 612,614, 611, 611, 611-612, 615, 617, 617,617, 618.

(24), (25), (26) ĐCSN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.158, 159, 159-160.

 

PGS, TS NGUYỄN THẾ THẮNG

Học viện Chính trị Khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền