Trang chủ    Bài nổi bật    Quan điểm của Hồ Chí Minh trong các chính sách xã hội
Thứ sáu, 25 Tháng 10 2019 12:07
1566 Lượt xem

Quan điểm của Hồ Chí Minh trong các chính sách xã hội

(LLCT) - Quan điểm về chính sách xã hội là một trong những nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người luôn xác định mục tiêu của chính sách xã hội là đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Để mục tiêu đó trở thành hiện thực, theo Người, trước hết cần hoạch định và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội cơ bản như: chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách giáo dục, chính sách y tế, chính sách đối với người có công với cách mạng.

1. Chính sách xóa đói giảm nghèo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). “Ham muốn” ấy đã trở thành mục tiêu, động lực; thành những chỉ dẫn có tính định hướng nhất định trong từng suy tư trăn trở và từng hoạt động cụ thể của Người. Với triết lý ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức, Hồ Chí Minh luôn luôn tâm niệm làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Vì mục đích giải phóng con người, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách xã hội, chính sách xóa đói giảm nghèo sớm được Người quan tâm và trở thành xuất phát điểm để thực hiện các chính sách. Trong Mười chính sách của Việt Minh - bản phác thảo hệ thống chính sách xã hội của nước Việt Nam sau này, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một trong những điều “ích nước, lợi dân” đó là thực hiện cho dân được “đủ ăn, đủ mặc, khỏi lo cơ hàn”.

Khi chính quyền Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập, Hồ Chí Minh xem việc xóa đói, giảm nghèo quan trọng và cấp bách như là diệt giặc. Người chỉ rõ, đói nghèo là một trong ba thứ giặc cần phải diệt và đưa ra mục tiêu phấn đấu để nhân dân thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn, việc làm, ấm no và đời sống hạnh phúc. Cùng với việc đấu tranh chống “thù trong giặc ngoài”. Người đã nhanh chóng đề ra các chính sách chống giặc đói, giặc dốt. Các chính sách ấy không chỉ là biện pháp để đối phó với tình thế khó khăn lúc bấy giờ mà còn là chiến lược lâu dài đối với Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển. Hồ Chí Minh khẳng định “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”(2).

Để chính sách xóa đói giảm nghèo trước hết là để đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Người chỉ rõ “MỤC ĐÍCH: Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”(3). Đây là tiền đề, điều kiện tối cần thiết để phát triển và tiến bộ. Trước hết phải lo cho tồn tại, mưu sinh hàng ngày, phải giải quyết điều cấp thiết, bức xúc cho dân. Tiếp theo phải làm cho người đủ ăn thì khá giàu, người khá giàu thì giàu thêm. Vậy là phải không ngừng phấn đấu để vượt qua ngưỡng nghèo khổ, túng thiếu, tiến tới no đủ, sung túc, khá giả, từng bước trở nên giàu có, đã giàu có rồi thì giàu thêm, như thế mới là phát triển. Đồng thời, Người cũng chỉ rõ “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(4). Như vậy, xóa đói, giảm nghèo đối với nhân dân là biểu hiện thiết thực đầu tiên của độc lập, tự do. Đối với hệ thống chính sách của Đảng và Nhà nước, chính sách xóa đói giảm nghèo là chính sách cơ bản, thực hiện tốt chính sách này là điều kiện, cơ sở để thực hiện các chính sách khác. Bởi lẽ, theo Hồ Chí Minh “Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”(5).

Để xóa đói giảm nghèo, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm. Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói. Người viết thư gửi đồng bào toàn quốc, hô hào nhân dân chống nạn đói, coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống ngoại xâm. Trong thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa... Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”(6). Muốn tăng gia sản xuất có hiệu quả, Đảng và Nhà nước cần tiến hành “Lãnh đạo phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình. Phải chống tư tưởng ngại khó khăn, tư tưởng ỷ lại. Phải tuyên truyền rộng khắp các chính sách khuyến khích sản xuất”(7). Về phía nhân dân, “Phải cố gắng học tập dùng kỹ thuật mới xây dựng cơ sở kỹ thuật mới, kiên quyết từ bỏ lối làm ăn lạc hậu. Những việc đó không phải ngày một ngày hai mà xong, nhưng có quyết tâm, có tổ chức, thì nhất định làm được”. Toàn Đảng, toàn dân cần đoàn kết một lòng để tăng gia sản xuất bởi “Nước ta còn nghèo. Muốn sung sướng thì phải có tinh thần tự lực cánh sinh, cần cù lao động. Phải cố gắng sản xuất. Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”(8).

Mặt khác, theo Hồ Chí Minh, tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm. Tiết kiệm trong sản xuất, trong tiêu dùng, tiết kiệm vật tư, thời gian sức lao động, đồng thời phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Phong trào để dành một nắm gạo nhỏ theo từng buổi đã được nhân rộng thành phong trào tiết kiệm gạo khắp cả nước “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”(9).

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, tăng gia sản xuất và tiết kiệm là hai biện pháp cơ bản, quan trọng nhất để thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo. Người khẳng định “Tăng gia sản xuất và tiết kiệm để nâng cao đời sống của nhân dân, khôi phục kinh tế, mở mang văn hóa và đề phòng đói, chống đói”(10). Từ lời chỉ dẫn của Người, nhân dân ta đã quyết tâm thực hiện tăng gia sản xuất, lao động hăng say, tích cực, có hiệu quả; đồng thời thực hành tiết kiệm. Nhờ đó mà nạn đói được đẩy lùi, góp phần đưa nước ta vượt qua thời kỳ khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”, tạo tiền đề cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng nhằm giữ vững độc lập và thống nhất đất nước.

Để thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến vai trò của các cán bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo nhân dân thực hiện chính sách. Theo Người, các cán bộ cần “Phải biết giáo dục, lãnh đạo, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm... Nếu cán bộ khéo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào và đồng bào cố gắng tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì dân sẽ no ấm, mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu”(11). Trong quá trình thực hiện xóa đói, giảm nghèo, Người nhận thấy rõ “sự thực, chỗ nào mà nhân dân tổ chức giúp đỡ nhau thì kết quả hơn chỗ cấp phát; dân hăng hái hơn, đoàn kết hơn, sản xuất cũng mạnh hơn”(12). Người chủ trương, cán bộ hướng dẫn, chỉ đạo chỉ là phụ, nhân dân thấu hiểu chính sách, tổ chức, giúp đỡ nhau thực hiện chính sách mới là chính, là yếu tố quyết định thắng lợi của công cuộc xóa đói giảm nghèo.

2. Chính sách giáo dục

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục là nhiệm vụ trọng yếu và cấp bách nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng đầu trong đời sống kinh tế - xã hội của nước nhà. Chính vì lẽ đó, bên cạnh chính sách xóa đói giảm nghèo, Người còn đề cập đến chính sách giáo dục như một việc làm căn bản, hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Người nêu rõ: “chương trình của Chính phủ ta là làm thế nào cho toàn quốc đồng bào ai cũng có ăn, có mặc, có học.Vậy nên khẩu hiệu của chúng ta là: 1. Tăng gia sản xuất. 2. Chống nạn mù chữ”(13).

Xuất phát từ tình thương yêu bao la dành cho con người, từ chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, nhằm mục đích độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã lên án “chính sách ngu dân” của thực dân xâm lược; sáng lập nền giáo dục mới của nước Việt Nam ngay sau ngày độc lập. Nền giáo dục mới của Việt Nam được Người định hướng phát triển là nền giáo dục nâng cao dân trí cho nhân dân; là nền giáo dục toàn dân; là nền giáo dục toàn diện; là nền giáo dục tiên tiến, hiện đại; mục đích của giáo dục là đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa cho đất nước. Người coi con người là vốn quý nhất, là yếu tố quyết định của sự nghiệp cách mạng: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Chính từ đó mà Người phát động phong trào bình dân học vụ với chủ trương người biết chữ dạy người chưa biết chữ, người biết chữ nhiều dạy người biết chữ ít, để ai cũng biết đọc, biết viết, tự nâng cao tình cảm, lý tưởng cách mạng cho mình. Nâng cao dân trí phải bắt đầu từ chỗ biết đọc, biết viết đến chỗ hiểu biết các lĩnh vực khác của đời sống. Người nói: “mọi người phải hiểu biết quyền lợi của mình,.. phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”(14). Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn ngay sau Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh hai nhiệm vụ diệt giặc đói và giặc ngoại xâm, Người đã đặt ra nhiệm vụ diệt giặc dốt. Tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng Chính phủ, ngày 3-9-1945, Người đề nghị mở chiến dịch để chống nạn mù chữ: “... nạn dốt - Là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta. Hơn chín mươi phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ. Nhưng chỉ cần ba tháng là đủ để học đọc, học viết tiếng nước ta theo vần quốc ngữ. Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”(15). Ngày 4-10-1945, thay mặt Chính phủ Lâm thời, Người ra Lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học. Phát động phong trào chống nạn mù chữ, Người mong muốn mỗi người dân đều “Biết học, biết chữ quốc ngữ” để “Nâng cao dân trí”, “Giữ vững nền độc lập” và làm cho dân giàu nước mạnh. Nhờ vậy, từ chỗ 95% mù chữ, dân tộc ta đã vươn lên trở thành một dân tộc có văn hóa, khoa học, đủ khả năng để bảo vệ và xây dựng đất nước.

Mục tiêu của giáo dục là thực hiện các ba chức năng của văn hóa bằng dạy và học: đào tạo những con người mới vừa có đức, vừa có tài; học để làm việc, làm người, làm cán bộ; “cải tạo trí thức cũ”, “đào tạo trí thức mới”; “công nông hóa trí thức”, “trí thức hóa công nông”, xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng đông đảo, trình độ ngày càng cao; đào tạo những lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng xây dựng đất nước giàu mạnh và văn minh; mở mang dân trí từ việc xóa nạn mù chữ, chống giặc dốt, kết hợp phổ cập và nâng cao, đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu.

3. Chính sách y tế

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là mục tiêu, nhiệm vụ cao cả của chính sách y tế, là vấn đề luôn được Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất quan tâm và coi trọng. Ngay từ năm 1941, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình Việt Minh đã ghi rõ cần khuyến khích nền thể dục quốc dân, làm cho giống nòi ngày càng thêm mạnh, “lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão”(16). Những năm sau đó, Người đã có nhiều bài và thư gửi ngành y tế và thương binh, xã hội, nêu rõ những quan điểm cơ bản về điều trị thương, bệnh binh, kết hợp quân dân y, kết hợp đông y và tây y và công tác khác của ngành y tế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của sức khỏe và vị trí của y tế trong kháng chiến và kiến quốc. Nhiệm vụ của y tế là chăm sóc, đảm bảo cho sức khỏe cho nhân dân. Đó là nhiệm vụ cao cả và vô cùng quan trọng. Bởi lẽ mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe. “Dân cường thì quốc thịnh”. “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái”. Và khi “tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Sức khỏe không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản chung của cộng đồng.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vị trí trung tâm của mọi hoạt động và quyền được sống là quyền cao nhất của con người. Người dạy chúng ta giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Chính vì vậy, ngay khi cách mạng còn nhiều khó khăn, gian khổ, đời sống của nhân dân còn gian nan, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng vị trí ngành y tế và đưa ra các chủ trương để giải quyết các vấn đề về chăm sóc và đảm bảo cho sức khỏe của nhân dân. Người cho rằng, có sức khỏe thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Đồng thời Người cũng khẳng định, Đảng và Chính phủ phải có trách nhiệm đối với việc đảm bảo đời sống khỏe mạnh của nhân dân. Đảng và Chính phủ thực hiện nhiệm vụ đó thông qua việc đề ra các chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng của công tác y tế. Người nêu rõ: “Vì vậy chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân...nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(17).

Quan tâm và hướng đến việc giải quyết các vấn đề trên lĩnh vực y tế một cách toàn diện, Hồ Chí Minh đưa ra chủ trương “xây dựng một nền y học của ta”, mang bản sắc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam, lấy nhân tố nhân dân và nhân tố Việt Nam là cơ sở. Theo chủ trương của Người, cán bộ y tế phải “giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta”. Người luôn quan tâm đến y đức của người thầy thuốc, coi đó là lương tâm đạo đức, là trách nhiệm bổn phận của người thầy thuốc “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”(18). Quan điểm của Người về đạo đức của người thầy thuốc là “lương y phải như từ mẫu”. Người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, chẳng những cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh, yêu thương người bệnh và săn sóc họ như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Người thầy thuốc phải lấy người bệnh là trung tâm, coi cứu người bệnh là mục đích hành đạo. Không chỉ thương yêu người bệnh, người thầy thuốc “trước hết phải thật thà đoàn kết...”. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sĩ, Dược sĩ cho đến các chị em giúp việc. Bởi vì công việc và địa vị tuy có khác nhau nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân(19).

4. Chính sách đối với người có công với cách mạng

Sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc những người có công với cách mạng. Người thường nhắc nhở “thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”(20).

 Ngay trong những năm chưa thành lập được chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh nêu rõ trong “Mười chính sách của Việt Minh”: “Binh lính giữ nước có công, được dân trọng đãi, hết lòng kính yêu”(21). Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Nhà nước Việt Nam non trẻ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, cùng lúc phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đề ra và lãnh đạo thực hiện đúng đắn chính sách đối với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Trong thư gửi các chiến sĩ bị thương trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Người nhấn mạnh: “Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc, và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế”(22). Người coi việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ không là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Nhằm thu hút sự quan tâm của các tầng lớp xã hội đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh, liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị đó, Hội nghị về vấn đề này gồm đại biểu các cơ quan, các ban ngành đã bàn và nhất trí đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm ngày thương binh, liệt sĩ. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm là ngày toàn dân ta tưởng nhớ đến các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ trách nhiệm của chúng ta đối với thương, bệnh binh. “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí ốm yếu què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(23). Theo Người, công tác chăm sóc, giúp đỡ người có công “việc giúp đỡ ấy cần phải thiết thực, cần có tổ chức và mọi người trong xã đều cần tùy theo khả năng mà tham gia”(24).

Trên cơ sở chỉ rõ vai trò của những người có công với đất nước và trách nhiệm của mỗi người, của xã hội đối với những người có công, Hồ Chí Minh cũng nêu rõ những việc làm, biện pháp thiết thực để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa. Trước lúc về với thế giới người hiền, Người căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét” (25).

Quan tâm tới công tác đền ơn, chăm sóc các đối tượng có công, Hồ Chí Minh cũng lưu ý việc thi hành các chính sách ưu đãi cần đúng đối tượng, tránh nhầm lẫn. Bởi nếu nhầm lẫn không những người có công thực sự không được quan tâm, chăm sóc, kẻ không có công lợi dụng mà ngay chính sách của nhà nước cũng mất tính nghiêm minh, đánh mất lòng tin và thái độ ủng hộ của nhân dân. Việc trao huân chương cho người thực sự có công là một ví dụ cụ thể. Người viết “ta gọi là huân chương, là một thứ huy hiệu để tặng thưởng những người có công trạng đặc biệt. Vì vậy mà nó có giá trị cao quý. Nếu tặng thưởng không đúng, thì nó là một trò cười”(26).

Quan điểm của Hồ Chí Minh về chính sách hội là những chỉ dẫn sâu sắc, bản phác thảo cho hệ thống chính sách xã hội của nước ta ngay từ những ngày đầu khi chính quyền của nhân dân vừa mới được thiết lập. Nó đã góp phần to lớn đưa cách mạng Việt Nam vượt qua những chặng đường gian nan, thử thách. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quan điểm của Hồ Chí Minh tiếp tục giữ vững vai trò là những quan điểm có tính khoa học, phương pháp luận mang giá trị định hướng cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc hoạch định và thực thi chính sách xã hội.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng chính sách xóa đói giảm nghèo là nền tảng, xuất phát điểm để thực hiện các chính sách xã hội khác đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Bởi lẽ, khi xã hội càng phát triển, nhiều chính sách ra đời nhằm phục vụ có hiệu quả hơn cho nhu cầu ngày càng cao về đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân thì chúng ta cũng đứng trước những thử thách lớn, như khoảng cách giữa cách vùng miền, sự khác nhau về chất lượng cuộc sống giữa các bộ phận dân cư... Vì vậy, giải quyết tốt chính sách xóa đói, giảm nghèo vừa tạo điều kiện cho các chính sách khác được hiện thực hóa một cách hiệu quả đồng thời đó là điều cần làm để vượt qua những thử thách đang đặt ra. Trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta hiện nay, tăng gia sản xuất và tiết kiệm vẫn là hai biện pháp cơ bản, chủ yếu.

Trong lĩnh vực giáo dục, chủ trương giáo dục cho toàn dân phải toàn diện (thể dục, trí dục, mỹ dục và đức dục) của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những giá trị mang tính định hướng sâu sắc cho việc cải cách giáo dục ở nước ta. Đặc biệt khi chương trình giáo dục phổ thông đang hướng tới hình thành và rèn luyện cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực (gồm các năng lực cốt lõi và năng lực đặc biệt). Mặt khác, vấn đề xã hội hóa giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội nhằm thực hiện tốt mục tiêu giáo dục cũng có cơ sở từ việc quán triệt sâu sắc quan điểm “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về y tế, phương “châm xây dựng nền y tế toàn dân”, xuất phát từ nhân dân, do nhân dân mà được củng cố, phát triển, vì nhân dân mà hết lòng phục vụ luôn là mục tiêu trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay. Đặc biệt lời căn dặn “lương y như từ mẫu” của Người đã, đang và sẽ vẫn luôn được quán triệt tới đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành y tế, trở thành một trong những chuẩn mực của người làm công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Kế thừa các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chính sách đối với người có công, những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, hoàn thiện và thực hiện chính sách đối với nhóm đối tượng này. Các chương trình, kế hoạch, dự án dành cho đối tượng người có công hiện nay luôn cần được thực hiện với tinh thần khắc sâu, thể hiện lòng biết ơn những người có công, giúp họ vượt qua khó khăn, thiệt thòi, tạo điều kiện để họ có thể tự vươn lên, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Với ý nghĩa và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, tư tưởng Hồ Chí Minh về một số chính sách xã hội cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo nhằm tiếp tục góp phần nâng cao hiệu quả của việc hoạch định và thực thi chính sách xã hội ở nước ta hiện nay; góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.            

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019

(1), (2), (4), (6), (9), (13), (14), (15), Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 187, 175, 175, 135, 33, 556, 40, 7.

(3), (22), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 81, 22, 204.

(5), (10), (11), (12), (17), (18), (19), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 518, 519, 518, 519, 518, 343, 343, 8.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 213.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 69.

(16), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 632, 242.

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 372.

(25), (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 616, 232.

ThS Vi Thị Lại

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền