Trang chủ    Bài nổi bật    Giáo dục phòng, chống tham nhũng - Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam
Thứ sáu, 25 Tháng 10 2019 12:10
2200 Lượt xem

Giáo dục phòng, chống tham nhũng - Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Việt Nam

(LLCT) - Giáo dục phòng, chống tham nhũng là một trong những biện pháp quan trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng; từng bước xây dựng và hình thành văn hóa chống tham nhũng trong xã hội. Bài viết này đề cập đến kinh nghiệm một số nước trên thế giới và một số gợi mở cho Việt Nam trong việc giáo dục phòng, chống tham nhũng.

1. Kinh nghiệm giáo dục phòng, chống tham nhũng ở một số nước trên thế giới

Giáo dục lòng liêm chính, đạo đức công vụ cho công chức từ lâu đã được nhiều nước trên thế giới xem như một trụ cột trong chính sách phòng, chống tham nhũng. Qua đó, giúp công chức thấy được tham nhũng là hành vi vi phạm đạo đức, trách nhiệm và nghĩa vụ của người công chức trong quá trình thực thi công vụ. Việc giáo dục liêm chính ở một số quốc gia được thực hiện hằng năm và mang tính bắt buộc cho toàn thể cán bộ, công chức. Tất cả các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đều có chương trình đào tạo liêm chính bắt buộc cho cán bộ, viên chức của họ. Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho công chức về trách nhiệm công vụ, về việc nghiêm cấm các hành vi tham nhũng trong công chức, một số nước như Thuỵ Điển, Hàn Quốc, Malaysia, Đức, Trung Quốc, Singapore ban hành văn bản pháp luật riêng về đạo đức công chức, thậm chí thành lập những cơ quan chuyên phụ trách về đạo đức công chức. Hàn Quốc thành lập ủy ban đặc biệt về đạo đức công chức có trách nhiệm chính trong việc giáo dục đạo đức công chức, theo dõi quá trình thực hiện của công chức. Singapore giáo dục công chức lòng tự trọng, xem tham nhũng như sự sỉ nhục danh dự và họ sợ bị áp dụng chế tài pháp luật, coi đây là hành vi nhiều rủi ro, từ đó có thái độ nói không với tham nhũng trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Trong giáo dục phòng, chống tham nhũng, các nước không chỉ chú ý đến giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức mà còn quan tâm đến giáo dục đạo đức cho công dân, thông qua nhiều cách thức, đặc biệt là hệ thống giáo dục quốc dân. Thái Lan, Indonexia, Philippines, Trung Quốc đều đưa môn học về phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục ở các nhà trường ở các cấp độ và mức độ khác nhau. Từ năm 2008, Trung Quốc đã triển khai chính thức chương trình giáo dục liêm chính trong các nhà trường. Chương trình giáo dục phòng, chống tham nhũng cho người dân ở một số nước, bao gồm: các nội dung về đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, thái độ căm ghét và tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, kiến thức giúp người dân nhận diện được hành vi tham nhũng, biết cung cấp thông tin cho cơ quan thông tin đại chúng và tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hồng Kông (Trung Quốc) chú ý giáo dục về tham nhũng theo hướng coi tham nhũng là hành vi không thể chấp nhận và không thể khoan nhượng trong xã hội. Ngay từ khi mới thành lập Cơ quan điều tra chống tham nhũng (CPIB), Singapore đã nghiêm túc xây dựng chương trình giáo dục sâu rộng ý thức của người dân trong phòng, chống tham nhũng, thực hiện đồng bộ trong sinh viên, học sinh và trong cộng đồng. Giám đốc cơ quan điều tra chống tham nhũng Singapore nhấn mạnh: “Văn hóa chống tham nhũng của chúng tôi bén rễ trong xã hội bằng một chính sách giáo dục lâu dài. Nó được chia làm hai chương trình: giáo dục cho cộng đồng và giáo dục cho học sinh, sinh viên ngay từ khi các em còn nhỏ dưới nhiều hình thức sinh động và hấp dẫn nhưng rất nghiêm túc. Tất cả nhằm tạo cho mọi công dân hiểu về hậu quả an ninh của một đất nước nếu chìm sâu trong tệ tham nhũng, về danh dự, lòng tự trọng và giá trị đạo đức của con người và cả dân tộc”(1). CPIB thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn với hiệu trưởng của các trường để cập nhật những thông tin mới nhất đưa vào giảng dạy. Ngoài ra, CPIB còn tiến hành các buổi trao đổi với tên gọi “Hành trình học hỏi” cho các học sinh trường trung học nhằm giúp cho thế hệ trẻ có nhận thức về hành vi tham nhũng. CPIB còn tổ chức những lớp đặc biệt dành riêng cho sinh viên thuộc ngành hành chính công và quản lý Chính phủ để học cách chống tham nhũng với những ví dụ thực tế, sinh động. Về chương trình giáo dục trong cộng đồng, Singapore tổ chức các chiến dịch tuyên truyền rộng lớn để người dân hiểu rằng nếu không chống tham nhũng tốt thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của quốc gia. Quá trình giáo dục đó mang lại sự thay đổi căn bản nhận thức về tham nhũng từ chỗ là một hoạt động rủi ro thấp mà lợi nhuận cao trở thành một hoạt động rủi ro cao mà lợi nhuận thấp. Ở Mỹ, Đạo luật phòng chống các hành vi tham nhũng nước ngoài của Mỹ (FCPA), các doanh nghiệp Mỹ trước khi muốn ký hợp đồng làm ăn với doanh nghiệp nước ngoài cần yêu cầu đối tác tổ chức các khoá học về liêm chính và chống tham nhũng cho nhân viên.

2. Giáo dục phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, quá trình nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục phòng, chống tham nhũng ngày càng có nhiều tiến bộ. Trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và các lần sửa đổi bổ sung, bổ sung năm 2007, 2012 chưa có mục riêng về tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tham nhũng dù trong các quy định nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tham nhũng cũng đã bước đầu đề cập đến nội dung này. Điều 85 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các thành viên tổ chức mình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Điều 86 của Luật quy định: Cơ quan báo chí có trách nhiệm biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh đối với những người có hành vi tham nhũng; tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thời gian này, chưa có quy định trong luật cụ thể về vấn đề giáo dục phòng, chống tham nhũng nhưng Chính phủ đã có những chương trình cụ thể để đưa vấn đề phòng, chống tham nhũng vào trong các cơ sở đào tạo. Vấn đề đưa nội dung Luật Phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X của Đảng. Ngày 2-12-2009, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 137/2009/QĐ - TTg phê duyệt đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, gọi tắt là Đề án 137 và giao cho Thanh tra Chính Phủ là cơ quan thường trực giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đề án; các bộ, ngành, cơ quan tổ chức và đơn vị gồm Bộ Giáo dục và đào tạo, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, ủy ban nhân dân các tỉnh, cơ sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ trong đề án. Tiếp theo, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo bắt đầu từ năm học 2013 - 2014. Bộ Tư pháp xây dựng đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016”. Đến Đại hội XII của Đảng, vấn đề giáo dục phòng, chống tham nhũng đã được nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động”(2). Trên cơ sở đó, Luật Phòng, chống tham nhũng được thông qua tháng 11- 2018 và có hiệu lực từ 1-7-2019 có một mục riêng quy định về Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng với nội dung bao gồm: 1. Cơ quan thông tin, truyền thông và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn. 2. Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống nhằm phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh trung học phổ thông, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cụ thể cơ quan có trách nhiệm trong giáo dục phòng, chống tham nhũng là cơ quan thông tin, truyền thông; cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Đối tượng của công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng bao gồm: công dân, học sinh, sinh viên và người có chức vụ, quyền hạn.

Thời gian qua, những cơ quan đơn vị trực tiếp tham gia vào giáo dục phòng, chống tham nhũng là: báo chí, truyền thông, Mặt trận Tổ quốc, các cơ sở giáo dục và đào tạo. Chúng ta cũng đã đạt những kết quả bước đầu trong giáo dục phòng, chống tham nhũng. Từ năm 2007-2013, hơn 29 triệu lượt cán bộ, công chức, viên chức, người dân được phổ biến, giới thiệu, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, 478 nghìn lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện, 2,3 triệu tài liệu, cuốn sách về phòng, chống tham nhũng được phát hành. Ở bậc trung học phổ thông, nội dung phòng, chống tham nhũng được đưa vào giảng dạy lồng ghép, tích hợp vào môn học giáo dục công dân với thời lượng 6 tiết, được phân bổ trong 3 năm học. Nội dung phòng, chống tham nhũng bao gồm nhiều kiến thức xã hội và kiến thức pháp luật để trang bị cho học sinh khái niệm, biểu hiện, nguyên nhân, tác hại của tham nhũng đối với xã hội. Nội dung tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng được các cấp Mặt trận Tổ quốc lồng ghép trong đề án xây dựng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, được tiến hành từ năm 2006 đến nay. Các cơ quan báo chí tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có tuyên truyền về pháp luật phòng, chống tham nhũng cũng như tạo dư luận xã hội phê phán hành vi tham nhũng. Báo chí không chỉ đóng góp lớn trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng mà còn là lực lượng chủ yếu để tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền những gương điển hình, cách làm hay trong phòng, chống tham nhũng. Mỗi năm có khoảng gần 5 nghìn tin, bài viết về đề tài phòng, chống tham nhũng được đăng tải trên hơn 40 tờ báo (20 báo in ở Trung ương, 10 báo in địa phương và 10 tờ báo điện tử của Trung ương và địa phương(3). Có 77,83% phóng viên đồng tình với việc báo chí tham gia tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng(4).

Bên cạnh những thành công, công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế. Tuyên truyền phổ biến giáo dục về phòng, chống tham nhũng mới chỉ chú ý thực hiện nội bộ các cơ quan, đơn vị, tổ chức với đối tượng là cán bộ, đảng viên, chưa tiến hành sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú; thời lượng tuyên truyền còn hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế. Việc giáo dục phòng, chống tham nhũng trong các trường phổ thông với thời lượng ngắn, nội dung nhiều nên giáo viên đa phần giảng lý thuyết, chưa tạo được sự hứng thú và hình thành được ý thức chống tham nhũng trong học sinh. Giáo viên giảng dạy có khi chưa được đào tạo, tập huấn về vấn đề này mà chủ yếu là tự tìm hiểu. Nội dung thuộc môn giáo dục công dân là môn học chưa được chú trọng nhiều ở một số trường. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên còn nặng về hình thức, thiếu tính thiết thực, phương thức chưa phù hợp. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn mờ nhạt chưa tương xứng với vị thế của Mặt trận Tổ quốc và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Hoạt động tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong chương trình giáo dục pháp luật chung hay Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên nội dung còn sơ sài và thời lượng chưa thích đáng. Các phương tiện truyền thông thời gian qua đưa tin bàn về các vụ tham nhũng là chủ yếu còn nêu gương điển hình trong phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền chính sách, chủ trương về phòng, chống tham nhũng còn ít, các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng còn ít và chưa được duy trì thường xuyên nên vai trò trong giáo dục phòng, chống tham nhũng còn mờ nhạt.

Hành vi tham nhũng trong cán bộ, công chức vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí biểu hiện ngày càng nghiêm trọng; tinh vi hơn; ý thức chống tham nhũng của người dân Việt Nam còn thấp. Xu hướng chấp nhận tham nhũng của người dân Việt Nam rất cao đang là một thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng. Chỉ có 6% dân số Việt Nam không chấp nhận tham nhũng, ở Thuỵ Điển tỷ lệ này là 70%(5). Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn chủ động hối lộ. Theo khảo sát, trong số những doanh nghiệp phải trả phí ngoài quy định, hơn 70% số trường hợp do doanh nghiệp chủ động đề nghị còn dưới 30% là số trường hợp được cán bộ, công chức yêu cầu(6). Với người dân, khảo sát về phản ứng của người dân khi được gợi ý chi trả tiền ngoài quy định, 37% trả lời nộp tiền ngay để được việc, 11% trả lời nộp tiền nhưng mặc cả, chỉ có 3% không nộp tiền, báo với người có thẩm quyền, 34% không nộp tiền và chờ đợi giải quyết(7). Đối với cán bộ, công chức, 86% cho rằng: tâm lý e ngại khi đấu tranh chống tham nhũng vẫn còn phổ biến trong cán bộ, công chức. Mặc dù nhận thức về tham nhũng được cải thiện nhưng mức độ sẵn sàng đấu tranh chống tham nhũng trong cán bộ, công chức vẫn chưa rõ ràng(8). Từ những hạn chế trên cho thấy, đẩy mạnh giáo dục phòng, chống tham nhũng để nâng cao ý thức nói không với tham nhũng trong cán bộ và nhân dân đang là yêu cầu cấp thiết ở nước ta hiện nay.

3. Một số giải pháp tăng cường giáo dục phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, xây dựng chương trình giáo dục phòng, chống tham nhũng cho từng đối tượng cụ thể

Giáo dục phòng, chống tham nhũng phải toàn diện, bao gồm: nhân dân, học sinh, sinh viên và những người có chức vụ, quyền hạn. Việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục - đào tạo phải được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng, các trường phổ thông, đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trường hành chính, trường quản lý nghiệp vụ thuộc Đảng, cơ quan nhà nước, trường thuộc lực lượng vũ trang, thuộc tổ chức chính trị - xã hội... Đối với từng đối tượng cụ thể, nội dung, chương trình tuyên truyền, giáo dục cần xây dựng cho phù hợp. Với cán bộ, công chức, những người có chức vụ, quyền hạn, việc giáo dục phòng, chống tham nhũng cần gắn liền với giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chính trị và trách nhiệm; đặc biệt cần gắn với giáo dục đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, công chức để họ hiểu, thấm nhuần bổn phận trách nhiệm, lòng tự trọng, tự hào vì được làm một công việc vì lợi ích của cả cộng đồng. Từ đó, hình thành thái độ phê phán hành vi tham nhũng, coi đó là hành vi sỉ nhục danh dự và lòng tự trọng của cán bộ, công chức. Đối với người dân, cần chú ý giáo dục nhằm giúp họ nhận thức được tác hại nhiều mặt của tệ tham nhũng, biết những hành vi tham nhũng, từ đó tạo ra phản ứng chung của xã hội đối với tham nhũng, thể hiện không chấp nhận tham nhũng dưới mọi hình thức; đồng thời, cần giáo dục trách nhiệm công dân, tôn trọng pháp luật, sự công bằng, chính trực, từ đó xây dựng hành vi ứng xử liêm chính, văn hóa phi tham nhũng trong nhân dân. Đối với doanh nghiệp, việc tuyên truyền phòng, chống tham nhũng cần gắn với tuyên truyền xây dựng văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Thứ hai, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng và trách nhiệm của các cơ quan thực hiện giáo dục phòng, chống tham nhũng

Để nâng cao chất lượng giáo dục phòng, chống tham nhũng cần chú ý nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục phòng, chống tham nhũng trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí. Cần có những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể đối với đối tượng trực tiếp tham gia giáo dục phòng, chống tham nhũng; thường xuyên định kỳ tổ chức những chương trình bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức mới về nội dung, kỹ năng tuyên truyền giáo dục phòng, chống tham nhũng. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần bố trí kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ này.

Đảng và Nhà nước cũng cần có những quy định cụ thể và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện giáo dục phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm. Đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo cần tăng cường thời lượng các chương trình giáo dục phòng, chống tham nhũng. Cần có những quy định cụ thể, các hình thức khen thưởng những cơ quan báo chí, truyền thông đăng các tin, bài biểu dương tinh thần và những việc làm tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với những người có hành vi tham nhũng, tham gia tuyên truyền phổ biến đường lối, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cũng cần tăng thời lượng tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung, cần có những chương trình riêng về tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tham nhũng

Để những nội dung phòng, chống tham nhũng thấm nhuần trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó dần hình thành được ý thức, thái độ chống tham nhũng trong mỗi cá nhân thì phải có phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp, hiệu quả. Vì vậy, các tổ chức có trách nhiệm cần chú ý đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tham nhũng. Cần tránh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tham nhũng với lý thuyết suông một chiều, nhất là với đối tượng học sinh. Các tổ chức, cơ quan cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục, như: thông qua việc tổ chức các cuộc thi viết tìm hiểu về Luật Phòng, chống tham nhũng hoặc các tiểu phẩm, chương trình văn nghệ; viết thu hoạch các bài tập tình huống; tham quan trực quan về hậu quả của những vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Đặc biệt, có thể sử dụng các hình thức tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng thông qua internet, vừa bảo đảm thuận tiện, dễ thu hút được nhiều người quan tâm.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019

(1) Dẫn theo Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái Chu Hồng Thanh, Vũ Công Giao: Giáo trình lý luận và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.71.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.212.

(3) Cao Thị Dung: “Công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Thông tin khoa học lý luận chính trị, số 9-2018.

(4) Theo kết quả khảo sát của tác giả Cao Thị Dung trong luận án tiến sĩ Chính trị học, Báo chí tham gia phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, 2019.

(5) Trịnh Thị Xuyến (chủ biên): Cơ chế tham gia của người dân trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.177.

(6), (7), (8) Thanh tra Việt Nam và Ngân hàng thế giới: Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức, kết quả khảo sát xã hội học, Nxb Chính trị quốc gia, 2012, tr.52, 52, 60.

ThS Trịnh Xuân Thắng

Học viện Chính trị Khu vực IV

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền