Trang chủ    Bài nổi bật    Cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Thứ sáu, 25 Tháng 10 2019 12:13
1238 Lượt xem

Cụ Nguyễn Văn Tố - Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

(LLCT) - Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố (5-6-1889 - 5-6-2019), bài viết mong muốn làm rõ thêm thân thế và những đóng góp của Cụ trên cương vị là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội) đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong sự nghiệp kiến thiết đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đầu độc lập.

1. Cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp kiến thiết đất nước sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công

Nguyễn Văn Tố sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước. Trước khi đến với Cách mạng, Cụ là bậc danh nho, đứng đầu nhiều tổ chức khoa học, hội đoàn truyền bá tri thức cho dân chúng, chống nạn thất học. Khi tham gia Chính phủ lâm thời, Cụ là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, cùng với Chính phủ giải quyết nạn đói của nhân dân ta lúc bấy giờ.

Với uy tín của một nhân sỹ yêu nước, Cụ Nguyễn Văn Tố đã trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I tỉnh Nam Định. Tại Kỳ họp thứ nhất, Cụ được bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Tuy thời gian giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội của Cụ chỉ kéo dài 8 tháng (từ 2-3 đến 9-11-1946), nhưng đó là quãng thời gian gay cấn nhất của cách mạng. Với cương vị đứng đầu Quốc hội, Cụ đã cùng với Ban Thường trực Quốc hội tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ để thi hành nhiều phương sách thích hợp chăm lo đến quyền lợi quốc gia và giữ gìn đời sống nhân dân.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời (2-9-1946), Cụ Nguyễn Văn Tố đã làm tròn trọng trách của mình, góp phần giúp cho quốc gia dân tộc vượt qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng về lương thực khiến cho dân chúng bị thiếu đói triền miên. Trên cương vị Bộ trưởng, Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Chính phủ thông qua một bản Kế hoạch rõ ràng về việc cứu tế, đồng thời tổ chức một cuộc vận động quyên góp gạo để hỗ trợ cho người dân nghèo. Ngay trong ngày đầu tiên (11-10-1945) đã có 5 tấn gạo được nhân dân quyên góp cho Chính phủ để cứu tế. Bên cạnh việc kêu gọi ủng hộ từ quần chúng nhân dân, Cụ cũng xác định để ổn định cuộc sống lâu dài, cần vận động quần chúng nhân dân tăng gia sản xuất và sử dụng gạo tiết kiệm. Cùng với không khí phấn khởi chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, phong trào “tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa” trở thành một hành động cách mạng thiết thực của quần chúng nhân dân để tiến tới tổng Tuyển cử đầu tiên trên cả nước.

Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã bầu được 333 đại biểu, Cụ Nguyễn Văn Tố trở thành đại biểu Quốc hội do cử tri Nam Định bầu. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Sau thắng lợi của Tổng tuyển cử, tình hình nước ta tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên cả hai miền Nam - Bắc, khi thù trong, giặc ngoài vẫn tìm cách chống phá quyết liệt. Đặc biệt ở miền Bắc, các phần tử phản động trong Việt Quốc, Việt Cách đòi giải tán Chính phủ Liên hiệp lâm thời vừa mới thành lập ngày 1-1-1946 và phải thành lập ngay Chính phủ Liên hiệp quốc gia chính thức dù rằng chưa triệu tập được Quốc hội. Đòi hỏi này của Việt Quốc, Việt Cách nhằm mục đích phủ nhận quyền Quốc hội, quyền dân chủ của nhân dân, gây sức ép với Chính phủ về việc phân chia các ghế trong Chính phủ nhằm có lợi cho họ.

Chính phủ một mặt vẫn kiên trì đấu tranh, khéo léo thuyết phục, kêu gọi Việt Quốc, Việt Cách phải tôn trọng quyền dân chủ của nhân dân đã tham gia Tổng tuyển cử, mặt khác tích cực xúc tiến mọi công việc chuẩn bị để khai mạc kỳ họp Quốc hội khóa I. Ngày 2-3-1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự có mặt của gần 300 đại biểu. Trong vòng 4 giờ, Quốc hội đã hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản, như thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến và một số cơ quan quan trọng khác của Quốc hội và Nhà nước như: Ban Thường trực Quốc hội, Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội và Ban Dự thảo Hiến pháp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định bầu Ban Thường trực gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết, do Cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban.

2. Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố với hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Trên cương vị là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực nhanh chóng bắt tay vào củng cố Nhà nước, xây dựng nền dân chủ, thống nhất dân tộc, sẵn sàng kháng chiến trong toàn quốc. Để thống nhất lực lượng của dân tộc, vấn đề là phải tập trung quyền lực vào một cơ quan điều hành quốc gia mạnh mẽ. Quốc hội đã công nhận và trao quyền bính cho Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chính phủ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Quốc hội và quốc dân đồng bào. Bên cạnh Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội có quyền hạn góp ý với Chính phủ, phê bình Chính phủ nếu làm trái lợi ích của quốc gia và dân tộc. Trong tình thế đặc biệt của nước nhà, nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng vẫn phải được thống nhất và giải quyết nhanh chóng nên trong nhiều phiên họp thường kỳ hoặc đặc biệt của Hội đồng Chính phủ đều có sự tham dự và góp ý của Cụ Nguyễn Văn Tố với tư cách Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

Trong phiên họp đầu tiên ngày 4-3-1946, với sự góp ý của Thường trực Quốc hội, Chính phủ đã quyết định một số chủ trương đối nội và đối ngoại thể hiện chính sách đoàn kết dân tộc, xây dựng mặt trận quốc gia liên hiệp và thống nhất để chống xâm lăng, giữ vững chính quyền, kiến thiết đất nước và thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện với các nước trên thế giới.

Ban Thường trực Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Tố luôn chú trọng đến quyền lợi của quốc gia và nhân dân cùng Chính phủ trong việc thi hành những phương sách thích hợp để giữ gìn đời sống của nhân dân, tham gia vào công cuộc kiến thiết.

Theo báo cáo về hoạt động của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố trình bày tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, Chính phủ đã gửi sang để Ban Thường trực xét 98 dự án sắc lệnh. Những đề nghị sửa đổi của Ban Thường trực Quốc hội đã được Chính phủ phần nhiều thực hiện. Những sắc lệnh đó tập trung vào một số vấn đề như:

Về pháp chính, có nhiều dự án sắc lệnh đáng chú ý như sắc lệnh về việc hội họp, việc ấn loát;

Về kinh tế, Ban Thường trực Quốc hội đã can thiệp để sự chuyên chở thóc gạo được dễ dàng;

Về tài chính, Ban Thường trực đã xét các ngân sách toàn quốc và ngân sách các kỳ;

Về xã hội, đáng chú ý nhất là dự án sắc lệnh về lao động và giáo dục.

Trong thời kỳ Cụ Nguyễn Văn Tố giữ cương vị Trưởng Ban Thường trực , Quốc hội đã thảo luận và thông qua nhiều Nghị quyết về nội trị, ngoại giao, về việc thành lập Chính phủ mới, về quyền quan thế, về việc phát hành giấy bạc Việt Nam...

Ngoài ra, Ban Thường trực còn nhận được nhiều đề nghị cải tạo đời sống ở hương thôn. Các đề nghị ấy đều được xem xét kỹ lưỡng và chuyển giao cho các cơ quan của Chính phủ.

Bên cạnh đó, để tăng cường sự đoàn kết dân tộc, ngày 3-5-1946, Ban Thường trực Quốc hội đã cử Linh mục Phạm Bá Trực cùng đi với phái đoàn Chính phủ vào Trung Bộ để giải thích cho đồng bào rõ chính sách quốc gia liên hiệp của Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 14-8-1946, một phái đoàn Quốc hội gồm hai ông Nguyễn Trí và Dương Văn Du được cử vào Nam Trung Bộ úy lạo các chiến sĩ. Mặt trận thống nhất dân tộc ngày càng được củng cố.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I, trên cương vị là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các đại biểu biểu quyết tán thành danh sách Chính phủ mới, thảo luận và thông qua dự án Luật Lao động. Đặc biệt, ngày 9-11-1946, với sự cố gắng và nỗ lực của các đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước, sự tham gia của Ban Thường trực Quốc hội, tại Kỳ họp này Quốc hội đã thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông với sự nhất trí gần như tuyệt đối, với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 đại biểu có mặt trong phiên họp này. Bản Hiến pháp đã góp phần tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do, phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với nam giới để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp.

3. Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố với hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Sáng ngày 6-3-1946, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố tham dự cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ chủ trì. Sau khi nghe ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng bàn bạc và nhất trí sẽ ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp theo các điều kiện đã được thỏa thuận. Đây là một quyết sách lớn, vì vậy tất cả các vị có mặt đã cùng ký vào một biên bản đặc biệt và Chính phủ sẽ yêu cầu các vị vắng mặt ký sau. Tờ biên bản đặc biệt đó trở thành nghị quyết do toàn thể Hội đồng, Ủy ban kháng chiến và Ban Thường trực Quốc hội do Cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu cộng đồng phụ trách trước quốc dân. Nội dung biên bản đặc biệt đó như sau:

“Hội đồng Chính phủ Việt Nam, Tối cao cố vấn đoàn trưởng, Chủ tịch Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến toàn quốc, trong phiên họp ngày 6-3-1946, sau khi nghe cụ Chủ tịch báo cáo về tình hình ngoại giao, sau khi hỏi ý kiến của toàn thể:

- Nghị quyết tán thành ký hiệp định đình chiến và mở cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ Pháp, theo những điều kiện Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia tự do và Chính phủ Việt Nam bằng lòng để quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa.

- Ủy quyền cho ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến thay mặt hội đồng Chính phủ cùng Cụ Chủ tịch Chính phủ ký hiệp định trên với Pháp.

- Nghị quyết này do toàn thể Hội đồng, Ủy ban kháng chiến và Ban Thường trực Quốc hội cộng đồng phụ trách trước quốc dân”.

Ký Hiệp định Sơ bộ là bước “hòa để tiến” để thực hiện độc lập, tự do. Sau khi Hiệp định được ký kết, Ban Thường trực Quốc hội hiệu triệu quốc dân đồng bào phải chuẩn bị mọi mặt, đoàn kết, bình tĩnh, tránh khiêu khích và tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. Tiếp đó, Quốc hội và Chính phủ đã xúc tiến thêm các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ với Trung Hoa và Pháp.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2019

Nguyễn Mạnh Hùng

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền