Trang chủ    Bài nổi bật    Bối cảnh và những yêu cầu mới bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng và xây dựng đảng
Thứ tư, 22 Tháng 1 2020 20:55
1999 Lượt xem

Bối cảnh và những yêu cầu mới bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng và xây dựng đảng

(LLCT) -  Lý luận về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng là một bộ phận cực kỳ quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận này vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ điều kiện và năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm qua. Hiện nay, bối cảnh thực tiễn đang đặt ra yêu cầu mới đối với việc bổ sung, phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng.

Lý luận về Đảng Cộng sản và xây dựng Đảng Cộng sản do C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin xây dựng có nội dung phong phú với các nội dung cốt lõi, như(1): (i) phân tích và chỉ rõ việc giai cấp vô sản phải thành lập được chính đảng độc lập của mình; (ii) phân tích và chỉ rõ Đảng là đội tiền phong của giai cấp vô sản cũng như tính chất và tôn chỉ của Đảng; (iii) nền tảng tư tưởng cũng như xây dựng Đảng về tư tưởng lý luận; (iv) cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng cũng như việc Đảng phải đề ra được cương lĩnh và đường lối khoa học; (v) nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; (vi) xây dựng đội ngũ cán bộ và đảng viên của Đảng; (vii) xây dựng tổ chức cơ sở đảng; (viii) xây dựng tác phong của Đảng; (ix) xây dựng thể chế của Đảng; (x) xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng.

Đến nay, những nội dung của lý luận Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng vẫn giữ nguyên giá trị khoa học của nó, vẫn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xây dựng Đảng thì lý luận về Đảng và xây dựng Đảng cũng cần được bổ sung, phát triển. Có thể đề cập đến bối cảnh quốc tế, trong nước và những yêu cầu mới đối với việc bổ sung, phát triển học thuyết Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng như sau:

1. Toàn cầu hóa với vấn đề nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng hiện nay

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã có những dự báo đúng đắn về xu thế biến đổi của quốc tế hóa và toàn cầu hóa. Tuy nhiên, C.Mác, Ph.Ăngghen và ngay cả V.I.Lênin chưa nêu những chỉ dẫn đầy đủ về vấn đề xây dựng năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngày nay, những dự báo của C.Mác và Ph.Ăngghen về mức độ cao của quốc tế hóa trước hết là toàn cầu hóa (globalization) đã trở thành hiện thực. Từ thập niên 80 thế kỷ XX đến nay, tiến trình toàn cầu hóa, trước hết là toàn cầu hóa kinh tế đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Toàn cầu hóa vừa tạo ra thời cơ, vừa đặt ra không ít thách thức cho mỗi quốc gia, dân tộc trong phát triển. Đúng như John Cotter đã khẳng định: “Toàn cầu hóa làm cho sự thay đổi càng trở nên nhanh hơn, vừa tạo ra rất nhiều cơ hội, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức và rủi ro”(2). Toàn cầu hóa kinh tế không chỉ là sự hợp tác giữa các quốc gia, mà còn là quá trình cạnh tranh giữa các quốc gia. Để giành ưu thế trong cạnh tranh, đòi hỏi mỗi quốc gia cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Toàn cầu hóa thúc đẩy sự giao lưu, chia sẻ thông tin, làm cho đời sống xã hội thể hiện xu thế nhất thể hóa, đa dạng hóa và phụ thuộc lẫn nhau. Toàn cầu hóa không chỉ tác động mạnh mẽ đến chính trị và hệ thống xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc, mà còn tác động sâu sắc đến hệ thống giá trị và ý thức hệ vốn có của mỗi quốc gia, dân tộc. Toàn cầu hóa rất dễ dẫn đến nguy cơ các công ty xuyên quốc gia chi phối hệ thống chính sách quốc gia dân tộc. Vì vậy, xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền như thế nào để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, nhất là xây dựng được một hệ thống quản trị quốc gia hiệu quả, có năng lực cạnh tranh tốt; giữ vững vai trò nền tảng tinh thần của ý thức hệ Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là yêu cầu mới đang đặt ra hiện nay đối với lý luận xây dựng Đảng và công tác xây dựng Đảng hiện nay.

2. Sự phát triển của xã hội thông tin và “thời đại dữ liệu lớn” với vấn đề nâng cao khả năng thích ứng và tăng cường nguồn lực cầm quyền của Đảng hiện nay

C.Mác, Ph.Ăngghen và cả V.I.Lênin chưa tiên liệu một cách đầy đủ về sự phát triển của xã hội loài người theo hướng “thông tin hóa” như ngày hôm nay, cũng như chưa có những chỉ dẫn cụ thể về xây dựng Đảng Cộng sản trong bối cảnh sự phát triển của xã hội thông tin, mà mức độ cao của nó là “thời đại dữ liệu lớn” như hiện nay. Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy, sự phát triển của khoa học công nghệ là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ngày nay, dưới sự tác động trực tiếp của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, công nghệ thông tin đã phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy xã hội loài người bước vào một kỷ nguyên, còn gọi là “xã hội thông tin”, mà mức độ cao hơn của nó là “thời đại dữ liệu lớn”. Xã hội thông tin và “thời đại dữ liệu lớn” ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, xóa nhòa khoảng cách về không gian, thời gian, mở rộng phạm vi giao lưu, tương tác của con người. “Thời đại dữ liệu lớn” là mức độ phát triển cao của xã hội thông tin. “Dữ liệu lớn” vừa có thuộc tính kỹ thuật, vừa có thuộc tính xã hội. Về thuộc tính kỹ thuật, “dữ liệu lớn” có nghĩa là dung lượng thông tin lớn, được tạo ra và đòi hỏi xử lý với tốc độ rất nhanh. Xã hội thông tin và “thời đại dữ liệu lớn” làm cho môi trường lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trở nên phức tạp hơn, vừa tạo ra thời cơ, vừa tạo ra không ít thách thức cho tổ chức và hoạt động của Đảng, thể hiện trên các mặt chủ yếu như: (i) ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào để xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng trở nên tinh gọn hơn; (ii) ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức và hoạt động của Đảng như thế nào để tăng cường thực hiện “dân chủ điện tử”, “dân chủ từ xa” cũng như dân chủ hóa hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, nhất là trong chia sẻ thông tin, tiếp nhận thông tin trong nội bộ Đảng cũng như chia sẻ thông tin, tiếp nhận thông tin, ý kiến từ phía xã hội cho hoạt động hoạch định chính sách của Đảng; (iii) làm thế nào để giữ vững và mở rộng trận địa ý thức hệ, tư tưởng của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông đại chúng và sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội hiện nay; (iv) làm thế nào để xây dựng hình ảnh của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh xã hội thông tin phát triển mạnh mẽ; (v) làm thế nào để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động để nâng cao năng lực đáp ứng (hay tăng cường tính đáp ứng) của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ trước yêu cầu, nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân.

3. Kinh tế tri thức và một “thời đại thay đổi” với vấn đề nâng cao năng lực học tập, đổi mới và sáng tạo của Đảng và đảng viên hiện nay

Học thuyết Mác - Lênin luôn nhấn mạnh việc đảm bảo tính tiên tiến, đi cùng và bắt kịp với thời đại của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, so với thời đại của các ông, bối cảnh lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản ngày nay xuất hiện nhiều cái mới, chẳng hạn “kinh tế tri thức” và “thời đại thay đổi không ngừng” dưới sự tác động của toàn cầu hóa, dân chủ hóa, thông tin hóa và dân chủ hóa. Kinh tế tri thức là một khái niệm được OECD nêu lên trong báo cáo của mình vào năm 1996. Kinh tế tri thức được hiểu là “kinh tế lấy tri thức làm cơ sở”, đồng thời dựa vào tri thức để tiến hành sản xuất và phân phối. Trong tác phẩm “Xã hội hậu chủ nghĩa tư bản”, Peter F.Drucker cho rằng: “chúng ta đang bước vào một xã hội tri thức, xã hội tri thức là một xã hội lấy tri thức làm cốt lõi, nguồn lực trí tuệ đã trở thành nguồn lực quan trọng nhất của tổ chức, người có tri thức trở thành bộ phận chủ lưu trong xã hội”(3). Kinh tế tri thức không chỉ làm cho tri thức trở thành yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh và sức cạnh tranh của tổ chức, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường hoạt động của tổ chức, nhất là sự thay đổi về cơ cấu ngành nghề và cơ cấu giai tầng xã hội theo hướng lao động có tri thức ngày càng tăng lên. Đối với Đảng Cộng sản cầm quyền cũng như các tổ chức khác, kinh tế tri thức đặt ra những yêu cầu mới về mục tiêu chiến lược, chức năng, hình thức tổ chức và phương thức lãnh đạo, trong đó, nổi bật là hai vấn đề: (i) đổi mới quản lý tri thức trong nội bộ tổ chức Đảng như thế nào để nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng; (ii) đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng như thế nào để phát huy trí tuệ của xã hội vào hoạch định cương lĩnh, đường lối của Đảng cũng như thúc đẩy năng lực phát triển tri thức của toàn xã hội. Có thể nói, phát triển lý luận xây dựng Đảng theo hướng phát huy tốt dân chủ trong Đảng, xây dựng tổ chức Đảng theo mô hình tổ chức Đảng học tập(4) là những vấn đề không thể không quan tâm hiện nay.

Cùng với kinh tế tri thức là một “thời đại thay đổi nhanh chóng” dưới sự tác động đan xen của nhiều nhân tố như thông tin hóa, toàn cầu hóa và dân chủ hóa. Xu thế và đặc trưng của sự thay đổi trong “thời đại thay đổi” chính là sự thay đổi về thể chế, thiết chế cũng như nhấn mạnh sự thay đổi, đổi mới liên tục và không ngừng(5). “Thời đại thay đổi” đặt ra yêu cầu cao hơn đối với lãnh đạo và quản lý sự thay đổi. Đối với Đảng Cộng sản cầm quyền, “thời đại thay đổi” đặt ra yêu cầu cao hơn đối với chức năng “lãnh đạo sự thay đổi” của Đảng, đặt ra yêu cầu xây dựng Đảng cầm quyền theo mô hình Đảng cầm quyền đổi mới (đổi mới về tư duy, lý luận, đổi mới phương thức cầm quyền, đổi mới mô thức hành vi, đổi mới thể chế, đổi mới tác phong và lề lối làm việc...). Vì lẽ đó, làm thế nào để tăng cường năng lực đổi mới của Đảng, làm thế nào để xây dựng tổ chức Đảng theo mô hình tổ chức Đảng đổi mới, lấy đổi mới của tổ chức Đảng thúc đẩy đổi mới của hệ thống chính trị và đổi mới xã hội, làm thế nào để tăng cường năng lực lãnh đạo sự thay đổi của Đảng là những vấn đề đặt ra trong việc bổ sung, phát triển học thuyết Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng hiện nay.

4. Dân chủ hóa chính trị trên thế giới với vấn đề dân chủ hóa Đảng và Đảng lãnh đạo tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam

Một nhân tố khác thuộc về môi trường lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản hiện nay là xu thế dân chủ hóa chính trị mạnh mẽ trên thế giới gắn liền với “làn sóng dân chủ hóa lần thứ ba”. Theo Samuel Huntington, từ thế kỷ XIX đến nay, xã hội loài người đã trải qua ba làn sóng dân chủ hóa về chính trị. Làn sóng dân chủ hóa chính trị đầu tiên được bắt đầu sau Cách mạng tư sản Pháp và Mỹ, làn sóng dân chủ hóa thứ hai bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và làn sóng dân chủ hóa lần thứ ba bắt đầu từ thập niên 70 thế kỷ XX đến nay(6). Theo quan điểm của ông, làn sóng dân chủ hóa lần thứ nhất và lần thứ hai đều không làm cho giá trị dân chủ trở thành xu thế áp đảo trên toàn thế giới. Chỉ trong làn sóng dân chủ hóa thứ ba, điều này mới trở thành hiện thực. Chỉ trong vòng 14 năm từ 1974 đến 1990, đã có gần 30 quốc gia ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ Latinh đã chuyển đổi một cách hòa bình từ chính thể thiếu dân chủ sang chính thể dân chủ. Bên cạnh đó, chí ít có 20 quốc gia thực hiện chính sách “mở” và công khai hóa, khởi động tiến trình cải cách theo hướng dân chủ hóa. Có thể nói, trong làn sóng dân chủ hóa chính trị lần thứ ba, dân chủ thật sự trở thành nhân tố quan trọng cho sự ổn định và tiến bộ của mỗi quốc gia, giá trị dân chủ trở thành giá trị quan trọng được thừa nhận rộng rãi. Bước vào thế kỷ XXI, làn sóng dân chủ hóa chính trị lần thứ ba tiếp tục phát triển với các đặc điểm đáng chú ý là báo chí ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống chính trị và phát huy dân chủ; vai trò của các tổ chức xã hội (hay khu vực thứ ba) trong quản trị quốc gia và trong thực hiện dân chủ ngày càng tăng lên; dân chủ trực tiếp ngày càng được mở rộng; “dân chủ điện tử”, “dân chủ từ xa” dần được áp dụng ở nhiều nơi. Trong bối cảnh dân chủ hóa chính trị trên thế giới và yêu cầu đẩy mạnh dân chủ hóa ở Việt Nam hiện nay thì chúng ta không thể không quan tâm đến việc làm thế nào để phát huy tốt dân chủ trong Đảng, làm cho dân chủ trong Đảng thật sự là tấm gương về dân chủ cho toàn xã hội, làm thế nào để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, làm thế nào để Đảng có đủ năng lực lãnh đạo tiến trình dân chủ hóa... là những vấn đề mới đặt ra trong việc bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Đảng hiện nay.

 5. Kinh tế thị trường và vấn đề củng cố, mở rộng cơ sở xã hội của Đảng cũng như tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân

Trong di sản lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin những vấn đề về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản trong điều kiện xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường chưa được luận giải đầy đủ và sâu sắc. Kinh tế thị trường là mô hình kinh tế mà trong đó thị trường giữ vai trò quyết định trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực phát triển. Ưu điểm của kinh tế thị trường là làm cho việc phân bổ các nguồn lực phát triển trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bất cứ nền kinh tế thị trường nào cũng có “sự thất bại của nó”. Mô hình kinh tế của chúng ta là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó các quy luật của kinh tế thị trường cũng được phát huy đầy đủ. Cục diện mà kinh tế thị trường đem lại và tạo ra không chỉ thể hiện ở cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu sở hữu mà còn kéo theo sự thay đổi to lớn và sâu sắc về cơ cấu xã hội, địa vị kinh tế - xã hội của từng giai tầng, cơ cấu lợi ích xã hội, định hướng giá trị, đạo đức và lối sống. Trong bối cảnh này, những vấn đề đặt ra đối với Đảng và xây dựng Đảng là: (i) làm thế nào để đảm bảo tốt quyền lực và lợi ích kinh tế của nhân dân lao động trong nền kinh tế thị trường; (ii) làm thế nào để hạn chế tối đa quan hệ “giá trị- tiền tệ” len lỏi, thâm nhập vào tổ chức Đảng và khu vực công, cũng như hạn chế tính thực dụng, vị kỷ và lối hành xử “tiền trao cháo múc” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; (iii) làm thế nào để đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thật sự “toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”; (iv) làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, tình trạng “lợi ích nhóm” trong lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và hoạt động của Nhà nước; (v) kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến sự phân hóa về mức sống, địa vị kinh tế - xã hội của các tầng lớp nhân dân, tất yếu dẫn đến sự đa dạng hóa về nhu cầu, lợi ích và định hướng giá trị của xã hội, cũng như kéo theo sự ra đời và phát triển của các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề. Vậy làm thế nào để tăng cường tính đại diện của Đảng cũng như củng cố và mở rộng cơ sở xã hội của Đảng? Làm thế nào để Đảng có thể tương tác hiệu quả với các tổ chức xã hội, qua đó mở rộng ảnh hưởng của Đảng, cũng như củng cố địa vị cầm quyền của Đảng. Đó là những vấn đề lý luận đang được chú ý trong quá trình bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng.

6. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với vấn đề “pháp quyền hóa” hoạt động lãnh đạo và cầm quyền của Đảng hiện nay

Vào thời đại của mình, lý luận của C.Mác và V.I.Lênin về Đảng và xây dựng Đảng chưa đề cập đầy đủ, toàn diện và sâu sắc vấn đề xây dựng Đảng cũng như lãnh đạo và cầm quyền của Đảng trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền. Nội hàm cốt lõi của “pháp quyền” đó là(7): (i) xã hội có một khung khổ “pháp luật tốt”; (ii) sự độc lập của hệ thống tư pháp; (iii) mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bất cứ người nào, bất cứ tổ chức nào đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật; (iv) sự tự do, bình đẳng và quyền công dân đều được tôn trọng và bảo đảm một cách đầy đủ; (v) pháp luật là chuẩn tắc cao nhất trong quản trị quốc gia, tất cả hoạt động của khu vực công đều phải theo pháp luật; (vi) sự tôn trọng và thừa nhận rộng rãi của mọi người đối với pháp luật. Pháp quyền nhấn mạnh hơn sự chế ước có hiệu quả của pháp luật đối với tổ chức công (bao gồm Đảng cầm quyền), nhấn mạnh việc dùng luật để “quản quyền lực”, “quản người” và “quản việc”. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu mới đối với lý luận và thực tiễn về “pháp quyền hóa” hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng theo nguyên tắc “lãnh đạo và cầm quyền theo pháp luật”. Vì vậy, một số vấn đề có liên quan không thể không quan tâm trong quá trình bổ sung, phát triển học thuyết Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng là: (i) hình thành khung khổ pháp luật như thế nào để có luật chế ước, điều chỉnh hoạt động lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tổ chức đảng và đảng viên; (ii) thông qua cơ chế nào để đảm bảo tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật; (iii) làm thế nào để đảm bảo đội ngũ cán bộ của Đảng hoạt động trong khu vực công trung thành và nghiêm túc trong thực thi pháp luật và nếu vi phạm pháp luật thì “phải bị truy cứu và xử lý nghiêm minh theo pháp luật” với phương châm “không có ngoại lệ”, “không có vùng cấm”.

Tóm lại, các nhân tố, quá trình thuộc về môi trường bên ngoài và bên trong tác động đan xen làm cho môi trường lãnh đạo, cầm quyền của Đảng có nhiều thay đổi theo hướng phức tạp hơn, đặt ra nhiều yêu cầu mới cao hơn đối với lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Việc bổ sung, phát triển lý luận Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng thể hiện ở những vấn đề chủ yếu sau: (i) khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là sự thể hiện có tính bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, coi xây dựng Đảng là một trong những vấn đề cốt lõi trong xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; (ii) về bản chất và tính đại diện của Đảng, khẳng định Đảng đại diện cho cho lực lượng sản xuất tiên tiến; đại diện cho nền văn hóa tiên tiến và đại diện cho lợi ích của đông đảo nhân dân Việt Nam? (iii) xây dựng Đảng cầm quyền theo mô hình Đảng cầm quyền học tập, đổi mới và phục vụ; (iv) về phương thức và nguyên tắc cầm quyền là lãnh đạo và cầm quyền thật sự vì dân; lãnh đạo và cầm quyền khoa học; lãnh đạo và cầm quyền theo pháp luật và lãnh đạo, cầm quyền một cách dân chủ.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2020

(1) Ngô Mỹ Hoa (2007): Học thuyết Mác - Lênin về Đảng và xây dựng Đảng, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc.

(2) John Cotter (1997): The New Rules, Free Press.

(3) Peter F.Drucker (1994): Post-capitalist society, HarperBusiness, p.4.

(4) Xây dựng tổ chức theo mô hình tổ chức học tập (learning organization) là một trường phái lý luận được phát triển từ thập niên 70 của thế kỷ XX đến nay gắn liền với tên tuổi của Peter Senge.

(5) Yang Da-hai (2004): Quản lý sự thay đổi, Nxb Đại học Nhân dân Trung Quốc, tr.7-11.

(6) Samuel Huntington (1991): The Third Wave: Democratization in the Late Twentieth Century, University of Oklahoma Press.

(7) Nguyễn Trọng Bình: Hành chính công và quản trị công - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018.

 

PGS, TS Lâm Quốc Tuấn

Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Nguyễn Trọng Bình

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền