Trang chủ    Bài nổi bật    Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân Việt Nam
Thứ tư, 18 Tháng 3 2020 11:27
41562 Lượt xem

Những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Quân đội nhân dân Việt Nam

(LLCT) - Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về quân đội là sự nhận thức, vận dụng, phát triển sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về quân đội vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam, đồng thời thể hiện sự kế thừa, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại. Tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về quân đội được đề cập sâu sắc ở nhiều vấn đề về tính tất yếu, nguồn gốc ra đời, bản chất quân đội; sự thống nhất, biện chứng giữa chính trị và quân sự, giữa con người và vũ khí trong quá trình xây dựng, phát triển Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó chính là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận khoa học để Đảng ta tiếp tục nhận thức, kế thừa, vận dụng hiệu quả vào xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân đội nhân dân là cơ sở, nền tảng thế giới quan, phương pháp luận khoa học định hướng Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình tổ chức, xây dựng và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Tư tưởng đó được thể hiện cụ thể trên những nội dung chủ yếu sau: 

1. Tư tưởng về tính tất yếu và nguồn gốc của Quân đội nhân dân Việt Nam

Sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam không phải là sự ngẫu nhiên trong lịch sử mà là tất yếu khách quan, kết quả của sự vận động có tính quy luật trong đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở Việt Nam. Trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định, để xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng phải xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, từ lực lượng chính trị mà phát triển thành lực lượng quân sự, từ đấu tranh chính trị mà chuyển thành đấu tranh quân sự. Đi sâu vào phân tích bản chất của chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh nhận thấy, bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu mà sức mạnh vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng sức mạnh vật chất. Vì vậy, đối với các dân tộc thuộc địa, muốn chiến thắng kẻ thù hung bạo, không có sự lựa chọn nào khác là phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền.

Hơn nữa, mục tiêu của cuộc cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trong khi đó, bản chất của chủ nghĩa đế quốc, thực dân không bao giờ thay đổi. Cho nên nhiệm vụ đặt ra cho cách mạng Việt Nam là khi giành được chính quyền phải giữ chính quyền, giành được độc lập dân tộc phải luôn cảnh giác để giữ vững nền độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, cho nên quân đội luôn giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Từ những cơ sở đó, bằng tư duy triết học cùng với nhãn quan chính trị của mình, ngay trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Hồ Chí Minh đã xác định: “Tổ chức ra quân đội công nông”(1). Người luôn mang trong mình một niềm tin mãnh liệt: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự. Muốn có lực lượng thì phải có tổ chức. Muốn tổ chức thành công thì phải có kế hoạch, có quyết tâm”(2). Do đó, quân đội ta ra đời phù hợp với quy luật khách quan, xuất phát từ chính nhu cầu, đòi hỏi do thực tiễn đấu tranh cách mạng của quần chúng, là kết quả từ quá trình phát triển của các tổ chức vũ trang của quần chúng. Quá trình ra đời và phát triển của Quân đội đi từ xây dựng các đội du kích, đội tự vệ đến xây dựng đội quân chủ lực luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Tư tưởng về bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam

Trên cơ sở nhận thức, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản vào điều kiện thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh vạch rõ bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam là công cụ bạo lực của một giai cấp, nhà nước nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp, nhà nước: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(3). Tư tưởng đó đã khái quát đầy đủ bản chất của quân đội ta, mang bản chất giai cấp công nhân, thống nhất giữa tính giai cấp, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.

Tính chất giai cấp của quân đội ta: Từ nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất giai cấp của quân đội phụ thuộc vào bản chất của giai cấp, nhà nước sản sinh ra nó. Bản chất giai cấp quân đội ta không tách khỏi vấn đề có tính nguyên tắc đó. Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, chiến đấu vì lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp công nhân, được Đảng tổ chức và xây dựng, chịu sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là đặc trưng cơ bản nhất của quân đội cách mạng. Quân đội nghiêm chỉnh chấp hành sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cao nhất, là nhân tố quyết định sự trưởng thành và sức mạnh chiến đấu, bản lĩnh chính trị của quân đội: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(4). Theo Hồ Chí Minh, đây là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sự trưởng thành và chiến thắng của quân đội, Người không chấp nhận chia sẻ quyền lãnh đạo quân đội cho bất cứ một đảng phái, một lực lượng chính trị nào. Ngay cả khi cách mạng gặp khó khăn, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật năm 1946, Hồ Chí Minh cũng đã ký sắc lệnh công nhận “Vệ quốc quân” là quân đội quốc gia và tuyên bố “Thống nhất các bộ đội võ trang dưới quyền chỉ huy của Chính phủ. Các đảng phái không được có quân đội riêng”(5). Mặt khác, Hồ Chí Minh luôn luôn yêu cầu: “Quân đội phải tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, phải giúp đỡ các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Phải tránh tự kiêu, tự đại, vì lúc thành công thì dễ tự kiêu tự đại, mà đã tự kiêu tự đại là thoái bộ. Bởi vậy, quân đội ta khi thành công càng phải khiêm tốn, chớ có tự kiêu tự đại”(6). Do đó, để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng, thiết lập hệ thống tổ chức đảng trong quân đội từ Quân ủy Trung ương đến các tổ chức đảng cơ sở, lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Ngoài ra, tính giai cấp của quân đội còn được thể hiện ở tư tưởng chủ đạo trong quân đội là chủ nghĩa Mác - Lênin; ở mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; ở nguyên tắc tổ chức, xây dựng quân đội theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; ở chức năng, nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, công tác và lao động sản xuất; ở mối quan hệ đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và đoàn kết quốc tế.

Tính chất nhân dân của quân đội: Xuất phát từ điều kiện thực tiễn của Việt Nam, quân đội ta là một đội quân cách mạng ra đời trong một nước nông nghiệp, thuộc địa nửa phong kiến. Do vậy, thành phần tham gia không chỉ có công nhân mà đa số là con em nông dân mà còn có sự tham gia rộng rãi các tầng lớp nhân dân yêu nước khác. Đồng thời, tính nhân dân của quân đội ta còn được thể hiện ở chính mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của quân đội: “Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nghĩa là con em ruột thịt của nhân dân. Đánh giặc để tranh lại độc lập thống nhất cho Tổ quốc, để bảo vệ tự do hạnh phúc của nhân dân. Ngoài lợi ích của nhân dân, quân đội ta không có lợi ích nào khác”(7). Người còn dặn, quân đội “đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”(8). Bên cạnh đó, tính nhân dân còn được thể hiện trong mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Trong chiến tranh nhân dân, quân đội ta là lực lượng vũ trang nòng cốt phải có trách nhiệm giúp đỡ và cùng với dân quân, du kích đánh giặc. Ngược lại, mọi hoạt động chiến đấu của quân đội đều phải dựa vào nhân dân. Người thường xuyên nhắc nhở bộ đội trong mọi hoàn cảnh phải dựa vào nhân dân, nhân dân là cội nguồn sức mạnh của quân đội: “bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi”(9).

Quân đội ta không chỉ là một quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân mà còn mang tính dân tộc sâu sắc. Quân đội ta ra đời từ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, từ tiền thân là các đội vũ trang của toàn dân tộc - tất yếu mang trong mình tính dân tộc Việt Nam sâu sắc. Người khẳng định: “Quân đội ta là một quân đội anh dũng, đã sinh ra và lớn lên trong cách mạng và kháng chiến. Qua bao năm chiến đấu hy sinh, gian khổ và anh dũng, quân đội ta đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc”(10). Hơn nữa, trong quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến đấu của quân đội, phẩm chất, tinh thần của quân đội ta còn là sự kết tinh, sự biểu hiện tinh hoa truyền thống dân tộc Việt Nam: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng”(11). Tính dân tộc của quân đội ta còn được biểu hiện thông qua các hành động cụ thể, phẩm chất nhân cách của từng cán bộ, chiến sĩ. Trong Điện gửi Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai tháng 9-1967, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Là tinh hoa của dân tộc, các anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam đã nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân, dũng cảm, mưu trí, khiêm tốn, giản dị, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, khó khăn không ngại, gian khổ không sờn, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ cứu nước, góp phần vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc ta”(12).

Như vậy, xuyên suốt tất cả những bài viết, bài nói chuyện và những hoạt động cụ thể Hồ Chí Minh luôn đề cập, quan tâm đến việc xây dựng bản chất cách mạng cho quân đội ta. Sự thống nhất hữu cơ giữa bản chất giai cấp công nhân Việt Nam với tính nhân dân, dân tộc trong Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện ở chỗ tính nhân dân của quân đội ta không hề làm phai nhạt tính chất giai cấp công nhân của quân đội và tính chất giai cấp công nhân không những không mâu thuẫn với tính chất nhân dân của quân đội mà nó chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng quân đội ta thực sự trở thành một quân đội của nhân dân, của toàn dân tộc. Hơn nữa, tính nhân dân còn là một trong những biểu hiện chủ yếu nhất về bản chất giai cấp công nhân của quân đội ta. Chỉ có một quân đội cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân mới là quân đội có tính nhân dân thực sự. Sự thống nhất hữu cơ giữa bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và dân tộc của quân đội ta còn là sự biểu hiện của sự thống nhất về lợi ích, lợi ích của giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích của nhân dân và toàn dân tộc. Chính vì vậy, tư tưởng triết học của Người về quân đội của dân, do dân, vì dân chính là nét độc đáo, đặc sắc, phản ánh đúng đắn về bản chất cách mạng của quân đội ta.

3. Tư tưởng về mối quan hệ biện chứng giữa chính trị và quân sự trong xây dựng, phát triển quân đội

Trên cơ sở quán triệt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng quân đội kiểu mới, nhất là nguyên tắc xây dựng quân đội về chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Hồ Chí Minh đã sớm xác định phải xây dựng quân đội ta vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự”(13). Người còn nhiều lần chỉ rõ, trong xây dựng, chỉnh huấn bộ đội, “phải lấy chính trị làm gốc” vì “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(14). Qua đó, có thể nhận thấy rằng, trong tư duy quân sự Hồ Chí Minh, việc xây dựng lực lượng quân sự phải thấu suốt quan điểm, nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị. Đây là sự thể hiện nhãn quan triết học sâu sắc của Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, thể hiện sự khác nhau về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta so với quân đội của nhiều nước trên thế giới.

Theo Hồ Chí Minh, vấn đề cơ bản, cốt yếu nhất trong xây dựng quân đội về chính trị là xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội. Để xây dựng bản chất giai cấp công nhân cho quân đội, theo Hồ Chí Minh, cần phải tiến hành tích cực, thường xuyên và liên tục công tác chính trị trong quân đội. Bởi, chỉ có thực hiện tốt công tác chính trị mới bảo đảm cho cái gốc chính trị của quân đội được vững chắc, làm cơ sở cho việc xây dựng các mặt khác. Người chỉ rõ: “Trong công việc xây dựng và phát triển quân đội, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”(15). Cùng với đó, Người cũng yêu cầu, phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, đó là yêu cầu quan trọng trong xây dựng quân đội về chính trị: “Phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của binh sĩ, phải coi binh sĩ như anh em ruột thịt của mình”(16).

Trong tư tưởng xây dựng quân đội về chính trị, Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ chính trị. Người cho rằng, cán bộ chính trị là người trực tiếp tiến hành công tác chính trị trong quân đội, đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng quân đội về chính trị và xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện. Vì vậy, ngay khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn chưa thành lập, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Về mặt chính trị, cấp nào cũng có một người chính trị phái viên do đoàn thể cách mạng chọn trong bộ đội ấy hoặc phái người ngoài đến làm”(17). Đồng thời, Người cũng xác định những yêu cầu về phẩm chất, năng lực, tư cách của người chính trị viên một cách rõ ràng, đầy đủ và dễ thực hiện: “Đối với bộ đội, chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”(18).

Coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị không có nghĩa coi thường, xem nhẹ quân sự mà xây dựng quân đội về chính trị là cơ sở, nền tảng, hướng đến nâng cao sức mạnh và hoàn thành nhiệm vụ quân sự. Trong lần về thăm Trường Chính trị trung cấp quân đội (10-1951), Người khẳng định: “Riêng về các chú, chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng”(19). Đánh giặc và đánh thắng giặc là biểu hiện tập trung chính trị của quân đội và là nhiệm vụ chính trị - quân sự cao nhất của quân đội ta với tư cách là lực lượng vũ trang cách mạng. Quân đội sẽ trở nên “vô dụng” nếu không hoàn thành được nhiệm vụ ấy. Do đó, Người căn dặn trong công tác xây dựng và phát triển quân đội phải được tiến hành một cách toàn diện cả chính trị và quân sự: “phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội”(20), chỉ khi nào thực hiện tốt nhiệm vụ này thì “thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị. Những thắng lợi chính trị đó sẽ làm cho ta thắng lợi về quân sự to lớn hơn”(21).

Như vậy, có thể khẳng định rằng, giá trị sâu sắc trong tư tưởng triết học Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa chính trị và quân sự đó là sự vững mạnh về chính trị của quân đội phải được đo bằng sức mạnh quân sự, sức mạnh chiến đấu, ở khả năng “đánh giặc” và hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Đồng thời, sức mạnh quân sự không chỉ được tạo nên bởi các yếu tố vật chất mà còn được tạo nên bởi sự vững mạnh về chính trị, sức mạnh của nhân tố chính trị tinh thần trong quân đội. Những thắng lợi về mặt quân sự không chỉ có ý nghĩa quyết định mà còn góp phần trực tiếp vào thắng lợi trên mặt trận chính trị, phục vụ cho mục đích chính trị.  

4. Tư tưởng về mối quan hệ biện chứng giữa con người và vũ khí trong sức mạnh chiến đấu của quân đội

Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của quân đội là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố như: quân số, tổ chức biên chế, chính trị tinh thần, kỷ luật, số lượng, chất lượng vũ khí trang bị, trình độ huấn luyện thể lực, trình độ khoa học nghệ thuật quân sự, bản lĩnh lãnh đạo, trình độ tổ chức chỉ huy. Trong đó, suy đến cùng, sức mạnh chiến đấu của quân đội được tạo nên bởi hai yếu tố cơ bản đó là con người và vũ khí, trong đó, con người giữ vai trò quyết định, phải được đặt lên hàng đầu. Bởi vì theo Người: “Vũ khí tốt mà tinh thần hèn, thì cũng vô dụng”(22). Một quân đội dù vũ khí trang bị có hiện đại đến đâu chăng nữa nhưng nếu thiếu những con người vững vàng về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, ý chí cách mạng, trình độ tri thức, kỹ năng làm chủ chúng... thì mọi vũ khí hiện đại cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của nhân tố con người, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sĩ hăng hái đánh trận không”(23).

Coi trọng nhân tố con người, trong đó, Hồ Chí Minh xác định xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội là khâu then chốt. Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân đội, ngay khi còn ở nước ngoài, Người đã trực tiếp lựa chọn những chiến sĩ cách mạng dũng cảm, gan dạ, kiên trung, bất khuất gửi đi học tập, đào tạo. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944), Người đã nêu yêu cầu phải chọn lựa “số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất”(24). Đặc biệt, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi người cán bộ của Đảng trong quân đội, lời nói và việc làm phải đi đôi, phải gương mẫu, mẫu mực để quần chúng học tập, noi theo: “Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu”(25). Trong cuộc sống hàng ngày, luôn yêu cầu người cán bộ quân đội phải có tinh thần đoàn kết, có tình đồng chí thương yêu đội viên: “Cán bộ phải thương yêu đội viên. Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên. Chưa làm được như vậy là chưa hết nhiệm vụ”(26).

Đặc biệt đối với người làm tướng, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao: “Là tướng, tướng phải có mưu trí, phải được người ta tin cậy, phải tốt với dân và lính, phải gan góc, phải có thái độ nghiêm trang và kỷ luật tề chỉnh”(27). Đồng thời, nhiệm vụ của người làm tướng là “phải: trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”(28). Theo Hồ Chí Minh: Trí là phải có óc sáng suốt để nhìn mọi việc, để suy xét địch cho đúng. Tín là phải làm cho người ta tin mình, thưởng phạt nghiêm minh, tin vào sức mình, nhưng không phải là tự mãn, tự cao. Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh. Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch hàng ta phải khoan dung. Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc là hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống. Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.

Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc đặt ra những yêu cầu về phẩm chất, năng lực của người cán bộ quân đội, mà còn chỉ rõ cách thức, con đường để hình thành phẩm chất, năng lực đó là “một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”(29).  Tuy vậy, việc bồi dưỡng nâng cao năng lực, giáo dục chính trị, phẩm chất người quân nhân cách mạng chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở từng người chủ động, tự giác: “Nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu” . Vì vậy, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người quân nhân cách mạng phải luôn có thái độ đúng đắn trong giáo dục và tự giáo dục. Khi nói chuyện với các anh hùng quân đội, Người khuyên: “Tuyệt đối chớ tự cao, tự đại, cho mình là giỏi rồi”. Vì như vậy, sẽ cản trở việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực của người quân nhân cách mạng.

Mặc dù, Hồ Chí Minh luôn coi trọng nhân tố con người, song không có nghĩa là tách.ời hay hạ thấp vị trí, vai trò của vũ khí. Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo quan điểm “lực l­ượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất”(30) vào điều kiện cụ thể ở nước ta. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vũ khí trong sức mạnh chiến đấu của quân đội, Người khẳng định: “Đánh giặc, trước hết phải có vũ khí”(31). Nhưng khác với quân đội các nước, họ được trang bị vũ khí hiện đại để tiến hành chiến tranh và phòng vệ thì ở Việt Nam “vũ khí đầu tiên của ta là gậy tầm vông”(32). Do vậy, trong điều kiện đất nước còn nghèo và có chiến tranh, việc bổ sung cho quân đội luôn được xác định là “một nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài”(33). Nhiệm vụ đặt ra cho quân đội là phải luôn nêu cao tinh thần chủ động vượt khó, sáng tạo, tự chủ, tự lực tự cường, tự nghiên cứu, sáng chế để trang bị vũ khí cho mình, với tinh thần: “các vị kỹ sư thì chăm lo phát minh những thứ khí giới mới. Đồng bào thì chăm lo cung cấp các thứ nguyên liệu. Những người vận tải thì chăm lo đưa những nguyên liệu ấy đến các xưởng máy. Anh em công nhân thì chăm lo.èn đúc ra những thứ khí giới mới. Các chiến sĩ chăm lo luyện tập dùng những vũ khí ấy để giết cho nhiều giặc”(34). Như vậy, với nhãn quan triết học sâu sắc của mình, Hồ Chí Minh đã nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa con người và vũ khí trong sức mạnh chiến đấu của quân đội, là cơ sở để dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với tinh thần: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”(35). Mặc dù chỉ bằng những vũ khí, trang bị thô sơ, nhưng chúng được tiếp thêm sức mạnh của cả dân tộc với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “không có gì quý hơn độc lập tự do” đã làm nên những chiến công vô cùng oanh liệt trong thế kỷ XX, khiến kẻ thù đến nay vẫn còn phải nể phục.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận số 12-2019

(1), (13), (24), (27)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.1, 539, 539,  527, 558.

(2), (18), (25), (28), (29)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.370, 484, 236, 594, 332.

(3), (4), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.435, 435, 434.

 (5), (23), (35) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.173, 527, 534.

 (6 ) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.367.

(7), (8), (9), (14), (15), (17), (19), (20), (21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.334, 76, 448, 217, 37, 460, 218, 37, 221, 460.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.460.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.372.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.131.

(26), (34) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.458, 120.

(30) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, tr.580.

(31), (32) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.397, 397.

(33) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.582.

Lê Thế Phong

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền