Trang chủ    Bài nổi bật    Chủ nghĩa quốc tế vô sản của V.I.Lênin
Thứ hai, 27 Tháng 7 2020 12:00
5461 Lượt xem

Chủ nghĩa quốc tế vô sản của V.I.Lênin

(LLCT) - Bên cạnh những đóng góp lớn lao về lý luận nói chung, V.I.Lênin còn có công lớn trong việc phát triển chủ nghĩa quốc tế vô sản trên cả hai phương diện - lý luận và thực tiễn. Quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm thực tiễn là những cách tiếp cận khoa học, khách quan, không thể thay thế, giúp thấu hiểu và đánh giá hết tầm vóc của những di sản mà V.I.Lênin để lại. Với V.I.Lênin, chủ nghĩa quốc tế vô sản không phải là một mệnh đề trừu tượng mà là phong trào và hành động cụ thể của những người vô sản trước hoàn cảnh lịch sử đang biến đổi; là nguồn trợ lực mạnh mẽ cho phong trào giải phóng dân tộc của các nước bị áp bức bởi chủ nghĩa đế quốc; giúp giai cấp vô sản thực hiện sứ mệnh giải phóng toàn nhân loại khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản... Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa hiện nay, quan điểm của V.I.Lênin về chủ nghĩa quốc tế vô sản vẫn còn nguyên giá trị.

Từ khóa: V.I.Lênin, chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa quốc tế vô sản. 

1. Chủ nghĩa quốc tế và Chủ nghĩa quốc tế vô sản

Trong khoa học chính trị, khái niệm “chủ nhĩa quốc tế”/ (Internationalism) dùng để chỉ quan điểm và thực tiễn của sự hợp tác xuyên/liên quốc gia hoặc hợp tác toàn cầu.

Thứ nhất, những người theo quan điểm chủ nghĩa quốc tế cho rằng: loài người có những lợi ích chung vượt qua khuôn khổ về chủng tộc, dân tộc, nhà nước, văn hóa; đơn cử như các lợi ích đến từ việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các giá trị nhân đạo, tính đa dạng văn hóa, sức khỏe cộng đồng, xóa đói nghèo, chống bất bình đẳng giới... Bởi vậy, sự hợp tác vượt qua những ranh giới nói trên để thực hiện những lợi ích chung là một xu hướng phát triển tất yếu của nhân loại; chỉ có điều nó đến sớm hay muộn mà thôi.

Thứ hai, họ cũng cho rằng: hợp tác tạo ra sức mạnh và lợi ích nhiều hơn so với những gì xung đột mang lại. Điều này đã được chứng thực bởi trạng thái của các xã hội nằm trong lòng nhà nước - dân tộc (nation-state): các xã hội có liên kết ổn định, hòa bình luôn tốt hơn các xã hội xung đột và chiến tranh. Tuy nhiên, sự liên kết và hợp tác như vậy lại chưa được áp dụng thỏa đáng trong môi trường quan hệ quốc tế truyền thống. Cho đến nay, quan hệ giữa các nhà nước - dân tộc về cơ bản vẫn mang nặng sắc thái “vô chính phủ”, “tự lực” và “cạnh tranh”…Ý tưởng này của chủ nghĩa quốc tế đã đặt nền móng cho sự hình thành Quốc Hội Liên (trước đó) và Liên Hợp quốc (hiện nay).

Trong kỷ nguyên thông tin và toàn cầu hóa, chủ nghĩa quốc tế hiện đang có được nền tảng hiện thực để bám rễ và phát triển. Chúng ta đang đối mặt với một thực tế là: bên cạnh những tương tác giữa các nhà nước, quan hệ quốc tế còn được cấu thành từ mạng lưới quan hệ và trao đổi hoạt động của các chủ thể xuyên quốc gia, các chủ thể phi nhà nước (nonstate actors) đến từ hai khu vực: dân sự và thị trường.

Những người đặt nền móng cho chủ nghĩa quốc tế có thể kể đến như I. Kant với phương án “hòa bình vĩnh viễn” (Chủ nghĩa thế giới/ Cosmopolitanism - mô hình nhà nước thế giới) hay mô hình xã hội toàn cầu của những người theo chủ nghĩa xã hội không tưởng...

Tuy nhiên, chỉ đến C.Mác, chủ nghĩa quốc tế mới thật sự phát triển lên một cấp độ mới về chất. Bởi đây là mô hình không dựa vào “nhà nước - dân tộc”, không lấy “nhà nước - dân tộc” làm trung tâm và làm đơn vị của hệ thống - như đã từng có trước đây. Thay vào đó, Ông coi giai cấp vô sản là một chủ thể quan hệ quốc tế cơ bản. Mạng lưới liên kết xuyên quốc gia của những người công nhân sẽ tạo ra sức mạnh để xóa bỏ hệ thống quan hệ quốc tế đương thời vốn lấy nhà nước - dân tộc làm trung tâm. Mệnh đề “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại” trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trở thành khẩu hiệu của Quốc tế cộng sản I do C.Mác sáng lập. Trong chủ nghĩa quốc tế vô sản của C.Mác, đã không có chỗ cho các nhà nước - dân tộc.

Bất chấp sự khác biệt về quốc gia, chủng tộc hay văn hóa, giai cấp công nhân ở tất cả các nước đều có lợi ích giống nhau. Họ (giai cấp công nhân) đại diện cho lực lượng sản xuất tiến bộ, có tính xã hội hóa cao, vượt ra khỏi khuôn khổ nhỏ hẹp được vạch ra bởi các đường biên giới quốc gia, và do đó, họ đối lập với bên kia là giai cấp tư sản - những người đại diện cho quan hệ sản xuất dựa trên tư hữu và được hậu thuẫn bởi nhà nước - dân tộc.

Đây là cơ sở khách quan để giai cấp vô sản có được chủ nghĩa quốc tế đích thực; điều mà giai cấp tư sản không thể có, bởi tính quy định cố hữu của giai cấp tư sản là “tư hữu” mà không phải là “xã hội”.

Cũng theo lôgic trên, để cuộc cách mạng vô sản thành công, đòi hỏi phải có sự phối hợp quốc tế (toàn thế giới) của những người công nhân. Cách mạng vô sản không thể nổ ra ở một nước mà phải diễn ra đồng loạt trong sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau trên toàn thế giới. Ý tưởng này đã thúc đẩy C.Mác khởi xướng một cơ chế phối hợp hành động cho giai cấp vô sản của các nước trên thế giới - đó chính là Quốc tế Cộng sản I.

Như vậy, có thể thấy quan niệm của C.Mác về chủ nghĩa quốc tế khác hẳn với các lý thuyết về quan hệ quốc tế lấy nhà nước - dân tộc làm trung tâm. Về thực chất nó là lý thuyết nhằm xóa bỏ hệ thống này để thay vào đó là trao quyền lực cho mạng lưới xuyên quốc gia của giai cấp vô sản nhằm thực hiện một sứ mệnh cao cả là xóa bỏ mọi chế độ người bóc lột người, xóa bỏ giai cấp, và dĩ nhiên là xóa bỏ luôn công cụ trấn áp của giai cấp thống trị dưới hình thái nhà nước.

2.  V.I.Lênin phát triển Chủ nghĩa quốc tế vô sản

Phát triển học thuyết Mác và đưa nó vào thực tiễn là những đóng góp vĩ đại của V.I.Lênin cho phong trào cộng sản thế giới.

Sẽ là phiến diện nếu xem xét chủ nghĩa quốc tế vô sản ở V.I.Lênin tách khỏi  bối cảnh lịch sử của 3 thập niên đầu thế kỷ XX. Đây là giai đoạn được đánh dấu bởi những sự kiện làm rung chuyển thế giới như: Chiến tranh thế giới thứ I, Cách mạng Tháng Mười Nga, sự hình thành và phát triển nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới.

Ở đây quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm thực tiễn là những cách tiếp cận khoa học, khách quan, thích hợp và không thể thay thế, giúp chúng ta thấu hiểu và đánh giá hết tầm vóc của những di sản mà V.I.Lênin để lại.

Có thể thấy rằng, liên quan đến chủ nghĩa quốc tế vô sản, tất cả những luận điểm đã và đang tấn công V.I.Lênin nhân danh “bên trong” cũng như “bên ngoài” đều thiếu vắng chính là  những nhãn quan khoa học đặc biệt quan trọng này.

V.I.Lênin đã nghiên cứu và phân tích một cách thực chứng hiện thực tư bản chủ nghĩa lúc bấy giờ và chỉ ra rằng: chủ nghĩa tư bản đã phát triển đến hình thái tột cùng của nó là chủ nghĩa đế quốc.

Chủ nghĩa đế quốc là kết quả của sự tập trung tư bản cao độ dẫn đến độc quyền. Hình thái tư bản này thống trị toàn bộ thị trường nội địa, cố kết và dung nhập lợi ích của giai cấp tư sản với nhà nước (nation-state). Tình trạng độc quyền khiến tư bản không thể gia tăng lợi nhuận bằng cách mở rộng hơn nữa thị trường nội địa hoặc bằng cách cắt giảm cạnh tranh - mà phải bung ra khỏi khuôn khổ biên giới của nhà nước - dân tộc để tìm kiếm nguồn lợi nhuận mới.

 Chiến tranh thế giới thứ I chính là hệ quả tất yếu của sự phát triển nói trên. Đây là cuộc chiến phân chia lại thế giới, tranh giành thị trường, thuộc địa và không gian ảnh hưởng của các tư bản độc tài; là cuộc chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc. Bởi vậy, giai cấp công nhân cần hiểu đúng và cần phải chống lại cuộc chiến này (phản chiến) thay vì ủng hộ các nhà nước - dân tộc của mình theo truyền thống của chủ nghĩa yêu nước. Những nỗ lực phản chiến của giai cấp công nhân đối với chính phủ ở đất nước của họ - chính là lối thoát cho một nền hòa bình tại châu Âu. Trong Nghị quyết của Quốc tế Cộng sản II năm 1907 tại Suttgart, V.I.Lênin đã kêu gọi giai cấp vô sản hướng đến cuộc cách mạng trong nước để lật đổ các chính phủ của họ.

Ở đây, quan điểm quốc tế vô sản của V.I.Lênin đã thể hiện rất rõ: Những người vô sản cần vượt thoát khỏi khuôn khổ lợi ích nhỏ hẹp của nhà nước - dân tộc để đi đến những lợi ích rộng mở, lâu dài và mang tính toàn cầu. Cũng cần lưu ý rằng, đối với V.I.Lênin, trong tình huống nói trên, chủ nghĩa quốc tế vô sản được hiểu không phải với tư cách một mệnh đề trừu tượng mà là một phong trào và hành động cụ thể của những người vô sản nhằm ứng phó với hoàn cảnh lịch sử đang biến đổi nhanh chóng. 

Trong nhiều tác phẩm, đặc biệt là tác phẩm “Chủ nghĩa đế quốc  giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”, V.I.Lênin đã chỉ ra rằng, những người cộng sản đang đứng trước một bước ngoặt lớn liên quan đến tình thế cách mạng; đó là việc tồn tại cái khả năng nổ ra cách mạng vô sản ở một nước yếu kém nằm trong chuỗi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc. Để chứng minh luận điểm quan trọng nói trên, về mặt lý luận, V.I.Lênin đã luận chứng dựa vào sức mạnh của chủ nghĩa quốc tế vô sản, và về mặt thực tiễn - bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại.

Liên quan đến khía cạnh đầu tiên, V.I.Lênin chỉ ra rằng, mâu thuẫn giai cấp trong trong lòng các đế quốc lúc bấy giờ đã đạt đến tình huống cách mạng; và bởi vậy, việc nổ ra cuộc cách mạng ở một nước trong số đó là điều hoàn toàn có thể vì nó nhận được xung lực cách mạng từ những nước khác. Đó cũng chính là biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa quốc tế vô sản. Nếu thiếu đi chủ nghĩa quốc tế vô sản xét từ phương diện đó, cũng sẽ không có bất cứ cuộc cách mạng vô sản nào. Còn những gì liên quan đến khía cạnh thứ hai thì đã được cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga chứng thực đầy đủ.

Không chỉ thấm sâu vào lý luận, chủ nghĩa quốc tế vô sản còn dẫn dắt các chính sách xây dựng và bảo vệ nhà nước vô sản đầu tiên trên thế giới tại Nga. V.I.Lênin nhiều lần khẳng định: Nhà nước hậu cách mạng ở Nga chỉ có thể trụ vững khi có sự ủng hộ của các phong trào công nhân ở các nước châu Âu - sự hậu thuẫn và phối hợp giữa giai cấp vô sản Nga và vô sản châu Âu là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của chính quyền Xôviết non trẻ.

Chính quyền Xôviết đã gắn chặt lợi ích của mình với phong trào cách mạng  thế giới theo hai tuyến tương hỗ: sự tồn tại bước đầu của nó (chính quyền Xô viết) cần đến sự hậu thuẫn quốc tế của giai cấp vô sản; đến lượt mình, nó là cơ sở và chỗ dựa cho sự phát triển cách mạng vô sản toàn thế giới. Đây quả là một thí dụ điển hình về “biện chứng của cái bộ phận và cái toàn thể”.

Một điểm quan trọng nữa trong đóng góp của V.I.Lênin chính là việc tạo cho chủ nghĩa quốc tế vô sản khả năng dung hợp và tương hỗ sức mạnh của giai cấp vô sản với sức mạnh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chủ nghĩa quốc tế vô sản không chỉ đơn thuần là mạng kết nối sức mạnh giai cấp ở cấp độ toàn cầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, mà còn là nguồn trợ lực mạnh mẽ cho phong trào giải phóng của những dân tộc bị áp bức bởi chủ nghĩa đế quốc. Theo đó, chủ nghĩa quốc tế vô sản được hình dung như địa bàn giúp giai cấp công nhân tích lũy sức mạnh từ nhiều nguồn để tiến đến cuộc cách mạng giải phóng toàn nhân loại, đồng thời “xóa bỏ chính bản thân mình với tư cách là một giai cấp”.

Bởi vậy, có thể hiểu được vì sao việc đề cao tinh thần quốc tế vô sản ở V.I.Lênin lại không loại bỏ đi vấn đề dân tộc (nation). Ở đây tuyệt nhiên không tồn tại “trò chơi tổng bằng không” theo nghĩa là: quốc tế vô sản loại trừ dân tộc; đã có cái này thì không có cái kia - như một số học giả phương Tây nhận định. Với V.I.Lênin, khái niệm “nhà nước”/state và khái niệm “dân tộc”/nation là rất rạch ròi. Không phải bằng ba câu sáu điều mà “nhà nước” biến thành “dân tộc” và “dân tộc” biến thành “nhà nước” thông qua một khái niệm trung gian mập mờ là “quốc gia”. Cái mà chủ nghĩa quốc tế vô sản hướng đến không phải là xóa bỏ “dân tộc” mà là “nhà nước”: với C.Mác đó là “nhà nước” nói chung  - xét từ quá trình lịch sử- tự nhiên; với V.I.Lênin - là “nhà nước tư sản” - xét từ quan điểm lịch sử cụ thể.

V.I.Lênin đặt niềm tin vào sứ mệnh của chủ nghĩa quốc tế vô sản nhưng ông cũng nhìn thấy khát vọng của của các dân tộc bị áp bức muốn độc lập tự do. Ông cũng là người ủng hộ mạnh mẽ cho quyền tự quyết dân tộc. Ông cho rằng, một chủ nghĩa quốc tế đúng đắn là chủ nghĩa quốc tế ủng hộ quyền tự quyết dân tộc.

Đây cũng là sự phát triển tiếp tục quan điểm của C.Mác về chủ nghĩa quốc tế vô sản. Nhưng lần này, V.I.Lênin đã lấy xung lực từ thực tiễn nước Nga đa dân tộc thời kỳ hậu cách mạng vô sản. Quan điểm đối với việc xây dựng nhà nước XHCN đầu tiên của V.I.Lênin là: Nếu liên bang được hình thành bằng cách bác quyền tự quyết dân tộc thì cũng chẳng khác gì chuyện một dân tộc này thống trị dân tộc khác. Quan hệ kiểu như vậy về thực chất không khác gì chủ nghĩa đế quốc. Bởi vậy, Tuyên bố hòa bình được thảo ngay sau khi cách mạng thành công, đã kêu gọi một nền hòa bình công bằng/dân chủ; một nền hòa bình ngay lập tức không phải chờ đợi; không cần đất đai chiếm đoạt; không cưỡng bức sáp nhập. Một văn kiện khác là Tuyên bố về quyền của Nhân dân Nga do chính quyền Xôviết soạn thảo sau cách mạng cũng ghi rõ quyền của nhân dân tách ra và xây dựng nhà nước riêng (Tuyên bố được đăng trên Báo Sự thật, ngày 16-11-1917). Và Liên bang Xô viết đã ra đời theo tinh thần đó.

Sau khi thành lập, nhà nước Xôviết đã gia nhập hệ thống quan hệ quốc tế với tư cách một “nhà nước - dân tộc” thành viên trong hệ thống quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệp ước và thỏa thuận với các quốc gia khác, V.I.Lênin và những người bônsêvich vẫn không ngừng quan tâm bồi đắp chủ nghĩa quốc tế vô sản, hỗ trợ cho phong trào vô sản trong tiến trình hướng đến cách mạng toàn thế giới.

Nhu cầu thực tiễn hóa các yêu cầu của chủ nghĩa quốc tế vô sản trong tình hình đã xuất hiện nhà nước vô sản đầu tiên - dẫn đến sự kiện thành lập Quốc tế Cộng sản III dưới sự dẫn dắt của V.I.Lênin. Tổ chức này nhóm họp lần đầu vào tháng 3-1919, thay thế cho những tổ chức quốc tế trước đó vốn bị chi phối bởi những người theo tư tưởng cải cách và tư tưởng Quốc Hội Liên (tiền thân của Liên Hợp quốc). Trong thời gian tồn tại, Quốc tế Cộng sản III đã hậu thuẫn mạnh mẽ phong trào cách mạng tại Pháp, Đức, Hung, Ý...

Trôtsky đã chỉ trích Quốc tế Cộng sản III khi cho rằng, luận điểm “chủ nghĩa xã hội thành công trong một nước” đã làm cho tổ chức này dường như đánh mất đi mục tiêu “cách mạng vô sản toàn thế giới” để thay vào đó là một đường lối giống như “chính sách đối ngoại quốc gia” nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước Xôviết.

Liên quan đến phê phán này, V.I.Lênin đã chỉ ra sai lầm của Trôtsky trong giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa cái bộ phận và cái toàn thể; giữa quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển - trong lý luận về chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đối với V.I.Lênin, mục tiêu đi đến thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa quốc tế vô sản là không bao giờ thay đổi. Ông viết:

“Chúng ta hoàn toàn đứng trên cơ sở lý luận của Mác: lý luận đó là lý luận lần đầu tiên đã biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học; lý luận đó đã dựng lên những cơ sở vững chắc cho khoa học ấy và vạch rõ con đường mà chúng ta cần phải theo, để phát triển khoa học đó thêm nữa và phát huy nó với đầy đủ chi tiết. Lý luận của Mác đã bóc trần bản chất nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại, bằng cách giải thích cho chúng ta thấy rõ việc thuê mướn công nhân, việc mua sức lao động đã che đậy như thế nào cho việc nô dịch của một nhúm những tên tư bản, địa chủ, chủ xưởng, chủ mỏ, v.v., đối với hàng triệu người tay trắng. Lý luận đó chỉ rõ toàn bộ sự phát triển của chủ nghĩa tư bản có xu hướng làm cho sản xuất lớn gạt bỏ sản xuất nhỏ như thế nào và đã tạo ra như thế nào những điều kiện khiến có thể và cần phải tổ chức xã hội theo phương thức xã hội chủ nghĩa. Lý luận đó dạy ta nhận rõ rằng đằng sau những tập quán đã ăn sâu, những âm mưu chính trị, những luật lệ tinh vi và những học thuyết lắt léo, là cuộc đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh giữa tất cả các loại giai cấp hữu sản chống quần chúng không có tài sản, chống giai cấp vô sản, giai cấp dẫn đầu tất cả những người không có tài sản. Lý luận đó đã chỉ rõ nhiệm vụ thật sự của một đảng xã hội chủ nghĩa cách mạng không phải là đặt ra những kế hoạch cải tạo xã hội, không phải là khuyên nhủ bọn tư bản và tôi tớ của chúng cải thiện đời sống cho công nhân, không phải là sắp đặt những cuộc âm mưu, mà là tổ chức cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản và lãnh đạo cuộc đấu tranh đó mà mục đích cuối cùng là giai cấp vô sản giành lấy chính quyền và tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa”(1).

Hơn một thế kỷ đã đi qua kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nhiều biến cố xuất hiện: hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Liên Xô giải thể, nhiều phong trào cánh tả phát triển không có mục tiêu rõ ràng, tổ chức lỏng lẻo...Tình hình đó đang làm dấy lên những đánh giá lại đối với học thuyết Mác - Lênin từ nhiều phương diện: bên trong cũng như bên ngoài, với những ý kiến trái ngược nhau.

Bất chấp những nghị luận dài dòng, có một điều không thể phủ nhận, đó là thực tiễn. Việc cách mạng vô sản thành công ở một nước là một thực tiễn; chủ nghĩa xã hội là một thực tiễn; chủ nghĩa quốc tế vô sản đã giúp đỡ thành công phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa - đó cũng là một thực tiễn. “Thực tiễn là thước đo chân lý”.

Nhân loại đã chứng kiến tất cả những sự thật đó và cũng chứng kiến những đổi thay của chúng. “Không có chân lý trừu tượng; chân lý luôn cụ thể” (C.Mác).

Và như vậy thì những dòng dưới đây của V.I.Lênin hẳn còn nguyên giá trị để chúng ta suy ngẫm:

“Không chú ý đến những điều kiện đã thay đổi từ đó đến nay, cứ giữ mãi cách giải quyết cũ của chủ nghĩa Mác, như thế tức là trung thành với từng câu chữ của học thuyết chứ không trung thành với tinh thần của học thuyết; như thế tức là lặp lại thuộc lòng những kết luận trước kia, chứ không biết vận dụng phương pháp nghiên cứu mác-xít để phân tích tình hình chính trị mới”(2) .

“Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”(3).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2020

(1), (3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.4. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.230-231.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.7. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.291.

PGS, TS Phạm Thái Việt

Học viện Ngoại giao

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền