Trang chủ    Bài nổi bật    Thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ở An Giang - Thực trạng và giải pháp
Thứ tư, 16 Tháng 12 2020 10:26
2167 Lượt xem

Thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ở An Giang - Thực trạng và giải pháp

(LLCT) - Thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra, Đảng bộ tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã một cách bài bản - thí điểm, tổng kết, nhân rộng, đạt được kết quả rất tích cực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng. Bài viết tập trung làm rõ ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và xác định một số giải pháp tiếp tục thực hiện, duy trì bền vững mô hình  ở An Giang.

Từ khóa: phương thức lãnh đạo, bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, An Giang.

1. Quá trình thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ở An Giang

Trong thời kỳ đổi mới, thực hiện nghiêm túc chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, qua mỗi kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh An Giang luôn quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phương thức lãnh đạo. Năm 2002, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 24-6-2002 về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, chủ trương “từng bước thực hiện mô hình bí thư kiêm chủ tịch UBND cấp xã”. Tuy nhiên, việc duy trì mô hình thí điểm ở các xã, phường, thị trấn gặp nhiều khó khăn về cơ chế quản lý, điều hành, chính sách tiền lương, phụ cấp trách nhiệm, nguồn cán bộ thiếu ổn định... đến cuối năm 2009, chỉ còn 5 xã thực hiện mô hình.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X, Bộ Chính trị ra Thông báo số 223-TB/TW ngày 24-2-2009 về thực hiện thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã (từ “kiêm” chuyển thành “đồng thời”, một cá nhân đồng thời đảm nhận chức vụ bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND cấp xã). Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW ngày 6-3-2009 triển khai thực hiện trong toàn Đảng. Thông báo của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ: ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thí điểm từ 2% đến 3% tổng số xã, phường, thị trấn.

Lúc bấy giờ ở An Giang, việc thí điểm bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã được duy trì, đến đầu năm 2013, tăng lên 16/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình (chiếm 10,25%).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó nêu rõ: “Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã đối với những nơi có đủ điều kiện”(1). Thực hiện Kết luận số 64-KL/TW, sau khi tiến hành rút kinh nghiệm thí điểm mô hình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Kế hoạch số 07-KH/TU ngày 20-6-2016 về xây dựng Đề án của Tỉnh uỷ về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là “nhân rộng mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã”(2). Sự thay đổi chủ trương của Tỉnh ủy từ “thí điểm” sang “nhân rộng” là một quyết định thể hiện quyết tâm chính trị cao của tập thể Đảng bộ tỉnh An Giang.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó nêu rõ: “Thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện”(3).

Sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW, Tỉnh ban hành Chương trình hành động số 19-Ctr/TU ngày 19-4-2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó xác định nhiệm vụ với lộ trình thực hiện cụ thể: “Nhân rộng mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt từ 60% trở lên, trong đó, mỗi huyện phải đạt ít nhất 50%; đến hết năm 2020, toàn Tỉnh có 156/156 đơn vị thực hiện (đạt 100%)”(4).

Thực hiện Nghị quyết Trung ương, Chương trình hành động và Đề án của Tỉnh, các huyện, thị, thành đã xây dựng kế hoạch, đề án triển khai thực hiện nhân rộng mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã. Các kế hoạch, đề án đề ra lộ trình, phương án bố trí, sắp xếp cán bộ cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương, cơ sở.

Các cấp ủy tập trung làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, sự đồng tình của nhân dân; quan tâm đúng mức đến lợi ích, nhất là chế độ, chính sách cho cán bộ kiêm nhiệm và cán bộ dôi dư sau khi sắp xếp; đề cao tính nêu gương, tính tiên phong, tạo sự lan tỏa tích cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Đến cuối năm 2017, có 44/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã (chiếm 28,2%). Trong đó, huyện Châu Phú có 13/13 đơn vị cấp xã (100%) thực hiện mô hình này.

Năm 2018, Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo thực hiện và rút kinh nghiệm ở những địa phương thực hiện có hiệu quả để nhân rộng mô hình nên số đơn vị thực hiện mô hình này tăng gần gấp đôi so với năm 2017 với 82/156 đơn vị cấp xã (chiếm 52,56%). Trong đó, thành phố Long Xuyên có 13/13 đơn vị cấp xã (100%) thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND xã.

Đến tháng 6-2020, toàn tỉnh có 147/156 đơn vị cấp xã thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã (đạt 94,23%).

Bảng 1: Bảng tổng hợp thực hiện mô hình “bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã” ở tỉnh An Giang (tính đến tháng 6-2020)

2. Ưu điểm, hạn chế, bài học kinh nghiệm của việc thực hiện mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã ở An Giang

Ưu điểm:

Việc triển khai thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã là chủ trương phù hợp thực tiễn, được sự thống nhất và đồng tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, góp phần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức bộ máy gọn nhẹ, thuận tiện trong lãnh đạo, điều hành, giảm thời gian họp, nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước vào cuộc sống.

Hoạt động lãnh đạo, điều hành và giải quyết công việc ở địa phương, cơ sở đã phát huy hiệu quả tích cực. Việc chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở kịp thời hơn trước nhờ khắc phục được tình trạng trông chờ, ỷ lại; giảm các cuộc họp, báo cáo, xin ý kiến qua khâu trung gian; khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, thiếu thống nhất, thậm chí thiếu đoàn kết giữa bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND cấp xã(5).

Vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy được thể hiện rõ. Tinh thần trách nhiệm, tính tích cực của cán bộ (bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, các phó bí thư) được phát huy trong việc nắm bắt tình hình ở cơ sở, nhờ đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và đề ra chủ trương, nghị quyết sát hợp thực tiễn; công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nhịp nhàng, đồng bộ và hiệu quả hơn so với trước đây; khắc phục được tình trạng nghị quyết thì đúng, hay nhưng chậm đi vào cuộc sống. Qua đó, phương thức, năng lực lãnh đạo của cấp ủy được đổi mới, tăng cường, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết những vấn đề bức xúc tại địa phương, cơ sở. Đây thực sự là một phương thức hữu hiệu để rèn luyện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ... góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương, cơ sở.

Hạn chế và nguyên nhân:

Hiện nay, chưa có hướng dẫn chính thức quy chế làm việc của bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, các địa phương phải tự nghiên cứu, xây dựng quy chế, chưa có sự thống nhất trong toàn tỉnh.

Hiệu quả công tác giám sát của HĐND đối với UBND cấp xã còn hạn chế, vì bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND, trong khi chủ tịch HĐND là phó bí thư cấp ủy.

Bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã do công việc nhiều, quyền lực tập trung nên yêu cầu phải chọn người vừa có năng lực vừa có đạo đức (cả hai mặt công tác Đảng và chính quyền phải đáp ứng yêu cầu công việc; phải năng động, sáng tạo; có khả năng chịu áp lực công việc cao, đoàn kết nội bộ tốt...) mới có thể điều hành công việc thông suốt, hiệu quả; ngược lại sẽ dẫn đến tình trạng độc đoán, chuyên quyền, dẫn đến mất dân chủ; hoặc không đảm đương được vai trò lãnh đạo, quản lý(6).

Chế độ phụ cấp cho những cán bộ thực hiện mô hình chưa phù hợp và tương xứng với công việc được phân công. Theo quy định hiện hành thì bí thư, chủ tịch UBND xã được hưởng 50% của hệ số 2,35 với điều kiện “giảm được 1 người trong số lượng quy định tối đa”(7), điều kiện này bắt buộc số lượng cán bộ, công chức cấp xã loại 1 phải ít hơn 23 người; xã loại 2 phải ít hơn 21 người. Thực tế trên 90% các xã ở tỉnh An Giang chưa đáp ứng được. Do vậy, dù có quy định phụ cấp bí thư, chủ tịch được tăng lên 50% so trước đây là 20% nhưng đa số các xã đều không thực hiện được.

Kinh nghiệm:

Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong Đảng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, gần gũi và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, qua đó tranh thủ sự ủng hộ và đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhân rộng mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã.

Nắm vững và thực hiện đúng các quan điểm, nguyên tắc và nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, để tổ chức thực hiện mô hình sát thực tế và phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương, cơ sở với lộ trình, bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn quá lớn tại địa phương, cơ sở. Chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, nhân rộng mô hình.

Kết hợp việc sắp xếp tổ chức bộ máy với công tác cán bộ như: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, đề bạt, giải quyết chính sách cán bộ... đúng quy định, công khai, dân chủ và phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở, nơi triển khai thực hiện mô hình. Mạnh dạn phân công, bố trí công tác và theo dõi, giúp đỡ để nâng cao năng lực và bản lĩnh cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn nhưng chưa được rèn luyện qua thực tiễn công tác.

Cấp ủy, người đứng đầu các cấp phải gương mẫu, thật sự coi trọng việc đổi mới lề lối làm việc, nói đi đôi với làm và làm phải có trách nhiệm. Tạo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ và ra nhân dân. Phải thật sự phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm tập thể và vai trò cá nhân.

3. Một số giải pháp tiếp tục thực hiện, duy trì bền vững mô hình

Thứ nhất, đề xuất Trung ương sớm ban hành hướng dẫn khung quy chế làm việc của cấp ủy theo mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp. Từng bước hoàn thiện pháp luật về chính quyền địa phương, làm rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế kiểm soát quyền lực của bí thư đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp. Xem xét giải pháp khả thi nâng phụ cấp đối với bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã cho tương xứng với nhiệm vụ được phân công.

Trong khi chờ quy định của Trung ương, trên cơ sở khung quy chế làm việc của cấp ủy do Trung ương quy định, các cấp ủy cần điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới quy chế làm việc của cấp ủy cho phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy ở những nơi thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã theo hướng vận dụng Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm giúp cán bộ thực hiện tốt đồng thời 2 nhiệm vụ bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng lạm quyền.

Thứ hai, trên cơ sở kết quả tích cực thời gian qua (147/156 xã, đạt 94,23%), cần tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhằm tiếp tục tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội; cấp ủy địa phương quan tâm hơn nữa công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức đảm bảo tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức..., xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp đạt chuẩn theo quy định, nhằm mục tiêu thực hiện đạt 100% theo kế hoạch và duy trì bền vững mô hình.

Thứ ba, để kịp thời nâng cao năng lực cho bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt đồng thời 2 nhiệm vụ, các cấp ủy cần phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 103-KH/TU ngày 25-2-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2020, trong đó giao Trường Chính trị Tôn Đức Thắng mở 2 lớp bồi dưỡng bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã(8). Thông qua các lớp bồi dưỡng này góp phần nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động của bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp xã, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị đang đặt ra trong tình hình mới.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020*

Bài viết này là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng công tác bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã”, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, An Giang.

(1) Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI): Kết luận số 64-KL/TW ngày 28-5-2013 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, tr.6.

(2) Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 20-6-2016 về xây dựng Đề án của Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, tr.2.

(3) Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XII): Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tr.8.

(4) Tỉnh ủy An Giang: Chương trình hành động số 19-Ctr/TU ngày 19-4-2018 thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương, tr.5.

(5), (6) Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang: Báo cáo số 253-BC/TU ngày 22-4-2019 về kết quả triển khai thực hiện mô hình thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, tr.3, 4-5.

(7) Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019, sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, tr.12.

(8) Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang: Kế hoạch 103-KH/TU ngày 25-2-2020 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2020, tr.3.

TS Hồ Ngọc Trường

ThS Nguyễn Thành Nhân

Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền