Trang chủ    Bài nổi bật    Cuộc chiến tư tưởng về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu ở một số nước phương Tây
Thứ năm, 09 Tháng 6 2022 09:48
1270 Lượt xem

Cuộc chiến tư tưởng về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu ở một số nước phương Tây

(LLCT) - Đấu tranh nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, là mặt trận mới trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, các phong trào cánh tả trên thế giới hiện nay. Đây là nhiệm vụ quan trọng của những người XHCN trên con đường đi tới CNXH trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu của những người cánh tả nói chung và những người XHCN nói riêng ở các nước phương Tây luôn vấp phải sự chống đối của các thế lực đối lập, nhất là các thế lực có xu hướng cực hữu trong giai cấp tư sản.

Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế (IMCWP) lần thứ 21 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ (năm 2019) thảo luận nhiều vấn đề trong đó có chống biến đổi khí hậu - Ảnh: vnanet.vn

Trước những vấn đề toàn cầu cấp bách đe dọa tới sự sống còn của toàn nhân loại, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và nhân loại tiến bộ đã, đang và sẽ không ngừng đấu tranh, tìm kiếm những con đường, giải pháp đúng đắn nhất để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Trong đó, nổi bật nhất hiện nay là các phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Các phong trào này nổ ra khắp nơi trên thế giới thông qua nhiều hình thức khác nhau, từ mít tinh, biểu tình, đấu tranh nghị trường đến việc tổ chức các diễn đàn nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia chống biến đổi khí hậu toàn cầu. 

1. Phong trào cánh tả đấu tranh chống biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay

Phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu của những người XHCN dân chủ Mỹ

Tại Mỹ, lực lượng cánh tả đang lên và thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng Mỹ hiện nay là tổ chức “Những người xã hội chủ nghĩa dân chủ Mỹ” (Democratic Socialists of America), “với trên 92.000 thành viên và có chi nhánh hoạt động ở 50 bang”(1). Một trong những ưu tiên chiến lược của tổ chức này là đấu tranh cho dự luật mới về môi trường ở Mỹ có tên là “Green New Deal” (Chính sách tăng trưởng xanh mới), do Nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Niu Oóc Alexandria Ocasio-Cortez đề xuất vào tháng 02 năm 2019. Nội dung của dự luật nhằm bảo vệ sự công bằng cho các lực lượng yếu thế và bảo vệ môi trường sống chung của nhân loại.

Một trong những lý do của tổ chức này đưa ra khi đấu tranh cho dự luật trên là: “Chúng tôi cần chính sách tăng trưởng xanh mới. Chúng tôi yêu cầu chính sách tăng trưởng xanh mới và chúng tôi yêu cầu nó phục vụ con người và hành tinh - không phải lợi nhuận”(2).

Mặc dù dự luật trên chưa được thông qua và còn gây tranh cãi trong cả hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa, nhưng tinh thần đấu tranh này đã ghi dấu ấn trong phong trào cảnh tả Mỹ cũng như của thế giới trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu toàn cầu hiện nay.

Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế (IMCWP) với vấn đề biến đổi khí hậu

Đây là hội nghị thường niên của các đảng cộng sản và công nhân quốc tế đến từ nhiều quốc gia khác nhau, được Đảng Cộng sản Hy Lạp (KKE) khởi xướng từ năm 1998. Đến nay, hội nghị đã diễn ra được 21 lần, tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau. Tại hội nghị, vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu, chống biến đổi khí hậu luôn được quan tâm thảo luận và là nội dung quan trọng trong những lời kêu gọi hành động chung của hội nghị. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 21 năm 2019 ở Thổ Nhĩ Kỳ, 28 chính đảng đã nhất trí đưa ra tuyên bố chung nhằm “lật mặt chủ nghĩa đế quốc xanh” (unmask green imperialism) và thống nhất rằng: “Chủ nghĩa xã hội là chìa khóa để giải quyết khủng hoảng môi trường... Chủ nghĩa đế quốc xanh có nghĩa là cường quốc tư bản chủ nghĩa sử dụng cuộc khủng hoảng môi trường mà họ đã tự gây ra để biện minh và công cụ cho chính sách đế quốc của chính họ... chúng ta cần một “phong trào môi trường vô sản” thực sự chống tư bản chủ nghĩa và dựa trên chủ nghĩa xã hội”(3).

Mặc dù những tuyên bố trên chỉ mang tính khuyến nghị, không phải là những cam kết về mặt nhà nước, nhưng nó là hồi chuông cảnh báo bản chất thực của chủ nghĩa tư bản trong vấn đề bảo vệ môi trường. 

CNXH sinh thái (Eco-socialism), CNXH xanh (green socialism) trong phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu

CNXH sinh thái, CNXH xanh ra đời là kết quả của sự phát triển trong mối liên hệ giữa các phong trào cánh tả và phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường. Nó thể hiện sự phát triển của các phong trào cảnh tả trước yêu cầu phải giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay. Nó đã cho thấy sự gặp gỡ giữa tư tưởng tiến bộ mácxít với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp thiết hiện nay.

Tại Mỹ, tạp chí Monthly Review có xu hướng thiên tả lớn nhất ở Mỹ hiện nay vẫn kiên trì theo đuổi mục đích truyền bá những tư tưởng tiến bộ của chủ nghĩa Mác, đồng thời phê phán những mặt trái của chủ nghĩa tư bản, trong đó có những mặt trái gắn liền với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Tạp chí đã thiết lập một website riêng chuyên đề cập đến chủ đề khí hậu và chủ nghĩa tư bản (https://climateandcapitalism.com). Theo ban biên tập, tôn chỉ, mục đích của website này là “phản ánh quan điểm của chủ nghĩa Mác sinh thái với mục đích thúc đẩy, phát triển và mở rộng chủ nghĩa Mác sinh thái; giáo dục và phát triển các phong trào xã hội chủ nghĩa sinh thái; giúp xây dựng các phong trào và chiến dịch chống lại sự phá hoại môi trường của bọn tư bản; khuyến khích và tạo điều kiện cho sự hợp tác và trao đổi quan điểm giữa các nhà xã hội học và các nhà hoạt động sinh thái”(4).

Tại nhiều nơi trên thế giới, sự ra đời và phát triển của các đảng xanh có xu hướng cánh tả đã phần nào phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cánh tả trong đấu tranh bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Điển hình như Đảng Cánh tả Xanh Hà Lan (GroenLinks) thành lập năm 1989, với lý tưởng hành động là chính trị xanh, dân chủ xã hội và châu Âu thống nhất. Trong cuộc bầu cử giành 150 ghế hạ viện của Hà Lan năm 2017, Đảng Cánh tả Xanh đã giành được 14 ghế, đứng thứ năm trong số các chính đảng tham gia tranh cử. Bên cạnh đó, hàng loạt các liên minh chính trị giữa các chính đảng cảnh tả và các chính đảng cấp tiến có xu hướng bảo vệ môi trường được thành lập, tạo thành các Liên minh Đỏ - Xanh. Điển hình như Đảng liên minh Đỏ - Xanh ở Đan Mạch thành lập năm 1989, với lý tưởng hoạt động là CNXH dân chủ, CNXH sinh thái, theo đuổi chính sách một châu Âu mềm mại và chống chủ nghĩa tư bản. Trong Nghị viện châu Âu, một số đảng cực tả Bắc Âu đã tự tổ chức thành Liên minh Cánh tả Xanh Bắc Âu để thực hiện chung lý tưởng CNXH dân chủ, CNXH sinh thái.

Tại Bôlivia, Đảng Phong trào XHCN của lãnh tụ Evo Morales có tầm ảnh hưởng lớn và tác động mạnh mẽ đến đời sống chính trị của quốc gia Nam Mỹ này. Năm 2009, dưới sự lãnh đạo của Đảng này, đứng đầu là Tổng thống Evo Morales, Bôlivia đã thông qua bản Hiến pháp thúc đẩy đất nước phát triển theo cả hai hướng XHCN và an ninh sinh thái, đưa đất nước Bôlivia phát triển theo CNXH sinh thái.

2. Luận điệu chống phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực đối lập trên vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu

Từ trước tới nay, các phong trào tiến bộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới đều gặp phải sự chống đối bằng nhiều hình thức khác nhau của các lực lượng đối lập. Ngày nay, các phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái của các lực lượng tiến bộ cánh tả cũng không nằm ngoài sự chống phá đó. Các thế lực của giai cấp tư sản, nhất là các lực lượng cực hữu luôn tìm mọi cách để biện minh cho các chính sách sai lầm của họ, đồng thời xuyên tạc, phủ nhận và phê phán tính chất tiến bộ của các phong trào cánh tả trong bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Tại Mỹ, phản ứng trước việc đề xuất dự luật “Chính sách tăng trưởng xanh” trước Quốc hội, “Ủy ban Quốc gia của Đảng Công hòa đã kịch liệt chỉ trích dự luật của Nghị sĩ Cortez, khi gọi nó là “một danh sách điều ước xã hội chủ nghĩa”(5). Việc phê phán CNXH là điều thường thấy của các thành viên Đảng Cộng hòa Mỹ, nhất là các thành viên có xu hướng bảo thủ. Khi muốn phê phán các chính sách của các lực lượng đối lập, các thành viên Đảng Cộng hòa thường gán ghép họ với cụm từ “xã hội chủ nghĩa”. Với dự luật “Chính sách tăng trưởng xanh”, họ đã coi đây như những “điều ước xã hội chủ nghĩa” có tính không tưởng.

Hiện nay, lực lượng bảo thủ Mỹ hoạt động trên nhiều phương diện, trong đó có một lực lượng khá đông đảo hoạt động dưới danh nghĩa là phong trào xã hội bảo vệ các giá trị truyền thống, gia đình và tài sản của nước Mỹ. Trên website của tổ chức này đã đăng tải nhiều nội dung chống phá CNXH và các phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường. Trong bài viết với chủ đề: Xanh có nghĩa là đỏ mới (Green is the New Red), tác giả đã trích dẫn câu nói của ông Vaclav Klaus, Thủ tướng đầu tiên của Cộng hòa Séc sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô sụp đổ: “mối đe dọa lớn nhất đối với tự do, dân chủ, kinh tế thị trường và thịnh vượng vào đầu thế kỷ XXI không phải là chủ nghĩa cộng sản hay các phiên bản nhẹ nhàng hơn của nó. Nó đã được thay thế bằng chủ nghĩa môi trường đầy tham vọng”(6). Bài viết cũng phê phán các phong trào bảo vệ môi trường rằng, họ đang tìm cách ngăn chặn sự phát triển của con người để cứu những chú gấu Bắc cực. Họ ưu tiên sự phát triển của trái đất hơn là sự phát triển của con người.

Một phong trào cực hữu khác của Mỹ cũng có xu hướng chống lại các phong trào xanh là phong trào “Alt-Right”. Trong bài viết có nhan đề “What Does the Rising Alt-Right Movement Mean for Climate Change Propaganda?” (tạm dịch là “Sự gia tăng của phong trào Alt-Right có ý nghĩa gì đối với việc tuyên truyền về biến đổi khí hậu?”), tác giả cho rằng: “Sự gia tăng của phong trào cực hữu đã đẩy chủ nghĩa phủ nhận biến đổi khí hậu trở nên quá khích. Việc Donald Trump đắc cử minh họa điều này một cách hoàn hảo”(7).

Trong cuốn sách The Case Against Socialism (Những bằng chứng chống lại CNXH) của Rand Paul (Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ của Đảng Cộng hòa đại diện cho tiểu bang Kentucky) và Kelley Ashby Paul, xuất bản năm 2019, các tác giả đã gán ghép CNXH với chủ nghĩa báo động (Socialism and Alarmism) với hàm ý các nhà XHCN chỉ biết kêu ca mà không làm được gì. Trong đó, tác giả đã dành cả chương 36 để phê phán CNXH và chủ nghĩa báo động về biến đổi khí hậu, coi đây như hai thực thể luôn song hành với nhau (Socialism and Climate Change Alarmism Go Together)(8). Một số thành phần bảo thủ khác trong giới tư sản Mỹ còn coi các phong trào chống biến đổi khí hậu như là một phần “âm mưu xã hội chủ nghĩa nhằm phá hoại lối sống của người Mỹ”(9).

3. Một số nhận xét

Ngày nay, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái đã trở thành một mặt trận đấu tranh không chỉ bảo vệ lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà còn bảo vệ sự tồn tại của cả nhân loại, của sự sống trên trái đất. Những hậu quả do việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, tiêu thụ quá mức các nguồn nhiên liệu hóa thạch, các chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp không được xử lý đúng mức đã dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu trên trái đất, đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Nguy cơ này là có thật và luôn hiện hữu. Tuy nhiên, việc gánh chịu hậu quả của những nguy cơ này cũng như việc tận hưởng những tài sản mà nhân loại đã làm được là không giống nhau giữa các giai cấp, các quốc gia.

Trong khi giai cấp công nhân và nhân dân lao động tạo ra của cải chính cho nhân loại lại không được hưởng tương xứng những thành quả do mình tạo ra. Ngược lại, họ là đối tượng chịu hậu quả nặng nề nhất do tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, những giai cấp, tầng lớp được hưởng nhiều nhất những thành quả lao động của nhân loại thì họ lại ít bị ảnh hưởng nhất, thậm chí là kiếm lợi từ chính tình trạng biến đổi khí hậu, kiếm lợi trên sự đau khổ của người lao động.

Theo báo cáo của tổ chức Oxfam: “1.000 người giàu nhất hành tinh đã khôi phục những thiệt hại do Covid-19 gây ra đối với khối tài sản của họ chỉ trong vòng 9 tháng trong khi những người nghèo nhất thế giới có thể sẽ mất hơn một thập kỷ”(10). Điều này lý giải vì sao vẫn luôn tồn tại những thế lực chống lại các phong trào tiến bộ của nhân loại trong bảo vệ môi trường sinh thái. Họ luôn tìm cách để biện hộ cho chính sách của họ, thoái thác trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ môi trường, đồng thời đổ lỗi cho các phong trào tiến bộ, cho CNXH, cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, hòng làm suy giảm phong trào đấu tranh, bảo vệ cho những lợi ích cục bộ, ích kỷ, hẹp hòi của họ. 

Không chỉ giành giật những lợi ích kinh tế, qua việc xuyên tạc và chống phá các phong trào cánh tả, phong trào tiến bộ trong bảo vệ môi trường, các lực lượng bảo thủ, cực hữu trong giai cấp tư sản còn nhằm giành giật những lợi ích chính trị. Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi giới trẻ một số nước đã có thiện cảm hơn với CNXH, trước khả năng gia tăng vai trò và ảnh hưởng của lực lượng cánh tả, các lực lượng đối lập đã thể hiện sự lo lắng và gia tăng các hoạt động chống đối nhằm làm giảm uy tín và ảnh hưởng của các lực lượng cánh tả trong quần chúng nhân dân.

Việc các thành viên của Đảng Cộng hòa Mỹ liên tục phê phán những ứng viên cấp tiến có xu hướng cánh tả của Đảng Dân chủ, phê phán những dự luật, những chính sách có xu hướng tiến bộ, nhân văn như chính sách bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp, miễn giảm học phí... đặc biệt là phê phán những chính sách bảo vệ môi trường do các thành viên Đảng Dân chủ đề xướng là một trong những chiêu bài nhằm giành giật những lá phiếu của cử tri Mỹ trong các cuộc bầu cử. Nhưng, dù chống đối bằng hình thức nào, biện hộ bằng lý do gì thì những lực lượng phản động cũng không thể ngăn chặn được các phong trào tiến bộ vì lợi ích chung của nhân loại vì một thế giới xanh, sạch, đẹp và an toàn hơn. Những thế lực đang làm cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng hơn sẽ phải chịu trách nhiệm với những hành động của mình. Những lực lượng cánh tả tiến bộ sẽ tiếp tục phát triển và không ngừng đấu tranh để thực hiện thành công cuộc cách mạng XHCN trên mọi phương diện, ngăn chặn những thảm họa môi trường mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong tương lai.

__________________

(1) https://www.dsausa.org.

(2) https://ecosocialists.dsausa.org/2019/02/28/gnd-principles.

(3) http://www.solidnet.org/article/21-IMCWP-Unmask-Green-Imperialism.

(4) https://climateandcapitalism.com/contact-climate-and-capitalism.

(5) https://www.tienphong.vn/the-gioi/chinh-truong-my-chia-re-xung-quanh-du-luat-moi-ve-moi-truong-1376095.tpo.

(6) https://tfpstudentaction.org/blog/socialism-and-climate-change.

(7) https://blueandgreentomorrow.com/environment/rising-alt-right-movement-mean-climate-change-propaganda.

(8) https://www.booksataglance.com/book-summaries/the-case-against-socialism-by-rand-paul-with-kelley-ashby-paul.

(9) https://www.csmonitor.com/Environment/2019/0805/What-does-climate-change-have-to-do-with-socialism.

(10) https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap/cong-bo-bao-cao-virus-bat-binh-dang-tai-dien-dan-kinh-te-the-gioi-phien-hoi-nghi-truc-tuyen-doi-thoai-davos-573545.html.

TS NGUYỄN KIM TÔN

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS NGUYỄN THỊ KIM QUẾ

Trường Đại học Cần Thơ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền