Trang chủ    Bài nổi bật    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Phát huy nhân tố con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Thứ năm, 23 Tháng 6 2022 13:59
25253 Lượt xem

Phát huy nhân tố con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề phát huy nhân tố con người, nhờ đó, đất nước đã có sự phát triển vượt bậc, đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, việc phát huy nhân tố con người vẫn còn những hạn chế nhất định. Đại hội XIII của Đảng đã coi phát huy nhân tố con người là một trong những Định hướng phát triển và cụ thể hóa thành Nhiệm vụ trọng tâm và Đột phá chiến lược trong những năm tới. Bài viết đề xuất một số giải pháp phát huy nhân tố con người ở nước ta hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Bài viết là sản phẩm trong khuôn khổ Đề tài khoa học KX.04.02/21-25.

Nhân tố con người được phát huy tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: tuyengiao.vn

1. Quan điểm của Đại hội XIII về phát huy nhân tố con người

Khái niệm phát huy nhân tố con người có thể được hiểu ở nhiều cấp độ khác nhau, tuy nhiên tựu trung lại có thể hiểu như sau: “Phát huy nhân tố con người chính là tạo cơ hội, điều kiện để sử dụng, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cần thiết để con người thể hiện tối đa năng lực của mình trong lao động và hoạt động sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”(1).

Khái niệm phát huy nhân tố con người có quan hệ gần gũi, mật thiết với những khái niệm như: xây dựng con người, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển nguồn lực con người, phát huy dân chủ, bồi dưỡng sức dân, chăm lo đời sống nhân dân, phát huy tính năng động sáng tạo của nhân dân, giáo dục đào tạo con người... Giữa khái niệm phát huy nhân tố con người và các khái niệm nói trên hoặc là có sự giao thoa với nhau, bao hàm lẫn nhau hoặc là làm điều kiện, tiền đề cho nhau. Trong đó, xây dựng con người, phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực, phát triển nguồn lực con người, phát huy dân chủ, bồi dưỡng sức dân, chăm lo đời sống nhân dân, phát huy tính chủ động sáng tạo của nhân dân, giáo dục đào tạo con người... đều góp phần quan trọng vào việc phát huy nhân tố con người.

Lịch sử chứng minh rằng, ở đâu và lúc nào nhân tố con người được phát huy tốt thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Sự phát triển thần kỳ của như Nhật Bản, Ítxraen - những quốc gia nghèo về nguồn tài nguyên khoáng sản, khắc nghiệt về điều kiện thời tiết, khí hậu, gánh chịu nhiều thiên tai (núi lửa, sóng thần, sa mạc hóa…) chủ yếu là do những nước này đã phát huy tốt nhân tố con người.

Đảng ta luôn coi trọng việc phát huy nhân tố con người, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, nhờ đó mà “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên... Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay(2). Những thành tựu trong phát huy nhân tố con người ở nước ta trong những năm qua là khá toàn diện, có thể khái quát một số thành tựu cơ bản như: i) Phát huy huy môi trường dân chủ nhằm phát huy nhân tố con người, “thực hiện ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước… Chú trọng thực hiện dân chủ cơ sở”(3); ii) Ngày càng coi trọng vấn đề phát triển toàn diện con người, trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; iii) Chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn nên “Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt”(4)...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu thì vấn đề phát huy nhân tố con người cũng còn những hạn chế nhất định, như: i) Hạn chế trong tạo cơ chế nhằm phát huy nhân tố con người, “Cơ chế và chính sách... còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài”(5); ii) Hạn chế trong giáo dục, đào tạo nhằm phát huy nhân tố con người, “hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng tốt yêu cầu đặt ra... Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao”(6), “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu”(7)...

Từ thực trạng đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề cập một cách nhất quán, sâu sắc, toàn diện về vấn đề phát huy nhân tố con người. Điều đó thể hiện tập trung trong Quan điểm chỉ đạo, Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả trong Đột phá chiến lược.

Trong Quan điểm chỉ đạo đã khẳng định nhân tố con người là quan trọng nhất, “nguồn lực con người là quan trọng nhất”(8), đồng thời chủ trương phát huy nhân tố con người: “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa... bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… thúc đẩy đổi mới sáng tạo”(9). Trong các Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 thì vấn đề phát huy nhân tố con người được thể hiện rất rõ nét, như: “phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút trọng dụng nhân tài...”; “Phát triển con người toàn diện...”; “bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người... chú trọng nâng cao chất lượng dân số...”. Vấn đề phát huy nhân tố con người được Đảng ta cụ thể hóa thành một trong những Nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện “phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế... thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”(10). Tiếp đó, phát huy nhân tố con người được Đảng coi là một trong những Đột phá chiến lược, điều đó thể hiện: “Phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao... phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”(11).

2. Một số giải pháp nhằm phát huy nhân tố con người ở nước ta hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Một là, bảo đảm môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái trong lành, bền vững cho nhân dân sinh tồn và phát triển

Môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái có vai trò đặc biệt đối với sự sinh tồn và phát triển của con người, điều này đã được C. Mác khẳng định: “Giới tự nhiên là… thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên”(12). Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của môi trường đối với đời sống nhân dân, trong những năm qua, Đảng ta luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc bảo vệ môi trường vẫn còn những hạn chế như: Ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, còn thấp. Vẫn để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng. Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường trên một số mặt còn lỏng lẻo, bất cập. Xu hướng chạy theo lợi nhuận và lợi ích trước mắt trong khai thác tài nguyên chưa được khắc phục. Chậm chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới, tiết kiệm. Chất lượng môi trường tiếp tục xuống cấp; Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm(13)...

Do vậy, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện những biện pháp cụ thể sau: i) Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái; Phải xác định rõ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái vô cùng quan trọng bởi liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của mọi thành viên xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái là bảo vệ “ngôi nhà chung”, bảo vệ sinh kế lâu dài của nhân dân Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung; Quán triệt sâu sắc nguyên tắc, không được đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế; ii) Hoàn thiện pháp luật về môi trường và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết không để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; iii) Phát triển những mô hình kinh tế thân thiện với môi trường như kinh tế xanh, kinh tế tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, kinh tế tuần hoàn… nhằm mục đích vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái; iv) Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, bởi đây là vấn đề chung của nhân loại, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quốc gia, dân tộc.

Hai là, bảo đảm xây dựng môi trường xã hội tối ưu để người dân yên tâm sinh sống, lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển, hoàn thiện bản thân, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Không chỉ có môi trường tự nhiên mà môi trường xã hội cũng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát huy nhân tố con người. Môi trường xã hội là sản phẩm của xã hội loài người được hình thành trên cơ sở tổng hòa các loại môi trường như: môi trường chính trị, môi trường kinh tế, môi trường văn hóa - giáo dục… Là sản phẩm của cộng đồng xã hội, nhưng đồng thời môi trường xã hội lại ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân con người; ảnh hưởng đến tính chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo của mỗi thành viên xã hội. Do đó, bảo đảm môi trường xã hội tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy nhân tố con người.

Để xây dựng môi trường xã hội tốt cần xây dựng đồng bộ các loại môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa … theo hướng văn minh, tiến bộ, hội nhập và phù hợp thực tiễn Việt Nam. Cụ thể:

Đối với môi trường chính trị phải dân chủ, ổn định, an toàn, an ninh để người dân yên tâm, nỗ lực hết mình trong học tập, làm việc, sản xuất, kinh doanh. Thực tiễn thế giới chứng minh, nước nào bất ổn về chính trị thì nhân dân bất an, nên không phát huy hết khả năng của bản thân vào sản xuất, kinh doanh, dẫn tới kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo… không phát triển, thậm chí còn bị tụt hậu. Ngược lại, khi kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo… không phát triển được thì không có điều kiện để phát huy nhân tố con người. Do đó, ổn định chính trị, bảo đảm dân chủ, an toàn, an ninh cho nhân dân có vai trò hết sức quan trọng đối với phát huy nhân tố con người. Để bảo đảm môi trường chính trị ổn định, dân chủ, an toàn, an ninh thì phải xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... để gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội, làm phương hại đến môi trường chính trị ổn định, an ninh, an toàn của nhân dân.

Đối với môi trường kinh tế phải thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Phải hình thành đồng bộ các loại thị trường theo hướng văn minh, hiện đại, hội nhập để phát huy tính tích cực, chủ động của người dân trong khởi nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, đem lại lợi ích cho dân, cho nước. Xây dựng văn hóa kinh doanh hiện đại, nhân văn, hội nhập trên cơ sở các bên đều có lợi, đồng thời xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sản xuất, kinh doanh nói riêng, đến môi trường kinh tế nói chung.

Đối với môi trường văn hóa - giáo dục phải lành mạnh, tiến bộ, giàu tính nhân văn, lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, làm sức mạnh nội sinh trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong hội nhập quốc tế. Để xây dựng môi trường văn hóa - giáo dục tốt đẹp phải tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Đồng thời, phải ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội, chống bệnh hình thức trong giáo dục - đào tạo…

Để xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến người dân, doanh nghiệp và cả đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị. Trước mắt, cần tập trung hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; cơ chế phát huy dân chủ trong hệ thống chính trị cũng như ngoài hệ thống chính trị, đặc biệt là cơ chế phát huy dân chủ cơ sở; cơ chế trọng dụng người tài đức, cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước; cơ chế tạo động lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân(14)... Để hoàn thiện đồng bộ các cơ chế thì nhất thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, bởi đây là cơ sở, điều kiện pháp lý hình thành các cơ chế. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của hệ thống pháp luật trong việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trong những năm qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: “Hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn... Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước”(15).

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phải đáp ứng được các yêu cầu sau: i) phản ánh được ý chí và nguyện vọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, hướng tới phục vụ nhân dân, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trong bối cảnh mới của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; ii) hệ thống pháp luật phải đầy đủ, đồng bộ, có tính ổn định, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đất nước và dễ thực hiện. Để xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế thì việc hoàn thiện pháp luật mới là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là phải áp dụng, thực thi các quy định pháp luật một cách nghiêm minh, đồng bộ, thống nhất trong thực tế, có như vậy, các cơ chế mới có thể vận hành thuận lợi, hiệu quả, trên cơ sở đó thúc đẩy phát huy tốt nhân tố con người trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, lấy phát huy nhân tố con người trong hệ thống chính trị làm cơ sở, động lực khơi dậy ý chí, khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh trong các tầng lớp nhân dân

Phát huy nhân tố con người trong hệ thống chính trị tức là phát huy năng lực, phẩm chất tốt đẹp, phát huy tính năng động sáng tạo, phát huy tinh thần phục vụ, cống hiến, phát huy ý thức trách nhiệm,… của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị. Phát huy nhân tố con người trong hệ thống chính trị sẽ nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; nâng cao vai trò quản lý, phục vụ, kiến tạo phát triển của Nhà nước pháp quyền XHCN; nâng cao chất lượng, hiệu quả của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, tạo sự đoàn kết nhất trí trong nhân dân. Trên cơ sở đó, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong nhân dân, nhằm chủ động, tích cực, phát huy hết tiềm năng, đem hết năng lực để khởi nghiệp, sản xuất, kinh doanh, xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường. Để khơi dậy được ý chí, khát vọng cống hiến của nhân dân cho đất nước phải luôn luôn đề cao vai trò chủ thể của nhân dân trong tất cả các chủ trương, chính sách, kế hoạch, mục tiêu của Đảng và Nhà nước, thực hiện đúng như tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(16). Làm được như vậy sẽ thống nhất giữa “ý Đảng” và “lòng Dân”, nhân dân sẽ đặt lòng tin tuyệt đối vào Đảng và Nhà nước, chủ động triển khai thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia quản lý xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, ngoại giao nhân dân...

__________________

(1) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Cao cấp lý luận chính trị môn Triết học Mác - Lênin, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, tr. 281-282.

(2), (3), (4), (5), (6), (7), (13), (14), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.103-104, 71, 104, 83, 82, 82-83, 86-87, 288, 89-90.

(8), (9), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.325, 324-325, 336, 338.

(12) C. Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.135.

(16) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 16-5-2021.

TS ĐINH VĂN THỤY

Viện Triết học,

                                      Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền