Trang chủ    Bài nổi bật    Giá trị bền vững của học thuyết sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Thứ hai, 01 Tháng 8 2022 11:17
6218 Lượt xem

Giá trị bền vững của học thuyết sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

(LLCT) - Sau những biến động chính trị ở Đông Âu và Liên Xô, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, chống phá chủ nghĩa Mác, trong đó có vấn đề về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Bài viết tập trung khẳng định giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác, làm rõ những giá trị bền vững của học thuyết Mác về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân trên cơ sở có sự bổ sung, phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng - Ảnh: vietnamplus.vn

1. Địa vị của giai cấp công nhân trong nền sản xuất xã hội

Trong tác phẩm “Gia đình thần thánh”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “Đối với chúng tôi vấn đề không phải là ở chỗ người vô sản nào đó, thậm chí toàn bộ giai cấp vô sản coi cái gì là mục đích của mình. Vấn đề là ở chỗ giai cấp vô sản thực ra là gì, và phù hợp với tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử”(1). Đó là cách đặt vấn đề của chủ nghĩa Mác khi nghiên cứu về giai cấp công nhân (GCCN).

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, GCCN vừa là sản phẩm căn bản nhất, vừa là chủ thể trực tiếp nhất của nền sản xuất công nghiệp. Sự ra đời của nền sản xuất công nghiệp đã kéo theo sự ra đời của GCCN, tạo điều kiện, môi trường thúc đẩy toàn bộ GCCN phát triển không ngừng: “Ở khắp nơi, cách mạng công nghiệp đều thúc đẩy giai cấp vô sản phát triển”(2). Với tính chất tập trung của nền sản xuất công nghiệp, GCCN luôn được tuyển từ các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau: “Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(3).

Là sản phẩm của nền sản xuất công nghiệp, GCCN không ngừng phát triển về số lượng, chất lượng (trình độ) và cơ cấu cùng với sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp cả về quy mô và trình độ hiện đại do sự tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ. Là chủ thể của nền sản xuất công nghiệp, GCCN là giai cấp chế tác, cải tiến, điều khiển, điều hành, vận hành, giám sát, kiểm tra quá trình hoạt động của máy móc, kỹ thuật sản xuất hiện đại.

Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, nền sản xuất công nghiệp là cơ sở kinh tế khách quan cho sự tồn tại và phát triển của GCCN. Do đó, nền sản xuất công nghiệp còn tồn tại và phát triển thì GCCN cũng còn tồn tại và phát triển.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đặc biệt là với việc ứng dụng công nghệ tin học vào quá trình sản xuất, một số học giả tư sản, mà tiêu biểu là Alvin Toffler, đã đưa ra những lý thuyết khác nhau và cho rằng, xã hội hiện đại đang bước vào thời kỳ “hậu công nghiệp”, “văn minh tin học”, “văn minh trí tuệ”, đi đến phủ nhận sự hiện tồn của sản xuất công nghiệp. Do đó, GCCN với tư cách là sản phẩm của nền sản xuất công nghiệp cũng đương nhiên biến mất cùng với sự biến mất của nền sản xuất công nghiệp. Quan niệm này là hoàn toàn sai trái. Về thực chất, khái niệm “hậu công nghiệp”, “văn minh tin học”, “văn minh trí tuệ” vẫn thuộc phạm trù công nghiệp hiện đại. Bởi lẽ, ngay trong các khái niệm này và trong nền sản xuất hiện đại của thế giới hiện nay vẫn có “công nghiệp phần mềm”, “công nghiệp phần cứng”, “khu công nghiệp”, “chính sách công nghiệp”, “cơ khí vi mạch”, các loại máy móc; các sản phẩm vật chất nuôi sống con người và phát triển xã hội vẫn chủ yếu từ nền sản xuất công nghiệp mà ra. Rõ ràng, các nền văn minh ấy không hề vượt qua, phủ nhận nền sản xuất công nghiệp hiện đại, trái lại nó còn cho chúng ta thấy trình độ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại không ngừng được nâng cao, dẫn đến hình thành kinh tế tri thức.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, cho thấy sự phát triển của nền sản xuất công nghiệp. Trong cuộc cách mạng này, tài năng, tri thức là những yếu tố quan trọng của sản xuất. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, tạo ra nhiều ngành, nhiều loại lao động, nhiều hình thức lao động mới. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 23.000 nghề nghiệp liên quan đến máy móc và phương thức lao động công nghiệp, dự đoán đến giữa thế kỷ XXI sẽ có thêm khoảng 10.000 nghề nghiệp mới, chủ yếu là ở lĩnh vực dịch vụ(4). Theo tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năm 1950, toàn thế giới có 290 triệu công nhân, năm 1970 tăng lên 615 triệu, năm 2010 là trên 800 triệu(5), năm 2014 là trên 1,5 tỷ, năm 2018 ước tính trên 1,7 tỷ(6). Nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển cao (nhóm G7) công nhân chiếm khoảng 70 - 90% trong tổng số lao động của quốc gia(7).

Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng của GCCN cũng ngày càng được nâng cao. Sự tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với siêu tự động hóa, siêu kết nối, trí tuệ nhân tạo đã tạo điều kiện cho lực lượng sản xuất phát triển vượt bậc. Lao động cơ bắp dần lùi vào quá khứ, hệ thống máy móc, tự động làm thay người lao động những công việc nặng nhọc. Toàn bộ quá trình sản xuất là quá trình ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, đòi hỏi người lao động phải sử dụng nhiều hơn sức lao động trí tuệ. Lúc này, tri thức trở thành yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất lao động. Nhưng điều đó không có nghĩa là GCCN đã chuyển thành tầng lớp trí thức như luận điệu của một số các học giả tư sản đã rêu rao. Bởi những người lao động đó vẫn luôn gắn hoạt động lao động của mình với nền sản xuất công nghiệp hiện đại, thường xuyên, trực tiếp lao động công nghiệp chứ không phải chủ yếu là nghiên cứu lý thuyết, lý luận như những người trí thức. Không ai khác, họ chính là bộ phận tinh túy nhất của GCCN hiện đại - công nhân trí thức.

Trong kinh tế tri thức, bản thân người công nhân và GCCN hiện đại không ngừng học tập, đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, nhất là khoa học - công nghệ, tạo thành xu hướng trí thức hóa công nhân. Đồng thời, việc rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học vào sản xuất trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại đã dẫn đến một thực tế là, các nhà nghiên cứu, sáng chế, các kỹ sư, kỹ thuật viên cao cấp... gia nhập vào hàng ngũ GCCN hiện đại ngày càng đông, tạo thành xu hướng công nhân hóa trí thức. Hai xu hướng này đồng thời cùng diễn ra trong kinh tế tri thức - một giai đoạn phát triển ở trình độ cao của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, đã dẫn đến sự hình thành và phát triển công nhân trí thức.

Những điều trên cũng không nằm ngoài dự báo của C.Mác và Ph.Ăngghen về sự hình thành của đội ngũ này khi các ông cho rằng: “Các bạn hãy cố gắng làm cho thanh niên ý thức được rằng giai cấp vô sản lao động trí óc phải được hình thành từ hàng ngũ sinh viên, giai cấp đó có sứ mệnh phải kề vai sát cánh và cùng đứng trong một đội ngũ những người anh em của họ, những người công nhân lao động chân tay, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng sắp tới đây”(8). Thực tiễn cho thấy, những nước nào có nền sản xuất công nghiệp phát triển thì ở đó chất lượng đội ngũ công nhân càng cao. Tại các nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), 60 - 70% lực lượng lao động là công nhân trí thức(9).

Như vậy, thực tế đã chứng minh quan điểm trên của chủ nghĩa Mác - Lênin về GCCN là hoàn toàn đúng đắn và còn nguyên giá trị. GCCN không biến mất như một số người đã nghĩ. Nó vẫn tồn tại, phát triển và sẽ còn phát triển hơn nữa. Trên thế giới hiện nay, mới có khoảng 40 nước (trong khoảng 200 quốc gia) hoàn thành công nghiệp hóa, còn lại phần lớn các nước chưa hoặc đang tiến hành công nghiệp hóa. Sự phát triển của công nghiệp vẫn sẽ là cơ sở kinh tế khách quan để phát triển GCCN cả về số lượng lẫn chất lượng như sự khẳng định của chủ nghĩa Mác - Lênin.

2. Về mối quan hệ của giai cấp công nhân đối với tư liệu sản xuất trong chủ nghĩa tư bản

Khi xem xét vị trí của GCCN trong quan hệ sản xuất TBCN, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng, đó là những người lao động không có tư liệu sản xuất, phải bán sức lao động cho nhà tư bản và bị nhà tư bản bóc lột về giá trị thặng dư. Các ông viết: “Giai cấp tư sản, tức là tư bản, mà lớn lên thì giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại - tức là giai cấp chỉ có thể sống với điều kiện là kiếm được việc làm, và chỉ kiếm được việc làm, nếu lao động của họ làm tăng thêm tư bản - cũng phát triển theo. Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm ăn từng bữa một, là một hàng hóa, tức là một món hàng đem bán như bất cứ món hàng nào khác; vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh tranh, mọi sự lên xuống của thị trường với mức độ như nhau”(10). Đây là một trong những đặc trưng cơ bản của giai cấp công nhân dưới chế độ TBCN nên C.Mác và Ph.Ăngghen còn gọi GCCN là giai cấp vô sản.

Ngày nay, với sự phát triển của CNTB, diện mạo của GCCN hiện đại có nhiều thay đổi khác trước. Họ không hoàn toàn giống như những mô tả của C.Mác và Ph.Ăngghen trong thế kỷ XIX. Trong CNTB hiện đại, nhờ có năng suất lao động cao do sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, mức sống chung của xã hội được nâng lên rõ rệt. Cách mạng khoa học - công nghệ không chỉ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, mà còn tạo ra cơ sở vật chất hùng hậu để tiếp tục tái đầu tư sản xuất, cải thiện và nâng cao một phần đời sống nhân dân, trong đó có GCCN. Do thu nhập được nâng cao nên một bộ phận công nhân hiện đại không những bảo đảm được các nhu cầu ăn, mặc, chi tiêu cho học tập và các hoạt động xã hội, mà còn có điều kiện mua sắm nhà cửa, sở hữu các phương tiện tiêu dùng hiện đại, đắt tiền và gửi tiết kiệm, mua cổ phiếu... Vin vào những lý do đó, một số học giả cho rằng GCCN hiện nay đã trở thành giai cấp hữu sản, đã được trung lưu hóa và do đó không còn là giai cấp vô sản nữa.

Những luận điệu đó nhằm cố tình xuyên tạc bản chất của GCCN trong CNTB, đồng thời che đậy bản chất CNTB. Việc GCCN có điều kiện sử dụng những phương tiện sinh hoạt tiện nghi, đắt tiền không có nghĩa là họ không còn là giai cấp vô sản, bởi đó chỉ là tư liệu tiêu dùng (hay tư liệu sinh hoạt) chứ không phải là tư liệu sản xuất. Công nhân hiện nay dù có cổ phần, cổ phiếu cũng chẳng làm cho họ trở thành nhà tư bản và giúp họ có thể thay đổi được địa vị làm thuê bởi tỷ trọng cổ phần của công nhân so với giai cấp tư sản vẫn là không đáng kể.

Trong những năm 70 của thế kỷ trước, chính phủ Mỹ thực hiện “kế hoạch phát triển sở hữu cổ phiếu của người lao động làm công” (ESOP), lúc cao nhất gần 40% người lao động làm công Mỹ có cổ phiếu, nhưng tổng giá trị cổ phiếu mà họ sở hữu chỉ chiếm trên 1% giá trị cổ phiếu mà các công ty phát hành. Số lượng ít, phân tán, người lao động hoàn toàn không có tiếng nói gì ảnh hưởng tới hoạt động của các công ty(11).

Như vậy, công nhân không trở thành “nhà tư bản” theo cách tuyên truyền của các lý luận gia tư sản, mà chỉ là “nhà tư bản” đối với chính mình. Chế độ cổ phiếu thật sự là phương pháp hữu hiệu cột chặt người lao động và bắt họ lệ thuộc hơn nữa vào giới chủ. Hy vọng thay đổi địa vị người lao động trở thành người chủ thật sự ở các nước TBCN chỉ là ảo tưởng, là hành động tự lừa dối.

Trên thực tế, cũng có một số rất ít công nhân đã trở thành ông chủ thuê mướn nhân công, thành chủ nhà máy với vốn hàng trăm triệu đôla, lúc này họ đã trở thành các nhà tư sản, chứ không còn là công nhân nữa.

CNTB hiện đại vẫn không thay đổi bản chất bóc lột của mình, mà chỉ thay đổi hình thức bóc lột theo hướng tinh vi hơn, khôn khéo hơn với mức độ gay gắt hơn. Sự bóc lột đó không dừng lại ở bóc lột sức lao động chân tay mà cả sức lao động trí óc. Vì vậy, trong quan hệ sản xuất TBCN, mặc dù có những thay đổi nhưng GCCN vẫn chủ yếu là những người làm thuê cho giai cấp tư sản, và bị bóc lột giá trị thặng dư với tỷ suất cao hơn nhiều so với trước đây. Theo ILO, hiện nay, tỷ suất bóc lột giá trị thăng dư trong các ngành công nghiệp ở Mỹ và Tây Âu trung bình là 300%, cá biệt có những lúc lên tới 5.000% như tại công ty Microsoft(12).

Bên cạnh đó, những mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản không hề giảm đi, mà ngày càng trầm trọng, gay gắt thêm. Tình trạng phân cực giàu nghèo, phân biệt đối xử trong xã hội ngày càng lớn. Số người giàu “chỉ là 1% dân số, nhưng lại chiếm giữ phần lớn của cải, tư liệu sản xuất, kiểm soát tới ¾ nguồn tài chính, tri thức và các phương tiện thông tin đại chúng chủ yếu và do đó chi phối toàn xã hội”(13), trong khi có rất nhiều người lao động nghèo khổ, thất nghiệp bị hất ra hè phố, hàng trăm triệu người bị đe dọa chết đói phải sống trong cảnh khốn cùng... Các phong trào chiếm phố Wall ở Mỹ năm 2017, biểu tình chống phân biệt chủng tộc cuối tháng 5, đầu tháng 6-2020 ở Mỹ... là hệ quả của sự phân cực giàu nghèo, phân biệt đối xử... do sự thống trị của chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN gây ra.

Tất cả điều đó đã nói lên tính chất bóc lột, phản động của CNTB. Đúng như sự nhận định của Đảng ta: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công. Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản,... chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc”(14).

3. Vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới

Vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào nghiên cứu sự hình thành và phát triển của CNTB, C.Mác và Ph.Ăngghen đã phát hiện ra vai trò lịch sử của GCCN trong cuộc đấu tranh cách mạng xóa bỏ chế độ tư bản và xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội XHCN và CSCN. Trong tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, các ông đã viết: “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng”(15). GCCN có được sứ mệnh lịch sử đó là do những điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội khách quan của GCCN quy định, cụ thể:

Một là, xuất phát từ địa vị kinh tế - xã hội khách quan của GCCN trong CNTB. Về mặt kinh tế, đó là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa, quốc tế hóa ngày càng cao (mà GCCN là đại biểu với tư cách là nhân tố cấu thành, quan trọng nhất của lực lượng sản xuất) với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân TBCN về tư liệu sản xuất (mà giai cấp tư sản là đại diện). Về mặt xã hội, đó là mâu thuẫn giữa GCCN và giai cấp tư sản, dẫn đến phong trào đấu tranh của GCCN chống lại giai cấp tư sản và CNTB. Hai mặt của mâu thuẫn cơ bản đó không thể giải quyết triệt để trong khuôn khổ CNTB do giới hạn của quan hệ sản xuất tư nhân tư bản chủ nghĩa. Để giải quyết triệt để mâu thuẫn cơ bản đó, tất yếu phải trải qua cách mạng XHCN do GCCN tiến hành.

Hai là, xuất phát từ những đặc điểm chính trị - xã hội khách quan của GCCN trong CNTB. GCCN được hình thành và phát triển gắn với nền sản xuất công nghiệp nên có những đặc điểm, tính chất cơ bản mà những giai cấp, tầng lớp xã hội khác không thể có được. Những đặc điểm và tính chất cơ bản của GCCN quy định tính khách quan trong sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN. Chỉ có GCCN mới có thể lãnh đạo được toàn thể người lao động trong cuộc đấu tranh chống tư bản, có đủ sức tập tan mọi sự phản kháng của bọn tư bản và dẫn dắt nhân dân đến một nền hòa bình lâu dài, đúng như V.I.Lênin khẳng định: “giai cấp công nhân có khả năng nhiều nhất tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa, họ tự giác mang theo chủ nghĩa xã hội và hăng hái xây dựng chủ nghĩa xã hội”(16).

Từ cuối thế kỷ XX, nhân loại bước vào thời đại của công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, tri thức đóng vai trò quan trọng, giữ vị trí hàng đầu trong sản xuất công nghiệp và sự phát triển của xã hội. Một số học giả đã cho rằng, lực lượng đại diện cho phương thức sản xuất mới, có vai trò lãnh đạo xã hội, tiên phong trong mọi cuộc cách mạng hiện nay là tầng lớp trí thức chứ không phải là GCCN như trước đây C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng nhận định. Theo họ, C.Mác và Ph.Ăngghen cố tình gán ghép sứ mệnh lịch sử cho GCCN bởi vì các ông thấy đây là giai cấp nghèo khổ nhất, bị áp bức bóc lột nặng nề nhất chứ hoàn toàn không phải là bản thân giai cấp công nhân có tính tiên phong cách mạng.

Để xem xét vai trò lịch sử của một giai cấp, điều quan trọng là phải dựa trên cơ sở địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp đó, chứ không phải xuất phát từ sự nghèo khổ của giai cấp, hay từ ý muốn chủ quan của một số cá nhân hoặc một lực lượng xã hội nào.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao lịch sử không lựa chọn giai cấp nô lệ trong xã hội chiếm hữu nô lệ, giai cấp nông dân trong xã hội phong kiến - những giai cấp nghèo khổ nhất, bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất đảm nhận sứ mệnh lịch sử mà lại lựa chọn giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản? Bởi địa chủ, tư sản chính là những giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất mới.

Trong xã hội tư bản, GCCN là đại biểu của lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất tiên tiến chứ không phải là tầng lớp trí thức. Do gắn liền với phương thức lao động công nghiệp mang tính xã hội hóa và có năng suất lao động cao, GCCN có được những phẩm chất của một giai cấp tiên tiến, cách mạng và có năng lực lãnh đạo cách mạng.

Sự xuất hiện công nhân trí thức là sự chuyển biến về chất có tính tích cực và cách mạng của GCCN trong thời đại cách mạng khoa học - công nghệ, là sự khẳng định vai trò tiên phong của giai cấp công nhân và khả năng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân như chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định. Lấy sự nghèo khổ làm cơ sở để luận giải sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một lập luận phản khoa học, là mưu đồ hòng xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin.

Chúng ta không phủ nhận vai trò to lớn của trí thức trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Những trí thức tiên tiến đứng trên lập trường của GCCN, đấu tranh vì lợi ích của GCCN và nhân dân lao động, có thể trở thành lãnh tụ cách mạng. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Không có sự chỉ đạo của các chuyên gia am hiểu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và có kinh nghiệm, thì không thể chuyển lên chủ nghĩa xã hội được”(17). Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cũng khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển”(18).

Tuy nhiên, trí thức là lực lượng xã hội đặc biệt và không thuần nhất. Trí trức chưa bao giờ và không bao giờ là một giai cấp. Trí thức không trực tiếp tham gia sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, do đó không có vai trò quyết định nhất đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trí thức không đại biểu cho một phương thức sản xuất độc lập, không phải là một lực lượng kinh tế chính trị độc lập trước các giai cấp và tầng lớp xã hội khác, do đó trí thức không có hệ tư tưởng riêng. Trí thức đi theo và chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng của giai cấp thống trị mà họ phục vụ.

Vì vậy, mặc dù trí thức có vai trò to lớn nhưng không thể đóng vai trò là giai cấp lãnh đạo. Thực tiễn cũng cho thấy, chưa có một quốc gia nào tầng lớp trí thức nắm chính quyền. Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ như hiện nay, trí thức chỉ có thể gắn bó cùng với GCCN trong sự nghiệp cách mạng chung là xóa bỏ chế độ TBCN, xây dựng chế độ XHCN cộng sản chủ nghĩa.

Tóm lại, từ khi CNXH còn là một học thuyết cho đến khi trở thành chế độ xã hội hiện thực đã và đang trải qua bốn cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ. Sự ra đời và phát triển của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ đã tác động và làm thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có CNXH (xét cả về lý luận lẫn thực tiễn). Song, từ những thành tựu, khủng hoảng và triển vọng của CNXH đều cho thấy, những vấn đề cơ bản nhất về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của GCCN mà chủ nghĩa Mác - Lênin đưa ra: về địa vị của GCCN trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại; về quan hệ của GCCN với tư liệu sản xuất trong CNTB; về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân trong cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn mà không ai có thể bác bỏ được.

__________________

(1), (16) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.56, 565.

(2), (3), (10), (15) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.464, 610, 610, 605.

(4), (6) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/819840/nhung-nhan-thuc-moi-ve-giai-cap-cong-nhan-hien-nay*.aspx

(5), (7) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2018, tr.40, 40.

(8) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.613.

(9) Học viện Chính trị khu vực II: Tập bài giảng môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2016, tr.68.

(11) http://hdll.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/ban-chat-dac-diem-xu-huong-van-dong-cua-chu-nghia-tu-ban-hien-dai.html.

(12) Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Kỷ yếu hội thảo khoa học Những luận điểm về chủ nghĩa xã hội đã bị lịch sử vượt qua hoặc cần nhận thức lại, Hà Nội, 2007, tr.98-99.

(13) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 966 (5-2021), tr.5.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.68.

(17) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1987, tr.217.

(18) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.67, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.792.

TS TRẦN THỊ NHƯ QUỲNH

Học viện Chính trị khu vực II

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền