Trang chủ    Bài nổi bật    Đấu tranh phản bác luận điệu “một Đảng cầm quyền ở Việt Nam là độc tài, mất dân chủ”
Thứ sáu, 10 Tháng 2 2023 10:17
6234 Lượt xem

Đấu tranh phản bác luận điệu “một Đảng cầm quyền ở Việt Nam là độc tài, mất dân chủ”

(LLCT) - “Một đảng cầm quyền, lãnh đạo là độc tài, mất dân chủ!” là luận điệu của các thế lực chống phá, cổ súy cho chế độ đa nguyên, đa đảng, với ý đồ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn lịch sử và thành công của cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là cơ sở thuyết phục để khẳng định: ở Việt Nam không cần và không chấp nhận chế độ đa nguyên, đa đảng; xét về cả lý luận và thực tiễn, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Các đảng viên biểu quyết thông qua nghị quyết - Ảnh: baobinhduong.vn

Hiện nay, các thế lực thù địch đang đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, quyết liệt hơn. Trên nhiều kênh thông tin, chúng xuyên tạc rằng: chế độ chính trị một đảng cầm quyền ở Việt Nam là độc tài, chuyên quyền, mất dân chủ, cản trở sự phát triển của đất nước.

Song, về mặt lý luận khoa học và thực tiễn sinh động đã chứng minh, với mô hình nhất nguyên chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: kinh tế phát triển bền vững, chính trị - xã hội ổn định, dân chủ không những không bị hạn chế, mà còn được bảo đảm, được phát huy ngày càng rộng rãi và thực chất hơn.

1. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền là một tất yếu lịch sử, một sự lựa chọn đúng đắn của dân tộc

Trải qua hơn 92 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định vị thế duy nhất lãnh đạo, cầm quyền, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng đã được nhân dân và bạn bè quốc tế thừa nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, trước những tác động to lớn của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của thông tin, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra nhiều luận điệu sai trái, xuyên tạc, rằng “chế độ nhất nguyên chính trị, một đảng cầm quyền ở Việt Nam là độc tài, độc đoán, mất dân chủ”; “nếu không thực hiện đa nguyên, đa đảng thì không bao giờ có dân chủ”, “thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế”, “chế độ một đảng lãnh đạo, cầm quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”, “Đảng nắm quyền lãnh đạo, không chịu thực hiện đa nguyên chính trị là hành vi tiếm quyền, chiếm đoạt thành quả của nhân dân”... Đây là những luận điệu phản khoa học nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng.

Hơn nữa, vẫn có một số người thắc mắc: “Tại sao ở Việt Nam chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo?”, có nhiều người phán xét rằng: “Một đảng cầm quyền ở Việt Nam là độc tài, mất dân chủ”.

Vấn đề này phải được nhìn nhận từ “góc nhìn lịch sử” để có câu trả lời thỏa đáng bằng sự thật lịch sử và thực tiễn đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.

Trong quá trình đấu tranh chống ách đô hộ của thực dân Pháp, cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam còn có các đảng phái, tổ chức chính trị khác có cùng mục tiêu giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân. Cuối những năm 20, đầu những năm 30 thế kỷ XX, nhiều tổ chức và đảng phái chính trị ở Việt Nam được thành lập và hoạt động sôi nổi như: Đảng Nghĩa Hưng (năm 1907) đại diện cho giai cấp nông dân; Đảng Lập Hiến (năm 1923) đại diện cho giai cấp tư sản, địa chủ; Việt Nam nghĩa đoàn (năm 1925), Đảng Thanh niên Việt Nam (năm 1926), Việt Nam Quốc dân Đảng (năm 1927)... Ra đời sau Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930) có Đại Việt quốc gia xã hội Đảng (năm 1936), Đại Việt quốc dân đảng gọi tắt là Đảng Đại Việt (năm 1939)...

Trong số các đảng phái, tổ chức chính trị được thành lập ở Việt Nam có một số đảng mong muốn giải phóng dân tộc, giúp cho nước nhà giàu mạnh, một số đảng khác thì mưu cầu chính trị nhằm mang lại lợi ích cho giai cấp, tầng lớp mà họ đại diện, thậm chí có một số đảng phái “bám gót” ngoại bang, đi ngược lại lợi ích của quốc gia dân tộc. Trải qua những thử thách cam go của lịch sử, một số đảng đã tự giải tán vì không gánh vác được sứ mệnh giải phóng dân tộc, đưa nhân dân thoát khỏi xiềng xích.

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, các đảng phái tồn tại ở Việt Nam dù không ai tranh giành, không ai gạt bỏ, nhưng tất cả đều không nắm được quyền lãnh đạo cách mạng, ngoại trừ Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vì, họ đều chưa có đường lối chính trị rõ ràng, thiếu hệ thống tổ chức chặt chẽ, thiếu bản lĩnh,... cho nên không đảng phái nào đủ năng lực và uy tín chính trị để lãnh đạo cách mạng. Thậm chí có những đảng được phép hoạt động công khai, được sự giúp đỡ của các thế lực ngoại bang cả về phương diện tổ chức lẫn tiền bạc nhưng cũng nhanh chóng thất bại và tan rã.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đại diện tiêu biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã chấm dứt tình trạng khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo, tạo ra sự thống nhất về tổ chức trong cả nước, nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Đảng.

Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xác định mục tiêu cách mạng, đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của lịch sử. Đảng đã nắm được quyền lãnh đạo cách mạng và được tất cả các giai tầng trong xã hội Việt Nam thừa nhận.

Mặt khác, Đảng có phương pháp tổ chức, chỉ đạo hoạt động, phương pháp vận động quần chúng khoa học, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Từ đó, Đảng tạo lập được uy tín đối với nhân dân, được nhân dân hết lòng ủng hộ.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã giành những thắng lợi, những thành tựu to lớn, vẻ vang, có ý nghĩa lịch sử, hoàn thành trọng trách lãnh đạo sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, nhân dân được hưởng nền độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, sự lãnh đạo và cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam càng được thử thách và khẳng định.

Sau 36 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh vững chắc, độc lập, chủ quyền được giữ vững, vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1).

Trên thực tế, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng Việt Nam là sự lựa chọn tất yếu, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Vai trò và vị thế đó không phải là ý muốn chủ quan của Đảng. Những thử thách cam go của lịch sử đã minh chứng cho bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm của Đảng, tạo dựng niềm tin, uy tín với nhân dân.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền thông qua sự lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị

Ý thức sâu sắc về vai trò và sứ mệnh vẻ vang của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Trong Di chúc, Người viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(2).

Khi chưa có chính quyền, phải hoạt động bí mật, Đảng hoàn toàn dựa vào nhân dân, sống trong lòng nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, chở che, bảo vệ và giúp đỡ về mọi mặt. Nhờ đó, Đảng gần gũi, gắn bó máu thịt với nhân dân.

Từ khi trở thành Đảng cầm quyền (năm 1945), Đảng luôn phấn đấu vì lợi ích của giai cấp, của nhân dân, “lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết”(3).

Là một đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, được nhân dân thừa nhận, tin tưởng, ủng hộ và được hiến định trong Hiến pháp và luật pháp, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng luôn phấn đấu làm tròn nhiệm vụ “giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(4), “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”(5), “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(6).

Mục đích cầm quyền của Đảng xét cho cùng là vì lợi ích của nhân dân. Trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng đã hun đúc nên truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu, động lực phấn đấu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”, “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”(7).

Một trong những nội dung quan trọng nhất thể hiện rõ vai trò Đảng cầm quyền là giải quyết thấu đáo, hài hòa mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; thực hiện tốt cơ chế: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, cùng lúc Đảng phải đồng thời lãnh đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiến pháp quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam”(8). Điều lệ Đảng quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền... Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”(9).

Thực tế, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội được xây dựng trên cơ sở pháp lý đồng bộ, thể hiện qua hệ thống văn bản pháp luật và đồng thuận, được khẳng định trong điều lệ, quy định của các tổ chức có liên quan như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Công đoàn..., chứ không phải do Cương lĩnh, Điều lệ Đảng “đơn phương” quy định. Đây là một yếu tố quan trọng bảo đảm tính chính danh, hợp hiến, hợp pháp về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trải qua 92 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định là đảng cách mạng chân chính nhất, là đảng cầm quyền, là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Từ khi thành lập cho đến nay, Đảng luôn đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, coi đó là điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi chủ trương, đường lối. Do đó, Việt Nam không cần thiết và không chấp nhận chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Hệ thống chính trị ở Việt Nam chỉ thừa nhận chế độ “nhất nguyên”, dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện mọi hoạt động dựa trên lợi ích của nhân dân, ngoài ra không có lợi ích nào khác.

Với sự cố gắng nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy quyền dân chủ và quyền công dân, hướng tới xây dựng một xã hội dân chủ đích thực mà ở đó mọi công dân đều được hưởng các thành quả của dân chủ, mọi công việc của xã hội đều được thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền ở Việt Nam

Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo khuynh hướng phong kiến và dân chủ tư sản đều rơi vào bế tắc, các đảng phái, tổ chức chính trị lúc đó đều không giữ vững vai trò “chèo lái” khi đất nước nguy nan. Chỉ duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra mục tiêu, đường lối, chiến lược cách mạng đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của lịch sử dân tộc và thời đại, cho nên Đảng được thừa nhận quyền lãnh đạo cách mạng.

Trong 30 năm kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945 - 1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi vẻ vang, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do của dân tộc.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Đảng đã lãnh đạo cả nước xây dựng CNXH và tiến hành công cuộc đổi mới bằng những bước đi, cách làm phù hợp, sáng tạo, đem tới thành công trên mọi lĩnh vực. Hơn nữa, việc Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19, cả nước sớm trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới, đã khẳng định nền chính trị nhất nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được củng cố, phát triển toàn diện, một lần nữa khẳng định tính tất yếu khách quan: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà không cần sự tồn tại của nhiều đảng.

Bên cạnh những thắng lợi vẻ vang, trong các chặng đường lịch sử, Đảng cũng không tránh khỏi những yếu kém, khuyết điểm, thậm chí là sai lầm. Song, Đảng không trốn tránh, giấu giếm mà đã dũng cảm nhìn nhận, đối diện, nghiêm túc tự phê bình, sửa chữa khuyết điểm, tự đổi mới, chỉnh đốn để đáp lại niềm tin, sự kỳ vọng của nhân dân bằng việc nỗ lực đưa đất nước phát triển bền vững, “Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được duy trì ở mức khá cao; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên... Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh không ngừng được củng cố... Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”(10).

Những thành quả đó đã chứng minh, chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới đủ khả năng lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Tuy nhiên, những thế lực phản động, thù địch luôn lợi dụng những khuyết điểm, sai lầm để khoét sâu, thổi phồng nhằm quy kết Đảng Cộng sản Việt Nam không đủ sức lãnh đạo cách mạng trong điều kiện mới. Một trong những luận điệu được các thế lực thù địch tập trung tuyên truyền, cổ súy nhiều nhất ở Việt Nam đó là đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Họ cho rằng “đa đảng là dân chủ, độc đảng là độc tài”, muốn có dân chủ thực sự phải thực hiện “đa nguyên, đa đảng”,... Đó chính là những hành động xuyên tạc nhằm kích động, chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước với nhân dân, hòng xóa bỏ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Do vậy, cần phải làm rõ hơn các luận điệu của những người muốn thực hiện đa đảng ở Việt Nam và lấy thực tiễn để chứng minh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch đó.

Xét cả phương diện lý luận và thực tiễn, Việt Nam chỉ cần một đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền - Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này được thể hiện trên các cơ sở: (i) Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là tất yếu, khách quan, xuất phát từ chính yêu cầu thực tiễn lịch sử, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Việt Nam; (ii) Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là chính danh, hợp hiến và hợp pháp được khẳng định trong các văn bản pháp luật của Việt Nam; (iii) Đảng là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; (iv) Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thực tế kiểm nghiệm qua những thành công, nhất là vào những bước ngoặt lịch sử, những lúc khó khăn của dân tộc; (v) Nhân dân Việt Nam đã thừa nhận, ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền.

Trải qua hơn 9 thập niên ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò không thể thay thế đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Với mô hình nhất nguyên chính trị, một đảng duy nhất cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc đạt được nhiều thành tựu to lớn: kinh tế không ngừng phát triển; đời sống chính trị - xã hội ổn định; chế độ dân chủ được đề cao và ngày càng phát huy rộng rãi hơn; quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được tôn trọng và bảo vệ; nhân dân đã trở thành người chủ của đất nước. Thực tiễn đó đã chứng minh trong chế độ một đảng duy nhất cầm quyền, dân chủ trong xã hội Việt Nam không những không bị mất đi, không bị hạn chế mà còn được bảo đảm, được phát huy sâu rộng trong thực tế.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 538 (tháng 12-2022)

Ngày nhận bài: 10-11-2022; Ngày bình duyệt: 11-12-2022; Ngày duyệt đăng: 19-12-2022.

 

(1), (7), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.104, 27-28, 77-78.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.611-612.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.13.

(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.289, 290.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.51.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88.

(9) ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.5-6.

TS NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền