Trang chủ    Bài nổi bật    Nhận diện một số thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam
Thứ sáu, 24 Tháng 2 2023 10:41
8602 Lượt xem

Nhận diện một số thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam

(LLCT) - Bài viết góp phần nhận diện một số thủ đoạn mà các thế lực thù địch và các phần tử cực đoan thường lợi dụng vấn đề tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam như: lợi dụng truyền đạo trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hình thành tư tưởng ly khai và chủ nghĩa dân tộc cực đoan; xuyên tạc chính sách tôn giáo nhằm can thiệp vào chính trị nội bộ, mặc cả trong các quan hệ đối ngoại của Việt Nam; tôn giáo hóa các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội; lợi dụng hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam; lợi dụng vấn đề đất đai liên quan đến cơ sở tôn giáo; lợi dụng mạng xã hội và diễn đàn quốc tế; lợi dụng các hoạt động từ thiện xã hội.

Pháp luật Việt Nam có những quy định cụ thể để bảo hộ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo - Ảnh: tapchicongsan.org.vn

 Cùng với các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, vấn đề tôn giáo cũng luôn bị các thế lực thù địch lợi dụng nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Có thể nhận diện một số cách thức, thủ đoạn mà chúng đã và đang sử dụng:

1. Lợi dụng truyền đạo trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm hình thành tư tưởng ly khai, dân tộc cực đoan

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo đoàn kết, cùng chung sống hòa bình, thân thiện với nhau. Trong lịch sử, một số chức sắc, tín đồ tôn giáo và đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã bị các thế lực thù địch lợi dụng để chống phá cách mạng. Lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam và khó khăn về kinh tế - xã hội ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thế lực thù địch đã lợi dụng việc truyền đạo trái pháp luật để gây ra những vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự, thậm chí tạo những điểm nóng chính trị - xã hội, nhằm tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Ở khu vực miền núi phía Bắc, những thập niên gần đây, chúng lợi dụng sự chuyển đổi niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo gắn với lịch sử, tâm lý của người Mông để kích động ly khai, thành lập “Nhà nước Mông tự trị” nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc. Sự kiện lợi dụng đạo Tin lành tuyên truyền, tập trung hàng nghìn người Mông tại bản Huổi Khon, huyện Nậm Bồ, tỉnh Điện Điên năm 2011 với âm mưu gây bạo loạn và vụ việc vài trăm người Mông (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) bị các phần tử phản động tuyên truyền, kích động đã trốn vào rừng nhằm tiếp tục âm mưu tuyên truyền, gây bạo loạn vào tháng 2-2020 (trong đó có nhóm người đã từng gây ra vụ bạo loạn năm 2011 tại Mường Nhé) cho thấy, các thế lực thù địch vẫn chưa từ bỏ âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để thúc đẩy hoạt động ly khai trong người Mông tại Việt Nam.

Ngoài việc lợi dụng đạo Tin lành, ở một số địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc, các phần tử phản động cũng tăng cường lợi dụng một số hiện tượng tôn giáo mới. Hiện tượng “Con đường mới” (ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), hiện tượng “Giê Sùa” (tại Điện Biên, Lai Châu) cũng đã bị lợi dụng để lôi kéo người Mông nhằm tập hợp lực lượng phục vụ cho hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”. Ở một số địa phương như Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Lào Cai, một số người Mông theo hiện tượng “Dương Văn Mình” cũng bị lôi kéo vào các hoạt động chống đối Nhà nước như: không tham gia hoạt động bầu cử, tổ chức biểu tình, khiếu kiện, khiếu nại,...

Tại khu vực Tây Nguyên, các thế lực Fulro, có sự tiếp tay từ nước ngoài, đã kích động đồng bào dân tộc thiểu số gây ra các vụ bạo loạn chính trị nhằm lật đổ chính quyền, âm mưu thành lập nhà nước “Đề ga tự trị”. Sự kiện chính trị năm 2001 và 2004 cùng các vụ việc phức tạp liên quan đến vấn đề tôn giáo, dân tộc kéo dài nhiều năm ở Tây Nguyên cho thấy rõ âm mưu và hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc của các thế lực thù địch, phản động nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và chống phá Nhà nước Việt Nam.

Những năm gần đây, ở nước ngoài, các tổ chức Fulro lưu vong như: “Hội những người miền núi”(MFI); “Nhân quyền người Thượng” (MHRO); “Người Thượng thống nhất” (UMP),... vẫn đang ra sức tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam với chiêu bài kích động người dân Tây Nguyên đấu tranh đòi thành lập nhà nước độc lập.

Ở trong nước, tàn dư của lực lượng Fulro có dấu hiệu hoạt động trở lại khi chúng lợi dụng các hiện tượng tôn giáo mới như “Hà Mòn”, “Bơ khắp Brâu” để truyền bá mê tín dị đoan và hoạt động chính trị, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự xã hội ở một số địa phương.

Ở khu vực miền Trung, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề Hồi giáo (Hồi giáo Bà ni, Islam giáo) và Bà-la-môn giáo để kích động đồng bào Chăm theo tư tưởng ly khai, khôi phục “Vương quốc Chămpa tự trị”.

Ở khu vực Tây Nam Bộ, người Khmer với Phật giáo Nam tông từ lâu đã bị chúng nhắm tới  trong chiêu bài thành lập quốc gia “Khmer Krôm tự trị”. Ở ngoài nước, nhiều tổ chức phản động của người Khmer như:“Hội Ái hữu Khmer Campuchia Krôm” (AKKK), “Hội bảo vệ nhân quyền Khmer Campuchia Krôm”, “Hội sư sãi Khmer Campuchia Krôm”, “Liên hiệp Ủy ban chủ nghĩa dân tộc” (KKK), “Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia Krôm” (KKNLF), “Ủy ban dung hòa Khmer Campuchia Krôm” (KKKCC), “ủy ban Điều phối Khmer Campuchia Krôm” (KKKCC)”, “Liên minh Khmer Campuchia-Krôm” (KKF),... cũng ráo riết đẩy mạnh hoạt động, kích động lôi kéo sư tăng ra nước ngoài học tập, kích động sư tăng trong nước ly khai khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ở trong nước, chúng lợi dụng mối quan hệ đồng tộc, đồng tôn giữa người Khmer ở Việt Nam và người Khmer ở Campuchia để kích động, lôi kéo người Khmer ly khai, tự trị.

2. Xuyên tạc chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm kiếm cớ can thiệp vào chính trị nội bộ, tạo sức ép và mặc cả trong các quan hệ đối ngoại

Trong những năm qua, các phần tử phản động là người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã câu kết với các thế lực thù địch nước ngoài chống phá Việt Nam bằng cách công bố những báo cáo sai sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam thông qua cách tiếp cận thông tin một chiều, phiến diện, thiếu thiện chí.

Năm 1998, Quốc hội Mỹ ban hành Đạo luật tự do tôn giáo quốc tế và thành lập Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ. Theo quy định của Đạo luật này, cán bộ ngoại giao của Mỹ ở các quốc gia có trách nhiệm thu thập thông tin về tình hình tự do tôn giáo ở nước sở tại. Ngoại trưởng và các đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế Mỹ, hằng năm sẽ phải trình lên Quốc hội “Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế, bổ sung các báo cáo mới nhất về nhân quyền với những thông tin chi tiết về các vấn đề liên quan tới tự do tôn giáo quốc tế”. Trên cơ sở báo cáo của Ngoại trưởng cùng một số nguồn thông tin khác, Văn phòng Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ sẽ tổng hợp và báo cáo Quốc hội về tình hình tự do tôn giáo của mỗi quốc gia. Các bản báo cáo này sẽ được chính quyền Mỹ sử dụng để xây dựng chính sách, triển khai công tác ngoại giao và trừng phạt các nước mà họ cho là có vi phạm tự do tôn giáo. Đây là quy định nhằm can thiệp trắng trợn vào nội bộ nước khác dưới chiêu bài tự do tôn giáo kiểu Mỹ.

Riêng với Việt Nam, trong các năm từ 2004 đến 2006, Mỹ cáo buộc Việt Nam có vi phạm tự do tôn giáo và đưa Việt Nam vào Danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt (CPC). Sau nhiều năm, với sự đấu tranh kiên quyết và thực tiễn thực hiện chính sách, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, Mỹ đã phải đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC. Tuy nhiên, một số chính khách cực đoan thiếu thiện chí với Việt Nam ở các nước như Mỹ, Anh, Đức, Canađa và các phần tử phản động người Việt Nam vẫn luôn ráo riết tác động tới Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ và Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Mỹ,... để thông qua các báo cáo, các nghị quyết, thông cáo, phúc trình có nội dung xuyên tạc, làm cho cộng đồng quốc tế hiểu sai về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, nhằm đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, bất chấp những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm tự do tôn giáo cho người dân.

Báo cáo thường niên của Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ trong các năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 đã có những nhận định thiếu khách quan và xuyên tạc trắng trợn về tự do tôn giáo ở Việt Nam như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam “quy định sự kiểm soát đáng kể của Chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo và bao gồm các điều khoản mơ hồ cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo”; “Tín đồ tôn giáo bị nhà chức trách sách nhiễu”; “Chính phủ Việt Nam đàn áp mọi tôn giáo, bắt giữ những người biểu tình ôn hòa để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và tự do thờ phụng”; “Các tôn giáo ở Việt Nam bị buộc im tiếng hay biến thành công cụ của nhà nước”; “Nhà nước Việt Nam gây khó khăn cho việc đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo”; Các nhân vật đấu tranh cho tự do tôn giáo luôn bị nhà nước gây khó khăn trong hoạt động, bị hạn chế đi lại; Ở Việt Nam có các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo”(1)...

Đặc biệt, gần đây nhất, tháng 12-2022, dựa trên những thông tin một chiều, phiến diện, thiếu khách quan, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa Việt Nam vào cái gọi là “Danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”(2).

Đó là những cáo buộc rất thiếu thiện chí, áp đặt với ý đồ xấu, hậu thuẫn cho các hoạt động vi phạm pháp luật của một số chức sắc, tín đồ tôn giáo cực đoan ở Việt Nam với chiêu bài “đấu tranh cho tự do tôn giáo”, “dân chủ, nhân quyền”. Đồng thời, thông qua những cáo buộc này, một số chính khách phương Tây nêu điều kiện, yêu sách đối với Việt Nam trong các quan hệ ngoại giao, nhằm đưa Việt Nam vào quỹ đạo ảnh hưởng, phục vụ cho lợi ích của họ và hòng từng bước chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam; đưa Việt Nam theo hướng tự do, dân chủ kiểu phương Tây; tạo cớ để can thiệp vào công việc nội bộ, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây bất ổn chính trị, xã hội ở Việt Nam.

3. Tôn giáo hóa các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội

Những năm qua, lợi dụng những sơ hở, hạn chế trong quản lý kinh tế - xã hội của Việt Nam, các phần tử phản động trong và ngoài nước đã kích động một số chức sắc, nhà tu hành xúi giục đồng bào theo đạo biểu tình, phản đối các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điển hình như: sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung năm 2016 do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, đã bị chúng kích động, lôi kéo dẫn đến hàng nghìn tín đồ Công giáo tụ tập, biểu tình, ngăn chặn các phương tiện giao thông qua lại, đập phá tài sản công, tấn công lực lượng chức năng...; vụ việc 39 người Việt tử vong trong container ở Vương quốc Anh cũng bị một số chức sắc tôn giáo lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước gây ra nghèo đói, khiến người dân phải bỏ đất nước ra đi kiếm sống và bỏ mạng nơi xứ người,...

Năm 2018, khi Nhà nước Việt Nam chuẩn bị thông qua một số dự luật như: Dự luật an ninh mạng, Dự luật đặc khu kinh tế - hành chính Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, một số chức sắc tôn giáo, nhà tu hành bị lợi dụng bởi các thế lực xấu đã kích động người dân tham gia biểu tình phản đối Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến việc thực thi pháp luật về đất đai, xây dựng của chính quyền và người dân xảy ra ở nhiều địa phương. Một số đối tượng cực đoan trong tôn giáo đã lợi dụng vào đó để kích động tín đồ, gây phức tạp về an ninh chính trị.

Năm 2020, ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội, các đối tượng cực đoan, phản động đã xúi giục, thúc ép một số người dân cố tình xâm phạm đất quốc phòng, tổ chức bắt giam cán bộ, chống đối người thi hành công vụ và tấn công lực lượng chức năng khiến 3 cảnh sát hy sinh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Khi các cá nhân phạm tội bị xử lý theo quy định của pháp luật thì một số chức sắc tôn giáo đã lợi dụng các buổi giảng đạo, lên tiếng phê phán Đảng, Nhà nước và kích động tín đồ biểu tình chống đối.

Có thể nói, các thế lực thù địch đã dùng thủ đoạn“tôn giáo hóa” các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội để chống phá Việt Nam. Các âm mưu, thủ đoạn đó đã tác động tiêu cực đối với xã hội, gây phức tạp về an ninh trật tự tại một số địa bàn, làm giảm sút niềm tin của một bộ phận chức sắc và đồng bào theo đạo đối với Đảng, Nhà nước ta.

4.  Lợi dụng hạn chế trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam để công kích Đảng, Nhà nước, công kích chế độ

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam cũng không tránh khỏi một số hạn chế trong công tác quản lý, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và trong thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo nói riêng.

Lợi dụng những tồn tại, hạn chế này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã thổi phồng, quy kết mọi tồn tại, hạn chế đó là do sự sai lầm, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Từ đó, chúng xúi giục một số chức sắc tôn giáo và một số đối tượng phản động là người dân tộc thiểu số kích động tín đồ và đồng bào dân tộc thiểu số khiếu kiện, nêu yêu sách với các danh nghĩa như: đòi quyền lợi cho tôn giáo, quyền lợi cho người dân tộc thiểu số, bảo vệ cuộc sống của người dân, của các nhóm yếu thế, kích động di cư tự do, xuất cảnh trái phép gây khó khăn cho công tác quản lý, gây mất an ninh trật tự, bất ổn chính trị tại một số địa bàn. Âm mưu của các thế lực thù địch là tạo ra các lực lượng chống đối Đảng, Nhà nước ngay trong lòng đất nước, tạo nên sự liên kết chống đối trong và ngoài nước hòng tạo cơ hội lật đổ chế độ thông qua các phong trào kiểu như “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” tại Việt Nam.

5. Lợi dụng vấn đề đất đai liên quan đến cơ sở tôn giáo

Những năm gần đây, vấn đề đất đai tôn giáo ở Việt Nam có nhiều diễn biến phức tạp. Các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai tôn giáo xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Lợi dụng vấn đề tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai tôn giáo, các thế lực thù địch đã kích động tín đồ các tôn giáo với chiêu bài “bảo vệ quyền lợi của giáo hội”, “bảo vệ quyền lợi của tín đồ tôn giáo” để lôi kéo tín đồ tôn giáo tụ tập, biểu tình, nêu yêu sách đòi lại đất đai, gây rối an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ. Nhiều vụ việc từ khiếu kiện đất đai đơn thuần đã đã trở thành điểm nóng về an ninh trật tự và tạo cớ để các thế lực bên ngoài lên tiếng, phê phán Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo, điển hình như các vụ việc: đền bù, giải tỏa đất tại số 178 Nguyễn Lương Bằng và số 42 Nhà Chung (Hà Nội), vụ Tam Tòa (Quảng Bình), vụ giáo xứ Cồn Dầu (Đà Nẵng), vụ chùa Liên Trì (Thành phố Hồ Chí Minh)và gần đây là các vụ việc phức tạp tại giáo phận Vinh, Kon Tum, v.v.. Các vụ việc khiếu kiện nói trên đã bị một số chức sắc Công giáo cực đoan lợi dụng, kích động người dân tụ tập, biểu tình chống đối Đảng, Nhà nước; kêu gọi tín đồ Công giáo hiệp thông để “đòi quyền lợi cho giáo hội và quyền lợi cho giáo dân”; kêu gọi các tổ chức quốc tế gây sức ép buộc Nhà nước Việt Nam phải trả lại đất đai cho tôn giáo,...

Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, mặc dù đều đã được Nhà nước cấp đất xây dựng cơ sở theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tại một số địa phương, một số chức sắc đã lợi dụng, tuyên truyền, xúi giục tín đồ chuyển nhượng đất trái pháp luật cho cơ sở tôn giáo. Thậm chí, có nơi chức sắc còn xúi giục tín đồ lấn chiếm đất để mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ sở thờ tự trái pháp luật. Khi các cơ quan quản lý nhà nước xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai liên quan đến tôn giáo thì các thế lực phản động tuyên truyền rằng, Nhà nước đàn áp tôn giáo, gây khó khăn cho sinh hoạt tôn giáo của người dân.

6. Lợi dụng mạng xã hội, diễn đàn quốc tế để xuyên tạc, bịa đặt về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Hiện nay, các phần tử phản động và một số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo đang ráo riết tranh thủ sự bùng nổ của mạng xã hội để tán phát, chia sẻ nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo”; gây chia rẽ nội bộ các tôn giáo bằng cách công kích các chức sắc, tín đồ tôn giáo tiến bộ, yêu nước, tích cực tham gia các tổ chức chính trị - xã hội; kêu gọi tín đồ tẩy chay tổ chức Giáo hội mà chúng cho là “do Nhà nước lập ra”; tuyên truyền kích động tín đồ đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam, đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, đòi xây dựng xã hội dân sự Việt Nam kiểu phương Tây. Chúng kêu gọi chính phủ các nước phương Tây lấy vấn đề tự do tôn giáo làm điều kiện trong đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương để buộc Nhà nước Việt Nam chấp nhận tự do tôn giáo trái với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Chúng còn lợi dụng các diễn đàn quốc tế, gặp gỡ các chính khách phương Tây để xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam. Hai nhân vật tôn giáo lưu vong là Mục sư Tin lành A Ga - người dân tộc thiểu số Tây Nguyên và tín đồ đạo Cao đài Lương Xuân Dương đã gặp Tổng thống Mỹ

Donald Trump vào tháng 7-2019, xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam, đề nghị Mỹ đưa Việt Nam trở lại Danh sách các nước cần được quan tâm đặc biệt. Có thể nói, đó là những hành động nực cười, phản động của những kẻ vong bản, quay lưng lại với quê hương, đất nước của họ.

7. Lợi dụng các hoạt động từ thiện xã hội để truyền đạo và tiến hành các hoạt động tôn giáo trái pháp luật

Những năm qua, có rất nhiều tổ chức phi chính phủ từ các nước đến Việt Nam hoạt động cứu trợ, từ thiện nhân đạo, trong đó có một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng các hoạt động này để truyền đạo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo và tiếp tay từ bên ngoài, một số chức sắc tôn giáo trong nước đã lợi dụng các hoạt động từ thiện, nhân đạo để tuyên truyền, kích động chia rẽ đồng bào dân tộc thiểu số với người Kinh; tìm cách mua chuộc, lôi kéo những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong các tôn giáo nhằm tạo dựng hạt nhân, chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị để tìm cớ can thiệp, hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới phức tạp hiện nay, các hoạt động lợi dụng tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng vô cùng đa dạng, phức tạp. Do đó, nhận diện âm mưu, thủ đoạn, cách thức lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch để chủ động có những đối sách kịp thời nhằm bảo đảm sự ổn định và phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho công tác tôn giáo của hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 539 (tháng 01-2023)

Ngày nhận bài: 07-11-2022; Ngày bình duyệt: 07-01-2023; Ngày duyệt đăng: 27-01-2023.

 

(1) Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế các năm 2017, 2018, 2019, 2020, https://www.state.gov/wp-content/uploads/VIETNAM-INTERNATIONAL-RELIGIOUS-FREEDOM-REPORT.pdf (2017, 2018, 2019, 2020).

(2) https://www.state.gov/countries-of-particular-concern-special-watch-list-countries-entities-of-particular-concern/.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Lan Hiền - Vũ Thị Mai Hiên (Tuyển chọn và hiệu đính): Tôn giáo và an ninh - mối liên hệ mới trong quan hệ quốc tế, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2021.

2. Hoàng Thị Lan (Chủ biên): Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021.

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Tôn giáo với các vấn đề về quyền con người, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2020.

4. Nguyễn Thanh Xuân, Lê Tâm Đắc (Chủ biên): Đời sống tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2019.

5. Lê Văn Lợi (Chủ biên): Giải quyết vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018.

PGS, TS HOÀNG THỊ LAN

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền