Trang chủ    Bài nổi bật    Điểm mới của Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị
Thứ ba, 28 Tháng 2 2023 14:35
3204 Lượt xem

Điểm mới của Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị

(LLCT) - Ngày 02-02-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW (sau đây gọi là Quy định 96-QĐ/TW) về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08-10-2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Quy định 96-QĐ/TW có nhiều điểm mới về nội dung, cập nhật và khái quát công tác cán bộ của Đảng. Làm rõ những điểm mới trong Quy định 96-QĐ/TW có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên về lấy phiếu tín nhiệm hiện nay.

Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có nhiều điểm mới về nội dung, cập nhật và khái quát công tác cán bộ của Đảng - Ảnh: vietnamplus.vn

Sau Đại hội XIII của Đảng, để đưa các nội dung của Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống thì hàng loạt các quy định thi hành Điều lệ Đảng đã được các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung như: Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30-7-2021 về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 08-9-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật...

Ngày 02-02-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08-10-2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Thực tế cho thấy, những nội dung về quản lý, đánh giá cán bộ tuy đã được quy định nhưng cần được cập nhật, bổ sung. Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ: “Quy định, hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng về công tác quản lý đảng viên chưa bao quát hết tình hình thực tiễn”(1), “Việc cụ thể hóa Điều lệ Đảng về nguyên tắc tổ chức và cơ cấu tổ chức của Đảng còn có nội dung chưa phù hợp”(2), “Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong tổ chức và hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng có nội dung chưa được quy định cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, nhất là về mối quan hệ, trách nhiệm giữa tập thể, cá nhân và người đứng đầu, nên khó xác định trách nhiệm của cá nhân khi xảy ra sai phạm”(3)

Bên cạnh đó, thực tiễn áp dụng các quy định cho thấy còn có những vướng mắc, bất cập do các quy định cụ thể hóa Điều lệ Đảng chưa thực sự đồng bộ và thống nhất, chưa dự liệu hết những tình huống xảy ra trong thực tế.

Đại hội XIII chỉ rõ: “Những vướng mắc, bất cập nêu trên chủ yếu liên quan đến nội dung trong các quy định, hướng dẫn của Trung ương”(4). Do vậy, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 96-QĐ/TW thay thế Quy định số 262-QĐ/TW là rất cần thiết, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Quy định 96-QĐ/TW có những điểm mới nổi bật như sau:

Thứ nhất, về bố cục, kết cấu

Điều 1, Quy định 96-QĐ/TW đã bổ sung “Quan điểm” bên cạnh “Nguyên tắc” của Điều 1, Quy định 262-QĐ/TW. Nội dung của Điều 1, Quy định 96-QĐ/TW có tính cô đọng, khái quát và nêu rõ việc tuân thủ các nguyên tắc xây dựng Đảng, đề cập rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu, nhất là người được lấy phiếu tín nhiệm, người ghi phiếu tín nhiệm.

Điều 1, Quy định 96-QĐ/TW nêu rõ: lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ chứ không phải chỉ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ. Đây là điểm mới rất đáng chú ý vì Quy định 262-QĐ/TW nêu: “việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ vào năm thứ 3 giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp”, “Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ”.

Thứ hai, Quy định 96-QĐ/TW bổ sung Điều 2. Mục đích, yêu cầu

1. Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

2. Góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

3. Quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực hiện nghiêm theo quy định này và các văn bản liên quan, bảo đảm thực chất, góp phần tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng.

Chuyển Điều 2 của Chương 1 về phạm vi, đối tượng vào Chương 2 và chuyển các quy định có tính liệt kê xuống phần Phụ lục.

Thứ ba, Điều 5, Chương III, Quy định 96-QĐ/TW bổ sung tiêu chí thay cho nội dung lấy phiếu tín nhiệm ở Điều 7, Quy định 262-QĐ/TW

Điều 5. Tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm

1. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật

- Lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân; liêm chính, trung thực, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; chấp hành sự phân công của tổ chức; thực hiện các quy định, quy chế của cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

- Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

2. Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu)

- Kết quả lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị trực thuộc.

- Kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách.

Điểm mới về tiêu chí là, đã cập nhật thêm các quy định mới của Đảng sau Đại hội XIII như: kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú.

Như vậy, so với Quy định 262-QĐ/TW, việc thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú cũng được đưa vào tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm.

Bên cạnh “Kết quả lãnh đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách” của Quy định 262-QĐ/TW thì Quy định 96-QĐ/TW bổ sung: “Kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát” một số tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm.

Thứ tư, Quy định 96-QĐ/TW bổ sung mới Điều 8. Xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm

Căn cứ Quy định của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định, trong đó xác định cụ thể: Mục đích, yêu cầu, số lượng và chức danh lấy phiếu tín nhiệm, thành phần ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh, việc công khai và sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; phân công tổ chức thực hiện… phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, về quy trình lấy phiếu tín nhiệm.

Điều 9, Quy định 262-QĐ/TW chia 3 nhóm cán bộ lấy phiếu tín nhiệm:

9.1- Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư

9.2- Đối với ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp

9.3- Đối với các chức danh cán bộ khác (nêu tại Điều 5 của Quy định này)

Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Điều 9, Quy định 96-QĐ/TW được bổ sung theo hướng chia cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm thành 2 nhóm:

1. Đối với các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị

2. Đối với các chức danh cán bộ do Quốc hội và hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành theo 3 bước:

Bước 1: Chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm

Bước 2: Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm

Bước 3: Báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Thứ sáu: về cách thức công khai kết quả phiếu tín nhiệm

Điều 10, Quy định 262-QĐ/TW nêu:

- Việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm có thành phần ghi phiếu tín nhiệm nêu tại Điều 5 của Quy định này.

- Căn cứ vào tình hình cụ thể, cấp có thẩm quyền quyết định công khai tín nhiệm đối với cán bộ ở phạm vi, đối tượng khác.

Điều 10, Quy định 96-QĐ/TW nêu rõ ràng, cụ thể hơn:

- Công bố tại các hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

- Đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư thì công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

- Đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn thì công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân biết.

- Đối với các chức danh, chức vụ còn lại trong hệ thống chính trị thì công khai tại hội nghị lấy phiếu tín nhiệm.

Thứ bảy, về sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm

Điều 11, Quy định 96-QĐ/TW được bổ sung khá đầy đủ, cập nhật, đồng bộ hóa với các quy định của Đảng sau Đại hội XIII.

Một là, Quy định 96-QĐ/TW khẳng định “Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”.

Nếu trước đây, “kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ” thì nay là để “đánh giá” chứ không phải chỉ là một kênh để tham khảo trong đánh giá cán bộ. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng vì đánh giá giá cán bộ vẫn luôn là khâu khó, thậm chí bị coi là khâu “yếu” trong công tác cán bộ của Đảng.

Hai là, theo Quy định 262-QĐ/TW “Những đồng chí có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp”, thì Quy định 96-QĐ/TW làm rõ “Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định”.

Như vậy, trước đây “việc đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn” chỉ được tiến hành “khi rà soát, bổ sung quy hoạch” thì nay “cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn” chứ không đợi đến khi rà soát, bổ sung quy hoạch.

Quy định 96-QĐ/TW thay cụm từ mang tính chung chung của Quy định 262-QĐ/TW là “xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp” bằng cụm từ rất rõ ràng, cụ thể “xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định”.

Ba là, Quy định 262-QĐ/TW nêu: “Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác” thì Quy định 96-QĐ/TW làm rõ: “Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”.

Như vậy, trước đây “Những đồng chí có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác” thì nay “Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”.

Đây là điểm mới rất thuyết phục, thể hiện tính rõ ràng, khả thi và đồng bộ hóa các quy định của Đảng. Trước đây, Quy định số 260-QĐ/TW ngày 02-10-2009 về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ đã có các hình thức cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ. Trong đó, cho thôi giữ chức vụ được định nghĩa “là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ chấm dứt chức vụ để nhận nhiệm vụ khác hoặc nghỉ để chữa bệnh. Việc thôi giữ chức vụ gắn với yếu tố khách quan”. 

Hiện nay, Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ chỉ còn các hình thức miễn nhiệm và từ chức nên việc Quy định 96-QĐ/TW quy định: “Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm” thể hiện tính cập nhật, đồng bộ cũng như sự nghiêm khắc của Đảng trong công tác cán bộ. Vì, theoQuy định số 41-QĐ/TW ngày 03-11-2021 của Bộ Chính trị: “Từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận” nhưng “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”.

Quy định 96-QĐ/TW bổ sung trường hợp “Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở 2 nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi”.

Như mục đích, yêu cầu nêu tại Điều 2, Quy định 96-QĐ/TW, việc lấy phiếu tín nhiệm góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác; là cơ sở quan trọng để cấp ủy, tổ chức đảng đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, giám sát cán bộ.

Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất, có hiệu quả đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định đối với mỗi tổ chức đảng, đảng viên đáp ứng yêu cầu thực tiễn chính là thiết thực đưa các quy định của Đảng vào cuộc sống, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đường lối, chủ trương có rồi, phải có biện pháp thực hiện cho tốt. Chủ nghĩa xã hội là phải có biện pháp. Kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, và quyết tâm phải ba phần, có như thế mới có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhà nước”(5).

_________________

Ngày nhận bài: 06-02-2023; Ngày bình duyệt: 13-02-2023; Ngày duyệt đăng: 24-02-2023

 

(1), (2), (3), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.266-267, 273, 273, 300.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.25.

PGS, TS LÊ VĂN CƯỜNG

Viện Xây dựng Đảng

 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền