Trang chủ    Bài nổi bật    Đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc về phòng, chống tham nhũng
Thứ ba, 11 Tháng 4 2023 14:45
5995 Lượt xem

Đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc về phòng, chống tham nhũng

(LLCT) - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến lâu dài. Thời gian qua, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, đưa ra ánh sáng nhiều vụ án lớn, liên quan đến nhiều người, kể cả những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, các thế lực thù địch lại lợi dụng cơ hội này để tuyên truyền xuyên tạc chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. Bài viết khái quát những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về phòng, chống tham nhũng và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh chống những luận điệu này.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh tư liệu TTXVN

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, ngày càng quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có hạ cánh an toàn” và đã đạt được những kết quả rõ rệt, được người dân đồng tình, ủng hộ, các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Trước thành quả đó, một số phần tử thù địch, phản động lợi dụng bôi nhọ, xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, bóp méo chủ trương, kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ Đảng, Nhà nước.

1. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cuộc chiến vừa mang tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài của Đảng và Nhà nước ta

Ở Việt Nam, tham nhũng được Đảng ta coi là kẻ thù, giặc “nội xâm”, một trong bốn nguy cơ lớn của sự nghiệp cách mạng, của chế độ XHCN; công tác phòng, chống tham nhũng được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp.

Theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tham nhũng Việt Nam, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để vụ lợi. Người có chức vụ, quyền hạn ở đây là những người làm việc trong cơ quan, tổ chức và các đơn vị trong hệ thống chính trị sử dụng vốn và tài sản, ngân sách nhà nước.

Các hành vi tham nhũng là: tham ô, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi sai trái; dùng tài sản đưa hối lộ; sử dụng trái phép tài sản, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; giả mạo trong công tác để vụ lợi; lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác...

Hậu quả của tham nhũng là vô cùng nguy hại. Tham nhũng gây thất thoát nguồn lực của quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị - xã hội. Về mặt chính trị, tình trạng tham nhũng trong cơ quan nhà nước sẽ khiến nhân dân mất lòng tin với Đảng và hệ thống chính trị, gây cản trở đất nước tiến lên CNXH. Về mặt kinh tế, tham nhũng làm chậm nhịp độ phát triển, phá vỡ chiến lược phát triển, hạn chế nguồn lực đầu tư, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Về mặt văn hóa - xã hội, tham nhũng là nguyên nhân phá hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp, làm tha hóa đạo đức cán bộ, gây bất bình trong xã hội, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Vì vậy, ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết phòng, chống tham ô, tham nhũng. Người từng nhắc nhở: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó, phải thực hiện cần kiệm liêm chính, để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”(1). Như vậy, việc chống tham nhũng không phải bây giờ chúng ta mới làm, mà đã làm từ lâu, làm thường xuyên và hiện nay đang được Đảng, Nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến Đại hội VI (năm 1986), Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cùng với tập trung khắc phục các mặt tiêu cực, hạn chế, yếu kém, cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được Đảng ta nhấn mạnh. Đại hội VI thẳng thắn chỉ rõ: “Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật, kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước... chưa bị trừng trị nghiêm khắc”(2). Tiếp đó, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về công tác phòng, chống tham nhũng: Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 12-9-1987 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”; Nghị quyết Trung ương 8 khóa VI về tiến hành cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa VII về việc tiếp tục ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa VII (15-5-1996) về lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng...

Trong các Văn kiện Đại hội VIII, IX và X, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ. Đại hội X nêu rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng”(3).

Đại hội XI, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đảng ta khẳng định, trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến rõ nét. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhiều quan chức cấp cao, kể cả thuộc diện Trung ương quản lý cũng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng quyết định đưa 8 vụ án tham nhũng trọng điểm, làm thất thoát tài sản lớn của đất nước từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng ra xét xử trước kỳ Đại hội XII của Đảng(4).

Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ, quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”(5). Đảng ta cũng có những bước phát triển mới về phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp, như: hoàn thiện pháp luật, chính sách về kê khai tài sản; kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt nhấn mạnh vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”(6). Đại hội XIII đã chỉ rõ: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”; “kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn và hiệu quả hơn”.

Tại kỳ họp thứ 20 ngày 05-8-2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn không ngừng, không nghỉ, thậm chí ngày càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả hơn và thêm nhiều bài học quý, kinh nghiệm tốt hơn... Thời gian tới phải làm mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa... Đây là vì sự nghiệp chung, không thể không làm, cắt một vài cành sâu để cứu cả cây, làm rất quyết liệt nhưng rất nhân văn, nhân đạo, rất có lý, có tình, tâm phục, khẩu phục... Nhiệm vụ sắp tới còn nặng nề, khó khăn, không được chủ quan và mong mỏi của nhân dân vẫn là phải tiếp tục cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng không được dừng.

Với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, từ năm 2013 đến 2020, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, lạm dụng chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...)(7).

Năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 26 cán bộ liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, lạm dụng chức vụ, kinh tế; trong đó, riêng án tham nhũng, lạm dụng chức vụ đã khởi tố 390 vụ/1.011 bị can. Cơ quan chức năng đã khởi tố nhiều vụ án lớn, mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Trong đó, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế, như vụ án Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Qua đó, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng(8). Điều đó thể hiện công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài.          

2. Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước

Trong khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta được nhân dân đồng tình và quốc tế ca ngợi thì các thế lực phản động, thù địch lại lợi dụng để tuyên truyền nói xấu chế độ, nói xấu Đảng và Nhà nước ta, nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”.

Các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những luận điệu xuyên tạc đó là:

Một là, chúng xuyên tạc rằng “tham nhũng là bản chất của chế độ cộng sản” và cho rằng “chỉ có ở các nước tư bản nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ”

Thực tế, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí không phải bây giờ mới có, mà đây là căn bệnh xấu đã có từ lâu trong xã hội. Ở đâu có quyền lực, ở đó có tham nhũng. Ngay từ rất sớm, các triều đại phong kiến đã xác định tham nhũng là hành vi xâm hại trật tự pháp luật, đạo đức và sự tồn vong của triều đại, phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc. Thí dụ, dưới triều đại vua Lê Thánh Tông (1442-1497) và vua Minh Mạng (1791-1840), phòng, chống tham nhũng được triều đình hết sức quan tâm.

Phòng, chống tham nhũng trở thành một nhiệm vụ cấp bách trong chính sách cai trị của nhà Lê sơ (1428-1527), đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông. Năm 1483, Lê Thánh Tông cho ban hành Quốc triều hình luật (hay Lê triều hình luật/Luật Hồng Đức) - bộ luật quan trọng và chính thống nhất dưới triều Lê sơ, cũng là bộ luật tiến bộ và hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam thời phong kiến. Một trong những nội dung chủ yếu trong bộ luật là phòng, chống tham ô, tham nhũng.

Đến thời nhà Nguyễn (1802-1945), sau khi lên ngôi, vua Gia Long (1762-1820) đã ban hành Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), bao gồm 22 quyển, chia thành 7 chương, 398 điều và 30 điều tỷ dẫn; trong đó, 17 quyển và 79 điều quy định riêng về luật hình đối với các tội tham ô, nhũng nhiễu và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này với những quy định rất hà khắc(9). Những quy định đó cho thấy, ý thức, chủ trương và quyết tâm của các vị vua và triều đại phong kiến Việt Nam trong việc loại trừ một cách kiên quyết tệ nạn này.

Ở các nước tư bản phát triển có tham nhũng không? Theo một số nghiên cứu mới đây, vấn nạn tham nhũng ở gần một nửa số quốc gia trên thế giới không được cải thiện nhiều. Thậm chí ở nhiều quốc gia, nạn tham nhũng đang ngày càng tăng lên, ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống ở các dân tộc, ở mọi châu lục(10).

Thí dụ, vụ Watergate - vụ bê bối về quyền lực chính trị để trục lợi từ năm 1972 - 1974 của Tổng thống Mỹ Richard Nixơn. Trước nguy cơ bị Quốc hội phế truất ngày 09-8-1974, Tổng thống Mỹ Richard Nixơn buộc phải từ chức. Đây là tổng thống đầu tiên và duy nhất trong lịch sử nước Mỹ phải từ chức khi đang là tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Cựu Tổng thống Philíppin Joseph Estrad phạm tội tham nhũng, phải ngồi tù chung thân. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye bị Quốc hội Hàn Quốc phế truất chức tổng thống vào tháng 12-2016 do bị buộc tội tham nhũng, dính líu đến vụ bê bối chính trị dùng quan hệ cá nhân để tăng ảnh hưởng và trục lợi tài chính.

Như vậy, ở các nước tư bản, ngay cả một số nước tư bản phát triển, vẫn có tình trạng tham nhũng và thậm chí ở cấp cao nhất, do đó, luận điểm “chỉ có ở các nước tư bản thì nạn tham nhũng mới được dẹp bỏ” đã trở nên vô giá trị ngay trên chính thực tiễn của nó. Tham nhũng xuất hiện và tồn tại ở tất cả các hình thức, các kiểu nhà nước đã từng tồn tại và đang tồn tại trong lịch sử nhân loại. Tất cả các hình thức, các kiểu nhà nước muốn tồn tại và phát triển đều phải đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Đó là lý do vì sao ở các quốc gia đều có luật phòng, chống tham nhũng.

Hai là, luận điệu xuyên tạc rằng chống tham nhũng là “đấu đá”, là “thanh trừng nội bộ”

Thời gian qua, trên không gian mạng đã xuất hiện những bài viết xuyên tạc về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta, trong đó, có luận điệu “đấu tranh phòng, chống tham nhũng là đấu đá, thanh trừng nội bộ”. Gần như mỗi khi trong nước có sự kiện chính trị gì thì các trang mạng phản động như: Việt Tân, VOA Tiếng Việt, Dân làm báo, RFA, BBC... lại tìm mọi cách tung những luận điệu xuyên tạc, bóp méo thông tin, sự thật và tầm quan trọng của vấn đề này. Đáng chú ý là các trang mạng này dẫn lại những bình luận mang tính võ đoán, xuyên tạc, bịa đặt, những thông tin được “thêu dệt” bởi những thế lực phản động, như: Nguyễn Tường Thụy, Lã Việt Dũng, Lê Công Định... Chúng xuyên tạc rằng, “chống tham nhũng thực chất là đấu đá, thanh trừng nội bộ, phe phái”, là “ông ấy tập trung vào phe kia, ông ấy chưa dám động vào những người thuộc phe ông ấy”.

Không chỉ vẽ ra cảnh đấu đá nội bộ ở cấp Trung ương, các thế lực thù địch còn vẽ ra cảnh đấu đá nội bộ ở các địa phương, dựng lên cái gọi là “cuộc chiến chiếm lĩnh quyền thống trị”. Chúng còn bịa ra những lực lượng, cá nhân được hưởng lợi từ sự đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự bịa đặt này cũng không nằm ngoài âm mưu, thủ đoạn chia rẽ nội bộ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng.

Trước đây, chúng hay công kích nước ta yếu kém trong phòng, chống tham nhũng, thờ ơ, bao che hành vi tham nhũng, nhưng giờ đây, khi công cuộc chống tham nhũng của Đảng ta đang vào giai đoạn nóng bỏng, nạn tham nhũng dần được đẩy lùi, thì chúng lại xuyên tạc nhiều hơn.

Chống tham nhũng trong bất cứ thời đại nào cũng nhằm mục đích giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế, lành mạnh xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, đối với nhà nước. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động đứng dưới mác là “nhà báo độc lập”, “nhà dân chủ” cố tình xuyên tạc mục tiêu, động cơ của công cuộc phòng, chống tham nhũng. Với những luận điệu xuyên tạc, họ đã quy chụp, đánh tráo khái niệm để lôi kéo, dẫn dắt dư luận chống đối. Mục đích của bọn chúng là chia rẽ nội bộ Đảng, làm suy yếu sức mạnh của Đảng và giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước ta, thực hiện các mưu đồ chính trị như phủ nhận chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; phủ định giá trị lịch sử dân tộc và thành quả cách mạng; xuyên tạc, bóp méo các sự kiện chính trị, xã hội, các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; hạ bệ, bôi nhọ, nói xấu các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước(11).

Thực tế chống tham nhũng nước ta thời gian qua có phải là “thanh trừng nội bộ”? Những kẻ tham nhũng bị xét xử đều là những quan chức vì lòng tham, đã tìm mọi cách đục khoét của công, cuối cùng đều phải cúi đầu nhận tội, “tâm phục, khẩu phục” và thừa nhận rằng pháp luật Việt Nam đã xử đúng người, đúng tội.

Khi cuộc chiến chống tham nhũng ở nước ta càng đi vào chiều sâu, diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyết liệt, các cơ quan thi hành pháp luật càng đưa ra ánh sáng những vụ án tham nhũng lớn, xét xử những cán bộ cao cấp ở trong bộ máy nhà nước thì nhân dân càng tin tưởng, ủng hộ và hệ thống chính trị nước ta càng ổn định.

Chúng ta phải cảnh giác với các âm mưu phản động, phải nhận thức rõ rằng, đây không phải là “một cuộc đấu đá nội bộ” mà là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, để cho Đảng trong sạch hơn, bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả hơn. Đó cũng chính là thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, giữ vững và nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Ba là, chúng cho rằng “để bài trừ tham nhũng ở Việt Nam thì phải thay đổi chế độ”

Đến đây, những kẻ xuyên tạc cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của nước ta đã phơi bày bộ mặt thật của họ là những kẻ phản động, tuyên truyền cho việc thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, lật đổ chế độ XHCN ở nước ta.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi Đảng và Nhà nước ta chủ động đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách để bóp méo, bịa đặt với mục đích cản trở sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới; xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phá hoại Đảng và chế độ, làm tan rã mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.

Môi trường mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã, đang và sẽ tập trung chủ yếu là các nền tảng mạng xã hội. Thông qua việc thiết lập các website, blog để truyền tải thông tin xấu, độc, nhằm phá hoại tư tưởng, đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, gây nhiễu loạn thông tin, làm phức tạp về chính trị - xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Chiêu bài chủ yếu của chúng là lợi dụng những vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong đời sống để xuyên tạc, thổi phồng; lấy hiện tượng quy kết thành bản chất; đăng tải thông tin thật, giả lẫn lộn, đưa ra cái gọi là “tài liệu chứng minh” để xuyên tạc vai trò lãnh đạo, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bịa đặt về bí mật theo kiểu hé lộ những “thâm cung bí sử” trong Đảng... Qua đó, tác động, “dương Đông kích Tây” làm gia tăng các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và kích động xã hội nảy sinh quan điểm tùy tiện, phản biện vô nguyên tắc, phản đối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kêu gọi từ bỏ Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin; thúc đẩy lối sống thực dụng, thẩm thấu tư tưởng văn hóa ngoại lai vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân (nhất là thế hệ trẻ), làm phai nhạt lý tưởng cách mạng, băng hoại đạo đức xã hội... Lợi dụng các sự kiện chính trị - xã hội “nhạy cảm”, việc bắt, xử lý những cán bộ cao cấp về tội tham nhũng; xét xử số đối tượng chống đối vi phạm pháp luật, để lôi kéo, kích động người dân tập trung đông người gây rối an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, lật đổ; tuyên truyền kích động các hoạt động ly khai. Móc nối, lôi kéo các đối tượng cơ hội chính trị, có cả cán bộ đương chức, tướng lĩnh đã nghỉ hưu và thành phần chống đối là trí thức, văn nghệ sĩ, tăng cường chống Đảng, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ”(12).

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và toàn dân sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chống tham nhũng sẽ càng gia tăng, tinh vi và xảo quyệt hơn. Do đó, đấu tranh chống tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chống tham nhũng phải được triển khai tích cực, thường xuyên và lâu dài. Trong đó, chú trọng một số nội dung cơ bản sau:

Một là, tích cực nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân để họ nhận diện rõ âm mưu của các thế lực thù địch, vạch trần bản chất của chúng, định hướng tiếp nhận thông tin trên mạng có chọn lọc, khách quan.

Trước những sự kiện chính trị, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, các cơ quan thông tin, truyền thông cần khai thác thông tin từ cơ quan chức năng, để thông tin kịp thời, chính xác, bình luận trung thực, khách quan, góp phần định hướng, tạo sự thống nhất trong nhận thức, thái độ và phương pháp giải quyết vấn đề.

Thực tiễn đã chứng minh, trước những vấn đề bức xúc về tư tưởng, dù phức tạp đến đâu, nếu thực hiện công tác thông tin kịp thời, đúng đắn, làm tốt việc định hướng thông tin, thì sự việc sẽ được giải quyết ổn thỏa, bức xúc trong xã hội sẽ được giải tỏa, không còn cơ hội để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, bịa đặt, chống phá.

Nâng cao nhận thức để người dân là người dùng mạng xã hội thông thái. Khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội nên chọn những trang thông tin tin cậy, uy tín; biết đặt nghi vấn đối với các thông tin; chủ động kiểm chứng, không chia sẻ khi chưa kiểm chứng thông tin...

Mỗi tổ chức, cá nhân phải nhận thức rõ phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, kiên quyết phòng, chống với tinh thần thẳng thắng, quyết liệt. Phòng, chống tham nhũng bằng cả cơ chế, chính sách và hệ thống kiểm soát quyền lực... Có như vậy, tham nhũng, lợi ích nhóm mới bị đẩy lùi. Đồng thời, phải luôn tỉnh táo trước các âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này.

Hai là, xây dựng “mặt trận” thống nhất nhằm phản ứng linh hoạt, chủ động, kịp thời đối với mọi luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch về cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng ta.

Mỗi cấp ủy, mỗi đảng viên, mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, trong đó những người làm công tác tuyên giáo, công tác chính trị, tư tưởng, báo chí là những chiến sĩ tiên phong. Sự lên tiếng chính thức, kịp thời của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cũng thể hiện rõ vai trò và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành trước mỗi vấn đề, sự kiện nảy sinh; đồng thời, đây là một biện pháp hiệu quả để định hướng dư luận, củng cố niềm tin, tạo sức đề kháng chống lại sự tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch.

Công tác tư tưởng lý luận cần nhận diện, phát hiện và dự báo sớm một số vấn đề có thể gây bức xúc về tư tưởng và phải luôn đi trước, đi cùng trong quá trình giải quyết vụ việc. Phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, ban tuyên giáo các cấp, kịp thời bám sát thực tiễn, bảo đảm tính chính xác, có chiều sâu trí tuệ, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân thì mới hạn chế thấp nhất những tác động của thông tin xấu, độc trên không gian mạng.

Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm an ninh và an toàn thông tin mạng trong tình hình mới và Thông báo số 17/TB-VPTW ngày 23-8-2016 của Thường trực Ban Bí thư về biện pháp cấp bách bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng... Đặc biệt là tổ chức triển khai mạnh mẽ Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đây là sự định hướng chiến lược quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, xây dựng lực lượng tác chiến trên không gian mạng.

Các cơ quan báo chí phải giữ vững vai trò định hướng thông tin, thực hiện kết nối, tích hợp các ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến vào sản phẩm báo chí của mình hoặc tạo dựng những kênh truyền thông xã hội riêng nhằm tận dụng lợi thế của các phương tiện này để lan tỏa thông tin chính thức đến công chúng. Đặc biệt, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp trong cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận: 30-12-2022; Ngày bình duyệt: 15-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

 

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.457.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1986, tr.700.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.75.

(4) Nguyễn Trần Thành: Quan điểm của Đảng về phòng, chống tham nhũng trong Văn kiện Đại hội XII, lyluanchinhtri.vn, ngày 22-5-2017.

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.145-146, 146

(7) https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/chong-tham-nhung-khong-co-vung-cam-khong-co-ngoai-le-bat-ke-nguoi-do-la-ai-569834.html, ngày 12-12-2020.

(8) Bùi Thị Tỉnh: Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, dangcongsan.vn, ngày 16-8-2022.

(9) Lê Kiều Hoa: Pháp luật về phòng chống tham nhũng thời phong kiến, https://luatminhkhue.vn/phap-luat-thoi-phong-kien-viet-nam-ve-phong-chong-tham-nhung.aspx

(10) Hồng Nhung: Vấn nạn tham nhũng trên thế giới, http://tapchimattran.vn, ngày 28-7-2017.

(11) Anh Quang: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng không phải là đấu đá, thanh trừng nội bộ mà là để xây dựng, chỉnh đốn và bảo vệ Đảng, Trang thông tin điện tử công an tỉnh Đắc Lắc, ngày 22-10-2021.

(12) Phạm Thị Vui: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch trên không gian mạng - trách nhiệm không của riêng ai, http://dukcqtw.dcs.vn/, ngày 10-8-2021.

TS TRẦN VĂN HIẾU

Trường Đại học Cần Thơ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền