Trang chủ    Bài nổi bật    Nhận diện và đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam
Thứ năm, 20 Tháng 4 2023 11:55
24738 Lượt xem

Nhận diện và đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc tự do tôn giáo ở Việt Nam

(LLCT) - Hiện nay, các thế lực thù địch đưa ra nhiều ý kiến mang tính phiến diện, cực đoan, thể hiện cái nhìn thiếu khách quan, thậm chí luận điệu xuyên tạc về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam được diễn giải theo mưu đồ chính trị nhằm phủ nhận sự đổi mới chính sách về tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Bài viết góp phần nhận diện những luận điệu xuyên tạc về tự do tôn giáo ở Việt Nam và luận cứ bác bỏ những luận điệu này.

Lễ hội chùa Thầy năm 2023 - Ảnh: hanoimoi.com

1. Nhận diện những luận điệu sai sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Với cái nhìn thiếu thiện chí, một số quốc gia phương Tây vu cáo Việt Nam đàn áp, kiểm soát, giới hạn tự do tôn giáo thông qua các điều khoản luật “mơ hồ”.

Trong các báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, từ góc nhìn thiên lệch và thiếu khách quan, thường đưa ra nhiều nhận định chủ quan rằng “chủ nghĩa vô thần chống tôn giáo”, quyền tự do tôn giáo bị vi phạm nghiêm trọng. Trong Báo cáo thường niên mới nhất của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế vẫn cho rằng tình trạng vi phạm tự do đức tin và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam chưa được cải thiện, rằng việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo là trái với các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và vi phạm có hệ thống tự do tôn giáo(1).

Trên cơ sở Báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 nhận định, luật pháp Việt Nam quy định sự kiểm soát đáng kể của Chính phủ đối với các hoạt động tôn giáo, trong đó bao gồm nhiều điều khoản “mơ hồ” để hạn chế quyền tự do tôn giáo vì lợi ích của an ninh quốc gia và đoàn kết xã hội(2). Nhiều tổ chức ở Hoa Kỳ liên tục chỉ trích Việt Nam trong vấn đề pháp nhân tôn giáo. Họ cho rằng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo duy trì một quy trình đăng ký và công nhận với nhiều giai đoạn áp dụng cho các nhóm tôn giáo(3), đặc biệt là với các nhóm tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo mới.

Mặc dù Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 cũng ghi nhận một số cải thiện về tự do tôn giáo ở Việt Nam, song nhìn chung, vẫn cáo buộc Việt Nam hạn chế quyền tự do tôn giáo, cho rằng chính quyền đóng cửa khu vực màu xám (tức các nhóm tôn giáo chưa đăng ký hoạt động) và cáo buộc Việt Nam hình sự hóa hoạt động tôn giáo.

Như vậy, trong cách nhìn nhận của các tổ chức này, việc Chính phủ Việt Nam ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thực chất là nhằm “quản chế” và “trừng phạt” các hoạt động tôn giáo, khiến cho các hoạt động tôn giáo trở nên khó khăn hơn. Họ lập luận rằng, Việt Nam chưa thực sự xem tổ chức tôn giáo như một nguồn lực xã hội mà vẫn xem đây là một thực thể chính trị, điều này dẫn tới việc cản trở đức tin và thực hiện đức tin tôn giáo vẫn tiếp diễn.

Mỹ cũng thường xuyên phối hợp với các nước trong Liên minh châu Âu (EU) gây sức ép với Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền và tôn giáo. Điển hình nhất là Nghị quyết về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam do Nghị viện châu Âu thông qua ngày 26-11-2009. Sau khi Nghị quyết ra đời, Ủy ban và Hội đồng châu Âu đã tạo sức ép đối với Việt Nam về các vấn đề liên quan đến tôn giáo, nhân quyền trong các tiêu chuẩn để thương lượng về hiệp định thương mại tự do FTA.

Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ trong các tờ trình gửi tới EU thường xuyên bày tỏ mong muốn EU gây sức ép để Việt Nam ngừng can thiệp vào các công việc tôn giáo và có các biện pháp cụ thể để ngăn chặn “nạn công an bạo hành”. Gần đây, trong Báo cáo thế giới năm 2021, tổ chức này đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do tôn giáo. Báo cáo này cáo buộc Việt Nam “sách nhiễu và dùng vũ lực đàn áp các nhóm tôn giáo” hoạt động bên ngoài các định chế tôn giáo chính thức do Nhà nước kiểm soát(4).

Bên cạnh đó, các nước như Anh, Ôxtrâylia, Đức cũng thường xuyên đưa ra các Báo cáo nhân quyền liên quan đến Việt Nam, yêu cầu Việt Nam sửa đổi Hiến pháp và các quy định của pháp luật mà theo họ là không tương thích với luật pháp quốc tế. Họ lớn tiếng kêu gọi thả các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” mà thực chất là những đối tượng mượn danh tôn giáo vi phạm pháp luật Việt Nam.

Một số cá nhân, tổ chức cực đoan ở nước ngoài có tư tưởng thù địch với chế độ có quan điểm lệch lạc cho rằng, Việt Nam có “hai chính sách tôn giáo”: chính sách bảo đảm trên hình thức và “chính sách” không bảo vệ, thông qua “cơ chế xin - cho” và tạo lập các “tôn giáo quốc doanh”.

Một số nhóm người Việt sống lưu vong ở nước ngoài có tư tưởng thù địch, chống đối chế độ liên kết trực tiếp hoặc gián tiếp với các tổ chức phản động quốc tế để lên án tất cả các vấn đề của Việt Nam, trong đó có vấn đề tôn giáo. Họ thông qua nhiều hình thức như tổ chức các cuộc hội luận, họp báo, phát tán tài liệu, đăng đàn nhiều quan điểm trên không gian mạng... để tuyên truyền xuyên tạc Đảng và Nhà nước Việt Nam “kiểm soát tôn giáo”, khiến cho các tôn giáo ở Việt Nam bị buộc phải im tiếng hay biến thành công cụ của Nhà nước. Mục đích của những luận điệu này là tập trung gây chia rẽ, khoét sâu mâu thuẫn giữa tôn giáo với chính quyền.

Quan điểm sai trái của một số cá nhân, tổ chức bất mãn trong nước, Việt Nam thực hiện chính sách “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo”, khống chế không gian phát triển của tôn giáo.

Một số tổ chức, cá nhân trong nước tận dụng những kẽ hở của luật pháp và những bất cập, sơ hở trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo để gây bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương. Chúng triệt để lợi dụng các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, cơ sở thờ tự của tôn giáo nhằm chính trị hóa sự việc, kích động hoạt động chống đối, gây tâm lý bức xúc, nghi ngờ trong xã hội.

Một số tu sĩ, chức sắc có mưu đồ xấu và nhận thức lệch lạc nêu vấn đề, muốn có tự do tôn giáo phải thành lập khu tôn giáo tự trị hòng gây chia rẽ đoàn kết tôn giáo.

Một bộ phận tu sĩ, chức sắc tôn giáo nhận được sự hậu thuẫn từ các tổ chức cực đoan trong và ngoài nước cố tình xuyên tạc vấn đề dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, kích động tín đồ đòi “tự do tôn giáo” và “quyền tự trị dân tộc”. Tại Tây Bắc và Tây Nghệ An, họ lập đạo Vàng Chứ để thành lập “Vương quốc Mông tự trị”. Tại Tây Nguyên, họ yêu sách với chính quyền đòi thành lập “Nhà nước Đề Ga độc lập” với quốc giáo là Tin lành Đề Ga. Tại Tây Nam Bộ, họ đòi thành lập “Nhà nước Khơ me Crôm” với “Phật giáo riêng của người Khơ me”. Đây thực chất là mưu đồ “tôn giáo hóa vùng dân tộc thiểu số”, kích động lòng thù hận dân tộc, làm xuất hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan, gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

2. Luận cứ bác bỏ những luận điệu sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam

Về căn cứ pháp lý

Tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là chính sách nhất quán, thể hiện xuyên suốt từ cương lĩnh chính trị đến nghị quyết, văn kiện, báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam và thể hiện rất rõ trong Hiến pháp.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bản Hiến pháp đầu tiên - Hiến pháp năm 1946 đã quy định quyền tự do tín ngưỡng là một quyền hiến định của nhân dân. Quyền tự do tín ngưỡng của công dân tiếp tục được mở rộng nội hàm trong các Hiến pháp năm 1959 và năm 1980. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1992 nhấn mạnh quyền bình đẳng trước pháp luật của các tôn giáo, Nhà nước phải có nghĩa vụ bảo hộ cho các cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”(5).

Cụ thể hóa Hiến pháp, quyền tự do tôn giáo còn được bảo đảm xuyên suốt trong các luật cơ bản. Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự, Luật Giáo dục, Luật Tổ chức Chính phủ đều có điều khoản quy định về bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Trong suốt hơn 35 năm đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng khẳng định: “Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng”(6). Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội VII, Đảng ta khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo”(7). Nghị quyết số 25-NQ/TW và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) làm sâu sắc thêm những nguyên tắc của Đảng về vấn đề tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

Đặc biệt, văn kiện của các kỳ đại hội Đảng đều nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhìn nhận tổ chức tôn giáo như một nguồn lực xã hội và chủ trương: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(8).

Nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng và thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc hội thông qua ngày 18-11-2016, đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tín đồ, chức sắc, các tổ chức tôn giáo và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.

Có thể thấy, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được hiến định và thể chế hóa bằng pháp luật, thể hiện nhất quán hòng chỉ đạo công tác lập pháp tôn giáo.

Từ lý thuyết đến thực tiễn sinh động

Bức tranh khởi sắc về đời sống tôn giáo ở Việt Nam là minh chứng sống động nhất cho quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Với chính sách tôn giáo ngày càng cởi mở, đến nay, Nhà nước đã công nhận 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với khoảng hơn 26 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước(9). Năm 1990, Nhà nước chỉ công nhận 6 tôn giáo thì đến nay số tôn giáo được thừa nhận đã tăng 2,5 lần và con số này sẽ còn tiếp tục tăng.

Cùng với đó là sự gia tăng đáng kể số lượng tín đồ, chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự, cơ sở đào tạo tôn giáo và kinh sách xuất bản hằng năm(10). Điều này cho thấy sự quan tâm và quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong việc hiện thực hóa chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng vào thực tiễn đời sống.

Trên thực tế, xuất phát từ quan điểm đổi mới, tôn giáo ở Việt Nam được nhìn nhận là “một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc”, được tạo điều kiện để thực sự trở thành nguồn lực xã hội quan trọng, đóng góp không chỉ trên phương diện văn hóa, đạo đức mà còn trên các phương diện kinh tế, chính trị, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

Việt Nam đã tích cực đăng cai tổ chức nhiều diễn đàn, hội nghị tôn giáo quốc tế và khu vực, tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế về tôn giáo, thực hiện các cuộc đàm phán ngoại giao với các tổ chức quốc tế về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam.

Trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế, chính sách tôn giáo của Việt Nam ngày càng thông thoáng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo trong nước có mối quan hệ giao lưu, hợp tác với các tổ chức tôn giáo quốc tế(11). Nhiều hoạt động nghi lễ tôn giáo mang tầm khu vực và quốc tế được Nhà nước tạo điều kiện tổ chức như Đại lễ Phật đản Vesak của Phật giáo năm 2008, 2014 và 2019; Lễ Năm thánh 2010 và Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu năm 2012 của Công giáo; Lễ kỷ niệm 500 năm Tin lành cải chính năm 2017 của Tin lành... cho thấy không gian phát triển ngày càng rộng mở của các tôn giáo ở Việt Nam. 

Sự thật không thể phủ nhận

Cùng với quá trình đổi mới chính sách tôn giáo, thành tựu của việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam là hết sức rõ ràng. Dù có vu cáo, áp đặt đến đâu thì sự thật mà cộng đồng quốc tế không thể phủ nhận đó là - Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN về tôn giáo với những đặc điểm của nhà nước thế tục, được xây dựng dựa trên hai chân đế là tự do tôn giáo và chính giáo phân ly. Do đó, luận điệu vu cáo Việt Nam đàn áp, kiểm soát, giới hạn tự do tôn giáo thông qua các điều khoản luật “mơ hồ” là vô căn cứ và thiếu tính khách quan. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo gồm 09 chương, 68 điều, trong đó đưa ra những quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Dựa trên cơ sở pháp lý đó, trong thực tiễn, tín đồ các tôn giáo đều được bảo đảm quyền sinh hoạt tôn giáo theo nghi lễ truyền thống; người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tôn giáo; tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận được đối xử bình đẳng trước pháp luật; chức sắc tôn giáo được tự do truyền đạo và được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo, đây là mô hình mà một số nước trên thế giới lựa chọn và áp dụng, quy định cụ thể trong luật pháp của từng nước chứ không chỉ riêng Việt Nam. Thí dụ, Luật Pháp nhân tôn giáo của Nhật Bản, Luật Tự do lương tâm và các hiệp hội tôn giáo của Liên bang Nga... Việc các nước phương Tây lớn tiếng chỉ trích Việt Nam gây khó khăn cho các nhóm tôn giáo với quy trình nhiều bước, nhất là các nhóm tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo mới hoàn toàn là cách nhìn thiên lệch, thiếu thiện chí.

Quy trình và thủ tục để được công nhận tổ chức tôn giáo ở Việt Nam từ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004 đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã có nhiều bước tiến đáng kể theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức tôn giáo khi có nhu cầu đăng ký. Điển hình là việc giảm bớt thời lượng từ 23 năm xuống còn tối thiểu là 5 năm để tổ chức tôn giáo được công nhận trước pháp luật.

Đối với các nhóm tôn giáo vùng dân tộc thiểu số, Nhà nước Việt Nam đã cấp đăng ký hoạt động và công nhận cho 311 chi hội, 1.742 điểm nhóm của đạo Tin lành ở Tây Nguyên, 14 chi hội và 797 điểm nhóm Tin lành ở khu vực miền núi phía Bắc. Chính trong Báo cáo thường niên năm 2020 của Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã ghi nhận điều này như một nỗ lực tích cực của Việt Nam(12). Đối với các nhóm phái của Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, Bà la môn... hoạt động tại các vùng dân tộc thiểu số cũng được Nhà nước Việt Nam thừa nhận và cho phép tự do hoạt động. Một số nhóm tôn giáo phát triển trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm tôn giáo mới chưa được thừa nhận mà một số luận điệu đánh giá là “bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu” thực chất là các hoạt động lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chẳng hạn, tại Tây Nguyên, các nhóm “Hà Mòn”, “Giáo hội Tin lành Đấng Christ Việt Nam”, “Cây Thập giá Chúa Jêsu Krits” đều muốn tạo lập tôn giáo mới của dân tộc thiểu số với tên gọi “Tin lành Đề ga” hay “Công giáo Đề ga”, tiến tới phát triển thành quốc giáo của “Nhà nước Đề ga tự trị” nhằm thực hiện ý đồ kích động đòi ly khai dân tộc.

Đối với các cá nhân được nhắc tên trong Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế của Hoa Kỳ mà được cho là “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” nêu trong các bản báo cáo nhân quyền của một số nước phương Tây và trên một số diễn đàn xã hội thực chất là những công dân Việt Nam nhân danh tôn giáo để có các hoạt động vi phạm pháp luật, chống đối Nhà nước, làm tổn hại đến an ninh quốc gia.

Việc Nhà nước Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân đó theo quy định của pháp luật là hết sức bình thường bởi quyền lợi luôn đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ. Quyền lực tư pháp không can dự vào khía cạnh tinh thần, nhưng sẽ có những can thiệp cần thiết đối với hành vi lợi dụng giá trị tinh thần để kích động cộng đồng. Do đó, bảo vệ quyền tự do tôn giáo đồng thời phải có sự giới hạn cần thiết đối với quyền tự do tôn giáo nếu quyền này xâm phạm quyền tự do của người khác hoặc gây tổn hại đến phúc lợi công cộng. Điều này là hoàn toàn tương thích với quy định trong khoản 3 điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”(13).

Về luận điệu cho rằng, các tôn giáo ở Việt Nam bị nhìn nhận dưới lăng kính chính trị cũng là hoàn toàn sai lầm, không có cơ sở hiện thực. Các tôn giáo ở Việt Nam tham gia tích cực vào các hoạt động hướng đích xã hội với tư cách là thực thể xã hội, là nguồn lực xã hội. Tôn giáo tham gia phát triển kinh tế thông qua tổ chức sản xuất nông nghiệp, làm đồ thủ công mỹ nghệ, kinh doanh văn hóa phẩm, đồ dùng việc đạo; cung ứng các dịch vụ tâm linh, hướng dẫn tín đồ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất; phát triển du lịch tâm linh... Nhiều chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp). Các tôn giáo tích cực tham gia ký kết chương trình hành động nhằm bảo vệ môi trường, nhiều mô hình điểm được triển khai hiệu quả. Trên lĩnh vực giáo dục, các tôn giáo đóng góp chủ yếu vào hệ thống giáo dục mầm non và dạy nghề. Về y tế, từ thiện nhân đạo, các tôn giáo đóng góp sôi nổi và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận(14).

Theo đó, các luận điệu cho rằng, Việt Nam thực hiện hai chính sách, Việt Nam thực hiện “độc tài cai trị”, “đàn áp tôn giáo” hay “tự do tôn giáo chỉ có được khi thành lập khu tự trị tôn giáo” cũng là sự bịa đặt, vu khống, phải kiên quyết bác bỏ. Đó là những mưu đồ xấu nhằm kích động tư tưởng cực đoan, những nhận thức sai lầm, lệch lạc trong bộ phận người dân có nhận thức mơ hồ về quan điểm tôn giáo, dân tộc và thiếu kiên định lập trường tư tưởng.

Như vậy, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng cho mọi người dân là chính sách nhất quán, luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam nỗ lực thực hiện trong thực tiễn bằng ý chí và quyết tâm cao. Các luận điệu cố tình xuyên tạc, bóp méo sự thật về tự do tôn giáo ở Việt Nam là cái cớ để các lực lượng cực đoan can thiệp vào nội bộ chính sách của Việt Nam, tạo sức ép cho Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế nhằm “cải cách” Việt Nam theo hướng tự do, dân chủ phương Tây, từ đó chuyển hóa chế độ chính trị của Việt Nam. Tuy nhiên, với những thành quả đã đạt được từ lý luận cho đến thực tiễn trong suốt quá trình đổi mới, sự thật về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Chúng ta sẵn sàng nhận diện và đấu tranh không khoan nhượng với mọi mưu đồ lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn là “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” ở Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 540 (tháng 02-2023)

Ngày nhận: 05-8-2022; Ngày bình duyệt: 15-02-2023; Ngày duyệt đăng: 21-02-2023.

 

(1) Xem United States Commission on International Religious freedom: 2021 annual report, https://www.uscirf.gov.

(2), (3) United States Department of State: 2021 Report on International Religious Freedom, https://www.state.gov.

(4) Xem: Human Rights Watch: World Report 2021, https://www.hrw.org.

(5) Hiến pháp năm 2013, https://thuvienphapluat.vn.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.146.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 78.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171.

(9) Bộ Nội vụ: Danh mục các tổ chức tôn giáo được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12-2020; Ban Tôn giáo Chính phủ, Báo cáo tổng kết tình hình công tác tôn giáo năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 (tháng 01-2020).

(10) Năm 1990, nước ta chỉ có khoảng 38.000 chức sắc, nhà tu hành, đến nay tăng lên 61.200 chức sắc, 147.000 chức việc, trong đó tăng nhiều nhất là chức sắc của Phật giáo và của đạo Tin lành. Tín đồ gia tăng khắp nơi trong cả nước. Cơ sở thờ tự của tôn giáo được xây dựng ngày càng nhiều về số lượng và mở rộng về quy mô. Tổng số cơ sở thờ tự trong cả nước là 29.854 cơ sở. Cơ sở đào tạo của tôn giáo so với năm 1990 đã tăng gấp 3 lần, lên đến hơn 60 cơ sở với 17 trường đào tạo trình độ đại học. Hằng năm, hàng trăm ấn phẩm tôn giáo được xuất bản với hàng triệu bản in trên các ngôn ngữ khác nhau như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng dân tộc thiểu số.

(11) Xem Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam, Hội thảo quốc tế Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á, Hà Nội, tháng 9-2006.

(12) Xem: United States Department of State: 2020 Report on International Religious Freedom, https://www.state.gov.

(13) International Covenant on Civil and Political Rights, https://www.ohchr.org.

(14) Xem: Viện Tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Nguồn lực tôn giáo: Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2020, tr 370-379.

TS PHẠM THANH HẰNG

Viện Tôn giáo và tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền