Trang chủ    Bài nổi bật    Vấn đề dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam hiện nay
Thứ sáu, 04 Tháng 8 2023 13:23
7611 Lượt xem

Vấn đề dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và ý nghĩa đối với cách mạng Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Trong thế giới ngày nay, chiến tranh, xung đột, trong đó có xung đột dân tộc đang diễn ra hết sức phức tạp. Vì vậy, chung tay giải quyết xung đột đó theo hướng bảo đảm lợi ích chân chính của các dân tộc là nguyện vọng của nhân loại tiến bộ. Nhân kỷ niệm 205 năm ngày sinh và 140 năm ngày mất của C.Mác, bài viết phân tích những luận điểm cơ bản về vấn đề dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và khẳng định những giá trị của các luận điểm đó đối với cách mạng Việt Nam hiện nay.

Việt Nam đặt tầm nhìn đến năm 2050 trở thành nước phát triển - Ảnh: thanhnien.vn

1. Những luận điểm cơ bản về vấn đề dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản

Cho dù thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi hết sức to lớn song những nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm cơ bản của hệ thống lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề dân tộc - một nội dung quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin là một trong số đó. Chỉ riêng tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã có nhiều luận điểm đặc biệt quan trọng đề cập đến vấn đề dân tộc mà hiện vẫn có ý nghĩa sâu sắc cho giai cấp công nhân, cho chính đảng cộng sản trong quá trình nhận thức và giải quyết vấn đề dân tộc, quan hệ dân tộc.

Vấn đề thứ nhất: Về cơ sở hình thành dân tộc

Với thế giới quan mới - thế giới quan duy vật lịch sử được thể hiện trong các tác phẩm như Gia đình thần thánh, Hệ tư tưởng Đức...và đạt đến độ chín muồi trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, những người sáng lập chủ nghĩa Mác đã xem xét vấn đề dân tộc theo một nguyên tắc mới. Theo đó, mọi hiện tượng lịch sử không còn bị quy giản vào năng lực của cái tinh thần, của thần linh, thượng đế hay ý chí chủ quan của con người mà suy cho cùng do sản xuất vật chất quyết định. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung”(1). Theo ý nghĩa ấy, chính sự thay đổi của sản xuất vật chất đã làm xuất hiện các hình thức cộng đồng người (thị tộc, bộ lạc, bộ tộc). Khi giai cấp tư sản ra đời với tư cách đại diện cho một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn so với các phương thức sản xuất trước đó, do yêu cầu của sản xuất, từng bước dân cư được tập trung, các mối quan hệ xã hội vốn tồn tại khá biệt lập trong từng lãnh địa phong kiến dần được mở rộng... Cứ như thế, từng bước, dân tộc tư sản được hình thành.

Về vấn đề này, vào năm 1874, trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước đã được Ph.Ăngghen nghiên cứu tỉ mỉ và có những bổ sung dựa trên các tài liệu của các nhà dân tộc học đương thời. Theo đó, hình thức cộng đồng người đầu tiên xuất hiện là các thị tộc. Cùng với quá trình sản xuất và đời sống, các hình thức cộng đồng người như bộ lạc, bộ tộc và cuối cùng là dân tộc ra đời.

Quan niệm trên đây đã làm sáng tỏ sự thật lịch sử về sự ra đời của các hình thức cộng đồng người. Lịch sử đó không còn có tính chất thần bí như quan niệm của các tôn giáo hay có tính chất tư biện của các nhà triết học duy tâm. Dân tộc là sản phẩm mà suy cho cùng do sự vận động của sản xuất vật chất đưa lại. Vì thế, vấn đề có ý nghĩa đối với hiện tồn được rút ra là, để gia tăng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ một quốc gia - dân tộc hay giữa các quốc gia - dân tộc với nhau, tất yếu phải gia tăng các mối quan hệ xã hội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống từ kinh tế đến chính trị và các lĩnh vực khác.

Vấn đề thứ hai: Về phương thức hình thành dân tộc

Có thể khẳng định, một trong những phát hiện quan trọng của những người sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin về dân tộc là phát hiện ra các phương thức điển hình trong quá trình hình thành dân tộc trên thế giới. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng đề cập đến vấn đề này. Theo đó, ở châu Âu, về cơ bản, dân tộc được hình thành gắn liền với vai trò của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuyên ngôn cho rằng: “Những địa phương độc lập, liên hệ với nhau hầu như chỉ bởi những quan hệ liên minh và có những lợi ích, luật lệ, chính phủ, thuế quan khác nhau, thì đã được tập hợp lại thành một dân tộc thống nhất, có một chính phủ thống nhất, một luật pháp thống nhất, một lợi ích dân tộc thống nhất mang tính giai cấp và một hàng rào thuế quan thống nhất”(2).

Với các khu vực khác trên thế giới, do những điều kiện lịch sử khác nhau nên các dân tộc ra đời cũng có những đặc thù. Thường thì, ở khu vực châu Á, dân tộc ra đời sớm và gắn liền với vai trò của nhà nước hay ở khu vực Bắc Mỹ, một số quốc gia - dân tộc ra đời do những tác động của quá trình thực dân hóa và hình thành sau các cuộc chiến tranh, xung đột.

Từ quan điểm trên đây, điều có ý nghĩa mà chúng ta có thể rút ra là, các dân tộc ra đời không phải theo một phương thức duy nhất, trái lại, mỗi dân tộc được hình thành theo phương thức nào lại tùy thuộc vào đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng cộng đồng người. Do đó, khi giải quyết vấn đề dân tộc, chính phủ các quốc gia cần đặc biệt quan tâm đến tính đặc thù của mỗi hình thức cộng đồng người để tránh sai lầm chủ quan, áp đặt.

Vấn đề thứ ba: Về quan hệ giữa giai cấp với dân tộc và con đường khắc phục nạn áp bức dân tộc

Kể từ khi giai cấp và sau đó là dân tộc ra đời, giai cấp luôn gắn bó với dân tộc. Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản khẳng định sự thật đó. Theo đó, trong mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc, có một giai cấp tiên tiến nhất, được dân tộc lựa chọn để đại diện cho dân tộc. Khi giai cấp đó trở nên lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của dân tộc thì dân tộc sẽ lựa chọn một giai cấp khác thay thế.

Lịch sử cho thấy, trong thời kỳ đang lên, giai cấp tư sản đang đóng vai trò là giai cấp cách mạng, chính nó là người đại diện cho dân tộc và dân tộc ấy là dân tộc tư sản. Ngược lại, khi giai cấp này đánh mất vai trò của mình, trở thành lực cản của tiến bộ xã hội, tất yếu dân tộc sẽ nảy sinh nhu cầu lựa chọn một giai cấp khác đại diện cho mình. Trong điều kiện ấy, lợi ích của giai cấp tư sản không còn tương dung với lợi ích của dân tộc. Xét theo ý nghĩa ấy, “giai cấp công nhân không có Tổ quốc” bởi Tổ quốc đó là Tổ quốc của giai cấp tư sản.

Nghiên cứu bản chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, C.Mác, Ph.Ăngghen nhận thấy, mặc dù tiến bộ hơn phương thức sản xuất phong kiến, song chế độ tư bản chủ nghĩa không khắc phục được ách áp bức giai cấp cho dù nó được che đậy dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi. Không ai khác, chính giai cấp tư sản là nguyên nhân làm cho phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc, cho dù các học giả tư sản đã cố gắng để biện minh, song rốt cuộc vẫn phải thừa nhận. Đặc biệt, sự bành trướng của chủ nghĩa tư bản ra phạm vi toàn cầu đã làm xuất hiện một hình thức áp bức mới - áp bức dân tộc kiểu tư bản chủ nghĩa.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng áp bức dân tộc trong thời đại tư bản chủ nghĩa, Tuyên ngôn cho thấy, áp bức giai cấp là nguyên nhân dẫn đến áp bức dân tộc. Lý do bởi, để tìm kiếm tư bản, giai cấp tư sản không thể không mở rộng thị trưởng tiêu thụ hàng hóa ra khỏi biên giới quốc gia - dân tộc và việc mở rộng thị trường tư bản chủ nghĩa thường gắn với các cuộc chiến tranh, xâm lược. Theo đó, các hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân ra đời. Không chỉ các quốc gia tư sản hùng mạnh chèn ép các quốc gia tư sản khác mà còn làm xuất hiện một hình thái áp bức mới - tập thể các quốc gia tư sản thôn tính, nô dịch các dân tộc nhược tiểu.

Thực tế trên đây đã đưa C.Mác, Ph.Ăngghen đi đến một kết luận đặc biệt quan trọng rằng, để thanh toán triệt để nạn áp bức dân tộc cần xóa bỏ triệt để nạn áp bức giai cấp trong từng quốc gia - dân tộc và trên phạm vi toàn thế giới. “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”(3).

Tuy nhiên, do vấn đề dân tộc gắn bó chặt chẽ với vấn đề giai cấp bởi cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trên từng địa hạt của từng dân tộc nên cuộc đấu tranh đó đồng thời phải thực hiện cả mục tiêu dân tộc. Về vấn đề này, Tuyên ngôn cho rằng: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là, trước hết giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã”(4) và “Khi mà sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các dân tộc cũng đồng thời mất theo”(5).

Các quan điểm trên đây là những chỉ dẫn đặc biệt quan trọng cho người cộng sản, nhất là trong bối cảnh mới của thời đại. Chỉ dẫn đó lưu ý rằng, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử toàn thế giới, giai cấp công nhân ở mỗi quốc gia - dân tộc trước hết phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp với dân tộc và giải quyết thành công mục tiêu giai cấp và mục tiêu dân tộc, tránh các biểu hiện của chủ nghĩa hư vô dân tộc như V.I.Lênin đã nhiều lần cảnh báo.

Vấn đề thứ tư: Về sự cần thiết phải “trở thành dân tộc” của giai cấp công nhân

Giai cấp và dân tộc có mối quan hệ chặt chẽ. Dưới tác động của giai cấp và cùng với nó là nhà nước, các dân tộc trên thế giới từng bước ra đời (kể cả ở phương Đông và phương Tây).

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, bao giờ cũng có một giai cấp đại diện cho dân tộc. Yêu cầu đặt ra là, giai cấp đó phải đáp ứng được lợi ích không chỉ của giai cấp mình mà còn đáp ứng được lợi ích chân chính của dân tộc. Vì thế, một khi giai cấp cầm quyền trở nên lạc hậu, không đủ sức giải quyết các nhiệm vụ trên thì dân tộc sớm hay muộn, nhanh hay chậm sẽ tự tìm thấy một lực lượng xã hội khác để đại diện cho mình.

Do đó, để hoàn thành sứ mệnh lịch sử toàn thế giới, giai cấp công nhân ở mỗi nước trước hết “phải tự mình trở thành dân tộc”, trở thành người đại diện xứng đáng cho dân tộc, được dân tộc lựa chọn và ủng hộ. Muốn vậy, các chính đảng cách mạng phải thực hiện thành công chức năng tổ chức giai cấp, đồng thời phải tự hoàn thiện bản thân mình. Cần thực hiện chức năng tổ chức giai cấp bởi nhờ nó, giai cấp công nhân không chỉ duy trì được vai trò tiền phong (cả về phương diện kinh tế - kỹ thuật, cả về phương diện chính trị - xã hội), đủ sức đại diện cho những gì tiến bộ nhất của dân tộc mà còn có khả năng củng cố sức mạnh của bản thân mình với tư cách một giai cấp. Mặt khác, bản thân Đảng cũng phải tự tổ chức mình, tự hoàn thiện mình để xứng đáng là bộ tham mưu của giai cấp, đủ sức lãnh đạo giai cấp và dân tộc nhằm thực hiện các mục tiêu của cách mạng. Do đó, trước hết, giai cấp công nhân phải “giành lấy dân chủ”, “phải tự mình trở thành dân tộc”. Về vấn đề này, Tuyên ngôn khẳng định: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”(6).

Vấn đề thứ năm: Về sự đoàn kết giữa các dân tộc

Lịch sử cho thấy, kể từ khi trở thành giai cấp thống trị, giai cấp tư sản không những không thủ tiêu nạn áp bức giai cấp mà còn củng cố, tăng cường nạn áp bức dân tộc, làm gia tăng xung đột giữa các dân tộc. Thế giới hiện đại ngày nay cũng đang chứng kiến hàng loạt xung đột dân tộc thảm khốc mà người phải chịu trách nhiệm trước hết là giai cấp tư sản.

Ngược lại, giai cấp công nhân và những người cộng sản tuyên bố sẽ thiết lập quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc mà xét đến cùng, để thực hiện mục tiêu đó, phải khắc phục triệt để nạn áp bức giai cấp mà trước hết, giai cấp công nhân “phải tự mình trở thành dân tộc”. Điều này cũng có nghĩa, các dân tộc phải được độc lập, bởi không độc lập và thống nhất trong từng dân tộc thì về phương diện quốc tế, không thể thực hiện được sự đoàn kết giai cấp vô sản và sự hợp tác hòa bình và sự tự giác các dân tộc đó để đạt tới những mục đích chung.

Đã hơn 175 năm kể từ ngày Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố đến nay, nhìn lại toàn cảnh thế giới, chúng ta thấy tư tưởng cơ bản của nó vẫn còn có ý nghĩa thời sự sâu sắc. Hiện thế giới có trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hệ thống thuộc địa kiểu cũ của CNTB cơ bản bị xóa bỏ, song xung đột giữa các dân tộc vẫn diễn ra, hòa bình, hữu nghị, hợp tác thật sự giữa các dân tộc vẫn là mục tiêu phấn đấu của nhân loại tiến bộ. Nhiều dân tộc, nhất là dân tộc nhỏ yếu dù được độc lập song vẫn bị chèn ép và ngày càng phụ thuộc vào các nước lớn... Nguyên nhân thật sự của thực trạng đó là gì nếu không phải bởi chủ nghĩa đế quốc hiện đang tạm thời chiếm ưu thế, chi phối cục diện thế giới, nhất là sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu. Để thoát khỏi tình trạng trên, không có con đường nào khác ngoài việc khôi phục độc lập, thống nhất thật sự của các dân tộc dưới ngọn cờ của giai cấp công nhân.

2. Giá trị của các luận điểm về vấn đề dân tộc của C.Mác, Ph.Ăngghen đối với cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

Kể từ khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được công bố đến nay, phong trào dân tộc trên thế giới đã trải qua nhiều thăng trầm, song sức sống của Tuyên ngôn và ý nghĩa thời đại của nó vẫn mang tính thời sự. Thế giới chúng ta hiện vẫn tồn tại tình trạng áp bức giai cấp, áp bức dân tộc cho dù hình thức và nội dung đã có nhiều thay đổi. Xu hướng chủ đạo của thời đại vẫn là hòa bình, hợp tác, phát triển song xung đột, chiến tranh vẫn hiện diện. Hơn một năm qua, cuộc xung đột Nga - Ucraina về một khía cạnh nào đó là xung đột giữa Nga với Mỹ và phương Tây xuất phát từ nhiều nguyên nhân rất phức tạp, song trong đó có nguyên nhân phát sinh từ vấn đề dân tộc cũng như cách ứng xử giữa các dân tộc. Cuộc xung đột này cho chúng ta thêm căn cứ để khẳng định giá trị và ý nghĩa thời đại của các quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về vấn đề dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản.

Với Việt Nam, những chỉ dẫn của Tuyên ngôn về vấn đề dân tộc càng có ý nghĩa hơn bởi Việt Nam là quốc gia đa tộc người, đa tôn giáo nên dễ bị các thế lực phản động lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề củng cố khối đại đoàn kết dân tộc càng khó khăn hơn khi Việt Nam đang trong quá trình phát triển nên chịu nhiều tác động không thuận bởi sự cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, nhất là giữa các nước lớn. Vì thế, giải quyết tốt vấn đề dân tộc trên cả hai tuyến quan hệ, với các quốc gia - dân tộc trên thế giới và trong nội bộ quốc gia - dân tộc là nhiệm vụ nặng nề và cấp bách được đặt ra hiện nay. Điều đó đòi hỏi cần nghiên cứu và vận dụng sáng tạo quan điểm của C.Mác, Ph.Ăngghen về vấn đề dân tộc trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong bối cảnh mới. Theo chúng tôi, có thể bao hàm một số định hướng lớn sau đây:

Thứ nhất, tăng cường các liên kết toàn diện trên các lĩnh vực giữa các quốc gia - dân tộc cũng như giữa các tộc người trong nội bộ quốc gia - dân tộc

Cơ sở của định hướng này là ở chỗ, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã cho chúng ta thấy rằng, dưới tác động của sản xuất và đời sống cũng như để đáp ứng yêu cầu của sản xuất, các hình thức cộng đồng người từ thị tộc cho đến bộ lạc, bộ tộc và dân tộc từng bước ra đời. Theo đó, các mối quan hệ xã hội giữa các thành phần dân cư ngày càng được mở rộng, phát triển và ngược lại chính các mối quan hệ đó lại trở thành cơ sở để duy trì sự tồn tại của các cộng đồng người. Do đó, khi tăng cường các mối quan hệ xã hội sẽ góp phần củng cố khối đoàn kết trong nội bộ từng quốc gia - dân tộc và giữa các quốc gia - dân tộc với nhau.

Mặt khác, thực tiễn lịch sử cũng cho thấy, mỗi khi có sự gia tăng mối quan hệ giữa các dân tộc, nhân loại lại có thêm diện mạo mới theo hướng phát triển và trường hợp Việt Nam không phải là ngoại lệ. Kể từ ngày đổi mới, theo chủ trương tích cực, chủ động hội nhấp quốc tế, thế và lực của đất nước đã có sự chuyển biến rất tích cực. Ở trong nước, đoàn kết dân tộc được giữ vững, tăng cường, nội lực dân tộc được phát huy... Do đó, tận dụng mọi cơ hội của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế trên cơ sở độc lập về đường lối trong bối cảnh mới là phương châm để xây dựng đất nước hùng cường, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Thứ hai, giải quyết đúng đắn quan hệ giai cấp - dân tộc

Lý luận mácxít về dân tộc nói chung và Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản nói riêng khẳng định, giữa dân tộc và giai cấp có mối quan hệ rất chặt chẽ. Để giải quyết triệt để tình trạng áp bức dân tộc cần khắc phục triệt để căn nguyên dẫn đến tình trạng đó, đó là nạn áp bức giai cấp. Tuy nhiên, cần lưu ý ý kiến của C.Mác, Ph.Ăngghen, rằng, cuộc đấu tranh giai cấp trước hết diễn ra trên địa hạt dân tộc nên giai cấp công nhân trước hết phải đủ sức đại diện cho dân tộc, phải “tự mình trở thành dân tộc”. Do đó, ngoài mục tiêu giai cấp, nó cần và phải giải quyết mục tiêu dân tộc.

Bài học lịch sử cho thấy, nhờ giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập cho dân tộc, vững bước tiến lên xây dựng chế độ XHCN. Trong công cuộc đổi mới, việc giải quyết đúng đắn quan hệ giữa giai cấp và dân tộc đã đưa lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó càng khẳng định rằng, Đảng ta không chỉ đại diện cho giai cấp mà còn là người đại diện chân chính cho dân tộc. Do đó, để tiếp tục đưa đất nước tiến lên cần tiếp tục kiên định mục tiêu giai cấp, đồng thời “Bảo đảm cao nhất lợi ích của quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(7) nhằm nâng cao đời sống mọi mặt của người dân, tăng cường nội lực dân tộc, đồng thời giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu của CNXH.

Thứ ba, Đảng phải xứng đáng là người đại diện cho lợi ích chân chính của dân tộc

Xứng đáng trở thành người đại diện chân chính cho lợi ích của giai cấp và của dân tộc là mục tiêu, là phương châm hành động của Đảng ta, đồng thời là yêu cầu khách quan nhằm giữ vững và tăng cường vai trò của một chính đảng cộng sản cầm quyền. Để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang ấy, nhất thiết Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”. Muốn vậy, không có sự lựa chọn nào khác, Đảng phải tự chỉnh đốn, tự phát huy nội lực, tự trưởng thành và phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập nhiều lần. Trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: để “chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta cũng khẳng định: “Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng”(8).

Thứ tư, kiên định nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc

Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã thể hiện rõ mục đích cuối cùng của người cộng sản là xóa bỏ mọi hình thức áp bức giữa con người với con người và giữa các dân tộc để con người hoàn thiện chính mình và bộc lộ nhân tính một cách tự do. Tư tưởng rất đúng đắn và hết sức nhân đạo trên đây ngày nay đã được long trọng ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc và trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng khác. Bình đẳng dân tộc đã trở thành một quyền dân tộc cơ bản, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, thừa nhận. Trong bối cảnh hiện nay, mặc dù việc bảo đảm các quyền cơ bản của dân tộc đã có những bước tiến dài, song ách áp bức dân tộc vẫn tồn tại, nhiều dân tộc nhỏ yếu vẫn bị các nước lớn chèn ép, do đó cuộc đấu tranh của nhân loại tiến bộ nhằm bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản vẫn cần được thúc đẩy.

Với Việt Nam, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta nhất quán chủ trương thiết lập quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác với các dân tộc trên thế giới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”(9).

Trong nội bộ quốc gia - dân tộc, chúng ta nhất quán thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc. Kiên trì nguyên tắc, Văn kiện Đại hội XIII khẳng định “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”(10).

Trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế diễn ra quyết liệt, nhất là giữa các nước lớn, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Thực tiễn chính trị hiện đại cho thấy, nhiều dân tộc nhỏ yếu bị áp lực trong việc lựa chọn mục tiêu, con đường để phát triển. Nếu thiếu sự độc lập, tự chủ, có thể những nước này sẽ trở thành công cụ của các cường quốc và phải gánh chịu nhiều hệ lụy tiêu cực cho dân tộc mình. Trong bối cảnh đó, thái độ đúng đắn nhất là kiên trì theo đuổi nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước và thỏa thuận quốc tế, đồng thời kiên quyết lên án mọi hành vi sử dụng bạo lực hay đe dọa sử dụng bạo lực trong quan hệ quốc tế, phấn đấu cho một thế giới công bằng, bình đẳng hơn giữa các dân tộc, các quyền dân tộc cơ bản được bảo đảm. Theo đó, Việt Nam “không chọn phe mà chọn công lý, lẽ phải”. Đó là thái độ đúng đắn nhất trong bối cảnh thế giới rất phức tạp hiện nay.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 543 (tháng 5-2023)

Ngày nhận bài: 18-4-2023; Ngày bình duyệt: 08-5-2023; Ngày duyệt đăng: 22-5-2023.

 

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.14.

(2), (3), (4), (5), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.603, 624, 611, 624, 623-624.

(7), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.110, 191, 161, 170.

PGS, TS HỒ TRỌNG HOÀI

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền