Trang chủ    Bài nổi bật    Giá trị bền vững của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội
Thứ hai, 23 Tháng 10 2023 22:42
917 Lượt xem

Giá trị bền vững của "Đề cương về văn hóa Việt Nam" trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội

TS PHẠM DUY VỤ
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
TS HÀ TRỌNG SỨC
Trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng

(LLCT) - Qua tám thập kỷ với nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, đến nay Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị lý luận, là một cương lĩnh về văn hóa cách mạng, có vai trò to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bài viết góp phần khẳng định giá trị bền vững của Đề cương trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và trong xây dựng môi trường văn hóa Quân đội.
 

Cán bộ, chiến sĩ mới Tiểu đoàn 11 (Phòng Tham mưu Sư đoàn 363) giao lưu văn nghệ trong giờ giải lao trên thao trường - Ảnh: phongkhongkhongquan.vn

1. Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc

Đề cương về văn hóa Việt Nam là hệ thống các quan điểm có tính chất khái lược, vắn tắt về văn hóa nhưng có tầm vóc của lý luận cách mạng và khoa học. Với tính cách là Đề cương nên chỉ bao gồm những quan điểm, luận điểm then chốt, có tính định hướng cơ bản nhưng hoàn chỉnh về kết cấu lôgíc và nội dung khoa học cũng như ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn cách mạng.

Đề cương về văn hóa Việt Nam vừa là lý luận phản ánh, khái quát tính quy luật phát triển, vừa là quan điểm chỉ đạo chiến lược của Đảng cho phát triển văn hóa Việt Nam trong thời đại mới. Nội dung quan trọng, thể hiện vai trò to lớn của Đề cương là những nguyên tắc căn bản cho phát triển văn hóa và tư tưởng chỉ đạo cuộc vận động về văn hóa phục vụ trực tiếp cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó là nguyên tắc về vai trò của Đảng lãnh đạo; nguyên tắc về mối quan hệ giữa cách mạng văn hóa với cách mạng chính trị; nguyên tắc vận động văn hóa bảo đảm ba nội dung: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa v.v..

Sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam là bước phát triển, cụ thể hóa những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về một nền văn hóa mới - văn hóa XHCN và mang đặc sắc văn hóa Việt Nam, sát thực với tình hình nhiệm vụ bức thiết lúc bấy giờ. Nhờ tính khoa học, cách mạng của Đề cương, đã đánh bại sự xâm nhập văn hóa của thực dân Pháp, văn hóa của phát xít Nhật và các trào lưu văn hóa của các thế lực phản động trong nước mà đại diện là giới văn nghệ sĩ “ôm chân” thực dân, đế quốc. Đề cương đã khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc vận động ở lĩnh vực văn hóa đến đỉnh cao và góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tiếp nối vai trò trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, gian khổ, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục chiếu rọi làm thức tỉnh, phát huy tinh thần cách mạng toàn dân tộc trong tình hình, nhiệm vụ mới. Đề cương đã thúc đẩy các phong trào, cuộc vận động về văn hóa với nghĩa “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”; “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” theo tư tưởng Hồ Chí Minh một cách sâu rộng. Đề cương đã huy động, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc cùng hướng đến mục tiêu giải phóng đất nước khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp tục chứng minh vai trò to lớn của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong cuộc vận động về văn hóa phục vụ kháng chiến.

Khi đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam, lĩnh vực văn hóa phải đối mặt với sự chống phá mới với tính chất gay go, phức tạp, quy mô rộng lớn hơn. Đó là sự thử thách mới và lớn đối với Đề cương về văn hóa Việt Nam. Các trào lưu văn hóa phản động ở miền Bắc biểu hiện qua hoạt động tuyên truyền cho “nghệ thuật vị nghệ thuật” và ở miền Nam là sự du nhập lối sống kiểu Mỹ, âm mưu làm tê liệt văn hóa dân tộc. Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục định hướng cho sự phát triển xu hướng văn hóa “nghệ thuật vị nhân sinh”, đánh bại trào lưu của giới văn nghệ sĩ theo tư tưởng “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đưa sự nghiệp cách mạng XHCN miền Bắc đạt nhiều thành tựu, thật sự là hậu phương lớn của cách mạng miền Nam. Vai trò của Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện qua sự thôi thúc cả nước ra trận theo tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”.

Ở miền Nam, dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, mặc dù văn hóa bị ảnh hưởng, lai căng theo kiểu chủ nghĩa thực dân mới, nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn soi sáng, thức tỉnh nhân dân miền Nam đứng lên chống đế quốc Mỹ một cách ngoan cường. Trải qua hơn 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, vai trò của Đề cương đã phát huy đến đỉnh cao thời đại, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4-1975) giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH. Thắng lợi này có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là thực hiện tốt cuộc vận động về văn hóa theo định hướng của Đề cương, tạo nên sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Sức mạnh văn hóa được định hướng từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 tiếp tục phát huy trong các cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc và chống cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, phản động. Trong điều kiện muôn vàn khó khăn, đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, hậu quả nặng nề, nhưng truyền thống văn hóa đánh giặc giữ nước vẫn phát huy và tạo nên sức mạnh đánh bại quân xâm lược biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nhìn lại lịch sử từ khi ra đời đến nay, Đề cương về văn hóa Việt Nam luôn có vai trò to lớn trong phát triển nền văn hóa đúng hướng, đúng quy luật, đồng thời là một trong những chứng cứ khoa học minh chứng cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh từ tầng sâu văn hóa cho phép Đảng, Nhà nước và toàn dân ta vượt qua những khó khăn, gian khổ, đi đến thắng lợi cuối cùng là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

2. Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay đang phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức lớn từ cả bên trong và bên ngoài. Các thế lực thù địch lợi dụng toàn cầu hóa về kinh tế, hội nhập quốc tế, đặc biệt là tận dụng triệt để lĩnh vực văn hóa hòng chống phá quyết liệt sự nghiệp xây dựng đất nước ta. Chúng âm mưu cài cắm, cấy ghép những yếu tố của văn hóa phương Tây vào văn hóa Việt Nam, từng bước thực hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách tinh vi, khó nhận diện, đe dọa nghiêm trọng sự tồn vong của dân tộc, của chế độ XHCN từ lĩnh vực văn hóa.

Vai trò của Đề cương về văn hóa Việt Nam trong tình hình mới thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

Một là, Đề cương về văn hóa Việt Nam tiếp tục là cơ sở xác định tính chất văn hóa trong mục tiêu bảo vệ vững chắc Tổ quốc

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc là mục tiêu trực tiếp, trước mắt để tiến tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN còn mang tính chất chính nghĩa, nhân văn, trái ngược với mục tiêu xâm chiếm, xâm lược phi nghĩa của các thế lực thù địch.

Đề cương về văn hóa Việt Nam là kiểu mẫu về xác định, giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu cuối cùng là CNXH với các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn nhất định. Đề cương chỉ rõ: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội... Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau)”(1).

Tư tưởng cơ bản trên là cơ sở xác định chính xác mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công CNXH. Mục tiêu đó quy định các mục tiêu cụ thể ở từng giai đoạn, ở tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị, văn hóa, xã hội. Giữ vững định hướng XHCN vừa là mục tiêu, vừa là nội dung và cách thức cơ bản nhất cho thực hiện mục tiêu cuối cùng là xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam. Ở mỗi lĩnh vực khác nhau, có mục tiêu, nội dung, cách thức khác nhau, nhưng cùng bảo đảm nguyên tắc giữ vững định hướng XHCN. Giữ vững định hướng XHCN được hiểu như nguyên tắc có tính “bất biến” cho các bước vận dụng, cụ thể hóa lý luận một cách sát thực.

Định hướng XHCN trở thành cái chung được khẳng định từ thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN qua hơn 35 năm đổi mới ở nước ta. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam từng bước nhận thức ngày càng đúng đắn hơn, sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; từng bước khắc phục một số quan niệm đơn giản trước đây như: đồng nhất mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa xã hội với nhiệm vụ của từng giai đoạn trước mắt; nhấn mạnh một chiều quan hệ sản xuất, chế độ phân phối bình quân, không thấy đầy đủ yêu cầu phát triển lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ, không thừa nhận sự tồn tại của các thành phần kinh tế; đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản; đồng nhất nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản...”(2).

Có thể thấy, Đề cương về văn hóa Việt Nam đã đặt cơ sở vững chắc cho xác định đúng đắn tính chất văn hóa trong các mục tiêu cụ thể. Tính chất nhân văn trong mục tiêu bảo vệ Tổ quốc quy định sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự đoàn kết, thống nhất. Sự tham gia của toàn dân trong bảo vệ Tổ quốc bao hàm đặc điểm của cuộc vận động văn hóa; phong trào quần chúng rộng rãi.

Đề cương về văn hóa Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò văn hóa đối với cách mạng, huy động sức mạnh của toàn dân vào thực hiện nhiệm vụ chính trị giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc hiện nay cũng phải thể hiện rõ tính chất, đặc điểm văn hóa ở tính chính nghĩa. Vận dụng, cụ thể hóa vai trò của Đề cương vào xác định tính nhân văn của bảo vệ Tổ quốc để khơi dậy tinh thần yêu nước, sự đoàn kết toàn dân tộc trong bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cơ sở xác định chủ trương, đường lối văn hóa

Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay không chỉ là quá trình chính trị, quân sự, mà còn mang đặc điểm của quá trình, cuộc vận động văn hóa. Truyền thống về quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc,... mang đặc điểm của văn hóa, bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc điểm đó được khái quát, kết tinh, cô đọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng, đặc biệt trong Đề cương về văn hóa Việt Nam chỉ rõ: “Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa”(3).

Từ khi Đề cương ra đời đến nay, Đảng ta luôn có những bước bổ sung, phát triển, cụ thể hóa quan điểm về văn hóa cũng như phát huy vai trò của văn hóa một cách sáng tạo nhưng luôn trung thành tuyệt đối với những nguyên tắc căn bản của Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam là không chỉ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vùng trời, vùng biển, mà còn bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, v.v.. Nội dung trên cho thấy, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN có tính toàn diện, tổng thể, đòi hỏi phải tập hợp tất cả các lực lượng ở tất cả các lĩnh vực mà hàng đầu là lĩnh vực văn hóa. Đó là quy luật sinh tồn và cũng là tính đặc thù, độc đáo của dân tộc Việt Nam đã từng diễn ra trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nếu không giữ vững được bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa mới XHCN thì sẽ trực tiếp đe dọa đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất, đó là lẽ dĩ nhiên, là quy luật sinh tồn.

Ba là, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cơ sở định hướng phát huy sức mạnh của văn hóa đối với tạo dựng, củng cố, phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc

Đề cương về văn hóa ẩn chứa nội dung, vai trò của sức mạnh văn hóa đối với phát triển dân tộc theo mục tiêu, con đường đi lên CNXH. Sức mạnh đó có tính tổng hợp từ tầng sâu lịch sử truyền thống văn hóa với sức mạnh thời đại; sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc và mang đặc trưng của sức mạnh “nội lực” bên trong là văn hóa dân tộc. Điều đó đã được Đề cương về văn hóa Việt Nam khái quát thành tính quy luật sinh tồn của dân tộc ở các giai đoạn lịch sử. Mỗi giai đoạn có đặc trưng văn hóa khác nhau, nhưng thống nhất ở tư tưởng về phát huy vai trò văn hóa đối với phát triển đất nước. Đề cương về văn hóa Việt Nam chỉ rõ: “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”(4)

Trong thời kỳ đổi mới, tiềm năng, sức mạnh nội lực từ văn hóa được khơi dậy, phát huy ngang tầm nhiệm vụ. Công trình khoa học Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới của Hội đồng lý luận Trung ương xác định: “Quán triệt sâu sắc, quyết tâm, tích cực vận dụng, phát triển và  thực hiện sáng tạo Nghị quyết, đưa Nghị quyết vào cuộc sống là nhân tố thúc đẩy văn hóa nước ta phát triển lên tầm cao mới, thật sự trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển bền vững đất nước”(5).

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay càng phải bám sát định hướng của Đề cương về văn hóa Việt Nam để tạo dựng, củng cố, phát huy sức mạnh tổng hợp từ lĩnh vực văn hóa. Bảo vệ vững chắc Tổ quốc mang đặc trưng của quá trình văn hóa thì sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nội sinh cũng phải từ cuộc vận động về văn hóa. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán tư tưởng “tự lực cánh sinh” để tạo dựng sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nội lực để thực hiện mục tiêu cách mạng. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch từ văn hóa đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

3. Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Xây dựng môi trường văn hóa nói chung và xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng là vấn đề quan trọng để hiện thực hóa những quan điểm định hướng, chỉ đạo của Đảng. Xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội là quá trình tạo dựng, củng cố, phát triển, phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa quân sự trong toàn xã hội. Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” là sản phẩm được sinh ra, trưởng thành và phát huy từ môi trường văn hóa ở các đơn vị. Những phẩm chất, đức tính hy sinh và năng lực làm chủ suy nghĩ, hành vi trong ứng xử của “Bộ đội Cụ Hồ” đều được tôi luyện từ môi trường văn hóa quân sự trong Quân đội ta.

Tính nhân văn của xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội là kết quả của quá trình vận dụng, cụ thể hóa vai trò văn hóa trong Đề cương về văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực này. Trong điều kiện hiện nay, có nhiều đặc điểm mới nhưng vai trò định hướng cũng như chỉ đạo của Đề cương vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa cách mạng, khoa học đối với xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội.

Việc định hướng, chỉ đạo của Đảng về xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội luôn được quán triệt, vận dụng sáng tạo và thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần tiếp tục khai thác giá trị, vận dụng, cụ thể hóa Đề cương về văn hóa Việt Nam một cách sát thực với tình hình mới.

Một là, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cơ sở khoa học xác định, hoàn thiện tính nhân văn trong tiêu chí xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội

Một trong những nội dung quan trọng của xây dựng môi trường văn hóa nói chung và trong Quân đội nói riêng là chuẩn hóa tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng môi trường văn hóa. Tiêu chí đánh giá luôn bao hàm mục tiêu, sự định hướng có tính nhân văn cho các chủ thể xây dựng môi trường văn hóa.

Đề cương về văn hóa Việt Nam chỉ rõ: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”(6). Tinh thần đó cho thấy, hệ thống các tiêu chí đánh giá xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội luôn thống nhất giữa kinh tế với chính trị và văn hóa. Tính chất nhân văn quy định sự đầu tư cho xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội phải có chất lượng, hiệu quả cụ thể, không bị lãng phí, tiết kiệm cho đất nước. Mục tiêu này đặt ra vấn đề không lạm dụng kinh phí một cách tùy tiện, không đúng với yêu cầu về chất lượng, hiệu quả. Tiêu chí về chính trị là phải hướng đến xây dựng, củng cố vững chắc vấn đề chính trị, quân sự. Tiêu chí về văn hóa là bảo đảm mỗi nhân tố của môi trường văn hóa trong Quân đội đều có giá trị về tính nhân đạo, nhân văn, trong sáng về tình thương yêu đồng chí, đồng đội; làm giàu đời sống tinh thần, tạo cho cán bộ, chiến sĩ yêu thích đơn vị như quê hương, gia đình của mình.

Hai là, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cơ sở khoa học xác định nội dung xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội

Xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội phải có những nội dung cụ thể, mang đặc trưng của văn hóa chính trị, quân sự. Đề cương về văn hóa Việt Nam xác định ba nguyên tắc vận động văn hóa cụ thể. Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, để văn hóa Việt Nam phát triển độc lập). Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng). Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Khi cụ thể hóa vào xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội hiện nay thì tinh thần, bản chất của những nguyên tắc trên thấm sâu vào từng nội dung của môi trường văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội không để cho những tàn tích văn hóa lạc hậu nảy sinh cũng như không để cho những yếu tố văn hóa ngoại lai xâm nhập vào đời sống tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội phải mang tính đại chúng sâu sắc, triệt để. Tức là mỗi cán bộ, chiến sĩ thực sự là chủ thể tích cực tham gia vào xây dựng môi trường văn hóa, tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi, thường xuyên, liên tục. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội phải có tính khoa học, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, có chương trình, kế hoạch và phương pháp phù hợp.

Ba là, Đề cương về văn hóa Việt Nam là cơ sở khoa học cho đấu tranh với những tàn tích văn hóa lạc hậu và sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai trong Quân đội

Xác định tính chất đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa nói chung và trong xây dựng môi trường văn hóa nói riêng rất quan trọng. Nó giúp cho các chủ thể có nhận thức đúng, tính chủ động cao, thái độ, trách nhiệm tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa. Nếu không, rất dễ hoang mang, dao động, thậm chí nhụt ý chí trước những khó khăn, phức tạp.

Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện rõ tính chất đấu tranh không khoan nhượng với các lực cản từ tàn tích văn hóa lạc hậu và sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn hóa. Đề cương chỉ rõ: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm, v.v.. Nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hóa quá trớn của bọn tờrốtkít”(7).

Tinh thần, bản chất của Đề cương là cơ sở cho xác định tính chất, đặc điểm xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức thực hiện âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, lợi dụng lĩnh vực văn hóa để du nhập, cấy ghép những nhân tố văn hóa ngoại lai vào đời sống tinh thần bộ đội. Những hiện tượng cũng như sự tác động tiêu cực hợp thành hệ thống những lực cản quá trình xây dựng môi trường văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiêp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”(8).

Như vậy, Đề cương về văn hóa Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện vai trò to lớn đối với xác định tính chất đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện phản văn hóa trong xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội một cách thiết thực. Chất lượng, hiệu quả của xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội hiện nay phục thuộc trực tiếp vào sự quán triệt, vận dụng, cụ thể hóa tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam một cách sát thực.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 545 (tháng 7-2023)

Ngày nhận bài: 7-6-2023; Ngày bình duyệt: 9-7-2023; Ngày duyệt đăng: 24-7-2023.

(1), (3), (4), (6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.318-319, 316, 316, 316, 319.

 (2), (8) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.23-24, 25.

 (5) Hội đồng lý luận Trung ương: Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.392.  

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền